Mưa phùn

Thứ Hai, 10/08/2020 00:15

.LÊ MINH HẢI

Vào cuối đông, đầu xuân là khoảng thời gian có mưa phùn. Mưa thường kéo dài hai ba ngày, thậm chí tới cả chục ngày ròng làm cho thời tiết càng thêm rét buốt. Ở thôn quê, cuối đông đang là lúc nông nhàn, bởi vậy mọi người thường tụ tập ở gian bếp nhỏ đốt lửa sưởi. Sự ấm áp đâu chỉ tỏa ra từ ngọn lửa, mà còn đến từ lòng người đem lại cho nhau.

Bố đem những khúc rễ cây to, ngoằn ngoèo, ghếch vào bếp, đôi khi cũng là những gốc tre khô với những chiếc rễ tua tủa, như thế mới sưởi được lâu. Ban đầu, lửa chưa bén, khói um cả bếp, sau đó lửa bén dần, chúng liếm những khúc củi, cười lép bép. Những tàn lửa bay lên trông thật vui mắt. Ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi, uốn lượn hoặc xiên chéo trông như những sợi chỉ mỏng giăng khắp không gian một màu trắng đục mịt mờ như sương. Trước sân, mấy luống rau mẹ trồng dường như cũng không chịu nổi rét, những chiếc lá gù xuống như muốn ôm vào đất. Mấy con gà lười đi kiếm mồi, chúng co ro quanh gốc chuối, rúc đầu vào nhau có vẻ thân thiết lắm. Chốc chốc có cơn gió tới làm tốc một đám lông gà lên, mảng thịt hở ra đỏ bầm vì rét.

Trong gian bếp ấm cúng, mọi người vẫn quây quần nói chuyện, thì cũng chỉ quẩn quanh chuyện ruộng đồng, làng xóm. Đôi khi một vài người láng giềng cũng chạy sang góp vui, những câu chuyện cứ thế mà thêm rôm rả. Có bận, mẻ cau của bà bị thiếu nắng, bà đem đặt những miếng cau lên chiếc sàng, cời than sang một bên để sấy cau. Mùi cau sấy là một mùi rất đặc trưng, tôi không diễn tả nổi và nó đi theo tôi rồi tỏa ra trong những mùa mưa phùn. Mẹ thì thường hay đem ngô ra rang. Ngô được trút vào chảo kêu lao xao. Mẹ đảo ngô đều tay, một lúc ngô đã ngấm hơi lửa, nổ tanh tách trong chảo, có hạt còn nảy lên cả thành chảo. Mùi ngô rang tỏa ra thơm khắp gian bếp. Rồi ngô chín, mẹ đổ ngô ra rổ, những hạt ngô căng mẩy thơm tho mời gọi lũ trẻ con chúng tôi. Cả nhà ăn ngô ngon lành, và tất nhiên những tiếng cười cũng giòn như ngô rang, có lẽ ai cũng quên những mưa phùn, gió bấc ngoài kia.

Cuối đông, rét lắm nhưng mẹ vẫn phải đi cày bừa để gieo mạ cho vụ chiêm. Lúc mẹ về thể nào cũng có quà cho anh em tôi, đó là con cua, con tôm, có khi là vài chú cá rô, cá diếc. Chúng bò lổm ngổm, giãy đành đạch trong giỏ, làm cho chúng tôi háo hức, mừng vui. Tôi đem chúng vào bếp nướng, mùi thơm ngậy bay lên khiêu khích, làm nước bọt tôi ứa ra. Cái cảm giác đó sao mà khó quên đến thế. Những con cá nướng vàng ươm thơm ngậy ấy chả mấy chốc đã được lưỡi tôi đưa vào giữa hai hàm răng, nghiền nát chúng. Cá nướng đã ăn xong mà mùi vị vẫn còn ở lại mãi. Chú mèo lúc trước còn kêu ngoao ngoao đòi ăn nhưng khi đã chén no mấy đầu cá, nó nằm cuộn tròn ngoan ngoãn bên bếp lửa, mắt lim dim thỏa mãn.

Dạo ấy cô Thắm nhà bên tuổi đang độ xuân thì, cô không phải là cô gái sắc nước hương trời nhưng cũng khá nhiều người để ý bởi cô có một thân hình đầy đặn mà lại có duyên (ấy là tôi nghe mấy chú trong xóm nói thế). Cô thường hay sang bếp nhà tôi sưởi vào mỗi tối trời mưa phùn. Nhờ cô Thắm mà gian bếp nhà tôi đông vui hẳn lên. Cô Thắm phải lòng chú Thiết, hai cô chú cùng hay sang sưởi bếp nhà tôi. Thường, mọi người đi ngủ sớm hơn để tạo điều kiện cho cô chú tìm hiểu nhau. Hai người nhỏ to tâm sự rất khuya, thi thoảng có tiếng cười khúc khích rất khẽ của cô Thắm. Bếp lửa vẫn âm ỉ cháy tỏa hơi ấm. Chú Thiết nắm tay cô Thắm và nói: “Em làm vợ anh nhé!”. Cô Thắm không nói gì chỉ cúi đầu gật gật. Bỗng cô nhìn lên, đôi mắt long lanh ươn ướt ánh lên ngọn lửa: “Anh đừng có quên lời đấy”. Chú Thiết nhìn cô Thắm đắm đuối, rồi họ ôm siết lấy nhau. Hai con người ấy dường như chẳng muốn tách nhau ra, tim họ rộn ràng những nhịp đập mê say. Ngoài trời mưa rơi dày thêm, không gian càng thêm rét buốt. Tôi cứ tưởng rằng cặp đôi ấy sẽ lấy nhau, nhưng không, chẳng hiểu vì lí do gì mà gia đình hai bên quyết tâm ngăn cấm. Cô Thắm buồn lắm, mắt cô không còn trong veo như trước, nó trở nên đờ đẫn và mờ đục như màn mưa bụi ngoài kia. Thế rồi cả hai cũng đều có gia đình, ai cũng phải vun vén cho cái tổ ấm của mình. Ngỡ rằng thời gian sẽ làm phai nhòa đi tất cả, nhưng mỗi năm lại một mùa mưa phùn, nó gợi lại trong trái tim người yêu thương nhớ nhung về mối tình năm cũ.

Phải chăng mưa phùn luôn gợi cho người ta nỗi buồn. Tôi thì thấy trong màn mưa sự ấm áp và tiếng cười từ bếp lửa ngày xưa dội về nồng đượm thân thương!

L.M.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)