. TỐNG PHƯỚC BẢO
Ba Lên điện thoại réo mấy anh em trong gia đình tụ họp lại. Chưa ngồi ấm chỗ đã vội vàng thông báo tin động trời. Chết thật, má bả làm cái gì kì vậy, bạn em làm ở xã nói má nộp đơn li dị. Gọi cho tía thì tía nói không có về nhà cả tháng nay. Tía bận xây nhà cho đồng đội. Khó khăn lắm mới xin được tiền tài trợ, mùa mưa giông tới nơi, phải tranh thủ làm. Hai Tiến nghe gật gù, ông già hồi nào cũng vậy, chuyện nhà có lo đâu, chỉ lo chuyện thiên hạ mấy chục năm rồi, giờ về hưu cũng còn cáng đáng. Chắc bả giận thôi.
Minh họa: Tô Chiêm
Con út Trước ngồi ngoe ngoảy, hời ơi hời, tại mấy ông mấy bà không biết. Má bả nói tía đòi bán đất. Tía nói tía muốn tặng cho bà Lành một ít để bỏ ngân hàng, rồi tới tháng rút lời ra xài dưỡng già. Má bả giận quá chừng. Nào giờ cứ có cái gì tía cũng bà Lành, bà Lành. Tàn cuộc chiến ngót chừng mấy mươi năm rồi chưa bao giờ tía trọn vẹn tình nghĩa với má.
Mấy người anh chưng hửng quay qua nghe con em út nói thở dài thườn thượt. Đám anh em từ ngày bôn ba kéo nhau lên Sài Gòn lập thân, chẳng dám nói giàu có gì, nhưng cũng đủ đầy cơm lành canh ngọt. Hàng tháng đều đặn mỗi đứa gởi chút ít tiền cho tía má sống. Chẳng bao giờ hỏi lương hưu tía làm gì. Chẳng bao giờ ngó tới đất đai vườn tược nhà ra sao. Vì đứa nào cũng nghĩ của ông bà già. Chừng trăm tuổi về với đất, thì cũng là để lại cho cháu con, có chốn mà đi về mỗi bận giỗ chạp hay thờ tự đàng hoàng. Nhưng mà nay cái vụ bán đất lấy tiền cho bà Lành thì nghe hơi chõi tai.
Mà cũng chẳng ai biết tại sao bà Lành lại được tía quan tâm hơn trong những gia đình cựu chiến binh khác. Hay tuổi này rồi tía đâm ra sanh tật. Thằng Phía cứ thấp thỏm. Vậy tội bà già quá chừng. Để tui về coi sao. Kì này mà có thiệt hen, tui là tui từ ông già cho coi. Bà con chòm xóm họ cười chắc thúi mặt. Bán đất bán hết ruộng vườn, tui rước má lên đây ở với tui. Còn ông già ôm đồ qua ở với bà Lành. Tiền chia đôi. Coi thử người ta lấy ổng hay lấy tiền. Hết tiền rồi thì cũng bị bỏ cho coi. Xứ mình dạo này mấy cái vụ sanh tật vậy nhiều lắm.
Phía tính nóng, lại là đứa thương má nhất nhà. Nó cũng là đứa từ lúc sanh ra tới tận năm hai tuổi mới nhìn được tía. Bận đó tía được cử ra Hà Nội học. Ngày tía đi, má ôm bụng bước qua tháng thứ tám, tía dùng dằng dở dở ương ương. Nhưng má khuyên, má tự lo được, lệnh cấp trên điều động đi là phải đi. Nhà cửa cũng có hai Tiến hay ba Lên phụ. Chòm xóm cũng đâu ai nỡ bỏ. Tía đi, nhưng dặn mấy ông bạn, sáng chiều hai cữ phải ghé sang dòm ngó má. Ngặt cái thằng Phía thúc sanh vào ban đêm. Mình má với hai đứa con, lon ton đi bộ từ nhà ra trạm y tế xã. Mấy bận thằng Phía đạp thúc mạnh quá, má dựa ngay gốc bần mà khấn, con thương má thì để má ra tới trạm. Đồng không mông quạnh, đẻ ở đây sao mà xoay xở. Năm đó hai Tiến mới mười hai, ba Lên thì lên mười, có biết làm gì đâu. Đứa xách cái giỏ đệm, đứa cầm theo cái bình thủy, thấy má nó đau quá thì khóc tấm ta tấm tức. Nhưng mà chắc Phía thương má từ hồi trong bụng, nên nó nghe lời, im re cho tới lúc má ra đến trạm y tế xã thì mới lọt lòng.
Hồi tía đi Bắc về, thằng Phía cứ ngơ ngác chẳng dám lại gần, đâu chừng ba bốn ngày nó mới quen hơi, nhưng lạ cái là nó chỉ thích gần má. Tía đi làm mỗi chiều hôm về tới hiên nhà, hai đứa anh đã tíu tít tận nơi mà ôm tía. Mỗi thằng Phía cứ ngồi yên mà chơi mấy thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh của riêng mình, nó ngước lên nhìn tía, không cười không khóc, chỉ nhìn vậy thôi rồi cắm cúi với mớ đồ chơi. Chừng lớn có lần tía la tía đánh, nó lì đòn trơ trơ. Không khóc không né, không cần má xin xỏ. Mà tía thì năm khi mười họa mới cầm tới cây roi mây bắt tụi nó nằm úp lại đánh. Thật ra tía cưng đám con như trứng mỏng. Có lần tía nói với má, tía suốt ngày lo chuyện thiên hạ, gần gũi con một ngày có được bao nhiêu thời gian, thì thôi, tụi nó phá chút hay nghịch chút cứ kệ, miễn tụi nó học hành đàng hoàng là tía mừng.
Minh họa: Tô Chiêm
Nhưng thằng Phía cũng là đứa làm tía buồn lòng nhất. Hồi Phía hết cấp ba, tía kêu Phía thi vào luật. Nhà có hai Tiến làm công an, ba Lên thì làm nhà báo, giờ Phía làm luật đi, út Trước thì sẽ làm bác sĩ. Phía nhìn tía rồi nói tỉnh bơ, Phía không có thích dài dòng văn tự, cũng không có thích dẻo mồm dẻo miệng, lấy gì mà học luật. Phía thích kinh doanh. Phía thích mần ăn buôn bán. Làm như tía với mấy anh mấy chị hèn chi nhà nghèo hoài, ăn bữa này, lo tới bữa mai. Làm kinh doanh có nhiều tiền. Có tiền thì má mới đỡ cực. Chứ tía không thấy má từ đó tới giờ có thảnh thơi ngày nào đâu. Phía nói vậy rồi bỏ lửng ra sau hè. Chái bếp nghiêng nghiêng theo con nắng chiều.
Năm đó Phía mười bảy tuổi, má theo tía ngót đâu đã hơn hai mươi năm mà nhà vẫn cứ nghèo đằng đẵng. Má cứ tất tả ruộng vườn heo gà. Mấy đứa con cứ cắm đầu vào học theo lệnh tía. Còn tía, bận rộn lắm, phụ gì được cho má đâu. Mấy người ở xóm nói, tía chẳng thức thời, người ta chỉ cần một người làm quan cả họ được nhờ. Còn tía tụi bây, cù lần, quê chớt, nên nhà tụi bây chẳng tường cao, gạch hoa, rào sắt, thềm đá. Má tụi bây còn khổ dài dài.
*
* *
Má lấy tía sau ngày đất nước thống nhất, khi ông về chỉ với một bên chân phải, chân trái chôn lại đâu đó mạn Châu Giang. Má gần nhà, quen, thương, xin gia đình cho cưới tía, dẫu biết đời mình rồi sẽ là những tháng ngày đầy rủi may. Đám cưới nghèo, tía đem qua xấp lãnh Mỹ A, cùng đôi bông tai mù u làm bằng đồng điếu. Thời còn xơ xác, bạn bè tản mát sau chiến tranh, mâm cỗ chỉ là đôi vịt đồng với vài con cá khô của miệt bưng biền. Mấy người bạn lính cho thêm dăm ba cục xà bông thơm Bến Thành.
Cứ vậy, má theo tía xuôi dòng Nha Mân về Phú Tân...
Thời gian đằng đẵng qua cho má một mái gia đình yên ấm với bốn đứa con đủ đầy nếp tẻ. Rồi chúng bắt đầu lớn lên theo bao biến chuyển của thời cuộc. Miệt bưng biền đồng không quạnh vắng chẳng thể níu nổi những đứa con má dứt ruột đẻ ra. Thị thành xa hoa giữ những đứa con của má ở lại. Lần lượt đứa lớn đến đứa nhỏ. Hệt như cái tên tía, má đặt cho bốn đứa, tuần tự: Tiến, Lên, Phía, Trước.
Bốn đứa con từ nhỏ đã được tía dậy tính tự lập. Thời bo bo độn, thời mì sắn ngày hai buổi chẳng một lời than vãn. Còn sống là còn sướng hơn biết bao người. Vậy nên bốn đứa nhỏ cứ thẳng tắp theo lời tía, chọn con chữ lập thân, dẫu nhà cơ bần cùng khổ cũng chẳng đứa nào phải nghỉ học. Còn tía làm trên huyện cứ mải miết ruổi rong. Với đôi nạng gỗ, ông bôn ba tận xóm làng heo hút, có bận mấy đêm chẳng về. Ông bảo chỉ có sống cùng dân mới hiểu thấu ngọn nguồn mà đề xuất tỉnh hỗ trợ. Lại có lần tía đi đâu cả tuần không về. Má nhắc khéo, ông làm sao mà người ta đang tiếng xì xào kìa. Tía phủi tay húng hắng, tôi đi đám tang đồng đội tuốt luốt Hồng Ngự.
Má cũng thôi không nói tới nói lui vì biết tính tía. Cả gia đình gồng trên đôi vai bà, mấy sào ruộng đắp đổi qua ngày. Mớ rau vườn nhà thì ra chợ bán kiếm thêm tiền học cho tụi nhỏ. Mớ cá đồng theo dòng con nước mỗi mùa lại được bà ủ thành mắm. Tía thích ăn mấy cái món mắm của má. Mấy bận mắm nhà dư, ông chiết ra hủ, đem biếu bạn bè mỗi dịp tết nhứt. Ông đi công tác xa đôi ba ngày, cũng kêu bà gói mắm. Hồi ông ra ngoài Bắc học, thèm quá cũng nhờ bạn bè có ra công tác thì đem năm ba hũ mắm ra ăn. Nhà lúc nào cũng có mắm, bữa cơm nào cũng không thể thiếu. Có lần mấy đứa con nói giỡn với nhau, không chừng tía lấy má vì mê cái món mắm của má. Và để muối mắm ăn, má nhất quyết đón ghe hàng để mua cho bằng được muối Bạc Liêu. Bà hay nói với đám con, chỉ muối Bạc Liêu mới không làm mắm trở. Khạp mắm của má, vì thế thơm sực nức mỗi độ mắm chín.
Nhưng sâu xa cái chuyện ủ mắm là vì nhà nghèo quá, lương tía hồi đó thấm tháp vào đâu cho một nhà sáu miệng ăn. Tiền ăn phải nhín bớt, má ráng bày biện đủ thứ, chỉ là tiết kiệm khoản nào hay khoản đó, dồn hết sức cho đám con ăn học. Chuyện thiếu hụt đã thành lệ thường. Căn nhà mái lá, tuềnh toàng, chẳng thứ gì đáng giá. Đôi khi gió từ trước ra sau một cái rột. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Những cơn mưa đầu mùa luôn làm mấy đứa con má sợ. Phải chú ý xem nhà dột chỗ nào để biết chạy mưa, dọn sách vở quần áo qua những nơi còn lành lặn.
Mãi sau này khi hai Tiến rồi ba Lên học hành ra trường, mưu sinh trên Sài Gòn ổn định, nhà mới bắt đầu khang trang và sống đủ đầy hơn trước. Nhưng cũng từ đó, má biết, không những tía mà mấy đứa nhỏ cũng biền biệt như thế thôi. Dòng trôi cuộc đời cứ thế cuốn con người ta miết không vì cơm áo gạo tiền, cũng vì nợ nọ tình kia…
*
* *
Phía về, giữa mùa ô môi, bỏ lại sau lưng cái hanh nồng của thành phố chật chội. Đồng bưng đón Phía bằng những cơn gió mát rượi của một buổi chiều quê. Mấy nhánh lục bình trổ hoa tím biếc. Má nói tía đi đã bốn mươi ngày. Vài ba lần điện thoại hỏi má bán đất được chưa, đặng tía về lấy tiền. Má hững hờ đong đưa bên cánh võng. Vườn nhà chẳng ai chăm bón, heo hắt mấy thứ cây quê. Má kêu tía muốn gì thì về. Đất đai má chẳng bán cho ai. Đất là của ông bà để lại, đời mình cày sâu cuốc bẵm, còn phần con cái cháu chắt, mai sau lỡ bon chen phố hội chẳng thể mưu sinh được nữa thì về quê còn có cái mà ăn. Tía khục khặc trong điện thoại, biểu bà bán thì bà bán đi. Mình nghèo tiền chớ đâu có nghèo lương tâm. Bà Lành khổ quá chừng, tui nợ người ta ân tình, giờ là lúc phải trả. Má không thèm nghe nữa cúp máy cái rụp. Buồn từ bận đó.
Má nói với Phía, má làm đơn rồi, nhưng cổ nhận đơn bảo còn phải đợi ổng về hòa giải vài ba bận nữa. Rồi thì tuổi này rồi, suy nghĩ cho con cái đi, tụi bây đứa nào cũng ông này bà kia, danh dự này nọ. Mà tuổi này đâu có cần phải suy nghĩ gì nữa bây ơi. Ổng đi thì má sống một mình. Cả đời làm vợ, có khi nào má nương tựa được ổng. Nghĩ cho thông, cuối đời má sống cho má, khỏi cơm bưng nước hầu, khỏi ra vào ngóng trông ai chi cho mệt tấm thân. Hồi đó, nghĩ còn mấy đứa con, vì con mà sống. Chừng tụi bây lớn rồi, vậy là má yên lòng. Không phải bà Lành hay bà nào thì cũng vậy. Có những thứ trong cuộc đời dù thâm sâu nặng nợ cách mấy, một khi mình hết lòng hết dạ rồi, thì buông một cái nó nhẹ nhàng à con. Má cũng không lên Sài Gòn làm gì cho con cái thêm phần vướng tay vướng chân. Già rồi, sống mấy chục năm với đất này, đi không nỡ. Cứ để má ở đây. Sống từ đất này, thì chết cũng ở lại với đất này. Mà chuyện tía má chắc ảnh hưởng đến bây. Thiên hạ cười không bây. Nhưng, con ơi, làm cha làm mẹ là cả đời sống vì con. Nếu tụi bây không muốn thì má rút đơn. Má cất cái nhà lá ra ở riêng, vậy cũng được.
Má đung đưa cánh võng nhịp nhàng. Giọng chậm rãi phả vào buổi nhá nhem cái ngữ điệu thê thiết. Phía lặng yên đi ra sau chái bếp điện thoại cho tía. Bìm bịp kêu nước lên. Triền sông cứ vơi đầy theo con nước. Má vẫn cứ chờ tía như vậy suốt bao năm trường dẫu đã xế bóng đường tà.
Tía nghiệt chi quá đỗi…
*
* *
Phía nhìn người đàn bà áng chừng tuổi má đang ngồi trước mặt mình. Xong lại nhìn căn nhà tình nghĩa vừa mới được bàn giao, khang trang và sạch sẽ. Giọng người đàn bà trầm xuống khi nhắc mấy chuyện xưa xa. Khi chồng dì và tía nhận được lệnh đi đón cán bộ ngoài Bắc vào ở mạn Long Xuyên, chẳng ai ngờ chuyến ấy hai người rơi vào ổ phục kích của địch. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chồng dì bảo tía đi trước, báo cho tỉnh đội có nguy hiểm chưa đưa người đi ngay được, ông sẽ theo sau. Nhưng có ai ngờ… Ừ, thì có ai ngờ xưa nếu tía có một lời hẹn với thì dì đã đợi…
Câu chuyện ngắt quãng khi đầu nhà nghe mấy ông cựu chiến binh hồ hởi kéo về, sau khi vừa đi tặng mấy thùng đựng nước cho bà con trong mùa nhiễm mặn. Xã này nhiễm mặn nặng nhất tỉnh. Mấy ông cựu chiến binh lại đi vận động, gom góp lương hưu ít ỏi của từng người. Của ít lòng nhiều, nhưng khi đi tặng thì lại lấy danh nghĩa người đồng đội đã mất. Chút việc làm nhỏ nhoi, mang tên người bạn, như đền ơn xóm giềng nơi đây đã cưu mang cho bà vợ bạn mình trong những ngày khốn khó. Phía thấy tía, nét mặt hơi trầm ngâm, nhưng lại cười vội.
Mâm cơm trưa đạm bạc vang lên nhiều tiếng cười. Có ai đó đùa, nay về nhắn má nghen con, mắm bả ủ ăn số dách, ngon nhức nách xứ mình. Tụi chú mấy nay, ăn riết đâm nghiền. Hèn chi tía con đi đâu cũng ôm theo mấy hũ…
Cũng vào hôm đó, khi đã nhậu sương sương hồi ức trong tía tua túa ùa về. Phía ngồi im lặng nghe, thấy hiện ra cảnh nhiều ngôi nhà lửa cháy hừng hực như trong những thước phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam sau này vẫn xem trên tivi. Rồi đến đám người già trẻ, nam nữ chen nhau, lố nhố chạy càn khỏi đám lính Mĩ, lính ngụy đội mũ sắt xì xồ cười đùa, xua đuổi, bao vây, trên tay lăm lăm M16 và lựu đạn. Trong số người chạy nạn ở Phú Tân hôm đó có ông bà nội và tía của Phía bây giờ. Họ chạy sau cùng đoàn người, nòng súng giương lên không cần ngắm bắn. Những tiếng nổ chát chúa vọng đến từ sau lưng, Phía thấy ông bà nội gục xuống trước, rồi đến tía, cùng nhiều người chạy trước nữa. Điều mà Phía tưởng chỉ có trên phim hóa ra từng xảy ra với gia đình đàng nội của mình.
Nhưng tía Phía không chết bởi những loạt đạn hận thù đó. Bởi đêm muộn, khi du kích và dân làng kéo về tìm chôn những người đã chết thì tía hồi tỉnh. Hóa ra đạn chỉ xiên đùi, đau quá tía ngất đi. Nhưng rồi tía tuồng như chết tiếp lần nữa khi thấy hai đấng sinh thành nằm bên lạnh tanh, chẳng còn chút sự sống. Tía quờ tay tìm, tía nghiến răng, tía chửi thằng Mĩ, chửi thằng ngụy, chửi chán tía lịm đi lúc nào chẳng biết.
Hôm sau, khi đã đắp điếm mộ phần xong, tía cà nhắc cà nhẳng nằng nặc xin đi theo du kích vì hai chữ thù nhà. Mấy anh du kích nhìn nhau ái ngại. Tía bảo tía có còn gì để mất nữa đâu, nếu mấy anh không cho theo thì tía chết, chết ngay… Thế là tía vào du kích, nhưng vì nhỏ, gầy quá, đánh giặc chưa đến tuổi nên được xếp đi làm liên lạc.
Rồi vào một chiều cuối năm, chợ làng xôm tụ cái không khí tết, tía dừng lại nơi gốc cây có cái bàn tre của cô gái bán đèn hoa giấy. Những chiếc đèn giấy được vẽ khéo léo, những bông hoa dân dã miệt quê, cánh cò bay lả trên những ruộng đồng xanh ngắt, mái nhà với năm ba đứa trẻ ê a chơi trò giặc giã. Cô bán đèn tên Lành có nước da trắng ngần, tóc dài đen nhánh, thẹn thùng mỗi khi có khách mua hàng buông lời chọc ghẹo. Tía cũng đến, thẫn thờ nhìn miết, chừng bị phát hiện thì luống cuống bỏ chạy. Cứ vậy, chiều nào tía cũng ghé, ngó từ đằng xa. Rồi lân la cho biết nhà cửa người ta. Mà hình như cô gái bán đèn cũng trộm nhìn tía đôi ba lần. Tết năm đó, tía gọt khúc tre làm cây lược, thập thò rào nhà cô mà chẳng dám gọi. Tận lần thứ tư mới thấy bóng dáng cô nơi hiên nhà. Bốn mắt nhìn nhau vậy thôi, tía thẩy cây lược vào hiên. Rồi bỏ chạy thục mạng, nghe tim mình thình thịch đập.
Sạp đèn hoa giấy chỉ bán mỗi độ tết, nên sau bận đó, cái rào nhà cô gái vài ba đêm lại có kẻ thập thò đợi chờ. Gặp nhau chỉ nhìn một cái, chỉ hỏi câu bâng quơ học bài chưa, hay cũng có khi chưa kịp đủ nhớ mong trong lòng đã nghe tiếng ba má cô gọi, vắt giò lên cổ mà chạy.
Cứ vậy, đến mùa hè năm mười bảy tuổi, tía nhận lệnh cấp trên dẫn bộ đội đi chi viện cho đồi Tức Dụp đang bị lính Mĩ và lính Việt Nam Cộng hòa bao vây. Trước ngày lên đường hai người chẳng kịp gặp nhau. Lời hẹn sau ngày lửa đạn can qua nếu kẻ còn sống trở về người có lòng thương đợi thì mình thành đôi cũng cứ thế chìm đi, chìm đi…
*
* *
Xuôi chuyến xe, mấy anh chị em về quê ngày cuối tuần. Tàn một mùa ô môi. Cành khẳng khiu bắt đầu kết trái. Hồi còn nhỏ, mấy anh chị em cứ canh mùa ô môi chín là bắt hai Tiến hái cho bằng được. Đem xuống rọc theo hai sườn của trái là tách được cơm ra. Những múi cơm ô môi xếp thành từng lớp đều nhau và ướm bên ngoài lớp mật đen sánh sệt. Nhìn qua cứ xấu xí là thế, nhưng ngộ đời lại khiến đám trẻ nghèo mê mẩn. Chấm thêm miếng muối ớt, thì cứ gọi là hít hà suốt buổi.
Nhớ nhất là món chè ô môi má nấu. Hột ô môi má ngâm nước cho mềm rồi lột sạch vỏ. Má đem nấu chung với đậu xanh, mấy cục đường phèn, thêm mớ cốt dừa. Nồi chè sóng sánh, béo ngọt, thơm lừng. Những buổi trưa hè oi nồng, đám con cứ canh me nồi chè của má mà ăn lấy ăn để. Mấy món chè quê này, giờ đâu còn kiếm lại được trên thị thành đô hội. Vài bận út Trước về nhìn triền sông bắt đầu thưa thớt ô môi, út Trước nói với má, không chừng sau này người ta cho xáng múc hết, để be bờ đó má. Đất giờ bắt đầu tận dụng triệt để. Xã mình nghe nói sắp có quy hoạch để phát triển.
Mâm cơm chiều lâu lắm rồi mới đủ đầy cháu con. Mùa này sông cạn trơ, nước mặn ngập đồng, đất nứt nẻ thành lốc nên không biết năm nay có cá cho má làm mắm nữa hay không. Hai Tiến gỡ lấy khúc cá linh, chấm mớ rau tập tàng, vỗ đùi khen đã cái miệng gì đâu. Không đứa con nào nói với nhau, nhưng vẫn biết tía má còn giận nhau.
Tía giận má chuyện không dưng ra xã đưa đơn li dị. Trời ơi, sáu chục tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Giờ mà lên huyện cà phê với mấy ông bạn chắc người ta cười thúi mặt. Má thì khăng khăng sao lại bán đất đem tiền cho bà Lành. Đâu có chuyện kì khôi vậy. Đời đâu ai đem của mình cho thiên hạ. Bốn năm rồi, từ khi tía kể gặp được bà Lành, là tía cứ tiếng một tiếng hai cũng là bà Lành. Mâm cơm ồn ào từ mấy đứa con, chứ tuyệt nhiên tía má chẳng thèm nhìn nhau.
Thằng Phía thấy vậy, gác đôi đũa xuống. Thì thôi con nói tía vậy nè, đất thì không bán, nhưng nghĩa tình thì phải trả. Rồi thằng Phía đem câu chuyện cô gái bán đèn năm xưa cùng người bạn chiến đấu của ba ra kể. Nếu người đồng đội đó không ở lại cầm chân quân địch thì đã chẳng có tía bây giờ. Tía đeo mang cái ơn đó mải miết trong lòng, cả quãng đời đi tìm gia đình bạn, bây giờ mới gặp. Cạn cùng cuộc đời tía muốn trả món nợ thâm sâu này thế thôi, chứ chẳng có gì cả. Phía đã đến, đã gặp và đã hiểu. Không riêng gì tía, mấy ông cựu chiến binh cũng toàn làm thế. Và cho dù mình có làm gì đi nữa, cũng không bù đắp hết năm tháng vò võ mình ên của bà Lành.
Nghe xong, má ngồi nhìn tía, trong đôi mắt in hằn những vết xước thời gian, lóng lánh nước. Ổng có nói gì đâu, chuyện từ chiến trường về ổng giấu nhẹm, lúc nào cũng nói sợ vợ con lo. Mà không nói là càng lo thêm. Ai biết ổng nặng nợ ơn nghĩa như vậy. Mà ổng cũng cứng đầu lắm. Hỏi thì cứ biểu, đàn bà ở nhà lo cơm nước chợ búa. Ổng đi rồi ổng về. Mà dạo này xứ mình mấy ông già hồi xuân, rửng mỡ, người ta không theo ổng, mà ổng theo người ta thì sao?
Út Trước cười ha hả. Chèn ơi, ổng mê mắm của má thí mồ, theo ai được nữa mà má lo. Mà kể cũng lạ, bà già mình mấy chục năm không ghen, giờ ghen là đùng một phát đi nộp đơn. Mà người ta nói đó nha tía, còn ghen là còn thương. Tía xử sao thì xử, chứ đất là không bán, để lại cho con cháu có quê mà về. Tụi con có gom lại ít tiền, chừng đám giỗ chồng bà Lành, sẽ qua gởi bà ấy, xem như thay tía trả ơn.
Tía cười cười. Đâu biết bả làm đơn li dị. Mà tại bả không biết, chứ tía đi đâu thì cũng quay về ăn mắm của bả. Tại hồi xưa, cái hồi lần đầu bả ủ mắm bả hát ru thằng hai Tiến bên võng, mà như nhắc khéo. Rồi tía rót li rượu ực cái khà, lấy hơi tía hát. “Con cá làm ra con mắm. Vợ chồng già thương lắm mình ơi…”.
Trời thần, nay tía xỉn, ổng tán tỉnh bà má nghe hay nhức nách nghen bây. Ba Lên đập bàn rầm rầm. Mấy thằng con trai đưa li cụng với tía. Má lấy đôi đũa dí dí ba Lên, mồ tổ cha tụi bây nghen, theo ổng kéo về đây làm loạn à. Rồi má ngúng nguẩy bỏ đi. Tía cười khề khà. Ủa tao hát đúng mà bây. Con cá làm ra con mắm thiệt mà chèn…
T.P.B
VNQD