Chuông chùa Bạch Vân

Thứ Năm, 03/09/2020 09:23

Có một quãng thời gian dài ngót hai chục năm, tôi rất chăm chỉ đi bộ lên núi. Vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để thư giãn. Với tôi thì mục đích sau quan trọng hơn. Trừ những hôm mưa to gió lớn, hay những ngày có công có việc phải xa nhà, còn lại chiều nào cũng hăm hở xỏ giày, hôm đi cùng bạn, hôm chỉ có một mình. Ở nơi tôi sống có những con đường lên núi rất đẹp. Đường lúc xuyên qua rừng, lúc men sườn núi, một bên vách đá, một bên vực sâu trải dài xuống mép biển. Mùa mưa, núi thay áo mới, xanh ngắt màu lá. Hè về hoa phượng rực đỏ, bầy chim núi không biết tên rủ nhau họp chợ trên những ngọn tràm bông vàng. Hơn một tiếng đồng hồ thong dong thả bộ trên con đường núi, nghĩ ngợi được khối thứ… Chợt nhận ra mình cũng thuộc loại kiên nhẫn, bền bỉ. Không ít người đã giữa chừng bỏ cuộc. Những người bắt đầu cùng, và cả những người bắt đầu sau, theo nhau rơi rụng. Một hôm nào đó, phát hiện một em xinh tươi, mọi lần cứ đến gốc cây đó, đầu dốc đó là gặp, là mỉm cười thay câu chào, nay bỗng dưng biến mất, tự nhiên thấy trống vắng cả một quãng đường, trống vắng cả một buổi chiều. Đấy, cái truyện Chuông chùa Bạch Vân đã manh nha từ những cơn cớ rất đỗi giời ơi đất hỡi như vậy.

Một cái truyện ngắn, hay một tác phẩm văn học nói chung, khi đã hoàn thiện, là nó vuột ra khỏi tầm tay nhà văn, vuột ra khỏi sự kiểm soát của tác giả. Tôi luôn luôn nghiệm thấy thế. Không đủ “sức khỏe” thì nó chết yểu. Ngược lại, có da thịt, có hồn vía đầy đặn, nó sẽ tham gia vào đời sống tinh thần của người đọc với tư cách một sinh thể. Vẻ đẹp của nó trong mắt bạn rất có thể không trùng khớp với vẻ đẹp trong cái nhìn của người khác, và cũng khác luôn với ý đồ tạo tác của nhà văn. Cũng giống như khi chúng ta ngắm nhìn một ngọn núi, một dòng sông, một người phụ nữ đẹp, hay một con cá còn tươi nguẩy vừa được thả xuống hồ. Ở những góc nhìn khác nhau, với một tâm thế khác nhau, mỗi người sẽ thấy những vẻ đẹp của núi, của sông, của phụ nữ, của cá... khác nhau. Điều đó hoàn toàn bình thường. Thậm chí, đấy còn là chỉ dấu của một thứ giá trị nghệ thuật bền vững.

Không thể nói tôi viết Chuông chùa Bạch Vân một cách dễ dãi, không có ý tứ gì. Thừa biết mình tài năng xoàng xĩnh nên luôn tự nhủ phải làm việc nghiêm cẩn. Tuy nhiên, như đã thưa cùng bạn đọc: cái truyện đó ra đời, giống như tôi đã thả con cá của mình xuống hồ. Có thể nó sẽ bơi trong mắt ai đó. Cũng có thể, trong mắt ai đó, nó bất động, phơi cái bụng trắng thảm hại trên mặt hồ. Nhưng dẫu thế nào thì tôi không được phép dừng lại, nhìn ngắm nó quá lâu…

Nhà văn TRẦN ĐỨC TIẾN

************************

Nàng ngồi một mình trên mô đá to nhẵn nhụi, chỗ gốc me bên lề đường. Đàn bà đối với Biểu chẳng còn mấy ý nghĩa. Còn gốc me là cái tên do dân đi bộ đặt. Ở đấy có cây me già tán lá xanh um, đằng sau cây là ngôi miếu nhỏ xiêu vẹo và một lối mòn ngoằn ngoèo xuyên qua khu rừng thưa dẫn xuống chân núi.

Chiều xuống dần. Những người đi bộ thể dục thản nhiên đi qua. Biểu lại càng có lí do để thản nhiên đi qua, nhưng hôm nay không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào hắn bỗng dưng ngập ngừng rồi dừng hẳn lại. Nàng đẹp đến thế cơ mà. Trên đoạn đường núi tấp nập các bà các cô lội bộ mỗi chiều nhằm cải thiện tình trạng số đo ba vòng bằng nhau thì sự có mặt của nàng xứng đáng là một sự kiện.

- Sao em ngồi đấy?

Hắn buột miệng hỏi.

- Em bị giật dây chuyền.

Nàng vẫn ngồi trên mô đá, chân co chân duỗi, chống tay ngửa cổ ra sau. Trên chiếc cổ trắng ngần còn nguyên vết hằn mờ mờ. Chẳng có biểu hiện xúc cảm thái quá nào trên gương mặt - phẫn nộ, run sợ hay hối tiếc. Cặp môi mọng như môi trẻ con lại còn nhoẻn ra cười.

- Hai thằng phóng xe máy ào qua. Phựt một cái. Biến mất.

- Không kêu à?

- Không kêu được.

Ừ, đúng thế thật. Biểu nhớ lại những lần tình cờ chứng kiến cảnh các bà các cô bị giật dây chuyền, túi xách, điện thoại di động trên đường phố. Hầu hết chỉ biết ú ú ớ ớ, huơ chân huơ tay... Mà có tỉnh táo kêu lên được cũng vô ích. Thế là hắn bất giác nhe răng cười. Cái tai nạn vừa xảy ra với nàng bỗng hóa thành trò đùa, một cái cớ ai đó bày đặt ra để cho hai người quen nhau.

- Em đi đâu?

- Em lên chùa Bạch Vân.

- Ở trên chùa xuống à?

- Không. Bây giờ mới đi.

- Vậy thì đi đi không muộn.

Ngừng một tí rồi Biểu tiếp:

- Anh đưa em đi được không?

Dường như chỉ đợi có thế, nàng líu ríu rời khỏi mô đá bước xuống đường. Bây giờ hắn mới để ý thấy nàng chỉ cầm tay một cái ví nhỏ. Không đồ lễ. Một thẻ nhang cũng không. Chùa Bạch Vân nghe đồn thiêng lắm, lại còn nổi tiếng vì những giai thoại về vị sư trụ trì ở đấy nữa. Không ai biết rõ tung tích, tuổi tác, thứ bậc tu hành của vị sư này. Chỉ biết ông là người miền Bắc, sau giải phóng một mình tìm đến đây bỏ tiền túi ra tu bổ ngôi chùa vô danh bỏ hoang mục nát rồi đặt cho chùa cái tên. Bạch Vân nghe thơ mộng nhưng quanh năm chẳng có mây trắng mây vàng nào lảng vảng ở đây cả. Chủ nhân thì cứ đòi dân chúng trong vùng đến lễ nhất nhất phải gọi mình là “cụ”. Nhờ cụ dâng sao giải hạn, thỉnh cụ đi làm lễ cầu siêu trong đám tang, nhờ cụ xem hướng nhà, xem ngày lành tháng tốt cho những việc hệ trọng đại loại như cưới hỏi, động thổ, khai trương, xuất ngoại, nhậm chức... Cụ chả từ chối ai việc gì, nhưng thỉnh thoảng lại nổi cơn buông tuồng suồng sã. Cụ vừa cười hề hề vừa quát sang sảng: “Hướng, hướng đi đâu? Đất nhà anh ở mặt phố thì làm nhà phải quay mặt ra đường, chứ chả lẽ lại quay đít ra đường à?”. Hoặc: “Cưới xin không ngày nào tốt bằng thứ bảy chủ nhật. Thứ bảy chủ nhật nghỉ việc, chúng nó đến đông, cỗ bàn không ế, tha hồ đếm phong bì”. Tệ hơn: “Con mẹ này lần sau lên chùa quần áo hớ hênh vừa vừa thôi. Xôi oản mày bày cả ra thế làm Phật nhà cụ rối trí”... Bàn tay cụ mềm mại âu yếm bao nhiêu mỗi lần xem chỉ tay cho các bà các cô thì cương cường sắt thép bấy nhiêu đối với mấy thằng xì ke ma túy. Có lần mấy thằng vô phúc này mò đến chùa định hỏi thăm hòm tiền công đức bị cụ vặn cổ, đá văng ra khỏi cổng, còn tử tế quăng trả cho chúng mấy con dao nảy tưng tưng kêu loảng xoảng trên bậc đá. Nói tóm lại, chẳng biết thực sự cụ là người thế nào. Giang hồ cuối mùa mai danh ẩn tích hay hiện thân lồ lộ của bậc đại giác? Khách thường xuyên đến chùa khá đông. Và thường dâng lễ hậu. Lễ không hậu nhà chùa lạnh nhạt ra mặt.

Minh họa: Tào Linh

Trái với lúc đầu chủ động hỏi han làm quen, dọc đường Biểu lại rất ít lời. Hắn không gợi chuyện chùa chiền cúng lễ. Không hỏi nàng làm nghề gì, ở đâu, tối nay về đâu... Có nhiều điều người ta có thể hỏi trong hoàn cảnh tương tự nhưng hắn không hỏi. Hắn biết trước những câu trả lời chả có gì thú vị. Vì nếu có ai hỏi thì hắn cũng sẽ trả lời đại khái thế. Ở đâu chả vậy. Tối nay về đâu cũng thế thôi. Làm gì cũng chẳng để làm gì. Mấy mươi năm là viên chức nhà nước dường như đã đủ nhàm chán cho cả cuộc đời hắn. Còn bao nhiêu năm nữa thì cũng cứ cái vệt đó mà lăn. Cho đến chết. Hắn đưa nàng lên chùa thì tí nữa hắn lại đưa nàng về. Cư xử như số đông được mặc định những giá trị đạo đức thông thường. Chấm hết.

Chùa Bạch Vân nằm giữa một rừng cây sứ đang mùa rộ hoa.

Hai người lên tới nơi thì trời tối sẩm. Bóng tối che phủ mấy vuông đại tự trên cổng chùa. Mùi hoa sứ và mùi hương trầm từ trong chùa thoảng ra quyện vào nhau u uẩn. Biểu lấy cớ mặc bộ đồ thể dục leo núi - quần soóc, áo thun ngắn tay - nên không vào. Bình thường hắn cũng không muốn vào. Hắn không tin những điều thiêng liêng kì diệu... Nhưng với đàn bà thì khác. Những người đàn bà đi chùa bao giờ cũng gây cho hắn cảm giác yên tâm.

Chiếc áo thun đẫm mồ hôi khô dần, bong ra khỏi lưng hắn.

- Đợi em có lâu không?

- Không - Biểu quay lại, cười vô tư - Mình về nhé?

Dốc đá tối mù, khấp khểnh. Tiếng côn trùng xao xác nổi lên xung quanh. Giữa lúc đầu óc Biểu trống rỗng chẳng có gì để nghĩ thì nàng bỗng dưng loạng choạng bước hụt. Hắn giật mình đưa tay ra đỡ. Một mùi hương lạ lùng, rất gần, rất đậm, quấn quýt quanh hắn. Mùi hương toả ra từ người nàng. Nàng như muốn dựa hẳn vào hắn. Rồi bằng cách nào đó bàn tay nàng đã nằm gọn trong bàn tay hắn, ngoan ngoãn, mềm mại và mát lạnh...

Biểu thấy người ngây ngấy như lúc uống rượu ra gió. Có một cái gì đó đang truyền vào người hắn, như một luồng máu lạ, qua bàn tay nhỏ bé của nàng. Hắn chưa kịp nghe ngóng xem nó là cái gì thì trong đũng quần lại xảy ra chuyện phiền toái khác. Nóng. Vướng. Tức bụng nhưng không phải mót đái. Cổ họng khô đi. Hắn nuốt khan mấy miếng nước bọt. Tự nhiên nhớ ra, rõ mồn một những chuyện tưởng đã chôn vùi từ lâu.

Ngoài bốn mươi tuổi, hắn đã mất khả năng “quan hệ” với đàn bà.

Lần đầu tiên hắn phát hiện ra chuyện đó ở mình là vào một buổi tối, sau bữa nhậu, khi đang trên giường với một cô điếm. Biểu vốn không phải là kẻ ăn chơi hoang đàng, và những dịp như thế phải nói là hiếm hoi, chủ yếu do bạn bè lôi kéo. Nhưng cũng chính vì hiếm vì lạ mà hắn thường bị kích thích rất mạnh. Vậy mà lần đó, đúng vào lúc cô điếm vừa bóc chiếc bao cao su, chưa kịp thực hiện thao tác theo sự hướng dẫn của những tình nguyện viên đường phố bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng, cái của quý của hắn tự nhiên xìu xuống. Cô nàng cuống quýt tìm cách khởi động lại. Cô dựng hắn dậy, choàng tay ôm lấy cổ hắn, bắt hắn cõng cô trên lưng, đi nhong nhong trong phòng. Đám lông mềm mại như mạ non cọ trên lưng hắn. Hắn dần dần thấy hay hay. Thằng bé của hắn cũng thấy hay hay. Có lẽ ban nãy tại nó chưa tỉnh rượu? Nhưng khi vào lại giường thì chứng nào tật nấy, dỗ ngon dỗ ngọt mãi, đánh chừa cả bao cao su này(!), cái thằng hư thân mất nết ấy vẫn cứ ỳ thân cụ.

Hắn hoang mang, ngấm ngầm bỏ tiền ra để tiếp tục làm nhiều cuộc thí nghiệm nữa. Tất nhiên là với những cô điếm khác. Cho đến khi lẳng lặng tách ra không nằm chung với vợ, lấy cớ là ngáy to, sợ vợ mất ngủ. Thất bại không cứu vãn. Mãi về sau, khi tình cờ phát hiện ra bạn bè cùng lứa cũng khối kẻ đã gác súng như mình, hắn mới tạm nguôi nguôi. Bia rượu, công việc quá tải, khói bụi, tiếng ồn, vệ sinh thực phẩm..., những nguyên nhân quỷ quái nào khác đã làm hại những tên đàn ông như hắn, chứ chắc chắn không phải do đàn bà. Đời sống càng bất ổn thì đàn bà càng đẹp lên một cách đáng sợ. Và dâm lâu.

Biểu bỏ tay nàng ra, khi cả hai đã xuống tới con đường lớn trải nhựa. Hắn vụng trộm hít một hơi đầy hai buồng phổi thứ không khí có mùi hương toả ra từ người nàng.

Đến gốc me, hắn đòi tiễn nàng về tận nhà, nhưng nàng khéo léo từ chối. Nàng đi tắt theo con đường mòn xuống núi.

Hắn cũng vội vã đi nốt đoạn đường còn lại, lấy xe ra khỏi chỗ gửi rồi phóng về nhà.

Ở trong nhà tắm hắn đã xem xét kiểm tra thật kĩ lưỡng, nhưng cả đêm ấy vẫn trằn trọc mất ngủ. Thỉnh thoảng lại lén thò tay vào trong quần. Mỗi lần như vậy lại bồi hồi ngạc nhiên đến ngẩn cả người. Thế là thế quái nào nhỉ? Cái thằng bé lâu nay vàng vọt, mềm èo như thẻo đất sét, tự nhiên hồng hào phổng phao hẳn ra. Giờ này trong bóng tối nó nằm im, nhưng hễ động tay vào là nó cựa quậy chực ngồi dậy. Mẹ bố mày! Hắn lầm bầm chửi yêu. Mày gắn bó với ông, là một phần trên cơ thể ông mà đột nhiên mày trở mặt như người lạ. Chẳng còn âu yếm nhờ vả chia sẻ gì với nhau được nữa. Tưởng vĩnh viễn đường ai nấy đi, nào ngờ mày quay lại khiến ông bối rối. Ông cũng chẳng biết rồi ra ông có được sung sướng như xưa, hay lại phải điêu đứng vì mày?

Chiều hôm sau gặp lại nhau ở chỗ gốc me, hắn đã thấy nàng gọn gàng trong bộ đồ thể thao còn mới, tự nguyện gia nhập đám người đi bộ. Rồi những chiều tiếp theo... Lần nào nàng cũng đợi sẵn hắn ở chỗ đó. Hắn ngấm ngầm hãnh diện khi sóng đôi với nàng trên đường. Nàng đẹp, hiển nhiên! Nàng lại còn quá trẻ. Thế hệ 8X, như ngôn từ thường dùng bây giờ. Mọi người như ghen tị với hắn, không thèm để ý đến nàng. Thỉnh thoảng mới có một cặp mắt ơ hờ lướt qua. Ngay cả mấy người quen khi gặp cũng chỉ nhìn hắn gật đầu. Của đáng tội, cũng có những lúc hắn chạnh nghĩ đến sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người. Nhưng rồi vẻ quyến rũ tự nhiên của nàng lại cuốn hắn đi. Và hắn cứ để mặc cho nó cuốn.

Đã đến lúc lên núi không phải chỉ để đi bộ. Họ tìm đến những bụi cây, lối rẽ vắng vẻ trong rừng. Cũng vụng trộm, lén lút như mấy con nghiện ma túy đang kiếm chỗ để chích choác, để phê. Biểu chưa định ngủ với nàng. Thất bại ê chề trong những lần ăn nằm với đàn bà trước đó vẫn còn ám ảnh hắn. Hắn muốn kiểm tra lại mình cho chắc ăn... Nhưng chỉ cần hai người ở gần nhau, được siết chặt vào ngực mình đôi vai đầy đặn của nàng, được ngửi thấy mùi hương trên người nàng, hắn đã biến thành chàng trai tuổi dậy thì. Hắn kinh ngạc, sung sướng, ngất lịm đi khi bụng dưới thót lại trong cảm giác dịu dàng khôn tả, rồi sau đó từng đợt “suối nguồn” phun trào, đẫm nóng như phún thạch...

Biểu trẻ lại, khoẻ ra - hẳn rồi. Tình yêu còn làm hắn thay đổi cả tâm tính. Bình thường hắn là kẻ cau có khó gần. Khi tưởng chừng đã bị thất bại hoàn toàn trong chuyện chăn gối với phụ nữ, hắn trở nên trầm uất, lẳng lặng cắt đứt nhiều mối quan hệ. Bây giờ hắn lờ mờ tin cái điều mà thiên hạ rỉ tai nhau, ấy là thằng đàn ông già khú sẽ thay máu ra sao khi được ngủ với những đứa con gái trẻ. Hắn chưa chính thức ngủ với nàng, nhưng hắn đã có thể cười với tất cả, và biết kiên nhẫn lắng nghe. Chính xác là ở cơ quan, hắn cười với cả cái chặn giấy trên bàn làm việc. Trong các cuộc họp hành xảy ra liên miên và kéo dài vô tội vạ, khi những diễn giả đang thao thao trên diễn đàn, hắn đờ đẫn ngồi dưới, tuyệt đối không giở báo ra xem hay nhí nhoáy nhắn tin bằng điện thoại di động. Riêng thói quen xem phim truyền hình với vợ thì hắn đành bỏ. Không phải vì phim ta có nhiều câu đối thoại không ngửi được, mà vì trong phim rất hay có những cảnh ngoại tình. Ông ăn chả bà ăn nem. Mỗi lần như thế da mặt hắn lại gờn gợn. Cứ như là bọn chúng đang ngầm tố đểu hắn. Đã có lần hắn giả vờ ngủ, nhưng vợ hắn ngồi bên cạnh bỗng rít lên như một tên hooligan chân chính: “Xẻo mẹ nó đi quẳng cho chó đớp!”.

Lần này Biểu không chọn đối tác là điếm nữa.

Mà là một nữ đồng nghiệp ở cùng chỗ làm. Một ả cao to chân dài da ngăm, tướng đàn ông, có chồng bị mắc bệnh tiểu đường. Hắn đang muốn thử sức với một mụ đàn bà đói tình vâm váp. Đâu như chỉ vài cái liếc mắt, đụng chạm vớ vẩn ở cầu thang là đã thiết kế xong cuộc hẹn. Đầu giờ làm việc buổi chiều, cả hai phóng xe đến cái nhà nghỉ bình dân ở ven biển. Hắn xộc vào trước. Chưa kịp nhận chìa khoá phòng, quay ra đã thấy ả ù té. Hắn cũng vội quay xe đuổi theo. “Sao lại chạy”, hắn hỏi. “Vào đúng chỗ người quen, khỉ ạ”, ả hổn hển. Hắn bật cười. Đến khổ cho cái thành phố tí teo này, đến đâu cũng không thoát người quen. “Giờ đi đâu”, hắn hỏi. “Về nhà”. “Điên à”, hắn lại hỏi, và thấy khoai khoái khi ả không trả lời. Ả cứ cắm đầu cắm cổ phóng xe chạy. Hắn rồ ga bám theo.

Ngôi nhà của ả nằm sâu trong hẻm. Giờ này chồng đi làm, con đi học, ả chẳng sợ gì vài ánh mắt nhìn vu vơ của những người hàng xóm. Ả mở cổng, đẩy xe vào, lập cập đánh rơi cả chìa khoá cửa xuống đất. Không kịp nói một câu, ả vật nghiến hắn ra chiếc đi văng ở phòng khách. Sau cái hôn tắc thở, đúng nghĩa là một cú ngoạm không muốn nhả, cả hai dần dần hồi lại, đứng lên dìu nhau vào phòng trong.

“Dài như một con cá mực!”. Hắn trố mắt, thầm kêu trong đầu khi ả vừa kéo tuột cái quần sịp xuống. Đến lượt ả cũng kinh ngạc chả kém. Bàn tay túm chặt thằng bé của hắn từ từ nới ra. Vẻ dũng mãnh của nó vượt xa trí tưởng tượng phong phú nhất của những mụ đàn bà có chồng kinh niên tiểu đường.

Nhưng đúng lúc ả đang quẫy quẫy chân để văng chiếc quần lót ra ngoài thì Biểu vùng dậy. Hắn vơ vội quần áo mặc vào người, mở toang cửa ra sân, để mặc mụ đàn bà tênh hênh bẽ bàng với cơn cuồng hứng vừa bị chặn đứng.

Biểu vui mừng khôn tả. Hắn không đi tới cùng cuộc thí nghiệm, nhưng chừng đó cũng đủ tin chắc thành công. Thậm chí giờ đây hắn còn hài lòng về sự dừng lại đúng lúc của mình. Hắn không muốn làm tình với ả đồng nghiệp trên chính chiếc giường của vợ chồng ả. Hắn muốn dành, đúng hơn là dâng hiến, cho cô người tình trên núi trọn vẹn cái kho báu vô giá của đàn ông mà hắn vừa tìm lại được, nhờ có nàng. Nhưng đúng vào buổi chiều hắn dự định thực hiện cái nghi lễ thiêng liêng đó, một cuộc họp vô nghĩa đã cầm chân hắn.

Bất đắc dĩ hắn phải rút điện thoại báo tin cho nàng biết hắn không đi núi được. Máy di động của nàng không đổ chuông. Hắn gọi đến máy để bàn ở nhà. Giọng đàn ông khê khê: “Ai đó?”. Hắn cúp máy. Có lẽ là bố hay anh trai nàng. Một lát sau gọi lại. Lần này là giọng đàn bà lịch sự: “Thưa, tôi nghe đây”. Hắn lại cúp máy. Đợi mười lăm phút, hắn gọi lại lần thứ ba. Vẫn bà lịch sự khi nãy:

- Thưa, tôi nghe.

Hắn đành lên tiếng:

- Bà làm ơn cho gặp G...

- Thưa, ở đây không ai tên G...

- Cô G... - Hắn ấp úng - Xin lỗi, đây có phải là số máy nhà riêng?...

- Ông nhầm rồi - Bà lịch sự vẫn từ tốn - Đây là số máy của bảo tàng.

Nhà bảo tàng? Tòa biệt thự cổ nằm ở gần cuối con đường mòn từ gốc me xuống chân núi mà nàng vẫn đi qua mỗi chiều. Biểu đã vào đó một lần, lâu lắm rồi, và ngay lập tức tự nhủ sẽ không có lần thứ hai. Lí do không rõ ràng. Có lẽ chỉ tại vẻ nghèo nàn cũ kĩ của mấy gian phòng rộng mênh mông bày lèo tèo những mảnh bát đĩa vỡ và vài bộ xương người quắt queo.

Biểu lại gọi số máy di động. Vẫn im lặng kéo dài.

Tối hôm đó về nhà, hắn còn thử gọi thêm mấy lần nữa. Cả hai số máy - để bàn và di động - cùng im lặng.

Hắn chỉ dừng hẳn việc quấy rối bất đắc dĩ bằng điện thoại khi buổi sáng hôm sau, đầu giờ làm việc, hắn lại gọi cho nàng và nghe ở đầu dây đằng kia giọng bà lịch sự đã mất hẳn kiềm chế:

- Hỏi hoài! Đây là nhà bảo tàng!

Chiều, hắn nóng ruột thay quần áo đi núi.

Nàng vẫn đợi hắn ở gốc me như không hề có chuyện gì xảy ra.

Hai người dẫn nhau lên chỗ tình tự quen thuộc. Chưa kịp làm gì đã thấy lố nhố mấy cái mũ nhựa trắng sau bụi cây. Tốp công nhân mặc đồng phục áo liền quần màu xanh xuất hiện, dây dợ lòng thòng quanh lưng. Họ giở bản vẽ, chỉ trỏ về chỗ hai người. Biểu thấy nàng hơi co mình lại như muốn tránh. Nhưng mấy người kia chỉ chăm chú vào một mình hắn. Những ánh mắt gườm gườm nghi ngại. Biểu vội kéo nàng qua chỗ khác, cách xa chỗ vừa rồi.

Nơi ấy khuất sau một tảng đá lớn. Nhẹ nhàng đẩy nàng tựa lưng vào tảng đá, không nói một lời, hắn âu yếm kéo vạt áo của nàng lên. Nàng nhắm mắt lại, gương mặt xanh đi vì xúc động. Cái vết hằn trên cổ nàng - lạ, bây giờ hắn mới để ý, nó chưa hề mất đi mà lại còn nổi rõ hơn, như một vết sẹo trên làn da mịn màng. Khi những ngón tay hắn bắt đầu mê mụ, cuống quýt bỏ phần trên để lần xuống dưới, đột nhiên nàng rùng mình rồi cắn mạnh vào vai hắn.

Biểu choàng tỉnh. Hắn cứ ngỡ những cái mũ trắng lại đến quấy rầy. Nhưng không phải. Chẳng hiểu sao trong đầu hắn hiện ngay ra cảnh tượng cô ả đồng nghiệp với con cá mực cụt hứng nằm xẹp lép... Giờ đây chính hắn đang bị rơi vào tình huống đó. Hắn lẳng lặng rời khỏi nàng. Không hé răng hỏi gì về chuyện điện thoại. Cố giữ vẻ ngoài bình thường như mọi lần. Kiên nhẫn đợi đến lúc sẩm tối mới rủ nàng về.

Chuyện không thể liên lạc qua điện thoại, rồi nhát cắn đau điếng gieo vào lòng hắn cảm giác bực bội khó chịu. Khó chịu với cả vết hằn trên cổ nàng. Với những ánh mắt dửng dưng của người đi đường. Với cái nhìn là lạ của đám công nhân. Có thật người ta cố tình làm ra vẻ không nhìn thấy nàng? Nỗi hồ nghi ngấm ngầm xúi giục hắn...

Qua khỏi gốc me một đoạn ngắn, hắn lộn ngay lại. Hắn định bụng bí mật theo nàng về tận nhà. Nhưng vừa tới gốc me, hắn lại thoáng thấy bóng nàng. Đúng ra thì nàng cũng quay trở lại như hắn.

- G.! - Hắn kêu lên.

Bóng áo trắng khuất sau gốc me.

- G.! G. ơi..! Anh đây mà!

Biểu mở căng mắt trong bóng tối nhập nhoạng, tim đập mạnh.

Những người đi bộ về muộn vẫn vội vã rảo chân xuống núi. Lẫn trong số đó thấy nhấp nhô cả những chiếc mũ trắng và tiếng cười nói tục tĩu, mùi mồ hôi dầu nồng nặc.

Cô gái đã biến mất sau buổi chiều hôm đó.

Một trận ốm quật Biểu nằm bẹp cả tháng trời. Nằm trên giường thỉnh thoảng hắn lại mở máy di động, nhìn trân trối dãy số điện thoại của nàng. Dãy số câm lặng.

Khi hắn gượng dậy được, tập tành, nhúc nhắc đi bộ lại thì quang cảnh trên núi đã có nhiều thay đổi. Một cái trụ lắp ghép bằng những thanh sắt chằng chéo, gần giống như trụ điện cao thế lênh khênh mọc lên ở đúng cái chỗ hôm trước có đám công nhân đội mũ trắng chỉ trỏ. Hắn nhận ra đấy là cột cáp treo. Dấu mốc đầu tiên của một dự án đầy tham vọng: đường cáp treo lên đỉnh núi. Phục vụ du lịch. Lủng lẳng lủng lẳng từ chân lên đỉnh. Lủng lẳng lủng lẳng từ đỉnh này sang đỉnh kia. Làm mới cảm hứng di chuyển. Thỏa mãn thú vui được dạo chơi trên đầu kẻ khác. Trên đỉnh núi mai mốt sẽ mở sòng bạc, xây nhà hàng, khách sạn năm sao. Du khách khắp nơi ùn ùn kéo đến. Tiền sẽ vung ra nhiều như lá mít, tha hồ mà nhặt...

Người ta đang hối hả làm mọi thứ cho cái ngày tươi sáng ấy mau đến. Cây me già bị đốn hạ. Máy ủi san phẳng cái miếu nhỏ phía sau cây. Con đường bị cày xới nham nhở để nắn lại, để đặt cống thoát nước, đất núi đỏ tươi như máu. Chỗ hẹn hò đợi chờ quen thuộc bị xoá sạch dấu vết, khiến lòng hắn thắt lại.

Biểu bỗng nhớ da diết buổi chiều đầu tiên đưa nàng lên chùa Bạch Vân.

Nỗi nhớ đưa chân hắn…

- Chào cụ.

Vị sư trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng ấy ngồi bên bộ bàn ghế đá kê trước cửa chùa ngước nhìn Biểu. Trên mặt bàn là một lon bò húc đang uống dở, chiếc ống hút còn cắm trong lon. Hình như cụ cũng vừa đi đâu về. Mồ hôi loáng ướt trên cái đầu cạo trọc. Cặp lông mày chổi sể che bớt đi ánh nhìn tinh quái:

- Hỏi gì thì hỏi trước đi, rồi lễ Phật sau.

Biểu chưa kịp mở mồm thì có tiếng Mỹ Tâm cất lên nheo nhéo trong túi áo cụ. Ước gì cho thời gian trở lại. Ước gì ta đừng có giận hờn... Cụ thọc tay vào túi, móc ra con di động, bấm nút OK rồi quát sang sảng vào máy:

- Sáng mai! Sáng mai! Bảy giờ! Điếc à?... Bảy giờ đưa xe lên đón cụ.

Bỏ tọt con di động vào túi, cụ quay sang hắn:

- Con yêu nữ thỉnh thoảng vẫn lảng vảng lên đây đấy.

Hắn ớ ra, chưa kịp hiểu con yêu nữ là con nào. Có phải cái con cụ vừa quát nhau với nó qua điện thoại?

- Con yêu ở gốc me ấy. Còn nguyên cái vết lằn ở cổ, đúng không?

Biểu đờ người, lưỡi đông lại.

- Nó bảo anh là nó bị giật dây chuyền. Chỉ có anh thấy nó chứ ai thấy mà giật của nó!

Cụ cười hề hề, rũ tay áo đứng dậy.

Biểu đi theo như bị thôi miên.

Trước mỗi ban thờ Phật, hắn choáng váng thắp một nén nhang.

Chuông chùa bất thần gióng lên.

Tiếng chuông vang rền như tiếng cồng.

Từng tiếng chuông dội thẳng vào tâm trí đang rối bời của hắn, lay động, chao đảo. Hắn chỉ dần dần tĩnh tâm lại khi đợt sóng âm thanh cuối cùng tan chìm vào thinh không.

Hắn rút ví, lấy ra mấy đồng tiền mới run run đặt lên đĩa.

- Thôi thôi! Đưa đây, đưa đây - Cụ tiến sát đến bên hắn từ lúc nào, vừa banh miệng túi áo, vừa lấy tay kia chỉ chỉ vào - Bòn được đồng nào hay đồng ấy. Nhộm nhoạm thế này, phải chuyển chùa đi chưa biết chừng.

Chưa dứt tiếng cười sảng khoái, cụ lại sực nhớ, vỗ vỗ tay lên cái đầu trọc. Ấy đấy! Cái con bé ấy còn trẻ lắm. Đang làm ở nhà bảo tàng thì lên núi tự tử. Treo người lên cành me. Trăng sáng vằng vặc. Hồi ấy đường lên núi còn vắng lắm. Toàn bọn xì ke rủ nhau lên chích choác. Ống chích cắm đầy trên thân cây. Đêm ấy chúng nó còn cắm nhầm cả vào chân con bé. Hai ống chân buông thõng chi chít ống chích. Cụ lắc đầu. Hỏi vì sao lại chết á? Đến bố mẹ nó còn chả biết, nói gì người ngoài. Bọn trẻ bây giờ thì... chịu. Không hiểu nổi, không hiểu nổi. Đùa với cái chết. Chết rồi vẫn đùa. Thôi quên đi, quên đi. Cầm lấy cái này mà phòng thân. Cụ dúi vào tay hắn một đạo bùa được hàn kín trong túi ni lông. Phải luôn mang theo người, cho nó khỏi quấy nhiễu...

Biểu cất đạo bùa vào túi áo ngực. Trên đường về, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào hắn lại móc nó ra rồi thẳng tay ném tọt vào bụi rậm.

Bậc cao tăng làm sao hiểu được tình yêu của hắn.

Những người đàn bà sau này cũng không hiểu. Họ đến với hắn, và trong lúc đang hưởng lạc thú chăn gối, họ thấy hắn sờ lên cổ mình, vuốt ve nhè nhẹ. Như thể trên đó có vết thương vô hình nào. Người thấy sờ sợ. Người thấy thinh thích. Nhưng không ai hiểu vì sao.


10/2006
T.Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)