Bên triền sông Rạng

Thứ Hai, 14/09/2020 06:13

. PHƯƠNG TRÀ

Dòng thông tin ít ỏi đưa tôi, một cô phóng viên đang chuẩn bị cho trang báo tết đến nhà bà vào buổi chiều cuối năm. Căn nhà cũ nép bên khu vườn cũ, xơ xác vài bụi chuối, dăm cây cam và mấy khóm sả lớp đứng lớp nằm cạnh những mảng tường mỏi mòn vì mưa nắng.

Bà Mịch lưng còng, đầu vấn khăn, ngơ ngác nhìn khách phương xa. Tôi nói cháu đi hơn nghìn cây số đến đây vì muốn nghe chuyện của bà. Bà Mịch cười, ối dào, đời tớ thì có gì mà phải nhọc công đến thế. Muộn rồi, thôi để tớ nấu cơm, hai bà cháu cùng ăn nhé. Tôi dạ rồi phụ bà nhặt rau, vo gạo. Có lẽ trời thương tôi lặn lội từ xa nên câu chuyện trong ánh lửa rơm thập thõm, tôi được biết mình đến đúng dịp khi bà bảo, nay cũng vừa tròn năm mươi năm bà làm đá vọng phu. Năm mươi năm đằng đẵng cách trở âm dương… Rồi bà thở dài. Nói với cô chứ, cái đằng đẵng ấy, đơn đôi, bóng lẻ ấy, không chỉ có tôi đâu. Tôi đã nghĩ kĩ rồi. Tối nay là tiện nhất. Ý nghĩa nhất. Cũng là chuẩn bị cho tôi là vừa. Tôi còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu gì thì bà đã đưa hai ngón trỏ ở hai bàn tay lên từ từ xích chúng lại rồi chập vào làm một và đưa lên gần ngang mắt. Ngọn lửa trên bếp như lùi xa hơn, soi những ngón tay nhăn nheo run run phản chiếu lên gương mặt bà vệt đen mờ. Vệt mờ ấy nhảy múa khi tách ra, lúc chụm lại. Cái ngã xuống, cái kia lại như kéo nó lên. Chúng sẽ thế… sẽ thế… Rồi đến lượt tôi, cô nhỉ. Bà nhắc lại, rồi như chợt tỉnh, bà đẩy mồi rơm trong bếp cho nó cháy to hơn khiến nồi cơm đang sôi rồ lên, nước trào ra ngoài rơi xuống chiếc kiềng kêu xèo xèo.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Nhìn vẻ mặt xa xăm đầy bí ẩn của bà, tôi không dám hỏi mà đành chờ khi nào tiện sẽ tìm hiểu. Cơm nước xong, tôi theo bà ra bờ sông. Rướn cái lưng còng, bà hướng về phía bãi lau xao xác gió. Im lặng, tôi phụ bà bẻ những cành lau trắng rồi cắm từ bến sông lên một gò đất cao bằng phẳng gần đó. Mãi đến khi hai bà cháu nối những cành lau ấy lại với nhau bằng những dải lụa màu xanh bộ đội bề rộng bằng ba đầu ngón tay không biết bà đã chuẩn bị từ bao giờ rồi ngồi xuống cái chiếu đã trải sẵn trên bờ đất cao, tôi mới dám hỏi. Bà ơi, thế này là thế nào ạ? Ý cháu là… Ánh mắt tôi dừng ở cái hộp gỗ mà bà ôm khư khư trong lòng, bỏ lửng câu hỏi ở đó.

À, thế nào à. Thì… Bà chợt thầm xuống như nói với chính mình. Cái giọng kể có cảm giác như đã được lặp đi lặp lại mấy mươi năm như thế. Cứ rủ rỉ, miên man. Hệt tự độc thoại nhưng cũng lại như có một vô hình lắng nghe.

Mịch lập cập bước xuống đò, thúng rau trên vai còn mát rượi sương đêm, trĩu nặng. Tấm ván dưới lòng đò cũng ướt sương khiến chân cô trượt nhẹ. Cô bấm ngón để giữ thăng bằng. Chiếc đò tròng trành khiến cô loạng choạng.

- Để tôi giúp.

Vai nhẹ hẫng, Mịch ngước mắt nhìn người đàn ông vừa nhấc thúng rau khỏi vai cô, hai má chợt nóng ran khi chạm vào ánh mắt thật ấm.

- Người cùng làng mà. Cô không nhớ tôi ư?

Mịch nhìn anh ta. Gương mặt nâu giòn sáng lên bởi nụ cười, đôi mắt hai mí rõ to, lông mi dày và cong như mi con gái. Anh ta mỉm cười:

- Rõ là cô quên rồi. Tôi con ông Mộc, ở cuối làng.

Ông Mộc thì cả làng đều biết. Ông ấy làm nghề mộc, góa vợ từ khi đứa con trai duy nhất còn ẵm ngửa, cứ thế gà trống nuôi con cho đến khi thằng bé vỡ giọng, ra dáng thanh niên. Ông có người em ở dưới chân núi Cấm, cũng làm nghề mộc, sống một thân một mình. Trong lần vào rừng lấy gỗ, cậu em bị cây đè trọng thương nên ông cho cậu con trai đến ở nhà chú đỡ đần. Là Mịch nghe người làng kể vậy, thoắt cái đã mấy năm rồi.

- Tôi…

- Cô vẫn thường lên chợ Hà bán rau ư?

- Vâng.

Mịch lí nhí trả lời, ánh mắt dán chặt xuống bàn chân trần với mấy ngón vẫn còn bết đất. Hình như chúng đang đỏ rần lên vì xấu hổ.

Bờ sông lùi hẳn vào màn sương. Con đò trôi giữa bồng bềnh. Anh ta vẫn đội thúng rau trên đầu. Còn Mịch, chẳng rõ nguyên cớ gì mà trống ngực cứ đánh liên hồi, át cả tiếng mái chèo khua nước…

Đấy, lần đầu gặp nhau như thế đấy. Ở chỗ bến sông kia. Nào ai biết sau đó sẽ nên duyên chồng vợ. Nào ai biết rồi sẽ chia xa… Im lặng. Tay run run, bà lần lần ở cạp quần lôi cái túi rút bằng vải rồi lấy bức ảnh chân dung đen trắng bọc trong túi nilong đưa cho tôi. Người con gái mặt trái xoan, mắt to tròn, cậu thanh niên mặt chữ điền, tóc hơi xoăn trong ảnh đang nhìn tôi cười.

- Ông bà trông thật đẹp đôi - Tôi trầm trồ.

Bà mỏm mẻm cười:

- Tớ với ông ấy không có ảnh chung. Là tớ đem phóng ảnh của ông ấy rồi ghép vào, sau khi ông ấy không về nữa.

Có một đám mây xám lướt qua. Bà đan tay vào nhau nhìn người trong ảnh. Giọng bà như trẻ hẳn ra khi nhớ lần được tin chồng sẽ về thăm nhà sau một năm nhập ngũ.

Cả đêm ấy Mịch trằn trọc không ngủ, cứ miên man nghĩ những điều sẽ nói với chồng trong tiếng con thạch sùng liên tục tặc lưỡi trên vách…

- Có khi phải vá lại mái nhà, mình ạ. Mấy cơn mưa vừa rồi dột đẫm.

- Còn cái cầu ao nữa. Mấy hòn đá bị xệ phải kê lại, có lần em bước xuống rửa rau nó tụt suýt ngã…

Rồi Mịch sẽ kể, mấy tháng trước, u bị đau lưng, phải sang làng bên nhờ người châm c

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

ứu. Còn thầy hôm đi cày giẫm phải cái gai tre dưới bùn, chân mưng mủ. May trong vườn có cây thuốc, Mịch hái lá rửa sạch, vò nát rịt vào vết thương, giờ đã yên. Riêng chuyện nhà hết gạo, phải sang mượn của bác Cả thì Mịch sẽ giấu, không kể.

 

Trong thoáng chốc, tim Mịch như ngừng đập. Mịch đỏ mặt khi nghĩ đến vòng tay ghì xiết của chồng rồi nhìn xuống cái bụng vẫn còn con gái của mình. Hôm cưới xong, đen đủi sao, Mịch lại đến tháng. Hai đêm liền vợ chồng chỉ ôm nhau vuốt ve, cứng hết người mà không thể làm gì được. Nhất định lần này, chúng mình sẽ có con… Mới nghĩ đến đó, hai bầu ngực Mịch đã cương lên, nóng rực.

Mịch vùng dậy mở cửa. Ngoài sân, đom đóm lập lòe trên hàng dâm bụt. Mịch ngồi lặng, nhìn mãi, nhìn mãi vào bóng đêm phủ kín ngõ.

Thế rồi cái giây phút ấy cũng tới. Cái giây phút mà theo hẹn, chồng Mịch sẽ ghé qua nhà một đêm. Chiều hôm đó Mịch không đi làm mà ở nhà. Cái sân đất Mịch quét đi quét lại không biết bao nhiêu lần, vừa quét vừa ngóng ra ngoài ngõ. Cái chiếu, cái gối, cái vỏ chăn cũng vậy, Mịch vuốt đi vuốt lại cho phẳng phiu không biết bao nhiêu lần. Chàm tối. Tim Mịch đập thình thịch khi thấp thoáng ngoài ngõ có bóng người mặc áo bộ đội. Mịch ào ra rồi bất chợt khựng lại.

Trước mắt Mịch đúng là một người lính. Nhưng không phải chồng Mịch. Không kịp cả bước vào nhà, sau vài câu hỏi thăm, người lính ấy lôi trong ba lô một gói nhỏ đưa cho Mịch và bảo, đúng ra, chồng Mịch sẽ cùng đơn vị hành quân qua nhà và ở với vợ một đêm. Nhưng vào phút cuối, kế hoạch thay đổi, chồng Mịch được biên chế sang một đơn vị khác để lên đường vào Nam chiến đấu gấp. Trước khi đi, anh chỉ kịp gửi lại cho Mịch cái này.

Đưa cho Mịch cái gói, anh xin phép đi luôn bởi đơn vị đang chờ ở bên kia sông.

Mịch tiễn người lính ấy ra bến. Mưa buốt triền sông. Bãi lau trắng ngợp. Đột nhiên Mịch thấy sợ cái màu trắng ấy. Người lính xốc ba lô bước lên đò. Mịch đứng chôn chân trên bến, nhìn hút theo như trông bóng chồng mình. Mịch nào biết miền Nam ở đâu…

- Thế trong cái gói ấy là thứ gì hở bà? - Tôi cố nén tiếng thở chực bực ra khỏi ngực.

- Nó là cái này. Bà Mịch nhìn xuống chiếc hộp đang ôm trong lòng. Một anh bộ đội được đẽo bằng gỗ cùng lá thư viết vội. Trong thư ông ấy bảo, tranh thủ lúc rỗi, ông ấy đã đẽo hai người. Anh bộ đội chính là ông ấy thì gửi về cho tớ còn người con gái là tớ, ông để vào ba lô mang theo…

- Thế bà không tặng ông vật gì làm kỉ niệm ư? Chiếc khăn tay chẳng hạn? - Tôi tò mò hỏi.

Bà Mịch lắc đầu, bẽn lẽn cười:

- Không, có gì đâu mà tặng. Nhà nghèo lắm. Tớ và ông ấy cưới nhau chỉ có mấy quả cau với chai rượu trắng. Ông ấy ra chiến trường, tớ ở nhà làm ruộng, bắt ốc nuôi con.

- Chắc bà nhớ ông ấy nhiều lắm?

- Chao ơi, bức ảnh ông ấy chụp khi nhập ngũ, tớ phải mang gửi bên thầy u. Treo trong nhà, càng nhìn càng nhớ. Không chịu được. Nhưng cái hộp này thì tớ luôn mang theo mình.

- Ông đi bao lâu thì bà nhận được thư? Ông viết nhiều thư không bà?

- Lúc đấy đang chiến tranh mà, có phải như bây giờ đâu. Ông ấy đi ngót bốn năm. Tớ mỏi mắt chờ thư.

Sau tết năm 1970, Mịch lên xã họp đội sản xuất. Vừa nhìn thấy Mịch, cán bộ xã reo lên:

- Chị Mịch có thư từ trong Nam đây này. Chồng chị gửi.

Tim đập như giã gạo trong lồng ngực, Mịch luýnh quýnh bước lên mấy bậc thềm ủy ban xã, chân nọ vấp vào chân kia. Lá thư nhuốm mùi thuốc súng. Lá thư không biết đã đi cùng giao liên qua bao nhiêu chặng đường khói lửa mới ra đến miền Bắc, về đến làng Thanh, giờ run run trên tay. Nước mắt Mịch trào ra khi gặp lại những dòng chữ thân thuộc của chồng.

“Em khỏe không? Thầy u thế nào? Gia đình bác Cả thế nào? Anh nghe tin Mĩ ném bom miền Bắc, lòng như lửa đốt. Không biết chúng có đánh tỉnh mình, xã mình, làng mình hay không. Cầu mong gia đình ta, làng xóm ta, quê hương ta được bình an, không nơi nào phải hứng chịu mất mát đau thương vì bom đạn của địch.

Anh nhớ em, nhớ thầy u, nhớ làng. Có những đêm anh nằm mơ thấy em đã vào Nam đứng ngay đầu võng, mỉm cười. Giật mình tỉnh dậy, chỉ thấy đêm bịt bùng, cây rừng xào xạc.

Anh công tác ở tỉnh kết nghĩa với tỉnh mình. À, anh chưa kể với em, trước khi vào chiến trường, anh được học một khóa về y tế. Vào đây, anh nhận nhiệm vụ tại một bệnh xá ở vùng giải phóng. Em biết không, trong nhiều ngày, bọn anh chỉ ăn ngô rang hay quả rừng, củ rừng; lương thực ít ỏi nên dành cho thương bệnh binh. Đói cơm lạt muối nhưng bọn anh chưa bao giờ để mất tinh thần. Thuốc men thiếu thốn vô cùng, vì vậy bọn anh phải tìm kiếm các loại lá thuốc trong rừng để thay thế. Rửa vết thương thì dùng nước nấu từ vỏ cây mằng lăng, hết dịch thì lấy nước dừa non lọc qua bông gòn rồi truyền. Thuốc men chỉ có hai nguồn, là từ miền Bắc chi viện vào và từ cơ sở dưới đồng bằng đưa lên cùng với lương thực. Có những chuyến hàng, từ gạo, muối cho đến thuốc đều thấm máu, cho nên bọn anh phải dè sẻn từng chút. Hôm trước có một đồng chí, cũng từ miền Bắc vào, trên đường đi công tác rơi vào ổ phục kích của địch, bị thương, được đồng đội đi cùng giải thoát và đưa về bệnh xá. Anh ấy bị thủng đến 9 lỗ ở ruột, cần phải mổ. Bọn anh phải lấy một thanh gỗ nhỏ đặt ngang miệng rồi buộc lại, để anh ấy không cắn vào lưỡi khi quá đau rồi trói chặt chân tay lại mổ. Lúc ấy, mắt anh ấy trợn ngược lên. Đến khi hết chịu được, anh ấy ngất rồi lại tỉnh. Bác sĩ tiêm cho một tí thuốc tê và tiếp tục mổ để khâu.

Như thế vẫn còn đỡ, mấy hôm sau, khi lọ thuốc tê cuối cùng cũng hết, cơ sở chưa chuyển được lên, bọn anh đã phải cột chặt chân trái của một cậu giao liên tầm mười sáu mười bảy tuổi, mổ để lấy mảnh đạn ra.

Ở bệnh xá này (các bệnh xá khác có lẽ cũng vậy), bọn anh ngoài chữa trị cho thương bệnh binh còn tăng gia sản xuất để có thêm lương thực, thực phẩm cho thương bệnh binh và cho chính mình. Nhưng em biết không, nhiều khi hoa màu sắp đến lúc thu hoạch thì địch rải chất độc hóa học, cây trụi không còn một chiếc lá.

Những dòng chữ nhòe đi. Mịch ấp lá thư vào ngực. Khi về nhà, Mịch thắp hương lên bàn thờ, xin thầy u phù hộ để chồng được bình an giữa hòm tên mũi đạn. Rồi bụng bảo dạ, bao giờ chồng trở về, Mịch sẽ nấu những bữa cơm thật ngon cho chồng ăn, sẽ may mấy bộ đồ mới cho chồng mặc.

Đêm ấy, Mịch vặn to ngọn đèn, nắn nót viết thư cho chồng.

Mịch kể toàn chuyện vui, mà không dám kể với chồng rằng độ hai năm sau khi anh vào Nam chiến đấu, làng hứng một trận bom. Hôm đó, sau mấy ngày ẩm ương, trời bật nắng. Mịch gom mớ ốc vừa bắt được hôm trước, cắt thêm thúng rau mang lên chợ Hà. Chợ chưa vãn thì đã bị xé ra bởi tiếng còi báo động. Mọi người tản xuống hầm trước khi bầy quạ sắt ào tới…

Trời yên. Con đò thắc thỏm qua sông Rạng, đưa những người đi chợ về làng. Mịch chết điếng khi ngôi nhà của thầy u và nhà bác Cả tan hoang. U ơi! Thầy ơi! Mịch gào lên, lao vào đống đổ nát. Một cánh tay mạnh mẽ giữ Mịch lại. Đó là chú bộ đội trẻ măng của đơn vị lắp ráp tên lửa đóng quân ở cuối làng, vẫn thường sang nhà thầy u chơi. Tay chân lẩy bẩy, Mịch ngồi phịch xuống, ngửa mặt lên trời.

Bầu trời đỏ bầm như máu. Nước mắt Mịch cứ thế mà tuôn.

- Chị ơi, em nhặt được cái này.

Chú bộ đội chìa ra bức ảnh của chồng. Bức ảnh anh chụp khi nhập ngũ. Lạ lùng là nó vẫn còn nguyên…

Ngày tháng bằn bặt trôi.

Năm đó mưa đến sớm. Sông Rạng ầng ậc nước, lấn vào bãi bồi. Mưa ngằn ngặt suốt buổi cấy nhưng Mịch lại có cảm giác nóng, từ trong bụng nóng ra. Về nhà, Mịch thấy bức ảnh chồng rơi xuống đất. Rửa vội tay chân bết bùn, Mịch chỉnh cái đinh, treo lên, lát sau bức ảnh lại rơi. Mịch tìm cây đinh khác đóng chắc vào tường, treo bức ảnh cạnh chỗ cũ. Bước vào buồng thì thấy cái hộp gỗ Mịch để trên đầu giường không hiểu tại con gì đụng vào hay gió, hay lí do gì đó lại rơi xuống đất. Mịch hốt hoảng khi không thấy tượng gỗ trong đó đâu. Tìm mãi mới thấy nó lăn xuống cái lỗ chuột đào ở tít trong gầm giường. Cơn ớn lạnh khiến Mịch nổi da gà, đầu bỗng váng vất. Một nỗi sợ mơ hồ chợt dậy lên trong lòng kể từ giây phút đó.

Cơm nước xong thì mưa tạnh. Lúc Mịch bê mâm bát ra vại nước, đêm sắp chạm xuống ngọn cây. Từ phía bãi lau, gió đưa lại tiếng chim bìm bịp. Từng tiếng kêu rời rạc, trầm trầm, buồn bã. Ngày trước, khi nghe bìm bịp kêu, chồng nói có lẽ nó đang nhớ bạn. Lúc này, khi hoàng hôn loang khắp bốn bề, tim Mịch buốt lên vì nhớ anh.

Đôi chân đưa Mịch ra bờ sông Rạng.

Đêm buông xuống. Một mảnh trăng hiu hắt trên trời. Bãi lau chấp chới dưới trăng. Từng ngọn lau vươn tay về phía Mịch.

Mịch…. Mịch… Mịch…

Ai đó đang gọi. Có phải chồng Mịch? Có phải anh đã trở về? Cơ mà lau trắng quá, anh không tìm thấy lối. Đôi chân Mịch hổn hển bước tới.

Mịch… Mịch…Mịch…

Bàn chân lạnh. Có lẽ tại trời vừa mưa, như hôm chồng lên đường nhập ngũ. Ống chân lạnh. Có cái gì đó rười rượi chung quanh. Trước mắt là tấm màn linh loang, mờ ảo. Chồng Mịch đang ở đó.

- Đừng, Mịch!

Là tiếng của chồng. Đúng là tiếng của chồng. Mịch đến với anh, đưa anh về nhà, sao anh ngăn cản Mịch?

- Đừng!

Tấm màn linh loang vỡ ra. Mịch bàng hoàng thấy mình đang đứng với sông, chân đã chạm vào sông. Tự lúc nào, tiếng chim bìm bịp đã tắt. Những cánh tay lau rối rít xua về phía Mịch. Gió gờn gợn từng đợt sóng, lạnh buốt.

Run rẩy bước lên bờ, Mịch đi như chạy về nhà. Đêm đó Mịch hầm hập sốt.

Ngày tháng lướt nhanh qua ngọn lúa Mịch trồng. Lúa lên xanh, làm đòng rồi chín. Gặt lúa xong thì thấy sắp hết năm.

Một buổi chiều, có hai người đàn ông đẩy cổng bước vào nhà Mịch. Một người thì quen, là cán bộ trên xã, còn người kia lạ hoắc. Họ dè dặt bước lên thềm, dè dặt ngồi xuống cái ghế gỗ bị mọt nhấm. Mịch rót nước chè từ cái ấm sứt vòi mời khách, trong đầu chờn vờn vô số câu hỏi. Cho đến khi một trong hai người đàn ông đứng lên, mở lời.

Tai Mịch ù đi. Nền đất chao đảo dưới chân. Những ngón tay không còn chút máu chạm vào tờ giấy lạnh buốt. Mịch đổ sụp xuống.

Trước khi chìm vào bóng đêm, Mịch đau đớn nghĩ, thế là không bao giờ còn có thể nấu cơm ngon cho chồng ăn, không bao giờ còn có thể may quần áo đẹp cho chồng mặc nữa rồi!

Không khóc được nữa. Người con gái mất chồng cũng không gượng dậy được. Hàng xóm nấu cháo mang sang, ép mãi không xong. Chồng bảo Mịch ở nhà, anh vào Nam chiến đấu vài năm rồi anh về. Giờ thịt xương anh gửi ở trong đó. Mịch muốn đi theo chồng, an ủi chồng.

Ngày thứ ba, thứ tư rồi thứ năm, Mịch lịm dần. Nước mắt Mịch cũng không còn để rơi. Rồi Mịch chợt nghĩ, chao ôi, cả nhà anh đã ra đi cả. Nếu Mịch cũng đi, ai hương khói cho thầy u, cho anh? Ý nghĩ ấy khiến Mịch thêm nghị lực. Mịch gắng nuốt từng muỗng nước cơm, dần tỉnh.

Đau quay đau quắt, Mịch ốm suốt mấy năm liền. Mỗi lần chạm vào giấy báo tử, nước mắt lại trào ra. Giấy báo tử nói rằng chồng Mịch hi sinh vào một ngày đầu mùa cấy. Có phải anh linh của anh đã trở về, cất tiếng gọi Mịch nơi bãi lau? Có phải anh đã ngăn Mịch bước vào sông Rạng?

Đêm đêm Mịch ôm tượng gỗ chồng chong mắt lên mái nhà, lại nghe tiếng bìm bịp kêu, y hệt cái đêm Mịch một mình ra sông Rạng. Mịch đi gặp bà lang nọ, ông thầy thuốc kia. Thuốc đắng thuốc ngọt đều đã uống, nhưng Mịch vẫn cứ chong mắt hàng đêm và nghe tiếng chim bìm bịp. Thầy thuốc nói, bệnh của cô là tâm bệnh. Cô muốn khỏi thì chỉ có một cách là phải tự chữa cho mình.

Mịch đi ra ngõ, hễ thấy người ta dắt trẻ con là tim nhói, gai ốc nổi lên, thế là quay về. Đấy cũng là tâm bệnh, phải không?

Tôi ngồi lặng, nghe nước mắt nghẹn trong cổ mình. Bà Mịch ngước đôi mắt nhuốm đầy hoàng hôn nhìn bức ảnh.

Một cơn gió xao xác đi qua.

- Người ta nói chồng tớ hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tớ chỉ biết có vậy. Mãi sau này…

Mấy năm sau ngày đất nước thống nhất, có một người tìm về làng Thanh, hỏi thăm nhà Mịch,tự giới thiệu cùng đơn vị với chồng Mịch, trong Nam.

Thắp hương và đứng tần ngần một lúc rồi người đó kể: “Suốt mấy tháng ròng, địch lùng sục bắn phá, rải chất độc dioxin. Hoa màu chúng tôi trồng đều chết sạch. Lương thực không còn, thuốc men cũng cạn kiệt. Anh em ở bệnh xá quyết định đi xuống đồng bằng để kiếm lương thực, thuốc men. Nhóm chúng tôi có tám người, hai nữ y tá được giao nhiệm vụ đi mua và mang thuốc về cho thương bệnh binh, cánh đàn ông thì mang gạo, muối. Chúng tôi đi suốt năm ngày, len lỏi qua nhiều đồn bót của địch. Đến ngày thứ sáu thì đụng phải lính Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn Bạch Mã đi càn. Đa số anh em chạy vào một cái hang nhỏ mà phía trên là những gộp đá to, hiểm trở. Còn tôi và một người nữa đi sau không kịp nên đành ẩn ở gộp đá sau bụi luầng quầng. Bọn địch lùng sục, phát hiện ra cửa hang cùng người ẩn nấp trong đó. Chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng. Và chúng bắt đầu đếm. Trong gộp đá bên này, chúng tôi nín thở. Bọn địch đếm xong, bờ suối vẫn lặng phắt. Thế là chúng ném lựu đạn vào trong sau đó đặt mìn đánh sập tảng đá lớn phía trên lấp cửa… Sau khi địch rút đi, chúng tôi không thể nào đưa anh ấy và những đồng chí khác ra ngoài…”.

Người đàn ông bật khóc. Mịch nhìn di ảnh chồng, giọng nhòa đi: Mình hẹn em sẽ trở về, sao mình không giữ lời?

Tôi cầm bàn tay nhăn nheo của bà, rưng rưng.

- Bà ơi, khi đã nguôi ngoai rồi, sao bà không đi bước nữa để có người thủ thỉ lúc tuổi già?

Bà Mịch lấy ống tay áo quệt nước mắt:

- Ừ thì người ta cũng nói thế. Có người mai mối cho tớ một anh góa vợ. Nhưng tớ bảo không là không. Chồng tớ hiền ơi là hiền, lại đẹp trai nữa. Tớ tìm đâu ra người như ông ấy?

- Đến bây giờ bà vẫn nhớ ông?

- Ừ, nhớ đến lúc chết thì thôi. Tớ cứ tiếc mãi, chưa nấu bữa cơm ngon cho ông ấy ăn, chưa may đồ đẹp cho ông ấy mặc. Nhớ thì nước mắt nó tự chảy ra chứ tớ đâu có khóc.

Tiếng “u…út…út…” vang lên sau đó là những âm thanh rời rạc, trầm trầm, khắc khoải. Ô hay, sao bìm bịp lại kêu lúc này? Trên đầu hai bà cháu, một mảnh trăng mỏng cài lên bầu trời đêm. Trước mặt, dòng sông linh loang, mờ ảo. Sương bắt đầu buông xuống.

Bà Mịch mở chiếc hộp, khẽ khàng lấy ra bức tượng gỗ anh bộ đội, những ngón tay khô héo, xác xơ khẽ chạm vào mặt tượng. Và tôi, tưởng như nhìn thấy ánh mắt của cô Mịch cách đây hơn năm mươi năm - ánh mắt mà cô đã gửi trao cho một người đàn ông, để rồi cả đời không quên được.

Rướn cái lưng còng, bà Mịch chậm rãi đi theo dải lụa dọc hàng phướn bằng lau để xuống bến sông. Gió u u thổi nghe như tiếng kinh cầu,những cánh tay lau lao xao vẫy. Chợt như, sương từ dưới mặt sông bỗng dâng lên mù mịt khi đón chiếc tượng gỗ vào lòng mình…

Đêm hôm ấy, nằm cạnh bà Mịch, tôi không tài nào chợp mắt. Chẳng phải vì lạ nhà, cũng chẳng phải vì cái liếp cũ cứ rên rẩm mỗi khi trở mình. Hình ảnh chiếc tượng gỗ và mặt sông mịt mờ sương chập chờn trong đầu tôi.

Có tiếng cọt kẹt nho nhỏ cạnh bức vách, gần nơi hai bà cháu nằm.

- Mọt đấy. Chúng nhấm cái áo quan của tớ.

Thì ra bà Mịch đã chuẩn bị tất cả và đang chờ đợi chuyến đi cuối cùng. Bà tin rằng khi bước sang thế giới bên kia, bà sẽ được gặp lại người đàn ông của mình, sẽ nấu cơm cho ông ấy ăn, may đồ mới cho ông ấy mặc.

Từ ngoài cửa sổ, gió lùa vào, lạnh buốt.

Sáng hôm sau, tôi rời căn nhà cũ nép bên khu vườn cũ để trở về tòa soạn. Bà Mịch tiễn khách ra cổng. Đi được mươi bước chân, tôi ngoái đầu nhìn, thấy bà vẫn đứng ở đấy. Tim tôi thắt lại khi bắt gặp ánh mắt bà. Ánh mắt của một người vợ chưa có đêm tân hôn trọn vẹn nhưng cả đời thương nhớ.

Tôi vội vã bấm máy, giữ lại khoảnh khắc ấy.

Sau khi báo đăng bài viết, đồng nghiệp nói với tôi rằng rất ấn tượng với hình ảnh một bà già lưng còng, đầu vấn khăn, đứng bên cánh cổng bạc thếch. Ánh mắt bà ấy, chao ôi thật khó diễn tả bằng lời! Hình ảnh đó không hề dàn dựng, đúng không?

Ừ, làm sao mà dàn dựng được ánh mắt của một người đã yêu thương, đã dành cả cuộc đời cho một người đàn ông mãi mãi ra đi trong lửa đạn.

Có vài chi tiết tôi không đưa vào bài báo, là đã không còn những chuyến đò tròng trành qua sông Rạng sau khi một cây cầu vững chãi nối đôi bờ. Lúc tôi qua sông, trời rải xuống một cơn mưa nhỏ. Và lạ lùng làm sao, tôi nghe tiếng bìm bịp kêu.

Người ta thường nói bìm bịp kêu chiều nhưng tôi lại nghe vào tinh mơ, khi đi qua sông Rạng. Lẽ nào con bìm bịp trong bãi lau trắng buốt cũng nhớ bạn, cho đến tận bây giờ.

Trại viết VNQĐ, Phú Yên, tháng 5/2020
P.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)