. VĂN XƯƠNG
Mấy ngày nay trở trời cả người ê ẩm, đau nhức, đầu mõm cái chân cụt tấy sưng lên. Ông Thanh giật thót mình khi thấy nó tê rần, giật giật liên hồi và chỉ thở phào khi nhận ra chiếc điện thoại di động lâu nay thường bỏ trong túi quần bên chân cụt cho cân đối và đỡ hẫng hụt để ở chế độ tắt tiếng đang rung. Lập cập một hồi mới lôi được nó ra, nhìn thấy cuộc gọi nhỡ, ông bấm máy:
- A lô… A lô…
- Làm gì mà lâu thế!
- Còn làm gì được nữa! Đang buồn thối cả ruột.
- Ruột thì lúc nào chả thối. Còn cái chân?
- Chân thì một nửa phân hủy đã lâu, còn một nửa đang “vùng lên” đây.
- Đi khám xem viêm nhiễm làm sao còn thuốc thang nhé!
- Ừ. Vậy trong ấy tình hình thế nào?
- Bọn tao đang tổ chức lễ viếng ở Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành Cổ. Còn mấy cái thùng phuy hài cốt liệt sĩ, thì chẳng có cái nào của thằng Hà, thằng Thái cả. Địa điểm tìm thấy hài cốt, nằm ở phía Đông Nam Thành Cổ, xa khu vực đơn vị mình chốt giữ và nơi chôn cất hai đứa.
- Trời ơi! Vậy mà tao cứ hi vọng!
Tiếng ông Thanh ứ nghẹn như có một vật gì đó đang đè trong lồng ngực.
- Biết làm sao được. Bọn tao cũng đã xác định được mấy điểm để tìm kiếm, nhưng Quảng Trị đang mùa mưa, nước dâng ngập từ bờ sông Thạch Hãn đến sát nhà dân…
Ông Thanh buông một tiếng thở dài đánh sượt. Vẻ mặt thẫn thờ, đôi mắt vời vợi nhìn xa xăm.
Minh họa: Hải Kiên
Đơn vị Thanh được lệnh vượt sông Thạch Hãn để bổ sung lực lượng cho mặt trận Thành Cổ Quảng Trị vào đầu tháng chín. Trời mưa như trút, cứ như trên trời có bao nhiêu nước đều dồn đổ hết xuống. Sông Thạch Hãn, nước dâng cao, chảy xiết cuốn rác rưởi, gỗ mục, xác động vật... trôi đi phăng phăng. Trên trời máy bay, pháo địch gầm rú, quần đảo, bắn phá không ngưng nghỉ. Sau những tiếng nổ inh tai, nhức óc, từng đụn nước nối tiếp nhau dựng đứng lên. Có những đụn nhuốm màu đỏ ối. Nhiều đồng đội Thanh đã mãi mãi nằm lại trên dòng sông ấy… Sức vóc công tử, bơi thì kém, lớ quớ thế nào, Thanh tuột mất chiếc phao, nước cuốn xiết đi như cái chong chóng, may mà thằng Thái kịp túm lấy tóc dìu vào bờ. Qua bên này sông, đơn vị Thanh được bố trí chốt giữ tại một khu vực gần chợ thị xã Quảng Trị. Cả thị xã đã bị san phẳng, chỉ còn là những đống gạch, đá, bê tông, sắt thép lổm nhổm, những hố bom, đạn sâu hoắm khét lẹt mùi thuốc súng và mùi hôi thối, tanh tưởi của xác người.
Đêm. Trời tối đen như mực. Đại đội trưởng cầm đèn pin rọi loang loáng, lệnh các đơn vị bố trí trận địa và chuẩn bị chiến đấu. Công sự chủ yếu tận dụng những đống bê tông đổ nát, giao thông hào và các công sự cũ của địch bị sạt lở và ngập do trời mưa kéo dài. Để tránh phải ngâm mình dưới nước và cơ động chiến đấu hiệu quả, tiểu đội Thanh chia hai tổ, chọn hai mô đất cao về hướng địch sẽ tấn công, chất bao tải và thùng phuy đổ đầy cát bên trong lấy từ công sự cũ của địch để phục kích. Bao cát thì chất lên dễ dàng, còn thùng phuy, loại 200 lít đựng xăng dầu, bằng thép không gỉ của Mỹ rất nặng nên chỉ lăn được và đặt ở phía dưới.
Thanh, Hà, Thái được bố trí một tổ đánh địch từ hướng đường Trần Hưng Đạo ra. Hà quê Tuyên Quang, dáng thư sinh, nước da trắng mịn, môi đỏ như môi con gái nhưng rất nhanh nhẹn, lém lỉnh và hay mơ mộng… Thái quê ở vùng biển Thái Bình, nước da ngăm ngăm, tính trầm tư, nhưng khi nói thì như đinh đóng cột, người to khoẻ, lực lưỡng việc gì nặng là góp mặt... Còn Thanh thì như Hà, Thái hay bỡn cợt: Tiếng là trai Hà thành nhưng chỉ được cái học giỏi, còn người thì... vứt ra ngoài đường ba ngày đến ruồi cũng chẳng thèm bậu nói gì con gái. Ba đứa cùng học một lớp, ngành xây dựng cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sơ tán ở Quế Võ, Hà Bắc nên chẳng lạ gì tính tình của nhau. Lệnh Tổng động viên, chẳng đứa nào được về thăm nhà trước khi nhập ngũ. Từng lớp tổ chức chia tay đơn sơ nhưng đầy ắp những lưu luyến và bịn rịn. Nhiều mối tình lâu nay bí mật nay “bật mí”, riêng cả ba, chẳng có lấy một mối tình vắt vai nào để tơ lòng vấn vương, thổn thức.
Huyện đội tổ chức giao nhận quân tại trường, cả ba cùng được biên chế trong một đơn vị và được tập trung huấn luyện gấp rút khoảng một tháng ở Hoà Bình rồi lên đường đi B. Đi B là vào chiến trường miền Nam, Thanh, Hà, Thái và đồng đội chỉ biết vậy. Cuộc hành quân dài dằng dặc, đầy gian khổ chưa từng có, ròng rã gần hai tháng trời đưa Thanh và các bạn từ giảng đường thẳng ra chiến trường. Thanh, Hà, Thái cùng một tiểu đội, và bây giờ cùng một tổ chiến đấu nên càng thương yêu nhau như ruột thịt.
Sau cái đêm chuẩn bị công sự chiến đấu, mấy ngày liền, địch liên tục mở nhiều đợt tấn công vào khu vực của đơn vị Thanh. Hai bên giành giật, giằng co nhau từng ụ đất, từng mét giao thông hào, bờ tường, đống gạch, bê tông đổ... dưới trời mưa tầm tã và cả trong bóng đêm đen đặc. Tranh thủ lúc địch củng cố lực lượng, Thái bàn với Thanh và Hà:
- Địch từ ngoài đánh vào khó quan sát được hoả lực của ta và bất lợi về địa hình, địa vật. Hai người dùng AK bắn nhử để chúng tập trung xông lên, rồi yểm trợ cho tớ trườn ra ngoài công sự phụt một quả B40 sẽ tiêu diệt gọn bọn chúng.
Đúng như sáng kiến của Thái, B40 là hoả lực có sức xuyên phá mạnh, sát thương lớn, lại ở tầm gần nên chúng bị thương vong khá nhiều, xác chết nằm rải rác quanh các đống bê tông đổ nát, bờ công sự, dưới hào nước. Địch rất khiếp sợ, không dám liều lĩnh xông lên, chỉ núp từ xa bắn xối xả vào. Mấy thùng phuy cát trên công sự lỗ chỗ đầy vết đạn AR15.
Tiếng súng bỗng im bặt. Một khoảng lặng ghê người. Hà nói nhỏ với Thanh và Thái:
- Cẩn thận! Chưa chừng chúng sẽ pháo kích đó.
- Mình với địch gần nhau thế này, làm sao chúng pháo kích được - Thanh nói cứng.
- Cũng có thể địch sẽ rút ra khỏi tầm bắn, sau đó mới gọi pháo nã vào thì sao - Thái tư lự.
- Chúng sẽ không pháo kích đâu. Yên tâm đi - Thanh khẳng định lại lần nữa.
Giao thông hào, trời mưa nước từ trên dồn ứ xuống, ngập ngụa, nhờn nhờn, tanh tưởi. Là tổ trưởng nên ý kiến của Thanh coi như quyết định. Nào ngờ chỉ ít phút sau, hàng loạt đạn pháo địch tới tấp trút xuống khu vực đơn vị Thanh chốt giữ. Những tiếng nổ xé gió, rách tai, đất, đá bay vèo vèo. Không kịp rút xuống giao thông hào trú ẩn, cả ba đứa nằm úp vào thành công sự. “Viu viu… xoẹt…”. Một ánh chớp loé cùng tiếng nổ ghê rợn. Thanh bị hất tung lên. Trời đất tối sầm lại, Thanh thấy mình nhẹ tênh như một làn sương khói cứ thế lơ lửng, lơ lửng trôi đi…
Có tiếng người thầm thì đâu đó rất gần, Thanh sực tỉnh, ngơ ngác hồi lâu, mới biết là mình đang nằm ở một trạm xá dã chiến. Thanh cựa định ngồi dậy, nhưng toàn thân ê ẩm, đau buốt không sao nhấc mình lên được. Một người đàn ông mặc áo bờ lu trắng đến gần bảo: “Anh bị mất máu khá nhiều nhưng rất may là đồng đội của anh đã kịp thắt ga rô”.
Thanh đưa mắt nhìn xung quanh tìm Hà, Thái nhưng không thấy.“Hà, Thái ơi! Chúng mày ở đâu?”. Không có tiếng đáp lại, chỉ âm vọng, hiển hiện lên trong tâm tưởng Thanh khoảnh khắc chớp loé cùng tiếng nổ của quả đạn pháo địch. Chao ôi! Công sự chiến đấu, nơi ba đứa sống chết bên nhau… Chỉ mới mấy ngày đây thôi, cả ba đứa bê bết bùn đất dưới trời mưa tầm tã, người mệt lả ngồi dựa vào mấy cái thùng phuy, lấy lương khô trong ba lô ra ăn. Lương khô trộn với nước mưa sệu sạo nhai cứ ứ nghẹn nơi cổ họng. Ba đứa chuyền tay nhau chiếc bi đông nước. Đến lượt Hà, nó cầm tu một hơi, ngẫm nghĩ một lúc rồi khẽ mỉm cười nhìn hai đứa, hắng giọng nói như kiểu kể chuyện Tam Quốc diễn nghĩa:
- Ba chúng ta chẳng há như Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, cớ sao không kết tình huynh đệ nhỉ?
- Đệ nói chí phải - Thái cười bảo.
Thanh gật gật:
- Các đệ nói hợp lòng ta lắm thay.
Hà nheo nheo mắt:
- Hai thằng mày láu cá nhỉ!
Ba đứa nhìn nhau cười khúc khích…
Thanh đứng dậy, sửa lại quần áo ngay ngắn rồi nói một cách nghiêm trang:
- Ngày xưa ba anh em Lưu, Quan, Trương lấy vườn đào làm lễ kết nghĩa huynh đệ. Hôm nay ba anh em chúng tôi lấy công sự này xin thề với trời đất cùng sống chết có nhau.
Ba đứa đứng sát bên nhau, nắm tay đưa lên quá đầu, đồng thanh:
- Xin thề! Xin thề! Xin thề!
Vậy mà bây giờ … Thanh nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào.
*
* *
Vẻ mặt ông Thanh đầy tư lự. Ngày ấy, sau khi bị thương, ông được đưa về trạm xá dã chiến bên bờ Bắc sông Thạch Hãn sau đó chuyển ra tuyến sau tiếp tục điều trị rồi về an dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Một năm sau sức khoẻ ổn định, ông trở lại Trường Đại học Xây dựng học hết những năm còn lại. Tốt nghiệp ra công tác, rồi nghỉ hưu cho đến nay. Thấm thoát đã hơn bốn mươi năm chiến tranh đi qua, với biết bao thăng trầm, lo toan của cuộc sống thường nhật, nhưng kí ức về một thời chiến tranh khốc liệt, những người đồng đội thân yêu nằm lại nơi chiến trường vẫn mãi khôn nguôi trong lòng ông, cứ thắt nghẹn lấy trái tim, trĩu sâu trong tận cùng nỗi nhớ. Rất nhiều đêm ông thấy Hà, Thái hiện về. Hai đứa vẫn như ngày nào trên công sự chiến đấu nặng sâu lời thề kết tình huynh đệ. Hà vẫn nhỏ nhắn dễ thương, nước da trắng mịn, môi đỏ như môi con gái… Thái vẫn to khoẻ, lực lưỡng, đôi mắt sâu thẳm, trầm tư. Hai đứa đi trên hai chiếc bánh xe cỡ lớn lỗ chỗ vết đạn, lăn tròn đến gần ông, lặng lẽ nhìn. Ông chới với chạy tới, gào gọi nhưng không sao tới được. Giật mình tỉnh dậy, ông mới biết là mình đang nằm mơ. Mỗi lần như vậy, ông lại xót xa, ân hận, giằng xé tâm can, nước mắt đẫm trên đôi bờ mi, rồi thổn thức: Giá như hồi ấy nghe theo lời Hà và Thái kịp xuống giao thông hào trú ẩn. Giá như tìm được hài cốt của hai đứa...
Lần vừa rồi nghe tin có mấy bộ hài cốt liệt sĩ mai táng trong mấy cái thùng phuy ở Thành Cổ Quảng Trị, ông đã hi vọng và mừng đến rơi nước mắt. Hồi ấy sau khi chiến tranh kết thúc, gặp lại nhau, mấy đứa trong tiểu đội kể: Hôm đó, khi tổ cứu thương đưa ông sang bờ Bắc sông Thạch Hãn để cấp cứu. Tại trận địa trời vẫn mưa tầm tã, pháo địch vẫn bắn tới tấp. Không thể để thi thể của đồng đội phải phơi dầm ngoài trời mưa, và bị pháo địch bắn trúng, anh em trong tiểu đội đã dùng dao găm đục thủng hai cái thùng phuy đựng cát trên bờ thành công sự của tổ để làm quan tài cho Hà và Thái. Khi đặt, hai đứa phải nằm ở tư thế co chân vì thùng phuy ngắn hơn người nhiều. Hà người nhỏ nhắn nên anh em đã gửi cái chân của ông theo. Trời tối đen như mực chỉ nhìn thấy mặt nhau qua những vầng lửa và ánh chớp. Chẳng đứa nào nói một lời, nước mắt chan với nước mưa mằn mặn chảy xuống mũi, miệng, cắn răng lăn hai cái thùng phuy lèn đầy cát theo ánh đèn pin như hai con đom đóm đến một mô đất có một hố pháo địch ngập nước. Anh em thay nhau tát cạn rồi đặt hai đứa nằm song song với nhau đầu hướng ra phía Bắc. Phía trên đặt mấy cục bê tông làm dấu rồi vội vàng quay lại công sự cũ của địch trú ẩn. Bấy giờ anh em mới gục đầu xuống mấy cái thùng phuy đựng cát trên bờ công sự, bật khóc nức nở…
Thế rồi cuộc điện thoại của mấy đứa trong nhóm cựu chiến binh từ Quảng Trị gọi về khiến ông bàng hoàng, chết lặng người đi.
Mấy ngày liền ông như người mất hồn, đứng ngồi không yên, cái chân cụt lại tấy sưng đỏ sậm. Thấy vậy, thằng cu út đang học đại học năm thứ nhất an ủi: “Bố và hai chú ấy kết tình huynh đệ, dù không chết cùng tháng, cùng ngày nhưng một phần thân thể của bố đã cùng ở lại với các chú ấy… Con sẽ cùng bố đi tìm các chú và cái chân của bố”. Ông ngậm ngùi nói với con: “Bố cũng chỉ mong như vậy. Con biết không, cái chân của bố chỉ tấy sưng, nhức buốt trong những ngày trái gió trở trời, còn nỗi đau, day dứt trong tâm can của bố thì chẳng lúc nào nguôi vơi được. Ngày nào chưa tìm thấy các chú ấy là ngày đó bố chưa thể yên lòng con ạ”.
*
* *
Quán Mây Café nằm trong một con phố nhỏ, gần một trường đại học. Là quán cà phê sân vườn, với lối thiết kế kiến trúc giữ nguyên bản từ thời bao cấp, đơn giản, mộc mạc, không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh, thoáng mát. Cà phê ở đây nguyên chất không pha trộn, màu đen sánh, hương vị đậm đà, thơm nồng. Chính vì những lẽ đó mà nhóm cựu chiến binh của ông Thanh thường hẹn gặp mặt tại đây hàng tuần. Hôm nay không nhớ là lần thứ bao nhiêu, nhóm lại họp mặt để chuẩn bị cho chuyến đi vào Quảng Trị sau Tết Nguyên đán. Trên chiếc bàn tấm bản đồ địa hình có tỉ lệ 1/50.000 được trải ra. Loại bản đồ dùng để tác chiến cấp đại đội, nhóm đã sao in tại Bảo tàng Thành Cổ trong lần về trước. Ông Thanh cầm chiếc bút chì vừa khoanh mấy điểm trên bản đồ vừa nói:
- Đây là bến Vượt, nơi mình xuất phát để bơi qua sông Thạch Hãn. Vì nước sông chảy xiết nên khi qua được bên kia sông, phải xuôi xuống khoảng vị trí này. Và từ đây đến khu vực chợ tính tỉ lệ trên bản đồ gần hai ki lô mét, vừa đi bộ vừa vượt chướng ngại vật ít nhất là ba mươi phút. Như vậy khu vực mà đơn vị mình chốt giữ ước tính hai mươi đến ba mươi héc ta. Rất khó để xác định vị trí chốt giữ của tiểu đội mình và nơi chôn cất hai đứa ở chỗ nào trong khu vực này.
- Biết là thế, nhưng bây giờ chúng mình đứa nào tóc cũng bạc xoá cả rồi. Cầu trời, khấn Phật... chứ vài năm nữa không biết có còn sức lực mà đi không.
Lời nói của người bạn lính khiến ông Thanh rưng rưng nước mắt. Những năm gần đây, thị xã thay đổi từng ngày, thật khó như tìm kim đáy bể: “Hà, Thái ơi! Sau Tết Nguyên đán này chúng mình lại vào. Hai đứa linh thiêng chỉ đường dẫn lối cho chúng mình nhé.” - Ông thầm nhủ trong tâm tưởng.
Bỗng cái chân cụt của ông lại giật giật liên hồi. Ông Thanh thò tay lôi chiếc điện thoại ra.
- A lô, tôi đây!
- Dạ! Cháu chào bác. Cháu là….
- Ờ, mình biết rồi. Cậu rảnh ra Mây Café với bọn mình nhé.
- Dạ! Cháu… Cháu đang ở Quảng Trị.
Ông Thanh gật gật đầu:
- Vậy à. Thế có việc gì không?
- Dạ! Bác ơi, cháu báo cho bác một tin vui…
Tim đập liên hồi, ông Thanh ngây người. Khuôn mặt căng cứng rồi giãn ra, đôi mắt ánh mừng rỡ.
- Cám ơn cháu! Cám ơn cháu! Các bác sẽ vào ngay.
Quá xúc động, vội buông chiếc điện thoại ra, ông Thanh hét toáng lên:
- Chúng mày ơi! Tìm thấy hai đứa rồi.
Cả nhóm ngơ ngác rồi đổ dồn ánh mắt về phía ông:
- Mày nói sao, có thật không? Thật không?
- Thật chứ! - ông Thanh vừa hổn hển thở vừa nói - Thằng cháu sinh viên người Quảng Trị, tao quen tại quán cà phê này, hôm trước khi bọn mày vào Thành Cổ ấy. Nó mới về nghỉ tết, vừa điện cho tao bảo: “Hôm qua có một gia đình ở gần khu vực chợ thị xã Quảng Trị đào hố trồng cây, trúng hai thùng phuy nằm song song sát nhau, bên trong lèn đầy cát. Khi xúc cát ra để đưa lên thì phát hiện có hài cốt người ở trong hai thùng phuy đó. Sáng nay thị đội Quảng Trị về xác định đó là hài cốt liệt sĩ. Và trong một thùng phuy có ba khuỷu xương chân từ đầu gối xuống vẫn còn đeo ba chiếc dép cao su (dép Bình Trị Thiên). Cháu nhớ chuyện bác kể bữa trước nên vội vàng điện cho bác đây”.
- Đúng rồi! Vậy là đúng thật rồi.
Một thoáng lặng đi trong ngỡ ngàng rồi vỡ oà trong niềm vui khôn xiết. Không ai bảo ai cả nhóm xúm lại ôm lấy nhau nghẹn ngào trong nước mắt.
Một hồi lâu sau, một người trong nhóm nhỏ nhẹ nói với ông Thanh:
- Kể cũng lạ thật, hồi ấy khi quả đạn pháo 155 mm bắn trúng công sự của tổ mày; Hà và Thái mảnh đạn găm đầy người, quần áo nhuốm máu, rách tươm, còn mày chẳng hiểu sao toàn thân không hề có một vết thương nào, chỉ duy có cái chân phải bị mảnh pháo tiện đứt ngay ở khuỷu đầu gối, giống hệt như người ta dùng một con dao sắc lẻm phứt một nhát đứt vậy. Bây giờ cái chân của mày, mày định thế nào?
Ông Thanh nhìn xuống cái mõm chân đang đỏ sậm, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Ngày xưa nơi công sự chiến đấu, chúng tao đã thề với nhau... Có lẽ cứ để yên như vậy tốt hơn.
*
* *
Đêm hôm đó, chuyến tàu cuối năm hành khách nườm nượp, chật kín các toa, chật vật lắm nhóm cựu chiến binh của ông Thanh mới mua được vé tàu để vào Quảng Trị.
Đã mấy chục năm rồi chưa khi nào ông Thanh và những đồng đội của mình đi trên cùng chuyến tàu mà rạo rực, xốn xang, dâng trào niềm vui đến thế... Đứa con trai út của ông ngồi sát bên như một điểm tựa, vẻ mặt tươi vui, trên đôi tay nó nâng niu một bó hoa tươi trắng muốt.
Tàu chuyển bánh xa dần. Xình xịch, xình xịch… Âm thanh xuyên màn đêm.
Quảng Trị, ngày 24/6/2020
V. X
VNQD