Vào thành phố

Thứ Sáu, 02/10/2020 06:34

. THÁI CHÍ THANH

Tôi nhớ mãi cảm giác ngỡ ngàng khi nhận chỗ ở là căn phòng ngập ánh đèn neon, có đủ điều hoà, hệ thống thông gió, hút bụi trong dãy nhà hai tầng sang trọng nhất khu Tổng kho Long Bình khi đơn vị tôi cùng Sư đoàn bộ F304 vào tiếp quản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đặt chiếc ba lô cũ sờn lên chiếc giường lò xo, đệm mút, rải ga trắng tinh mà mới mấy hôm trước là nơi nghỉ của một sĩ quan cao cấp nào đó của địch, tôi ngỡ mình như đang mơ. Đồng đội tôi cũng thế. Có người còn hét tướng lên, cứ như ở Thiên đường ấy nhỉ! Rồi đứa nằm, đứa ngồi nhún nhảy như lũ trẻ. Nhưng ngay đêm đó, chẳng đứa nào ngủ nổi. Đã bao tháng năm lính trận, quen với ngủ hầm, ngủ võng nên giường lò xo cứ bồng bềnh như đi thuyền trên biển, không chợp mắt nổi. Thế là mấy đứa mở ba lô lấy võng. Loay hoay mãi chẳng tìm nổi chỗ mắc bởi nhà không kèo, không cột, tường thì toàn đồ lắp ghép, đóng đinh cứ thùn thụt, đành rải võng xuống nền ngủ. Đúng là khổ mãn tính rồi nên làm quen với sướng cũng khó, phải mấy tuần sau mới ngủ giường được.

Minh họa: Bùi Quang Đức.

Toàn thắng rồi. Tất cả là của ta. Cấp trên đã quán triệt nhiều mà chẳng hiểu sao, đơn vị tôi xảy ra bao chuyện. Chẳng phải lính mình không hiểu, nhưng bao năm tháng trong cảnh đạn bom, lúc nào cũng căng mình giữa sống với chết, bây giờ thanh bình quá tự nhiên thấy… thiêu thiếu. Đã vậy, sau chiến thắng được bồi bổ toàn cá tươi, thịt ngon, lại quà mừng của nhân dân địa phương nhiều khi ăn không hết nên ai cũng béo ú lên. Thừa năng lượng đâm ra ngồi yên là khó chịu. Thế là quậy, lủi khắp nơi để “khám phá”. Cũng nhờ vậy mà một lần tôi lập công lớn khi vô tình tìm thấy cả một hệ thống đường ngầm của Tổng kho.

Hôm ấy, cũng như nhiều buổi chiều khác, tôi cùng anh em trong đơn vị đá bóng ngay trên chiếc sân rất to sau nhà. Không hiểu thế nào quả bóng lại bay vào trạm biến áp điện lớn ở góc sân có hàng rào “mắt cáo B40” và tường xây kín xung quanh. Nhìn bảng hiệu treo ở cửa có dòng chữ “nguy hiểm chết người” với hình đầu lâu xương chéo, ai cũng ngại, đùn đẩy nhau. Rốt cuộc, tôi liều trèo vào, nhặt quả bóng ném ra. Nhưng vốn hay tò mò, tôi chưa ra ngay mà vòng ra sau bức tường và cột biến áp, tôi phát hiện một cửa hầm to và rộng, chẳng khác gì cửa hầm ngầm đường quốc lộ qua núi đèo. Cửa hầm ngầm không khóa, trông thông thống, điện neon sáng chiếu hun hút sâu tít vào trong. Tôi hô: “Chúng mày ơi... Có hầm ngầm... Vô coi!”. Vậy là tất cả trèo vào và làm một cuộc khám phá. Hầm ngầm dài thoai thoải sâu dần, điện đóm sáng trưng. Chúng tôi cứ đi chừng ba bốn trăm mét, thấy nó được chia ra nhiều ngách. Hành lang rộng đến 4,5m, hai bên là các phòng làm việc như khách sạn, lại có cả những khu thể thao, nhiều nơi làm việc vẫn nguyên đèn sáng và máy móc. Đám lính chúng tôi thường đi tới đâu ầm ĩ đó nhưng lần này bỗng dưng chờn chợn, tự nhiên im thin thít, lẳng lặng quan sát và dặn nhau không ai được động vào bất cứ cái gì, lỡ tắt điện hay bẫy của địch thì chết mất xác không ai biết. Chúng tôi cũng không đủ gan khám phá tiếp dù chưa hiểu hệ thống này kết thúc ở đâu, đành phải quay ra khỏi hầm về báo cáo thủ trưởng đơn vị. Sau lần đó, chúng tôi không bao giờ được xuống đấy nữa, thậm chí chơi bóng cũng phải chuyển đi chỗ khác.

Lần ấy, các thủ trưởng gặp riêng dặn dò và biểu dương chuyện khám phá của chúng tôi. Đang vui vui vì “chiến công đầu” sau giải phóng thì mấy hôm sau, chúng tôi lại bị quy vào tội “phá hoại”. Chẳng là trước khu nhà chúng tôi ở có một bể nước tự tạo rất to, dễ chừng cả trăm mét vuông, giữa có hòn non bộ, có nhiều cây nhỏ và nước róc rách đêm ngày như cảnh Trường Sơn thu nhỏ; và đặc biệt là rất nhiều cá, con to, con nhỏ hình hài, màu sắc rất lạ, lại có cả rùa lúc hiện, lúc ẩn trong các hẽm đá. Thường ngày chúng tôi hay tán gẫu hoặc ngắm cảnh đẹp non bộ ấy, nhưng ngắm chán rồi, nhân ngày nghỉ, cán bộ đi hết, mấy đứa lại hùa nhau ra tát bắt bằng hết, được hai xô cá đầy... Chưa biết nấu thế nào với những con cá màu đỏ, trắng đẹp mê hồn ấy thì quân cảnh đến bắt, giải lên sư đoàn. Số cá đó nhanh chóng được trả lại nơi cũ của nó, còn chúng tôi thì bị phạt dọn vệ sinh suốt cả ngày chủ nhật…

Giữa những ngày nóng bức, cả khu nhà của Bộ Tư lệnh và Sư đoàn bộ 304 bỗng dưng mất nước. Sư đoàn cử người đi kiểm tra mới phát hiện ra mấy cậu lính ở một đơn vị cơ sở lấy cờ lê mở tung một cột nước “cứu hỏa” để nó phun tràn ra như suối rồi hò hét, tắm vẫy vùng cho thỏa thích như bến sông quê. Giải phóng rồi, tất cả là của ta rồi, có chi mô! Tôi nhớ một hôm có cái trực thăng, chẳng rõ chở lãnh đạo nào đó to lắm đến làm việc với các thủ trưởng sư đoàn nên chúng tôi phải xếp hàng chào đón. Xuống máy bay, vừa đi, mấy vị khách vừa nói với sư trưởng: “Nhìn anh em mình khoẻ khoắn và chững chạc thấy phấn khởi quá!”. Sư trưởng cười to, trả lời: “Vâng! Nhưng các anh cho người trông cẩn thận chứ lính của tôi nghịch lắm, hay khám phá, lơ mơ là máy bay của các anh bị vặn hết ốc đấy!”.

Đến mấy tháng sau, tôi và bạn bè trong đơn vị vẫn cứ choáng ngợp với cảnh sống của đô thị miền Nam. Chúng tôi hay dạo phố, thấy cái gì cũng lạ, cũng thích. Tôi nhớ mãi hôm đầu, tôi và hai người bạn thân dạo phố Sài Gòn, cứ ngơ ngơ ngác ngác, khi thì tròn mắt nhìn các cô gái ăn mặc hở hang, phóng xe máy vù vù, lúc lại chạnh buồn thấy những người ăn xin la liệt khắp nơi. Chợt thấy một người thanh niên lưng trần xăm trổ, mặc quần bò rách te tua lảo đảo đi mấy bước từ trong quán ra rồi ngã vật xuống lề đường. Thấy dân tình xung quanh vẫn thản nhiên đi qua, chẳng một ai giúp, tôi bức xúc, nghĩ đúng là chủ nghĩa tư bản có khác, vô cảm, chẳng có tình người. Tôi và Tùng, người bạn thân đi cùng đến đỡ dậy. Anh Hải, là người lớn tuổi nhất trong ba anh em còn lấy lọ dầu ra xoa cho vì ngỡ anh ta bị cảm. Mấy cô gái đi gần đấy nhìn chúng tôi cười. Một cô bảo, mấy ông giải phóng thương người tùm lum. Nghe vậy, tôi chợt nóng mắt: “Có mà các cô tùm lum, thấy người hoạn nạn mà không giúp, lại còn…”. Một cô khác trong nhóm bảo: “Cái cha ấy không phải là bị bịnh, cha đó là thằng nghiện xì ke…”. “Xì ke là chi rứa?”. Tôi ngạc nhiên hỏi làm cả ba cô cùng bật cười, rồi cùng giơ bàn tay nửa như là chào thua, nửa như là cảm mến. Tôi còn nghe họ nói với nhau: “Mấy cha giải phóng thương người đến dễ sợ”. Anh Hải nhét một tờ bạc lẻ vào tay người thanh niên “xì ke” rồi vỗ vai tôi: “Thôi đi nào. Ta với họ bây giờ là một nhà rồi nhưng chẳng dễ gì hiểu nhau ngay được đâu. Đi thôi”. Rồi anh lắc đầu bảo, lính nhà mình vào thành phố cứ như bò đội nón thế kia có chết không cơ chứ, khi thấy tốp bộ đội giải phóng đi ngược chiều cười nói bô lô ba la như chỗ không người, một tốp khác lại mang đài bán dẫn, cái to đùng như thùng lương khô thì ôm trước ngực, cái nhỏ lủng lẳng bên hông đều được mở hết cỡ, nào kênh chương trình ca nhạc, chương trình thời sự như cãi nhau mà chẳng ai nghe cả.

Đến công viên Tao Đàn, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, vừa lạ, vừa vui, vừa sợ. Công viên ngày nghỉ, chỗ huyên náo, chỗ tĩnh lặng. Ba chúng tôi ngây người xem một đội đá cầu. Những cầu thủ mặc đồ thể thao rất đẹp, đá vòng tròn, lúc bằng chân, lúc bằng đầu, lúc bằng vai thật điệu nghệ như làm xiếc trong tiếng vỗ tay khen ngợi của những người xung quanh. Nghe tiếng nhạc dậm dật, chúng tôi đến thì thấy đó là cửa vào một rạp xiếc, bên trong đang có mấy tài tử còn rất trẻ, xinh xắn trình diễn tiết mục phi dao. Là lính trận thật, nhưng tôi cũng cứ phải liên tục rùng mình, kinh hãi khi những lưỡi dao sáng lóe lia vun vút cắm xung quanh một cô gái đang dang tay chân tựa vào một tấm ván. Thằng Tùng còn rú lên khi lưỡi dao của chàng tài tử trẻ tuổi cắm phập vào giữa bụng cô gái khiến cô gục xuống. Người ta thì vỗ tay, còn chúng tôi thì hoảng hốt. Tôi đâu biết đó là trò gây sốc. Chỉ đến khi chàng tài tử tới lấy dao và trong áo cô gái lót miếng gỗ nhỏ, tôi mới hoàn hồn... Dẫu sao cũng phải bái phục tài phi dao của họ, vì chỉ một sơ sẩy nhỏ là tai họa như chơi. Rồi xiếc người bay, ô tô bay, ba chúng tôi cũng hao tổn không ít thần kinh khi thấy các tài tử phi thân tài ba đến khó tin. Nhất là có ai giơ một tờ bạc ra vẫy vẫy, thì dù xe mô tô đang ở đâu cũng lao vút lên chớp lấy rất nhanh, cảm giác như họ sẽ bay tung vào mình...

Dạo mệt, ba chúng tôi ra ghế ngồi hút thuốc. Đúng lúc anh Hải đi tìm chỗ mua nước uống thì xuất hiện hai cô gái trẻ ăn mặc hở hang, khêu gợi cười rất điệu. Một cô giọng Sài Gòn rất ngọt ngào, ngồi xuống cạnh tôi, hỏi: “Anh Hai có nhớ chị nhà hông?”. Thằng bạn tôi tít mắt, bắt chuyện liền. Tôi chợt nghĩ đến gái làm tiền đã được nghe kể bèn ghé vào tai Tùng, nhắc: “Mi muốn bể ống khói không?”. Nó mới lãng ra rồi hỏi: “Ống khói là cái chi tau không hiểu”. Tôi cười, giải thích: “Thằng khỉ… Nỏ lẽ mi không biết ống khói à? Cái điếu thuốc lào ấy. Nghĩa là của quý của ai đó dại dột dính vô sẽ sưng lên như cái điếu ấy”. Vừa lúc đó anh Hải về, rút ra mấy tờ bạc, cho mỗi cô một tờ. Hai cô nhận liền, còn hỏi: “Zậy mấy anh có cần xài hông?”. Anh Hải vội phẩy phẩy tay: “Các cô đi đi”. Họ đi rồi anh Hải mới nói: “Họ cũng khổ... Mà tụi bây cẩn thận, chứ lớ xớ bị bệnh, có khi mắc mưu đó”. Rồi anh kể ở sân bay Biên Hòa có sĩ quan của mình cũng vì chuyện tiền bạc, gái gú, họ đưa vào tròng rồi dọa, bắt đưa hết bí mật này bí mật khác, nếu không chúng sẽ đưa bằng chứng cho đơn vị anh ta. Bây giờ thì anh ta đang chờ ngày ra tòa án binh.

*

*      *

Sau giải phóng, anh lính nào cũng muốn có cái gì đó làm kỉ niệm mang về cho gia đình, người thân. Nhưng lính đa phần nghèo, mấy đồng phụ cấp chẳng mua được gì đáng kể. Đã thế còn luôn bị nhắc nhở, cấm đoán sử dụng những hàng hóa tư bản giả tạo, hàng tâm lí chiến còn sót lại của kẻ thù. Thỉnh thoảng, để kiểm tra gia tài của chiến sĩ, các vị chỉ huy chỉ cần ra lệnh báo động di chuyển, thế là tất tần tật đơn vị mang ba lô rồi chạy hộc tốc đến địa điểm tập trung. Sau điểm danh, báo cáo của các cấp từ tiểu đội lên, là lệnh: “kiểm tra vũ khí và quân tư trang”. Quân lệnh như sơn, từng chiến sĩ phải rải tất cả gia tài của mình ra trước mặt... Tôi may mắn sau chiến tranh không còn là chiến sĩ, cũng chẳng phải chỉ huy đơn vị, chỉ là anh trợ lí tham mưu nên hay được phân công kiểm tra cùng. Thú thật, tôi chẳng thích thú gì chuyện đó, nhưng là quân đội, thích hay không là chuyện khác. Nhìn “của nả” của anh em chiến trận, nhiều khi chạnh lòng. Anh nào khá lắm may ra kiếm cái đài, cái đồng hồ đeo tay, còn đa phần toàn thứ chẳng đáng giá bao nhiêu như tấm vải cho bố, mẹ, đôi dép nhựa cho em, vài cái khăn voan, đôi quyển Allbum... Nhưng nhiều nhất vẫn là đồ kỉ niệm chiến trường như lược, nhẫn bằng đuy ra, mi ca mà họ đã tốn bao công sức cắt dũa từ xác máy bay, ống đạn rốc két, kính xe tăng địch từ ngày còn đánh nhau... Nhưng có một thứ mà ai cũng có là búp bê nhựa có hai mắt biết nhấp nháy. Sau này, khi nhận tiền để phục viên hay xuất ngũ, anh nào cũng mua bằng được chiếc khung xe đạp rồi bọc vải quấn dây như thứ quý giá nhất của người lính từ chiến trận trở về. Trong những lần tôi cùng đội đi kiểm tra, lính sợ nhất là bị phát hiện sách báo của các tác giả miền Nam bởi không những bị tịch thu mà còn nhẹ thì họp kiểm điểm, nặng thì phê bình, cảnh cáo. Chính tôi cũng từng bị phê bình vì đọc sách “chế độ cũ”. Chẳng là trong Tổng kho Long Bình có một thư viện rất to, cơ man nào là sách. Hôm đến, tôi ôm về toàn những cuốn mà mình mới chỉ nghe, chưa bao giờ thấy chứ nói chi đọc như Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng…, cả truyện dịch, nhiều nhất là kiếm hiệp Kim Dung, sách tướng số, bói toán cũng ê chề. Tôi ngấu nghiến như chưa bao giờ được đọc cho đến khi chính thủ trưởng đồng hương của tôi phát hiện ra, vì thân nên chỉ nhắc nhở. Và cũng chẳng lâu sau, trong chiến dịch quét sạch tàn dư cũ, cả thư viện đồ sộ bị chở đi ra bán giấy lộn cho nhà máy giấy Cogido bên cạnh.

Dù là thời bình rồi, nhưng người lính vẫn phải đi truy quét bọn tàn binh đang cụm lại tại những căn cứ của ta ở rừng để chống phá. Nghĩ cũng hay, thời thế quay ngược 180 độ, vì hồi nào, chúng tôi ở rừng, ở hầm, bọn địch hay dùng pháo và trực thăng truy đuổi. Thì bây giờ, chúng tôi lại tập đổ quân bằng máy bay trực thăng, dùng hỏa lực truy quét địch, đa phần là tướng tá, sĩ quan, những người nợ máu không dám ra đầu thú. Thú thực, hồi ấy nhận nhiệm vụ chiến đấu là có thể hi sinh, tôi và nhiều anh em khác không khỏi suy nghĩ. Thế nên, tài sản lớn nhất của người lính là rèn luyện tư tưởng, ý chí... Rất nhiều buổi học tập chính trị, chỉnh huấn, chỉnh quân liên tục diễn ra. Tôi vẫn nhớ, có một giảng viên chính trị cấp cao từ ngoài Bắc vào giảng bài, nói rất hay, anh em nghe nuốt từng lời. Đến khi ca ngợi tinh thần anh hùng của quân đội, của dân tộc ta, giảng viên hào hứng: “Dân tộc ta thật anh hùng, ra ngõ là gặp anh hùng. Vậy mà có những dân tộc, không hiểu có phải thiếu anh hùng không mà người ta phải thờ một đôi giày của cầu thủ bóng đá...”. Chúng tôi vỗ đến rát tay mới thôi. Tự hào lắm. Hãnh diện lắm.

Cũng như anh em, tôi cũng lo vun vén cái gì đó làm quà cho gia đình, bạn bè. Ngoài cái đài Philipco to đùng, tôi thấy mình cũng toàn cái linh tinh như allbum, ví nhấp nháy, khăn voan. Một hôm tôi tậu được cái quạt bàn rất đẹp, về cắm thử, quay vù vù. Khoe thủ trưởng đồng hương. Ông ấy bật cười, bảo:

- Cậu về cắm cái phích điện vào đâu? Vào mũi con lợn à! Vùng cậu làm gì có điện. Thôi đưa tôi. Công nhận quạt hãng Sanyo đẹp thật!

Ờ nhỉ, sao tôi lại ngu thế? Tiếc ngẩn ngơ cũng đành biếu thủ trưởng. Nhưng ông ấy đưa cho cái xe đạp Prio của Pháp chính hiệu, bảo mang về mà đi, không phải bù lại đâu.

Một lần thủ trưởng đi công tác ngoài Bắc vào, mang theo năm cái phích nước của Trung Quốc, bảo tôi: “Cậu mang ra Chợ Lớn bán về lấy tiền ta mua hàng ở Bắc cần. Loại phích này trước khi đi công tác mình thấy họ mua đắt lắm đấy”. Tôi gói cẩn thận năm cái phích rồi ra Chợ Lớn. Vừa tới nơi đã có bao nhiêu người vây quanh hỏi: “Anh bán chi. Để em mua”. Cảnh hỏi “bán chi, mua chi” như dàn đồng ca tôi vẫn thấy khắp nơi nhưng vì ít tiền nên tôi không hay đến các khu chợ. Lần này, có hàng quý từ Bắc vào, nên tôi ra vẻ hãnh diện, tìm đến một quầy hàng khá sang trọng trong chợ bán cho chắc chứ bên ngoài hay bị lừa đảo. Tôi dắt xe đến một quầy có vẻ đàng hoàng, chưa kịp hỏi thì chủ hàng đã đon đả: “Chú giải phóng bán chi, con mua”. Tôi bảo: “Có phích nước Trung Quốc mới đây! Chị mua không?”. “Bình thuỷ ngoài Bắc vô hả. Có, lấy coi”. Họ ngắm qua cái phích rồi bảo: “Giá mấy, con mua hết cho”. Tôi nói giá như thủ trưởng tôi đã tham khảo trước ngày ra Bắc. “Cái chi? Cô chủ nhìn tôi rồi cười. Giá đó thì cả năm cái cộng lại cũng không mua chứ không chỉ một đâu”. Rồi chị giải thích, giá đó từ hai tháng trước, chứ bây giờ người ta làm ra nhiều rồi. Chị chỉ cho tôi thấy mấy thùng phích Trung Quốc y chang như của tôi mang đến đang nguyên hộp, cười: “Chú cần con bán rẻ cho, không đầy một nửa giá chú rao đâu”.

Tôi tiu nghỉu mang phích về trả cho thủ trưởng. Ông cũng buồn và hiểu ra những cái phích đầu tiên người ta mua để lấy mẫu nên rất đắt, sau đó sản xuất đại trà. Ngẫm nghĩ một hồi, ông bảo: “Thôi, cậu mang nó tặng cho mỗi phòng một cái, bảo quà của tôi”.

Thủ trưởng đồng hương quý và chiều tôi, nhưng tôi lại chẳng mấy chiều theo ý thủ trưởng, như việc tôi không thích đi đào tạo để xây dựng quân đội lâu dài, chỉ thích về quê với bố mẹ. Có lần thủ trưởng bảo cần mấy đảng viên chuyển ra dân sự, về quận này quận kia của Sài Gòn để bổ sung cấp ủy. Tôi hiểu ý thủ trưởng - tôi trả lời, đó là một ý hay, nhưng em thì chỉ một con đường rồi cười nhắc lại mấy từ thủ trưởng hay nói trong các buổi họp, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng” về quê với bố mẹ rồi mới nghĩ chuyện khác. Thủ trưởng chê tôi không có chí tiến thủ, mới ngoài đôi mươi đã nhụt chí phấn đấu. Tôi đành chịu tiếng chứ cũng chẳng muốn thanh minh là mình đang có một giấc mơ cháy bỏng hơn là trở lại với những trang sách tuổi học trò còn dang dở vì chiến tranh. Chỉ hôm có thông tin chiêu sinh một số anh em quân đội có học vấn thi vào đại học ở Sài Gòn, trong đó có trường Văn Khoa Sài Gòn (sau này trường hợp nhất với với trường Đại học Khoa học để lập thành trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), tôi mừng lắm, xin được thi, nếu đậu, tôi sẽ được đặc cách tốt nghiệp cấp 3 để vào học luôn. Thực tình, trong ba lô tôi từ khi xa mái trường cấp 3 quê hương, lúc nào cũng có mấy cuốn sách giáo khoa lớp 10, cho dù phải bỏ đồ ăn, trang bị nhưng chưa bao giờ tôi bỏ lại sách, với mong muốn ngày trở lại làm học sinh nên đây là một cơ hội lớn. Quân đoàn tôi có tất thảy 53 người được tập trung mấy tuần ôn thi. Trước khi thi, cán bộ quân đoàn quán triệt rất ghê, chủ yếu là danh dự người chiến sĩ quân đội, cấm ai được quay cóp, sẽ bị kỉ luật nặng. Cũng vì thế mà trước khi vào phòng thi, không một ai dám mang tài liệu. Nhưng thật bất ngờ, cán bộ coi thi mới đem đề từ Hà Nội vào, đợi thi xong sẽ niêm phong bài mang ngay ra Hà Nội chấm. Khổ thân mấy ông giám thị, như thế thì lấy đâu thời gian tranh thủ mua ít hàng hóa, chí ít cái đài, cái xe đạp mang ra Bắc. Vậy nên vừa bóc đề thi đọc cho mọi người xong liền bảo anh em tự giác làm bài, chúng tôi có chút việc sẽ quay lại ngay. Không có giám thị, anh em tiếc là không ai dám mang tài liệu, đành cử người bắt xe lam về lấy đến đọc cho phòng chép. Chép xong, ngẩn ngơ mãi cũng chưa thấy giám thị về. Lần ấy, tất cả đỗ, trừ một người đau bụng không thi. Nhưng tôi vẫn xin phép từ chối kết quả đỗ đại học để trở về quê nhà theo nguyện vọng.

*

*      *

Ngày gần chia tay đời lính, chia tay đồng đội, tôi bị rơi vào một tình thế thật khó xử: Họp chi bộ xét kỉ luật anh Hải và nhận xét tôi trước khi chuyển ra khỏi quân đội. Nhận xét tôi thì đơn giản, nhưng kỉ luật anh Hải, người anh tôi quý trọng nhất thời đó thì quả là đau lòng. Anh Hải là đảng viên kì cựu, nhiều thành tích trong chiến đấu, nhưng từ ngày giải phóng, bỗng sinh ra tư tưởng mê tín dị đoan. Anh hiền lành, ít nói, hay đi các chùa chiền hương khói. Sách anh đọc cũng khác chúng tôi, phần nhiều sách Phật, sách bói toán, chiêm tinh, tướng số. Anh vốn hay thương người, thấy ăn mày, ăn xin đều dốc hầu bao cho. Có ai khuyên, anh ấy bảo là anh đang tu nhân tích đức, hướng thiện. Nhất là đêm, khi mọi người đi ngủ, anh ngồi thiền, khấn khấn gì đó, trông kì bí, cứ như ma... Mấy lần trước, họp hành chi bộ đã nhắc nhở, nhưng anh vẫn thế, thậm chí “bệnh” mê tín còn nặng hơn. Lần này, sẽ căng vì tôi biết, trong chi bộ nhiều người thương anh, không muốn kỉ luật anh, hoặc có hình thức gì đó cho anh còn phấn đấu chứ khai trừ thì nặng quá. Đến khi biểu quyết khai trừ, chi bộ có 8 người, trừ anh ra, còn 7, ba người biểu quyết khai trừ, còn mình tôi đang lưỡng lự rồi cũng giơ tay, vì thực tình tôi cũng cho đó là mê tín. Tưởng là anh giận tôi lắm. Nhưng không. Đêm liên hoan chia tay tôi, anh tâm sự: “Em đừng áy náy việc anh bị khai trừ. Không trước thì sau thôi. Anh có con đường của anh, nhưng anh dặn này: Có ba điều em lưu tâm. Thứ nhất là em ba lần bị dính vào lao lí đấy. Thứ hai em đừng bao giờ chơi với súng đạn nữa, nó sẽ phản lại em. Và cuối cùng là em có đường xuất ngoại rất sáng.

Nghe anh bảo thế, lúc đó tôi thấy buồn cười, nhưng không dám nói gì, chỉ cảm ơn. Nhưng về sau tôi lại thấy lo vì những điều anh nói đã lờ mờ hiện hữu trong tôi. Bởi chuyện dính đến pháp luật thì ngay từ hồi mười tuổi, tôi đã ra toà làm chứng một vụ đánh bạc ở quê nhà. Đêm trăng đó, bọn trẻ chúng tôi chơi “đánh giặc giả”, tôi đang lủi qua đường tắt thì bỗng nghe tiếng la ó, tiếng người kêu cứu từ một căn nhà cuối thị trấn. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì, tôi xông vào, thấy mấy con bạc đang đánh nhau vì cay cú thua bạc. Không hiểu rồi sẽ xảy ra chuyện gì nữa, nếu sau đó không có mấy chú công an đến. Và tất nhiên, tôi là người làm chứng cho vụ án đó. Còn chuyện chơi với súng đạn tôi lại giật mình, cảm giác như anh Hải đã biết việc tôi quên một khẩu súng K54 từ lần về thăm quê năm trước, lúc đi vội để bắt được xe, lại cất kĩ quá nên bị quên. Xe chạy rồi mới nhớ ra, nhưng quay về sẽ lỡ xe binh trạm đang chờ đón ở Vinh để trở lại chiến trường Thượng Đức. Vào đơn vị tôi được đồng chí quân khí thế cho khẩu khác, nên cũng không có chuyện gì xảy ra.

Tôi phục viên về nhà được nửa năm thì một sự việc tầy đình đã đến. Như số mệnh định sẵn, tôi đang lưỡng lự, nửa muốn vứt bỏ khẩu súng kẻo lỡ ai biết thì phiền toái, nửa tiếc kỉ vật của chiến tranh thì một người bạn thân mang đàn ghi ta đến chơi. Chẳng hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào nó lại hỏi: “Mi có mang được khẩu súng mô về không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Răng mi biết? Tao đang định huỷ đi kẻo mang vạ vào thân”. Thì ra, nó cũng chỉ đoán mò. Nó là đứa bạn có hoàn cảnh rất vất vả. Nhà bị bom Mĩ từ hồi chiến tranh phá hoại, bố chết, mẹ bị cụt chân nên dù học giỏi nhưng là anh cả, phải ở nhà nuôi mẹ và các em ăn học. Nó lại cũng ham đàn sáo, vẽ vời, nên tôi rất quý. Nó bảo, vứt đi là phải, nhưng cho nó mượn để đi chặt gỗ trong rừng sâu, đề phòng thú dữ, xong rồi hãy hay… Tin bạn, cho nó mượn. Thế rồi chỉ sau đó mấy ngày tôi bị công an huyện triệu lên để tường trình khẩu súng sau khi họ bắt được bạn tôi đã theo một người khác đi buôn lậu có vũ khí trong người. Đó là những ngày tháng bi đát trong đời tôi bởi tương lai của tôi sẽ ra sao, có vào đựơc đại học như mơ ước hay là vào nhà đá? Lời đồn thổi lúc đó thật là khủng khiếp, người ta ngỡ như tôi là trung tâm của một tổ chức phản động. Nhiều người thân chia sẻ, thông cảm với tôi, nhưng cũng có người tránh vì sợ liên lụy. Bố mẹ tôi thì hết nước mắt vì thương và lo cho con. Tôi cũng không ngờ thời điểm đó mình lại vẫn đủ nghị lực học nốt lớp 10 để có bằng tốt nghiệp thi vào đại học. Hình như cái chất lính chiến đã rèn cho tôi đủ bản lĩnh để vượt qua những hoạn nạn, bão giông, không phải chỉ vụ án đó mà cả sau này. Cũng may mà hồi đó, các cơ quan pháp luật làm rất khách quan, cẩn trọng. Vì là vụ án điểm buôn lậu có vũ khí nên các cơ quan pháp luật của tỉnh hỗ trợ điều tra… Mất đúng 4 tháng căng như dây đàn, toà xử và tôi là người liên quan, chỉ bị rút kinh nghiệm, chuyển sang phạt hành chính. Âu cũng là cái phúc của bố mẹ cho tôi và có chút chiến công ngày đánh trận. Sau phiên toà, tôi đi thi đại học và cuộc đời lại mỉm cười với tôi…

Nhớ lời anh Hải lúc ra quân dặn, tôi vừa cảm phục và thấy sờ sợ. Còn một lần dính đến pháp luật nữa... Và, cái lần thứ ba đó đã xảy ra vào ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vụ án “Trùng Cửu” làm rung động cả trường, mãi hai năm sau toà mới mở… Nhưng chuyện này tôi sẽ kể dịp sau, li kì và cảm động vô cùng.

Lại nói về anh Hải. Sau khi ra quân, tôi viết thư nhưng bặt tăm. Chắc là anh đã chuyển ngành làm đâu đó. Nào ngờ, năm cuối đại học, vào một ngày đẹp trời, tôi đang lang thang ở công viên Thống Nhất thì gặp anh, đang học năm cuối ở trường Đại học Bách Khoa. Mừng quá, anh em tíu tít, mừng như sau trận đánh ác liệt còn tìm được nhau. Anh nhắc tôi còn cái hạn dính pháp luật đấy, hết sức đề phòng. Rồi anh em hẹn nhau gặp lại. Nhưng anh cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong đời tôi, bởi khi tôi theo địa chỉ tìm tại trường anh thì anh đi vắng, lần sau nữa thì anh đã ra trường… Thế rồi, cuộc đời vần xoay, đến nay, sau mấy chục năm tôi vẫn chưa gặp lại anh.

Anh Hải ơi… bây giờ anh ở đâu?

 

Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, Phú Yên tháng 5/2020
T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)