Qua miền kí ức

Thứ Hai, 02/11/2020 06:18

. NGÔ MINH BẮC

Trở lại xứ Chùa Tháp lần này, với tôi, là tâm thế một người lính tình nguyện trở về miền kí ức với bao tâm trạng vui buồn đã nếm trải trong cuộc chiến biên giới Tây Nam cũng như làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Năm tháng đi qua, chúng tôi, người nhức đau khi trái gió trở trời/ người mang trên vai từng cơn sốt rét/ người lặng im với một kiếp đời... Kí ức chiến trường đau đáu khôn nguôi luôn vọng về tâm tưởng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 22 xuyên Á thẳng lên cửa khẩu biên giới Mộc Bài, Tây Ninh nối vào Quốc lộ 1 của nước bạn Campuchia. Cũng con đường này bốn mươi năm trước, hai tiếng biên giới là nỗi nhọc nhằn mịt mùng gió bụi, hun hút xa xăm Xa Mát, Lò Gò. Là lửa đạn ùng oàng chiến sự. Gần sáu trăm đồng bào vô tội nơi cửa khẩu Xa Mát bị quân Pol Pot tàn sát đêm 25/9/1977 thôi thúc chúng tôi hành quân lên biên giới. Cũng nơi đây, còn gần năm ngàn đồng đội tôi đang yên nghỉ tại nghĩa trang đồi 82 biên giới Tân Biên. Họ có thể là những đồng đội đã quen thân trong những ngày cầm súng, nhưng cũng không ít chưa kịp biết tên, chưa quen giọng nói, chưa nhớ gương mặt. Và nữa, những trận ác liệt gắn với những địa danh Tà Âm, Tà Nốt, suối Đà Hà, ngã tư Phước Hoà, cao điểm 62, hay Mi Mút, Phum Sâm…

Đền Angko bình lặng như cuộc sống của người dân Campuchia. Ảnh: TL.

Trong những ngày ở nước bạn, tôi được làm quen với một tài xế bản địa tên Kem Sarit sinh năm 1972 quê tỉnh Kokong làm công việc đưa đón du khách từ Sài Gòn đi Campuchia và ngược lại. Hỏi bạn có biết nói tiếng Việt không, bạn cười và hóm hỉnh trả lời bằng tiếng Việt rằng không, nhưng hễ ai nói gì bằng tiếng Việt đều nghe và hiểu tuốt. Câu pha trò ấy khiến chúng tôi xích lại nhau hơn. Như bao người Khmer mà tôi từng gặp, Kem Sarit da ngăm đen, tóc xoăn tít, khi cười, cả mắt và miệng cùng cười. Trong năm anh chị em, Sarit là con út. Thời Pol Pot, Sarit còn nhỏ phải theo gia đình vào sống trong công xã tập trung của Angka, làm lụng vất vả cả ngày nhưng chỉ toàn ăn cháo. Hai anh và một chị của Sarit bị Pol Pot bắt đi lính sang đánh nhau với Việt Nam. Chúng lấy cớ bọn Duôn (cách gọi miệt thị người Việt) lấy đất của cha ông chúng trước đây rồi đem quân xâm lược Campuchia nên giờ phải đánh để đòi lại đất. Duôn là kẻ thù số một, nếu tràn sang bắt được ai sẽ mổ bụng nhét cỏ vào, vậy nên tất cả đàn ông từ mười bốn đến bảy mươi tuổi đều bị bắt đi lính đưa ra biên giới đánh Duôn. Ai không nghe, chúng bắt rồi lấy búa đập đầu cho chết. May người cha của Sarit ngày ấy 60 tuổi nhưng bệnh tật ốm nhom nên chúng bỏ qua, còn ba anh chị của Sarit ra đi đều không trở về, nghe đâu bị chết trận ở Kompong Cham... Kompong Cham, cái địa danh ấy, với những người lính của Sư đoàn 320 như tôi, cũng đầy những quặn thắt, khắc khoải, đau thương vì đó là chiến trường khốc liệt, căng thẳng nhất. Sư đoàn chúng tôi, một mình phải đối chọi với bốn sư đoàn lính Pol Pot, ngày nào cũng thương vong. Thương vong nhiều đến nỗi Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến lúc bấy giờ (sau là Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân) đã phải đau xót thốt lên rằng: “Lịch sử Sư đoàn từng đánh đông dẹp bắc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ nhưng chưa bao giờ chỉ một tháng trời mà con số thương vong toàn Sư đoàn lên tới hơn 2 nghìn cán bộ chiến sĩ như ở mặt trận biên giới Tây Nam lúc này!”. Tôi làm sao quên hàng trăm đồng đội sống cùng đã quen mặt nhớ tên nhưng rồi cứ bị mai một dần trong thời gian rất ngắn. Hùng, đồng đội tôi, tuổi đôi mươi thật hồn nhiên trong trẻo. Đứng chân bên dòng sông Vàm Cỏ trong những ngày chiến đấu nên bạn rất thích bài hát Vàm Cỏ Đông. Dù khó khăn ác liệt là thế mà không ít lần giọng ca của bạn vẫn ấm áp cất lên Ở tận sông Hồng em có biết quê hương anh cũng có dòng sông… Bạn mê tiếng hát Trần Thụ, yêu giọng ca Quang Phác. Nhớ có lần bạn còn đọc cả bốn câu thơ cho tôi nghe: Em ơi rất có thể/ Anh chết giữa chiến trường/ Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa bao giờ được hôn (Phùng Quán)... Thật không ngờ điều dự cảm ấy đã vận vào cuộc đời bạn khi tham gia một trận giải vây trên cao điểm giữa vùng đất máu lửa mang tên Mõm Chó. Cũng tại Kompong Cham, những người lính Quân đoàn 3 chúng tôi đã thực hiện sứ mệnh bắt liên lạc và đưa lực lượng phản chiến trong hàng ngũ đối phương ra vùng giải phóng, trong đó có ngài Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội vương quốc Campuchia hiện nay.

Chúng tôi ngược bờ tây Mekong lên Tây Bắc Campuchia để đến Xiêm Riệp. Xứ Angko hiện dần với những đền đài thành quách và những hàng thốt nốt trầm tư. Đã mấy mươi năm rồi rời xa, nay gặp lại, tâm trạng tôi không khỏi bồi hồi như ngày nào đi theo bước chân đoàn quân trong chiến dịch thần tốc tiến vào Phnom Pênh. Dù cố trấn tĩnh, nhưng tôi vẫn không thể kìm nén được nỗi xót xa cứ dâng lên trong lòng khi nhớ tới gần một đại đội quân giải phóng Việt Nam chúng ta hi sinh trên đường 15 khi tiến vào giải phóng thị xã Prey Viêng trước ngày làm chủ Phnom Pênh..., và Xiêm Riệp, với những người lính tình nguyện thì đây là đáy của hi sinh mất mát trong cuộc truy quét tàn quân. Vị Tư lệnh Quân đoàn 3, tướng Kim Tuấn đã hi sinh tại đây. Cuộc chiến này chúng ta đã trả giá bằng quá nhiều xương máu. Trong số hàng vạn cán bộ chiến sĩ tình nguyện hi sinh trong cuộc chiến này, có một Tư lệnh Quân đoàn và hai Sư đoàn trưởng ngã xuống. Nhìn những hàng thốt nốt thấp thoáng, tôi bỗng thèm một ngụm mật ngọt lành từ những đài hoa, và chợt ước ao, giá con người ta như những cây thốt nốt ngàn đời hiện hữu, cứ sống bình thường, cứ xanh rờn bất chấp tháng năm, không bon chen tị hiềm ganh ghét, không hùng hổ chiến tranh...

*

*      *

Campuchia, một đất nước trong số những nước nghèo nhất thế giới, với cuộc sống gắn chặt với thiên nhiên. Hình như trời Phật rủ lòng thương ban tặng cho họ dòng Mekong cũng như hồ Tonle Sap với nguồn sữa phù sa cùng bao nhiêu sản vật vô cùng quý giá. Có thể nói, đây còn là xứ xở “sóng yên biển lặng”. Quan sát những tàu lá không hề bị rách nát trên từng cây chuối đủ biết nơi đây không giông bão. Nhìn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những biển lúa xanh rờn quyến rũ biết nơi đây không chỉ là vựa lúa gạo mà còn ắp đầy cá tôm. Một đất nước tương đối nguyên sơ, cây cối mùa nào thức nấy, chăn nuôi trồng trọt hoàn toàn tự nhiên theo mùa nên đồ ăn thức uống cũng an toàn. Dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu những người bán đồ ăn từ côn trùng như dế, châu chấu, nhện, cà cuống, nhái bầu… Trước đây cả thế giới biết tới Campuchia bởi sự tàn bạo khét tiếng của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thì giờ đây, người ta biết đến Campuchia từ những công trình kiến trúc cổ đại nổi tiếng, từ một nền văn minh Angko rực rỡ đã tồn tại từ nghìn đời. Những nơi từng tanh nồng tử khí, từng mịt mù lửa đạn đã trở thành chốn thanh bình yên ả. Dáng hình thốt nốt lại xốn xang trong sắc nắng trời chiều. Dòng Mekong lại hiền hoà đầy vơi cùng biển hồ Tonle Sap. Người dân gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia chừng một trăm sáu mươi nghìn người đã tạo nên nét chấm phá rộn ràng hơn bất cứ nơi đâu. Vấn đề không phải ở kinh tế, cũng không phải ở điều gì cao siêu khác, mà đó là sự hiện diện của cuộc sống thường ngày gần gũi và thân thiết, đó là Biển Hồ, là Nam Vang, là cầu Sài Gòn và nhiều nơi khác nữa. Trong những ngày trên đất Xiêm Riệp, chúng tôi đã đến giữa Biển Hồ, được gặp gỡ với người dân làng chài bập bềnh mùa nước nổi, được mắt thấy tai nghe một câu chuyện giờ thành huyền thoại. Đó là chuyện thầy Trần Văn Tư xa quê từ Tây Ninh sang Biển Hồ mở trường ươm chữ cho con em nghèo thuộc cộng đồng Việt kiều đang lênh đênh trên sóng nước. Thầy Tư sang Biển Hồ từ năm 1976 làm ăn. Qua thâm nhập thấy nỗi lo lớn nhất khi ấy không phải cái ăn cái mặc mà chính là trẻ em mù chữ. Điều trăn trở ấy đã thôi thúc thầy ở lại Biển Hồ vào năm 1979. Lần này thì không phải mang hàng sang trao đổi bán mua mà là sách, là vở bút mực dạy học miễn phí với lớp học trên ba chục học sinh tại chiếc thuyền nhỏ của một gia đình Việt kiều, ăn uống thì nay nhà này mai nhà khác, tối ngủ ngay trên thuyền. Không cấp, lớp gì cả, miễn bọn trẻ đọc thông viết thạo, biết cộng trừ nhân chia là dừng lại tiếp tục mở lớp khác. Cho đến nay thầy cũng chẳng nhớ mình đã dạy được bao nhiêu lớp, xoá mù chữ được bao nhiêu học sinh, chỉ biết những đứa thuộc lớp đầu tiên giờ đã nên vợ nên chồng, có người đã năm con. Năm 1989 khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, lo sợ thảm hoạ Pol Pot quay lại nên thầy Tư về lại Tây Ninh. Khổ nỗi về rồi mà trong lòng luôn đau đáu Biển Hồ, hình ảnh từng cặp mắt đen, từng giọng nói, tiếng cười hồn nhiên vô tư của lớp cháu con bên ấy luôn hiện về trong tâm trí. Điều đó đã thôi thúc thầy ôm hoài bão quay lại cùng con chữ trên Biển Hồ khi mà tuổi thầy đã “xưa nay hiếm” vào năm 2006. Từ con số không, thầy dựng lên Trung tâm Giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo giữa sông nước xứ người. Thầy vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên, kiêm luôn cả văn thư, kế toán, bếp trưởng, đồng thời cũng tay hòm chìa khoá lo bút sách giấy mực và quản lí học sinh luôn. Nhìn cuộc sống bập bềnh của những mảnh đời dạt trôi nơi đất khách, mỗi chúng tôi không khỏi động lòng trắc ẩn để rồi mỗi người “một li, một lai”, góp vào quỹ cùng lời chia sẻ mong thầy lo cho đàn cháu ngây thơ kia đong đầy con chữ.

*

*      *

Phnom Pênh là thủ đô bên dòng sông bốn mặt. Thuở xưa, đây là chốn hoang dã, dân địa phương gọi là vùng buôn múc, buôn đây (bốn mặt, bốn tay) vì sông Mekong và Tonle Sap gặp nhau thành bốn nhánh. Vào thế kỉ XV một bà tên Pênh phát hiện sáu tượng bạc nằm trong một bọng cây trôi dạt vào bờ, bà Pênh cất tượng lên đắp một mô đất, cất sáu ngôi chùa nhỏ bằng lá thốt nốt để thờ Phật. Nhà vua bấy giờ đóng đô ở Angko nghe tin ấy, nghĩ rằng Phật không chịu ở Angko nữa mà muốn về buôn múc, buôn đây. Sau khi bị Thái Lan chiếm mất Menam, Angko trở thành miền biên địa, nhà vua quyết định dời đô. Vua sai đắp núi cao dựng sáu ngôi chùa bằng đá thay cho sáu ngôi chùa lợp lá ở buôn múc buôn đây, người dân tề tựu ngày thêm sầm uất. Vua cho khai phá khu rừng phía tây lấy đất trồng lúa và sai đắp bao xung quanh để chống lũ. Từ đó nhân dân gọi đất này là Phnom Penh (Núi Bà Pênh) Một thủ đô mang vẻ đẹp bình yên quyến rũ từng được ví là “hòn ngọc”, là nơi “ốc đảo hoà bình” xứ Á Đông thập kỉ bảy mươi.

Phnom Penh, nơi gần bốn mươi năm trước chúng tôi đã dừng chân trong nhiệm vụ giải toả con đường huyết mạch nối thủ đô đi Campot, Takeo phía tây nam đang bị tàn quân chiếm giữ. Buổi trưa ấy, ngoài những người lính chúng tôi, Phnom Pênh không một bóng người, chỉ những vườn cây quả đang chín rũ, những căn nhà u uất vắng tanh. Cũng tại thành phố này gần bốn mươi năm trước, từ phi trường Pochentong, chúng tôi vẫy tay chào từ biệt đất nước Chùa Tháp, từ biệt những tháng ngày vất vả hiểm nguy để bay về đất Mẹ trước hoạ xâm lăng phương Bắc. Cảm ơn số phận cho tôi được sống để còn hôm nay, được đắm mình giữa huyền ảo lung linh bên dòng sông bốn mặt, Quảng trường Bốn mặt, chùa Vàng, chùa Bạc, Hoàng cung rồi vũ điệu Apsara từ một nền văn minh Angko chói lọi. Và hơn thế, được ngả mũ nghiêng mình trước Tượng đài Hữu nghị tri ân tưởng nhớ hương hồn hơn mười vạn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã mãi mãi nằm lại khắp xứ xở Chùa Tháp vì sự sống còn của một dân tộc bên bờ diệt chủng.

Ông Nguyễn Trác Toàn, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trong buổi đón tiếp chúng tôi đã thông báo tình hình kinh tế chính trị hiện tại của bạn. Chúng tôi hiểu Campuchia là một đất nước quân chủ lập hiến mang thể chế đa nguyên chính trị với trên bảy mươi chính đảng đang được phép hoạt động nên sự phức tạp trong cạnh tranh giành ảnh hưởng từ các đảng phái là không thể tránh khỏi. Biên giới, Việt kiều tại Campuchia luôn là những vấn đề nhạy cảm để các phe phái đối lập lợi dụng nhằm công kích chống phá đảng cầm quyền CPP của Thủ tướng Hun Sen. Thủ tướng Hun Sen, cũng như phần đông nhân dân Campuchia, gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”. Chính vì lí do đó, không chỉ thủ đô Phnom Penh có Đài Tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam hi sinh mà cả mười chín tỉnh thành trên khắp đất nước đều có để ghi nhận công lao to lớn ấy. Động thái đó chính là bức thông điệp gửi tới không chỉ hôm nay mà cả mai sau về những giá trị vĩnh hằng trong sự hi sinh của quân tình nguyện Việt Nam đối với một đất nước láng giềng.

Chia tay đất nước Campuchia, trong tôi không chỉ bồi hồi với những kí ức xưa của mình, mà còn là những bồi hồi trước nét huyền bí của nụ cười trên khuôn mặt thần Bayon và những nụ cười rạng rỡ khác từ những con người trên mảnh đất này.

Những nụ cười hồi sinh từ thảm họa diệt chủng năm xưa.

N.M.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)