Xương sườn đàn ông giờ không dễ thấy

Thứ Sáu, 23/10/2020 16:01

. NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
 

“Gầy giơ xương sườn”, một cụm từ tôi rất dễ nghe thấy hồi nhỏ. Nó có cơ sở từ hình ảnh những người đàn ông trong gia đình, xung quanh tôi ai cũng gầy gò. Cả chính tôi nữa, giống vô số đứa trẻ lộc ngộc chân tay, không đủ dinh dưỡng để có chút cơ bắp đáng kể. Trong các ngôi chùa, pho tượng ở hình thức đời thường nhất chính là pho Tuyết Sơn, hiện thân của đức Thích Ca Mầu Ni trong bảy năm khổ hạnh trước khi giác ngộ. Đó là hình ảnh một người đàn ông gầy gò chỉ còn da bọc xương, đang ngồi ở tư thế chân phải xếp bằng, chân trái chống lên và tay trái gác lên đầu gối. Sự chuẩn xác về giải phẫu ở những bức tượng Tuyết Sơn đã trở thành đỉnh cao của điêu khắc tượng dân gian, đem lại một ấn tượng về con người trần tục với chất ngất khổ đau dồn nén trên từng mạch máu, đường gân nổi dưới làn da, cái bụng hóp dưới làn xương sườn, và đôi mắt hội tụ sự tìm kiếm phương tiện giải thoát:

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay
(Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

Như để gieo thêm sức nặng, các bức ảnh chụp người chết đói năm Ất Dậu 1945 của Võ An Ninh và bộ phim Sao tháng Tám ra đời năm 1977 tái hiện những hình tượng này, được in ấn và chiếu trên màn ảnh, cũng khắc họa hình ảnh người nghèo Việt Nam trong tình cảnh thê thảm về thể chất. Những diễn viên trong phim thời bao cấp không nhiều người béo, chứ đừng nói là có cơ bắp. Hình đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá cũng là một ấn tượng về khổ nạn khi hình mẫu phơi bày những chiếc xương sườn rỉ máu.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tình hình đã ngược lại sau ba mươi năm Đổi mới. Đàn ông thanh niên có nhiều dinh dưỡng hơn, nhiều phòng tập thể hình ra đời, phong trào thể dục cũng đã thành nếp, đã nhiều người cơ bắp đẹp xuất hiện, nhưng cũng lắm người béo phì hơn trước. Người rất gầy trở thành của hiếm. Những người đàn ông giờ giấu hai mạn sườn dưới một lớp cơ, mỡ và da, nhiều khi đi kèm mỡ eo, có lẽ anh ta chỉ cảm nhận là mình có xương sườn nếu phải đi viện vén áo lên cho bác sĩ khám. Nếu một người đàn ông trung niên Việt hỏi vợ mình lần cuối nhìn thấy xương sườn (dưới da, tất nhiên) chồng mình là khi nào, hẳn chị nhà chỉ có thể mang máng đó là hồi sinh viên, khi anh gò mình đạp xe, chở chị đằng sau, tay chị có lúc bấu vào eo anh và cảm nhận những chiếc xương sườn của bạn trai. Rồi sau đó chị sẽ nghĩ ngay đến cái eo mình bây giờ và hốt hoảng nhìn lại chồng có ý gì khi lục lại quá khứ như vậy. Như thể Thượng đế đã quên mất câu chuyện ngài tạo ra Eva từ xương sườn thứ bảy của Adam, chị cũng không thể hình dung ra cái xương nào đủ sức nặn ra mình hôm nay. Nhìn vào cơ thể con người thời bây giờ, người ta chú ý đến những lồi lõm, những khe cùng múi của cơ bắp chứ ít còn cảm nhận về cấu trúc xương cơ thể. Hình ảnh bắt mắt truyền thông là những gò bồng đảo căng phồng, cặp mông cong vút của phụ nữ, hay cái bụng sáu múi và bắp tay cuồn cuộn của đàn ông. Điều này có gì tương hợp với lối sống ưa vẻ ngoài mà rời xa cái soi chiếu vào cốt lõi, cấu trúc bên trong? Suy rộng ra thì có liên quan gì đến văn hóa tiêu dùng, coi ấn tượng hình thức phù du có sức nặng hơn cái thực chất lâu bền?

Một lí do khiến văn hóa đại chúng ít nhắc đến xương người, trừ quảng cáo sữa nhiều canxi chống loãng xương cho người già, là vì xương gợi nhớ đến quá khứ nghèo đói và chiến tranh hãy còn ám ảnh nhiều thế hệ người Việt. Nhiều nơi đã từ bỏ lối cải táng, chôn ba năm bốc mộ sang cát, để con cháu sẽ không cần phải nhặt những mẩu xương của ông bà như trước. Họ chỉ thấy ông bà lần cuối ở nhà tang lễ. Cái còn lại là hình ảnh trên bàn thờ của một ngày còn sống, da thịt hồng hào. Xương chéo đầu lâu trở thành kí hiệu quy ước ám ảnh con người về cái chết. Thêm vào đó, nguồn cung ứng thực phẩm theo mô hình văn hóa đóng gói tại các siêu thị (mallculture - từ dùng để chỉ văn hóa tiêu dùng phụ thuộc siêu thị, đại bách hóa và các phố mua sắm) thường trưng sẵn các gói thịt philê, thành phần nạc, mỡ, bì, xương rõ ràng. Món sườn lợn được cắt gọn gàng, người nội trợ chỉ việc đem về nấu canh hoặc nướng lên, như một loại thịt đặc biệt hơn. Dĩ nhiên con lợn thường đủ béo và ở tư thế đứng bốn chân nên hiếm khi ta cảm nhận xương sườn chúng hiện ra chỗ nào. Ta ăn sườn lợn cũng như ăn một món đã được cách li về nguồn gốc hình thể của nó. Ngay cả quảng cáo sữa nói trên cũng hàm ý một quá khứ dinh dưỡng không đầy đủ đến lúc về già sinh bệnh. Không hiểu sao, khi xem quảng cáo hạt nêm “ngon từ thịt, ngọt từ xương” - dụng ý là thành phần từ thực phẩm tự nhiên như thịt và xương ống lợn chứ không phải hóa chất - thì tôi không thể không nghĩ đến những câu kiểu như “xương thịt đó thiêng liêng vô cùng” trong bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn. Chiếc xương sườn đã bị tước đoạt cái văn cảnh bình thường của nó.

Từ cái xương sườn bị giấu đi hình ảnh “dã man”, người ta dễ nghĩ đến một thói quen là né những điều trần trụi mà cần một lớp vỏ mềm mại hơn, trơn tru hơn. Trong cách diễn đạt ngày nay, nói thẳng không hề dễ dàng, không chỉ bởi “sự thật mất lòng” mà vì cái điều chúng ta sắp nói, ta cũng không còn dám chắc chắn là đúng. Tùy vào góc nhìn và quan điểm tiếp nhận thông tin, mỗi người lại cho rằng sự thật phải khác. Điều này có thể kiểm chứng dễ dàng trên mạng xã hội. Kết quả là mỗi người có một cơ chế tự vệ, nói bằng cách đi đường vòng, nói khéo léo, dễ nghe, hoặc trào lộng để trừ hao, kiểu “tôi nói vậy thôi chứ tin thì tùy nhé”. Người ta càng khao khát một thông tin rõ ràng, cốt lõi, thì lại càng hay tạo thêm các đệm thịt, mô mỡ hay lớp da dày hơn để tránh tổn thương cái xương sườn bên trong.

Chiếc xương sườn cũng liên quan đến ẩn ức về nơi cần che giấu. Trong kho tàng kiến thức mênh mông từ thời chiến, những thuật ngữ như “đột kích mạn sườn”, “thọc sườn địch”, “bị hở sườn”... đem lại cảm giác bất an về một khu vực cơ thể dễ tổn thương. Bên trong lớp vòng cung 24 chiếc xương sườn đó là những cơ quan nội tạng đang ngày đêm vận hành cơ thể sống. Bởi vậy che chắn được chừng nào hay chừng ấy, con người qua thời gian đã tạo ra cho mình tầng tầng lớp lớp cái vỏ hữu hình lẫn vô hình.

Ngắm lại những bức tượng Tuyết Sơn hay Jesus, người thời nay nhận diện thể trạng gầy gò của các nhân vật như một sự phơi bày đáng tin cậy bản thể toát lên từ đức tin nội tại. Triết lí cứu vớt khổ đau bằng cách trải nghiệm khổ đau đem lại một sự thuyết phục nhất định, khi những con người bé mọn trong cuộc đời đồng cảm với những kiếp nạn các bậc chân tu trải qua trong hình tướng “giơ xương sườn” kia. Nhưng cũng những bức tượng Phật khác, chẳng hạn vậy, những hóa thân khác của Thích Ca lại thể hiện một trạng thái khác khi đã giác ngộ, từ bỏ việc ép xác để trở thành một hình ảnh tươi tắn, đẹp đẽ, đem lại cho con người một niềm tin khác thay vì sự khổ hạnh. Cũng vẫn tinh thần đó, lớp vỏ dẫu đổi thay, những chiếc xương sườn vẫn không thể mất đi.

N.T.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)