Nước mắt trúc

Thứ Sáu, 30/10/2020 14:13

Nước mắt trúc không phải là truyện ngắn lịch sử đầu tiên của tôi, nhưng là truyện đầu tiên về nhà Trần.

Tôi viết truyện ngắn này năm 25 tuổi.

Trước đó chừng một năm, trong một forum về truyện chưởng vietkiem.com, tôi vô tình chọn cho mình một ngoại hiệu: Trúc Lâm cư sĩ. Tôi không hề biết rằng, tất cả những điều đó đã đóng một dấu ràng buộc vào việc sáng tác sau này của tôi. Từ một chi tiết vị du tăng vốn là phó tướng của Hoài Văn hầu, tôi bắt đầu viết một truyện dài lịch sử cho thiếu nhi: Trần Quốc Toản. Và sau đó, những gì tôi viết tiếp theo, đều về nhà Trần, một triều đại rực rỡ.

Nước mắt trúc bắt nguồn từ truyền thuyết về dòng suối và ngôi chùa cùng mang tên Giải oan ở dưới chân núi Yên Tử. Lần đầu lên đây, tôi ì ạch leo dọc con đường tùng trong một đêm trăng sáng, và vẻ đẹp kì lạ của đêm đó đã cuốn hút tôi ghê gớm. Sáng hôm sau, trong khi bạn bè chuẩn bị lên chùa Đồng, tôi lặng lẽ bỏ đội ngũ, hăm hở đi xuống và ngồi rất lâu bên suối Giải oan. Ngay lúc đó, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cảm thấy ngồi đó tựa như ngồi cạnh một người đang cần tâm sự. Và vài ngày sau, tôi đã viết Nước mắt trúc. Truyền thuyết về những người cung nữ nhảy xuống suối Giải oan khi Phật hoàng Trần Nhân Tông lên núi tu đã tác động mạnh đến tôi, khiến cho tôi viết một mạch tới lúc hoàn thành. Đó là một truyện ngắn không có người tốt kẻ xấu, không có thiện - ác phân minh. Chỉ có xót xa, thương cảm, và chia sẻ.

Bây giờ tôi lại đang viết một tiểu thuyết về Trần Nhân Tông. Từ những cảm hứng đầu tiên mà Nước mắt trúc tạo ra, tôi đã có thể tìm được con đường mình phải theo: sáng tác về đề tài lịch sử, chính xác là về nhà Trần với những võ công hiển hách, những thân phận lẫy lừng và bi kịch, với những áng thơ văn và với thiền phái Trúc Lâm - mà một ngày nào đó thuở trai trẻ, tôi đã tự buộc ngoại hiệu của mình vào đó...

Nhà văn LƯU SƠN MINH

 

Trăng đêm Yên Tử sơn qua tiết Trung thu lại càng tròn và sáng. Trên một vạt đất phẳng, rộng chừng non nửa cái chiếu là một thiền sư đang tĩnh toạ. Ánh trăng tràn trên bóng hình bất động tựa như một pho tượng dát vàng. Tất cả đều im lặng, một sự im lặng vô biên. Chỉ có thoáng chút khói hương thơm quanh quẩn...

Phía trong, gần sát vách núi có mấy người lố nhố. Tiếng thì thào của họ dường như tan biến vào khoảng không yên tĩnh: “Trăng sáng nhường kia mà hồi sáng sao mưa gió thế không biết. Giá đừng mưa thì đâu đến nỗi...”

Đột nhiên nhà sư quay lại và khẽ vẫy tay. Lập tức một người cao, gầy guộc trong đám kia vội chạy lại, mang theo bút và nghiên. Thiền sư thong thả chấm nhẹ ngòi bút vào nghiên mực và chầm chậm viết một chữ “Giải” thật lớn lên chiếc lá vừa nhặt ngay cạnh đó. Mực đen chưa khô nhấp nhánh trong ánh trăng như nước. Trông vào đó đột nhiên người cao gầy cúi đầu xuống và cố giấu một tiếng thở dài. Trăng vẫn sáng...

Câu chuyện:

... Đêm mười bốn trời tạnh ráo, Thượng hoàng(1) sai bày cỗ trông trăng để những kẻ đi theo được có chút thanh nhàn sau mấy ngày khênh cáng từ hành cung Thiên Trường tới An Bang. Trong bữa cỗ, viên quan hầu đột nhiên nhớ ra chuyện ả Trần(2) có lần sai đám nho sinh trong nhà vịnh trăng tiết Trung thu. Một gã đã nộp lên một bài thơ chẳng tên chẳng tuổi, gọi trăng là thứ không sao hái nổi, còn mộng tưởng trên đời chỉ là chuyện hão mà thôi. Ích Tắc nổi giận sai đi tìm nhưng không biết tác giả bài thơ trốn đi đâu. Về sau hoá ra hắn đầu quân và chuyên bày mưu cho Hoài Văn Hầu Quốc toản. Mưu của gã này cực kì oái oăm, chỉ toàn đánh bằng những trò quái dị, giặc chẳng biết đâu mà chống đỡ...

Minh họa: Tào Linh

Tới đây, câu chuyện lại đột nhiên chùng hẳn xuống. Ai cũng không muốn nhắc lại dù trí óc người nào cũng nhớ rất rõ rằng Quốc Toản đã hi sinh trong trận đánh bên bờ Như Nguyệt khi truy kích lũ quân Nguyên bỏ chạy. Quá say với chiến thắng, Hoài Văn đã trúng một mũi tên bay lạc. Tới sau khi bình công, hỏi đến gã mưu sĩ kia thì chỉ thấy quân lính nói rằng gã đã âm thầm bỏ đi trong đêm, hình như mấy năm sau có người kể gặp lại gã - giờ đã trở thành một du tăng - vẫn đang trong bước vô định khắp núi sông... Chợt Thượng hoàng nâng chén trà đã nguội lên, nhấp khẽ rồi cất giọng ngâm hai câu thơ:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng(3)

Tiếng ngâm và không khí trầm hùng của câu thơ khiến cho một cảm giác hào sảng chợt ùa vào lòng người...

Viên quan hầu khẽ đưa mắt nhìn trộm Thượng hoàng, chẳng lẽ con người mà tráng chí Đông A còn ngùn ngụt nhường kia lại đương khi chuẩn bị lên Yên Tử để tu hành ư...

Lúc ấy, Anh Nga đang ngồi yên trong bóng tối. Nàng đã quen với cái cảm giác cô đơn như vậy suốt mấy năm qua. Kể từ khi Thượng hoàng ngự tại hành cung Thiên Trường, hành tung của Người trở nên rất kì bí. Nay đây, mai đó, Thượng hoàng đi khắp nơi xem xét hình sông thế núi. Có khi Thượng hoàng ra Vân Đồn để xem tin tức về thói nhiễu lạm dân chúng của Nhân Huệ Vương Khánh Dư là thực hay hư. Hoặc giả Thượng hoàng rẽ qua thăm ông anh vợ Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng(4) để bàn bạc dăm ba câu chuyện gì đó rồi lại đi. Thành thử Thượng hoàng truyền không đem cung nữ xuống hành cung Thiên Trường, chỉ sai chọn ngay tại đấy mấy kẻ thạo việc lo chuyện cơm canh.

Tất thảy đám cung nữ vẫn được Thượng hoàng sủng ái vốn đã hoàn toàn bất ngờ trước việc Thượng hoàng xuống ở hành cung Thiên Trường lại càng ngơ ngác hơn khi được biết người không cho một ai trong số họ đi theo. Tất cả đều đã thầm lặng thu xếp hành lí và khe khẽ bàn luận với nhau về chuyện xuống Thiên Trường. Ngay cả Anh Nga vốn hay được Thượng hoàng hỏi ý về nhiều chuyện giờ cũng hoá ra người trong ống. Ngày trước, mỗi khi gặp phải chuyện không vừa ý hoặc khó xử, Thượng hoàng thường sai Anh Nga và Tú Anh bày bàn nhỏ trong sân, thắp một chiếc đèn lồng treo lên cành cây phía trước. Rồi Người sai Tú Anh hầu nước, và bắt đầu hỏi ý Anh Nga bằng những lời bóng gió. Thượng hoàng rất quý trọng trí tuệ của cô gái này. Những suy đoán sắc sảo của Anh Nga đôi khi khiến Thượng hoàng phải bất ngờ vì sự mới mẻ của nó. Không phải Thượng hoàng trước đấy không suy nghĩ thấu đáo, nhưng cái táo bạo trẻ trung trong cách thức bàn việc của Anh Nga luôn mang một chút gì rất độc đáo. Kể ra mà người ngoài có nghe hóng thì vẫn tưởng rằng Thượng hoàng nói chuyện văn chương thi phú với cô cung nữ tài hoa. Chẳng ai ngờ những câu chuyện bóng gió như thế lại có khi là một lần cân nhắc cuối cùng của Thượng hoàng trước khi quyết định việc gì liên quan đến vận mệnh một người, một lộ hay có khi cả việc lên xuống của một ông quan.

Vậy mà có lần câu chuyện của Thượng hoàng khiến Anh Nga choáng người. Hôm ấy, đương nói về chuyện phận số nhân gian chẳng qua cũng chỉ như muôn loài côn trùng thảo mộc, Thượng hoàng đột nhiên chỉ tay vào chiếc đèn lồng hỏi:

- Sao lại có đèn màu xanh thế kia? Ta thấy chú Chiêu Văn(5) cũng được Trọng phụ(6) tặng một đôi đèn lồng nhưng màu nguyệt bạch cơ mà?

Anh Nga vội chắp tay lại thưa:

- Dạ, đôi đèn này không phải của Quốc công tặng đâu ạ. Đây là quà của Đức ông Hưng Nhượng.

- Quà của Đức ông Hưng Nhượng à? Cái ông này chơi gì cũng lạ, đèn lồng cũng nhuộm thành màu xanh cho khác người thì mới yên hay sao nhỉ?

- Dạ, Đức ông có dặn tì nữ, màu xanh này là màu của lá sen.

Thượng hoàng bật cười:

- Thế còn sen đâu?

Anh Nga buột miệng:

- Dạ, thì Đức ông Hưng Nhượng chẳng có ý tặng lá sen cho đài sen đấy ư?

Anh Nga giật mình khi thoáng thấy Thượng hoàng chợt nhìn thẳng vào mặt nàng, ánh mắt Người vụt có vẻ khác lạ. Dường như câu nói của nàng chạm phải một điều gì thầm kín trong tâm tư sâu thẳm của Người. Đột nhiên Thượng hoàng cất giọng đọc:

- Lá chẳng phải lá

Đèn chẳng phải đèn

Xanh là đài ngọc

Đỏ là lửa nhen...

Suốt từ lúc đó đến khuya, Thượng hoàng ngồi im lặng trước sân. Anh Nga và Tú Anh, cả hai nắm tay nhau đứng khuất trong khung cửa nhìn ra, chỉ thấy Thượng hoàng cứ nhìn chăm chú vào ánh sáng xanh dịu của ngọn đèn màu lá sen cho tới khi đĩa dầu trong đó cạn dần rồi tắt phụt...

Anh Nga cứ ngồi suy đi ngẫm lại. Những trăn trở của Thượng hoàng từ ngày ấy, rồi mấy câu thơ Người vừa mới ngâm xong hồi nãy là một câu đố quá khó đối với nàng. Nàng chợt nghĩ rằng, có lẽ cả triều đình và rồi mãi sau này nữa, sẽ chẳng có ai biết rằng Thượng hoàng lên núi vì một lẽ gì...

Minh họa: Tào Linh

Anh Nga vào cung khi đương tuổi trăng rằm. Và kể từ đó trở đi, nàng mãi mãi là một cô bé mười lăm tuổi trong trí tưởng. Thượng hoàng rất cưng chiều nàng và Tú Anh vì có hiểu biết và cái chính là họ có dáng dấp thanh tao, yểu điệu của một vẻ đẹp thoát phàm. May mắn cho Anh Nga là được tuyển vào cung chính khi nàng chút nữa bị ép gả cho con trai xã trưởng - vốn là chủ nợ của cha mẹ nàng. Kể từ ngày đặt chân vào cung hầu Thượng hoàng, sự tận tuỵ của Anh Nga đã làm không ít người phải ghen tị. Chẳng ai có thể dậy sớm thức khuya như nàng. Cũng chẳng một ai biết pha thứ trà sen bằng giọt sương hứng lúc sớm mai hay cất một thứ rượu lá trúc thật quê mà cũng thật thanh như nàng.

Có lần Thượng hoàng đột nhiên tới thăm vào giữa trưa khi Anh Nga đi đâu vắng. Người đứng ngỡ ngàng thật lâu trước một căn phòng nhỏ bài trí thật khác thường. Một chữ “Thanh”, nét chữ xộc xệch đầy ngạo khí, rõ là của một kẻ giang hồ, viết trên cái nền lá trúc khô ghép lại. Lá trúc già ngả sang màu vàng như ánh trăng, lung linh ba chấm thuỷ(7)... Căn phòng chỉ có vậy, một vài viên sỏi cuội xếp lẫn cùng chiếc chén Thượng hoàng ban cho hôm nàng cất rượu vừa ý, vài chiếc lá xanh vàng lẫn lộn đặt hững hờ như vô tình mà thực hữu ý trên chiếc bàn lẽ ra bọn cung nữ vẫn bày những thứ điểm trang...

Thượng hoàng im lặng quay đi, mấy hôm sau nhớ ra Người mới hỏi Anh Nga xem ai là kẻ đã viết chữ “Thanh” đẹp đến như vậy, và chữ ấy viết có nghĩa gì. Anh Nga cúi đầu xuống, nàng im lặng khá lâu trước khi cho Thượng hoàng biết đó là chữ mà một du tăng đã viết cho nàng khi sắp vào cung. Lệ thường, khi ấy, mỗi cô gái được mấy ngày chuẩn bị. Trong lúc những người khác thì cuống lên, mang thứ này, lo thứ nọ, thì nàng lại lẻn ra chùa nhặt ít lá trúc khô ghép lại để lưu giữ chút hình bóng của cái làng quê lam lũ mà quá đỗi thân thương. Khi tấm lá vừa ghép xong thì một vị du tăng tới thăm chùa, ông nhìn thật lâu vào màu khô vàng của lá trúc rồi đột nhiên gọi nàng lại, cho nàng chữ Thanh và dặn rằng: “Hãy giữ lấy mà nghiệm, chữ này chính là mệnh số của con, không sửa nổi được đâu”... Về sau Thượng hoàng có bảo nàng mang chữ đó ra hỏi Đức ông Chiêu Văn và Đức ông Hưng Nhượng nhưng không một ai chịu giải nghĩa cả. Đức ông Hưng Nhượng chỉ tâu lên Thượng hoàng chữ này chính là nét của kẻ chuyên bày mưu dưới lá cờ sáu chữ(8) năm xưa. Mãi đến năm ngoái đột nhiên Thượng hoàng sai nàng bày mâm rượu rồi mang tấm lá đó đến và dặn không cho ai đến gần. Người ngồi thật lâu, tới giữa canh ba thì đột nhiên đặt bút viết mấy dòng:

Núi xanh xanh
Núi xanh xanh
Đi không đành
Ở không đành
Nước trong xanh
Nước trong xanh
Bứt sợi tơ mành...

*

*      *

... Rõ ràng lúc Thượng hoàng xuống tắm ở con suối tại chân núi ngoài thì trời hãy còn nắng, vậy mà tới khi kiệu đến chân Yên Tử thì cơn mưa đang lúc kinh khủng nhất. Nước đổ ào ào trên những thân cây dọc theo sườn núi. Đám cung nữ ướt lướt thướt vừa đi vừa nghiêng ngả khóc. Mấy viên quan hầu mặt mũi tái xanh nhìn lên đỉnh núi mờ đi trong màn nước trắng xoá. Không ai biết liệu những tảng đá lớn đang ẩn nấp đâu đó tít xa trên kia liệu có đột nhiên rùng mình mà lăn xuống không. Nhưng chẳng một kẻ nào dám hé răng ra nói một câu. Đột nhiên, một cung nữ chới với rồi ngã vật xuống. Thượng hoàng không hề ngoái lại, Người chỉ khoát nhẹ tay ra hiệu cho lũ lính. Cả bọn vội vã chạy ùa vào vực người cung nữ lên. Thế rồi đột nhiên Thượng hoàng nghe thoáng trong tiếng mưa gió vọng lại mấy câu thơ. Suốt những ngày qua Thượng hoàng đã ra nghiêm lệnh, không một kẻ nào được can việc lên núi của Người. Chẳng lẽ lại có kẻ liều mạng không biết liền trong mấy hôm hành cung Thiên Trường nhao nhác, hết quan này đến quan kia vâng mệnh Quan gia(9) tới xin Thượng hoàng nghĩ lại đều bị đuổi ra, mà còn dám ngâm thơ ư?

... Đã lâu lắm mới lại có một lần thấy Thượng hoàng nổi giận như mấy hôm vừa rồi. Lần gần đây nhất người ta thấy Thượng hoàng giận là khi đang đêm Người đột nhiên về kinh, và bắt gặp Quan gia đương lúc ngủ gục bên mâm rượu xương bồ cạnh mấy viên quan. Chén bát ngả nghiêng, đèn nến ngả nghiêng. Quan gia đã sai đuổi sạch bọn cung nữ đi để cho “khỏi hỏng mất hương rượu quý”, thành thử chẳng còn ai đứng ngoài cửa điện trừ bọn lính canh. Gã lính xanh lét mặt mày thấy Thượng hoàng đột nhiên hiện ra ở cửa điện như vừa mới thu phép ẩn thân. Gã toan chạy vào bẩm nhưng Thượng hoàng đã khoát tay đuổi ra ngoài. Trông thấy vị vua của cả một nước đang ở trong cái tình cảnh “chẳng giống ai” ấy, Thượng hoàng quay ra và ngay trong đêm về lại hành cung Thiên Trường, quyết hôm sau truất Quan gia khỏi ngôi báu. Tỉnh rượu Quan gia chạy khắp cả viện trên viện dưới, chẳng một vị đại quan nào nghĩ cho ra mẹo mực gì cho khả dĩ. Cuối cùng may nhờ thư sinh Đoàn Nhữ Hài dám liều mình quỳ trước sân hành cung cả ngày, bất chấp nắng mưa dâng biểu, Thượng hoàng mới hồi tâm mà tha cho Quan gia. Đoàn Nhữ Hài được phong ngay làm Ngự sử trung tán còn Quan gia thì từ đấy cứ đinh ninh rằng một khi Thượng hoàng đã quyết điều gì, hoạ chăng chỉ còn khổ nhục kế mới cản nổi. Ai ngờ lần này đám quan ra Thiên Trường lăn lóc can ngăn thế nào cũng không được, đành lếch thếch kéo nhau về kinh đô. Quan gia gọi vào hỏi chuyện rồi sai hai viên quan hầu dẫn bọn cung nữ vốn được Thượng hoàng tin dùng trước đây đi ngay ra Thiên Trường xin lùi ngày lên núi. Mẹo hoãn binh ấy thì đúng là Quan gia nghĩ, thế nhưng làm thì không dám. Cứ nhớ tới cái lời mà Trung tán Đoàn kể lại phải đến như thế nào mới xin được một cái gật đầu ưng thuận của Thượng hoàng thì tự khắc Quan gia lại dựng hết cả tóc gáy. Đành rằng Thượng hoàng muốn tu thì tu, nhưng cứ ở yên trong hành cung Thiên Trường để bọn hầu phục dịch, đằng này lại nhất quyết lên Yên Tử. Thượng hoàng còn mượn câu của Quốc sư Phù Vân nói với đức Thái Tông năm xưa để răn đám quan hầu mà thật ra là để răn Quan gia. Chừng như ý Người muốn dặn rằng đừng cố mà bắt dân lên núi xây cung điện. Đây là chốn thanh u tịch mịch, là núi thẳm Yên Tử chứ không phải là Điện Yên Tử. Quan gia đành phải xuống chiếu truyền quan sở tại tuyển phu xẻ một con đường đá lên núi rồi cứ lấy cớ đường chưa xong mà cản Thượng hoàng. Nhưng rồi hôm đầu tháng, Thượng hoàng đã quyết đúng ngày mười sáu thì lên núi. Quan Ngự sử trung tán họ Đoàn vội vã dâng sớ xin Thượng hoàng chọn ngày khác vì cứ như tinh tượng mà xét thì ngày mười sáu mưa rất lớn, thành thử đường lên núi như thế rất khó đi. Thượng hoàng sai viên quan hầu đến tận nơi trả lời với Đoàn trung tán: Ngày lên núi phải mưa để rửa cho sạch cái vướng bận nhân gian! Bữa cơm trưa hôm ấy, gã quan hầu ghé tai Đoàn Nhữ Hài nói nhỏ: - Thượng hoàng xem xong biểu bật cười rồi nói: “Cái thằng ranh mặt trắng này chắc chưa được leo núi bao giờ!” Đoàn trung tán giật mình trợn mắt nhìn lại gã quan hầu gầy nhom đang nhăn răng ra nói tiếp: - Quan ngự sử có nhẽ quên chứ mấy cái núi này, thuở Thiệu Bảo - Trùng Hưng(10) Thượng hoàng nào coi là cái gì cơ chứ...

Bây giờ thì Thượng hoàng đã nhận ra những câu thơ ấy. Đó chính là mấy câu mà người đã viết ra hôm uống rượu lá trúc dưới trăng. Viên quan hầu đi bên cạnh Thượng hoàng nghển lên nhìn qua vai mấy tên lính về phía người cung nữ đang nằm giữa một bọn người xúm xít rồi lẩm bẩm: “Ai như là Anh Nga”. Bước chân Thượng hoàng dường như thoáng chút ngập ngừng... Mấy hôm vừa rồi khi đám quan hầu và bọn cung nữ đến nơi, cả lũ lại lăn xả vào khóc lóc, can ngăn. Thượng hoàng không hề nói gì. Hiểu con không ai bằng cha. Người biết thừa cái mẹo cỏn con này là của Quan gia. Thượng hoàng cứ để mặc cho đám thừa nước mắt kia khóc cho đã, quả nhiên chốc sau đều im bặt. Riêng Anh Nga im lặng như một pho tượng gỗ, quyết không có lấy một lời khuyên can. Chính bởi vậy, trong lòng Thượng hoàng thoáng một vẻ kính phục con người có trái tim sắt đá ấy. Thì bây giờ, ai ngờ người vừa sụm xuống kia lại chính là nàng... Quả thật, ngay cả kẻ gần gũi nhất với nàng là cung nữ Tú Anh cũng không lường trước được điều này. Mà, chẳng lẽ Thượng hoàng lại nghe thấy chính những câu thơ ấy vào cái lúc này ư?

Nhưng rồi Thượng hoàng lại tiếp tục trèo qua những mỏm đá đầu tiên nơi chân núi. Bao nhiêu lâu nay dân phu đã xếp đá thành những bậc tạm để đường đi đỡ khó hơn nhưng đám lốc thốc phía sau vẫn hổn hển gạt nước mưa trên mặt mà leo. Dần dà tiếng những bước chân đi theo Thượng hoàng mỗi lúc một xa. Có gì xôn xao rộ lên dưới chân núi rồi cứ lạc dần trong tiếng mưa, tiếng nước đổ xuống từ sườn núi như những dòng thác nhỏ. Khắp bốn bề trắng xoá những nước là nước. Thượng hoàng cứ im lặng đi giữa màn nước ấy, đi lên cõi thanh u...

 

Lời kể của viên quan hầu với Đức ông Chiêu Văn:

Tới tận lúc tắt nắng, Thượng hoàng mới được nghe một tên lính kể lại rằng Anh Nga đã gieo mình xuống suối Hổ Khê nơi chân núi. Tên lính mặt mũi còn nhợt ra nói Anh Nga đợi Thượng hoàng đi đã xa mới vùng dậy, không ai cản kịp. Tiếng xôn xao mà tôi nghe thấy khi lên nửa chừng cái dốc đầu tiên chính là của bọn lính đang cố sức cứu Anh Nga mà không được. Dòng Hổ Khê đang chảy cuồn cuộn trong mưa đã cuốn nàng đi(11)...

Thật là đáng sợ, thuở chưa xuất gia, Thượng hoàng có đôi lần nói với tôi về mấy câu “nửa thơ, nửa kệ” mà người đã viết cho Anh Nga. Nghe ra thì câu “thơ” cũng thoáng nét tình tứ nhưng lại mang nặng một nỗi oán thán không nguôi và đầy bất trắc. Vậy mà cuối cùng ba dấu chấm thuỷ trong chữ “Thanh” quả chính là số phận của người con gái tài hoa. Tôi cứ ngồi nghĩ ngợi quẩn quanh rồi chợt nhớ ra hồi chiều khi theo hầu Thượng hoàng ở rừng trúc trên kia, nhìn những giọt nước mưa đọng trên lá, tôi buột miệng thưa với Thượng hoàng rằng những cây trúc dường như đang khóc. Nào có ai ngờ...

Khi tỉnh ra, tôi rùng mình trông ra xung quanh chỉ thấy Thượng hoàng và ngay cả những người lính đều ngồi im phăng phắc. Ánh trời nhàn nhạt và trăng đang lấp ló phía xa. Mọi người chúng tôi đều mệt nhưng không ai thấy đói, tất thảy đều quên rằng thường khi giờ này đương bữa cơm chiều. Dường như ngày đầu tiên ở trên Yên Tử sơn, ngay cả lũ phàm nhân chúng tôi cũng đột nhiên thấy lòng thanh tĩnh lạ thường. Chỉ có một điều này tôi không hiểu nổi, phải chăng sự thanh tĩnh và nỗi buồn cũng gần giống như nhau?...

Khi trời mới rõ mặt người thì đã thấy một vị thiền sư đứng ở ven suối Hổ Khê. Thiền sư quỳ xuống, nghiêng người nhìn sâu vào lòng suối, nơi những chiếc lá cứ xoay tròn một lúc lâu mới trôi đi, rồi lại quẩn vào gần bờ và xoáy. Những giọt nước mắt đầu tiên từ từ lăn trên khuôn mặt tĩnh lặng của Người. Rồi giọt nước nhỏ nhoi ấy khẽ buông xuống suối và làm thành một quầng gợn mong manh. Cứ thế nước mắt của thiền sư theo nhau buông xuống một khuôn mặt vẫn còn mang đầy vẻ vương giả đang hiện trên mặt nước. Dòng suối như quặn mình, những chiếc lá đột nhiên vượt ra khỏi vòng xoáy và trôi băng băng. Thiền sư lấy từ trong tay áo một chiếc lá rồi thả nhẹ trên mặt nước. Người khẽ rướn lên trông theo chiếc lá xoay xoay một hai vòng rồi vụt đi trong dòng chảy đang dần mạnh lên của con suối. Đột nhiên thiền sư khẽ rùng mình, dường như có những giọt nước mắt lớn hơn đang rơi trên khuôn mặt dưới dòng nước. Người bất giác ngửa mặt nhìn trời... Trời lại mưa. Khuôn mặt dưới kia cứ nhoà dần, nhòa dần và vỡ oà ra trong mưa rồi cuốn theo dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Thiền sư chống tay vào một viên đá lớn và đứng dậy, chậm bước quay lên... Cứ bấm đúng từ lúc ấy thì chính khi thiền sư lên gần tới vạt đất hôm qua là tạnh mưa...

Tháng năm, Kỷ Mão
L.S.M

-------

1. Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Làm vua 14 năm, hai lần đánh quân Nguyên, sau nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, tu ở núi Yên Tử, xưng hiệu là Trúc Lâm đầu đà.

2. Sau khi trốn ra hàng quân Nguyên, Ích Tắc bị gọi là ả Trần!

3. Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Giang sơn thiên cổ điện kim âu (Thơ Trần Nhân Tông)

4. Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Thơ Trần Nhân Tông)

5. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật - chú ruột của Trần Nhân Tông.

6. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - người vừa là cha vợ, vừa là thầy học của Trần Nhân Tông

7. Chữ Thanh có ba chấm thuỷ nghĩa là trong.

8. “Phá cường địch, báo hoàng ân” - sáu chữ viết trên cờ lệnh của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

9. Danh xưng triều Trần dùng để chỉ vua, ở đây là Trần Anh Tông con của Trần Nhân Tông.

10. Niên hiệu của Trần Nhân Tông trong lần đánh giặc Nguyên thứ hai và thứ ba.

11. Ngày nay suối Hổ Khê gọi là suối Giải oan. Cạnh suối có chùa Giải oan.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)