. TRIỀU LA VỸ
1.
Tiếng sấm nổ rền ngoài sân đình báo hiệu một cơn giông lớn. Trời nóng hầm hập. Chạm vào đâu cũng ngột ngạt, bức bối. Chạm vào đâu cũng nhớp nháp, khó chịu. Đã mấy tháng liền trời rặn mãi không ra một giọt mưa. Ruộng đồng nứt nẻ cả. Sông suối khô. Giếng cạn. Cây cối chết héo. Đâu đâu cũng mất mùa, đói kém.
Gã nhìn ra ngoài trời lo lắng. Sắp mưa to đây. Nếu về không kịp, mẹ gã sẽ mắc mưa, cảm lạnh mất. Chiếc giường tre cọt kẹt. Cha gã thều thào gọi. Gã bưng bát cháo chỉ toàn nước, bón từng thìa cho cha. Cha gã chắp chắp, nuốt nuốt, đầy vẻ đói khát, thỏa mãn. Nước cháo nhễu ra khóe miệng thành dòng. Gã vừa lau vừa khóc. Cha ốm nặng, gã chẳng giúp được gì. Nhà chỉ còn ít gạo để nấu nước cháo cầm hơi, hết gạo cha gã sẽ ra sao. Không khéo chưa chết vì bệnh cha gã đã phải chết vì đói.
Minh họa: Hải Kiên
Gã đi ra đi vào hóng chờ mẹ. Mẹ vào rừng từ sáng sớm. Mẹ bảo, nhất định phải tìm được gì đó bỏ vào mồm, kẻo chết đói cả nhà. Không tìm được, mẹ sẽ vượt rừng về ngoại. Ở dưới xuôi chắc còn thứ ăn được. Đi và về, mẹ bảo, chậm lắm cũng chỉ chừng năm ngày.
Nhưng gã có linh tính bất an. Về ngoại, mẹ đâu cần mang theo nhiều thế. Nào gương, lược, bao thứ, cả bộ cánh đẹp nhất nữa. Bộ cánh đó mẹ chỉ mặc một lần ngày cưới, rồi cất mãi trong hòm. Những ngày làng có lễ hội, cha gã thường bảo mẹ mặc nó ra đình làng cùng cha. Nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo sợ bất trắc. Sợ cha buồn. Cha im lặng, nhưng mắt cha phảng phất những đám mây xám mọng nước.
Một lần, mẹ đem áo hoa ra ngắm ngắm nghía nghía, ướm ướm thử thử. Mắt mẹ sáng long lanh. Mẹ muốn mặc nó đưa gã về thăm ngoại. Cha đứng ngoài cửa vói vô nói bóng nói gió, vẻ hậm hực, không vui. Gã thương mẹ quá, cãi lại. Gã bảo mẹ chưa một ngày vui. Nếu mẹ nghe lời bà ngoại tiến cung chắc đời mẹ đã đổi khác. Vua có hàng trăm cung tần mĩ nữ, mẹ xinh đẹp thế, chí ít cũng được vua phong là tiệp dư, lên xe xuống ngựa có kẻ hầu người hạ. Cha giận lắm cho gã một tát trời giáng, rồi bỏ đi uống rượu. Mẹ ôm gã khóc, nước mắt đẫm vai. Mẹ không về ngoại nữa. Đêm xuống, mẹ lặng lẽ giấu chiếc áo hoa dưới đáy hòm. Từ đó không lần nào nghe mẹ nhắc đến nó nữa. Gã biết mẹ yêu cha hết mực. Nếu không, sao mẹ phải khăn gói bỏ nhà theo một kẻ nghèo khó. Nếu không, sao mẹ lúc nào cũng nâng niu chiếc kiềng bạc cha mua. Nếu không, sao mẹ không dám xa cha gã một ngày để về thăm ngoại hay đi đâu đó. Cha gã học hành trật duộc, thi mãi không đậu, buồn chán thành kẻ bất đắc chí, suốt ngày vùi vào rượu. Mẹ gã chịu đựng hết. Mẹ thành cây cột cái trong nhà. Lẽ ra gã không nên bươi vào nỗi hổ thẹn của cha, không nên cứa vào nỗi đau của mẹ. Mỗi lần nghĩ lại cái tát tai nhớ đời ấy gã cứ thấy ân hận mãi.
Nhưng mẹ gã từng bảo đời người không ai học được chữ ngờ. Có khi nào mẹ bỏ nhà đi mãi?
Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm. Rồi rào rào, rào rào. Tanh tách, tanh tách. Không phải mưa. Là châu chấu. Từng cặp, từng cặp. Chúng ôm lưng nhau bay rợp trời. Chúng sà xuống sân, chúng đậu lên thềm nhà. Đàn đàn. Lớp lớp. Gã vội vã cài cửa, ngồi thu lu bên giường cha. Đêm xuống gấp gáp. Bóng tối vang vọng bao nhiêu thứ ghê rợn. Gã nghe tiếng đập cánh chao chát trên mái nhà, tiếng răng nghiến rau ráu ngoài vườn khuya. Đêm run rẩy trong những tiếng gai nhọn cào xé. Đêm rờn rợn trong bao tiếng nấc nghẹn, nỉ non, than vãn. Đêm đầy tiếng gọi hồn.
Gã ôm cột nhà ngủ ngồi trong nỗi sợ hãi và lo lắng mơ hồ. Chập chờn nửa tỉnh nửa mơ gã thấy mẹ mặc áo hoa, ngồi trên kiệu vàng. Đàn châu chấu nâng kiệu bay đi. Bay đến đâu cây cỏ hoa lá mừng rỡ đến đó. Lâu đài điện ngọc hiện ra. Đức vua đón mẹ gã ngay tận cổng thành. Mẹ gã vén rèm bước xuống, mỉm cười với đức vua. Ơ hay, sao mẹ có râu, mắt lồi, răng to vẩu?
Minh họa: Hải Kiên
Đàn châu chấu tràn đến làng chỉ một đêm rồi biến mất. Như bóng ma. Như hồn quỷ. Chúng cướp đi tất cả. Chỉ để lại nỗi khiếp hãi và rải rác đây đó những đám cánh nhiều màu sắc. Cây cối trụi hết lá. Núi trơ xương. Cái đói hiện hình, gầm thét.
Mẹ gã đi mươi ngày thì cha gã chết. Chết vì đói. Vì hận. Gã không khóc. Còn đâu nước mắt để khóc nữa. Nước mắt đã tuôn hết trong bao uất ức, đau đớn, khinh bỉ.
Đói. Đói. Đói…
Đâu đâu cũng thấy đói. Người chết đầy đường. Xương khô chất thành đống. Quạ kêu váng trời. Tiếng than khóc, oán hờn đến ma quỷ cũng chạnh lòng.
Gã và lắm kẻ như gã muốn làm loạn.
Bắt đầu là tiếng rì rầm ù ù trong tai, thỉnh thoảng vang lên giữa làng như một tiếng thét, rồi nó lan khắp vùng, vỡ ra thành tiếng sét chát chúa và những lằn chớp sáng lòa.
2.
Giáp Dần 1864. Mùa đông. Cái rét từ phương Bắc tràn đến, quẫy đạp trên tán đa đình làng, rồi lẩn quẩn trên mắt rồng chầu nguyệt. Đôi hạc gỗ đứng rụt vai co ro trước bàn thờ thành hoàng lạnh giá. Nhện giăng như sương móc trên rèm phượng, cột rồng. Đã lâu chẳng ai buồn ra đình. Cái đói, cái rét đọng thành vệt ngơ ngác trên hai hàng liễn ca ngợi sự sung túc, thánh thiện và đẹp đẽ của làng dưới sự bảo trợ của thần.
Một ngày ướt át sau Đông chí, “Vua” của quân khởi nghĩa Lê Duy Cự đến. Cả làng xôn xao. Không ngờ “Hoàng thượng” chọn đình Mỹ Lương làm nơi ngự triều, luyện quân. Ân mưa móc ban xuống. Tất cả già, trẻ, gái, trai, ai cũng được nhận một nắm gạo tẻ. Hối hả nấu cháo, xì xụp húp, húp xong thì nhốn nháo dọn dẹp đình làng, cửa ngõ, sân vườn. Hôm sau mới mờ sáng mọi người đã ùa ra đầu làng hồi hộp chờ đón vua Lê. Đầu giờ Thìn, “Thiên tử” giá lâm. Chiêng trống vang rền. Lính dẹp đường quát inh ỏi. Gươm giáo sáng choang. Cờ ngũ sắc bay phất phới. Kiệu vàng nhấp nhô. Không rèm. Không mái che. Vua Lê mặt choắt, người nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo ngự rộng rinh mới may. Ngài quay bên này, quay bên kia, cười cười chỉ trỏ ra vẻ hài lòng. Giữa một vùng núi non quê mùa, trông vua Lê giống gã hề trong các vở chèo bọn gã thường xem ở sân đình mỗi dịp xuân kì thu tế.
Nhưng vị mặc áo trắng cỡi ngựa bạch đi sau kiệu vua trông thật oai phong và nho nhã. Đó là Quân sư. Người cao gầy. Lưng thẳng. Dáng vẻ khoan thai. Rõ là kẻ có cốt cách thanh cao. Quân sư họ Cao, tên Bá Quát, tự Chu Thần, nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiên hạ đồn rằng Quân sư tự cho mình thanh khiết như mai trắng và thề suốt đời chỉ bái mai hoa làm thầy. Khi làm chủ khảo một kì thi Hương, vì thương học trò làm bài hay nhưng trót phạm húy, Quân sư đã dùng muội đèn để sửa bài. Chuyện bị phát giác, Quân sư bị bỏ tù, bị đày theo quân để đoái công chuộc tội. Chuyện kể lại có kẻ khen khí khái, người chê dở hơi, chẳng biết thế nào. Chữ ngài đẹp, thẳng và sắc. Nghe kể, khi viết dụ cho vua Lê có vừng mây trắng sà xuống che tàn cây ngay chỗ ngài ngồi.
Nhưng phận giun dế như bọn gã cần gì thanh cao, cần gì chữ. Bọn gã chỉ cần cái ăn, cái mặc. Bọn gã cần làm người. Vua Lê đến, tất cả trai làng đều đầu quân, hăng hái tập luyện dưới sự chỉ bảo của Quân sư, nôn nao chờ ngày nổi loạn.
3.
Ngày đông ở vùng sơn cước ngắn như đốt tay. Mở mắt, chưa kịp cười, đã thấy đêm xuống sầm sập. Trời hanh khô. Rét như cắt. Trăng đầu tháng treo trên mái đình xanh nhợt, trông sắc lạnh như miểng sành mẹ gã dùng lể gió cho cha. Gã nằm cong lưng gầy về phía cột đình, thao thức mãi không ngủ được. Bát cháo hoa hồi chiều không đủ làm dịu tiếng réo kinh niên từ cái bụng lép kẹp. Cái đói luôn rình rập đâu đó chực chờ cơ hội hành hạ gã. Gã trở mình liên tục. Mệt mỏi. Rã rời. Mẹ gã có lần bảo, nghĩ mãi về cái đói con người ta sẽ sớm chết vì miếng ăn. Nhưng gã biết làm gì hơn chứ. Chẳng phải vì nó, gã có mặt ở đây sao? Chẳng phải vì nó, gã sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình ư? Sáng sớm mai, bọn gã sẽ tràn xuống huyện đường. Rồi tiến chiếm phủ, xộc thẳng vào kinh thành. Bọn gã sẽ đạp bằng mọi thành lũy, phá tan mọi xiềng xích, lật nhào mọi thứ. Bọn gã phải giật lấy miếng ăn, giành quyền sống cho chính mình. Bất chấp mũi tên, hòn đạn. Bất chấp mất mát, đau đớn. Bỗng nhiên, nỗi sợ chết làm da gã nổi gai ốc. Những cái chết vật vã vì đói ám ảnh mãi. Những đống xương trắng hếu, tiếng quạ kêu quang quác, mùi xác chết ngây ngây hiện ra rõ mồn một như chưa bao giờ tan trong tâm trí gã. Những tiếng rên rỉ, thoi thóp làm lưng gã rịn mồ hôi lạnh. Những tiếng khóc ai oán, sầu thảm làm tim gã thắt lại. Gã muốn bỏ trốn. Gã muốn chạy thật sâu vào rừng, vùi mặt vào một hốc đá đầy rêu nào đó. Rồi khóc òa. Thà chết trong tủi thẹn. Nhưng than ôi, phận dân đen con đỏ đã được lịch sử định đoạt từ lâu. Bọn gã không được quyền lựa chọn cho mình một chỗ đứng, một đường đi, một số phận. Chỉ cần rời hàng ngũ, gã sẽ bị chém bêu đầu vì tội khi quân. Tên gã sẽ bị bêu xấu ngàn đời.
Gã chợt nhớ mẹ. Cứ mỗi lần lòng dạ gã lạc loài khó bảo thì ánh mắt ấm áp của mẹ lại hiện về. Âu yếm. Sẻ chia. Thấu hiểu. Nhiều lúc uất ức quá, gã xua đuổi ánh mắt ấy đi. Nhưng càng xua đuổi, nó hiện lên càng rõ. Không thể nào xóa được. Như thể nó đã là máu thịt, hồn vía của gã vậy. Đêm nay, không phải ánh mắt mà là cái kiềng bạc lấp lóa trên cổ mẹ làm lòng gã cay xé, xót xa.
Đó là một chiều thu đứng gió. Nắng vừa lả bóng trên đầu núi. Mây trên cao nhợt nhạt, váng vất. Gã đói đến vàng mắt. Đói đến độ chỉ cần nằm vật ra là không muốn dậy nữa. Vậy mà gã phải khom người rón rén bước qua bao ụ đất mấp mô, có lúc phải bò, trườn, len lỏi, lách qua bao bụi gai tứa máu để rình bắt bằng được một miếng ăn. Miếng ăn hình bò sát, dáng rồng, bốn chân, tròn núc. Mấy tháng nay bọn gã không còn gạo để ăn, phải đào củ, phải vặt lá để cầm hơi. Rồi đến cả lá cỏ cũng không còn mà đưa vào miệng. Bầy châu chấu ma tràn đến, chỉ một đêm đã ăn trụi tất cả cây cối trong vùng. Đói, đói, đói. Bọn gã lùng bắt rắn rết, giun, dế, cào cào, châu chấu. Hết đồng gần rồi rẫy xa. Ăn mãi, ăn mãi đến sâu bọ cũng hết sạch. Tưởng chỉ còn cạp đất cục mà sống qua ngày. Vậy mà như có linh tính mách bảo, gã đã mò ra chỗ heo hút này để tìm thấy một ổ rắn mối to đùng. Đó là cái hố trũng ở một góc rừng hoang vắng đầy cỏ mục và cánh cào cào châu chấu. Gã quyết tóm trọn ổ. Gã dùng rựa chặt gai lưỡi rồng bịt kín xung quanh, rồi nhóm củi đốt. Những con rắn mối bắt lửa cháy xèo xèo. Chúng chạy loạn xạ, mệt lử, rồi đành đạch giãy chết. Gã dập lửa, khều lấy một con cháy đen. Bóc da. Nạo vảy. Từng mảng thịt trắng muốt lộ dần. Mùi thơm phức. Gã cắn ngay một miếng, nhai ngấu nghiến. Miếng thịt trôi tuột, không lưu lại mùi vị gì. Nhưng nó khiến gã tỉnh người. Gã bắt đầu nhẩn nha. Nhai đi, nhai lại từng mẩu nhỏ. Mút đến kì sạch từng dẻ xương. Vị thịt ngọt lịm lan xuống họng, tan vào từng mạch máu, thấm vào từng lỗ chân lông trên người gã trong một niềm sảng khoái khó tả. Gã chén liên tiếp ba con liền mới hết thèm thuồng. Chưa bao giờ gã có một bữa ăn ngon đến thế. Giờ là lúc gã phải gom chúng lại để dành ăn dần. Một con, hai con. Ba, bốn, năm, sáu. Con nào cũng mập mạp, béo núc. Nhưng ơ kìa, những khúc xương người trắng nhởn dưới đáy hố làm gã lạnh người. Một cái kiềng bạc hiện ra sáng lấp lóa. Cái kiềng có hình đôi chim nhỏ, mỏ gắp một chiếc lá khắc tên cha và mẹ gã. Cha gã phải mất hai mùa lúa mới đủ bạc làm ra cái kiềng bé xíu ấy. Mẹ gã luôn đeo nó trên cổ, không rời, như một vật chứng tình yêu. Gã rụng rời tay chân. Sao cái kiềng bạc ở đây? Mẹ gã đâu? Gã nôn thốc nôn tháo. Nôn cả mật xanh mật vàng. Trời ơi, có lẽ nào gã đã ăn một phần thịt da của mẹ...
*
* *
Canh ba. Lửa rực sân đình. Gã cùng bọn trai tráng nai nịt gọn ghẽ, xếp thành hàng tề chỉnh. Lễ tế thần xuất quân bắt đầu bằng một hồi trống trầm hùng. Một chiếc thau đồng bóng loáng và một con dao cau sáng quắc được bưng ra thành kính đặt lên án thờ thành hoàng. Rượu đổ lưng lưng thau. Vua Lê mặc hoàng bào trịnh trọng bước ra chắp tay xá thành hoàng mấy xá. Rồi ngài cầm con dao lên, khẽ cứa vào ngón trỏ. Một giọt máu nhễu xuống. Đêm nín thở. Những khuôn mặt lạnh băng. Những cặp mắt bắt lửa, ánh lên một nỗi sợ hãi thành kính.
Lần lượt sau vua Lê là Quân sư họ Cao trong bộ giáp trắng, đầu trần, rồi đến các đầu lĩnh áo đen, giày cỏ và cuối cùng là bọn quân sĩ áo nâu chân đất như gã, ai cũng trịnh trọng bước ra hiến một giọt máu đỏ trong một nỗi hân hoan khó kìm nén. Xong, toàn bộ huyết tửu được bọn thị vệ đem pha đều vào các vò rượu đặt ngay ngắn một hàng dài trước án thờ. Rượu ồng ộc chảy ra bát. Tiếng Quân sư vang lên lanh lảnh:
- Thề có phước cùng hưởng, có họa cùng chia.
Bọn gã vung tay lên đồng thanh hô vang. Tiếng hô hào hùng, dũng mãnh. Từng hồi, từng hồi. Tiếng hô dội vào núi, lan lên trời, vang mãi về xuôi. Vua Lê kính cẩn nâng bát rượu lên làm lễ tế thiên địa và thành hoàng. Thị vệ rót thêm một bát nữa. Vua Lê ngửa cổ uống ừng ực. Rượu chảy ướt một vạt hoàng bào. Bát rượu lại dâng lên cho Quân sư, rồi lần lượt chuyển đến các đầu lĩnh và chuyền đến tận tay từng người lính. Gã run run đỡ lấy bát rượu từ một tay còm nhom đứng trước. Rượu sóng sánh. Đỏ thẫm. Tanh nồng. Gã nhắm mắt uống một hơi cạn sạch. Cả người nóng phừng phừng. Đầu lâng lâng. Gã thấy phấn khích tột độ. Không còn sợ chết nữa. Chỉ thấy háo hức, một nỗi háo hức được chém giết thỏa thuê đầy man rợ và thú tính.
Một hồi trống trận vang lên. Giục giã. Hối thúc. Cờ hiệu phất. Tiếng reo dậy đất. Gậy gộc, cào cỏ, câu liêm vung lên loang loáng. Rừng núi rùng rùng chuyển động. Bọn gã đi, rầm rập tiến xuống thành Ứng Hòa lúc trời còn tối tăm mờ mịt.
*
* *
Giằng co mãi bọn gã mới chiếm được huyện đường. Không ngờ quân triều đình được phái đến canh giữ nơi này. Họ biết bọn gã làm loạn chăng. Bọn gã là một đội quân ô hợp và kém cỏi. Nhưng cái đói làm bọn gã liều lĩnh và khát máu. Bọn gã đánh hăng lắm, lớp này chết lớp kia lại xông lên, lính triều đình hãi quá bỏ chạy cả. Bọn gã xộc ngay vào công đường đập tan tành mọi thứ. Rồi tràn sang kho thóc đạp cửa, phá khóa. Trưa đó, bọn gã có một bữa cơm mừng công ê hề rượu thịt. Ai cũng ăn lấy ăn để. Nhưng gã không tài nào nuốt nổi. Đũa chạm vào đâu cũng thấy lòm lòm đỏ và lờm lợm mùi tanh. Ảo ảnh vụt hiện vụt biến. Những thân người đổ nhào. Những cái đầu rơi xuống lăn lông lốc. Những mảng thịt rách tơ tướp, nham nhở. Máu phụt thành vòi. Lửa cháy rần rật. Tiếng hò reo vang lừng và tiếng thét hoảng loạn cứ lùng nhùng tai này tai kia. Gã ngồi nhai nỗi sợ và nốc rượu liên tục. Hết bát này đến bát khác. Rượu. Rượu. Rượu. Chỉ có rượu mới giúp gã quên đi nỗi kinh hoàng và ghê tởm. Bọn gã chết nhiều quá. Đánh thêm vài trận nữa khéo không còn quân sĩ. Không biết trận tới, bao nhiêu đứa thành cô hồn vất vưởng. Gã còn sống bao lâu? Nghĩ quẩn, mất cả hứng, gã ra đầu thềm ngồi hút thuốc. Quân sư đến, vỗ vỗ vai gã. Ngài khen gã còn trẻ mà gan dạ, chững chạc. Ngài còn bảo gã cố gắng nhiều hơn để xứng với chức đầu lĩnh vua Lê vừa ban thưởng. Rồi ngài đọc gã nghe một câu thơ cổ.
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự
Nhất tướng công thành vạn cốt khô.
Giọng thơ hùng tráng, không hề có chút đau thương bi lụy. Mắt ngài rực sáng. Rồi ngài nhìn vào mắt gã, chậm rãi giải nghĩa câu thơ. Gã rùng mình. Ngài thấu cả ruột gan gã chăng? Bọn gã còn cần bao nhiêu mạng người nữa để vua Lê bước lên ngai vàng? Quân sư giải nghĩa xong chẳng cần gã hiểu thế nào, ngài chắp tay sau lưng đi một mạch vào nơi vua Lê ngự thiện.
4.
Sau những chiến thắng giòn giã, bọn gã chiếm được một vùng rộng lớn. Gã được sống những ngày huy hoàng, no đủ. Không còn phải thấp thỏm lo cái ăn từng bữa nữa. Không còn phải khom lưng, cúi mặt mỗi lần gặp chức sắc của làng. Không ngờ có ngày bọn gã được dẫm trên lưng, đạp trên đầu bọn cường hào ác bá, được bước những bước dài chắc nịch và kiêu hãnh của những ông chủ. Nhờ can đảm, gã được tuyển đặc cách vào đội thị vệ theo hầu vua Lê. Đầu tháng Chạp, quân triều đình bắt đầu phản công. Họ đông đảo, nhiều súng to súng nhỏ và thiện chiến quá. Bọn gã thua to mấy trận liền, phải lùi về Mỹ Lương. Quân triều đình vây đánh rất gấp. Bọn gã thế cô, lương ít, quân mỏi, đành liều quyết một trận sống mái. Bọn gã đánh từ sáng sớm đến tối mịt mới phá được vòng vây chạy trối chết vào rừng.
Quân sư bị thương khá nặng, mất máu rất nhiều. Ngài chết sau mấy ngày trốn chui nhủi trong những hang đá ẩm ướt. Bọn gã vùi xác Quân sư ở một góc rừng kín đáo. Vua Lê quỳ trước mộ mặt thẫn thờ. Bọn gã cũng quỳ xuống, không nói lời nào. Không ai khóc. Nhưng ai cũng hụt hẫng, cũng cảm thấy một nỗi mất mát lớn lao. Hôm đó, bỗng nhiên tuyết rơi. Những hạt tuyết trắng ngần như hoa mai bay lả tả đầy trời. Gã cúi đầu vĩnh biệt Quân sư lòng đầy thương cảm. Cuộc đời của Quân sư ít ai hiểu thấu. Ngài lạ quá. Ngài cao xa quá. Chỉ thấy bóng lừng lững, không rõ hình. Chỉ nghe tiếng nói hào sảng mà không nhìn rõ mặt bao giờ. Gã gần gũi với Quân sư còn thấy vậy, lịch sử làm sao nhớ về ngài để kể cho hậu thế?
5.
Một ngày đầu xuân, chỗ ẩn náu bị phát giác. Bọn gã vội vã chuyển đi nơi khác. Triều đình truy đuổi gắt gao và hứa thưởng rất hậu cho ai bắt được hay giết chết vua Lê. Bọn gã trốn hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Hết mùa xuân qua mùa hạ. Bữa no bữa đói. Đoàn quân theo vua Lê mỏng dần mỏng dần. Số chết vì nghĩa, số chết vì đói. Không ít kẻ bỏ hàng ngũ làm tay sai cho triều đình. Trông vua Lê thật tội nghiệp. Mặt phờ phạc. Râu tua tủa. Hoàng bào bẩn thỉu, xộc xệch. Ngài như một gã hề khốn khổ.
Vào một chiều hè oi ả nọ, bọn gã đến được làng Trung Lập. Đây là quê nội của Quản lãnh thị vệ, cũng là nơi Quân sư từng dạy học nên ai cũng an lòng. Lí trưởng nghe tin vội vã đến rập đầu ra mắt vua Lê. Rồi ngả lợn, giết gà, nấu cơm. Bọn gã đói quá, mới nghe tiếng lợn éc, tiếng gà quang quác, bụng đã réo ùng ục. Cơm dâng lên chưa kịp mời vua Lê, bọn gã đã và lấy và để. Trông vua Lê râu tóc lờm xờm, nhai nhồm nhàm, thỉnh thoảng dừng đũa vì nghẹn mà thương quá. Gã chỉ ăn lưng bát, tợp mấy hớp rượu rồi đi nằm. Người gã mỏi nhừ. Mắt díu lại. Gã kiếm một góc khuất trong đình nằm ngủ. Người gã bồng bềnh, nhẹ hẫng. Gã thấy mình bay lượn như chuồn chuồn trên cánh đồng Mỹ Lương đầy nắng. Lúa chín vàng rượm. Mẹ gã đang cắm cúi gặt lúa. Bỗng rào rào, rào rào, một đàn châu chấu bay đến bu kín cả người mẹ gã. Trong thoáng chốc chúng ào ào bay đi để lại nơi mẹ gã nằm xuống một đống xương trắng hếu, cái kiềng bạc sáng lấp lóa lấp lóa. Gã giật mình thức dậy, đầu nhức như búa bổ. Mọi người đang ngủ say, tiếng ngáy như sấm. Ngay cửa đình, Quản lãnh thị vệ và tay lí trưởng đang to nhỏ gì đấy. Rồi tay lí trưởng lật đật chạy đi. Gã sinh nghi. Chờ Quản lãnh thị vệ đi khuất gã lồm cồm ngồi dậy, lẻn ra sau đình. Vừa lúc đấy, tay lí trưởng cùng một toán lính tuần tay lăm lăm giáo mác gậy gộc tràn vào đình. Đuốc cháy sáng rực. Gã lẩn ra hàng rào, chui qua lỗ chó thoát ra ngoài, chạy thục mạng vào đêm tối.
Gã trốn hết nơi này đến nơi khác. Đi đâu cũng nghe kể về cuộc nổi loạn Mỹ Lương. Vị vua tự phong của quân khởi nghĩa cùng đám tùy tùng bị tay quản lãnh thị vệ bán đứng. Chính những học trò của Quân sư đêm đó đã ào đến trói gô tất cả, hôm sau chúng đưa vua Lê lên quan lĩnh thưởng. Chao ôi là nhân nghĩa! Lê Duy Cự bị chém bêu đầu ngoài chợ. Trước khi chịu thọ hình, ngài cất lên một tràng cười sằng sặc, tiếng cười lạnh cả gáy đao phủ.
Gã nghe kể về vua Lê chỉ biết cắn răng ngậm ngùi. Lịch sử đã hạ màn. Vai hề đã chết. Lạ thay, từ lúc đến phất cờ nổi loạn ở làng Mỹ Lương cho đến khi bị bắt, bị chém đầu gã chưa hề nghe vua Lê nói một câu.
Gã thay tên đổi họ trốn đến một nơi hoang vắng. Rồi lấy vợ. Sinh con. Lặng lẽ phận giun dế, cặm cụi vui buồn với cỏ. Khi nào nhớ chuyện xưa thì đem rượu ra uống một mình. Thỉnh thoảng trong mơ gã thấy một tên hề có khuôn mặt giống vua Lê như đúc, tay cầm kiếm gỗ vừa múa may vừa hò hét dưới tuyết rơi. Thức dậy, thấy mắt cay xè. Có hôm gã nằm mơ đang thổi sáo trên đồng. Nắng vàng rực. Bỗng rào rào, rào rào. Tanh tách, tanh tách. Đàn châu chấu ào đến rợp cả bầu trời. Mẹ gã đến tìm gã trên lưng con châu chấu đầu đàn. Cái kiềng bạc trên cổ mẹ gã lấp lóa, lấp lóa.
T.L.V
VNQD