Ngôi nhà

Thứ Hai, 30/11/2020 06:31

. TRẦN ĐỨC TIẾN

Người đàn bà đưa Khánh qua phòng trong ra cửa sau. Điện không bật, gian phòng thấp mái, tôi tối và bốc mùi mốc. Cửa phòng sau mở ra khu vườn hoang, lơ thơ vài bụi chuối còi, một cây chùm ruột, cỏ mắt ma mọc dày chen lẫn với những bụi cây xấu hổ, cây cà dại, cây thèm bóp, cây xang bang và vô số thứ cây cỏ vô danh khác.

- Đất này có chủ quyền rồi chứ? - Khánh hỏi.

- Không có chủ quyền mà tôi dám bán à? Bìa hồng bìa đỏ nghiêm chỉnh. Chả dính quy hoạch quy hiếc gì. Chỗ ăn chỗ ở yên lành bao nhiêu năm nay, giờ không thích nữa thì bán. Thế thôi - Chị ta hạ giọng - Mà bác cũng tài thật đấy. Tôi không treo biển, làm sao bác biết?

- À… Nhờ ông chủ cà phê bên kia đường.

Minh họa: Phạm Hà Hải.

Đúng là nhờ lão chủ quán cà phê bên kia đường. Khánh dừng xe ghé quán lão, kêu li cà phê đá. Bưng cà phê ra, lão nhìn y ngờ ngợ: “Dân nơi khác đến đây, chắc lại đi tăm đất?”. Khánh giật mình, chưa kịp nói gì, lão tiếp: “Đoán thế. Nếu đúng thì làm luôn cái miếng bên kia đi”. Lão chỉ tay sang ngôi nhà xây tềnh toàng bên kia đường. Con đường trải nhựa, một đầu chạy tuốt qua cánh đồng, mất hút vào rừng cây xa mờ, một đầu nhoài ra biển. “Chỗ ấy nạc đấy. Nạc giờ còn ít lắm. Toàn xương không à”.

Quả thật, vừa bước chân vào mảnh đất có ngôi nhà cấp bốn mà lão “chỉ điểm”, Khánh đã cảm thấy dễ chịu. Nhà cửa cũ nát, xập xệ, nhưng khu vườn hoang sau nhà thì đáng kể. Khi nhận lời tìm mua đất cho Quân, Khánh định mò đến khu quy hoạch dân cư phía tây để thăm dò. Vậy mà chả hiểu sao, lúc vòng xe máy qua bùng binh, y lại ngoặt tay lái sang đông, rồi cứ thế cắm đầu cắm cổ phóng thẳng một mạch.

- Mua chỗ này thì coi như chỉ được miếng đất thôi. Nhà không tính.

- Ơ hay - Người đàn bà bật cười - Thì đất mới có cái giá ấy. Chứ bác còn muốn cả nhà nữa cơ á?

Nói xong, chị ta lại có vẻ nhanh chóng lờ đi luôn mẩu đối thoại với ông khách, thản nhiên cất tiếng hát: “Nghìn đêm, nghìn đêm… Sóng biển ru êm… Giấc ngủ bên thềm…”.

Khánh nhẩn nha xem xét khu vườn, nhưng không có gì lọt qua tai y. Ngủ bên thềm? Tức là ngủ ngoài sân, ngoài hè đấy. Tha hồ mát. Bài hát lạ. Giọng buồn buồn khê khê. Y thích nghe giọng đàn bà như vậy. Giờ đây, không hiểu sao nó bỗng gợi cho y nhớ về một nơi chốn…

- Này ông, tôi vừa tìm được một chỗ thích lắm - Khánh bấm máy gọi cho Quân.

Cách đây ít ngày, Quân đáp máy bay từ Hà Nội vào. Vừa đi làm việc cho cơ quan, vừa tranh thủ đến thăm bạn cũ. Cũng phải dăm, bảy năm Khánh và Quân mới gặp nhau. Hai thằng dẫn nhau đi ăn trưa, rồi ra ngồi ở một cái quán cà phê ven biển. Quân mở phanh áo ngực, đón từng cơn gió biển mát gợn da. Sóng dội vào kè đá, bắn tung những giọt nước li ti lên chỗ hai người.

“Giờ mới thấy cái quyết định của ông ngày ấy đắt giá”, Quân tấm tắc. “Mát mẻ, trong lành, không chen chúc tắc đường tắc xe, không ngập lụt, không bụi mịn. Tôi vào đây như cất được tảng đá đè trên ngực”.

Khánh bật tiếng cười khan, nghĩ: mẹ, cùng đường mới phải dạt vào. Chứ khôn ngoan giỏi giang như các ông… Khôn ngoan giỏi giang như Quân và một số đứa bạn khác hồi đó thì Khánh đã bám trụ ở Hà Nội, dần dà tìm cách chuyển vợ con ở quê ra, thành người Hà Nội luôn. Y cố lắm. Nhưng rồi mọi đường đi nước bước đều tắc tị. Cuối cùng, phải đánh liều chuyển cả gia đình vào sống ở cái xó xa lắc xa lơ này. Nhiều người không hiểu, thấy y dứt tình với đất thánh, bảo y điên. Không điên thì ngu.

“Ông kiếm cho tôi một chỗ nhé” - Quân đột ngột ôm ngực ho - “Nho nhỏ thôi. Nhưng gần biển”.

Khánh: “Để làm vốn à ?”.

Quân: “Vốn liếng con khỉ! Tôi có phải dân làm ăn buôn bán gì đâu mà vốn với liếng. Sức khỏe tôi xuống nhanh lắm. Cố đi làm thêm năm nữa, đến tuổi hưu là về luôn. Khí hậu trong này hợp với tôi. Hôm nay mới nói với ông là hơi muộn rồi đấy”.

Khánh: “Đưa cả bà ấy vào chứ?”.

Quân cười buồn: “Chưa chắc. Già rồi, thích tách nhau ra hơn, ông ạ”.

Suýt nữa thì Khánh cũng bật cười. Hóa ra mấy anh già giống nhau gớm nhỉ. Ngày trước, còn trẻ thì cố sống cố chết để được ở cùng nhau. Giờ họa hoằn vợ Khánh có công có việc phải đi vắng vài ngày, ở nhà một mình, y bỗng thấy thoải mái nhẹ nhõm hẳn… Mà Quân tính thế cũng phải. Nói về chỗ ăn chỗ ở thì quả thật mấy năm gần đây, dân các nơi bắt đầu rục rịch tìm đến mua đất mua nhà ở thành phố này. Giàu sụ thì mấy trăm mét vuông sườn núi nhìn ra biển. Giàu vừa thì căn hộ chung cư cao cấp Bãi Dâu. Dân lao động nghèo tìm kiếm cơ hội đổi đời thì có sẵn mấy khu ngập mặn được bồi đắp, san lấp ở ngoại thành. Có người mua để đấy. Có người đến làm nhà, ở hẳn. Người nọ rủ thêm người kia. Cái thành phố nhỏ bé heo hút ngày Khánh mới đặt chân đến, người vắng, đất bỏ hoang, quen thân có thể gọi cho nhau cả ngôi nhà, mảnh vườn, bây giờ phố xá sầm uất, người xe tấp nập.

Minh họa: Phạm Hà Hải.

Vậy là chỉ sau vài cơn ho, và đá trong li cà phê còn chưa kịp tan hết, Quân đã có ngay một quyết định quan trọng.

- Gần biển không? - Qua điện thoại, nghe giọng Quân hổn hển.

- Gần. Đêm mắc võng ngủ ngoài hè, nghe được cả tiếng sóng.

- Tốt quá. Chắc cũng quanh quẩn chỗ quán cà phê mình ngồi hôm nào à?

- Không ạ - Khánh dài giọng - Quán ấy ở trung tâm. Trung tâm bây giờ có chất cả bao tải vàng cũng chẳng mua nổi đâu. Chỗ này lui ra ngoài cơ. Khu đông bắc sân bay…

- Đông bắc sân bay là chỗ đếch nào? - Quân lầm bầm, khúc khắc ho - Ông cứ làm như tôi thông thạo đất cát ở đấy lắm. Nhưng thưa thoáng, yên tĩnh là ô kê rồi.

Ngừng một lát, như sợ Khánh vẫn chưa tin lắm vào cái quyết định đột ngột của mình hôm nào, Quân dấn thêm:

- Lần chót đấy ông nhé. Ông cố giúp.

Quân nói xong, đổ một trận ho rũ rượi.

Khánh tắt điện thoại, bỏ vào túi. Y hiểu cái câu nửa đùa nửa thật vừa rồi của bạn. Đã không ít lần Quân kể cho y nghe về chuyện đi xem bói. Ông thầy phán: Quân nhất định phải qua ba lần chuyển nhà. Phải qua ba lần thì mới… đứng số. Lần này, nếu có, sẽ là lần thứ ba.

Mẹ kiếp! Bói với toán. Khánh biết thừa là Quân đâu có tin. Nhưng hi vọng thì có. Nhà cửa chỉ là cái cớ. Quân vẫn hi vọng vào một cái gì đó có thể làm thay đổi cuộc đời mình. Mù mờ quá. Mù mờ, mong manh chẳng kém những điều thầy bói phán. Nhưng lại không đủ mạnh mẽ để gạt bỏ nó trong tâm tưởng. Hi vọng leo lét đến tận chót đời.

Người đàn bà ngừng hát.

Khánh nhìn chị ta đi vào nhà. Cái gáy với làn da nâu nâu lộ ra dưới mái tóc cắt ngắn khuất sau khung cửa mờ tối. Y thở dài, bước theo.

Chủ và khách tạm thời thỏa thuận: chờ thêm mấy ngày nữa sẽ có quyết định cuối cùng. Khánh không giấu việc mình tìm mua đất giúp bạn. Bạn ở xa. Phải đợi ông ấy có thì giờ cân nhắc, tính toán. Nếu cần thì ông ấy bay vào, đến tận nơi xem cho chắc ăn. Mua mảnh đất, xây căn nhà làm chỗ trú thân, chứ đâu phải mớ rau con cá gì.

- Ông có nhớ lần cuối cùng ông gặp Sa là khi nào không?

Khánh gọi lại cho Quân, hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với nhà cửa đất cát, khiến Quân hơi ắng đi.

- Vẫn đang ở chỗ xem đất à?

- Không. Tôi về rồi - Khánh nói - Từ chỗ ấy về nhà tôi cũng chỉ mất mười lăm phút đi xe máy.

- Sao tự nhiên ông hỏi Sa?

- À… - Khánh ngập ngừng - Là vì cái chỗ đó, chỗ có mảnh đất tìm mua cho ông ấy, thấy giông giống chỗ Sa ở ngày trước. Ông nhớ không?

Quân ho khẽ. Rồi cố dằn cơn ho, nói thong thả:

- Tôi gặp Sa lần cuối cùng khi Sa vừa ra tù. Vài tháng sau, cô ấy mất. Hôm tôi biết tin tìm đến nhà thì mọi việc đã xong xuôi cả rồi…

Sa là người yêu cũ của Quân. Từ thời bọn họ còn đang là sinh viên. Hè năm cuối cùng, Quân và Khánh về thăm nhà cô. Ngôi nhà nhỏ trong cái thị trấn xập xệ vùng biển. Trước nhà là con đường trải nhựa cũ kĩ, lỗ chỗ ổ gà, cũng một đầu đổ ra biển, một đầu chạy về chân rặng núi xa. Quán cà phê dưới mái bạt chìa ra bên kia đường bày bán những chai nước ngọt xanh đỏ trong cái tủ kính phủ đầy bụi.

Buổi tối, cơm nước xong, ba người kê ghế ra sân ngồi. Gió biển mát rượi. Khánh lặng lẽ ngắm những vì sao như đang trôi dạt trên bầu trời sà thấp vùng biển. Sa bảo: tốt nghiệp ra trường, nhất định Sa sẽ kiếm việc làm thêm. Mà chưa biết chừng cô sẽ bỏ luôn cái nghề vừa học để tìm một việc nào đó hợp hơn, quan trọng là phải có tiền. Cuộc sống sẽ chẳng ra gì nếu không có tiền… Quân cất tiếng cười kẻ cả: em lo xa thế. Lo xa là tốt, nhưng cuộc đời đâu phải có tiền là có tất cả. Sa lặng thinh. Còn Khánh thầm ngạc nhiên. Y cảm thấy thú vị, vì trong lúc y đang mải thả hồn theo những vì sao, thì Sa lại nhắc đến tiền. Sự đan xen, pha trộn những thứ trái ngược nhau, theo một cách nào đó, thường đem lại những khoái cảm bất ngờ. Có khi Sa chính là mẫu đàn bà mà y tìm kiếm. Khánh làm thơ, có thơ đăng trên vài tờ báo ngay từ năm thứ nhất đại học. Nhưng y cũng rất thực tế, thích những người sống tự lập, biết làm ra tiền và quý đồng tiền. Sao Sa không đến với mình, mà lại yêu Quân nhỉ? Câu hỏi lần đầu tiên vang lên trong đầu Khánh, kéo theo một chuỗi những điều tưởng tượng lộn xộn, ngọt ngào. Ngày hôm sau, y kín đáo nhìn Sa bằng con mắt khác.

Sa đi tù, vì dính vào một đường dây mua bán đất công. Ra tù được thời gian ngắn, nàng bệnh nặng rồi mất. Quân lấy vợ. Khánh cũng lấy vợ. Vợ Khánh thùy mị, nết na, thuộc loại phụ nữ chỉ biết có chồng, một mực thờ chồng, và chính sự chung tình ngây thơ của nàng làm Khánh không nguôi nhớ đến Sa. Y vẫn tự hỏi vì sao nàng yêu Quân. Giá như nàng đến với y thì biết đâu mọi chuyện đã khác.

- Thế lần gặp nhau cuối cùng ấy, hai người có nói gì với nhau không?

Khánh lại hỏi. Thực ra, y không định hỏi câu đó. Y chỉ muốn kiểm tra lại ấn tượng của mình về Sa. Bởi vì, lúc Sa mới ra tù, chính y cũng đã gặp nàng. Nàng nhờ người quen nhắn y tìm mua giúp mấy cuốn sách. Chẳng biết cần sách thật, hay chỉ là cái cớ. Nhưng nhận được tin, Khánh đâm bổ về ngay. Y không báo cho Quân biết. Trong mắt Khánh bấy giờ, Sa không có vẻ gì là suy sụp tinh thần cả. Bệnh tật càng không. Nàng chỉ hơi gầy, nhưng vì thế mà trông lại có vẻ rắn rỏi, từng trải hơn.

- Im lặng suốt buổi, ông ạ - Quân nói - Cô ấy mặc cảm. Tôi cũng không hỏi gì nhiều, vì nghĩ cô ấy chịu đựng như thế là đủ rồi. Buổi chiều tôi ra xe về Hà Nội ngay. Ai ngờ…

Quân nấc nhẹ trong máy. Cũng có thể vì cơn ho chợt nổi lên.

- Khi Sa mất, tôi về ngay, định ra thăm mộ thắp hương thì người nhà bảo: tro cốt đã rải hết xuống biển rồi. Thôi, thế cũng mát mẻ cho vong linh Sa.

Khánh thở dài. Y không hỏi thêm gì, lại chuyển qua chuyện mua bán đất:

- Thế bây giờ ý ông thế nào? Có cần phải bay vào để xem trước không?

- Thôi khỏi cần - Quân dứt khoát - Tôi tin ông, ông duyệt là tôi duyệt.

- Vậy đặt cọc nhá? Đất cát giờ đang đóng băng, nhưng mai mốt, lỡ hé ra cái dự án vớ vẩn nào đó là giá lại thay đổi chóng mặt.

- Ô kê. Đặt luôn đi. Cần bao nhiêu, để chiều nay tôi chuyển khoản?

Ừ, nói vậy là chắc chắn rồi. Muốn thay đổi chỗ ở thật. Khánh mỉm cười, định nói ra số tiền cọc. Nhưng nghĩ thế nào lại xuê xoa: thôi, khỏi cần, tôi tạm ứng cho. Bao giờ xong việc, tính sau.

Khánh cầm mớ tiền đến đặt cho người đàn bà chủ đất.

- Thấy bác nói là làm ngay, nên em tin bác - Chị ta nhận tiền, nói với Khánh - Trước lạ sau quen. Giờ em hỏi thật bác: bác mua chỗ này để ở, hay để kinh doanh?

- Ơ kìa, hôm nọ tôi chả nói với chị là gì? Tôi mua hộ ông bạn. Ông ấy sắp chuyển hẳn vào đây.

- Vâng. Thì em cũng cứ hỏi lại thế. Bác mua để kinh doanh em nói khác, mua để ở em nói khác.

- Thế là thế nào?

- Kinh doanh thì bác cứ tùy ý mua đi bán lại, miễn sao có lợi. Nhưng nếu mua để ở, thì em phải có trách nhiệm nói cho rõ ngọn ngành. Đất có thổ công, sông có hà bá. Nhà cửa của mình, nơi ăn chốn ở của mình, chứ đâu phải cái phòng trọ.

Chị ta bắt đầu từ những người hàng xóm tương lai của Quân. Bên phải là nhà bà Tư, bán dưa cà mắm muối ngoài chợ. Hai vợ chồng với mấy đứa con kín tiếng, chả gây phiền cho ai. Mỗi tội lâu lâu hàng xóm được thưởng thức mùi mắm. Đủ các loại. Mắm cá, mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm… Đấy là lúc họ sang chiết mắm ra các chai lọ đem bán. Bên trái là nhà Sáu đù. Gọi thế vì cứ mở miệng ra là anh ta chửi thề. Chồng thợ hồ, vợ ở nhà may vá vặt. Có thằng con học lớp ba. Tối nhọ mặt người mới thấy anh chồng đi làm về. Thợ hồ với thợ may mà mấy năm cũng ki cóp xây được cái nhà lầu. Nhà xây rồi, may vẫn may, hồ vẫn hồ, đù vẫn đù. Còn bên kia đường, nhà lão chủ quán cà phê, bác biết rồi.

Thực ra nếu Khánh hay Quân chưa biết, thì cũng không nhất thiết phải biết rõ đến chân tơ kẽ tóc như vậy. Nói thật, ngay cả những người hàng xóm của Khánh bây giờ, y cũng chỉ mang máng biết về họ. Tên tuổi lắm khi quên, nghề ngỗng mù tịt, mặt mũi chập chờn. Có lần y chột dạ: chết thật, hóa ra cái cô nàng lễ tân ở khách sạn ấy, con bé tiếp viên ở nhà hàng ấy, thằng cu kế toán ở công ti ấy, những cái nơi mà y vừa có giao du liên hệ, lại là con gái, con trai, con dâu, con rể của ông Tý bà Tèo gì đó ở nhà kế bên.

- Thế chị về ở đây đã lâu chưa?

- Dạ, cũng kha khá. Mấy chục năm trước vùng này còn như vùng bỏ hoang. Xung quanh là rừng ngập mặn. Lác đác mấy nóc nhà tạm bợ. Khi em đến thì bên cạnh mới chỉ có nhà bà Tư.

Người đàn bà chủ nhà nhìn Khánh, như đoán được suy nghĩ trong đầu y:

- Bác nghe giọng em không phải người vùng này, bác muốn hỏi em trước kia sống ở đâu, làm nghề gì, một thân một mình hay còn có ai, và vì sao lại đến đây chứ gì? Thưa với bác, từ lúc còn trẻ, em đã đơn độc, nay đây mai đó, giang hồ quen rồi. Nghề nghiệp hay chỗ ăn chỗ ở với em chả quan trọng mấy. Em chỉ cốt làm ra đồng tiền. Có tiền, quẳng vào đâu em cũng sống tốt, chẳng cần dựa dẫm ai. Bán chỗ này đi, có ít tiền, em lại tìm đến một nơi mới.

Chị ta cứ xởi lởi, vui vẻ một cách hồn nhiên. Còn Khánh, tự nhiên y nghĩ đến Sa, nhớ buổi tối hôm nào ngồi ở sân nhà cô, ngắm những vì sao trôi dạt trên bầu trời và mơ về người đàn bà của đời mình.

Không ngờ chỉ sau đấy mấy ngày, Quân chết.

Nhanh chóng, nhẹ nhõm như khi quyết định mua đất chuyển nhà. Vì bụi mịn. Vì môi trường ô nhiễm. Hay vì dịch viêm phổi cấp bất ngờ tràn đến và biến Quân, vốn là kẻ có hai lá phổi bệnh tật, thành con mồi ngon.

Khánh như người mất đà. Y không quay lại khu đông bắc sân bay. Không báo tin cho người đàn bà chủ đất biết. Không có ý định nhắc lại khoản tiền đặt cọc vẫn còn trong thời hạn thương lượng. Làm thế, y cảm thấy được an ủi phần nào vì đã hết lòng giúp bạn. Mãi về sau, định mệnh lại xui khiến y thêm lần nữa, ngoặt xe về hướng đông khi vòng qua bùng binh.

Gã chủ quán cà phê vừa nhác thấy y ngoài cửa đã kêu ầm lên:

- Ô kìa, ông! Sao bây giờ ông mới tới?

Rồi lục vội dưới quầy, lấy ra một mảnh giấy đưa cho Khánh.

Trên giấy chỉ thấy ghi nguệch ngoạc một dãy số. Khánh hiểu ngay là số điện thoại.

- Bà ấy mong ông mãi - Chủ quán nói, vẻ thông cảm.

Khánh nhấp ngụm cà phê, ngồi nhìn sang bên kia đường. Ngôi nhà xập xệ đã bị chủ mới dỡ bỏ. Một chiếc máy xúc đang hì hục múc lên từ nền nhà cũ những gầu đất lẫn rác rưởi, đổ vào thùng chiếc xe tải đậu gần đó.

“Chuẩn bị đổ móng” - Khánh nghĩ thầm. Y lưỡng lự giây lát, lẳng lặng vo viên tờ giấy có ghi số điện thoại mà y biết chắc là mình không bao giờ gọi, kín đáo thả xuống cái giỏ rác dưới chân bàn.

14-3-2020
T.Đ.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)