. ĐINH PHƯƠNG
Hòn “mồ côi” ở Thuyền Chài
Trên bạt ngàn sóng nước Trường Sa, gặp được con thuyền đánh cá của ngư dân, hay cánh hải âu chao lượn đã là hiếm. Thế mà trước đảo Thuyền Chài, tôi còn bắt gặp một hòn đá nhô lên khỏi mặt nước vài ba mét mà anh em gọi là đá mồ côi. Trả lời câu hỏi tại sao lại là mồ côi, anh em bảo, chiều chiều nước lên, xa mặt trời vàng úa, xung quanh là nước biển xanh thăm thẳm, nhìn nó buồn không chịu được, cứ như ngóng chờ ai. Người Việt mình vốn sống nặng về tình cảm, cứ thấy vật gì lẻ loi là thương, liên hệ đến các số phận không may trong cuộc sống thực mà đặt tên như mồ côi, góa chồng, góa vợ.
Hòn đá mồ côi này trước trận bão cuối năm 2017 nằm dịch về bên phải ước chừng vài chục đến vài trăm mét. Bão vào, hòn đá bứt khỏi nền san hô phía dưới, văng đi. Cũng có người nói trước trận bão, hòn đá nằm dưới đáy biển, bão qua thì trồi lên. Mỗi người nói mỗi kiểu, nhưng tôi thích cái giả thiết về sự dịch chuyển của hòn đá hơn. Hòn đá cũng có linh hồn, cũng biết sốt ruột, chờ ở hướng này không được thì chuyển sang hướng khác. Về sức mạnh của cơn bão cuối năm 2017, lính bên đảo An Bang khi vui đùa nhau vẫn kể chuyện về cây bàng vuông trong lồng. Số là ở đảo có cây bàng vuông xanh tốt, cao hơn mét. Trước ngày bão vào đã được hàn lồng giữ, chiến sĩ còn cẩn thận lấy dây buộc chặt cây vào lồng. Thế mà khi bão qua cả cây và lồng đều bị bứng đi mất, chỉ còn trơ lại hố đất. Lúc ấy anh em cứ tiếc, giá mà không buộc, biết đâu bão chỉ bứng lồng đi thôi, còn cây để lại cho lính đảo.
Vật lộn với sóng dữ để kéo xuồng vào đảo An Bang. Ảnh: PV.
Tôi gặp Trung sĩ Ngô Văn Đông, chiến sĩ tín hiệu, quê Nghĩa An, Quảng Ngãi khi anh đang hướng dẫn xuồng chở đoàn phóng viên và hàng hóa cập đảo. Hai tay hai lá cờ thoăn thoắt chỉ đi thẳng, về bên phải, bên trái… Trông thế nhưng không hề đơn giản bởi nước lên nhìn mặt biển chỗ nào cũng giống chỗ nào, điều khiển xuồng đi không theo dòng là chạm phải san hô ngay.
Ở đảo, hàng ngày khi nước xuống, cán bộ chiến sĩ phân công nhau xin chỉ huy đi bắt cá bắt ốc trong vũng để cải thiện bữa ăn. Đông nhớ nhất năm ngoái khi vừa ra đảo phát hiện được vũng cá dìa đến gần trăm con, to bằng bàn tay. Anh em chiến sĩ đổ ra bắt, ăn mấy ngày mới hết, nào kho, sốt cà chua, luộc… thật là những ngày ngán cá. Còn ốc, ít thì luộc, nhiều thì lấy ruột xào với măng hộp, thêm chút rau thơm nữa cũng rất đưa cơm. May mắn hơn thì vớ được bạch tuộc, nhiều con nặng vài cân, chỉ đôi con là đủ ăn cả ngày. Năm nay Đông về, anh bảo chẳng biết bao giờ mới có dịp quay trở lại đây. Tuy vẫn còn chừng vài tiếng nữa mới xuống tàu, nhưng cơn nhớ đảo trong Đông ngay lúc này đã cuộn lên. Tay chân như thừa thãi, Đông rảo đi rảo lại mấy vòng, mắt chạm biển, chạm trời, chạm lá rau, con gà con vịt, chạm vào gì cũng rưng rưng. Tôi tự hỏi khi vào bờ, đêm không có tiếng sóng dập dồn bên tai liệu Đông có dễ dàng ngủ được?
Cũng ở Thuyền Chài, tôi gặp đồng hương, Binh nhất Tô Anh Tuấn, chiến sĩ bộ binh, quê Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tuấn ra đảo Thuyền Chài được gần năm tháng. Ngay trước tết, Tuấn đã gửi về cho bố mẹ cùng em trai ở quê được ba triệu, tiền phụ cấp tiết kiệm hàng tháng, dặn bố mẹ mua cho em quần áo, giầy mới. Tuấn kể quê anh cũng có biển, đôi lúc có áp thấp hay bão đổ bộ vào sóng gió cũng cuồn cuộn, ầm ào. Nhưng khi ra đến Thuyền Chài, Tuấn mới thấy những gì mình đã chứng kiến ở quê chẳng thấm tháp vào đâu. Ở đảo, Tuấn cũng được những anh chiến sĩ cũ như Khoa, Tuấn, Hưng, Nguyên dạy cho cách trồng rau, nuôi lợn, gà vịt. Nhà Tuấn ở thành phố, chẳng có chỗ để trồng gì, muốn mua là chạy đùng ra chợ, nhưng đây là giữa biển… mua đâu. Tuấn được dạy làm đất, trồng các loại rau muống, dền, mùng tơi, lá lốt, lá mơ, ngò gai, rau thơm..., cách gieo hạt, tưới ngày hai lần, che chắn tránh gió biển và sương muối. Phải đi đảo mới thấy người lính Trường Sa yêu đất, yêu cây như thế nào. Ở đảo nổi, tận dụng từng khoảng đất có được, người lính dùng tôn quây, che chắn kĩ để tránh gió biển, sương muối trồng rau đã đành, nơi đảo chìm việc tăng gia còn khó hơn gấp bội, vì đất ít, từ khu tăng gia đến ban công tầng hai, tầng ba, chỗ nào đặt được hộp xốp trồng rau là đặt. Vừa nói Tuấn vừa dẫn tôi lên tầng hai, nơi gió biển mặn mòi lồng lộng quất vào, chỉ cho tôi xem cây ớt lúc lỉu quả xanh quả đỏ. Hỏi sao không hái quả chín đi, Tuấn hóm hỉnh đáp, ở đảo cũng thèm nhìn thấy hoa thấy quả, để vậy mỗi giờ nghỉ anh em chiến sĩ ra ngắm sẽ thư thả đầu óc, bớt nhớ đất liền hơn.
Cuối cùng, Tuấn dẫn tôi xuống khu chuồng nuôi gà vịt cùng chú lợn đen nặng hơn một tạ. Nhìn Tuấn với khuôn mặt đen sạm loang loáng vệt trắng của mồ hôi và muối biển, mở chuồng rải thóc cho gà vịt ăn, tôi thấy tuổi hai mươi của Tuấn chững chạc và trải nghiệm hơn tuổi hai mươi của mình ngày xưa rất nhiều.
Đón năm mới trên tàu KN - 491
Ngày cuối năm 2019 trên hành trình Trường Sa là một hôm nắng đẹp, sóng êm. Trước giờ cơm chiều chừng hai tiếng, Đại úy Hoàng Trọng Luận, Trung đội kĩ thuật đảo Trường Sa, quê Bố Trạch - Quảng Bình, ở cùng phòng trên tàu KN-491, tổ chức bữa tiệc đón năm mới sớm để còn... rửa bát đũa trả cho nhà bếp. Bữa tiệc có duy nhất món cá luộc đựng trong xoong quân dụng. Đó là con cá mú chừng hơn cân, ít cá chuồn, cá dìa câu được đêm trước. Nước chấm là súp mì tôm dầm ớt xanh.
Bữa ăn thật ngon, không chỉ ở cá tươi mà còn vì câu chuyện về tết. Anh Luận là người đã có thâm niên đi đảo gần hai mươi năm, từng công tác qua nhiều đảo như Nam Yết, Trường Sa, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang, Song Tử Tây… nên các món ăn ngày tết trên các đảo anh đều thuộc cả. Anh bảo, chuẩn bị cho tết của lính đảo cũng giống trong bờ. Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, cây phi lao hoặc cây bàng khô tuốt hết lá đi đính hoa giả vào đã đi vào huyền thoại, thường được nhắc đến như kỉ niệm đẹp về một thời khốn khó nơi đảo xa. Giờ đây, lá dong, gạo nếp, đậu xanh, măng khô, nấm hương, bánh kẹo, mộc nhĩ, chè, cà phê cùng quất, mâm ngũ quả, đèn lồng, đèn dây nhấp nháy trang trí đã được tàu chở ra cách tết chừng một tháng. Thứ nữa đến thịt gà, thịt lợn, hai món này các đảo đều chủ động được, thậm chí như đảo Thuyền Chài còn có thêm vài ba chục con vịt mướt mượt nuôi cả năm chờ đón tết. Trong dịp này, mỗi đảo được một chú ỉn trắng gần tạ. Nhìn cảnh lợn say sóng mà thương. Thường những chú ỉn này nếu lên đảo còn khỏe, anh em sẽ nuôi cho bớt “bột” đi rồi mới thịt. Rau xanh trên các đảo cũng chủ động được với các loại muống, cải, mùng tơi, dền, rau đắng, sam, mướp, bầu bí, chưa kể là món giá đỗ luôn có trong thực đơn. Rồi các loại cá trong tủ cấp đông bao giờ cũng sẵn sàng. Ở một số đảo chìm tranh thủ nước xuống, anh em còn nhặt được thêm cả ốc.
Nhưng nếu chỉ ăn thịt luộc thịt kho, thịt hộp cắt khoanh rán, rau luộc rau xào, trứng ăn liền dằm mắm… như ngày thường thì còn gọi gì là tết. Anh em bèn sáng chế ra món chả ram, tên của lính là “ni lông quấn cước” với nhân gồm có miến mộc nhĩ, thịt hộp, rau thơm, may mắn thì được vài quả trứng gà trứng vịt trộn cùng, xong dùng bánh tráng cuốn lại rán lên. Rồi món nộm đu đủ bào, ngon nhất là có thêm mấy con bạch tuộc hoặc mực luộc lên thái nhỏ bóp cùng. Ngon nữa thì cầu gai nấu canh mướp, mùng tơi. Món chua có đu đủ thái bằng hai đốt ngón tay muối cùng dưa hành. Đảo nào trồng được cà thì có thêm món cà pháo muối xổi. Như đảo Nam Yết trồng được nhiều dừa thì chiến sĩ dùng dừa kho thịt, lấy nước dừa luộc gà. Lá tra và bàng vuông non cũng không thể thiếu ở đĩa rau sống đặt giữa bàn. Cá những ngày tết anh em thường nấu với mẻ, măng hộp, thêm vài quả ớt, chút rau đắng…
Tết còn là các trò chơi như nhảy bao bố, kéo co, thi ném bóng bàn vào thau… Nhưng nếu chỉ chơi vận động thế thì thời gian của tết vẫn còn dài lắm. Anh em tranh thủ ngồi quây quần bên bộ tú lơ khơ, cờ vua, cờ tướng… Nhớ lại, Trung úy Hoàng Văn Thông, người tôi gặp ở An Bang kể đã từng vô địch cờ tướng Trường Sa vào tết 2018. Anh hi vọng tết năm nay ở An Bang nếu có thi cờ tướng mình cũng sẽ vô địch.
Ngắm bàng vuông nở ở Trường Sa Đông
Từ ngoài biển nhìn vào, Trường Sa Đông là một hòn ngọc xanh bạt ngàn của cây cỏ. Những cây tra, cây bàng vuông, bàng thường, hoa muống biển tím ngắt phủ kín khuôn viên đảo. Trong những đảo nổi đào chìm của chuyến hành trình thì nơi đây để lại ấn tượng với tôi nhất, bởi màu xanh phập phồng thở của cây cối, và đặc biệt hơn, nơi đây có một vật dụng thân thuộc của đồng bằng Bắc Bộ, đó là một cái cối xay bột đóng bằng đá xanh. Nó ở phần cuối đảo, trên bể chứa nước, đã vỡ ít nhiều, chẳng còn công dụng xay nữa. Hỏi cối có từ bao giờ, cán bộ chiến sĩ ai cũng lắc đầu, bảo từ ngày mình ra đã có. Cối như một phần của đảo, trong các chuyến ra thăm, động viên cán bộ chiến sĩ, hầu như ai cũng cố chạm vào nó lấy một lần. Thế nên chẳng ai nỡ vứt cối đi, nó như một sự gặp lại đất liền sau rất nhiều ngày lênh đênh của người chưa quen biển lắm. Tôi bỗng nhớ những câu thơ của Thượng úy Hoàng Văn Phong, Báo An ninh Thủ đô, làm khi trên tàu ra đảo: “Ôi Trường Sa tiếng gà gáy ban trưa/ Con chích bông chuyền cành nhớ mẹ/ Khói bếp nhà ai vương lên mái rạ/ Dậu mùng tơi năm tháng tiếng gà quê”.
Tôi chụp nhanh lấy hình ảnh chiếc cối, để sau này về bờ khoe với mẹ, người đàn bà quê Hải Hưng cũ rằng ở Trường Sa con thấy cối xay này, mẹ thấy hay không. Hẳn lúc ấy mẹ tôi vui lắm, bởi thời thanh xuân của mẹ, cối xay là vật dụng không thể thiếu. Tôi cũng sẽ kể với mẹ trên đảo Trường Sa Đông này tôi còn thấy những con chim trắng, chân đen, to bằng con cò quê mình đậu trên lưng những chú lợn ỉn trong chuồng. Đây là những con chim trên đường đi trú đông đuối sức không theo kịp đoàn hạ cánh níu nhờ nơi đảo. Chúng cùng ăn với gà vịt, khoan thai ngủ trên lưng những con lợn ỉn to cả tạ, thi thoảng lại bay vòng vòng quanh đảo như tìm dấu hiệu của bầy đàn. Chúng cứ chờ thế, rồi một ngày lao vút đi vào gió biển vô tăm tích, chẳng biết có tìm thấy đàn không…
Cũng trên đảo Trường Sa Đông lần đầu tiên đoàn phóng viên được mục kích một bông hoa bàng vuông nở giữa đêm. Một chiếc thang gấp lập tức được bắc lên, đèn kéo ra tận nơi, đoàn phóng viên mấy chục người đợi đến lượt tác nghiệp. Ai cũng cố thu vào trong ống kính bông hoa đang bung dần nhụy màu trắng phía chân, tím biếc phía đầu, gắn thêm chút vàng của phấn. Mùi thơm của hoa ngòn ngọt. Trong sách đỏ Việt Nam hoa bàng vuông được xếp ở mức R, hiếm.
“Đi Trường Sa không được sờ vào quả bàng vuông, ngắm một bông hoa bàng vuông nở thì coi như chưa đi anh nhỉ”.
Tôi quay lại, hóa ra là một chiến sĩ trẻ người đen nhẻm, rắn rỏi. Tôi bắt chuyện ngay, nay cũng là dịp vui và bận rộn, lính tráng trên đảo được xả láng một chút, không phải đúng chín rưỡi đi ngủ theo chế độ như mọi hôm. Người lính trẻ ấy là Binh nhất Nguyễn Văn Huy, quê Đông Hòa, Phú Yên. Huy ra đảo tính đến nay đã được năm tháng, trước khi nhập ngũ thì làm việc ở Công ti TNHH Bel Việt Nam, với sản phẩm nhiều người biết là phô mai con bò cười. Là con thứ hai trong một gia đình làm nông nghiệp, trước và sau còn chị và em gái, nên ngay từ những ngày học trong trường Cao đẳng Công thương miền Trung Huy đã xác định cho mình con đường phấn đấu vươn lên để làm trụ cột cho gia đình. Chẳng thế mà Huy đã được kết nạp Đảng ngay từ những ngày còn là sinh viên. Ở đảo, Huy là một trong những đảng viên trẻ năng nổ trong học tập, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu, cũng như trong đời sống thường nhật. Cứ rảnh rang một chút Huy lập tức tút lên thư viện mượn sách báo. Huy thích những sách về kinh doanh, sách kĩ năng sống như cuốn Đắc nhân tâm, và sách văn học. Bởi thế mà cánh lính trẻ gọi vui là Huy khọm, vì khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Tôi hỏi Huy có viết văn không. Huy nghĩ rất lung, ánh mắt dõi xa xăm về phía biển đêm nhấp nhánh ánh đèn tàu, lúc lâu mới đọc chầm chậm, ngắc ngứ bài thơ mới viết:
“Tôi đến Trường Sa một ngày trời không nắng/ Cơn mưa rào đuổi nắng mang đến cầu vồng xa/… Chiều tôi đứng trước cột mốc thiêng liêng Tổ quốc/ Nơi triệu con tim đất nước mãi hướng về”.
Huy bảo, em viết như một dạng nhật kí để ghi lại cảm xúc tức thời thôi. Tôi hình dung xưa Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, lúc còn là lính Trường Sa cũng hay ngồi lặng nhìn ra biển để tìm cho mình câu chữ diễn tả những cảm xúc xốn xang vừa ùa đến trong lòng. Và với người chiến sĩ nơi đảo xa không có khái niệm thơ hay, thơ dở, thơ ở đây là thơ thật. Trong bờ, người ta dùng đủ thứ màu mè kim tuyến để phủ lên thơ, thì ở đây, chỉ có thơ mộc, chẳng cần đẽo gọt, mà cứ tự bung nở, tỏa hương như loài hoa bàng vuông kia. Ai đã trót một lần thưởng lãm thì nhớ mãi, nhớ lâu…
Cây ở đảo Đá Tây
Từ Trường Sa Đông tàu di chuyển trong đêm để đến Đá Tây vào tảng sáng hôm sau, rồi neo, đợi chiều nước lên sẽ vào đảo. Đêm, sóng lớn, cái cảm giác lắc lư, chênh chao từ những ngày đầu chuyến đi ùa về. Tôi vụt nhớ câu thơ của nhà văn Duy Khán, Ngã xuống rồi em ơi vẫn đất. Liệu đó có phải là cảm giác say đất, đặt chân lên mặt đất mà vẫn thấy chao đảo như trên tàu? Hôm ở Trường Sa Lớn, ăn cơm trên mặt đất hẳn hoi mà anh em phóng viên vẫn giữ chặt mép bàn như sợ nó trôi.
Ở Văn nghệ Quân đội, nhà văn đầu tiên đi Trường Sa là Duy Khán. Nghe kể hồi ông ra các đảo phân chim dày đến cả mét, trứng chim nhiều đến độ phải lựa mà đi. Rồi ông bị bỏ quên ở Trường Sa nửa năm, bất đắc dĩ trở thành lính đảo ngoài biên chế. Nhờ sự bỏ quên này mà khi vào bờ ông có tập truyện đặc sắc mang tên Biển thức.
Ở Nhà số 4 lính biên chế chính thức của Trường Sa có đến hai người, đó là Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Dấu vết quãng thời gian lính đảo hiện diện rõ trong tác phẩm của các anh, với Trần Đăng Khoa là nhiều bài thơ viết về Trường Sa như: Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cây bão táp đảo Nam Yết, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Viết từ hải đảo, Lính đảo hát tình ca, Hát về một hòn đảo; đặc biệt, tiểu thuyết mini Đảo chìm được nhà văn Thời xa vắng Lê Lựu đánh giá là một thần bút về người lính. Còn Nguyễn Xuân Thủy là tiểu thuyết Biển xanh màu lá và tập truyện Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa đều đã được tái bản nhiều lần, nhận được nhiều giải thưởng và sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả nhiều lứa tuổi. Các anh có được thành công này là bởi ngoài tài năng và tình cảm của tác giả, Trường Sa là một đề tài nóng hổi, tươi ròng và sống động, luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.
Dòng suy nghĩ miên man của tôi đột ngột bị cắt bởi tiếng loa ngay trên đầu: “Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu”. Mọi người lục đục trở dậy. Vậy là thêm một ngày nữa tôi có mặt ở vùng biển Trường Sa, hi vọng hôm nay là một ngày nắng đẹp.
Trong thời gian chờ xuống xuồng vào đảo Đá Tây, tôi tranh thủ nhớ lại những gì đã biết về nhà đảo chìm, qua cuốn sách Trường Sa kì vĩ và gian lao của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Rằng, nhà đảo chìm tính đến nay đã qua năm đời. Đời nhà đảo đầu tiên vào những năm cuối thập kỉ tám mươi là những cái pông tông chữ nhật bằng sắt, kín, nổi trên nước, muốn di chuyển phải có tàu lai dắt; ở trong pông tông ngăn ra làm các khoang chứa lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược, cùng công sự cho lính giữ đảo vừa ăn ở vừa chiến đấu, sóng gió chao đảo ngày đêm là hiển nhiên, chưa kể dây neo có thể bị đứt, cuốn đi trong bão tố bất cứ lúc nào. Nhà đời thứ hai thô sơ hơn với mái lợp tôn, chân là những cọc xi măng cốt thép đóng xuống nền san hô; nhà này rất nóng, chưa kể chỉ cần một cơn sóng to bổ đến là nước trùm nhà, nồi niêu, gạo nước, quần áo, sách vở bị cuốn xuống biển sạch bách. Đời nhà đảo thứ ba chắc chắn, dày dặn, với nhiều lỗ châu mai trổ ra xung quanh. Đời nhà đảo thứ tư là hai tầng.
Những thế hệ nhà đảo thứ nhất và thứ hai ngày nay đã chẳng còn dấu vết, nhà đảo thứ ba đôi đảo còn, dùng để tận dụng làm công sự hoặc nơi chứa đồ. Các đảo chìm đều đã vào đời nhà thứ năm, ba tầng, to đẹp khang trang như nhà dân trong đất liền. Chân đế vững chắc dựng bằng hàng trăm mét khối bê tông.
Để kiểm chứng điều này, khi vừa đặt chân lên đảo Đá Tây tôi đã đi quanh một vòng. Đúng là dấu vết của những nhà đảo đời đầu chẳng còn nữa, chỉ còn những ngôi nhà ba tầng khang trang hướng ra phía biển. Giàn phong lan quãng hơn chục giò đung đưa, tôi thấy có hai giò phi điệp đang bung nở những bông hoa tím trắng.
Khi đi ngang phòng Chính trị viên phó của đảo thấy Trung tá Phạm Văn Hưng đang kí tên, đóng dấu lên những lá quốc kì cũ. Anh rót nước mời tôi và bảo, cờ ngoài này chịu gió to, muối mặn chỉ một hai tháng đã phai màu. Gặp những ngày dông bão thì chỉ ngày một ngày hai là rách tướp. Anh em cứ thấy khi nào cờ hơi rách, phai màu là thay ngay. Cờ cũ lấy xuống được giặt sạch, phơi khô, đem cất vào tủ cẩn thận. Những lá cờ thấm muối mặn của bão táp Trường Sa là món quà đầy ý nghĩa của lính đảo dành cho khách đất liền.
Trò chuyện với anh Hưng tôi bất ngờ khi biết con trai anh - Trung úy Phạm Duy Tùng cũng là lính hải quân, đang công tác trên tàu HQ - 633. Giữa tháng mười vừa rồi Tùng theo tàu ra đảo cấp hàng, hai bố con được ở với nhau hai ngày hai đêm. Tùng kể cho bố nghe chuyện về mẹ. Vợ anh Hưng là chị Phạm Thị Quyền, nhân viên y tế học đường tại trường THPT Lê Thánh Tôn, Nha Trang, Khánh Hòa. Sáu năm rồi cả nhà anh chưa từng ăn tết đầy đủ cùng nhau, lúc có bố thì vắng con, có con thì vắng bố. Anh Hưng cũng giục con trai lấy vợ đi, để nhà có thêm người, nhưng Tùng cứ lần lữa. Không phải là Tùng kén chọn, mà do thân lính biển quanh năm lênh đênh, đâu có thì giờ làm quen ai.
Cũng ở Đá Tây, tôi gặp Binh nhất Phạm Quốc Huy, quê ở Tân Thới Hiệp, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Huy bảo ngoài nhiệm vụ canh gác, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia thì thích nhất việc tưới cây. Phải nói rõ hơn, đảo Đá Tây có một diện tích cần phủ xanh khá lớn. Đi dạo một vòng quanh đảo không khó để nhận ra quang cảnh của đảo còn khá nguyên sơ, trái ngược hoàn toàn với những hòn đảo nhiều cây cối như Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Nam Yết… Giống được chọn trồng trên đảo gồm có các loài cây bản địa như bàng vuông, bàng ta, tra, phong ba, mù u, muống biển… và một số cây đưa từ đất liền ra như phi lao, hoa giấy… Để trồng được một cây sống ở trong đất liền là bình thường, nhưng ở ngoài đảo là một điều không hề dễ vì khí hậu khắc nghiệt, gió muối, lượng đất màu phía trên mỏng, dưới là nền san hô nên rẽ cây không ăn sâu xuống được. Bởi thế lính ta phải chuẩn bị trước từ mùa mưa, tranh thủ đất mềm đào hố sẵn, ủ phân xanh, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ rác phân hủy được, canh tới khi thời tiết phù hợp sẽ tổ chức trồng. Trồng rồi phải chèn thêm san hô cục, để gió bão không bứng cây mang xuống biển. Huy cho biết cây trên đảo thường được tưới ngày hai lần vào sáng sớm và chiều muộn; với một lượng nước cố định cho ngần ấy cây, tưới hoang quá thì cây sau không có nước, tưới dè quá thì cây không phát triển được; những ngày gió muối nhiều thậm chí phải lau từng chiếc lá. Đảo có bao nhiêu cây Huy biết “tính nết”, biết cây nào lớn nhanh lớn chậm... Huy bảo, cây cũng như người, cũng biết lắng nghe, thấu hiểu. Huy bảo nhà em ở thành phố làm nghề gia công mũ, em sẽ làm cho mỗi cây một chiếc mũ để che những khi nắng nóng và gió muối.
*
* *
Những ngày cuối của hải trình, khi đã quen sóng gió, tôi đã chuẩn bị tâm thế để ngắm bình minh một cách đúng nghĩa. Tôi thức dậy thật sớm, khi trời đất vẫn còn tối sẫm. Tôi mò lên boong tàu chờ đợi. Gió biển lộng mát, bóng đêm rút dần đi, mặt biển loang loáng trở nên sáng sủa hơn. Rồi trong một phút như lãng ý, khi tôi ngẩng lên thì mặt trời từ đáy biển đã nhoi lên từ lúc nào. Những đám mây mượn gió tách dần ra tạo thành một đàn ngựa trắng hồ hởi rời chuồng. Bình minh trên biển ngập tràn sức sống, đẹp đến khôn cùng.
- Ò ó o o… ò ó o o… o o o…
Một chú gà tre theo tàu ra đảo bỗng cất tiếng gáy. Rồi tiếng gáy nọ nối tiếng gáy kia râm ran. Lênh đênh giữa biển, nghe tiếng gà gáy bỗng thấy đất liền, quê hương sao mà gần gũi thân thương lạ…
Đ.P
VNQD