Ngày về Kinh Bắc

Thứ Sáu, 27/11/2020 09:39

. NGUYỄN MINH CƯỜNG

 

- Chỗ này. Đúng chỗ này đấy!

Ông già ngoại quốc đưa tay quệt qua trán. Mồ hôi đìa đẫm trên khuôn mặt hồng hào được tô điểm bằng vành râu quai nón trắng muốt.

Những người lính trong đội quy tập đã triển khai xong việc chuẩn bị.

Phập!

Nhát thuổng đầu tiên bấm vào đất. Những thớ bazan đỏ tươi như máu văng lên tia nắng cuối chiều màu nâu vàng, rọi yếu ớt qua tán rừng cao su. Cách đó không xa, bên gốc cây, một bà lão chừng 70 tuổi, nhỏ nhắn, hiền hậu ngồi trong một chiếc xe lăn thoáng giật mình. Bà khép mắt định thần.

Minh họa: Lê Anh Vân

1. Gần cả đời người qua đi trong trại điều dưỡng rồi, giờ em đã về lại nơi chôn nhau, cắt rốn. Ngày đó anh từng bảo em, hết chiến tranh sẽ đưa em về An Thới. Hai đứa ra quỳ trước mộ, xin má đưa em về Kinh Bắc quê anh. Mà bây giờ thì em lại đi đón anh. Nhưng thế là em mãn nguyện rồi. Cả đời này, em đã nghĩ sẽ không thể tìm được anh nữa. Cho đến khi Edward xuất hiện.

Edward không vợ con. Quá khứ - vị hôn thê duy nhất chung sống cùng ông ta cho đến bây giờ. Chúng em gặp nhau ở trại điều dưỡng trong một buổi chiều xam xám, tĩnh lặng. Lúc ấy, em đang ngẩn ngơ trong một làn điệu quê anh. Em học thêm được nhiều bài quan họ qua radio trong những năm tháng đằng đẵng sau chiến tranh. Và vẫn tự mình hát. Giờ em hát được nhiều làn điệu quan họ lắm rồi. Có cả những nghệ nhân từ Bắc Ninh thương cái lòng yêu quan họ của em, còn dành thời gian dạy qua online nữa đấy. Ờ, mà anh có biết online là gì không nhỉ?

Nơi Edward ở cũng không cách xa trại điều dưỡng. Sau mỗi chuyến công tác, ông ta lại đến, ngồi xa xa và lặng thinh nghe em hát. Dần dà, khi em dừng lại, ông ta mạnh dạn cất lên một khúc dân ca của Mĩ vùng Nashville. Tiếng hát phiêu phiêu như gió hoang lang mang đồng cỏ mướt, nơi xứ sở của ông.

Edward tựa lưng vào một gốc sau sau cổ thụ. Ông ta đang chìm đắm trong những kí ức chẳng mấy dễ chịu. Những đêm trong cuộc hành trình này, khi anh đến trong giấc mơ của em, Edward cũng trằn trọc với những người bạn cũ của ông ta. Những người hiện đang nằm đâu đó bên anh kia, dưới những vạt đất ven rừng. Thì ra trong cái đêm đột ấp ấy, định mệnh đã đưa chúng mình và Edward gặp nhau...

 

2. Trung đội bộ binh cơ giới sau trận đấu súng ác liệt với Việt Cộng trong ấp An Thới lại tiếp tục cuộc lùng sục, càn quét để tìm cho ra căn cứ của tỉnh ủy, được bảo vệ bởi một lực lượng chính quy Bắc Việt. Edward, binh nhì 20 tuổi được giao nhiệm vụ áp giải tên Việt Cộng ngược qua dãy núi Phụng về nơi đồn trú của lữ đoàn kị binh cơ giới để cấp trên khai thác thông tin. Nhiệm vụ nhẹ nhàng nhất dành cho gã lính trẻ tuổi, quá ít kinh nghiệm chiến đấu trong một đội ngũ toàn những kẻ dày dạn. Anh ta không muốn nhận nó, bởi trận đánh còn tiếp diễn. Và việc quay về này giống như một sự phỉ báng. Nhưng chẳng còn cách nào khác là tuân lệnh trung sĩ John, gã chỉ huy to lớn như một con gấu và vốn là một tên anh chị khét tiếng trên đường phố tiểu bang Massachusetts trước khi gia nhập quân đội.

Edward bậm bục lái chiếc jeep quay trở lại theo con lộ từ trong ấp men theo chân núi Phụng. Người lính Bắc Việt dáng người thanh thanh đã bị trúng đạn vào cả cánh tay và bắp chân, lại bị trói vào bên ghế phụ. Anh ta đã được băng bó, nhưng máu vẫn nhểu ra, văng xuống theo nhịp của chiếc xe lồng lên trên những khúc cua gồ ghề. Mỗi lần như vậy, nhìn sang, Edward thấy tên vixi hơi cắn chặt hàm răng, hai gò má giật nhẹ.

Đây mới là lần tham gia càn quét đầu tiên của gã binh nhì người Texas, sau khi gia nhập quân đội ba tháng và trải qua khóa huấn luyện căng thẳng từ căn cứ Guam. Thành tích huấn luyện khá tệ, cộng với cái mác sinh viên nai tơ, khiến Edward bị những tên bặm trợn trong đội coi thường. Bởi thế mà, từ khi đến đồn trú tại trại lính đóng ở vùng ven Tây Ninh này, Edward hầu như chỉ làm những công việc hậu cần trong phân khu chỉ huy. Cho đến hôm nay, thiếu tá Lữ đoàn trưởng Steven mới đồng ý cho gã tham gia chiến dịch. Và giờ thì bị giao dẫn giải tù binh trở về. Gã nhấn ga, tăng tốc nhanh nhất có thể để kịp giao vixi cho thượng cấp, rồi quay lại tiếp tục cuộc hành binh.

Ầm…

Một tiếng nổ chát chúa phía sau mạn trái, hất văng chiếc xe xuống vệ đường. Edward cảm thấy hai tai điếc đặc. Trong lúc cua gấp, bánh sau xe của gã đã vướng phải quả mìn cóc của đối phương. Theo chiều xe lật nghiêng, gã đổ nhào vào một bụi cây so đũa lúp xúp. Tiếng súng tiểu liên từ phía đầm bồn bồn trắng cày xuống mặt đường ràn rạt. Bị phục kích rồi. Edward nhìn qua lối mòn gần nhất, vắt qua yên ngựa của núi Phụng. Bỏ lại xe, vượt qua con đường này sẽ về được doanh trại. Edward lăn vài vòng trên mặt đất, nép vào một tảng đá, rồi định vọt tiến theo lối mòn. Nhưng rồi, xiết một loạt đạn về phía đầm nước, gã lăn trở lại. Trên chiếc xe lật nghiêng, người tù binh đang khó nhọc gỡ dây trói. Đối phương vẫn bắn rát và gầm chiếc Jeep trở thành bia chắn đạn. Bỏ lại tù binh để thoát thân? Hay là… Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Edward bặm môi lao vụt đến chiếc xe dùng tay trái rút dao cắt phăng sợi dây thừng còn vướng một bên tay của người tù binh. Kế đó, một tay gã chĩa khẩu colt vào người lính Bắc Việt, quát “Run!” đồng thời chỉ tay về lối mòn, phía những tảng đá lớn qua yên ngựa, nơi phía bên kia là căn cứ quân sự của gã. Tay còn lại tì khẩu tiểu liên lên chiếc xe bị lật, gã tiếp tục xiết cò. Hỏa lực từ lực lượng phục kích liền tập trung xối xả vào chiếc xe. Sau một thoáng do dự, người tù binh chạy dúi dụi theo hướng tay gã chỉ, nhưng được vài bước thì ngã quỵ. Edward rút chốt trái lựu đạn quăng về phía chiếc xe rồi phóng theo người tù binh. Một tiếng nổ lớn, chiếc xe ngùn ngụt cháy. Edward xốc người người tù binh lên lưng và dùng hết sức bình sinh chạy lên sườn thấp của ngọn núi. Tiếng súng phía sau im dần. Có lẽ, những người lính Việt Cộng sợ bắn vào đồng đội mình, thay vào đó là những tiếng hô xung phong gấp gáp đuổi theo sau sàn sạt.

Lên đến đỉnh thấp của dãy núi, Edward bỗng vấp phải một gốc cây cụt. Người gã ngã chúi xuống phía trước. Cả gã và người tù binh đều theo quán tính lăn xuống sườn bên kia. Chỉ thấy trời đất đảo lộn, và cỏ cháy mùi nồng nồng, xước cắt vào da thịt cho đến khi chạm phải một làn nước mát lịm. Một bàu nước nhỏ nằm gọn trong một cái thung hoa so đũa nở trắng muốt.

Lúc ấy đã quá nửa đêm. Vầng trăng trung tuần ở giữa đỉnh đầu sáng đến rợn người. Thật may tiếng súng đã yên. Dường như lực lượng phục kích lo ở quá gần doanh trại Mĩ nên không dám lùng sục tiếp. Edward cảnh giác nhìn sang phía người lính Bắc Việt. Anh ta mất nhiều máu nên có vẻ khá yếu. Gã yên tâm đặt khẩu colt xuống bờ cát, vục nước trong lòng tay vã tràn lên khuôn mặt. Cũng gần như cùng lúc, người tù binh làm động tác tương tự. Sau cái khỏa tay của cả hai, sóng nước lắng lại. Dưới ánh trăng sáng tựa ban ngày, Edward bàng hoàng nhìn thấy một khuôn mặt trẻ măng, trắng bóc hiện ra trên mặt bàu. Bất giác, cả hai quay sang nhau. Thì ra, sau khi những vết máu khô, những lấm lem bùn đất và khói súng xám ám bị gột bỏ, rồi lại được ánh trăng cổ súy, cả hai nhìn thấy khuôn dung chân thực của hai gã sinh viên: trong trẻo đến lạ kì…

Minh họa: Lê Anh Vân

3. Anh có bao giờ nghĩ, kẻ đã trải qua cùng anh trong đêm trăng ấy, đang dựa lưng đầy mông lung vào gốc cây sau sau kia?

Ôi! Nếu ngày xưa anh không mang theo những lời hát ngọt ngào, đằm thắm, da diết của xứ Kinh Bắc thơ mộng quê anh, những câu hát làm mềm bom đạn ấy, vào trong chiến trường khu V ác liệt. Giá như ngày ấy không phải vì em quá đắm đuối trước anh. Trước những làn điệu mà tưởng như chỉ cần được anh cất lên là cả một dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy tràn về rượi mát hồn em. Nhưng thôi, làm sao cứ phải tự dằn vặt mình với những cái “giá như” ấy, khi nó đã xảy ra rồi. Bây giờ thì em đã tìm về bên anh đây, trên chiếc xe lăn được người đã lỡ rạch một đường dao trên người anh đêm nào đẩy đi chầm chậm. Tìm thấy anh rồi, em sẽ đưa anh về bên dòng sông dân ca của anh, dòng sông trong mơ của em. Chúng ta sẽ được ngồi tựa mạn thuyền như lời anh hẹn ước.

“Út ơi! Anh yêu Út! Ngày chiến thắng, anh sẽ đưa Út về Bắc Ninh. Quê anh có ngôi chùa cổ kính soi bóng xuống dòng sông thơ. Rồi chúng mình sẽ ngồi tựa mạn thuyền. Út sẽ ca một câu vọng cổ. Anh sẽ hát làn điệu dân ca quan họ. Bọn mình sẽ chở cả miền bắc, miền nam trong con thuyền nhỏ chòng chành trên dòng nước lơ thơ…”.

Ngày ở R, tổ giao liên ba đứa bọn em nằm cạnh tiểu đoàn quân chủ lực từ Bắc vào bảo vệ cứ. Cái đêm văn công đến biểu diễn phục vụ, anh đã lên hát những làn điệu dân ca quê anh. Giọng hát có tình thế, mượt mà thế; ngay cả mấy anh ca sĩ trong đoàn văn công cũng phải ghen tị. Em làm sao không thương anh cho được kia chứ. Thế rồi, em cứ bám lấy anh, đòi anh hát cho nghe những làn điệu quan họ. Anh hát. Anh kể về miền quê của mình. Một miền quan họ duyên tình hiện lên trong mắt em. Anh chọc em bằng câu “Cổ tay vừa trắng vừa tròn, để cho ai gối đã mòn một bên”. Em ngúng nguẩy: “Hổng có ai gối đâu nè. Để dành anh đó nghen!”.

“Mày lẽ ra không nên ra trận! Mày nên ngồi ở đất Bắc Ninh nhà mày mà hát, mà làm mấy bài thơ nửa mùa. Đánh trận mà cứ trên mây, trên gió như mày thì chỉ khổ anh em trong đơn vị thôi!” Đại đội trưởng Tuấn từng mắng anh xơi xơi như thế sau khi bắt anh kiểm điểm, tường trình vì tội bỏ vị trí gác. Giá mà em có thể chịu thay anh cái sự kiểm điểm đó, bởi anh chỉ là tranh thủ tìm sang chỗ tổ giao liên để đặt vào tay em mấy câu thơ: Hội tàn quan họ chia tay/ Ta về nước mắt ướt vai đằm đằm/ Lòng người ai nỡ kim châm/ Để trời hôm bỗng tím bầm những sao… Anh biết không, mỗi khi lẩm nhẩm trong lòng những câu thơ ấy, em lại ngước lên trời tìm xem những ngôi sao tím ấy nằm ở đâu. Người ta nhớ nhau. Bầu trời cũng biến thành những vết châm kim bầm tím mà thành muôn vì sao. Như trong ánh hoàng hôn này, khi em cùng mọi người bới từng lớp đất để tìm anh, bầu trời cũng đang có những ngôi sao màu tím như trong cái không gian mà anh tưởng tượng ra tặng em năm nào.

Em đưa anh vào ấp để tìm cách tiếp cận vẽ sơ đồ bố trí trại lính Mĩ. Lẽ ra người đưa anh vào không phải là em. Tuấn thích em. Tuấn ghen với tình yêu mà em dành cho anh. Vì thế, Tuấn giao cho anh nhiệm vụ trinh sát trong khi Tuấn thừa biết anh, với cái tâm hồn lãng đãng mây gió của mình, rất dễ lạc đường mà dính vài trái gài của địch. Chị Liên được phân công dẫn anh đi. Nhưng em đã liều bảo chị ở nhà để em theo anh vì em là người của ấp, hiểu đường hơn. Em từ địa phương đến phối thuộc, chẳng sợ Tuấn kỉ luật. Đi bên anh, em chẳng hề sợ hãi, chẳng cảm thấy những họng súng đen ngòm lạnh lẽo và những hàng rào dây thép gai nhằng nhịt. Em chỉ thấy cả một trời quan họ mênh mang, ngân nga và lắng sâu tỏa ra từ chàng trai xứ Kinh Bắc.

Anh đây rồi! Ôi cái dây phước có mặt hình Phật mà em trao tặng anh ngày ấy vẫn còn nằm trên cổ anh sau mấy chục năm ròng. Anh vẫn giữ nó vì em đấy ư? Edward run người lên khi nhìn thấy anh. Ông ta cũng bị xúc động mạnh. Em thấy anh nhìn ông ta với nụ cười bao dung quá. Còn với em, nụ cười ấy thật trìu mến. Nụ cười của cái đêm đột ấp hôm nào: “Lần này diệt xong cái trại lính, anh sẽ cùng em về thưa chuyện với má. Chúng mình sẽ cưới nhau. Đơn vị không cho, anh cũng cưới”. “Dạ!”. Em cúi đầu bẽn lẽn. Hạnh phúc ngọt lịm. Nhưng rồi trời đất bỗng quay cuồng. Tiếng súng rộ lên như người giật thột. Mấy thằng lính nghĩa quân hôm nay sao lại núp ở dưới cái truông nhỏ sau ấp thế này? Mà cũng tại em chẳng để ý gì hết. Em bị lây cái lãng đãng của anh rồi. Em lả đi trên tay anh. Em thấy anh vừa đỡ em, vừa nổ súng về phía địch. Anh xốc em lên vai rồi chạy vào ấp. Luồn qua những đống rơm chất quá đầu người. Băng qua mấy bụi chuối. Lòng vòng mãi rồi cắt được đuôi bọn chúng. Anh ôm em vào lòng, bò lết đến nhà má Sáu. Cơ sở của ta đón bọn mình vào rồi đưa ngay xuống hầm. Đạn đã bắn giập cả hai ống chân em. Em thiếp đi. Rồi lại choàng thức. Đầu em gối lên đùi anh. Em thấy ba em đang về đón. Ba đi du kích rồi ngã xuống từ ngày em còn để chỏm. Giờ ông đang đứng chập chờn nơi cửa hầm và giang rộng vòng tay. Mê sảng, em đòi anh phải hát cho em nghe câu quan họ mà em thích nhất. Anh chiều em lần cuối đi mà. Tiếng hát của anh dù nhỏ nhưng vẫn “vang rền nền nẩy” trong căn hầm dưới bếp nhà má Sáu. “Trèo lên trái núi Thiên thai, thấy đôi con chim loan phượng, ….”

Em như bay trong cơn mơ được trèo lên trái núi thơ mộng của quê anh, để được cùng anh “Loan với phượng bầy sánh bầy”. Nhưng rủi thay, không biết có phải giọng hát của anh lọt ra ngoài nên lộ, hay căn hầm đã bị chỉ điểm mà cả lính Mĩ và nghĩa quân kéo đến nhanh quá, vây kín cổng trước nhà má Sáu… Rồi em cảm nhận được anh ôm em thật chặt, lần đầu tiên đặt một nụ hôn mãnh liệt như cắn vào môi em…

Đến cả tuần sau, em mới tỉnh dậy trong trạm phẫu nằm sâu trong cứ. Hai chân đã bị cưa, buốt không chịu nổi. Câu đầu tiên của em khi tỉnh dậy là hỏi anh ở đâu. Má Sáu vừa khóc vừa kể lại. Bữa ấy bị lộ, khi má còn đang hoảng hốt chưa biết xử lí ra sao thì anh đã nhanh chóng vơ lấy súng của cả hai đứa. Anh bảo má chỉ cho anh đường hầm thông ra đìa nước ngoài cánh đồng. Anh dặn má và hai anh chị du kích bằng mọi giá phải đưa em thoát ra trạm phẫu trên cứ để các bác sĩ quân y cứu em. Thế rồi anh lao đi. Tiếng súng nổ từ phía đìa nước đã kéo tất cả bọn chúng ra hướng đó. Và anh không bao giờ quay về nữa. Nước mắt em ứa ra và môi em lẩm bẩm trong vô thức, một câu hát anh từng dạy em: “Rẽ phượng, linh tinh tình chia loan, chứ đôi người ơi…”.

 

4. Đó cũng là đêm Edward dùng bộ đàm gọi trực thăng đến đón gã và người tù binh về căn cứ An Thới. Mọi biện pháp tâm lí cũng như dọa dẫm của các sĩ quan tâm lí đều không hiệu quả với người lính can trường. Họ bực tức trói anh trong nhà kho, chờ ngày đổi lấy những tù binh Mĩ bị đối phương bắt giữ trong cuộc càn quét trước. Edward lại quay trở về vị trí cấp dưỡng. Trưa hôm ấy, Edward mang suất ăn và tự tay thay băng cho người lính thư sinh Bắc Việt. Khi Edward rời đi, người tù binh nhìn vào mắt gã, khẽ gật đầu và mỉm cười. Cho đến chiều tối, hai phân đội tham gia cuộc càn quét quay trở về. Edward mang phần ăn chiều đến nhà kho, thì va phải trung sĩ John đang ở trong đó.

“Khai ra, R ở đâu? Mặt trận của mày ở đâu?”.

Edward giữ tay tên trung đội trưởng:

“Thôi nào! Anh ta không biết tiếng Anh!”.

Mặt tên đồ tể đỏ lên rừng rực:

“Mày có biết, cả đội rơi vào ổ phục kích, chỉ còn lại mình tao không? Thằng Alex, thằng Clack, thằng Boris,…Tất cả! Tất cả! Mày hiểu không? Tao muốn nó đền tội”.

John rút lưỡi dao găm từ trong giày ra. Edward hoảng hốt níu cổ tay hắn. Nhưng sức Edward chẳng thấm tháp gì với thân hình lực lưỡng của John. Hắn chụp lấy bàn tay của Edward ấn vào bàn tay cầm dao của mình rồi cứ thế xỉa vào bụng người tù binh.

 

5. Em đã xin được ủy quyền của địa phương đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Từ hôm tìm thấy anh và những người lính Mĩ cùng đội với mình năm ấy, Edward thanh thản lắm. Edward bảo ông ta thường gặp một giấc mơ lặp đi lặp lại. Hình ảnh một chiến sĩ Việt Cộng máu chảy ồng ộc theo đống ruột đang xổ ra ngoài nhưng khuôn mặt vẫn bình thản và ánh mắt cứ nhìn ông trong veo. Giờ thì ông ta đang nằm ngay cạnh anh, ngủ ngon lành.

Xứ Bắc vẫn đang xuân. Hoa xoan rụng tơi bời bên bãi lở. Kia là những hàng cau xòe ô che tháp bút trong chùa. Kia là những đứa trẻ cưỡi lưng trâu thơ thới bên những rặng tre già đã đi vào tranh làng Hồ mà anh từng kể…

Anh ơi. Giờ anh đã được về quê mình. Ngày xưa, bạn quan họ giữa hai làng đã kết chạ với nhau thì không lấy được nhau anh nhỉ? Chúng mình sống với nhau từng ấy năm nhưng chỉ là trong tâm tưởng, thương nhau lắm lắm mà cũng chẳng đến với nhau được lúc nào. Edward đã ngỏ lời với em và hứa sẽ mang hình ảnh của anh đi theo suốt chặng đường còn lại. Có lẽ... Em cũng không biết thế nào nữa. Em và Edward, mỗi người đều có một tờ hôn thú riêng là quá khứ. Mình đều già cả rồi. Em về, em vẫn i ì i í i/ Nay có ó o mấy khóc nay ớ ớ khóc thầm là/ Đôi í ơ bên là đôi bên vạt áo/ Mà này cũng có a ướt đầm/ Ướt đầm như mưa.

Trại viết VNQĐ, Phú Yên 5/2020
N.M.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)