. ĐỖ VĂN NHÂM
Câu chuyện dưới đây mẹ hắn kể đã lâu, kể nhiều lần, hôm nay với người này, hôm sau với vài ba người khác. Đàn bà thôn quê dăm bảy chục năm trước quanh năm sấp mặt phơi lưng ngoài đồng chỉ có dịp ngồi với nhau khi nông nhàn, trời mưa to hay những đêm trăng. Chè xanh hãm trong ấm đất ủ vào cái bồ nhỏ lèn rơm, đôi khi thêm cơi trầu, chuyện nọ vắt sang chuyện kia không dứt. Người đi việc cũng đi. Bện chổi rơm, đan lát, khâu vá, hiếm ai đến tay không. Hắn lúc bé, đi chăn bò về hoặc học bài xong thường ngồi ở đâu đó hóng chuyện, nghe nhiều lần nên nhớ. Chuyện liên quan đến thằng cu con mười một tháng tuổi là hắn, cũng là chuyện của nhiều người, của cả làng, thậm chí chuyện của một thời. Mẹ hắn kể chuyện hay lắm, người ta nói thế, hắn không học theo lối của mẹ được, đành kể theo cách của mình.
Minh họa: Tô Chiêm
Năm ấy là Qúy Tị, mùa thu, làng Cự Hà quê hắn bị giặc Pháp càn quét, bom đánh phủ đầu. Ngay từ sớm tinh mơ, lũy tre này đến lũy tre kia, xóm trên xóm dưới, khắp nơi đầy tiếng nổ, lửa na pan rừng rực. Nhà cửa, rơm rạ, thóc lúa, ngô khoai, vườn tược đều bốc hỏa. Bom rồi đại bác. Người bị thương, người chết, chưa kịp tang ma, trời lại đổ mưa, khi mau khi thưa, ba ngày liền không dứt hạt. Ở những chân ruộng cao cấy được vụ mùa, lúa chớm thì con gái bị ngập trắng. Tảng sáng ngày thứ tư vỡ đê Yên Bằng ở phía Tây, non trưa vỡ đê Đồng Xuyên phía Đông. Nước dâng như thủy triều, mấp mé ban thờ Thành hoàng ở đình làng, nhiều thổ cư nước lấn vào vườn, vào sân, vỗ sóng lên bậc thềm, người ta đốn cây, tháo cánh cửa làm sàn gác trên xà nhà, rinh bát hương gia tiên, khuân lúa ngô, những đồ đoàn kị nước lên đấy.
Cùng lúc đánh bom, nã pháo cối làng Cự Hà, giặc đổ quân càn bên kia sông Vĩnh Giang. Du kích đánh chặn, súng trường đì đòm phát một, lựu đạn quả nổ quả câm chỉ khiến chúng chậm bước. Chúng hung hăng lấn tới, xua quân tỏa rộng thành vòng cung. Làng quê hắn nằm giữa ba chiều súng nổ.
Chạy thôi. Nhiều gia đình chạy giặc từ trưa. Chú hắn, mấy dượng mấy dì đưa ông bà nội, ông bà ngoại, chị gái hắn năm tuổi, những người già, bọn con nít trong xóm cũng đã đi. Đàn ông trai tráng phần lớn vào du kích. Làng Cự Hà thuộc vùng giáp ranh, trước đây địch chỉ đảo qua lùng sục, cướp bóc rồi rút, chưa càn dữ bao giờ. Lần này khác, chúng đổ thêm quân, gọi xe lội nước. Nhá nhem tối những gia đình bạo gan nấn ná ở lại buộc phải rời làng. Thuyền lớn thuyền nhỏ bị cháy, bị bom pháo nổ tanh bành, người ta đốn tre chuối làm bè mảng. Con thuyền nan của nhà hắn, đẩy thử đi được nửa đỗi ruộng nước rò như tháo cống, phải bỏ. Bố hắn quay về, vác cái nồi đồng to chạy ra. Cái nồi đồng điếu, vốn liếng lớn nhất ông bà nội chia cho bố mẹ hắn lúc mới ra ở riêng, thường mỗi năm chỉ dùng vào dịp tết luộc bánh chưng, ba bốn hộ chung một lần đỏ lửa. Hắn chưa đầy năm, bé tẹo, nằm trong nồi, êm ái giữa quần áo tã lót, bố mẹ hắn thay nhau, lúc ôm ngang trước bụng lúc đội lên đầu lội đi, bùn nước bì bõm dưới chân. Làng đã ở phía sau, âm u trong mưa. Nước sâu dần, đến lúc phải hạ thủy, cái nồi đồng thành một con thuyền, mẹ hắn úp nón mê lên che mưa. Trời càng lúc càng tối, ai đó kiếm được khúc gỗ mục buộc vào tay nải vẫn khoác trên vai, ánh lân tinh ở đó thành ngọn đèn dẫn đường. Quê hắn vốn đồng chiêm trũng, “sống ngâm da chết ngâm xương”, đàn bà con gái không ngại sông nước, mùa thu đom đóm như sao sa trên những bờ bụi, rều rác, chúng bám theo đậu vào người vào bè mảng, đoàn chạy loạn thành một vệt dài lập lòe trôi nổi trên đồng nước. Chính vào chỗ nước sâu nhất rộ tiếng kêu rên. Giời ạ, một người đàn bà đau bụng đẻ, sản phụ không phải người làng Cự Hà, nghe nói ở mạn Đồng Tâm, Nguyệt Mại, hay tận bên kia sông Đào chạy giặc bị đắm đò lạc người thân, dạt sang. Mẹ hắn thường thở dài ở đoạn này, khổ quá, đã thêm việc lại bớt người. Bố hắn cùng những tráng đinh đã quay lại làng tham gia chống càn, chẳng còn người đàn ông nào chèo chống bè mảng, coi sóc mấy đứa trẻ để đàn bà đỡ đần việc sinh nở.
Đoàn chạy loạn tiếp tục nhằm hướng Tây, nơi chưa hề nghe thấy tiếng súng. Không ai ngờ tai họa mai phục ở đấy. Vừa chạm gò đất nam Hổ Lĩnh, hối hả bỏ bè mảng, ướt sũng, bồng bế dắt díu nhau lóp ngóp bước lên, súng đã cài trong lũy tre, toàn ngụy binh. Lúc ấy đã rạng sáng, thấy toàn đàn bà con gái không cần phải dè chừng, bọn ăn cướp hè nhau ùa tới. Giành giật, co kéo, giẫm đạp, la hét... Người đàn bà đau đẻ kêu to nhất, mẹ hắn biết, nhưng chẳng thể giúp được gì. Lù lù trước mặt một thằng đen nhẻm, nó dán mắt vào cái nồi đồng. Tấm nón mê, quần áo tã lót ủ ấm cho hắn lần lượt bị tung hê.
- Tôi xin ông, thằng bé bị rét suốt đêm qua.
Bàn tay lính toan thò xuống định lôi thằng bé đang khóc ngằn ngặt ra. “Dân ngu khu đen” - gã lính chỉ vào chỗ hở hang bên dưới rốn tí hon, hềnh hệch cười - “thằng này sau học dốt”. Giận tím mặt, nhanh hơn mọi toan tính của kẻ cướp, mẹ hắn ôm cái nồi vào ngực lùi lại, gườm gườm thủ thế. Gã lính sấn tới, nắm ruột tượng gạo mẹ hắn vẫn quàng trên cổ.
- Tôi van ông. Nhà cháy, thóc lúa cháy. Tôi chỉ còn từng ấy, cho thằng bé...
Bàn tay lính ghì siết.
- Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Từ sáng hôm qua đến giờ, thằng bé chưa được thìa cháo nào vào bụng.
Bàn tay lính không rời.
Mẹ hắn, bao gạo nắm trong tay, nồi đồng ghìm trước ngực, hạ gối tọa thế, ngẩng cao đầu.
- Ông có con không? Con ông bị cướp miếng cơm cuối cùng, ông làm gì?
Gã lính chần chừ, bàn tay chừng như lỏng ra. Mẹ hắn đứng lên, đứng thẳng, trừng trừng. Đám đàn bà con gái vừa gào khóc vừa xáp tới. Bất ngờ tiếng trẻ khóc. Vượt lên hết thảy tiếng hò hét hăm dọa của kẻ cướp, tiếng van xin xen lẫn tiếng chửi bới của những người chạy loạn, một bé con cất tiếng chào đời. Tiếng khóc sơ sinh trong chốc lát khiến mọi âm thanh hỗn tạp bạo tàn ắng lặng. Những người đàn bà quây lại quanh sản phụ. A... một chàng trai. Người ta sẽ hoan hỉ reo to nếu không có tiếng nổ chợt dậy lên từ bốn phía. Mẹ hắn bảo, thật ngược đời, hôm ấy lại mừng vì nghe súng nổ. Súng trên đường quốc lộ số 10 dội xuống, súng ở mạn phà Đống Cao hắt lên, súng vây quanh bốt Côi Sơn càng lúc càng giòn. Bộ đội và du kích, sau những ngày kìm giữ, chia cắt, tạo thế hợp vây đã được lệnh đồng loạt lên tiếng. Tốp lính chùng tay, nháo nhác lùi ra. Trước khi tháo lui cùng đồng bọn, thằng mặt đen vênh mặt cười gằn, xả một loạt đạn thị uy vớt vát lên ngọn tre. Mẹ hắn không biết rồi sẽ gặp lại tay lính đó, bấy giờ mẹ hắn muốn đến thăm mẹ con thằng bé. Đám đông vây tròn. Rất nhanh, lửa được nhóm lên. Người ta hơ lửa một cái liềm, cắt rốn trẻ sơ sinh. Trộm vía, mẹ hắn nói thế, thằng bé nom hay mắt lắm. Lửa được nhân lên thành một đống to, che chắn giúp nhau thay vội quần áo ngâm nước suốt đêm, đám đàn bà ôm con quây quanh đống lửa.
Đời hắn vốn tẻ nhạt, dù thế, vẫn gặp những ngẫu nhiên thú vị, chẳng hạn, hai mươi năm sau, một đống lửa ở Trường Sơn. Người lính nhóm lửa trong buổi chiều tà hi hữu vắng bom đạn ấy cũng là một chàng trai ra đời trên đường chạy giặc. Con thuyền nhỏ ngược sông Cầu giữa hai bờ súng nổ, tấp vào được một bến lau thuộc đất Thái Nguyên vừa lúc cuộc sinh hạ vuông tròn. Thả cuống nhau xuôi về bản quán, người cha bế vợ con ngược dốc, hướng về vạt khói lam vắt ngang lưng chừng đồi. Gặp gỡ trên một chặng giao liên, hai cánh võng lính kề nhau rì rầm chuyện vãn bên bờ Sê Ca Máng, sáng ra mỗi thằng một ngả, hai năm nữa mới tàn cuộc chiến, người lính đó có như hắn được trở về sau năm bảy lăm? Hôm ấy hắn xuống ga Non Côi cuốc bộ về làng, ngược con đường chạy loạn năm xưa. Đoạn này đây một cậu bé chào đời trước ban mai đầy tiếng nổ. Cậu ta đã như hắn, như ngàn vạn thanh xuân cùng thế hệ, chẳng hẹn ngày về suốt thời trai trẻ cùng cây súng đi mãi về phương Nam. Là hắn đoán chắc thế. Hắn nhớ hồi bé, hắn không nghe mẹ kể thêm về mẹ con người sản phụ, có lẽ mẹ hắn không biết, nhưng mẹ hắn gặp lại tay lính mặt đen. Chợ Chùa phiên ấy đông, mẹ hắn là người cuối cùng rời đò, gã từ bến chen lấn phóng ngược lên. Cuộc va chạm khiến mẹ hắn mất thăng bằng, thúng hàng chạy chợ đội đầu tung tóe dưới đất. Cái mặt đen nhẻm nhếch mép. Mẹ hắn nhận ra kẻ bắt nạt đàn bà toan ăn cướp cơm chim năm trước. Đồ khốn nạn! Đồ ăn cướp! Mẹ hắn cao giọng. Gã chột dạ, có lẽ gã đã nhớ chuyện cũ, bẽ bàng, gã len vào đám đông đang ồn ã trên thuyền chuẩn bị quá giang.
Gia đình hắn về đông đủ sau trận càn. Bồ thóc gác trên quá giang vơi một thúng, ba hộ gia đình hàng xóm cũng vơi theo cùng một dấu chân quen. Cự Hà tan hoang. Làng đánh dấu nỗi đau Quý Tị (1953) bằng một vết chém ngang cột đình, sâu rộng vừa lọt ngón tay, hồi học lớp một hắn phải rướn lên mới chạm ngấn nước cũ. Đình năm gian toàn lim đặc, lợp ngói vẩy rồng, thời hợp tác xã dùng làm kho đội sản xuất, tàn tạ dần, rồi bị tháo dỡ, bán đi hết. Nền đất sân vườn thành thổ cư hộ gia đình. Năm trước làng xây dựng nhà văn hóa, một kiểu đình làng Việt của thời đại mới với kiến trúc, hệ thống âm thanh ánh sáng êm tai bắt mắt trên vuông đất khác, dân tình hoan hô, hắn cũng hoan hô, dù bụng dạ vẫn nhớ ngôi đình xưa cũ không còn vết tích. Trận lụt trùng trận giặc càn năm ấy, một trang sử can trường gan góc đẫm máu rừng rực lửa na pan đã nguội lạnh. Những hoành phi, câu đối, bi kí của làng quê văn vật nổi danh một thuở, hắn từng thấy thứ bị cưa cắt làm thùng xe cải tiến, sàn kho, vách chuồng trại chăn nuôi, thứ bị thất lạc như chưa từng tồn tại. Chủ nhân Cự Hà thời thế mới đi xe tay ga, nửa cày cấy, nửa công nhân, dùng nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ, đem những xoong, chảo, nồi đồng lớn bé vào đất nghề Yên Xá đổi thành các vật dụng khác. Cái nồi đồng điếu nhà hắn được nghỉ hưu. Bố mẹ lần lượt qua đời, hắn chẳng còn trẻ nữa, hắn đã hạ sao gác súng, về quê. Thỉnh thoảng lên gác xép tìm dọn đồ đạc, gặp con tàu hồi mười một tháng tuổi nằm khan một góc, hắn lau qua bụi bặm, để nguyên tại vị. Lần vừa rồi, hắn bê ra ô cửa, soi về phía sáng. Cái nồi bị thương bao giờ, trước lúc hắn bé tí hon nằm gọn trong đó, hay từ những cơn làng nước loạn lạc sau này, hắn chẳng biết chẳng nhớ, miếng hàn không cùng chủng loại, một đốm xanh han gỉ bằng đốt tay mờ mờ dưới đáy nồi. Hắn nâng con tàu lên, gõ gõ vào thành. Quá khứ vang vọng, dù không thực tròn vành ấm tiếng.
Boong boong boong...
Đ.V.N
VNQD