. VIỆT HÙNG
Sau hơn ba tháng cả nước không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, cho đến tối ngày 25/7, cả thành phố Đà Nẵng bỗng bàng hoàng, lo lắng khi biết tin trên địa bàn vừa phát hiện 2 ca nhiễm liên quan đến Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện C song không rõ nguồn lây. Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, thay vì ra ngoài tập thể dục, hít thở bầu không khí trong lành, người dân thường hồi hộp bật ti vi để cập nhật tình hình.
Những người lính tiên phong
Theo đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng, Quân khu 5 đã điều động 60 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Cục Hậu cần) và Đội Y học dự phòng (Bộ Tham mưu) với những phương tiện chuyên dụng tiến hành phun khử khuẩn, tiêu độc khử trùng toàn bộ các bệnh viện.
Nhận lệnh, các “chiến binh diệt khuẩn” cơ động đi khắp các địa bàn, từ Đà Nẵng vào tới Quảng Nam. Mỗi ngày các anh phải làm việc tại sáu, bảy khu vực khác nhau. Ngoài các kíp xe tiêu tẩy, xe tiếp nước..., còn có lực lượng bảo đảm gồm các chiến sĩ quân y, thợ sửa chữa ô tô, thợ sửa chữa khí tài để kịp thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Nhiều nơi, do các trục đường nội bộ có bề ngang hẹp, nhiều nắp hố ga và cành cây, dây điện chắn ngang, bộ đội phải đưa máy phun từ thùng xe xuống đất, đặt lên giá đỡ, dùng sức người đẩy quanh các khu vực để tác nghiệp. Công việc nặng nhọc, anh em khát khô cả cổ mà không thể nào uống nước được. Nhiều hôm, phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Lực lượng chức năng quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) kiểm tra thân nhiệt người dân ra vào hầm đường bộ Hải Vân.
Địa bàn mới lạ, đường cơ động nhỏ hẹp, có nhiều chướng ngại vật trong khi xe tiêu tẩy khá to lại có nhiều trang thiết bị máy móc phía sau, kính chắn gió, gương chiếu hậu liên tục bị hơi sương hoá chất che mờ, bám dính, còn lái xe vẫn phải mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ phòng độc khiến tầm nhìn, khả năng thao tác, phản xạ của các “bác tài” giảm đi đáng kể. Từ trong buồng lái chiếc xe ARS-14 khá đồ sộ, Thượng úy Võ Hoàng Phước, lái xe Trung đội 5 thò đầu qua cửa kính nói với tôi: “Trời nắng nóng thế này, ngồi trên ca bin chẳng khác nào ngồi cạnh cái bếp than, mồ hôi đọng đầy mặt nạ, quần áo, tóc tai ướt sũng. Có đêm chúng tôi về đến đơn vị đã gần 2 giờ sáng. Cổ họng đắng ngắt mùi hóa chất, buồn ngủ lắm rồi nhưng vẫn tranh thủ tiêu tẩy xe, giặt giũ, bảo quản trang bị và tắm rửa thật kĩ rồi mới lên giường.”
Thượng tá Nguyễn Kháng, Đội trưởng Đội Y học dự phòng cho hay, song song với công tác khử khuẩn, các đội công tác cũng đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, không chế dịch tốt hơn, có thời điểm các anh vừa trực tiếp tham gia phun khử khuẩn, lấy mẫu bệnh phẩm, làm xét nghiệm vừa tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để sẵn sàng vận hành, đưa vào sử dụng phòng xét nghiệm mới. Sau khóa huấn luyện cấp tốc cả ngày lẫn đêm, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Đội Y học dự phòng đã làm chủ hoàn toàn các trang thiết bị và có thể độc lập tiến hành xét nghiệm Covid-19. Giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi ngày xét nghiệm được khoảng 500 mẫu phẩm.
Việc xét nghiệm thực hiện trên những chiếc xe labo có lốp cao su cao quá đầu người, rất mạnh mẽ, hầm hố. Nói xe, nhưng đây thực chất là một phòng xét nghiệm di động hiện đại, do Liên bang Nga tặng cho Việt Nam từ đầu năm 2019, để ứng phó nhanh với sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chủ nhân của phòng xét nghiệm này không chỉ có cánh đàn ông ăn sóng nói gió mà còn có cả những bóng hồng từ Hà Nội vào cùng lời khẳng định “khi nào Đà Nẵng hết dịch chúng tôi mới về”, như hai chị Phạm Thị Hà Giang và chị Đặng Việt Hương, trợ lí nghiên cứu Phòng độc học và các bệnh nhiệt đới (Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga). Chị Hà Giang ngơi tay khỏi ống nghiệm, chia sẻ với tôi: “Mỗi ngày ở đây tiếp nhận, xử lí từ 400 - 600 mẫu bệnh phẩm, do Quân khu 5 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, Quảng Nam gửi về. Có hôm xong việc đã gần mười hai giờ đêm, đói và mệt, nhưng nhìn kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính thì sung sướng vô cùng, bao mệt mỏi của các chị dường như tan biến hết. Mỗi lần phát hiện có mẫu bệnh phẩm dương tính với Sars-CoV-2 thì ngược lại, mọi người ai cũng buồn so…”
Những chiến binh hậu tuyến
Chiều ngày 29/8, dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn Xuân Hòa, Trợ lí Quân lực Trung đoàn 974 (BCHQS Khánh Hòa), các thành viên đội bốc xếp hàng hóa khẩn trương ăn tối rồi thay đồ bảo hộ, theo xe tải lên đường cơ động đến sân bay Cam Ranh. Chỉ ít phút nữa, chuyến bay VN311 của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines chở theo 357 công dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, học tập tại Nhật Bản trở về sẽ hạ cánh. Nhiệm vụ của các anh là phối hợp với cảng vụ sân bay và các công dân tiến hành kiểm đếm, phân loại, bốc xếp toàn bộ các kiện hàng lên những chiếc xe tải, đưa về các khu cách li, sau đó lại chuyển hàng từ trên xe xuống để lực lượng chức năng bàn giao cho bà con. Vất vả nhất là những lần đưa hàng ra các khu cách li trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, cả đi cả về hơn một trăm cây số.
Được biết chuyến bay có tổng cộng hơn một nghìn kiện hàng, trung bình mỗi kiện nặng khoảng hai lăm đến ba lăm cân. Tính sơ sơ, đêm nay cán bộ chiến sĩ sẽ phải bốc xếp hơn ba mươi tấn hàng. Do các công dân được đưa về bốn khu cách li khác nhau, nên các kiện hàng cũng phải phân ra thành bốn. Để tránh tình trạng nhầm lẫn, thất lạc, hư hỏng hành lí, việc bàn giao, kiểm đếm, bốc xếp được tiến hành rất cẩn thận và chặt chẽ. Tôi để ý, vì thời tiết nóng nực, lại phải khoác trên mình những bộ quần áo bảo hộ kín mít và bốc xếp một khối lượng lớn hàng hóa suốt nhiều giờ liền, mọi người mất sức rất nhanh. Cứ xếp xong một xe hàng các anh lại phải nghỉ ngơi vài phút cho lại sức. Mỗi lần muốn đi vệ sinh, anh em lại phải cởi bỏ đồ bảo hộ, phun khử khuẩn toàn thân, rồi tiếp tục thay bộ đồ khác, rất lích kích và mất thời gian.
Binh nhất Nguyễn Tấn Đạt rủ rỉ kể, hai đêm trước đang bốc hàng thì trời đổ mưa tầm tã, các anh phải lấy tấm tăng quân nhu bọc kín các kiện hàng rồi vác ra xe. Vừa mặc áo mưa vừa mặc đồ bảo hộ, lúc xong việc quân phục ai cũng ướt đẫm mồ hôi, hai hốc mắt thâm quầng, trũng sâu... Nhưng cũng chính đêm mưa ấy tiếng cười của các em bé mới nhập cảnh đã khiến các anh vơi đi nỗi mệt nhọc, tiếp tục làm nhiệm vụ.
Những em bé ấy từ Hàn Quốc về Việt Nam trên chuyến bay mang số hiệu VJ2749. Trong đoàn người đi đón các công dân, ngoài cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh và đội ngũ nhân viên y tế, lái xe, phục vụ, còn có 26 người khác, là bà nội, bà ngoại của các cháu. Trong tổng số 249 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về đợt này, có tới 24 cháu nhỏ dưới mười tám tháng tuổi. Trong đó, 23 cháu không có bố mẹ về cùng. Ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã chủ động báo cáo, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thân của các cháu từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, An Giang và các tỉnh thành khác, đến phối hợp cùng lực lượng chức năng trong khu cách li để việc chăm sóc các cháu được chu đáo, đầy đủ nhất…
“Bà con cứ yên tâm, có chúng tôi đây rồi!” Đó là câu động viên, trấn an tinh thần quen thuộc dành cho những công dân mới của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tiếp nhận, chăm sóc công dân tại khu kí túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng. Trung tá Trần Phú Phước, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Liên Chiểu (Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng), chỉ huy khu cách li cho biết: “Giai đoạn cao điểm, chúng tôi cùng lúc tiếp nhận, chăm sóc hơn một nghìn công dân là các đối tượng F1. Tâm lí chung của mọi người khi vừa đặt chân đến đây là cảm giác hoang mang, lo lắng và rất bỡ ngỡ. Hiểu rõ điều này, bên cạnh việc chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn ở, nhu yếu phẩm phục vụ bà con, chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ, động viên, giúp đỡ tận tình, chu đáo, giúp họ từng bước ổn định tư tưởng.”
Tôi đến khu cách li tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (Trung đoàn 971, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng). Không có sự lo lắng, thay vào đó là tiếng cười rộn rã bao trùm. Sau hai tuần cách li, 93 công dân Việt Nam, phần lớn là các chị em phụ nữ đang mang thai, sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản, chính thức được trở về nhà. Bịn rịn chia tay bộ đội, sau lớp khẩu trang y tế, nhiều người không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Chị Lê Thị Thủy quê Krông Păk - Đắk Lắk, đang mang thai tháng thứ sáu kể, hai vợ chồng chị làm việc tại Nhật Bản, mấy tháng nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công ti phải tạm đóng cửa, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi gửi đơn đăng kí đến Đại sứ quán Việt Nam, chị và mọi người may mắn được Nhà nước cử máy bay sang đón về. Các anh, các chú bộ đội, y tế ở đây đối xử với mọi người rất tốt. Lần nào thăm khám cũng quan tâm, động viên và hỏi thăm xem chị có ăn uống, ngủ nghỉ được không. Cơm bộ đội nấu rất ngon, lại toàn những món chị thèm khi ốm nghén nên bữa nào cũng ăn hết veo.
Cũng đang mang trong mình mầm sống, chị Đồng Thị Thu Thủy quê Kim Thành - Hải Dương; chị Hà Trang quê Hạ Hòa - Phú Thọ; chị Phí Thị Tuyết quê Thạch Thất - Hà Nội được các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tại khu cách li ưu ái sắp xếp ở chung trong một căn phòng nhỏ dưới tầng một, nơi có nhiều bóng mát cây xanh hơn. Mỗi chị được bố trí một chiếc quạt cây, giúp xua đi cảm giác ngột ngạt trong trưa nắng đổ lửa. Các chị được thăm khám thường xuyên. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình thời chăm vợ đẻ, Đại úy Võ Mai Bình - Nhân viên Quân y Trung đoàn 971 đã tận tình tư vấn, hướng dẫn cho các chị một số kĩ năng cần thiết khi chuẩn bị trở dạ, chăm sóc trẻ sơ sinh... Cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, gần gũi của anh khiến mọi người cảm thấy rất yên tâm, thoải mái.
Thực ra, anh Bình đã “nổi tiếng” từ lâu với chị em trong trung tâm. Vì lúc còn ở Nhật, qua đọc báo, các chị đã rất ấn tượng và cảm mến anh Bình - “chú khủng long diệt khuẩn”, nhân vật chính trong bộ Nhật kí bằng tranh 14 ngày cách li của cô sinh viên Phạm Thị Hảo người Tuyên Quang. Về lại Việt Nam, các chị đã may mắn gặp và coi “chú khủng long diệt khuẩn” như người thân thiết, ruột thịt, nhiều chuyện thầm kín, tế nhị đã được chị em giãi bày, chia sẻ.
Chăm sóc bà bầu đã vất vả, nhưng chưa nhằm nhò gì so với việc chăm sóc “công dân nhí”. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung dành cho công dân cách li, trong mỗi phòng ở của các cháu đều bố trí thêm phích nước, ấm siêu tốc, xô, thùng, gầu, chậu, khăn ướt, nước rửa tay, móc áo… Thiếu tá Hồ Thị Giang, một người nấu ăn dày dạn kinh nghiệm của Trung đoàn là người trực tiếp đảm nhận việc nấu cháo. Đội ngũ trực ban, trực nhật, khi báo thức, đi ngủ phải đến từng phòng để thông báo, chứ không thổi còi hay đánh kẻng như trước, tránh các cháu giật mình.
Yêu quý trẻ con nên mỗi lần xuống đưa cơm, thay bình nước, dọn vệ sinh trong các dãy nhà, Binh nhất Phạm Nam Khánh thường mang cho lũ trẻ rất nhiều máy bay, xe tăng, tàu thuyền, chong chóng gấp bằng giấy báo. Khánh bảo chính nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của lũ trẻ là động lực để các chiến sĩ nơi đây hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Hồ Thị Thủy quê Bố Trạch - Quảng Bình có cháu về từ Hàn Quốc vài ngày trước, cầm trong tay chiếc máy bay giấy màu xanh không giấu được sự cảm kích: “Vượt mấy trăm cây số đến đây, tôi rất yên tâm, phấn khởi vì điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất thoải mái. Ngày nào bà cháu tôi cũng được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe rất kĩ càng, chu đáo. Trưa nay thấy tôi vừa bế cháu vừa xúc cơm ăn, các anh đã đề nghị bế giúp tôi một lúc. Nhiều chiến sĩ trẻ tuy chưa có vợ mà chăm trẻ con khéo quá. Chúng tôi thường gọi các anh là những bảo mẫu áo xanh, do mỗi lần xuống đưa cơm, phát sữa, cấp khẩu trang, các anh vẫn mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh da trời.”
Để đảm bảo nơi ăn nghỉ cho bà con, bộ đội đã phải dồn dịch quân số, kê phản nằm tạm trong khu nhà để xe công trình, rất bức bí và ngột ngạt. Ban ngày đã tất bật, đêm đến, cán bộ chiến sĩ lại luân phiên tuần tra, canh gác, bảo đảm an ninh, an toàn. Và, để đảm bảo an toàn cho đồng đội, các anh cũng phải cách li riêng trong một căn phòng nhỏ, nằm biệt lập với sở chỉ huy. Trong đơn vị, nhiều đồng chí là nhân viên lái xe, kĩ sư xây dựng, thợ sửa chữa... vốn không quen với việc bếp núc, song với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, chỉ sau một thời gian ngắn tăng cường xuống bếp ăn, dưới sự hướng dẫn của các nhân viên hậu cần, các anh đã có thể tự tin đứng bếp, nấu nướng rất cừ. Theo đề nghị của bà con, từ đầu tháng 4, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các bếp ăn tổ chức nấu mì quảng, bún bò, mì tôm, trứng vịt lộn, cháo gà, bánh mì kẹp thịt... vào các bữa sáng; bữa trưa và bữa tối ngoài cơm, canh, luôn có từ tám đến mười món mặn khác nhau. Hằng ngày, bộ đội sẽ phát phiếu để bà con chọn món, sau đó đi chợ, nấu nướng, chia hộp, ghi tên và chuyển đến tận tay mọi người. Sau mỗi đợt cách li các anh lại bắt tay vào chuẩn bị chu đáo doanh trại, cơ sở vật chất để đón các công dân mới. Vất vả nhất là việc giặt và phơi khô cùng lúc mấy trăm bộ chăn màn, gối chiếu..., có những hôm bộ đội phải làm việc từ sáng sớm đến tận tối mịt.
Khi chia tay bà con và các chiến sĩ ở khu cách li, tôi đã rưng rưng khi nghe giọng hát ngọng nghịu của bé Lê Quang Phúc 18 tháng tuổi với những câu vừa được mẹ dạy: Tú bồ đội, túng táu yêu tú lắm…
Ở đâu cũng ấm tình người
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Trung tá Đào Trọng Dũng, Chính ủy Trung đoàn 210, Sư đoàn 305 cho biết, trong 100 công dân về cách li tại đơn vị, có đến 57 phụ nữ đang mang thai. Để các chị không phải nằm giường tầng, leo lên leo xuống nguy hiểm, có bao nhiêu giường gỗ của anh em cán bộ, từ đại đội đến trung đoàn, phải huy động bằng hết. Nửa đêm gà gáy, chị nào có nhu cầu nước sôi để pha sữa, pha mì ăn thêm, bộ đội cũng đáp ứng đầy đủ, tận tình. Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ, chu đáo, công khai, minh bạch các chế độ, tiêu chuẩn cho bà con, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các anh thường xuyên quan tâm, sâu sát, gặp gỡ, động viên để họ an tâm, vui vẻ, lạc quan hơn. Điển hình như anh Võ Thành Tài nhà ở thị xã Ninh Hòa, ngay khu cách li, song mỗi lần người thân nhắn tin, gọi điện hỏi thăm hay định tới thăm tiếp tế là anh gạt đi, bảo con ở đây chẳng thiếu thứ gì cả, cơm bộ đội nấu cũng ngon lắm, bố mẹ không phải lo lắng gì đâu.
So với các khu cách li khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, khu cách li tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh (Trường Đại học Nha Trang) rộng rãi, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi hơn hẳn. Theo Trung tá Võ Văn Thi, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cam Lâm, khi được chính quyền địa phương sử dụng làm khu cách li, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công của bộ đội, dân quân, tự vệ tiến hành tổng dọn vệ sinh, lắp đặt, đấu nối hệ thống điện, nước... Các phòng ở đều được thiết kế khép kín, có đầy đủ ti vi, sóng wifi, xô, thùng, gầu, chậu, dép chống trơn và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân. Đang cặm cụi chế biến món gà chiên mắm, thấy tôi hỏi chuyện, Đại úy Phạm Bá Huân, Trợ lí Hậu cần Trung đoàn 974 cho biết, để mọi người ăn ngon miệng, ăn hết tiêu chuẩn, tùy từng đối tượng, các anh sẽ tính toán để xây dựng thực đơn cho phù hợp. Cơm canh sau khi chế biến, đóng hộp sẽ được “lực lượng vòng ngoài” chuyển ra bàn giao cho “lực lượng vòng trong” để cấp phát cho từng người.
Đưa con nhỏ về Việt Nam để tránh dịch, chị Trương Thị Quỳnh quê Bình Dương, sinh sống tại Nhật Bản vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng, bất an bởi trong khu cách li có hai trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 phải chuyển đi bệnh viện điều trị. Sau khi được lực lượng chức năng gặp gỡ, động viên, chị và các thành viên trong gia đình đã yên tâm, tự tin hơn.
Bác Khu Thị Tuyết Mai nhà ở Cầu Giấy - Hà Nội kể: “Các chú bộ đội tốt quá. Có đêm đang ngủ say, nghe tiếng mưa tôi giật mình tỉnh giấc, định chạy ra cất quần áo cho khỏi ướt thì thấy các chú bộ đội đã mang vào cất cẩn thận rồi.”
Cũng theo lời bác Mai thì những công dân lớn tuổi luôn được chăm sóc kĩ lưỡng. Mỗi lần xuống đưa cơm, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, động viên rất ân cần, chu đáo. Bà con cần hỗ trợ gì, bộ đội đều sẵn lòng giúp đỡ. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung theo quy định, hằng ngày đơn vị còn bảo đảm thêm cho mỗi phòng ở hai, ba tờ báo để bà con cập nhật thông tin.
Từ trường Đại học Nha Trang tôi sang khu kí túc xá của Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn. Trời vẫn nóng như đổ lửa. Từ ngày khu cách li đi vào hoạt động đã có 120 công dân là bệnh nhân và người nhà của họ được chuyển đến từ Bệnh viện C và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Sau khi sắp xếp chu đáo nơi ăn, chốn ở cho bà con, chỉ huy khu cách li đã tổ chức một cuộc họp khẩn, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong việc quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ đặc biệt cho các công dân là phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và bệnh nhân nặng. Như anh Nguyễn Văn Tuấn trú tại thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều được cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân và đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ rất vui vẻ, nhiệt tình. Hay như trường hợp chị Đặng Thị Thanh trú tại huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi, được mổ ruột thừa ngay trong khu cách li; nén cơn đau sau ca phẫu thuật, chị kể mình đã rất xúc động khi ngày ngày được bộ đội nấu cháo, ủ nóng đưa lên tận phòng... Đặc biệt là trường hợp anh Thái Văn Tuấn từ Yên Thành, Nghệ An vào Đà Nẵng làm phụ hồ được vài ngày, không may bị một thanh sắt đâm thủng tay, phải nhập viện cấp cứu rồi về khu cách li. Biết hoàn cảnh gia đình anh Tuấn rất khó khăn, bằng các mối quan hệ của mình, Thượng tá Lê Việt Thắng Chính trị viên phó Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn đã vận động, quyên góp giúp đỡ anh được hơn năm triệu đồng. Ngày anh Tuấn hoàn thành thời gian cách li, anh Thắng tiếp tục nhờ bạn bè hỗ trợ một chuyến xe miễn phí đưa anh về tận Yên Thành.
Nghe chuyện anh Tuấn tôi chợt nhớ đến những câu chuyện trong các khu cách li trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chị Nguyễn Thị Nhật Vy quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, là công nhân sinh sống và làm việc tại Lào, hiện đang cách li tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) bất ngờ trở dạ, bụng đau dữ dội. Tình huống khẩn cấp, lại xảy ra giữa đêm khuya, song nhờ sự can thiệp chính xác, kịp thời của các nhân viên y tế và cán bộ, chiến sĩ, chị đã sinh nở an toàn, sau khi sinh con, chị được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cử nhân viên y tế và bố trí xe đưa đến bệnh viện thành phố, nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Cũng tại đây, ngày 10 tháng 8 vừa qua, anh Lê Quang Dũng, sinh sống và làm việc tại Lào đau đớn nhận tin mẹ ruột trú tại thành phố Kon Tum đột ngột qua đời. Nghĩa tử là nghĩa tận, song vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, được mọi người trong khu cách li động viên, an ủi, chia buồn, gửi hương hoa phúng điếu, anh đã yên tâm ở lại tiếp tục cách li.
Còn chị Phongsavath Sengaloun, du học sinh, trú tại tỉnh Champasak, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thổ lộ, sau hai tuần gắn bó với khu cách li tập trung tại kí túc xá Trường Đại học phân hiệu Đà Nẵng (nằm trên địa bàn thành phố Kon Tum), khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của chị giờ đã tiến bộ rất nhiều so với trước đây. Khi còn ở Lào, do ít được tiếp xúc với người Việt nên khả năng nghe, nói, giao tiếp của chị chưa được tốt. Vào khu cách li, được cho mượn những cuốn tạp chí, tiểu thuyết, truyện ngắn để đọc chị cảm thấy rất vui và bổ ích. Cánh lính trẻ hứa trước khi chia tay sẽ tặng vài cuốn thật hay làm kỉ niệm khiến chị rất vui và xúc động. Với chị, bộ đội Việt Nam ai cũng dễ thương, vui tính, hát hay...
“Những cặp đôi thiên thần”
Đó là những cặp vợ chồng công tác trong ngành y quân đội, đều giữ trọn lời thề Hippocrates, cùng nhau tham gia đợt phòng chống dịch này. Đó là Trung tá, bác sĩ Trương Xuân Quý, Phó Chủ nhiệm Khoa Răng, hàm, mặt Bệnh viện Quân y 17 với nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn mọi người khi đến khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, viết tờ khai y tế trước khi vào cổng. Với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, tức ngực hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 sẽ được phân luồng, hướng dẫn vào khu vực khám riêng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh Quý còn là thành viên tích cực trong đội Phẫu thuật cứu chữa cơ bản số 2 của Bệnh viện, cả ngày lẫn đêm luôn sẵn sàng tâm thế lên đường cấp cứu bệnh nhân. Làm việc trong môi trường độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên phải “giam mình” trong những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, ngột ngạt, anh Quý gầy xọp hẳn đi, hai bàn tay nhăn nheo vì đeo bao tay cả ngày. Vợ anh là Thượng úy Hà Thị Thu Phương, y công khoa xét nghiệm, tuy không phải trực chiến 24/24 như chồng, công việc cũng vất vả, hiểm nguy chẳng kém. Cả ngày tất bật tham gia xử lí, sát khuẩn, đóng gói mẫu xét nghiệm, tối về chị Phương lại thay chồng chăm lo dạy dỗ các con. Mới học lớp sáu nhưng cháu lớn của vợ chồng anh chị đã biết phụ mẹ nấu cơm, rửa bát, quét nhà và chăm em rất khéo. Thương vợ, mỗi sáng anh Quý đều dậy sớm, pha vài gói Oresol mang lên khoa xét nghiệm nhờ mọi người gửi cho chị Phương. Sự quan tâm, động viên của anh tuy nhỏ song cũng đủ để chị cảm thấy ấm lòng. Làm cùng bệnh viện, thường xuyên “chạm mặt” nhưng có lúc anh chị chẳng nhận ra nhau do cả hai đều mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang kín mít.
Tương tự là câu chuyện của Trung tá Phạm Văn Tuyên, điều dưỡng viên khoa nội, tim, thần kinh vừa thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách li tập trung, trở lại Bệnh viện được ít ngày tiếp tục được cấp trên tin tưởng cử sang tăng cường cho C24, cấp cứu ban đầu, nơi mỗi ngày thường tiếp nhận 150 - 200 bệnh nhân nặng đến khám và điều trị. “Chung một chiến hào” trên tuyến đầu chống dịch, tại Khoa Nội, tim, thận, khớp, vợ anh, Thiếu tá Trần Thị Kim Dung, điều dưỡng viên cũng hết lòng chăm sóc, đón tiếp bệnh nhân. Cả ngày vất vả với công việc, tối về, một tay chị lo quán xuyến gia đình, là hậu phương lớn để chồng yên tâm công tác.
Phát huy phẩm chất cao quý của người thầy thuốc Việt Nam “Lương y như từ mẫu”, “những cặp đôi thiên thần” của Bệnh viện Quân y 17 vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ cứu người, chung tay góp sức cùng đồng đội quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...
*
* *
Sau hơn một tháng bùng phát, dịch Covid chủng mới ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã bị đẩy lùi, cuộc sống của hàng triệu người dân đã dần trở lại bình thường. Sáng 14 tháng 9, tiếng trống khai trường bắt đầu ngân vang tại một số nơi. Trong niềm hân hoan, nhắc lại khoảng thời gian cùng đoàn kết, chung tay chống dịch, bà con các tỉnh Khu 5 và cả những vị khách ngoại quốc luôn dành cho các cán bộ, chiến sĩ Quân khu tình cảm yêu thương, trìu mến. Xin được lấy những dòng trong lá thư của Pedr Michael Finn, quốc tịch Anh, người ngoại quốc duy nhất từng phải cách li tập trung tại Khu kí túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng thay cho lời kết của bài viết này: “Tôi cảm thấy rất xúc động và vinh dự khi được trải nghiệm cuộc sống trong khu cách li như một công dân Việt Nam chân chính. Không có bất kì sự phân biệt đối xử nào giữa người nước ngoài hay người Việt. Chỉ có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mười bốn ngày qua giúp chúng tôi hiểu hơn giá trị của cuộc sống và hai chữ tình người”.
V.H
VNQD