Đò qua sông vắng

Thứ Sáu, 18/12/2020 11:19

. TỐNG PHƯỚC BẢO

Ngoại hay nói Út Thẩn đừng ra vàm nữa, sóng nước xứ này nghiệt lắm, nó đánh bạc đầu, nó vỗ thắt dạ. Đợi chi mỏi mòn xuân xanh đời con gái. Đâu có ai mong mà mình chờ. Đâu có ai cần mà mình giữ. “Lấy chồng đi”. Nước rằm chảy thấu Nam Vang, ô môi rụng cánh đò sang chẳng về. Biệt xứ mút chỉ cà tha, chừng hổng thấy sóng nước vàm sông này là thôi nhớ thương…

Bận đó, ô môi đương mùa bông, cánh hồng trổ ngợp trời vàm sông. Tháng tư mang cái nắng đầu hạ gay gắt rải lên miệt đồng bưng một màu úa vàng nhưng nhức. Út Thẩn ba mươi, gái ế còn sót lại của Sò Đo trong lúc thiên hạ tay bế tay bồng cả. Các chị sáng ra đồng là í ơi chuyện chồng con. Chiều hôm về nhà cũng tí tởn chuyện đá chân giường đêm khuya lắc lơ. Có chị bạo miệng, của trên mình ngồn ngộn như vậy chồng nó mới chịu bó chân ở nhà.

Minh họa: Thành Chương

Vài hôm, có người ghé bờ rào nhà, tỉ tê dăm ba mối lái cho ngoại. Xóm trên thằng cha vợ chết tròn năm rồi, đang tính đi bước nữa đặng có bàn tay đàn bà chăm sóc chuyện gia đình. Cha nội giàu lắm nghen, chủ vựa lúa của xã mình chứ chẳng chơi. Ngoài bốn mươi à, tướng tá còn ngon lành lắm. Hay chuyện xóm dưới có ông năm mươi, nghe đâu bỏ thành phố về sống cảnh ruộng đồng. Kiểu về hưu non, chứ ngày trước làm sếp to nha. Người ta muốn tìm người đàng hoàng tử tế, sống thanh đạm vui thú kiểu điền viên. Tiền không thiếu, thiếu mỗi hơi ấm đàn bà.

Dứt lời, là mấy dì mấy cô quày quả bỏ đi, để lại mình ên ngoại đứng ngay bờ rào, nhìn trời nhìn nước, rồi nhìn Út Thẩn lúi húi sau chái bếp. Có nói cho Út Thẩn nghe thì Út Thẩn cũng lắc đầu nguầy nguậy. “Thôi má à, con chưa muốn lấy chồng. Lấy người mình hổng thương, cắn răng vì má thì cũng được. Nhưng con khổ má cũng đâu có vui. Cứ vậy mà sống. Chừng má về với đất thì con đi tu”. Ngoại nghe riết đâm ra thuộc luôn câu trả lời của Út Thẩn. Hay như Út Thẩn nghe ngoại rầy vụ xuôi ghe về cái vàm sông ô môi mà nằm lòng nằm dạ. Ngoại nói là chuyện ngoại. Út Thẩn ưng làm gì là chuyện của Út Thẩn. Đôi ba bận hai má con giận nhau. Mâm cơm cứ thế lạnh ngắt. Tiếng xuồng máy lạch bạch xuôi triền sông chạy ra vàm. Chỉ còn lại mình thằng Mười Sáu trên cái bàn ăn trống tơ hơ. Nó đâu dám nói gì. Cặm cụi ăn rồi chui rúc vào cái hốc của riêng mình mà nghe cải lương. Tháng tư nóng chi mà nóng thí mồ vậy chèn…

Mười Sáu dìa với ngoại khi còn đỏ hỏn. Một tay ngoại chăm bẵm, năm thì bảy đỗi má nó mới từ Sài Gòn dìa thăm. Mấy bận đầu nó lạ lẫm khóc thét bỏ chạy. Rồi lâu dần nó cũng quen chuyện thi thoảng tết nhứt hay giỗ chạp mới có người đàn bà lạ mặt tất tả ùa vào nhà, chuyện trò đôi ba câu, ở lại chưa ấm giường sớm mai đã vội vàng ra đi. Ngoại kêu gọi bằng má. Nó gọi bằng má. Ngoại kêu hun má một cái để mai lên “xì phố” kiếm tiền nuôi con. Nó hun một cái. Ngoại kêu đồ má gởi theo chành dìa cho bây mặc Tết nè, thì nó mặc. Lớn lên chút nó hỏi chuyện má. Ngoại à ờ rồi biểu chừng bây lớn lên như sáo sổ lồng tha hồ mà đi tìm hỏi. Chuyện người lớn con nít hỏi chi nhiều. Mười Sáu lủi thủi ra chái bếp ngồi. Phía kia bờ kinh, chú Tám Đờn rao dây Long Xuyên, miết dây đờn khi xuống xề. Trời ơi nghe thê lương sóng nước gì đâu.

Có lần Mười Sáu đạp xe lên huyện đưa mớ cá bống kho cho dì ba Thanh. Mười Sáu kể chuyện sáng nay nghe lóm ngoại nói chuyện điện thoại với má. Hình như má con lấy chồng. Vậy là má hổng dìa nữa phải không dì ba Thanh? Mà má lấy chồng vậy con có phải đi theo má hông ta? Ờ mà chắc người ta không biết con đâu heng. Ai thèm đem mình theo mần chi cho bận tay bận chân. Mười Sáu nói vậy mà cái mặt hênh hếch lên. Con ở với ngoại, có cho tiền cho vàng con cũng hổng đi. Ai mà thèm.

Mười Sáu khoát tay chào dì ba Thanh rồi leo lên xe đạp. Cái dáng ốm nhách xiêu vẹo theo con nắng tháng năm đổ bóng một trưa khô khốc. Thanh đứng từ cổng tòa nhìn theo. Thương thiệt thương. Người sanh Mười Sáu là chị Hai Thủy, nhưng người lo cái quần cái áo, người cầm tay nắn nót từng nét chữ đầu đời và cũng là người trăm lần như một đi họp phụ huynh cho nó là Thanh. Có bận Thanh nói má cho nó theo Thanh lên huyện ở cùng vợ chồng Thanh, cái ăn cái học trên huyện cũng ngon lành hơn dưới xã mình. Nhưng chưa kịp nghe má ưng hay không thì Thanh đã thấy Mười Sáu đứng đầu cánh võng, dõng dạc la to. Con chỉ ở với ngoại nghen dì ba. Con đi rồi ai rửa chén, ai giăng mùng, rồi ai bật cải lương ngoại coi. Năm đó Mười Sáu vừa qua lớp bảy…

Hai Thủy sau lần trót dại với một thằng thiếu gia đất thị thành đem Mười Sáu dìa đây gởi lại má với mấy đứa em nuôi nấng giùm. Còn Hai Thủy phải sống tiếp cuộc sống bộn bề cơm áo gạo tiền. Chòm xóm đãi bôi con hoang. Chòm xóm nói thằng nhỏ sanh ngày vong, xui xẻo lắm. Nhiều khi họa lây cả xóm. Ngoại lên Miễu nhờ thầy chú cho Mười Sáu một thời kinh, xin cái phép Lăng Nghiêm cho Mười Sáu lớn khôn mạnh giỏi. Đến khi Hai Thủy điện thoại cho má nói lấy chồng Hàn Quốc. “Ông nội đó già chát nhưng được cái có tiền lắm má. Ổng là đối tác công ti con đang làm. Con chủ yếu kiếm cái quốc tịch. Mọi chuyện thằng Mười Sáu má lo nghen. Con đi con gởi tiền dìa cho má. Má cất đó lo cho Mười Sáu”. Hai Thủy nói vậy rồi đi. Hổng có cái đám cưới nào ở xóm vàm ven bờ kinh. Đi nhanh như thể Hai Thủy trốn hụi. Đi biền biệt. Bận đó, Thanh hỏi Út Thẩn tin được hông trời? Sao có cái gì đó cấn cấn trong lòng Thanh. Út Thẩn chỉ nhìn lên bàn thờ tía rồi thở dài. Phía bờ kinh, Mười Sáu bắt đầu biết ngồi nhìn sóng nước Sò Đo. Lục bình mênh mang giữa dòng, tím biêng biếc.

 

Minh họa: Thành Chương

Chồng điện thoại cho Thanh bảo nay lại tiếp khách, công ti có đợt thanh tra rồi cúp máy cái rụp. Bến sông vàng vọt màu chiều. Ô môi sắp tàn mùa bông. Mỗi bận gió rợp trời, từng cánh ô môi rụng lả tả. Triền sông nhuộm một màu ngòn ngọt. Thanh ngồi trên bến, con cá lóc đồng chiều tan tầm mới mua ngoài chợ nằm buồn hiu trên thớt. Một mình thì ăn gì cũng tiện, chẳng cần bày biện chi cho tốn thời gian. Lấy cái thời gian đáng ra phải cơm nước cho chồng Thanh ngồi nghiên cứu án.

Từ dạo chồng chuyển qua ngân hàng làm, bữa cơm nhà cứ thế trôi tuột theo những lần tiếp khách. Thể như mấy nhánh lục bình xuôi con nước lớn ròng, mặc phận mình gá đại cái bến nào cũng được. Lục bình rễ chùm, gặp nơi nào bám được thì sanh sôi nảy nở, kết bông đâm lá. Chồng bảo, nào giờ cứ sáng chiều đi về làm anh công chức, giờ ra đường tập tành kinh doanh mới ngộ nơi mình đáng phải thuộc về từ lâu. Đàn ông là phải mang chí lớn, dông thuyền ra khơi. Đàn bà như Thanh, cạn nghĩ lắm nên cứ ủ ê một chỗ. Mà thôi, Thanh cứ như thế, gia đình thì để đàn ông gánh vác. Thanh cứ làm gì mình thích, chừng mệt quá thì cứ nghỉ. Chồng giờ đủ lo cho cái gia đình này.

Thanh với chồng cùng chung một khóa luật. Những năm đầu của thời sinh viên nhiều lí tưởng cao vợi, xanh trong như trời những ngày nắng đẹp. Hồi đó Thanh hay kể chuyện đất đai xứ mình cứ ưa bị chèn ép. Đất ruộng làm nông lọt vào tay đám đầu cơ lắm tiền thì thành đất thổ cư. Đất hóa vàng ròng. Lại thêm chiếm đất, thưa kiện tới đâu tụi nó chung chi tới đó. Rồi có khi mấy dự án quy hoạch treo miết, dân chẳng còn biết tin ai. Cho đến ngày chính gia đình Thanh vướng vào kiện tụng tranh giành đất đai với mấy người chú bác họ nội thì mới hay cái cân công lí nghiêng về bên nào giàu tiền mạnh thế. Bố mẹ chỉ biết kêu trời khi mảnh đất canh tác của ông bà để lại bị cướp trắng trợn. Bởi chẳng rành luật, chẳng biết chữ, dân nghèo mạt hạng, tin vào niềm tin của con người với con người nên cứ kí tên cho thuê đất, tưởng kiếm được vài trăm ngàn hàng tháng cho con ăn học. Ai đâu ngờ đó là bán đất, bán cả cái cần câu cơm. Thứ lừa lọc ác ôn nhất, để mình không bao giờ cảnh giác nhất, chính là thứ người lúc nào cũng anh em thân gần cạnh bên mình. Gom hết tất cả uất ức Thanh quyết tâm học để một ngày quay về giữ thăng bằng cho cán cân nơi quê nhà mình.

Nhưng, nhiều khi sự đời đâu có thuận ý mình. Chồng xuôi theo Thanh về miệt thứ miền Tây làm rể sau khi ba Thanh mất trong cơn bạo bệnh. Năm thứ tư đại học của Thanh, ba biết mình bị suy tim nhưng giấu nhẹm sợ ảnh hưởng con cái học hành. Đời ba tảo tần cực khổ, chỉ mong con cái trọn vẹn con đường tương lai. Ba mất đúng ngày Thanh bảo vệ luận án. Cơn mưa tầm tã chiều hôm ấy theo suốt chặng đường về với ba. Thanh chẳng thể gặp ba lần cuối. Chẳng thể vuốt mặt ba cho ông ra đi thanh thản. Cũng chẳng có dịp nào khoe với ông cái bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Cho đến ngày hôm nay, khi người ta gọi Thanh bằng cái danh vị thẩm phán thì ba cũng đâu có còn nghe được. Quãng đời chênh vênh đó, chồng chấp nhận từ bỏ tất cả ở Sài Gòn về bên Thanh. Cho tới tận bây giờ chẳng có đám cưới nào, chỉ tờ hôn thú làm chứng nhân để biết rằng hai vợ chồng là hợp pháp.

Hai vợ chồng thi công chức, Thanh được phân bổ về tòa án huyện, chồng thì về bên mặt trận tổ quốc. Vậy là ổn, nhưng chỉ với người an phận và bám đuổi lí tưởng miệt mài như Thanh. Còn chồng đôi khi nhìn những người bạn học mở được văn phòng luật sư, lái chiếc xe hơi láng lẫy công tác miền Tây ghé thăm vợ chồng Thanh; sau khi khách ra về chắc lưỡi, mình mà chịu tung tẩy ngoài đời lắm khi còn hơn nó heng em. Mấy bận thế Thanh thấy mặt chồng cứ thẫn thờ nuối tiếc. Cho đến lúc Thanh sẩy đứa con đầu thì gương mặt hùi hụi đó bỗng hóa thành đông cứng, lạnh tanh và ráo hoảnh. Thanh té ngã trong lần bị gia đình nguyên đơn dí đánh hôm xuống đo đạc thực tế một vụ tranh chấp đất đai. Máu chảy hai bên quần. Đứa con sau chục năm kiêng cữ, ổn định kinh tế mới dám để nó tượng hình trong bụng mình… Thanh nghe tim mình thắt nghẹn. Chồng chẳng nói gì vẫn ở cạnh bên chăm từng muỗng cháo, ngọt nhạt dỗ dành. Thanh khóc, chồng nắm lấy tay, mình còn trẻ, đợi khỏe rồi tính tiếp nghen em. Thanh vùi đầu vào lồng ngực chồng. Nghe mùi thuốc lá vương vít đâu đây.

Sau bận đó chồng Thanh hút thuốc thật, nghiện luôn. Mấy anh chị quen biết bên mặt trận hỏi sao chồng đưa đơn xin nghỉ việc. Trầy trật lắm mới mò lên phó phòng mà. Thanh chưng hửng. Đêm về hỏi chồng, chỉ nhận được câu trả lời hiu hắt như gió lùa cuối chạp. Năm đó, chồng về phụ trách bộ phận pháp lí cho một ngân hàng nước ngoài, thu nhập gấp chục lần đồng lương công chức. Kinh tế gia đình không phải lo. Cái ti vi cũ mòn được thay thế bằng loại thông minh, bắt wifi lên mạng coi vèo vèo. Nhà cửa được sửa sang chỉ sau ba tháng chồng nhảy việc. Bạn bè gật gù, chồng Thanh giỏi, thức thời mà sống, có tiền là trên hết, có tiền bần mấy cũng thành sang.

Có nhiều đêm, Thanh nằm cạnh bên chồng, nghe mùi nước hoa sực nức quyện vào mùi rượu rải khắp phòng, Thanh bất giác trằn trọc. Chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu, mà sao Thanh hổng quen hơi chồng miếng nào. Những lúc đó Thanh cứ thon thót lòng mình. Thanh phụ trách án dân sự. Ngoài ba cái vụ đất đai ra mấy vụ li hôn tranh chấp cũng nhiều. Thanh thấy đâu đó mấy cái án mình đang nghiên cứu cứ chập chờn trong đầu giữa những canh thâu.

*

*       *

Út Thẩn xối nước rào rạo trên bến sông một đêm trăng mười sáu tròn vành vạnh. Mấy con cúm núm gọi bầy rền vang khắc khoải. Mười Sáu nghe động, lần mò ra chái bếp đứng nhìn. Hình như có tiếng nấc nghẹn giữa chừng đứt quãng. Phía bên kia kinh, tiếng đờn cò xuống xề nghe thắt thẻo ruột gan.

Có lần ngoại nói thời gian không bao giờ đi lạc, bốn mùa cứ tuần tự xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Chỉ mỗi con người là cứ đi lạc về những nẻo xa hun hút. Đó là bận chú Tám Đờn khép lại cái cổng rào, xuôi ghe đi đâu biền biệt. Dọc hai bên bờ kinh thiên hạ đồn rân trời, gọi chú Tám thành thằng Cò si-da. Người ta nói cái phường hát xướng đờn ca ruổi rong trác táng như chú không sớm thì muộn cũng trả quả cho coi. Cái thứ nghèo chẳng có cái mồng tơi mà rớt lại mang tội đèo bòng. Thương đâu hổng thương, thương chi con nhỏ gái út bà chủ tiệm vàng ngoài thị trấn. Môn chẳng đăng, hộ chẳng đối. Nhìn cũng trai tráng lực điền mà tính bám váy đàn bà kiếm sống. Lấy tiếng đờn mà dụ con gái người ta. Chừng bị người ta cho đám lâu la đánh bầm dập một trận thì mới thôi. Cũng có bận, ngoài chợ giữa đồn um sùm chuyện Tám Đờn dan díu con nhỏ đào chánh của đoàn cải lương Bông Lúa Vàng. Ngặt cái ông bầu gánh mê chú Tám Đờn. Nên bận đó một trận ghen lồng lộn làm trò hề khắp xứ Nha Mân. Cô đào chánh nghe đâu bỏ nghề. Chú Tám Đờn thôi theo gánh hát, về lại tá túc nhà cũ bên bờ kinh.

Chẳng biết thực hư câu chuyện ra sao, nhưng Mười Sáu thấy dì Út Thẩn của mình ra vào ngó mong qua bên bờ kinh. Chừng tiếng đờn không còn dập dìu trên bến mỗi đêm khuya lắc thì mới chịu dìa phòng tắt đèn ngủ. Bận đó, Mười Sáu chui vào mùng ngoại, kể ngoại nghe chuyện Tám Đờn tha đâu dìa thằng nhóc trạc tuổi Mười Sáu, làm đơn xin vào trường học. Xui khiến sao trúng ngay lớp của dì Út Thẩn dạy nè ngoại. Thằng nhóc tên thấy mắc cười lắm ngoại, ai đời con trai tên Bần, tên quê một cục, tên nghe là thấy khá hổng nổi. Mà cái thằng Bần có chút nào giống chú Tám đâu ngoại. Nó trắng như bông bưởi. Môi đỏ chót như son. Nó cắt cái đầu muỗng dừa mà đẹp ác liệt ngoại ơi. Nó học giỏi quá chừng. Mà nó nhát hít à, hổng chơi với ai hết, ngồi thu lu một góc lớp vậy thôi à ngoại.

Ngoại hổng nói gì, chỉ dặn Mười Sáu coi canh thằng nhóc, lạ quắc dễ bị đám bạn ăn hiếp. Nếu rảnh thì mần quen với thằng nhỏ nghen con. Rồi ngoại thở dài. Quạt mo cau phành phạch. Mười Sáu thấy ngoại nhắm mắt ngủ thì cũng thôi đâu dám hó hé. Nhưng từ bận đó, nó cũng bắt đầu làm quen rồi chơi chung với thằng Bần. Có hôm nó chạy ra cổng trường thấy dì Út Thẩn đứng tần ngần với chú Tám Đờn, đẩy qua đẩy lại thứ gì đó. À, hình như ngay cái bữa ngoại nói mới đong gạo vào khạp nhưng sao nay gạo giựt gần đáp rồi. Chuyện này nó hổng dám kể ngoại nghe.

*

*        *

Hồi đầu tuần, chánh tòa huyện báo án huyện mình tồn đọng nhiều quá, chỉ tiêu năm nay mà không đạt là mệt mỏi nghen tụi em. Mấy đứa tranh thủ nghiên cứu rồi báo phòng kế hoạch lên lịch xử, bắt đầu tuần này, mỗi thẩm phán sẽ tăng một buổi xử. Mỗi quý sẽ tổng kết chỉ tiêu. Thẩm phán lao xao thầm thì, trời hổng lẽ nói trắng ra đã tinh giảm biên chế ngành thì lấy đâu ra người xử cho nhanh. Xử án chứ có phải mua mớ cá mớ thịt mà ngẫm nghĩ đôi ba phút rồi quyết định được liền. Lỡ chạy theo chỉ tiêu xử có sơ xuất lại bị kỉ luật.

Mà đâu có ai dám nói to, chỉ là than thở sau lưng, chứ bản thân ai cũng biết chỉ thị từ trên đưa xuống, chánh tòa nhiều khi cũng bù đầu với mấy án điểm. Vậy thôi, ráng ôm hồ sơ về nhà nghiên cứu. Ngày nghỉ cuối tuần cũng vẫn làm việc bình thường tại nhà. Động viên nhau chạy cho đúng chỉ tiêu, đây là ước mơ, đam mê, con đường công lí mình chọn lấy. Ai rồi cũng phải tự tiếp lửa cho chính mình trên con đường đời này. Nhiều cái áp lực của nghề đâu thể chia sẻ cho ai được. Cánh cửa tòa khép lại, thật lòng mà nói, người thẩm phán đôi khi vẫn mang tâm tư trong lòng trong dạ suốt một quãng đời. Có những bản án đã tuyên rồi mà lòng vẫn đắng đót cho thân phận của bị cáo lẫn nguyên đơn. Mẹ kiện con cướp nhà. Vợ kiện chồng ngoại tình. Anh em kiện nhau vì đất hương hỏa. Thậm chí có anh chồng mếu máo kiện chị vợ, đòi li dị chia tài sản, chỉ vì bả chiếm hết tiền bạc, anh chẳng còn xu teng nào để thăm mẹ già ốm. Rồi có dạo, thẩm phán từ huyện tới tỉnh mỗi lần họp giao ban hay đi học nghiệp vụ đều ngao ngán những vụ kiện lừa đảo hụi hàng, dụ dỗ bán hàng đa cấp, hay đầu tư tiền ảo. Dân lừa lọc cứ treo một bọc tiền lủng lẳng trong tâm trí của những người làm nông thiếu thốn kiến thức để nhắm vào lòng tham của họ. Trách dân xứ mình tham lam cũng tội. Đời khốn khó, ai thấy tiền mà không ham. Hay trách đám lòng lang dạ sói chẳng có lương tâm đi lừa tiền của chắt chiu của bà con nông dân xứ mình thì cũng thể như đi nói chuyện với đầu gối. Dân lừa đảo mà đòi họ có lương tâm. Mấy bận đó xử thì xử, bắt nhốt ở tù. Nhưng tiền thì mấy khi truy thu lại đầy đủ cho bà con. Nhìn ánh mắt thất thểu, gương mặt già nua cằn cỗi của bà con xứ mình thẩm phán nào xử xong cũng thở dài xa xót…

Bỗng có tiếng xe máy ngừng ngay cổng, vài chiếc áo xanh lá gật đầu chào. Thanh chưng hửng, tim đập thình thịch, mơ hồ nhiều điều mông lung trong đầu. Giờ này chồng vẫn chưa về.

*

*       *

Mười Sáu lại luồn vào mùng ngoại tỉ tê chuyện thằng Bần không dưng đâu xuất hiện xin đi học lại. Té ra là thằng Bần hổng phải con chú Tám Đờn, mà làm gì có chuyện ổng bị si-da như thiện hạ đồn thổi ngoại ơi. Má thằng Bần hồi đó cũng làm trong đoàn hát, một lần đoàn neo ở Cái Cùng, tuốt luốt xứ Đầm Dơi, má nó lỡ dại với thằng cha chủ bè cá nào dưới đó, bị vợ thằng chả đánh ghen khi hay tin nhân tình của chồng đang mang thai. Nghe đâu chú Tám Đờn đứng ra chịu trận, nhận là cha thằng Bần, rồi đưa má thằng Bần dìa xứ Long Xuyên cho đến kì sanh nở. Một tay chú Tám lênh đênh sóng nước thương hồ mà cưu mang hai má con. Nhưng ngặt cái má thằng Bần phát hiện ung thư đâu hai năm trước, thời kì cuối nên ngót đâu có năm ba tháng gì là chết luôn. Chú Tám Đờn mới xuôi Vàm Cống về lại Sò Đo mình mà nương nấu. Dè đâu người ta báo tin cha ruột thằng Bần cũng thoi thóp chờ chết, chú đưa thằng nhỏ về Cái Cùng cho nhìn cha, ở đó đến ngày cha nó mất. Thằng Bần thôi không tranh giành tài sản chi hết, chỉ xin được theo chú Tám Đờn. Bên kia nghe mừng húm, thứ con hoang họ đâu cần. Nên chú Tám lại vòng về đây. Thằng nhỏ bỏ đi ngay mùa thi lên lớp, thành ra nó bị ở lại năm nay đó ngoại.

Ngoại ờ một tiếng, hẫng nhẹ như gió tháng bảy, mùa này đáng ra nước đã mấp mé bờ kinh, sao nay vẫn nắng chan đồng. Hạn mặn xâm thực in hằn vết nứt trên những luống cày. Ruộng vỡ ra từng mảng quắt quéo. Người ta kêu cứu mặn như cứu cháy. Không kịp là dân Sò Đo chỉ có đường chết đói. Mười Sáu thủ thỉ, nghe thằng Bần nói, tía nó thôi không thèm đờn nữa, tía nó cả đời lênh đênh chìm nổi phận mình theo lời ca tiếng hát. Cứ đoàn cặp bến nào, tía nó sống bến đó, chừng ngoảnh lại đã hơn bốn chục xuân xanh. Giờ đâu thể sống kiểu này, tía thằng Bần nói phải neo đậu bến quê, đặng cho nó yên ổn học hành làm người đàng hoàng, đừng như tía nó. Tía nó ngay cả lấy vợ cũng hổng dám. Cái ăn còn chưa lo nổi thì lấy gì cưới vợ. Nghe thằng Bần kể, thấy thương gì đâu heng ngoại.

Ngoại thôi không còn quạt cánh mo cau nữa. Ngoại xoay qua nhìn Mười Sáu, ờ, mai con đong mớ gạo dưới khạp, bỏ vô bịch đen đàng hoàng, rồi lấy mớ cá khô treo bếp, đem qua cho thằng Bần đi. Mà dạo này Út Thẩn bây còn tắm đêm hông? Thằng Mười Sáu thót dạ, hổng lẽ mấy lần trước, nó học theo cách Út Thẩn, lén ăn cắp gạo với cá khô dắm dúi tay thằng Bần bị ngoại thấy sao ta. Mà Út Thẩn dạo này thôi tắm đêm rồi, Út Thẩn cũng ít buồn lặng lẽ hơn xưa. Chỉ có điều, xuôi ghe ra vàm ô môi thì vẫn còn nghen ngoại. Mà lạ ghê, hồi sáng nay con thấy thằng cha nhà giàu về hưu non đứng trước cổng rào nói chuyện với Út Thẩn. Ngoại chỉ buông câu vậy à, rồi lại nhẹ nhàng quạt mo cau. Đêm chỉ còn tiếng thạch sùng tắc lưỡi…

Thanh ngồi với Út Thẩn, đôi mắt sưng húp sau ba đêm nước mắt chẳng thể nào vỗ yên giấc ngủ. Người ta bắt chồng Thanh, kết tội đưa hối lộ và lợi dụng chức vụ gây ra thiệt hại kinh tế, nghe đâu vài tỉ lận. Út Thẩn choáng váng mặt mày. Thanh lại càng khóc to. Bên công an đang điều tra, ngay cả Thanh cậy nhờ cũng chẳng biết được tí thông tin nào. Chỉ ưu ái chút đỉnh là để Thanh gởi quần áo và đồ ăn vào cho chồng. Bên lãnh đạo tòa án cũng kêu Thanh lên nhắc nhở, quán triệt tư tưởng. Nghe đâu đây là án điểm của tỉnh, sẽ xử lưu động.

“Trời ơi! Cái nhục này sao chị chịu nổi đây”.

Thanh ghì chặt Út Thẩn khóc như mưa.

Ô môi tàn mùa, bến sông chỉ trơ những đám lục bình miên di trên dòng sóng biếc. Chiều cuốn gió vào căn nhà khang trang lạnh lẽo một không khí ảm đạm thảm thê. Út Thẩn chẳng thể làm gì cho Thanh nguôi ngoai. Hai chị em chỉ biết nhìn nhau. Nhà mình kể cũng ngộ, chẳng đời nào đoàn tụ được đủ đầy. Cứ có người này thì mất người kia. Tỉ như tưởng đâu sắp đón hai Thủy dìa thì lại thiếu mất chồng Thanh. Phen này sao giấu má. Đâu có cớ gì để bịa cho má tin. Nay mai báo đài của tỉnh lên tin rần rần, bà con chòm xóm kéo tới cổng chì chiết, đãi bôi ráo hoảnh. Họ nói cho sướng miệng, họ cười cho đã nữa. Rồi họ đi, chỉ bỏ lại mình ên má ở cái cổng rào.

“Liệu má chịu nổi không trời?”.

Thanh buông câu hỏi vào thinh không. Bâng quơ vậy thôi chứ cả hai chị em đều biết câu trả lời. Làm sao giấu được má. Ngay cả chuyện hai Thủy bị người ta hốt trong lần truy quét tệ nạn mại dâm, bị đưa đi trường phục hồi nhân phẩm bốn năm, giấu má được bao lâu, khi cái tờ giấy xác nhận nhân thân và báo án nằm gọn lỏn trong tay má, đâu chừng hai tháng sau cú điện thoại Út Thẩn nhờ người giả giọng gọi báo má đứa con đầu sẽ đi lấy chồng Hàn Quốc. Bận đó biết má khóc rấm rức hết mấy hôm, mới kêu Út Thẩn chở lên nhà Thanh nói chuyện. Giấu là giấu thằng Mười Sáu. Mang cái tiếng con của thứ làm điếm thì muôn đời sao thằng nhỏ ngóc đầu lên với xã hội này. Im lặng tuyệt đối. Đời thằng nhỏ đã chẳng có cha, sanh ra thì má nó bỏ bê, giờ thêm cái tin này, ê chề vậy sao nó sống nổi. Thôi để nó vô tư sống đúng cái suy nghĩ má đi lấy chồng...

Vậy nên, cái chuyện chồng của Thanh, cứ như cây kim trong bọc, giấu má được tới chừng nào hay chừng đó. Còn chuyện tiền bạc lo toan đền bù, Út Thẩn sẽ giúp. Giữ trong nhà yên ổn được bao lâu thì hay đến đó vậy. Út Thẩn nói rồi khép cánh cửa ra về. Út Thẩn chẳng chạy vội dìa nhà như mỗi lần lên huyện thăm chị. Nay Út Thẩn đi bọc qua ngã ba Rãi Quạt để xuống xóm dưới có chút việc...

*

*       *

Thằng Bần kéo Mười Sáu tấp vô bến, một chiều cao hứng đang lội sông. Trời thần đang tắm sông ngon lành mầy kéo vô đây chi vậy. Để tao kể cho mầy nghe chuyện này nghen. Tao hổng phải tên Bần, mà tía tao cũng hổng phải tên Tám Đờn, mai mốt mầy đừng gọi vậy nữa, mắc cỡ lắm nghen. Tía nói hồi đó ông nội lụm tía ngoài đình, bận ông nội cũng theo gánh hát rày đây mái đó. Gánh hát neo ở đình diễn đâu được tuần, thì sáng tinh mơ nghe tiếng trẻ con khóc ngoài cổng, thiên hạ bu đông bu đỏ. Chắc là ai đó lỡ dại nên bỏ thẳng nhỏ mới sanh, mong cầu người dưng nước lã rủ lòng thương mà cưu mang. Ông nội thấy tía mặt mày xán lạn, quẫy đạp trong khăn rất mạnh, thấy xót nên nhận đem về nuôi, đặt tên là Song Lang. Mà song lang là cái gõ cốc cốc trong dàn đờn đó mầy. Dầu chỉ là dụng cụ gõ nhỏ xíu thôi, nhưng song lang nắm giữ trường canh, giữ nhịp bài bản. Tất thảy thầy đờn đều phải nghe nhịp song lang mà vào bài hay dứt bài. Nói cho dễ hiểu, song lang quan trọng nhất trong dàn đờn, là mạch sống của dàn đờn đó nghen.

Mười Sáu lôi thằng Bần lên bến ngồi đong đưa, đôi chân hai thằng nhỏ quẫy quẫy nước dưới sông. Tao dìa với tía cũng y trang phận đời thiếu vắng tình thương vậy đó. Tía đặt tao là Hoài Lang. Tao có cha có mẹ mà giờ như không rồi mày ơi. Tía nói hoài lang là nhớ mãi miết một người mình thương. Tía nói hồi đó tía cũng thương cô nào ở ngay đây nè mầy. Nhưng phận tía như đám lục bình miên di về nhiều xứ lạ. Tía cũng đâu có gì ngoài ngón đờn như ông nội. Tía cũng từng hẹn hò người ta ngoài vàm đó. Nhưng thương một người đâu nhất thiết phải kéo người đó bước vào đời mình, để rồi sống khổ cùng nhau. Làm như vậy là tội con gái người ta. Nên thôi, tía coi như phụ người ta bỏ đi. Hổng nói lời nào, để người ta dễ dàng lấy chồng chỗ đàng hoàng tử tế hơn. Mười lăm năm sà rồi, tía quay về mà người ta vẫn còn đợi. Bữa tía hỏi tao giờ tía ngỏ lời có được hông, tía còn thương người ta dữ lắm. Bận đó tía cũng ngồi trên bến nè, tía so dây rồi lên trục đờn. Tía bắt đầu rao. Tay trái tía giữ dọc nhị rồi bấm dây đờn bằng lòng ngón tay. Tay phải kéo cung vĩ đẩy đưa. Tía hát: “Đờn cò lên trục kêu vang. Qua còn thương bậu, bậu khoang lấy chồng”. Đờn cò mà lên trục đó heng mậy, là tiếng đờn nó vang rền như ai oán lòng dạ. Tiếng đờn rưng rưng. U hoài mang mang. Nhưng hồi hôm rồi, tía nhậu xỉn, tía nói tía sẽ bỏ đờn, chỉ duy nhất một lần tía đờn nữa là ngày người ta đi lấy chồng. Rồi tía nói, sẽ kiếm gì đó nuôi tao ăn học, chứ đừng theo cái nghề đờn của tía, long đong hẩm hiu lắm. Hình như trong cơn say, tía tao khóc…

Thằng Bần thở dài thườn thượt. Gió dội từ lòng sông khiến Mười Sáu the thắt. Ánh chiều tà hôm nay sao cô tịch thế.

Ngoại nói ngoại ưng gả Út Thẩn rồi. Người ta cũng đàng hoàng tử tế, mai mối dạm ngõ đủ đầy lễ quả. Lớn tuổi cũng chẳng sao, miễn người ta thương Út Thẩn thiệt lòng. Đám cưới kì này gọn nhẹ, quan trọng là vợ chồng Út Thẩn ăn đời ở kiếp cùng nhau. Chứ bày ra cái lễ cưới cho lớn rồi về sống chung chén bát khua nhau mỗi ngày thiên hạ lại cười. Mà cũng duyên may, gả chẳng đâu xa, ở cuối xóm dưới thôi à, cũng đâu cần làm dâu, dễ bề tới lui thăm viếng. Bận đó, ngoại đong đưa cánh võng rồi nói rành rọt cho Mười Sáu nghe. Trên đài phát thanh đang phát cái bài ca cổ “Con gái của mẹ”. Giọng cô đào Ngọc Hương nỉ non chuyện phận gái bến đục bến trong, nhiều khi biết là đục nhưng lòng vẫn cứ muốn neo, lắm khi biết là trong nhưng lòng đâu có ưng.

Ngày ông nhà giàu về hưu non đem sính lễ qua rước dâu, trời mưa rả rích. Chòm xóm nói vậy là hên, đang mùa hạn mặn vậy có nước là có tiền, con cháu đầy đàn. Ngoại gật đầu cười móm mém. Thanh đứng lặng chẳng cười lấy một tiếng, mắt chực trào đỏ hoe. Út Thẩn cứ tần ngần trên bến nhìn qua phía bờ kinh bên kia. Ngoại giục mấy lần mới vào thay chiếc áo dài hồng. Màu hồng của mấy cánh ô môi. Nhà rộn ràng nói cười. Thằng Bần thập thò chái bếp sau nhìn ra nhà trước. Tía tao mới sáng nhậu xỉn quắc cần câu rồi mầy. Mà nay dì Út Thẩn đẹp quá chừng nghen Mười Sáu. Chắc nay dì vui lắm heng mậy. Mười Sáu hổng nói hổng rằng, ngồi miết ngoài bến. Má Thủy của Mười Sáu vẫn còn biền biệt theo cái tin lấy chồng Hàn Quốc. Dượng ba Thanh cũng hun hút theo cái tin công tác xa nước ngoài. Sao ngày trọng đại của Út Thẩn mà hổng ai dìa được vậy cà? Nhưng đêm trước ngày xuất giá Út Thẩn nói với Mười Sáu, sau đám cưới này mọi người sẽ về. Mười Sáu hổng biết gì, chỉ cúi đầu dạ tiếng trĩu lòng.

Đám rước í ới kéo nhau trả quả ngoài cổng rào. Út Thẩn theo ông nhà giàu về hưu xuôi đò dìa xóm dưới. Phía bên bờ kinh bỗng có tiếng đờn cò rải dây xuống xề, âm ba dập dềnh khắp một khúc sông. Lần đầu tiên, Mười Sáu nghe giọng ai hát mà thắt thẻo cả sóng nước Sò Đo: “Đò sang sóng cuộn lòng đau. Bậu qua sông vắng, mưa dầm đời nhau”.

Mãi cho đến khi đám rước đi tuốt luốt đằng xa, tiếng đờn vẫn cứ vọng vang theo từng hạt mưa rơi. Mười Sáu vẫn không thể hiểu câu nói của Út Thẩn đêm qua.

“Đàn bà nhà mình như có cái huông, ai cũng một lần qua sông vắng…”.

T.P.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)