Họa khói

Thứ Hai, 14/12/2020 06:25

. LÊ VĂN THÂN

Khải chăm chú nhìn vào khuôn mặt bê bết máu của cô gái với ánh nhìn cầu xin sự giúp đỡ trong tuyệt vọng. Trái tim muốn thoát ra khỏi lồng ngực, toàn thân anh bủn rủn ngỡ như bao nhiêu sinh lực bị hút cạn bởi không gian đặc quánh gam màu đỏ kia. Bình thường, anh sẽ bước đi thật nhanh như sự lên xuống thất thường của giá cổ phiếu, và cũng chẳng cần dừng lại tiêu tốn thời gian khi công việc được giao chưa hoàn thành. Nhưng không hiểu sao hôm nay anh vẫn đứng đó. Trân trân. Bào mòn. Vứt bỏ mọi thứ khỏi tâm trí.

Khải tự thấy mình là một người vô trách nhiệm. Có đôi lúc anh cười khẩy vào khuôn mặt đầy vẻ lơ ngơ, thứ mà tạo hóa như muốn trêu ngươi, nặn ra chẳng ăn khớp với công việc anh đang làm. Cha mẹ li hôn khi anh lên mười. Kể từ đó, anh đã quá quen với nụ cười thỏa mãn của mẹ trong vòng tay những người đàn ông xa lạ. Mỗi đêm một tông giọng. Mỗi đêm một bản mặt. Mẹ anh làm kinh doanh, là chủ của một xí nghiệp bậc trung trong vùng. Và tất nhiên anh sẽ nối nghiệp mẹ như một quy luật tất yếu.

Thời đại công nghệ 4.0 sẽ đào thải những con người kém cỏi, thụ động. Đó là câu nói quen thuộc của mẹ mỗi khi ngồi vào bàn ăn hay những lúc bà vắt chân trên ghế sa lông phì phèo điếu xì gà loại xịn. Anh sẽ phải là bản mẫu hoàn hảo nhất cho những ý tưởng trong đầu bà, điều đó có vẻ vô lí khi đối chiếu với vẻ bề ngoài đầy chất nghệ sỹ của anh. Còn chính anh hiểu rõ bản thân mình hơn tất thảy. Con người ta sinh ra không ai phải mang sứ mệnh hiểu tỏ lòng người khác. Bởi thế, anh chẳng có cái quyền gì để yêu cầu mẹ phải hiểu mình và nếu có, chắc chắn mẹ anh cũng không bao giờ chiều theo anh cả. Anh thay đổi mình đầy khiên cưỡng, với mục đích duy nhất là biến mẹ thành một con người vĩ đại, ít nhất trong suy nghĩ của chính bà. Anh sẽ sống như một người con có hiếu để bà vỗ ngực tự hào khoe với mấy mụ xồn trong tiệm nail rằng đường lối giáo dục con cái của bà là số một. Bà là một người phụ nữ quyền lực, đó là điều duy nhất bà có thể chia sẻ, mọi người đều công nhận. Còn những thứ khác, bà cho rằng mình có khả năng điều khiển suy nghĩ đồng loại theo sự thông tuệ của bản thân. Bà tự công nhận năng lực đó, vì thế khuôn phép trong ý nghĩ của bà rất khó phá vỡ bởi nó được chất đầy sự ngạo nghễ và bảo thủ. Họa tiết trên những bộ móng ngọc ngà luôn phải là những mảng màu nâu xám. Gam màu ưa thích ấy cũng độc chiếm căn phòng, ngôi biệt thự, trên cơ thể mập ú và nằm một góc nào đó trong khối óc được giới kinh doanh ngưỡng vọng. Không gian u ám phủ lớp bụi lên ý nghĩ và hành động. Các con số cùng những phép tính trên bảng thống kê sẵn sàng đánh bật mọi điểm nhấn được trang trí bài bản trong căn nhà. Lọ hoa nghệ thuật được chị giúp việc cắm lên theo yêu cầu của cậu chủ có thể bay vèo ra hướng cửa sổ sau một cơn cuồng nộ của chủ nhân biệt thự. Chân lí nằm ở cái đầu và đôi tay. Một cái đầu thực tế và nhanh nhạy với thời cuộc, đôi tay để nắm lấy cái thực tế hiện hữu và hưởng trọn thành quả từ cái đầu. Những tờ đô la được in ra cùng một khuôn mẫu mà lại có sức mạnh vô cùng to lớn, còn những bức tranh đa sắc đa màu, không cái nào giống cái nào rốt cuộc lại là những thứ vớ vẩn, vô tác dụng. Bà rít lên từng tiếng qua kẽ răng trắng đều. Thật đáng thương cho những cái bụng rỗng chứa đầy không khí. Thật tội nghiệp cho những kẻ nhốt sự viển vông trong cái đầu ngốc nghếch.

Anh không quan tâm hôm nay mình đã bỏ lỡ một cuộc đàm phán quan trọng. Và anh cũng chẳng cần biết biểu cảm của mẹ cùng đối tác phải kẹp hồ sơ ra về khi hợp đồng chưa được kí. Cuộc sống thực sự của anh không phải là những thuật ngữ kinh tế xa xôi mẹ dạy mà nó nằm trên những bức tranh vẽ dở, và trong cả những ý tưởng điên rồ. Anh có thói quen ghé vào phòng tranh vào một ngày đặc biệt trong năm. Thói quen đó đã hình thành từ sáu năm về trước. Chỉ hôm nay thôi, anh sẽ sống vì cảm xúc của mình. Ba trăm sáu mươi tư ngày còn lại, anh sẽ để hạnh phúc trôi qua một cách lãng xẹt và làm một đứa con biết vâng lời.

Cô gái trước mặt có vẻ đáng sợ nhưng lại tạo cho anh cảm giác gần gũi và thân thuộc. Cô không cằn nhằn về vẻ bề ngoài khờ khạo của anh, cũng không quan tâm hôm nay anh kiếm được bao nhiêu tiền. Điều đó khiến anh cảm thấy an tâm khi mình đã có một quyết định đúng. Còn đối với người khác, nếu biết anh từ chối cả thương vụ bạc tỉ chỉ để ghé vào phòng triển lãm, chắc chắn họ sẽ cho anh là một kẻ điên, không hơn không kém.

Mọi con mắt hiếu kì bắt đầu đổ dồn về phía bức tranh cô gái. Cô tán ánh mắt ra xung quanh tạo cảm giác thương xót cho mỗi ai nhìn. Một họa sĩ già có mái tóc lòa xòa ngang vai, chậm rãi tiến lại gần tấm tắc: “Chà, một bức tranh thật tuyệt!”.

Minh họa: Công Quốc Hà

Ý định sẽ kết thúc ngày bằng một cuộc đàm phán đã thay đổi từ lúc Khải nhìn thấy bức tranh cô gái trẻ. Mọi thứ chỉ là tình cờ, kể cả khi anh quyết định bỏ việc để bước chân vào đây thưởng lãm. Cô quá giống với Thúy An - người yêu của anh đã mất cách đây sáu năm trong một vụ tai nạn xe máy nơi vực đèo Vạc. Anh sẽ đi tìm cô như một giải pháp giúp lấp đầy những khoảng trống suốt bao năm. Hi vọng điều kì diệu có thể xảy ra. Manh mối để anh bám víu duy nhất là dòng chữ nghệ thuật “Khói - Thung Vu” được ngụy trang kín đáo ở góc phải bức tranh với muôn vàn màu sắc. Anh đoán đó là bút danh của họa sĩ và nơi ông ta sống. Điều đó đã được xác nhận bởi một tay quản lí ngay sau đó.

Anh rời đi khi đã vào độ trưa. Nắng bế bồng nhau phong tỏa mọi ngóc ngách như muốn thiêu đốt vạn vật không may lọt vào tầm kiểm soát.

Ứng dụng chỉ đường trên chiếc điện thoại thông minh cho anh biết Thung Vu cách nơi đây khoảng chừng 200 cây số.

*

*       *

Thung Vu trước kia là một vùng cao nguyên rộng lớn trải dài với những thảm thực vật đa dạng loài như một tuyệt tác của tạo hóa. Mấy năm trở lại đây, những xí nghiệp mọc lên rầm rộ. Các nhà máy hoạt động hết công suất đã thải ra môi trường một lượng rác không hề nhỏ. Động vật chăn thả trên các cao nguyên bắt đầu chết dần chết mòn bởi thiếu thức ăn và nước uống trầm trọng ... Những con cừu, con dê béo múp từng được xem như một sự cứu rỗi của cánh nhà văn, họa sĩ... giờ chỉ còn lại trong những tác phẩm nghệ thuật. Dạ dày của chúng được lấp đầy bởi vô số loại rác rến công nghiệp mà phải mất hàng triệu năm mới có thể phân hủy. Cuộc đời ta mà tạo ra được một tác phẩm có giá trị bằng một phần mười khoảng thời gian đủ để phân hủy thứ hôi thối kia thì tốt biết mấy. Một họa sĩ đã từng thốt lên như thế khi tự tay mổ dạ dày của con cừu nhà mình. Khải đặt chân đến Thung Vu khi trời đã chuyển chiều. Mặc dù vậy, cái nắng rộp da vẫn còn tham lam liếm láp cơ thể của bất cứ ai đi trên đường. Ngọn gió xoay tròn cuốn tung cát bụi như dặm thêm một lớp phấn trắng lém đém trên những khuôn mặt khắc khổ khiến người khác nhìn vào khó có thể nhận ra ai với ai.

Khải tấp xe bên lề đường và quyết định dừng chân nghỉ ngơi ở một quán nước nhỏ. Sự vụng về và bất cẩn của cô gái bán nước khiến anh phì cười: “Bộ ở đây nhiều cướp lắm hay sao”. Cô gái bất giác làm rơi li nước trên tay, những viên đá lạnh chạm đất trong tích tắc chảy ra thành nước. Mọi thứ lẫn lộn, chẳng ai có thể nhìn vào lớp nước mỏng sắp bốc hơi kia mà đoán được hình thù của viên đá.

Anh nhanh chóng nhận ra sự bất thường. Cô gái ấy bị mù.

- Mắt cô không nhìn rõ mà cũng dám đi bán nước sao? Tôi có thể cầm trên tay bất kể thứ gì mình muốn khi rời khỏi quán này - Anh tiếp tục nói đùa sau khi đã dọn sạch các mảnh vỡ thủy tinh và thấy tâm trạng cô có vẻ tốt hơn.

Phớt lờ câu bông đùa, cô im lặng hồi lâu như ngẫm nghĩ điều gì đó rồi ngẩng lên hỏi đột ngột.

- Anh hình như không phải là người ở đây?

- Tôi là người Sa Vân.

- Vậy anh…- Cô gái nhanh chóng thay đổi câu hỏi sau một thoáng ngập ngừng - Anh đến Thung Vu có việc gì?

- Tôi cần tìm một họa sĩ.

- Để làm gì? Ở đây có rất nhiều họa sĩ - Cô gái vừa nói vừa chỉ tay về phía nhà máy trước mặt mà cô đã định vị bằng trực giác của mình.

- Cô không đùa tôi chứ? - Anh tỏ ra hoài nghi và nghĩ cô thật có khiếu hài hước.

- Họ làm công nhân trong các nhà máy. Nghề họa sĩ không nuôi sống họ. Tôi hiểu rõ điều đó hơn ai hết bởi cha tôi cũng là một họa sĩ.

Khải quan sát cô gái rất kĩ từ khi bước chân vào quán. Một cô gái đặc biệt với khuôn mặt méo mó chi chít những vết thẹo, vẻ như nạn nhân của một cuộc hỏa hoạn. Anh khua mấy viên đá cứng đầu còn sót lại trong cốc rồi tu một hơi giải quyết cơn khát tức thời. Giữa nghệ thuật và cơm áo gạo tiền, đâu mới là mối bận tâm. Những người vốn được xem là họa sĩ, tài năng có, kém cỏi có, họ tìm đến các nhà máy để tồn tại cái thân xác cồng kềnh và duy trì thứ tinh thần bất ổn. Không gian sáng tạo và những ý tưởng của họ đã bị thu hẹp bởi các nhà máy, cột khói công nghiệp… Khải bỗng bật cười cho những suy nghĩ huyễn hoặc của mình. Ngay chính lúc này, anh lại bị lung lay bởi những lời giáo huấn với thái độ quyết liệt của mẹ hàng đêm. Anh liếc mắt nhìn vào màn hình điện thoại. Bảy cuộc gọi nhỡ từ mẹ. Hiện thực đánh thức thứ ảo vọng xa vời. Anh tưởng tượng ra khuôn mặt xám xịt đầy giận dữ của bà chẳng khác nào đụn khói công nghiệp đang vất vưởng ngoài kia.

*

*        *

Khuôn mặt luôn mang một biểu cảm khó chịu của mẹ theo anh suốt những tháng ngày niên thiếu. Sự vỡ lở của một gia đình khi mâu thuẫn tới cao trào là điều tất yếu. Nếu có một cuộc tranh chấp xảy ra thì ưu thế luôn thuộc về kẻ mạnh. Một lần nữa, bà khẳng định quyền năng bản thân trên sự nhu nhược của kẻ thất bại. Cọ vẽ trong tay cha anh đã không thể vẽ nổi một màu tươi sáng hơn trong chính gia đình đang bên bờ vực tan vỡ. Bà ghét cay ghét đắng hành động tỉ mẩn của chồng khi hoàn thành bức tranh. Đó là những cô gái khỏa thân nóng bỏng và đầy quyến rũ, khác xa với thân hình mập mạp của bà. Lão chồng chết tiệt mê ả đàn bà ảo trong bức tranh hơn cả vợ mình, lão ăn cơm vợ nhưng lại ngủ và buồn vui cùng cơ thể trần trụi của ả ta. Ánh mắt trầm trồ và bàn tay mân mê của những gã đàn ông thay vì đặt lên bức tranh thì nên dành tuyệt đối cho bà. Ý nghĩ thời thượng cùng những thành tựu trên thương trường khiến bà cảm nhận mình xứng đáng nhận được đặc quyền đó. Sự khó chịu lên đến đỉnh điểm, bà xé, gom và đốt tất cả chúng.

Vật chất là thứ duy nhất giúp loài người tồn tại. Nếu trái đất diệt vong thì nguyên do chính đến từ những kẻ như cha anh. Bà luôn nghĩ thế. Không lâu sau đó, những bức tranh còn sót lại của cha được chuyển đi nhường chỗ cho hợp đồng cao ngất. Đứa trẻ mười tuổi là chiến lợi phẩm hoàn hảo nhất cho cuộc li hôn của bà. Con đường sự nghiệp của Khải đã được vạch sẵn bằng khối tài sản khổng lồ cùng sự kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có tiền bạc mới đem lại cuộc sống tốt lành.

Đừng hèn nhát như thằng cha của mày. Ông ta là một kẻ điên, một kẻ ngu dốt hết phần thiên hạ. Ông ta có đủ sức để mơ mộng khi mang một cái bụng sôi sùng sục được không. Bà trợn trừng mắt và hất tung bột màu mỗi lần thấy anh hí hoáy với những bức tranh. Bà luôn ràng buộc sự tự do trong cuộc sống của Khải qua cái lăng kính “sinh lời”, kể cả việc yêu ai và lấy ai của anh. Tất cả đã được lập trình sẵn và Khải chỉ là người thực hiện. Bất kể điều gì cản trở hay phát hiện mối đe dọa nào trong kế hoạch đều được bà dọn sạch không dấu vết.

*

*        *

“Hãy phơi nỗi sợ hãi, đơn độc và sự đớn hèn lên mỗi bức tranh”.

Những ngày thơ bé cùng cha ruổi rong qua từng con phố, ông luôn nói với anh câu đó khi sự hiếu kì của những người qua đường bắt đầu dạt ra cho nỗi lo cơm áo. Họ gật đầu. Họ trầm trồ. Họ chỉ trỏ. Nhưng rồi họ lại nhanh chóng quên đi, chỉ có một ánh mắt vô hình nào đó vẫn dõi theo anh không phút nào rời.

“Hãy phơi nỗi sợ hãi, đơn độc và sự đớn hèn lên mỗi bức tranh”.

Anh điên cuồng đóng chặt cửa và giải phóng sự bức bối bằng những nét vẽ. Cái hiện thực gõ, đập rồi từng đợt sóng âm được tạo ra từ tiếng quát tháo ầm ĩ dội liên tục bên ngoài cánh cửa căn phòng. Chua chát nhưng đầy thị uy. Cánh cửa bật mở và người đứng trước mặt anh luôn là mẹ - một người đàn bà đầu tóc búi cao, cổ lóng lánh chuỗi ngọc trai cùng vẻ mặt cau có. Vẻ mặt đó nhanh chóng thay đổi khi bước ra khỏi ngôi nhà, tới trại mồ côi làm từ thiện và xuất hiện trên chuyên mục gương mặt tiêu biểu của tờ tạp chí doanh nhân. Thời nào chẳng vậy, người thành đạt luôn được xã hội tôn vinh. Không những thế, bà còn được biết đến như một người phụ nữ mang tâm hồn thánh thiện và thành công trong việc nuôi dạy con.

Khải gặp Thúy An trong một lần theo mẹ cùng mấy tay truyền thông đi làm từ thiện bên trại mồ côi Ánh Sáng. Ấn tượng đầu tiên của anh về cô là sự rụt rè và nụ cười hiền. Anh thấy cả sự sống ngập tràn đang hiện diện từ những điều bình dị nhất, cảm giác mọi thứ thật đẹp và an yên như khi bước vào thế giới của những bức tranh. Anh mê đắm trong ánh mắt, anh bỏ quên nỗi sợ hãi trong ngôi nhà. Anh qua lại trại mồ côi nhiều lần hơn. Bức ảnh mẹ Khải mỉm cười trao cho Thúy An cùng các em nhỏ những suất quà xuất hiện rầm rộ trên khắp các mặt báo. Người người bày tỏ sự mến mộ về người đàn bà tài đức.

Anh dần bỏ bê những cuộc hội thảo trong chuỗi hoạt động của công ti để đến với trại mồ côi Ánh Sáng. Anh yêu những đứa trẻ, anh dạy cho chúng vẽ. Và quan trọng nơi đó có Thúy An.

“Nghe nói con đang qua lại với con bé kia? Con nên nhớ mình là ai và nó là ai”.

Bà chỉ tay vào bức tranh vẽ Thúy An mà anh vừa mới hoàn thành, rồi nhìn anh bằng ánh mắt lạnh băng. Sự lạnh lẽo bao trùm không gian, tưởng có thể hút sạch oxy giết chết con người ta trong gang tấc.

“Mẹ đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con đấy”.

Lần đầu tiên anh dám thốt lên cự cãi sau bao nhiêu ấm ức bị dồn nén. Anh run rẩy trong cơn giận dữ của người đối diện. Tờ báo được bà cất giữ để ngày mai đem đi khoe bị xé vung vãi trên nền nhà. Trời bỗng đổ mưa ì ùng, chớp lóe sáng. Khi bà nghiến răng rin rít bước lên gác, cũng là lúc cơn giông quật tới tấp lên mái nhà. Anh nhìn ra ngoài hiên lòng chợt ớn lạnh khi bắt gặp cây hoa mộc hương bị đốn tận gốc chỉ vì ngày xưa cha thường hay lơ đễnh nhìn ra đó ngắm những mầm cựa lên khoáng đạt. Ngày cha ra đi, đứa trẻ lên mười là anh tiễn cha vào một buổi chiều nắng dát từng sợi mỏng vàng hoe lên con dốc đèo Vạc như kéo ngày buồn dài ra vô tận. Thứ duy nhất ông mang theo là bức tranh về nàng mẫu vẽ Thụy Miên. Nàng đẹp long lanh trong ánh nắng chiều tà, bầu ngực căng mọng lấp lửng sau cánh hoa hồng trắng như mời gọi bao con mắt kẻ si tình. Chỉ cần vẽ chân xác đường nét trên cơ thể Thụy Miên thôi là đã thành kiệt tác.

“Sao cô Thụy Miên không đến tiễn cha?”.

Câu hỏi của cậu bé bật lại trong cơn gió ngược chiều cha đi. Nghe thao thiết bông lau trắng muốt rủ rê nhau về một miền xa vắng. Hoang hoải trong ánh mắt của kẻ đi người ở. Chung chiêng trong điểm dừng và đến. Ông không ngoảnh lại, cái đầu nhấp nhô rồi mất hút trong ráng chiều lầm lũi. Ông đem theo nỗi băn khoăn như chính câu hỏi của cậu con trai. Ông đã tìm mọi cách để liên lạc với nàng nhưng bất thành.

Thụy Miên không bao giờ đến.

Nàng sẽ chẳng bao giờ đến.

Tờ báo sáng hôm sau của mẹ đặt trên bàn đưa tin về một cô mẫu vẽ bị tạt axit với lí do ghen tuông bóng gió…

Một cảm giác bất an chợt dậy lên trong Khải.

Sa Vân chìm vào đêm. Trong cơn mưa. Trong tiếng thở dài. Bí ẩn và hun hút.

*

*       *

Những suy nghĩ hỗn độn không làm anh quên đi mục đích của mình khi đến với Thung Vu. Cô gái bán nước đồng ý khi anh ngỏ lời muốn gặp cha cô và cần sự giúp đỡ. Cha cô là họa sĩ ắt sẽ quen biết nhiều người trong nghề. Anh giúp cô thu dọn gian hàng, để lại xe và hai người đi bộ bởi nhà cô cách đây không xa.

Con đường dẫn vào nhà cô, những đàn cừu dê thong dong đi về trên con đường đất tràn ngập nắng chiều trước đây, giờ thay bằng sự ra vào tấp nập của những con trâu sắt vô tri. Bãi cỏ xanh rì của một vùng cao nguyên rộng lớn không thắng nổi những cồn rác cao ngất ngưởng.

Khải tới nơi khi ông họa sĩ đang vẽ dở bức tranh về chú cừu trắng.

Trong mắt khói chiều nay

Có chú cừu đi lạc

Be be giữa mùa hạn…

Câu thơ bị ngắt quãng, ông thốt lên khi thấy anh vừa bước chân vào.

- Ồ, anh đến chẳng đúng lúc tí nào. Tôi sẽ hoàn thành bãi cát dưới chân chú cừu kia nếu như anh đến trễ hơn một chút. Còn bây giờ anh xem nó ra cái gì đây này, chả khác nào những mảnh sành sắc nhọn nằm ngổn ngang ngoài bãi rác.

Khải đưa tay gãi đầu tóc bù xù như ổ rơm ra vẻ bối rối:

- Thực sự xin lỗi vì đã làm phiền ông. Tôi có thể ngồi đây đợi ông vẽ xong bức tranh.

Ông họa sĩ gác cọ vẽ trên giá, lấy tay đỡ gọng kính nheo mắt nhìn chằm chằm vào anh dấm dẳng:

- Cái sự khách sáo của anh có thể khiến chú cừu trắng của tôi phải nằm vào sọt rác. Nó không có quyền tự quyết cho vận mệnh của mình.

- Tôi có thể tạm rời đi hoặc đền tiền cho bức tranh? - Anh đề nghị.

- Anh không cần đi đâu cả và tiền bạc không có giá trị trong trường hợp này. Tôi thấy anh có vẻ là một người đam mê hội họa, anh có thể chọn cho mình một bức tranh mà anh muốn.

Khải cảm nhận ông họa sĩ có vẻ đã chịu tiếp đón mình. Có phần đặc biệt là đằng khác. Tác phẩm nghệ thuật chỉ dành tặng cho những người thật sự quý đối với họ. Anh cảm thấy đôi chút tự mãn về lời đề nghị của ông. Đảo bước qua những bức tranh và thật sự choáng ngợp về sự lung linh và huyền bí của chúng, anh bỗng khựng lại trước bức họa cô gái mặt máu đang ngủ bên một đống tro tàn. Cô gái có khuôn mặt giống hệt như cô gái hồi sáng anh thấy trong phòng triển lãm.

Anh biết mình đã đến được nơi cần đến.

- Tôi thật sự rất thích bức tranh này - Khải vừa nhìn chằm chằm vào bức tranh vừa nói.

Ông họa sĩ hớp một ngụm trà mà cô con gái mù vừa pha.

- Anh có thể cầm lấy bức tranh và rời đi không tốn một xu nếu anh có thể thuyết phục được tôi ngoài lí do về cảm quan nghệ thuật. Tôi sẵn sàng nghe câu chuyện của anh.

Trong tác phẩm của một nhà văn nào đó từng nói đại ý rằng, chẳng ai có thể kiên nhẫn nghe một câu chuyện từ đầu đến cuối mà trong đó không có hình bóng của thứ mình quan tâm. Với sự nhạy cảm của một người theo đuổi nghệ thuật, ông biết chắc chắn rằng chàng trai mê mải bức tranh không hẳn vì lí do đó. Anh ta muốn khai thác thông tin để tìm ra một bí mật nào chăng? Sự thận trọng của một con người ngoài tuổi ngũ tuần có thể sẽ là điều cản trở đối với anh. Ông họa sĩ ra hiệu cho anh ra phía góc vườn.

- Thực ra tôi muốn hỏi ông về cô gái trong bức tranh.

Ông họa sĩ chẳng tỏ ra vẻ ngạc nhiên. Bởi ông đã lờ mờ đoán được anh đến đây không đơn giản chỉ để mua hay thưởng lãm tranh.

- Anh là gì của cô gái?

- Tôi là người yêu của cô ấy. Cô ấy tên Thúy An, cô ấy mất tích bí ẩn trong một vụ tai nạn cách đây sáu năm. Tôi đã đi tìm và hi vọng suốt sáu năm qua, tôi…

Ông họa sĩ giơ tay ra hiệu anh dừng câu chuyện như thể những điều anh vừa nói ông đã được biết. Những thông tin vừa cung cấp giúp ông củng cố lòng tin về anh. Nhưng đôi khi trong những câu chuyện sắp kể người ta nên giữ cho riêng mình một vài điều bí mật.

- Ông đã gặp cô ấy? - Khải nôn nóng toan rời ghế như sắp đổ nhào về phía ông.

- Đúng là tôi đã gặp cô ấy nhưng đó là câu chuyện của sáu năm về trước. Ngày đó tôi đến Sa Vân tham gia một trại sáng tác. Khi các văn nghệ sĩ đã trở về đơn vị báo cáo thành quả của đoàn thì tôi xin trưởng trại ở lại một ngày bởi mãi chưa tìm được cảm hứng, tôi lang thang đến vực đèo Vạc và tình cờ gặp được cô gái ấy trong bộ dạng nhếch nhác, bê bết máu.

- Rồi sao nữa? - Giọng Khải lập cập, khuôn mặt lóe lên những tia hi vọng.

Ông họa sĩ liếc nhìn Khải trong tích tắc. Từ phía góc vườn có thể thấy rất rõ những đụn mây là là ngoài kia. Khói đồng rơm gốc rạ, khói nhà máy công nghiệp rốt cuộc rồi cũng sẽ thành mây. Hỗn độn. Mờ mờ. Tỏ tỏ. Như một sự toan tính, ông lái câu chuyện sang một hướng khác.

- Thời gian gấp rút, tôi đánh liều vẽ khuôn mặt đầy máu của cô gái và rời đi cho kịp gửi tác phẩm dự thi. Cô ấy đã mất hay được ai cứu sau đó tôi chẳng quan tâm, chỉ biết bức tranh cô gái ngập ngụa máu đã giúp tôi đạt giải B về văn học nghệ thuật cấp tỉnh năm ấy.

Mọi nỗ lực tìm kiếm của Khải dần trở nên vô nghĩa. Khuôn mặt anh lộ rõ vẻ tuyệt vọng, cộng với việc mấy hôm nay bị cúm nhẹ trông anh chẳng khác nào những chú cừu hấp hối.

Sự thật về Thúy An chỉ ông và những người trong cuộc hiểu rõ. Năm đó ông phát hiện cô bất tỉnh bên đống tro tàn của một chiếc xe. Khuôn mặt cô bầm dập, rách toác rất khó để nhận dạng, vô cùng ám ảnh. Ngay sau đó ông đã đưa cô đến bệnh viện điều trị. Bằng sự tưởng tượng trời phú của mình, ông đã lắp ghép những mảng thịt trên khuôn mặt cô gái và họa nên bức tranh. Tất nhiên có phần thể hiện khác đi theo chủ đích của mình. Khi tỉnh lại, cô kể, khi đi giao hàng cho khách ngang qua con dốc đèo Vạc thì một chiếc ô tô từ đâu lù lù đi tới ép sát khiến chiếc xe đâm xuống vực. Vụ tai nạn đã để lại những di chứng nặng nề, đôi mắt cô mất thị lực hoàn toàn, khuôn mặt cũng biến dạng, méo mó.

Sự ích kỉ của con người ta bỗng trỗi dậy. Ông không thể nói ra sự thật bởi rất có thể sẽ mãi mãi mất cô. Ông mê nghệ thuật nhưng không thể chịu nổi sự cô độc. Thúy An lớn lên trong trại trẻ mồ côi, và giờ cô là con gái duy nhất của ông. Từ bé, ông vẫn sống cô đơn lầm lũi cho tới khi gặp cô. Ông coi cô là tác phẩm thành công nhất cuộc đời.

*

*       *

Anh tạm biệt Thung Vu khi cái nắng bắt đầu dịu đi. Tiếng con chim cuốc lẻ bạn kêu khản giọng bên vực sâu hun hút. Khói sẽ bay về trời và anh sẽ phải về nhà. Mẹ anh đang đợi ở đấy lên dây cót cho một cuộc thịnh nộ. Cô gái mù gói lại bức tranh mà cha đã tặng cho Khải rồi tiễn anh về lại con đường dẫn ra quán nước. Ông họa sĩ đã vẽ hai bức tranh về cô con gái của mình nhưng cô không hề hay biết. Một bức trong phòng triển lãm thành phố và bức còn lại nằm trong tay Khải. Mỗi bức tranh rồi sẽ có một số phận riêng.

Ông họa sĩ quan sát hai người rồi lẳng lặng theo sát phía sau, sẵn sàng cho một cuộc can thiệp kịp thời. Ông sẽ không cho họ có cơ hội hỏi tên nhau. Khải nói lời tạm biệt và bước lên xe ông mới thực sự yên tâm. Theo dõi anh đi được một quãng xa, ông trở lại vào nhà và quyết hoàn thành nốt bức tranh về chú cừu trắng.

Trong mắt khói chiều nay

Có chú cừu đi lạc

Be be giữa mùa hạn

Đơn độc và đói khát.

- Cha thật nhẫn tâm khi đã làm như vậy!

Ông giật mình quay lại bắt gặp đôi mắt đục ngầu của cô con gái ngân ngấn nước. Ông thoáng hình dung về những đôi mắt cừu tội nghiệp giữa một màu cỏ cháy. Câu nói của cô khiến ông hoảng loạn. Chiếc cọ vẽ trong tay run rẩy, đôi chân gầy nhẳng xuội ra như thể sắp đối diện với điều gì đó khủng khiếp lắm. Một nỗi sợ sệt hiện lên trên vẻ mặt lúc nào cũng tỏ ra điềm tĩnh.

- Con vừa nói gì cơ? - Giọng ông run run nhưng vẫn đầy thận trọng.

Cô mấm mấm môi định nói gì đó nhưng lại thôi. Lúc lâu cô mới tiếp, giọng chợt xuội xuống.

- Chú Cừu trong bức tranh của cha thật tội nghiệp, dù không thấy nhưng con chắc thế. Cha đã để nó lạc mất bạn tình, trong cơn khát…

Ông đánh một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một khối gì đó nghèn nghẹn bóp chặt lồng ngực, đè lên tâm can như muốn nhét vào đó những con dao sắc nhọn.

- Giữa bạn tình và một đồng cỏ non xanh giải quyết cơn đói, con nghĩ chú cừu kia sẽ chọn thứ gì?

Ông cố quan sát biểu cảm của cô con gái, dò xét để tìm ra một liều thuốc làm dịu tâm can. Và mong bớt cái tội lỗi đang bủa vây tâm trí.

- Chọn đồng cỏ là một giải pháp khôn ngoan - Ông vội nói, như sợ cô sẽ đưa ra một câu trả lời hoàn toàn khác.

Cô gái mù lặng im cúi đầu như muốn nuốt tiếng thở nghẹn của mình vùi nó vào thật sâu. Ngoài kia, bóng tà dương đơn độc bắt đầu đổ xuống trên những con đường lọt thỏm giữa cao nguyên. Khi ngày tắt nắng, bóng đêm sẽ len theo những dấu chân Cừu lầm lạc. Đi xa, xa mãi và tỏa ra muôn hướng. Có dấu chân đi về trảng cát khốc khô be be tìm kiếm bạn tình, để rồi vì một sự cản trở nó tuyệt vọng trở về đồng cỏ non xanh làm no những cái bụng khi cuộc tìm rơi vào ngõ cụt.

*

*        *

Ý định về một bức tranh độc cừu đã thay đổi. Chờ cô con gái đi chuẩn bị bữa tối, ông khóc rấm rứt rồi cầm cọ vẽ phác họa thêm chú cừu thứ hai.

Khải về đến Sa Vân đúng lúc trời sập tối.

Kí ức tuổi thơ trong cơn say càng gợi cho anh về một bóng hình lẫn trộn vào cô gái mù mà anh vừa gặp… Có lẽ ngay ngày mai, anh sẽ quay trở lại Thung Vu… Ý nghĩ ấy theo anh lảo đảo vào phòng khách. Vẻ mặt đầy giận dữ, mẹ anh đã ngồi bệ vệ sẵn nơi sa lông. Vừa thấy anh bước vào bà vỗ tay từng chặp đôm đốp, âm thanh chao chát rít qua kẽ răng.

- Hoan hô cho hai thằng đàn ông. Một thằng cầm bức tranh khi biến khỏi ngôi nhà, một thằng lại khiêng thứ của nợ ấy trở về.

Chưa để cho Khải kịp nói gì, bà bật phắt dậy lao về phía anh, giật lấy và xé giấy bọc bên ngoài. Bức vẽ vừa lộ ra đập vào mắt, bà bỗng tái mặt khuỵu xuống.

Có một ngọn lửa từ bức tranh vừa bùng lên trong phút chốc.

L.V.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)