. LÊ HỒNG LAM
“Mẹ tôi, tóc xanh phủ bạc tháng ngày
Mẹ tôi, vui buồn nặng trĩu hai vai...”
Hơn 60 năm trước, mẹ tôi là cô thôn nữ xinh đẹp nhất làng, nơi đồng chiêm trũng chưa mưa đã ngập nghèo xác xơ quê Thanh. Cũng chẳng hiểu cơn cớ do đâu mà mẹ lọt vào mắt xanh của bố tôi, chàng khóa sinh chân trắng, dài lưng tốn vải được học hành cao rộng nhất làng thời đó. Dù biết mẹ lớn hơn tuổi, nhưng bà nội vẫn giấu diếm gói ghém trầu cau vào tìm gặp bà ngoại lấy cớ đi mua lạc giống. Như duyên tiền định, hai bà hợp chuyện rồi đem hết bọc cau trầu ra ăn với nhau bàn chuyện cho cha mẹ tôi. Loại hậu sinh như tôi cũng chỉ nghe kể lại, những vẫn ấn tượng câu nói của bà ngoại: "Thì ra bà đi hỏi “người giống” chứ có phải “lạc giống” đâu!"
Minh hoạ: Đặng Tiến
Mẹ là chị thứ hai trong sáu anh chị em nhà ngoại. Lấy bố tôi, cũng sinh được sáu chị em. Từ thuở thiếu thời đến lúc thanh niên rồi trở thành thiếu phụ, hiếm khi mẹ được ăn no chứ đừng nói ăn ngon. Họa hoằn lễ tết giỗ chạp mới có cơm ngon thịt béo, khi ngơi tay được ngồi xuống ăn phần mọi người để lại, thì dăm ba đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt, nhất là hai anh em út ít bọn tôi lại lũn cũn xô nhau bâu lại. Và có khi đến cả nửa năm trời, mẹ không biết mùi vị của miếng thịt mỡ nó phảng phất thế nào. Đến nay đã có của ăn của để, sơn hào hải vị có khi, thì tuổi già sức yếu chẳng còn ăn uống được gì nhiều. Một năm vài ba bận tôi đưa con về thăm bố mẹ, thấp thoáng thấy bóng cháu nội về, mẹ lại cố rướn người khập khiễng chạy ra, hai bà cháu dắt díu nhau xoa đầu bám cổ, lúc sau thấy mẹ lôi ra nào bánh nào quà, nào nho khô mít sấy gói ghém để dành từ khi nào. “Đợi con H.V về giành phần cho nó”. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh bà chọn cháu cầm, con bé con cứ giương đôi mắt tròn xoe lên hỏi: “Bà nội ơi, đây là cái gì hở bà?”. Tôi đã phải quay mặt ra bức tường trước nhà bật khóc nghẹn ngào gắng gượng giấu diếm.
Là con trai duy nhất, cậy được mẹ cưng chiều, nhớ hồi mới lông lống, tôi được chị cả giao nhiệm vụ thu mâm bát khi cả nhà (tất thảy bảy miệng ăn) ăn xong. Hôm đó mẹ đi làm về muộn, mải nghĩ mải lo chuyện gì nên chỉ đem nồi cơm còn đa phần là cháy lẫn với khoai độn ra lấy thìa khuấy xúc như vô thức. Tôi ngồi đợi mãi sốt ruột nên giục mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ăn nhanh để con còn dọn”. Mẹ giật mình buông cái thìa vào giữa nồi cơm, đứng dậy nói: “Ừ thôi mi dọn đi!”. Trẻ con dẫu chẳng biết gì, nhưng tính nhớ dai (di truyền của mẹ) khiến giờ đây mỗi lần nhớ lại, tôi lại muốn giơ tay tự tát mặt mình.
Cũng chẳng hiểu mẹ gồng gánh ra sao, mà có hiểu có biết chắc cũng chẳng thế nào hết được. Lương giáo viên ba cọc ba đồng của bố, năm nay được phân đi dạy chỗ này, mai đẩy chỗ kia. Một mình mẹ với ông chồng ở nhà lúc khoan lúc nhặt, gồng gánh nuôi năm chị em tôi (chị thứ tư mất từ lúc mới sinh) đi qua những ngày trống thúc liên hồi, thanh la não bạt tù và đinh tai nhức óc giục đi hộ đê vỡ. Những ngày có được miếng thịt nấu cho con ăn phải lấy chiếu rách che bếp, nếu không mùi bay ra, hàng xóm nghe thấy lại dị nghị: “Nhà này hôm nay ăn cơm với thịt!”. Những ngày giáp hạt hai bơ gạo trộn nguyên một rổ xảo rau má, nồi cơm bê xuống đặt giữa lũ con vây quanh, xanh lè một màu nhức nhối. Những ngày đạp chiếc xe cà khổ cà tàng đi đổi mắm đổi cá khô trên mạn ngược, lấy sắn lấy khoai về nuôi con. Lúc về được đến nhà, hơn 12 tiếng không hột gì bỏ bụng, nhìn lũ con nheo nhóc lốc nhốc thấp cao ngồi nguyên bậu cửa dẩu mỏ ngóng chờ, lại tất tả tháo bọc lôi đùm lấy gạo thổi nấu con ăn. Những ngày sốt rét run người, lôi hết chăn chiếu ra đắp vẫn run lên bần bật, ngó cổ dậy gọi xin hớp nước, lũ con dại khờ vẫn đánh khăng đánh đáo dưới sân. Những ngày… những ngày… Mẹ đã làm gì để đi qua hở mẹ?
Hồi tôi xa nhà đi học đại học, thi thoảng mẹ ra thăm. Thương chị nên cậu dì lại biếu tiền cho quà, được bao nhiêu mẹ đem xuống Cổ Nhuế cho tôi hết. Lúc lên xe ôm ra bến về lại quê Thanh, vẫn mếu máo quay đầu lại dặn con nhớ ăn uống đầy đủ mà học hành cho tử tế. Tiền trong bao áo trúc bâu cổ tròn đặc sệt quê chắc vừa vặn đủ mua một chiếc vé tàu…
Tốt nghiệp đại học về nhà thăm mẹ, không hiểu sao tôi bị ốm một trận nên thân. Ốm đến nỗi 22 tuổi thanh niên cường tráng mà không thể ngồi dậy được. Mẹ nấu món canh bầu dài với hến vực tôi dậy, một tay đỡ một tay đút hết hai bát cơm mới yên tâm để tôi nằm xuống ngủ vùi. Những đứa con bao giờ cũng thế, vui vẻ vinh hoa thì chẳng thấy đâu, lúc ốm đau sa chân lỡ bước, chỉ muốn về với mẹ.
Sau hai năm ra trường vất vưởng ở thủ đô vẫn không một đồng lận túi. Nghe bạn rủ, tôi khăn gói xuôi Nam. Ngày về chào bố mẹ để đi, mẹ vét hết tiền rồi đem từ gà đến trứng ra chợ cóc đầu làng đi bán được một món tiền, nhất định bắt tôi cầm, vì đi xa “sẩy nhà ra thất nghiệp”. Lúc chào mẹ lên đường, vẫn nhớ mẹ ngồi tựa cửa trên chiếc ghế con dùng để ngồi ăn cơm, nước mắt ròng ròng nghẹn ngào đứt quãng: "Đi nhé con. Đi cho thỏa nguyện. Nếu không thành thì lại về với mẹ. Đói no rau cháo nhưng có mẹ có con…"
Nhớ cái Tết xa nhà đón giao thừa ở cái nơi chênh Hà Nội bảy múi giờ, buồn bã rét buốt cô đơn khổ sở nên gọi về liên tục. Nhưng lần nào hỏi mẹ cũng đều không gặp, mãi đến chiều mùng Ba mới thấy tiếng mẹ đầu dây. Mới a lô xong mẹ đã nức nở đầm đìa: “Con ơi con ăn Tết ra rang? Ba ngày qua mẹ không cầm máy vì sợ không kìm được, năm mới khóc lóc con lại đen đủi cả năm. Cả tuần nay cứ mỗi lần nghe tiếng xe máy đi qua cổng nhà mình, mẹ lại tưởng con về…”
Thấm thoát đã mười năm có lẻ, từ cái hồi cứ Tết đến là mạng viễn thông tắc cứng không nghe không gọi được. Giờ cũng chịu cho con cháu sắm cho “cục gạch” để tiện a lô, nhưng mỗi khi được tặng cái thẻ điện thoại lại để dành đến lúc có khuyến mại mới cào…
Khi tôi học đến kỳ thứ hai thì được tin ở nhà mẹ bước hụt ngã đập đầu xuống sân, phải mổ cấp cứu đục sọ hút máu bầm ra. Tôi như phát cuồng, chạy loanh quanh kiếm vé để bay về với mẹ. Vẫn nhớ mãi lúc thất thểu bước lên từ ga metro, gục đầu vào bức tường cạnh nhà thờ Paris Saint Germain de Pres phủ đầy dây thường xuân, khóc nức nở, mấy người dưng đi ngang qua tưởng có chuyện gì, hốt hoảng gọi cảnh sát.
Cháu nội sinh khi mẹ đã hơn 70 tuổi, bà vẫn dứt khoát bắt con đưa ra để chăm cháu chăm con. Ngày hai bữa thịt nạc rim, canh rau ngót leo từ tầng một lên tầng hai, cơm bưng nước rót cho dâu. Có hôm (nghe kể lại), hai tay hai tô bước hụt không thể bám cầu thang nên bị ngã, cố lau dọn rửa ráy xong xuôi đâu đấy, bà lết xuống chiếc ghế dài nằm lịm cả buổi chiều…
Giờ đi được nửa đường đời rồi, lúc bình yên nhất vẫn là khi về nhà, gối đầu lên chân Mẹ nghe bà rủ rỉ kể chuyện xóm giềng, lúa mới cấy mạ mới gieo… Thảng hoặc chứa chan quá, bà mới ca cẩm: “Giá như mi bớt cứng đầu cứng cổ, đừng tham vọng vẫy vùng dọc ngang chi cho lắm, thì nay cháu Nội tau đã đầy đủ trai gái, lớn khôn rồi. Không biết hồi xưa đẻ, ai móc mồm móc miệng cho mi…”
Ở cái làng quê mà xưa ông bà sinh ra còn không nhớ chính xác năm sinh của Mẹ. Nhưng bóng mẹ đổ dài như bóng cây cổ thụ, thấm đẫm hy sinh tươi mát trong lành yêu thương con vô điều kiện. Đi ra từ cái bóng đổ buông dài đó, đến tận bây giờ con vẫn thấy chống chếnh, lầm lụi một mình…
Chẳng có gì bền chắc trong cái thế giới đầy biến chuyển đổi thay hỗn mang ma mị này, nhưng có một điều chắc chắn như hàng ngày mặt trời vẫn mọc từ đằng đông sau tiếng gà gáy sáng: Trong suốt cuộc đời này, có hai người phụ nữ không bao giờ phản bội con, đó là người sinh ra con và người con sinh ra.
Mãi mấy năm trước mẹ mới biết thêm ngày 20/10 bên cạnh ngày 8/3 khi con cháu ríu ran đến mời cơm tặng quà chúc tụng. Ngày của Mẹ chắc là “ngày của quân Tây” (như lời Mẹ vẫn thường hay nói). Đêm nay mưa, đọc bao nhiêu ý đẹp lời hay mới nhớ đến mẹ mình. Bước ra khỏi cửa thì mồm mép leo lẻo, nhưng về nhà với mẹ, con vẫn ngu ngơ khờ dại ngọng nghịu như thằng cu đầu trần chân đất ngày xưa, chưa từng mở mồm nói được câu tử tế.
Đêm nay mưa, nên chắc mẹ sẽ ngủ ngon hơn. Con xin được tựa vào bóng Người để nói một câu mà suốt bốn mươi năm nay con chưa từng mở miệng: Con yêu mẹ biết bao nhiêu.
L.H.L
VNQD