Kính Tâm

Thứ Hai, 11/01/2021 06:30

. LÊ MINH HÀ

 

Cảnh 1: Xuân muộn. Mưa phùn lây phây rơi trong hoàng hôn. Cây gạo đầu làng lặng lẽ chìa vào trời xuân những gộc những cành còn vương hoa, sẫm dần lại trong bóng tối đang kéo dần lên từ phía cánh đồng sát chân núi. Ngôi chùa chon von đầu làng.

Một người đàn bà lúi húi trước cửa tam quan…

Kính Tâm giật mình, cái chày vẫn để tựa một bên đầu gối bị lật, đổ xuống nền đất. Đất hút ngay đi tiếng chày rơi mệt mỏi. Mùi rau răm giã dập cay sực. Muỗi kéo về kêu vo vo.

Tiếng đàn bà gọi từ ngoài cửa chùa kéo tiểu trở lại với công việc ngày thường. Tiểu lật đật đứng dậy, bước vội khỏi gian bếp nhỏ. Bắp chân tê suýt nữa làm tiểu đá đổ cối rau răm đang giã dở. Người đàn bà bước gần lại. Trong bóng chiều sẫm, mùi sữa hoi hoi, mùi khăn áo ẩm. Tiểu tưởng mình đang trôi lạc lại với mình.

“Nhà chùa làm gì mà tôi dắng tiếng mãi không thấy ra. Mùi răm thơm quá. Nhà chùa…”

Người đàn bà buông lửng giữa câu, rồi nhẹ giọng:

“Giời mưa lại. Tôi dặn thằng bòi trông em…. Hôm qua thằng bé ấm đầu, e nhà chùa bế đi lúc mưa gió thế này nó mệt thêm. Nhà chùa mang nó ra tôi cho nó bú.”

Minh họa: Phạm Hà Hải

Tiểu luống cuống cảm ơn, luống cuống nhào vào xó thu xếp cối rau răm rồi lại quay về chõng vạch màn bế đứa bé đang ngủ. Cánh tay tiểu khua phải cái sào treo khăn áo, muỗi òa ra. Tiểu bất chợt rùng mình. Bao buổi chiều như buổi chiều này, tiểu đã một mình nghe tiếng muỗi, và bây giờ là tiếng trẻ. Tiếng trẻ yếu ớt vọng lên từ đống khăn áo ủ mình, trên nền tiếng muỗi vo vo trong chiều nhập nhoạng làm tiểu nóng gan nóng ruột thêm lên.

Đứa trẻ này tiểu nhặt được mấy tuần, sau rằm. Trăng hạ tuần soi chõng nhỏ, tiểu Kính trằn trọc tưởng mình vừa thiếp đi mê ngủ khi nghe tiếng trẻ oe oé ngoài tam quan. Đứa bé đã qua kì tóp nước nhưng còn chưa sang kì xổ sữa ai đặt nằm trong rổ sảo, chèn chặt bởi mấy tấm yếm áo sạch sẽ, nhìn đã biết của nhà có. Đằng xa kia, dáng người bước giật lùi, bóng váy chùng hai tay đánh đường xa ngược chiều ngượng ngượng. Chao ôi! Sao đời mình cơ khổ. Có lẽ nào em đổ vạ cho tôi! Màu ơi! thương nhau như thế…

Người đàn bà ôm đứa bé, ghé ngồi xuống chân mễ, vạch yếm. Tiểu tránh đôi mắt người đàn bà, quay mặt, cúi người thổi lửa. Trong bóng lửa vừa bùng, bất chợt mắt tiểu chạm đôi bầu vú căng sữa. Đứa trẻ rúc đầu vào một bên ngực người đàn bà, bàn tay nhỏ mân mê bầu vú kia. Tiểu biết, bầu vú ấy căng, đầu ti nở, mạch máu xanh xanh như những đường gân trên một chiếc lá đang thì. Sẽ chẳng bao giờ mình có được cảm giác khi đứa bé nút sữa đều đều thế kia. Đau đau chăng? Buồn buồn chăng? Giống gì chăng cảm giác đôi môi tham lam của người đàn ông ngoạm vào, mút chặt trong cơn ham hố?

 

Cảnh 2: Hoàng hôn. Trẻ chạy à à trong bóng tối nhập nhoạng ùa ra từ những đống rơm, bờ tường, chái bếp, dậu cúc tần. Anh mõ đã khuất bóng ngõ trên. Lũ trẻ còn cười hí hố gào ngõ dưới. “Chiềng làng chiềng chạ - Ngả vạ ăn khao…”

Tiểu Kính nằm rũ trước sân đình. Đầu gục sát mép cái rổ sảo trong đặt đứa bé tiểu mới nhặt được. Ông lí cựu gật gù khuyên bảo, cái chén rượu chưa một lúc nào rời tay. Ông lí đương đập cái quạt xuống đùi: “Thêm ba mươi hèo. Không chết thì chừa. Không chừa thì chết. Nó là thằng ba vạ từ đâu dạt về làng mà giờ dám làm bẩn tưởi cửa chùa hại cả làng này á...”

Tiểu Kính không còn sức kêu oan. Máu mồ hôi túa sũng. Cái đầu trọc da trắng xanh vùi vào rơm rác. Đứa trẻ hụt hơi khát sữa. Tiểu không dám nhìn. Mé sân đình kia, Thị Màu run rẩy. Da thịt sau khi sinh nở của người đàn bà trẻ sáng bừng. Tiểu tưởng chừng thấy hai vệt sẫm nơi chiếc yếm Màu đang mặc. Mắt Màu dại đi khi hết hèo nọ tới hèo kia quật xuống tấm thân tiểu Kính.

Mắt tiểu cũng dại rồi. Loáng qua trí tiểu là thân dáng đàn bà của chính mình ngày xưa, chưa nảy nở như Màu vì chưa qua sinh nở. Nhưng mà cũng đủ phồng và mẩy. Giờ đây tóp. Giờ đây lép. Hết rồi. Loáng qua trí tiểu những chiều quét sân chùa, luống cuống tránh bàn tay Thị Màu níu áo. “Thầy tiểu ơi! Thầy như táo rụng sân đình… Em như gái dở đi rình của chua này ớ thầy tiểu ơi…” Tiếng Màu cười khanh khách. Giọng Màu thúc bách. Man dại. Đam mê. Hoa tầm xuân thơm gần gần xa xa đâu ấy nhỉ… Mùi hương năm tháng cũ càng… Nàng từ chái bếp bối rối nhìn ra. Thiện Sĩ khăn áo xênh xang đi trong đám hỏi… Dáng cha già nghiêng gió thổi… Ngày nàng bị nhà chồng đuổi… Màu ơi!

Tiểu lịm dần. Không biết anh Nô cúi vực mình dậy, cõng về chùa. Không biết đôi mắt lá răm lóng lánh. Những giọt nước mắt mừng rỡ vì xong tội. Những giọt nước mắt ăn năn. Sư bà cắp cái rổ sảo đựng đứa bé hoi hóp vì khát sữa theo sau vệt máu rỏ từ thân tiểu, lắp bắp mãi hai chữ duyên nghiệp. Ngoài đình, trai đinh ăn uống bốc bải, hầm hừ chửi tiểu, chửi con nặc nô chửa buộm Thị Màu, chửi cái đời giai nghèo không dám với con gái nhà có của.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Cảnh 3: Tiểu Kính dáng gầy guộc chống vồ đứng thẫn thờ. Cánh đồng sau vụ mùa hoang vắng, lô nhô gốc rạ xám xám trắng trắng. Đầu bờ, một thằng bé con con tha thẩn đuổi bắt mấy con châu chấu ma. Sương bốc từ mặt đất hòa với sắc sáng của vầng mặt trời đang hụp xuống chân núi xa thành một màu hồng tím héo úa.

Tiểu Kính cắm cúi đập đất, cảm giác lồng ngực bị ép lại sau mỗi động tác giơ vồ. Thằng bé con con bắt đầu nhèo nhẹo: “Cha ơi, con đói.”

Cứ mỗi lần nghe tiếng đứa bé gọi cha, tiểu lại giật mình, lòng dạ nhàu nát tựa tơ dứt mãi không ra khỏi kén. Chao ôi, ai hay được bao đêm sau lần bị làng phạt vạ, sống dậy rồi, ngoi ngóp đi lại được rồi tiểu đã nghĩ gì. Việc đầu tiên tiểu làm là xin gặp sư bà, xin sư bà xá tội đã làm nhơ cửa chùa. Sư bà thong thả: “Mô Phật. Cửa chùa là nhà của Phật độ người bước lạc, độ người không nơi nương náu, đâu có phải nhà của thế nhân. Ta làm sao nói được cái câu thất đức đuổi con với đứa bé này đi. Làng đã phạt vạ rồi. Được trừng phạt vậy là coi như đã dứt được một phần nợ đời rồi. Con cứ ở lại đây. Dốc lòng mà nuôi thằng bé. Có điều con không thể sống đời thế nhân ngay dưới mái chùa… Xó vườn kia, dựng cái lều là đủ cho hai mẹ con chui rúc…”

Tiểu Kính bàng hoàng. Sư bà nói “hai mẹ con”. Nhưng giọng nói nét mặt an nhiên chẳng có vẻ gì nói nhịu. Im lặng. Trong bóng chiều nhập nhoạng dâng dầy nhà trai, tiểu thấy mình đang ở cuối một con đường le lói sáng. Từ buổi ấy, tiểu và đứa bé lủi thủi vào ra nơi xó vườn. Tiểu không phải bỏ tấm áo nâu sồng, vẫn cạo trọc đầu, vẫn lụi hụi quét sân chùa mỗi ngày. Thằng bé quẩn quanh nhặt hoa đại rụng, rằm mồng một lễ mễ bê về lều lộc Phật, những oản, chuối, xôi, tấm bánh đa vừng, củ khoai sọ sư bà nhờ người đi chợ mua giùm. Mùa tiếp mùa đuổi nhau đi. Tiểu lân la mé sân chùa, nhóng vào bàn thờ Phật mà không dám bước qua ngạch cửa.

Thảng như ngấm mỗi hương mùa. Này sen hạ nồng nàn. Này cúc thu đăng đắng. Này ngâu mùi hương sao mà mảnh khảnh. Và xuân cạn, sân chùa tím hoa xoan. Cứ ngỡ đời cũng theo mùa mà đi, chẳng có gì thay đổi nữa. Mà sao thiếu thiếu mãi một niềm gì. Đâu rồi tiếng cười khanh khách, đâu rồi giọng chòng ghẹo đầy thúc bách. Cái eo thon uốn quanh cán chổi dài tiểu cầm tay tránh né, vồng ngực đàn bà, đầu vú nổi sau làn yếm trắng lóa mắt. Đâu rồi? Những ngày gần mà xa chờn vờn níu kéo. Đêm nào bờ giếng. Thiện Sĩ đứng nép giậu cúc tần ngắm người vợ trẻ vừa tuột yếm. Thị Kính bối rối quay lưng khi nghe tiếng mẹ chồng thẽ thọt cuối chái nhà ngang về nết đàn bà đi đứng nằm ngồi. Chiều nào dốc bến. Thị Kính nhìn quanh trước lúc dìm mình xuống nước, thấy nụ cười mình tan trong sóng, nghe tiếng chúng bạn cười giòn về nỗi nàng quá đỗi rụt rè. Vòng váy dập dờn ôm trùm ngực gái tơ như chiếc lá sen đương thì ngày hạ. Bến trên, tiếng đàn ông cười như phá. Đôi ba thân hình trai trẻ trần truồng nhào bơi xuống lại vội vã bơi ngược lên khi nghe tiếng cười đuổi của đám chị em. Những trưa nào hanh hao nhoài người bên chiếc cối xay, nách áo mồ hôi đẫm. Những sáng nào gió hẩy ra đồng làm cỏ lúa, lòng phơi phới nhớ phiên chợ sắp tới, chẳng biết mình muốn gặp ai, chỉ thấy ngực hình như cứ mỗi ngày một căng hơn dù chưa tới ngày thấy tháng. Những đêm nào xong việc hàng xáo, dội ào gáo nước ngoài cầu ao rồi lẩy bẩy chạy vào giường, bàn tay đứa bạn gái quơ ngang ngực, bàn tay chính mình vuốt dài xuống bụng, rúc rích tiếng cười xuân thì. Lâu lắm rồi, ngực tiểu nén chặt sau dải vải diềm bâu, thân dáng thanh thoát nhìn qua tấm áo nâu sồng chẳng ai biết gái giả trai trốn nợ dương thế. Nhưng Thị Màu mất dạng. Những cô yếm trắng thì vẫn lên chùa. Không ai lơi lả đầu mày cuối mắt cùng tiểu nữa. Lòng tiểu an nhiên. Nghiệp này sắp dứt rồi chăng khi chữ duyên này cạn. Đứa trẻ lớn lên, thôi đêm đêm rúc đầu vào nách tiểu. Bàn tay tiểu cũng lâu rồi thõng bên mép chõng thôi không lần tìm thịt da mình. Tiểu chẳng biết, dưa muối qua ngày hay những cối rau răm giã nát vắt lấy nước uống đều đều đã giúp mình được vậy. Lòng không hờn oán nữa. Cũng chẳng còn thấy thương thân. Hình bóng Thiện Sĩ thôi không đi về trong những giấc mơ tục lụy nơi đất chùa. Chỉ có Thị Màu. Sao tiểu mong gặp lại Thị Màu, nghe lại tiếng cười khanh khách, giọng chòng ghẹo giòn tan thúc bách. Màu ơi!

Tiếng hát thì thầm:

Lên chùa chân em bước khoan khoan

Ta mô mô Phật mà tâm can rối bời

Búp sen này chắp lạy người

Ví bằng đổi phận được thì đời ra sao?

Tiếng đế:

Nỗi má đào…

Nỗi má đào…

Sư bà chậm chạp quay nhìn ra sân chùa. Trong bóng tối hậu liêu, sư bà thấy rõ dáng tiểu Kính mỗi ngày một còm cõi. Nhưng sao mắt tiểu sáng thế kia. Sáng như mắt người trong cơn sốt. Hằng đêm, sư bà nằm nghe tiếng gió động ngoài vườn, mất ngủ vì tiếng ho khúc khắc của tiểu. Đứng ngẫm nghĩ một lúc, sư bà bước ra sân:

“Đêm qua con ho nhiều hơn mọi đêm…”

Tiểu Kính dừng ngang vệt chổi, ngước mắt nhìn. Sư bà giật mình. Trong đôi mắt sáng kia thiếu hẳn một chút gì ẩm ướt như là bóng nước ngày xưa luôn có. Mắt tiểu sáng và khô. Là lòng tiểu yêu thương đã cạn rồi hay chỉ vì bệnh tật? Sư bà giữ giọng an nhiên:

“Thằng bé cũng nhớn nhao rồi. Con nên để nó tập làm dần. Mà ta muốn hỏi, sau này… con định cho nó ra sao?”

“Sau này…” Tiểu Kính nén tiếng thở dài, liệu còn có “sau này” nữa? Tiểu hít một hơi sâu, nghe đau đau trong lồng ngực. Má tiểu dậy một màu hồng rất mỏng khi tiểu mỉm cười nhẹ nhõm với sư bà:

“Đời con con còn không định được, gửi thân ở chùa, biết đâu… Cháu nó vẫn còn tuổi dại, thôi thì trăm sự cha con con xin nhờ cửa Phật…”

“Mô Phật! Dầu gì thì ta cũng phải hỏi cho biết ý con. Hôm rồi ngồi cùng bà lang Chỉ, ta nghe nói lá nhót lá táo sao vàng hạ thổ rồi sắc lấy nước uống có thể trị bệnh ho, con nên thử. Sắp lập xuân rồi, táo trổ hoa rồi, con xem, chỉ mấy hôm nữa giàn nhót lá xanh um cả. Vườn chùa hết thì sai thằng bé chịu khó nhảo vào trong xóm…”

“Bạch cụ…” - Tiểu nhẹ giọng trả lời sư bà, gắng nén một cơn ho đang cuộn dần lên trong ngực. Bất chợt nàng lại nghĩ tới hai chữ “sau này” của sư bà. Sau này, với nàng là bao nhiêu ngày tháng nữa?

Ít lâu nay giời đất đã ấm, nhưng tiểu ho nhiều, thấy lạnh về đêm. Mà da thịt lúc nào cũng hâm hấp nóng và ngực như bị cái gì nén chặt, một hơi thở nhẹ cũng đau đau. Lòng tiểu dẫu vậy vẫn bận bịu bao nhiêu ý nghĩ. Tiểu nhớ những oan nghiệt trải suốt đời mình. Nửa sau cuộc đời, tiểu chẳng biết mình sẽ tới đâu, chỉ biết, nửa trước đời mình nàng không trở về được nữa, mà cũng chẳng còn day dứt muốn trở về. Mẹ mất sớm khi tiểu còn tuổi dại. Cha cũng chết rồi trong nghèo túng, buồn tủi và nhục nhã vì bao nhiêu điều tiếng về con gái của xóm giềng. Tiểu nhớ chiều đông tìm về bên mồ cha mẹ trong bãi tha ma của làng. Mồ cha mới lấp không có người trông nom đã sụt ít nhiều. Cỏ khô sống sót dưới mõm trâu bò tháng đói nom lẳng khẳng không che kín đất. Muộn rồi. Trẻ trâu đã dong trâu bò về trốn rét rồi. Bầu trời xám nhờ úp chụp lấy nàng. Rải rác giữa bãi tha ma dưới chân nàng là vết tích trẻ chăn trâu đốt lửa. Như một ngày xưa còn đó. Tiểu khép vạt nâu sồng, ngẩng mặt nhìn trời, gió bấc quệt ngang rát má. Nàng không nghĩ về cha nữa, không nghĩ về đời mình nữa, với bao nhiêu vô tình thống hận. Mà sao nước mắt cứ ứa, lặng lẽ. Đấy là lần cuối cùng tiểu khóc. Cũng là lần đầu nàng hiểu ra bao nhiêu thống khổ của đời mình không phải sự bỗng dưng. Giá như nàng biết sống sao cho đừng đầy đặn một chữ tình đến vậy. Giá như nàng đừng thiết tha quá về cái đời chung mới sống, đừng băn khoăn về cái lông cằm mọc ngược của chồng. Ừ, đâu phải chuyện cái kéo ấy liền tay. Giá như nàng đừng thương đừng nể Thị Màu đến thế, đừng ngẫm về cái đời cam chịu của mình nhiều đến thế… để mà im lặng… thì liệu Thị Màu có thân chòng chành mắt lúng liếng mãi không? Giá như nàng đừng dằn vặt mình chong mắt đêm đêm. Thì sẽ có người khác nghe được tiếng trẻ khóc đòi hơi mẹ ngoài tam quan. Thì nàng sẽ không phải chịu roi vọt nhục nhã chết đi sống lại. Giá như nàng rời chùa bỏ đứa bé lại… Giá như… Giá như…

Bóng Thiện Sĩ chợt hiện lại mờ đi. Dáng Thị Màu chấp chới vờn quanh tiểu… má hồng môi thắm… yếm trắng váy chùng… vạt áo thắt quả găng phấp phới… cái mâm bồng chao nghiêng… Tiểu Kính hoảng sợ khi nhận ra mình nghĩ mãi về Màu và bị toàn hình bóng đàn bà ám ảnh. Trong trí nàng, hiển hiện những mắt môi, những ngấn cổ, những vòng eo, những bầu vú. Chẳng phải lúc nào cũng đẹp, nhưng gần gũi và tin cậy quá. Này bầu vú nhẽo nhèo của chị cả Năng chảy thượt dưới lần yếm nâu phai. Này núm vú đen đen của Thắm lần đầu có chửa. Này Gái với mái tóc rối và mùi da thịt đượm hơi than cả tháng trời sau sinh nở. Cuối cùng, trở đi trở lại, là cái cổ cao cao, cặp môi cắn chỉ, đôi mắt lúng liếng, làn yếm trắng căng và dáng hông lắc theo mỗi bước Màu đi. Màu ơi! Vờn quyến mãi gì nhau?

Tiếng thì thầm:

Em đa tình nên ta lại đa đoan

Chung thân rồi cũng thế còn oan trái nhiều

Lụy gì nhau một chữ yêu

Ném tung đi cho gió nổi bốn chiều bão giông

Thân ta đây làm đàn bà thì bị vu lỗi đạo với chồng

Gửi thân làm chú tiểu lại vướng vòng tình em…

Tiếng đế:

Ớ này nghiệp!

Ớ này duyên!

 

Cảnh 4: Bóng tối. Vườn chuối về khuya im gió. Thân chuối đứng im như bóng người tăm tối, cô độc bên nhau.

Đêm ấy, đêm tiểu Kính trút được thân xác, nàng vật vã mãi. Sư bà nghe tiếng trẻ con khóc váng lên gọi cha ở xó vườn, lặng lẽ thắp hương cắm suốt lượt bàn thờ rồi rời chân xuống với tiểu. Tiểu vừa thổ huyết, tấm thân mỏng dán xuống những nan chõng đã lên nước, một tay bấu chặt thành chõng, một tay sờ sờ vai nhỏ của đứa con đang khóc hức hức vì sợ. Sư bà bẻ cái nan vách làm nòm, lần xuống bếp thổi lửa, châm vào đĩa dầu. Sợi bấc rụt rè bắt sáng. Lần tay xuống ngang người tiểu, thấy lưng nàng sát mặt chõng, sư bà thở dài. Tiểu nhìn sư bà, mắt như có ánh gì chiếu rọi, đôi môi khô nẻ mấp máy, nhưng không một tiếng nào thoát được ra. Sư bà cúi đầu, lầm thầm một lời kinh. Tiểu rướn mình thở hắt, nhắm mắt, hai giọt lệ chảy ngược vào chân tóc.

Tiếng đọc chậm rãi:

Thuở làm vợ để chồng ngờ thất tiết

Lúc làm trai cho gái đổ oan tình

Phận liễu bồ sống vậy cũng bằng không

Tiếng đáp vọng:

Không…

Không…

Không…

Không ai biết, ở phút cuối đời, tiểu Kính đã mong một bàn tay cởi giùm dải vải diềm bâu dùng bó ngực bấy lâu cho đôi vú nàng được một lần căng nở phì nhiêu lại. Không ai biết, trong tấm thân xơ xác như mảnh lá chuối khô kia, trái tim vẫn còn đập rướn dưới bầu vú đàn bà teo quắt. Không ai biết, lúc đó tiểu Kính thấy gì. Nàng đã gặp. Phật bà Quan âm. Nét cười vô úy. Nhưng không phải nghìn tay nghìn mắt. Thay cho mắt, cho tay, là những nhũ hoa, những hạt mận xinh hồng, những nhụy tầm xuân ngả màu thâm, những bầu vú đàn bà vồng lên sau bóng Phật. Như những miền đồi khô hạn chạy về phía chân trời. Tiểu Kính thấy mình chập choạng, đi. Triền cao lũng thấp. Nàng vập mặt vào đất, giữa những bầu vú đàn bà. Tiếng hát nào thao thiết trên đất đai dẫn dắt nàng âu yếm thế. Phía ấy, nơi tuổi thơ, nơi thì con gái, nơi gió nao nao những mùi năm tháng cũ. Kính thấy mình bay. Tầm xuân.

 

Cảnh cuối: Mười mấy năm sau… Sân chùa. Đất ẩm sau mấy ngày mưa. Hơi xuân phơi phới lặng lẽ. Từng chùm hoa xoan bung cánh, màu tím còn chưa phai bạc, nhưng vẫn là cái màu chưa bao giờ lộng lẫy hẳn. Sư bà mới đi đâu về cúi mình bên vại nước rửa chân.

Thằng bé ngày xưa giờ đã thành chú tiểu, ăn uống kham khổ vậy mà dáng vẫn lộc ngộc cao to. Một chiều xuân có người đàn bà đuôi mắt đã rạn chân chim nhưng vẫn nhìn ra những ngày lúng liếng dừng bước trước mái tam quan, dắng tiếng. Tiểu lê chổi ra, người đàn bà run giọng. Tiểu ngoái nhìn. Sư bà dường không thấy không nghe, vẫn cúi mình bên vại nước. Gió rất nhẹ và hoa xoan rơi trên đất, như có như không âm thầm. Mặt tiểu ngơ ngơ bình thản. “Mô Phật. Thí chủ lầm rồi. Cửa chùa là nơi người gửi con chứ có ai lại tầm con. Mô Phật.”

L.M.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)