Người Ái Nghĩa

Thứ Sáu, 08/01/2021 16:26

. THÁI CHÍ THANH

 

Trong trại sáng tác văn học của Văn nghệ Quân đội ở Phú Yên, tôi có dịp gặp nhà thơ Nguyễn Giúp. Một lần, trong bữa ăn rất đông vui, anh kể lại những kí ức thời chiến tranh. Thấy anh hay nhắc đến Ái Nghĩa, tôi chợt nhớ kỉ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng, hỏi:

- Nhà thơ ở Ái Nghĩa à?

- Phải.

- Thế có biết một cô bé tên Hai nhà ngay bến sông Vu Gia không?

Nguyễn Giúp nhìn tôi, tò mò:

- Đó là nhà chị Hai tôi. Tôi hay sang nhà chị học bài và chơi mà.

Tôi nhìn người đàn ông luống tuổi đầy vẻ phong trần xứ Quảng và nhớ lại những gương mặt đã gặp ở thị trấn nhỏ bé ấy.

- Thôi đúng rồi. Tôi từng gặp ông. Hồi ấy ông nhỏ nhỏ, đen đen... đúng không?

Giúp đứng dậy nhìn chằm chằm vào tôi. Cả bàn ăn cũng im bặt, như nén thở dõi theo hai chúng tôi. Giúp bỗng lẩm bẩm: “Ủa... Hay quá ha” rồi bắt chặt tay tôi:

- Đúng rồi. Tôi đã gặp anh ở nhà chị Hai. Dù nhìn anh bây giờ chẳng còn nét nào ngày đó, nhưng anh kể tôi bỗng nhớ ra. Hay thiệt. Đã bốn lăm năm rồi…

Minh họa: Bùi Quang Đức

1.

Tháng 3 năm 1975, khắp các chiến trường bão lửa tiến công mà đơn vị tôi cứ án binh bất động ở Thượng Đức. Ngày 26 tháng 3 Huế giải phóng, chỉ cách Đà Nẵng con Đèo Hải Vân, vậy mà… Hay cấp trên quên chúng tôi? Đang lúc nhấp nhổm, lòng như lửa đốt thì có lệnh truyền miệng: “Cấp tốc xuống Đà Nẵng. Hành quân ngay, không tập trung đơn vị nhận lệnh, chỉ mang vũ khí, quân tư trang sẽ có đơn vị chuyển sau.” Lúc đó, tôi và mấy anh em đang ngồi quanh chiếc đài bán dẫn nghe tin chiến thắng, cùng reo như đã thắng trận rồi hối hả chạy xuôi theo dòng sông Vu Gia. Ra khỏi đường mòn, tôi thấy cơ man quân mình từ trong rừng núi túa ra. Ai cũng hồ hởi, nhằm hướng Đà Nẵng mà tiến, mặc cho lạc đơn vị, mặc thỉnh thoảng một vài loạt súng dội lên. Chạy mãi chẳng thấy địch đâu, không ổ đề kháng nào, chỉ gặp quần áo, vũ khí… chúng vứt bừa dọc đường. Một chiếc xe đò bị sa xuống vệ đường vô chủ, người lính trẻ măng, chẳng rõ đơn vị nào nhảy lên, vẫy tay gọi mọi người: “Các đồng chí. Xúm lại ủn nó lên đi. Tôi biết lái mà.” Một loáng, lính ta dồn lại cùng hò đẩy. Mừng quá, tôi nhảy lên chiếm một chỗ trước khi xe chật cứng. Chiếc xe è è mấy lần mới nổ, và như con thú hoang, giật chồm lên, chạy loằng ngoằng hơn trăm mét rồi bỗng lao húc vào một cổng trường tiểu học cộng đồng bên cạnh. Anh em kinh hoàng, nhảy vội xuống. Một người đàn ông trung tuổi từ trong trường chạy ra, nói gì đó nhưng tôi không nghe rõ, sau đó lên cầm lái. Ông ta lùi một cách dứt khoát, quẹo ra rồi dừng lại thò đầu khỏi cabin hỏi. “Các chú muốn đi về mô, tôi chở cho.” Người bảo Ái Nghĩa, người kêu Đà Nẵng... “Rồi! Tui cứ chạy xuôi đường 14 ni hé, đến mô các chú chỉ.” Xe như nêm cối, cả trên mui cũng chật cứng, chạy đến Ái Nghĩa thì được tin E66 đã giải phóng và tiếp quản trước rồi. Khi cách Đà Nẵng mươi cây số, chiếc xe bỗng chậm lại rồi tạt vào bên đường, tắt máy. Có chuyện chi rứa? Một người lo lắng hỏi. Người lái xe đầm đìa mồ hôi, lắc đầu, bảo: “Hết xăng rồi!” Hết xăng thì chạy bộ, dẫu sao chúng tôi cũng vượt xa đoàn quân của mình một quãng dài.

Lúc bấy giờ, tôi mới biết trên xe hầu hết anh em ở đơn vị khác, chỉ có tôi, Nguyễn Thanh Tùng và Vũ Sỹ Bình là lính D19. Bình bảo, nghe chúng nó nói đơn vị mình phối hợp với E24 giải phóng căn cứ Hòa Cầm. Nhưng Hòa Cầm ở mô? Đành vừa chạy vừa hỏi thăm. Thần tốc mà. Khi thành phố Đà Nẵng hiện lờ mờ trong mưa, chúng tôi nhập vào đội quân rầm rập trên đường, ai cũng hăm hở, phấn chấn. Thấy một người của E24 cùng đợt nhập ngũ vẫy, tôi mừng quá, reo lên: “Quang! Hòa Cầm ở mô?” Nó chỉ về khu gia binh nằm sâu trong hàng rào dây thép gai bao bọc: “Đó. Khu gia binh Hòa Cầm đó. Nhưng xong rồi! Bay đến chỉ nhặt ống cóng thôi.” Nó còn bảo: “Bọn tao cũng chẳng phải đánh đấm gì đâu. Họ phản chiến, tự giải tán trước khi bọn tao chiếm. Chỉ còn một ít thì đầu hàng. Đánh kiểu này thích thật.”

Đang háo hức vào Đà Nẵng, nên tôi và hai lính D19 lại tiếp tục tiến thẳng vào thành phố.

Mưa mỗi lúc một to, như chan xối, ai cũng ướt luốt nhuốt nhưng trong lòng đều bừng bừng khí thế. Đang chạy, tôi nghe ùng oàng phía biển và tiếng máy bay. Vuốt nước mưa để nhìn cho rõ, thấy phía sân bay Đà Nẵng có một chiếc trực thăng đang cất cánh. Dưới bụng và cả hai bên càng rất nhiều người di tản bám vào. Nguy hiểm quá. Tôi vừa thót người thốt lên thì chiếc trực thăng lệch nghiêng, quay quay một vòng rồi rơi xuống. Thanh! Nghe tiếng thét bên cạnh, tôi giật mình quay lại, nhận ra thằng Hoàng, bạn thân ở E66. Hoàng nói trong hơi thở đầy phấn kích: “Bọn mình chậm mẹ nó rồi, các cánh quân khác đã làm chủ thành phố. Đà Nẵng giải phóng mà chúng mình chẳng kịp bắn phát đạn nào.” Nó cũng như chúng tôi, đang lạc đơn vị. Thấy lính giải phóng mang băng đỏ đang chặn đường để hướng dẫn anh em tìm đơn vị, tôi kéo mấy người bạn né sang đường khác để chạy vào thành phố. Thì không được nổ súng, chúng tôi cũng phải khám phá thoải mái trước khi chui vào vòng quản lí của đơn vị. Chúng tôi chạy dọc đường đông nghịt người, ra đến tận bán đảo Sơn Trà, chỗ nào cũng thấy quần áo lính, cả xe đò, xe nhà binh, súng ống la liệt, quân dân lẫn vào nhau, ta địch cũng vậy. Tôi nói vậy vì lúc này còn rất ít lính ngụy mang quân phục, hoặc là họ cởi trần, hoặc dân phục để khỏi lộ.

Đến chiều, tôi, Bình và Cần cũng tìm được đường về đơn vị tại chính khu gia binh Hoà Cầm.

 

2.

Những ngày đầu giải phóng thành phố Đà Nẵng thật náo nhiệt. Sau trận mưa như sập cả đất trời, nắng miền Trung rát cháy bắt đầu thiêu đốt chúng tôi. Khổ nhất là trại gia binh Hoà Cầm mất nước toàn tập vì ai đó đã bắn một phát B41 thủng tháp, đơn vị phải liên tục cho xe đi chở nước về sử dụng.

Đơn vị tôi tiếp nhận hàng ngàn tù binh, nói đúng ra là hàng binh. Đa phần sau khi đăng kí tên tuổi, đơn vị xong, họ được về gia đình. Chúng tôi chỉ giữ sĩ quan để giao cho đơn vị khác quản lí, chọn một số lái xe, quân y, trưng dụng phục vụ đơn vị cho chiến dịch tiếp theo. Theo lệnh cấp trên, nhóm tôi chọn năm lái xe hàng binh để sử dụng xe địch bỏ lại rất nhiều dọc đường ra bán đảo Sơn Trà. Đi cùng chúng tôi, họ chẳng tỏ ra lo sợ, buồn bã khi thất trận, trái lại rất vui, tích cực, xông xáo. Kết quả, sau một buổi, chúng tôi đã có năm xe, gồm 3 xe Jeep, 2 xe GMC mang về. Trong năm lái xe, người tên Trung quê Quảng Tín rất quý tôi, định dạy tôi lái xe, nhưng tôi lại nhận nhiệm vụ mới, trở lại Ái Nghĩa đón thuyền máy chở quân tư trang, hậu cần từ Thượng Đức về. Trung lái chiếc Jeep, cắm cờ giải phóng chở tôi lên Ái Nghĩa rồi quay về đơn vị.

Thị trấn Ái Nghĩa sau hai ngày giải phóng đã bình lặng, cứ như chiến tranh đã lùi xa. Dân tình rục rịch tìm về nhà cũ, dần ổn định cuộc sống. Lúc đầu tôi thấy háo hức, nhưng lên đến nơi lại lo lo vì lúc này hầu như không còn một ai là quân mình ở đây nữa, tất cả đã dồn về Đà Nẵng. Dân tình hầu như nhà nào cũng có người là lính, không giải phóng thì ngụy quyền, không ít nhà có người chết trận vì đạn giải phóng, sao biết họ sẽ thế nào với mình. Ai gặp tôi cũng chào, vẻ lễ phép nhưng đầy cảnh giác. Không hề thấy bóng quần áo rằn ri của địch, dù rất nhiều thanh niên hoặc cởi trần, hoặc áo thường dân. Ai chẳng biết họ là tàn quân, nhưng thôi kệ.

Tôi tìm ngôi nhà to, vẻ khá giả ngay bến sông Vu Gia cuối thị trấn, xin nghỉ nhờ để tiện đón đoàn thuyền hậu cần từ Thượng Đức về. Khi thấy tôi đeo ba lô, khoác khẩu AK báng gập đi vào, cả nhà chạy ra, vẻ đon đả chào đón, nhưng tôi biết họ ngại. Sau khi nói lí do muốn ở nhờ một vài hôm, họ tỏ ra rất vui và nhiệt tình như đón khách quý. Gia đình chỉ có ba người, hai vợ chồng chừng bốn mươi và cô con gái khoảng mười lăm, mười sáu tuổi.

Việc đầu tiên, tôi mượn một cái nong to, viết lên đấy mấy chữ làm hiệu như cấp trên đã dặn rồi cắm lá cờ giải phóng, dựng sát bờ sông để anh em chạy thuyền đến sẽ cặp, chờ xe đơn vị lên chở về. Khổ nỗi, không rõ thuyền bao giờ đến nên tôi cứ thấp thỏm, chỉ dám quanh quẩn ở bến sông. Gia đình bố trí cho tôi ngủ phòng riêng khá chu đáo có giường nệm đặt sát cửa sổ nhìn ra bến sông cho dễ quan sát. Nhưng tôi cũng phải cảnh giác đề phòng, đạn lúc nào cũng lên nòng và không khóa an toàn, sẵn sàng ứng phó. Khuya, tôi bỏ màn, rải chăn như người đang ngủ trên giường, tắt đèn và nhẹ nhàng rải võng nằm ở góc phòng, đề phòng bị rình mò, thủ tiêu. Đến bữa, gia đình mời tôi ăn chung rất xôm xả. Mấy bữa liền tôi mang cá hộp và thịt hộp tiêu chuẩn ra góp vào bữa ăn, nhưng gia đình đều không cho mở. Mãi một lần, thấy bữa ăn có vẻ đạm bạc, toàn rau với đậu phụ, tôi bèn mở luôn cả hộp cá và hộp thịt mời mọi người. Chờ mãi không ai động đũa, tôi hơi ngỡ ngàng.

- Sao gia đình không ăn đồ hộp, ngon mà.

Ông bố bảo:

- Anh giải phóng cứ xài tự nhiên nghe, còn nhà tui bữa ni ăn chay.

Quả là tôi không biết, đang sượng hết cả mặt thì ông bố bảo cô con gái:

- Bữa ni con He coi lại bài vở nghe.

- Nhưng trường đang nghỉ, không biết sắp tới có…

- Răng không. - Ông bố liếc nhìn tôi rồi quay sang con, nghiêm giọng - Sắp thi tú tài một rồi nghe, không đỗ được học công lập thì nghỉ chứ không có tiền học tư thục mô. Đừng nghĩ mình giỏi mà…

- Đâu có - Cô bé có vẻ bẽn lẽn, nhìn tôi.

Quả thực nghe họ nói chuyện, tôi chỉ hiểu loãng đoãng vì tiếng địa phương, dù đã ở Quảng Đà đến nửa năm, nhưng ít tiếp xúc với dân nên chưa quen.

- Thế He học lớp mấy? - Tôi hỏi.

- Dạ. Con học mười một, thưa chú. - Cô bé trả lời rồi nhìn tôi, mắt không dấu vẻ kiêu hãnh.

Cơm xong, cô bé ngoan ngoãn ngồi học bài. Bỗng một cậu bé dáng gầy gầy, đen đen, kém He chừng một vài tuổi cầm cuốn vở chạy qua. Cậu ta chào tôi vẻ ngưỡng mộ rồi len lén nhìn khẩu súng dựng cạnh ba lô, hỏi:

- Dạ chú, súng ni nổ dữ hơn súng “cực nhanh” hông?

Tôi gật đầu, lấy thuốc lá hút, vờ như không để ý nhưng mắt vẫn không bỏ sót hành động nào của cậu bé. Chả biết đâu được, vùng đất vừa giải phóng, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Thấy cô bé và cậu con trai bắt đầu làm bài, tôi đứng sát cửa sổ, ngóng xuống bến. Chợt nghe tiếng hai đứa trẻ tranh luận với nhau về một bài toán, tôi chú ý. Tôi tò mò lại gần xem. Đó là bài toán phương trình bậc hai mà hồi đang học, tôi đã giải rất nhiều. Tôi chăm chú xem rồi gật gù. Cậu con trai thấy vậy, hỏi:

- Chú cũng biết giải à?

- Biết. Chú còn biết cách đơn giản hơn.

- Thiệt há? - Cô bé tỏ ra ngạc nhiên, đưa tôi tập giấy nháp - Chú bày cho tụi con đi.

Tôi không dùng đến giấy, chỉ bảo cách giải khác, đơn giản hơn. Hai đứa làm theo. Cậu con trai hỏi:

- Chú ơi, chú học lớp mấy rồi?

Tôi bảo học dở lớp mười rồi đi bộ đội. Hết chiến tranh chú lại đi học như các cháu thôi. Tôi cầm quyển vở của He xem rồi không nhịn được cười. Nhãn đề Trần Thị Hai, lớp 11A Trường THPT Đại Lộc. Thế mà tôi nghe thành He và cũng gọi He, vậy mà được dạ hoài.

- Ủa. Có chuyện chi chú?

Tôi giải thích làm hai đứa trẻ bật cười. Thấy không khí thân mật, cậu bé bảo tôi:

- Chú... chú có đánh nhau trên Thượng Đức hông ?

Tôi gật đầu làm cậu bé càng háo hức:

- Rứa... mà chú còn sống được. Giỏi thiệt. Cháu thấy hồi mấy tháng trước bên Cộng hòa đưa rõ nhiều lính dù, thiết giáp chạy rần rần, suốt ngày đêm ở trển không ngớt tiếng bom đạn... Cháu nghĩ răng mà các chú sống được... Kì thật hé!

Thấy hai nhỏ đang nhìn mình đầy ngưỡng mộ, khâm phục, tôi chợt vui pha chút tự hào:

- Còn nhiều chuyện kì hơn mấy nhỏ à. Nhưng bây giờ chú chợp mắt chút xíu, hai đứa khi nghe tiếng xuồng máy cặp bến thì đánh thức chú dậy nghe.

- Dạ. - Hai đứa trẻ cùng đáp.

Tôi đã ríu mắt nên vừa đặt lưng xuống giường là kéo luôn một mạch. Khi tỉnh dậy, chạy vội ra bến sông, thấy cả cây cờ và cái nong bị gió thổi đổ từ bao giờ. Tôi hốt hoảng hỏi mọi người xung quanh có ai thấy một đoàn thuyền cắm cờ giải phóng không. Người không, người có, người còn nói rõ nó mới chạy qua ít phút. Nghĩ đoàn thuyền của đơn vị nên tôi lo quá. Làm sao bây giờ? Phải đuổi theo! Tôi định chạy bộ, nhưng gia đình cho mượn cái xe đạp, đi theo đường 14B dọc sông, may ra kịp.

Tôi khoác khẩu AK, hộc tốc phi xe. Sau những ngày vừa giải phóng, trên bộ, dưới sông chộn rộn người, xe, thuyền xuôi ngược. Đạp khoảng dăm ki lô mét thì oái oăm thay, con đường tách xa dần, đành dắt xe đi về phía bờ sông. Gần đến nơi, tôi thấy một toán dăm người, lưng trần, quần nhà binh. Chắc họ là tàn quân đang chạy ẩn náu, nhưng tôi cứ thản nhiên, như không quan tâm, cũng không hề có cử chỉ sẵn sàng phòng vệ, rồi chủ động gọi to, vẻ thân thiện: “Các anh cho hỏi với, có thấy đoàn thuyền cắm cờ xanh đỏ chạy xuôi theo sông không?” Họ ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào tôi rồi lắc đầu bảo không để ý, sau đó, nhanh chóng lẩn đi, nhưng tôi biết họ đang dè chừng và theo dõi mình.

Trời đã về chiều, bờ sông tím dần, cảnh người, thuyền cũng thưa dần. Bấy giờ, tôi rất hoang mang. Càng đi, bờ sông càng lầy lội, không thể dắt xe đạp nữa, đành vác lên vai, len lỏi đi trong đám cây cối um tùm. Chợt nghe tiếng lội bùn lục xục phía sau, tôi vờ làm động tác gỡ một cành cây mắc vào bi đan xe đạp để quay lại quan sát và thoáng thấy mấy bóng người ẩn hiện. Rùng mình ớn lạnh, phản xạ người lính trận giúp tôi trấn tĩnh rất nhanh. Tôi biết toán tàn binh vẫn đang bám theo, nếu có hành động gì khác lạ, họ sẽ tấn công ngay. Vẫn để nguyên khẩu súng AK sau lưng, hai tay giữ chiếc xe đạp trên vai, tôi bước nhanh ra bờ sông. May quá, vừa thấy một chiếc thuyền gắn máy đang chạy giữa sông, tôi gọi to:

- Cho đi nhờ sang sông với… Cho đi với...

Người lái cho thuyền áp vào.

Sang bờ bên kia, tôi thấy tự tin hơn vì có nhiều người và xe máy, ô tô chạy trên con đường gần đó. Lóc cóc dắt xe đạp qua nhiều căn nhà nhỏ, lán ven bờ trong ánh mắt tò mò của nhiều người, buồn và lo lắng, nhưng tôi không thể tiếp tục được nữa.

Thấy một cụ già ngồi lặng ngắt như chiếc bóng trong túp lều dựng sát bờ sông, tôi dắt xe đến hỏi đường. Bà cụ cứ nhìn tôi trân trân rồi tỏ ra sợ sệt, bỏ đi. Bỗng một cô gái ngồi trên chiếc hon đa nữ, chạy qua. Tôi vẫy cô gái dừng lại, hỏi:

- Em ơi... Cho anh hỏi nhờ, về Ái Nghĩa đường nào?

Cô gái xuống xe, nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên:

- Ủa... Mà răng chú giải phóng lại ở đây?

- Tôi có việc.

Không để tôi nói hết, cô gái chỉ lên mấy căn lán nhỏ, nơi bà cụ đi vào:

- Ở đây lộn xộn lắm đó chú. Con cũng về Ái Nghĩa nè. Chú dắt xe lên đường lớn đi. Con chỉ cho.

Cô gái rồ ga, cho xe chạy lên trước, đứng chờ. Tôi lên đến nơi, tấp xe sang vệ đường, cạnh xe cô. Bấy giờ, tôi mới nhìn kĩ cô gái, khá xinh và trẻ, bằng tuổi tôi là cùng. Cô gái hỏi:

- Chú giải phóng về nhà ai ở Ái Nghĩa zậy? Đưa con dìu về luôn.

Thấy tôi có vẻ ngại, cô cười rất tươi:

- Chú hổng có ngại nghen! Xa lắm đó.

Tôi gật đầu đồng ý, nhưng lúng túng, không biết xử lí chiếc xe đạp thế nào.

- Có khi chú bỏ xe lại, ngồi sau để con kèm về.

- Không được, xe đạp tôi mượn của dân, ai lại...

- Ui chao, cái xe cũ rồi mà chú. Mà chú là giải phóng thì sợ chi. Hay con gửi nhà quen rồi lấy sau, chú.

- Cũng không được. Của dân là của dân.

- Kì cục ha.

Hai người loay hoay không biết nên đi như thế nào cho thuận lợi. Chợt tôi có sáng kiến, cột dây chun vào đuôi xe máy, làm “rơ mooc”. Cô gái mỉm cười và cởi dây chun đang quấn ở đuôi xe đưa cho tôi, khẽ nói “Ngộ thiệt ha!” Sau khi tôi buộc chắc chắn hai đầu dây, cô gái bật đèn rồi rồ ga, phóng đi.

Đoạn đầu, đường dốc và hẹp nên cô chạy chậm. Tôi ngồi trên xe đạp điều khiển không khó lắm. Nhưng từ lúc đi qua thị trấn Tuý Loan, cô chạy nhanh dần, làm sợi dây chun căng ra, cảm tưởng rờn rợn nó đứt phựt, bắn vào mặt mình đến nơi. Lại những lúc cô phanh gấp, tôi bị động không kịp hãm, suýt đâm vào xe máy, hết cả hồn. Thấy không ổn, tôi kêu to:

- Dừng lại... dừng lại!

Phải mấy lần tôi gọi, cô gái mới nghe rõ.

- Hay em chỉ đường anh tự đi. Kiểu này kinh lắm...

Cô gái chợt hiểu nỗi kinh hoàng của tôi, bật cười, lộ hàm răng trắng lấp lóa trong ánh xe ngược chiều, rất đẹp.

Cô bảo tháo dây chun rồi để tôi vác xe lên vai, ngồi cẩn thận và cho xe chạy. Lúc đầu, tôi rất căng thẳng. Xe đạp cứ loằng ngoằng, lại vướng khẩu súng AK khoác chéo sau lưng, rất dễ va vào những xe ngược chiều. Nhưng chỉ lát sau, tôi đã lựa được thế giữ thuận nhất, nên khá dễ chịu. Lần đầu tiên được ngồi sau xe máy của một cô gái xinh đẹp, mùi thơm dìu dịu nước hoa, son phấn… tất cả, khiến tôi ngây ngấy muốn sốt. Tuyệt nhất là mái tóc uốn bồng bềnh bay ngược về sau, như xoa, vuốt vào mặt tôi... Rồi khi cô thắng xe làm cả người tôi dồn lên, áp vào, lúc ấy, như có luồng điện cao áp chạy qua người. Đang mê mẩn cảm xúc đời lính lần đầu có được thì chiếc ghi đông xe đạp như trêu tức, bỗng gạt tóc cô gái khỏi mặt tôi sau cú xóc ổ gà. Tôi muốn thay tư thế ngồi, bẻ lại chiếc ghi đông xe đạp trở lại như cũ để được sát vào người cô hơn, được tóc cô vờn vờn vào mắt, nhưng lại sợ cô khó điều khiển, đành ngồi yên. Không hiểu cô có cảm nhận được cảm xúc của tôi không mà điều khiển xe máy rất điệu nghệ, dù lúc tránh xe hay lên xuống ổ gà. Tưởng đường dài, hóa ra chỉ một lát sau, chúng tôi đã về đến Ái Nghĩa.

Cô gái định đưa về tận nhà cô bé Hai, rồi mời tôi qua thăm nhà. Đang hồi hộp chuyện làm quen cô gái thì thấy bến sông ồn ã cảnh người bốc vác. Thì ra, đoàn thuyền đi chậm, mãi gần tối mới tới nơi. Tôi mừng đến phát khóc. Chẳng kịp giữ lời hứa, thậm chí quên cả hỏi tên cô, tôi lao vào cùng đồng đội chuyển quân trang, hậu cần lên xe, chia tay vội vàng gia đình cháu Hai rồi theo xe về Đà Nẵng.

 

3.

Chúng tôi ở lại đó một thời gian để chuẩn bị cho chặng đường cuối cùng của cuộc chiến. Đó là những ngày sôi động và ăm ắp kỉ niệm của đời lính. Không gian thành phố lúc đó sao mà náo nhiệt. Trên trời từng tốp máy bay A37 ta thu của địch đang tập ngày tập đêm để tấn công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đường biển, đường bộ thì tàu, xe, pháo và bộ đội. Hàng trăm xe của các hãng dân sự được huy động chở quân ta “thần tốc” theo Chiến dịch. Trong khi chờ lệnh đi tiếp vào phía trong, chúng tôi được giao nhiệm vụ đến từng thôn xóm để dân vận, xây dựng tổ chức cách mạng, nếp sống mới.

Tôi và hai đồng đội cùng đơn vị được phân công sống với dân tại xã Hoà Thọ, huyện Hòa Vang, lúc ấy là ngoại thành thành phố Đà Nẵng. Mấy anh chị du kích đưa tôi đi chọn nơi ở. Một ngôi nhà nhỏ, có vẻ nghèo nhưng hấp dẫn tôi bởi cây guitar treo trên tường. Hóa ra nhà toàn đàn bà, mẹ và hai cô con gái. Cô chị chừng 20, tên Đồng Thị Xừng, không đẹp, không xấu nhưng tính tình nhu mì, có duyên. Cô em tên Thu Họp, đang học ở một trường trung học trong thành phố. Gia đình rất quý tôi nhưng không hiểu sao có cái gì đó như cảnh giác, khó cởi mở. Mãi một đêm, lúc ấy đã khuya, tôi thấy thấp thoáng bóng người đàn ông luẩn quất sau nhà, chắc nghĩ tôi đã ngủ say, bà mẹ và cô chị đi theo rất lâu mới về. Tôi đoán người đó hoặc là con, hoặc rất thân của gia đình là lính ngụy đang trốn, chưa ra trình diện chính quyền cách mạng. Quả không sai, gia đình thú nhận đó là cậu con cả, từng tham gia vụ nổi dậy phản chiến tại khu gia binh Hoà Cầm trước giờ giải phóng. Một lần, tôi bảo bà mẹ, sẽ làm như tình cờ, để tôi gặp cậu ta. Người thanh niên tỏ vẻ sợ sệt, tôi phải phân tích, bảo đảm an toàn, anh ta mới chịu trình diện rồi trở về nhà. Hóa ra, cây guitar là của anh ta, tất nhiên, anh ta được mời tham gia đội văn nghệ Hoà Thọ, chuẩn bị cho đêm biểu diễn đầu tiên của Hoà Vang sau ngày giải phóng. Chương trình ấy, các tiết mục đều do chúng tôi tự chọn rồi tập cho mọi người. Bao nhiêu vốn liếng ca múa đều được huy động ra mà vẫn thiếu. Ba chúng tôi chia đội thành từng tốp để tập. Trong không khí mới giải phóng, họ rất hào hứng, tập say sưa, dù sai be sai bét cả nhạc và lời, tất nhiên phần nhiều lỗi do chúng tôi tập sai. Nhớ lại thấy buồn cười và thú vị, vì chúng tôi vốn dĩ đã không có khiếu âm nhạc, lời bài hát nào cũng lõm bõm nên cứ phải tự sáng tác thêm. Còn thanh niên tập nhạc đỏ không quen, nên lúc như hô khẩu hiệu, lúc lại sướt mướt dầm dề. Vẫn biết nguồn văn nghệ trong dân chúng vô cùng phong phú, nhưng bọn tôi không dám khai thác vì sợ “văn hoá chế độ cũ”.

Cứ chiều chiều, cô bé Thu Họp rủ một tốp năm sáu nữ học sinh cùng trường đến xem. Một lần, Thu Họp rụt rè đề nghị tôi cho các cháu cùng tập để góp tiết mục. Quá hay! Tôi “nhiệt liệt hoan hô”. Các cháu phấn khởi vô cùng, không khí văn nghệ náo nhiệt hẳn. Chẳng hiểu trước kia tuyên tuyền về “Việt cộng” xấu xa ra sao, nhưng đứa nào cũng quý mến các chú giải phóng, nhất là tôi, người trực tiếp tập cho các cháu. Các cháu khác hẳn đám cùng trang lứa quê tôi, mới tuổi trăng tròn nhưng phổng phao, nẩy nở như thiếu nữ và vẫn rất hồn nhiên, nghịch như quỷ sứ. Tập bài đồng ca Miền Nam chúng em, các cháu thuộc rất nhanh, nhưng khi đến câu: Dừa xanh xanh Bình Định. Dừa xanh xanh Tháp Mười, dừa xanh xanh Hậu Giang, làng quê em ngàn dừa, các cháu không hát theo mà phá lên cười. Tôi hỏi: “Răng lại cười?” Cháu tên là Hải Yến, vốn dĩ nghịch nhất nhóm, liếc cặp mắt sắc đến hút hồn bảo: “Dạ chú. Con thấy nó kì kì…” “Sao lại kì kì?” “Dạ. - Thu Họp ấp úng trả lời thay bạn - Vì Đồng Tháp hổng có nhiều dừa mà chú.” Đến lượt tôi ớ người ra, phì cười vì “thầy” nhớ sai, bèn sửa lại: Đồng xanh xanh Tháp Mười…

Một lần, trong lúc nghỉ giải lao, tôi hỏi các cháu có bài nào hay, hát chú nghe coi.

Các cháu đưa đẩy nhau. Thu Họp bảo:

- Bạn Hải Yến hát hay nhứt trường đó chú.

- Chú biết giọng Hải Yến rồi. Nhưng chú muốn nghe một bài các cháu thích nhất ấy, nhạc của ai cũng được.

Các cháu thì thầm trao đổi. Hải Yến có vẻ chần chừ rồi đứng dậy, sửa lại mái tóc, lấy giọng và hát. Lúc đầu, cháu có vẻ ngại, nhưng đã lấy được “tông” rồi, rất tự tin, biểu diễn như diễn viên trên sân khấu. Gọi nắng... trên vai em gầy đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn, lòng em có hay...

Lần đầu tôi được nghe bài này, giọng ca trong trẻo của cô nữ sinh Đà Nẵng đã hút hồn tôi. Cái nắng oi ả như mềm đi, không gian cũng trở nên mờ ảo.

Hải Yến hát xong, mọi người đã vỗ tay, mà tôi vẫn ngây ngất. Các cháu ngạc nhiên khi tôi khen hay và hỏi bài gì và của ai. May mà tôi không hỏi Trịnh Công Sơn là ai, chứ không thì...

Bài hát gợi liên tưởng đến sự khắc khoải của Hàn Mạc Tử, nên tôi hỏi:

- Các cháu có ai biết ngâm bài Đây thôn Vĩ Dạ không?

Thu Họp chẳng chờ tôi gợi ý, hăng hái ngâm luôn. Tôi bảo, sẽ lấy thêm hai tiết mục này bổ sung vào chương trình biểu diễn. Các cháu vui lắm. Nhưng hôm tổng duyệt, thủ trưởng bảo chỉ được bài của Thu Họp thôi. Tôi bảo, hai tác giả đều phía Nam mà, sao chỉ được một. Lí do được đưa ra, bài thơ có trong sách giáo khoa, còn bài hát, chính ông ấy cũng chưa nghe bao giờ lại ủy mị, sướt mướt.

Hẳn nhiều người dự đêm văn nghệ vẫn còn lưu lại dư âm đầy cảm xúc đến bây giờ. Sân khấu hoành tráng bên bãi đất rộng gần cầu Đỏ bắc qua sông Hàn. Thông báo đêm văn nghệ mở màn từ 7 giờ tối mà cứ loay hoay, ban tổ chức sắp xếp, cãi cọ nhau về từng tiết mục nên mãi gần 12 giờ đêm mới bắt đầu. Cả bãi đất mênh mông chật kín người. Người ta háo hức coi văn nghệ đời mới, muốn hưởng thụ không khí là chính, chứ ai chả biết toàn cây nhà lá vườn, có lúc đang diễn phải xin lỗi dừng lại vì giới thiệu một đường, biểu diễn một nẻo. Nhiều bạn trẻ không quen hát “nhạc đỏ” nên vênh, đoạn cao lạc giọng chẳng khác gì hô khẩu hiệu. Khán giả cũng chẳng mấy ai biết bài đó nên những tràng vỗ tay, tiếng reo hò không bao giờ ngớt, náo động cả trời đêm. Xen giữa các tiết mục, điều mà tôi chưa bao giờ thấy là nhiều khán giả lên sân khấu để tặng tiền, tặng quà cho các ca sĩ, cho ban tổ chức.

Đêm văn nghệ kết thúc vào ba giờ sáng. Phông màn dỡ rồi mà dân vẫn chưa muốn về. Mờ sáng, chúng tôi mới thu dọn xong. Mệt nhưng ai cũng vui, phấn chấn, hồ hởi.

Vừa về đến nhà, tôi nhận lệnh chuẩn bị hành quân gấp. Vội nên chỉ kịp chia tay chủ nhà. Nhưng bà con Hoà Thọ được tin kéo đến đầy sân. Dân mình ở đâu cũng thật tình cảm. Nhiều người cho tiền, tôi không dám nhận vì chuyện này “mới” quá. Xe chạy rồi thấy cóc ba lô cồm cộm, xem, hóa ra bà con bí mật nhét tiền vào đấy. Tôi thực sự xúc động và thầm cảm ơn tấm lòng của người dân Hoà Thọ. Áy náy nhất là không kịp gặp lại đội văn nghệ mà theo kế hoạch, chiều hôm đó sẽ liên hoan, nhất là nhóm thiếu nhi của tôi.

Khi đoàn xe chuyển bánh qua ngã ba Hoà Cầm, tôi thấy các cháu đang đứng nép bên đường, giơ tay vẫy vẫy và có ý tìm tôi, thấy rồi, chúng hò reo cho đến khi xe qua cầu.

*

* *

Bữa cơm hôm ấy kéo dài đến chín giờ tối. Nhà thơ Nguyễn Giúp nhìn tôi chằm chằm như cố tìm hình ảnh “chú giải phóng” mình gặp năm xưa.

- Vậy đã có lúc nào anh trở lại những vùng đầy kỉ niệm đó chưa?

Tôi thành thực:

- Ở Hòa Thọ có trở lại mấy lần, nhưng cũng phải mấy chục năm sau. Đổi khác lắm rồi, chẳng gặp được ai.

- Còn Ái Nghĩa, quê tôi?

- Chưa ông ạ. Khổ thế đấy. Cứ tưởng sau chiến tranh mình sẽ thăm lại, thế mà chẳng hiểu sao, đến bây giờ vẫn chưa.

Nhà thơ Nguyễn Giúp lấy điện thoại:

- Tôi gọi chị Hai nhé, chị ấy lấy chồng gần, vẫn ở Ái Nghĩa.

Không hiểu sao, tôi lại thấy hồi hộp, nên bảo:

- Từ từ đã... Hay là để dịp tới, tôi sẽ lên thăm ông và chị ông luôn thể. Để bất ngờ xem còn nhận ra không.

Nguyễn Giúp gật đầu, hẹn tôi ngày về Ái Nghĩa quê anh.

Tôi nắm chặt tay nhà thơ, lòng bồi hồi hình dung ra cô gái ngày nào sau gần nửa thế kỉ. Và cơ duyên, nhỡ được gặp lại cô gái đi xe hon đa lần ấy thì sao. Cuộc đời chẳng biết đâu được. Nhưng mà đã gần nửa thế kỉ rồi, cô ấy cũng như tôi, đã lên ông, lên bà...

Chỉ có kỉ niệm là đẹp mãi, trẻ mãi.


Trại viết VNQĐ, Phú Yên, tháng 5/2020
T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)