Bán mình

Thứ Tư, 03/03/2021 00:05

. KIỀU BÍCH HẬU

 

Lấm lét nhìn sang đám tù nam đang trong giờ lao động công ích ngoài trời phía cánh phải trại giam, Sam cố nén hơi thở mỗi lúc lại dồn lên như chị vừa chạy gấp. Tiếng huýt sáo miệng vẩn vơ ám trong não lời bài hát chị thuộc từ nhỏ.Cuộc đời buồn, cuộc đời lắm đớn đau. Cố níu kéo vẫn mất nhau. Cuộc đời ơi, tóc tang một màu…

Minh họa: Tô Chiêm

Không hiểu sao, gã ấy lại cũng thích bài hát mà Sam dù không muốn, đã nằm lòng từ thuở bé bởi mỗi khi mẹ ru chị ngủ, bà thường nhai đi nhai lại điệu buồn này. Vào những đêm trằn trọc tức tưởi trên bục xi măng trong buồng giam, thèm một bàn tay động chạm vò nắn khắp thân, tự nhiên, Sam lại thấm điệu buồn ấy đến thế. Tiếng huýt sáo môi lởn vởn ma mị lẩn vào từng thớ thịt, ngấm vào trái tim lạnh giá của Sam. Những khi tim lạnh, chìm người trong nỗi buồn hun hút sâu, là Sam nhớ mẹ - người đàn bà miền xuôi không biết lí do gì ôm Sam lên miền núi và lấy một người đàn ông H’Mông làm chồng để rồi bỏ lại Sam lúc ấy lên bảy tuổi sau một lần đi rừng gặp lũ quét. Sam cũng chẳng biết mình có yêu mẹ hay không. Chỉ là nhớ, thế thôi.

Trong lúc Sam đang cúi vò cái giẻ lau dưới vòi nước trong khu nhà vệ sinh nữ, thì ba nhát bộp đau điếng vào mông phải khiến chị vẹo cả người. Sam ngẩng lên, gặp ánh nhìn lạnh như thép quét qua mắt chị, rồi hạ xuống, đăm đắm dán vào bộ ngực đẩy cao làn áo tù xám xanh. Chị bất giác đưa tay lên che ngực. Phản ứng tự vệ của người đàn bà. Nhưng đúng lúc ấy, gã quay gót, biến lẹ. Đó là màn làm quen của đại ca mâm trên trong khu trại giam.

Sam biết đại ca thích chị. Đôi ba lần sau, trong những giờ lao động công ích, gã tìm cách lướt qua chỗ chị làm việc, huýt sáo môi giai điệu bài hát ấy, như một thứ ám hiệu. Và rồi đêm đêm, tiếng sáo môi ma mị lẩn qua bức tường ngăn, lẻn qua hai lần song sắt, bay đến vờn giỡn thân thể Sam, chui vào trong áo quần, đánh thức từng tế bào, cởi từng xúc cảm nén chặt, kích thích khao khát ngủ vùi suốt hơn năm năm qua.

- Sam, em có muốn làm vợ đại ca không? - Câu hỏi đột ngột của Hiên vang lên từ cái bục xi măng bên cạnh trong đêm khuya, khi tiếng sáo môi ma quái đã lặng từ lâu.

- Chị chưa ngủ được ư? - Sam đáp lại bằng một câu hỏi.

- Ngủ thế quái nào được! - Hiên trằn mình xoay về phía bục xi măng nơi Sam đang nằm - Chủ nhật tới, trong giờ lao động công ích, khi tiếng sáo lần thứ ba của đại ca vừa dứt, thì mày đi vào nhà vệ sinh nhé. Sẽ được một màn ra trò đấy.

Sam lặng đi, dường như chị nghe tiếng nuốt bọt lộ liễu của Hiên.

- Em không tới đâu. Quản tù bắt được thì khốn. Vả lại, em còn có chồng, không làm thế được - Sam thì thào, nhưng chẳng tin lắm vào lí lẽ của mình.

- Mày án tù chung thân, còn “chồng trọt” gì nữa! - Hiên gắt nhỏ - Làm đi, đại ca cho tiền đấy. Quản tù không động vào đâu, đại ca bao trọn gói hết rồi. Vừa sướng, đỡ thèm nhạt bấy lâu, lại có tiền mà gửi cho thằng con.

- Sướng thế sao chị không hưởng đi, mà đùn cho em? - Sam nói, nhưng biết ngay là mình lỡ lời.

- Con đĩ này, mày nghĩ đã vào đây, mà tao với mày còn có quyền lựa chọn hả? Chẳng qua đại ca thèm của lạ thôi. Chứ hồi trước, ông ý cũng thích tao, chén vã được vài bận, nhưng có lẽ tao già quá rồi, hoặc là hồi ở ngoài kia, tao đã dùng gần cạn vốn… - Hiên thở dài.

Sam biết “chị Cả” có ý gì. Hiên từng là gái mại dâm, sóng gió với biết bao gã, bị bắt vì tội tổ chức bán dâm tập thể, thác loạn động trời. Nhưng chị ta cũng chỉ còn mấy năm thụ án nữa. Còn Sam, án tù chung thân vì cái tội thật ngớ ngẩn.

 

*

* *

Vợ chồng Sam sống trong ngôi nhà trình tường dưới chân một ngọn núi đá khu Quản Bạ. Sam lấy Thung làm chồng khi cô mới 16 tuổi. Tết năm ấy, ngày xuân, hoa dại nở trắng bên đường. Hoa càng dại, hương càng thơm, Sam tung tăng, tay tạt qua những bông hoa đang ngửa lên trời hứng nắng. Hương ngát trên từng ngón tay Sam. Đám đàn ông du lịch qua vùng này bảo, đấy là hoa con đĩ, cứ chạm vào là thơm ngậy lên, vời ong bướm đáp. Sam chẳng biết hoa dại cỡ nào, nhưng Sam thậm chí còn dại hơn hoa. Trong lúc đang mải ngắm, mải ngắt hoa, Sam bị Thung thình lình vỗ mông rồi kéo tuột về nhà bắt làm vợ. Sam nào có biết gì đâu. Với lại, Sam cũng chẳng muốn trở về ngôi nhà u buồn của cha dượng làm gì. Vậy là Sam ở lại. Thung nhỏ hơn Sam hai tuổi. Lấy nhau được năm năm thì Sam sinh thằng cu Vẹt.

Cu Vẹt là đứa trẻ rất lạ. Gương mặt đẹp chi li từng nét, như tranh vẽ nắn nót - kiểu người họa sĩ cầu cạnh sự hoàn hảo của nhân diện, nhưng ánh mắt Vẹt lại thẫn thờ, không bao giờ chú mục vào điểm nào, cái gì. Vẹt chậm nói, mãi khi lên năm mới phát ra tiếng người. Nhưng lại không bao giờ nói điều gì nó muốn, chỉ lặp lại những gì người khác vừa nói với mình. Sam gọi tên con là Vẹt vì lẽ đó. Nếu chị gọi “Vẹt ơi!”, lập tức Vẹt cũng đáp lại “Vẹt ơi!” Những lúc con đói, chạy nhắng khắp nhà, Sam kêu “Vẹt đói à?”, Vẹt đáp “Vẹt đói à.” Thấy nghi ngại, Sam hỏi chồng, thì chồng chỉ ngu ngơ: “Nó là Vẹt mà.”

Sam tự trách, mình hỏi chồng làm gì cho phí lời. Nhưng trong nhà này, chỉ có Thung là còn biết nói. Mà mỗi lần Thung cất tiếng, cũng chỉ đòi rượu. Ăn mèn mén cũng uống rượu, ngồi không cũng uống rượu, nửa đêm tỉnh giấc cũng vớ chai làm tợp rượu. Trời tang tảng sáng, Sam thức dậy đã thấy chồng say lật lưỡi. Thung cứ lờ đờ ngu ngơ cả ngày đêm, không đi nương, đi rẫy được. Bố mẹ Thung và em trai đã chết sau một lần cả nhà bị ngộ độc vì ăn mèn mén mốc. Lần đó, Thung cũng nằm viện cả tháng trời, may mà còn sống được để lết về nhà với mẹ con Sam. Chẳng biết là may hay không nữa, vì sau tai nạn đó, Thung lại càng uống rượu tợn hơn. Trong người chồng của Sam, rượu chảy nhiều hơn máu. Có lúc Sam tự hỏi, phải chăng thằng Vẹt kì quặc như thế là do chồng Sam uống quá nhiều rượu?

Một mình Sam đi làm nuôi ba người, ngô trồng trên núi không đủ làm mèn mén ăn qua ngày nên Sam mượn tiền mua cái xe máy, hàng ngày chạy quanh mua rau củ của bà con, chở lên chợ huyện Quản Bạ bán ăn chênh lệch. Có đồng ra đồng vào, Sam trả nợ, cho con trai đi học. Nhưng cu Vẹt đi học được hơn một tháng thì nhà trường trả về. Cô giáo bảo, cu Vẹt chẳng có não người, không nhận thức được gì cả, cô nói gì cũng chỉ lặp lại, ngồi trong lớp, cô giáo đang giảng bài, chẳng yêu cầu mà Vẹt cứ oang oang y chang. Khó chịu lắm, cả lớp không học nổi với Vẹt. Sam đành chuyển con sang trường khác. Hai tuần sau thầy giáo cũng yêu cầu Sam đừng đưa con đi học nữa. Đến ngôi trường thứ ba thì thầy giáo bảo. “Vẹt bị tâm thần rồi. Đừng đưa đến trường nào nữa. Cô nên đưa con đến bệnh viện chữa đi.”

Nghe đến hai chữ “bệnh viện”, Sam thất kinh. Sam bị ám ảnh bởi nó. Hồi sinh cu Vẹt, cái thai ngược, chị phải đến chỗ ấy mổ lấy, sau đó phải bán hết nữ trang của mẹ để lại, bán cả hai đôi dê giống, vốn là kế sinh nhai cho cả nhà mới đủ trả viện phí.

Sam quyết định, tạm thời để con ở nhà cho Thung trông. Đằng nào chồng chị cũng chẳng thể đi làm ra tiền, ra ngô khoai được. Còn chị một mình chạy chợ, hi vọng, khi tích cóp đủ, sẽ cho con đi bệnh viện. Chẳng biết bao nhiêu tiền mới đủ để chữa cho con, nhưng chị đoán là rất nhiều.

Một hôm, có người lạ tìm đến nhà nhờ chở một gói đồ tới khu chợ huyện giao cho người quen. Giao đồ xong sẽ được trả công. Sam nhận ngay, bởi đằng nào thì chị cũng chở rau củ, ngô khoai đến đó bán, chở thêm gói đồ có nặng nhọc gì, lại được thêm tiền công thì tốt quá.

Lần đầu tiên ấy, Sam được trả công ba mươi ngàn. Chị thấy vui vui. Lần sau, người ta giao hàng nhiều hơn với số tiền công lớn hơn. Chị mừng thầm trong bụng, cố giữ mối chở hàng này. Chị chỉ quan tâm tới việc sẽ kiếm tiền được nhanh hơn nên cũng chẳng cần hỏi xem trong bọc nilon đen gói kín kia là cái gì. Cho đến một hôm, chị không mang rau củ ra chợ nữa, mà chở một xe hàng thực phẩm giao tận huyện Yên Ninh. Trên đường chị bị công an bắt, lúc đó Sam mới vỡ lẽ, trong món hàng mà chị mang đi giao kia, có cả mấy ki lô gam ma túy. Không chỉ ra được kẻ cầm đầu đường dây, Sam trở thành chủ nhân bất đắc dĩ và bị kết án tù chung thân.

Minh họa: Tô Chiêm

Chằng cu Vẹt vào người mình bằng sợi chão đã rão, cảm thấy yên tâm, Thung chạy xe tới bến xe khách huyện Quản Bạ. Anh và thằng con trai đứng chan nắng ở cổng, chờ khách thuê. Từ hồi vợ bị bắt vào tù, Thung đã tỉnh ra, chật vật cai rượu, rồi dùng cái xe máy vợ để lại, làm phương tiện chạy xe ôm kiếm tiền sống và nuôi con qua ngày. Có những người khách quen, thương cảnh người đàn ông đen đúa, gày nhẳng chằng chặt con vào người mình bằng sợi chão, nên thường thuê anh chạy xe ôm, và còn thưởng thêm tiền.

Chan nắng cỡ nào hai cha con cu Vẹt cũng chịu được. Nhưng mỗi khi gặp mưa bất thình lình trên đường, không kịp tránh, ướt như chuột là khổ nhất. Có lần dính mưa, cả hai cha con sốt cao, Thung chỉ có thể đủ sức lần ra chum múc nước lã tu ừng ực, lấy thêm đầy ca nhựa vào giường cho cu Vẹt, rồi lại nằm lăn ra thở. Sốt, đói rã họngcũng phải cố lết nấu lấy nồi cháo loãng mà ăn. Thế mới biết, không có vợ ở nhà cực tới nỗi nào. Giá như khi xưa, anh đừng mê lú ma men, chăm chỉ chạy xe ôm, để vợ không bị rơi vào cái bẫy của ma túy, thì đâu tới nỗi hai cha con đói khô trong cơn sốt thế này.

Trong cơn sảng, Thung vẫn nắm chặt tay cu Vẹt.

Hôm nay, gần hết ngày mà mới chạy được một cuốc, thu về chưa nổi năm mươi ngàn đồng, Thung nhìn ngược xuôi hơi sốt ruột. Anh cố đợi thêm chuyến nữa rồi về nhà một thể. Một lúc thì Thung mót tiểu. Bến xe cuối ngày vắng người, không nhờ được ai trông cu Vẹt, anh liều buộc chặt con vào xe rồi tranh thủ chạy ra khu nhà vệ sinh phía trái. Lúc trở lại, xe máy vẫn còn, nhưng không thấy cu Vẹt đâu, sợi chão lòng thòng vắt phân nửa lên yên xe. Thung ngơ ngác không hiểu làm thế nào mà cu Vẹt có thể cởi dây nhanh đến thế.

- Vẹt ơi, Vẹt!

Thung vừa nhảo chạy quanh bến vừa gọi thật lớn, những mong cu Vẹt sẽ nhại lại để anh biết con đang ở đâu. Nhưng chạy cùng khắp nơi mà vẫn không thấy, cũng không nghe tiếng con nhại. Dừng lại bên rìa đường xe chạy, ven sườn núi cao, anh thở dốc, tim hụt nhịp ngó xuống. Liệu cu Vẹt có xẩy chân rơi xuống vực?

Hóa ra, tù tội, sốt, đói khô người, không đáng sợ bằng điều này. Cu Vẹt biến mất!

Trời sập tối thật nhanh, hai chuyến xe ngược, xuôi cuối cùng đến bến và rời đi. Quán nước đã đóng cửa. Bến xe không bóng người. Thung bỏ cái xe máy lại đó, cầm đèn pin lần từng bước xuống vực, anh sẽ xuống tận đáy vực tìm con, nhưng anh cũng mong sẽ không thấy con ở đó…

 

*

* *

Gã nhộn nhạo trong người đến mức ngộp thở trước giờ “đánh chén” sau nhiều tháng nhịn thèm. Không, gã muốn nghĩ là gã rạo rực và hồi hộp như một trai tân trước giờ hẹn người thương. Ừ mà tại sao cái thứ ý nghĩ sến sẩm này lại quyến rũ gã thế nhỉ? Đây đâu phải lần đầu tiên gã chén gái trong trại giam? Quyền lực ngầm tại địa ngục trên mặt đất này vẫn cho gã một khoảng tự do bí mật. Tiền ngầm vẫn sinh sôi ngoài kia cho phép gã thoải mái dùng “bàn tay của Chúa” cắt đặt việc đời. Thế mà lần này, với Sam, người nữ tù chung thân có mái tóc dài mướt và đôi mắt ướt sầu ấy, gã lại lâng lâng.

Hay chính gã tự mê hoặc mình? Cái thú huýt sáo miệng, xưa chỉ dùng để gọi, điều khiển đàn em, thì nay gã dùng để tán gái, lần đầu tiên trong đời, mà lại là một nữ tù chung thân, đã từng có chồng, con. Trong khi đó, với con đàn bà đầu tiên trong đời, hắn cũng chỉ đơn giản sai đàn em gọi đến, chẳng cần buông lấy một đôi câu ngọt giọng vẽ vời. Lâu nay, đàn bà đối với gã, chỉ là một thứ của trời cho để hưởng lạc mà thôi. Em nào ngon nghẻ, chiêu trò tài cao cỡ mấy trong chuyện tình tang, gã cũng chỉ xơi đến lần thứ ba là bỏ rơi. Thế mà suốt mấy tháng qua, gã huýt sáo ru nàng mỗi đêm qua bức tường vút cao của trại giam. Gã chỉ huýt sáo theo duy nhất giai điệu bài hát buồn đó, thứ mà gã đã thuộc từ thuở nhỏ do cha gã, cũng là một tay giang hồ, đêm nào cũng bật cái băng nhạc đó lên nghe, nghe rão rồi lại mua băng mới về, vẫn bài hát đó. Gã láng máng biết rằng, cha gã thích nghe bài đó bởi thất tình, vì một lí do gì đó nên không lấy được cô gái mình muốn. Gã thì khác cha, gã nhổ toẹt vào cái sự bất lực ấy. Đã là đàn ông, gã luôn ra tay tóm lấy cái mình cần, kể cả khi cái đó là một mạng người. Gã từng giết người, và vì thế mà vào đây.

Nhận ám hiệu của “chị Cả”, Sam buông cây kéo cắt cỏ, lén đi nhanh về phía nhà vệ sinh nữ khu trái trại giam B. Miệng chị khô khát và bụng dưới co thắt mạnh, thúc dồn lên ức khiến chị nôn nao. Đã quyết định cam tâm, sao chị vẫn kinh sợ nhường này. Chị không thiết gì bản thân nữa, coi mình như đồ bỏ đi, nếu còn chút giá trị nào có thể trao đổi, để dùng nó chăm lo cho thằng con dở dại, chị sẵn sàng. Chị không có tương lai, quá khứ thì chẳng có tác dụng gì, chị chỉ có hiện tại đem bán, thì sao còn phân vân?

Hít một hơi thật sâu, Sam cố gắng giữ cho tâm trí tỉnh táo, không giằng co bởi những suy tính tự mâu thuẫn, giữ cho cơ thể không bị giày vò quá đỗi. Chị bước vào khu vệ sinh nữ. Xộc vào mũi chị mùi hôi khai nồng nặc đặc thù khi nó ít được dọn dẹp. Sàn nhà xi măng loang lổ vệt nước, có chỗ nhầy lên nhớp nhúa với giấy vệ sinh vương vãi lẫn vào mảnh vụn giấy báo tràn ra khỏi cái giỏ nhựa đỏ đựng rác cạnh vòi nước. Sam lén nhìn xung quanh, không có ai. Hai cánh cửa phòng vệ sinh mở hé, một cánh đóng chặt. Tim chị lại lên nhịp...

Tiếng huýt sáo môi giai điệu bài hát quen thuộc vang lên khe khẽ. Sam dỏng tai lên nghe. Chị lướt mắt quanh khu vệ sinh lần nữa, rồi nhón chân bước tới sát cánh cửa ngăn vệ sinh đóng kín, giơ tay gõ ba tiếng.

Cánh cửa lập tức mở ra. Bàn tay đàn ông thô bạo tóm lấy chị, kéo vào, chốt cửa. Sam bị ôm chặt cứng từ phía sau. Bàn tay phải gã luồn vào bên trong áo lót chị.

- Khoan đã! - Sam chặn bàn tay tham lam ấy - Tôi muốn nhìn mắt anh…

Vòng tay đang siết cứng người Sam chợt lỏng ra. Lưỡng lự. Hơi thở nóng hổi phả vào gáy chị dồn dập bỗng như ngưng lại. Sam lắc mạnh đầu, cố xoay người lại nhìn gã đàn ông, búi tóc của chị tuột ra, cả mái tóc dài nặng mướt mải đổ xuống vai chị, đổ xuống ngực gã.

Gã gục mặt vào suối tóc ấy, hít thật mạnh, nhắm mắt lặng im. Cơn cuồng dục vọng trong gã bỗng dịu lại.

Hai người cứ đứng lặng như thế không biết bao lâu. Họ tưởng đâu có thể đứng như thế mãi, không quá khứ, không tương lai, không biết mình là ai, mùi xú uế nồng nặc trong không gian chập hẹp cũng bay đâu mất.

*

*        *

Sam dân dấn nước mắt khi vừa nhìn thấy hai bố con cu Vẹt sau tấm kính dày chắn giữa phạm nhân và người nhà tới thăm. Mười một tháng bảy ngày chị chưa được gặp con, sau lần cu Vẹt suýt bị bắt cóc và chỉ có may mắn, bố nó mới tìm lại được khi thông báo từ đồn biên phòng tìm các gia đình mất con được loan trên truyền hình tỉnh, tới các thôn bản quanh vùng, trong một vụ án buôn trẻ em đưa qua biên giới. Sam chạm vào con, cu Vẹt lớn bổng lên, tuy nước da có cháy nắng hơn trước kia. Sam vồ lấy tay con vừa đưa qua ô trống. Cu Vẹt mếu máo gọi:

- Mẹ, mẹ ơi!

Sam trào nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, con chị chủ động gọi mẹ. Từ hồi nào tới giờ, nó chỉ biết lặp lại lời người khác nói như con Vẹt. Chị có nghe nhầm không?

- Gì hả con? Con vừa nói gì thế? - Giọng Sam như muốn lạc đi.

- Mẹ ơi, mẹ! - Cu Vẹt khóc to hơn, lặp đi lặp lại tiếng gọi mẹ.

Sam thổn thức, mắt chị nhòe đi nhìn con không rõ. Chị xoay mạnh đầu quệt nước mắt vào hai bên vai áo, tay vẫn không rời.

- Con nó gọi mẹ được lâu chưa bố Vẹt ơi? Sao anh không báo tin mừng cho tôi? - Cuối cùng Sam quay sang hỏi chồng, nãy giờ im lặng nhìn hai mẹ con khóc, mắt cũng đỏ hoe.

- Từ hồi con vào trung tâm “Mặt trời vàng” điều trị, năm tháng sau thì gọi mẹ được - Thung đáp - Nhưng tội lắm, thấy bất cứ người phụ nữ nào là con cũng chạy ào tới ôm người ta gọi mẹ. Chắc nó thèm quá đấy thôi. Con tiến bộ lắm, đến bây giờ nói được gì nó muốn rồi, không lặp lại lời người khác nữa. Nhưng mà sao lạ vậy?

- Cái gì lạ? - Sam hỏi chồng.

- Làm sao vợ ở tù, mà lại còn tìm được nơi điều trị cho con. Lại còn trả được mọi chi phí ở đó? Tôi nghĩ mãi không ra.

Sam khẽ nhếch môi. Nụ cười không cảm xúc, mắt đổ đi chỗ khác.

- Mình đưa con về trung tâm, rồi tìm lấy vợ khác đi. Tôi tha bổng cho mình đấy. Sau này, cũng đừng đưa con vào thăm tôi nữa. Tìm cho con người mẹ khác trong sạch hơn, con sẽ quên tôi nhanh hơn. Đừng để con nhớ đến tôi nữa.

Sam vụt đứng lên, giật tay cu Vẹt đang nắm tay mình quay đầu chạy. Tiếng cánh cửa sắt nặng nề sập lại, ngắt bặt tiếng gọi “Mẹ ơi” của cu Vẹt đuổi sau lưng. Người quản tù tóm được chị giữa đường dẫn tới khu trại giam. Sam thẫn thờ bước đi trước người quản tù, nước mắt thi nhau lăn xuống má, xuống cằm. “Được. Nhưng tao không muốn nhìn cái mặt thằng “tông giật” và đứa bé dở người dở ngợm thi thoảng lại vào đây thăm mày.” Tiếng đại ca mâm trên vang trong đầu chị. Không có đường vòng tránh. Tiếng nấc bỗng bật lên nghẹn cứng trong họng. Chị phải bỏ Thung, bỏ con. Không còn cách nào khác... Điều ấy sẽ giúp cu Vẹt sẽ được bảo hiểm suốt đời, sẽ được trả học phí và phí điều trị trong trung tâm, được huấn luyện để trở thành nhân viên của trung tâm, ở đó cả đời và thành người hữu ích, hỗ trợ cho những đứa trẻ khuyết tật tinh thần như Vẹt. Con chị sẽ được sống một cuộc đời bình thường, tự tin, đường hoàng, trong một cộng đồng thừa nhận nó, vì ai cũng giống nó. Vẹt sẽ không phải sợ hãi khi đối diện với cộng đồng bình thường ngoài kia, những con người luôn xem nó là khuyết tật, dở dại. Những lời đại ca hứa, chị buộc phải tin thôi. Không còn cách nào khác.

Sam bước hụt vào một ổ gà, chị liêu xiêu cố gượng không ngã. Bỗng chị nghe mơ hồ tiếng sáo môi quen thuộc vẳng lên từ phía bức tường trại giam cao ngất.

Sam hít một hơi thật mạnh rồi quả quyết bước về phía đó.

K.B.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)