Biên cương trong màu nước

Thứ Sáu, 19/02/2021 00:28

. NGUYỄN HỘI

Chúng tôi chạy xuồng “Tuần tra Biên phòng” trên cánh đồng, hay nói chính xác hơn là vùng đầm lầy Láng Lớn, nơi giáp ranh giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia đồng thời cũng là địa bàn quản lí của hai Đồn Biên phòng Bến Phố và Long Khốt. Quên đi cái đói, cái ướt lạnh, sự xúc động và vui sướng cứ rân rân khi bàn tay lần trúng, vuốt từng góc cạnh nguyên vẹn của cọc ghi dấu hiệu đường biên giới.

Đây là khu vực dự kiến sẽ đặt cột mốc 228, nhưng vì đang đàm phán nên hai bên thống nhất tạm thời cắm các cọc ghi dấu. Trước đây, khu vực này là đất sản xuất nông nghiệp, nhưng thống nhất không bên nào canh tác nhằm giữ nguyên hiện trạng nên giờ trở thành bãi cỏ tốt tươi cung cấp lương thực cho hàng ngàn con trâu bò của người dân trong xã Chàm-loong, huyện Svay-chrum, tỉnh Svay-riêng và bà con xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Tới giữa mùa mưa, nước nổi lên ngang đầu gối, chỉ những con trâu lớn mới có thể mò cỏ kiếm ăn. Chúng ngụp trong nước, có khi ngập lút cả đôi sừng nhọn hoắt, lần tìm gặm đầy miệng cỏ mới ngóc đầu lên để nhai và thở phì phì làm nước phun tung toé. Thật tài tình, trâu chắt nước lấy cỏ và chỉ mò đúng chỗ có cỏ mặc phù sa làm nước trở nên đục nhờ, nâu đỏ. Mùa len trâu, không biết dưới vùng miệt thứ Cà Mau, đỉa lềnh bánh canh nhiều cỡ nào, còn ở đây, mỗi khi có người hay trâu lội tới, từng đàn đỉa bơi vòng vòng chung quanh. Đứng chưa đầy năm phút, đỉa túm lại như bầy cá con đua nhau rỉa mồi. Quả là “dai như đỉa”, vừa lấy tay hất chúng ra xa, một chút chúng đã thi nhau kéo lại nhiều hơn. Trâu vừa ăn cỏ vừa khua chân, ngúc ngoắc đầu đuổi đỉa. Đến khi lên bờ, trẻ trâu lấy que sắt gỡ ra hàng chục con, no tròn như quả chuối xứ.

Bộ đội Biên phòng tuần tra dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Thiếu uý Nguyễn Thanh Đ. quê huyện Bình Lục, Hà Nam vừa tốt nghiệp ra trường. Những tưởng chàng sĩ quan cao to lực lưỡng, sinh ra và lớn lên nơi đồng chiêm trũng chẳng sợ gì những con vật nhãi nhép ngo ngoe ấy như lần đầu tiên đi tuần kết hợp kiểm tra dấu hiệu cột mốc đã tỉnh khô “Em chả sợ gì chúng” nhưng khi lội xuống mò tìm cọc ghi dấu hiệu đường biên giới khoảng năm phút chưa thấy, bắt gặp từng đàn đỉa ngửi thấy hơi người bơi lại Đ. hoảng quá, nhảy vọt lên xuồng. Cả đội hình tuần tra được trận cười nghiêng ngả. Nhưng riết rồi cũng quen, trước khi xuống nước, anh em lấy xà bông chà khắp chân tay. Mùi xà bông khiến đỉa nghi ngại được một chút, sau xà bông nhạt đi, đỉa lại cắn như thường. Anh em vừa mò tìm vừa đuổi, cùng lắm cũng chỉ bị vài ba con bám vào chỗ hiểm. Lên xuồng nhổ nước bọt vào đầu ngón tay, gỡ ra như không rồi lấy lưỡi dao cạo sạch chỗ đỉa cắn, bôi tí thuốc sát trùng vào, thế là xong.

Những ai đã mang trên ve áo phù hiệu thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo nhau trong vòng cung đường biên giới là xác định cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với biên cương, rừng núi, với bản làng, đồng bào các dân tộc thiểu số chốn biên thùy. Riêng với những người lính Quân hàm xanh đóng quân nơi miền Tây Nam Bộ chúng tôi, ngoài điều đó ra còn có thêm một thứ nữa: những mùa nước nổi.

Bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười âm lịch hằng năm, nước mưa và nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về làm ngập tràn các cánh đồng nơi hạ nguồn châu thổ. Nước lên nhanh nhưng không ầm ào, dữ dội như những con lũ ở miền Trung miền Bắc, mà âm thầm dịu nhẹ đưa cả miền Tây bồng bềnh trong một màu trắng bạc. Nếu như những cơn lũ thường gắn với đau thương mất mát thì mùa nước nổi lại mang về niềm vui. Nước về sẽ nhấn chìm tất cả sâu bệnh gây hại cho cây trồng và mang theo lớp lớp phù sa cho mùa vàng trĩu hạt cùng với những sản vật tự nhiên, dâng tặng cho con người.

Nước về, lại đúng mùa đẻ trứng nên các loài thủy sản cá tôm cua ốc lươn chạch… và cả rùa rắn đua nhau sinh nở. Xuất hiện sớm và nhiều nhất có lẽ là cá linh. Xung quanh tên gọi của loài cá đặc biệt này có nhiều giai thoại. Đúng như nghĩa “linh thiêng”, ngay từ đầu mùa nước nổi, cá linh non từ Biển Hồ bên đất nước Chùa tháp trôi xuống sông Tiền, sông Hậu. Cá xuôi về Đồng Tháp, rồi từ đó theo sông Cái Cỏ, qua bến sông Trăng sang Long An để rồi đúng như lời hẹn thề với quê cha, đất tổ, vào ngày mùng mười tháng mười, cá lại bơi ngược về thượng nguồn, nơi Biển Hồ mênh mông, chờ tới tháng năm năm sau bắt đầu một mùa sinh sản mới. Cá linh non đầu mùa gặp mưa, mừng nước nên lớn rất nhanh. Tuần trước cá mới chỉ bằng chân nhang, bơi lưa thưa nhìn thật tinh mới thấy, hai tuần sau, đã to bằng đầu đũa, trắng sáng đều tăm tắp. Theo người dân nơi đây, cá như vậy là đã bắt đầu khai thác được. Có nhiều phương tiện đánh bắt cá linh như lưới giật, chài, đặt dớn..., nhưng hiệu quả nhất vẫn là đóng đáy. Chọn khúc sông nào dòng nước chảy xiết, người dân chỉ việc cặm những cây tràm rồi mắc túi lưới, đón luồng cá chạy. Cá linh có độ đạm rất cao nhưng cũng rất yếu ớt. Chúng sẽ “ngã” sau khi lên khỏi mặt nước ít phút và nhanh bị phân hủy. Bởi vậy, phải ướp chúng ngay trong nước đá mới giữ được tươi lâu. Cá linh non làm được nhiều món. Ngon nhất vẫn là kho me với nước dừa, chấm bông súng, hẹ nước và nhất định phải có bông điên điển. Lúc này xương cá mềm, vị ngọt ngay nơi đầu lưỡi. Khi cá lớn hơn một chút có thể làm món lẩu mắm nhúng kèo nèo, cà nâu, bông lục bình hay bông điên điển. Xương cá hơi cứng một chút nhưng bù lớp mỡ dưới bụng béo ngậy vô cùng. Khi cá lớn hẳn có thể chiên giòn hoặc kho hầm với mía đều ngon.

Nhà anh Năm đóng đáy ở trước cửa Trạm Biên phòng, trên sông Cái Cỏ, cứ nửa buổi lại đổ đáy một lần. Có mẻ vài chục kí, đổ ra nửa khoang xuồng ba lá, trắng sáng cả một góc sông. Bán không xuể, mà giá cũng rẻ như cho, bởi vậy má anh làm ra vài chục khạp nước mắm, để quanh vườn. Ấy là chuyện hồi xưa, khi thượng nguồn dòng Mê Kông chưa bị khống chế bằng các đập thủy điện và môi trường còn trong sạch. Còn bây giờ, cá linh non đầu mùa rất ít, thành ra đặc sản. Nghề đóng đáy cũng bị cấm, phương tiện bắt cá linh tốt nhất vẫn là đặt dớn với mắt lưới rất thưa và ở những nơi được cho phép.

*

*        *

Mùa nước nổi về khiến cho lớp học tình thương của thầy giáo Quân hàm xanh, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chính gặp rất nhiều trở ngại. Bởi nhà bị ngập nước, các em không tự tới lớp; một số em khác phải phụ cha mẹ đi giăng câu, thả lưới… Anh Chính sinh năm 1970, quê dưới miệt vườn cây trái Tiền Giang và cũng là chàng rể cắm rễ nơi mảnh đất hữu duyên này. Công tác tại Đồn Biên phòng Bến Phố từ năm 1991 cho tới nay nên anh nắm rất chắc hoàn cảnh của từng gia đình trên địa bàn đơn vị phụ trách. Hưng Điền A là xã vùng sâu biên giới của huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Xã có 6 ấp thì 4 ấp tiếp giáp với đường biên giới. Trong đó, ấp 2 có hoàn cảnh khó khăn hơn cả. Theo số liệu năm 2017, cả ấp có 228 hộ với 883 nhân khẩu thì suýt soát bảy mươi phần trăm hộ nghèo và cận nghèo, phần lớn là bà con “Việt kiều” trở về từ vùng Biển Hồ bên nước bạn Campuchia. Từ đời ông, đời cha đã rời bỏ quê hương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lánh nạn chiến tranh tìm đến “vùng nước hứa” đầy ắp cá tôm để làm nơi cư ngụ; trải mấy chục năm lênh đênh trên thuyền chài yên ổn, khoảng hơn mười năm trở lại đây, chính quyền nước bạn kiểm soát gắt gao hộ tịch, hộ khẩu, phần nhiều trong số họ là những người không mảnh giấy lận lưng, phải trốn chui trốn lủi; đồng bạc eo hẹp làm ra không đủ nộp phạt và đóng thuế cho các nhà chức trách, không có con đường nào khác, họ đành rồng rắn kéo nhau vượt hơn 300km đường sông, xuôi theo dòng Mê Kông về quê hương bản xứ. Chính quyền địa phương và bà con nhân dân mở rộng vòng tay yêu thương tiếp nhận những người con một thời lưu lạc. Họ được tạo điều kiện có đất dựng nhà tạm lấy chỗ che mưa che nắng, hàng ngày giăng câu thả lưới, chặt lục bình, mần mướn... kiếm sống qua ngày. Nghèo tiền, nghèo tri thức và không có đất sản xuất nhưng hộ dân nào cũng sinh 4 - 5 đứa con. Những đứa trẻ cũng chịu chung hoàn cảnh của người lớn, mù chữ, không quốc tịch. Và đương nhiên, chúng không được đến trường. Trước tình hình đó, Đội phó Đội Vận động quần chúng Nguyễn Văn Chính đã tham mưu cho cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bến Phố mở lớp học tình thương. Trường tiểu học xã tạo điều kiện cho mượn một phòng học bỏ không tại điểm trường Ấp 2 để thầy và trò có nơi truyền trao con chữ. Có thầy, có phòng học nhưng làm sao để gia đình các em nhận thức ra vấn đề và yên tâm cho con em đến lớp? Thầy Chính lại cùng nhà trường và các ban ngành đoàn thể địa phương đến từng nhà tuyên truyền vận động. Lúc đầu, nhiều người chưa chịu cho con em mình theo thầy. Nhưng sau ngẫm lại về cuộc đời chẳng được quen với con chữ của mình, họ vui vẻ đồng ý. Tính từ tháng 12/2008 cho đến nay, anh Nguyễn Văn Chính đã mở được 13 lớp với tổng số 89 em học sinh tham gia. Khi nhàn rỗi, lớp học ban ngày; khi vào mùa vụ, lớp chuyển sang ban đêm. Thầy chẳng quản khó khăn, miễn sao học trò đông đủ trong các buổi học. Kết thúc lớp học, toàn bộ các em đều biết đọc, biết viết và làm các phép tính thông thường. Bên cạnh việc dạy học, thầy Chính còn cùng các đồng chí trong đơn vị và các ban ngành đoàn thể địa phương vận động những tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho lớp. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, trong 12 năm qua, anh đã tiếp nhận tổng số 235 triệu đồng, trong đó, tiền mặt 107 triệu, còn lại là hiện vật quy ra bao gồm quần áo, bàn ghế, tập sách, bút mực, cặp học sinh và gần đây là những chiếc xe đạp cho các em thuận tiện tới lớp. Với những thành tích của gần ba mươi năm công tác và hơn mười năm gắn bó với những lớp học tình thương, cuối năm 2017, thầy giáo Quân hàm xanh Nguyễn Văn Chính đã vinh dự được ra Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Mùa nước nổi. Những cánh đồng mới ngày nào còn xanh tươi bát ngát, thẳng cánh cò bay, bây giờ đã ngập chìm trong nước, có chỗ cắm lút cây sào. Nơi đây trở thành ngư trường mong đợi cho những người nông dân làm ăn, kiếm sống suốt mấy tháng ròng. Người dân Đồng Tháp Mười có nhiều cách đánh bắt thủy sản, nhưng chủ yếu vẫn là giăng lưới, cào, đặt lờ, giăng câu, đặt trúm... để đón bắt cá tôm đi theo dòng nước. Trên đồng nước mênh mông là vậy mà chằng chịt các tay lưới của bà con, có những tay dài hàng trăm mét, phao nổi bồng bềnh. Đôi khi trúng ngay luồng, cá chạy dính dày mắt lưới. Nhưng cũng có những hộ dân vì muốn đánh bắt thật nhanh, thật trúng mà bất chấp pháp luật. Họ đặt dớn với những mắt lưới dày, nhỏ li ti, khiến không một sinh vật nào thoát. Thậm chí nhiều hộ còn dùng xung điện để xiệt cá, cào điện. Trúng nhiều, nhưng hệ lụy để lại khôn lường. Nhiều loài thủy sản chết hàng loạt, môi trường bị hủy hoại. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng thủy sản trong tự nhiên ngày một cạn dần. Với những trường hợp ấy, anh em Biên phòng luôn kiên trì phối hợp cùng công an, dân quân trong xã đến từng nhà, từng xuồng, ghe để tuyên truyền, vận động bà con.

Với riêng tôi, thú vị nhất là những lần theo anh Hai đi giăng lưới ban đêm. Đầu hôm thả tay lưới dài gần năm trăm mét xuống nước rồi nằm trên xuồng, ngắm sao trời chờ đợi. Giữa trời nước mênh mông, trăng thanh, gió mát, chúng tôi ngủ lúc nào không hay. Tới khoảng 3 giờ sáng, nghe tiếng cá giãy lạch đạch bên cạnh, giật mình thức dậy đã thấy anh Hai cuốn phân nửa tay lưới, cá lưng lửng khoang xuồng. Hỏi, sao anh cuốn sớm vậy. Anh nói, nghe tiếng cá vô lưới nhiều thì cuốn sớm một chút, còn để dành phần cho người khác. Tôi phụ anh Hai cuốn phần lưới còn lại, thích nhất là gỡ từng chú cá ú mập ra khỏi mắt lưới. Mà lạ, lần ấy chúng tôi trúng toàn cá trê vàng với cá mè vinh. Cuốn lưới xong, hai anh em chạy xuồng trở về khi mặt trời mới nhô lên, dát lớp vàng lấp lánh trên mặt nước.

Ở những nơi mà năn, lác, cây cỏ mọc nhiều lại là nơi trú ngụ của những loài cá đen, lươn, hay rắn… và là địa bàn hoạt động của những tay bắt cá “có nghề”. Họ có thể từ vùng Tứ Giác Long Xuyên bên Chợ Mới, Châu Đốc mà chạy xuồng hàng trăm ki lô mét qua vùng Đồng Tháp Mười để làm nghề đặt xà di bắt cá rô hay đặt trúm bắt lươn. Họ thường đi thành từng đoàn dăm bảy ghe, mỗi ghe là một hộ gia đình. Ban ngày họ cũng giăng lưới, cắm câu như những người dân bản địa. Nhưng việc đó chẳng qua chỉ là để kiếm cái ăn trong ngày. Còn việc chính của họ là làm mồi đặt trúm. Mồi làm bằng một loại mắm gia truyền đặc biệt quyện với đất sét củ được móc lên từ chính những nơi mà con lươn ưa trú ngụ. Họ đặt trúm từ đầu hôm, sáng đi thăm sớm. Lươn từ đâu rất xa cũng ngửi thấy mồi mà bơi lại, chui vào miệng trúm. Mỗi đêm họ kiếm cả chục kí lô gam mà nhẹ nhàng như bơi thuyền đi dạo mát.

Mấy anh em Biên phòng chúng tôi cũng theo học bà con, nhưng cũng chỉ là cách cắm câu may rủi. Binh nhất Nguyễn Binh Chuẩn quê ở gần khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen, Tân Hưng có vẻ sát cá hơn cả. Buổi chiều, Chuẩn cặm cụi đào giun làm mồi rồi cắm hai chục cái cần câu nhỏ xíu dọc theo bờ sông Cái Cỏ. Sáng ra cậu đi thăm sớm, có hôm dính vài kí cá như chơi. Thường chỉ là những chú cá tràu to bằng cổ tay thằng cu em lên sáu. Nhưng cũng có khi được cả những bác cá lóc to bằng bắp tay người lớn. Với chúng tôi, dù ít dù nhiều, dù lớn hay nhỏ thì cũng làm một nồi canh chua nấu lá me non hay nấu cơm mẻ cho ấm lòng. Nhớ mùa nước nổi những năm trước, phương tiện di chuyển của chúng tôi chủ yếu là xuồng. Mỗi lần xuống ấp, chúng tôi thường ghé nhà má Tám để nắm tình hình và bàn chuyện công việc với chú Tám. Gặp chúng tôi, má thường dóng dả câu quen thuộc với mấy cô con gái lớn: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, xuống bến bắt cá, nấu cơm cho các anh Biên phòng ăn nghe”. Rồi những ngày rảnh rỗi, ghé anh Hai, thể nào cũng có món cá lóc nướng chui, chuột đồng nướng lu hay cá mè vinh nướng chấm nước mắm me tươi, nhâm nhi vài li rượu đế. Về sau nghiệm lại tôi mới biết, chính những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc mà ấm áp nghĩa tình quân dân ấy đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi gắn bó với địa bàn biên giới.

Tôi nhớ mùa nước nổi năm nào được cùng em chèo xuồng đi bẻ bông súng, bông điên điển. Giữa đồng nước mênh mông bỗng hiện lên những bông hoa như những ngón tay búp măng xoè ra đón ánh ban mai tím đỏ. Ở dưới những bông hoa ấy là những cuống màu xanh nâu. Chẳng biết từ khi nào, đây luôn là một món rau đặc trưng của người Nam Bộ. Những cọng bông súng tuy mềm mại nhưng lại ẩn chứa sức sống mãnh liệt như con người miền Tây, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nước lên tới đâu, cọng vươn lên cho bông súng đón ánh mặt trời đến đó. Khi bông chớm nở là khi cọng đầy dinh dưỡng để thu hái. Lúc này bông súng vừa giòn, vừa ngọt...

Cùng là loài hoa đặc trưng trong mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển vừa có những gam màu độc đáo lại vừa là một loại thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Trong sắc xanh non tơ của lá, những chùm vàng tươi đung đưa trong nắng, gió vô cùng thơ mộng. Hái bông điên điển phải đi từ sáng sớm, khi những chùm hoa còn chúm chím. Lúc đó vị hoa ngọt mát và dịu thơm nguyên vẹn. Còn khi hoa đã nở, những chú ong thợ cần mẫn hút hết nhụy, hoa sẽ nhạt và kém thơm. Trong những lần đi hái bông súng, bông điên điển ấy, tôi đã cùng em giao duyên những lời ca vọng cổ mà tôi đã học được từ những ngày còn ở Ngọc Hiển, Năm Căn nơi tận cùng Tổ quốc. Hồi đó tôi làm cán bộ Đồn Biên phòng Bến Phố, kiêm công tác Đoàn, còn em là một thành viên tiêu biểu trong hoạt động Đoàn của xã Hưng Điền A. Hai đứa quen nhau trong những buổi lao động giúp dân của hai chi đoàn kết nghĩa. Những buổi đắp đường, dựng cầu, đắp đê ngăn lũ hay phụ giúp những gia đình chính sách, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dựng nhà, sửa chữa chỗ che mưa, che nắng, đào mương khai nước… tuy mệt nhưng lòng vui biết mấy. Rồi chẳng biết tự khi nào, tình yêu của chúng tôi chớm nở. Mùa nước nổi đến rồi đi nhưng lời hẹn thì luôn ở lại. Đất lành chim đậu, mảnh đất biên cương thấm đẫm biết bao máu xương của các thế hệ cha anh, nay đã trở thành quê hương thứ hai của người lính Biên phòng là tôi.

*

*         *

Mùa nước nổi về là niềm vui cho bà con nhưng lại đặt ra rất nhiều những khó khăn, thách thức cho công tác quản lí, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh với các loại tội phạm của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Trung tá Mai Hồng Thanh, Phó trưởng phòng Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, một cán bộ trinh sát kì cựu và là nỗi khiếp sợ của các loại tội phạm vùng biên (trước đây, anh có 11 năm công tác tại Đồn Biên phòng Long Khốt sau mới về đó) chia sẻ, Long An là tỉnh đồng bằng, địa hình bằng phẳng, phần lớn đường biên giới chạy dọc theo bờ ruộng và trên sông Cái Cỏ. Mùa nước nổi về, ruộng và nhiều đoạn bờ sông chìm trong nước. Có những chỗ ngập ngang thân cây tràm trưởng thành. Nếu không phải Bộ đội Biên phòng hay những lão nông tri điền am tường địa hình thì chẳng thể nào xác định được đâu là đường biên giới quốc gia. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các đối tượng qua lại trái phép. Đơn giản chỉ cần dùng vỏ lãi composite hay xuồng máy là có thể vận chuyển người, hàng hoá hay các loại hàng cấm qua lại biên giới. Ở những chỗ ngập sâu, xuồng máy tải trọng vài tấn cũng có thể qua dễ dàng. Anh em Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, xuất nhập cảnh trái phép…, nhưng nhiều người vì hám lợi mà vẫn cố tình vi phạm. Đồn bắt giữ, xử phạt rồi yêu cầu làm cam kết không tái phạm. Nhiều người hoàn lương, chí thú làm ăn. Nhưng nhiều kẻ vẫn “ngựa quen đường cũ”. Mấy năm trước, hồi còn nạn buôn lậu xăng dầu, các đối tượng ngụy trang những chiếc can (loại ba mươi lít) dưới những đám lục bình xanh tốt. Có chỗ, chúng còn liều lĩnh căng dây qua sông, qua bờ ruộng. Bên này buộc các can xăng dầu vào một đầu dây, bên kia biên giới kéo. Hoạt động của chúng nhanh đến mức, anh em vừa từ trên bờ nhảy xuống thì chùm can đã được kéo ra tới giữa sông. Anh em mình phải bơi ra bắt hàng nhưng nhiều khi bị đối tượng manh động giành giật trở lại. Cũng theo Trung tá Mai Hồng Thanh, muốn bắt được buôn lậu, xuất nhập cảnh, vận chuyển hàng hoá trái phép... trong mùa nước nổi thì mật phục được xem là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, có cái khó là, giữa đồng nước mênh mông trắng xoá, bất cứ một con người, phương tiện nào cũng dễ bị đối tượng “chim lợn” phát hiện. Anh em chỉ còn cách lợi dụng những đám cây mọc hoang ngoài đồng nước để ẩn nấp. Nước đã lên cao nên thi thoảng mới có một con đỉa lòng vòng đi kiếm ăn. Nhưng thay vào đó là kiến. Trên những bụi cây, kiến từ khắp cánh đồng bơi về tụ hội. Nếu sơ ý đụng phải ổ kiến lửa thì có khi sưng mặt. Mỗi lần đi mật phục, anh em phải ngâm mình trong nước lạnh hai ba tiếng là chuyện bình thường. Để chống lại cái đói cái lạnh thì chỉ có những phong lương khô và mì tôm sống…

Khó khăn như vậy nhưng với bản lĩnh và ý chí quyết tâm sắt đá, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên biên giới. Trong thời gian qua, để ứng phó với đại dịch COVID-19, trên suốt chiều dài hơn một trăm ba mươi ki lô mét đường biên của toàn tỉnh, đơn vị đã lập thêm hơn 50 tổ chốt với hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ và gần 300 lượt đồng chí tăng cường từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh ngày đêm canh gác biên giới. Kết quả, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 339 vụ/ 296 đối tượng vi phạm pháp luật trên biên giới đến mức phải xử lí. Trong đó, xuất nhập cảnh trái phép 25 vụ/ 201 đối tượng; tang vật thu giữ: 17,123kg ma tuý các loại, 03 khẩu súng quân dụng, 40 viên đạn, 260.910 gói thuốc lá ngoại, 129.950 chiếc khẩu trang, 5.350kg đường cát, 215 con lợn, 54 cá thể rùa và 125 xe mô tô hai bánh; đã khởi tố 03 vụ/ 03 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 54 vụ/ 166 đối tượng với tổng số tiền phạt là trên một trăm sáu mươi triệu đồng, nộp kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh Long An bắt giữ 27 vụ/ 26 đối tượng, thu giữ gần ba mươi ki lô gam và gần sáu trăm viên ma tuý các loại; gần chín mươi ngàn gói thuốc lá, hàng trăm con heo nhập lậu và nhiều tang vật có giá trị khác. Gần đây nhất, vào lúc 20 giờ ngày 13/12/2020, tại khu vực mốc 229.12 (2), thuộc ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, tổ công tác mật phục của Đồn Biên phòng Bến Phố do Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Huỳnh Văn Danh phụ trách đã phát hiện và bắt giữ 6 đối tượng có hành vi xuất cảnh trái phép. Qua đấu tranh khai thác, mở rộng điều tra, đơn vị đã tiến hành bắt giữ nghi can Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1989, cư trú tại ấp Hà Hưng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Tại Đồn Biên phòng, đối tượng Hậu khai nhận, do dịch COVID-19, các cửa khẩu tạm đóng, tuy nhiên một số người vẫn có nhu cầu xuất nhập cảnh sang Campuchia, do đó Hậu sử dụng mạng xã hội Facebook để dụ dỗ 6 người (có hộ khẩu thường trú tại Phú Yên và Thành phố Hồ Chí Minh) xuất cảnh trái phép với giá từ 250 đến 300 USD/ một người, tuỳ theo địa điểm đón. Tuy nhiên, ngay khi các đối tượng đang chuẩn bị xuống xuồng, vượt sông Cái Cỏ qua bên kia biên giới thì bị tổ mật phục tung lớp lá ngụy trang, tóm gọn.

*

*          *

Khi tôi ngồi ghi lại những câu chuyện này thì những con nước nổi đã trôi ra dòng sông Vàm Cỏ Tây xuôi về với biển, để lại lớp lớp phù sa trên những cánh đồng mẫu lớn. Ở những vùng trũng thấp, bà con hai bên biên giới cũng đã trải đều những hạt vàng lấp lánh. Những thửa ruộng cao, lúa đã vươn mình dệt thành tấm thảm tươi xanh trải dài tới tận chân trời. Và mai vàng cũng đã bắt đầu lác đác nở chờ xuân.

Long An tháng 12/2020

N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)