Cơn mưa buổi chiều

Thứ Năm, 14/01/2021 06:35

. HUY PHẠM

 

Ở một vùng đất xa thật là xa kia, vào một thời điểm xưa thật là xưa, gia đình tôi sống bên cạnh con kênh nhỏ, trong một ngôi nhà xinh xắn. Mỗi sáng, chỉ cần mở mắt nằm yên trên giường, tôi có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng nước chảy róc rách phía sau. Nếu thò chân ra ngoài, trong làn hơi nước lành lạnh và những giọt sương mai lấp lánh trên hàng keo trước cửa, tôi lại được nghe thấy âm thanh cao vút dữ dội của mẹ:

“Đi đâu? Vô nhà mau!”

Minh họa: Công Quốc Hà

Thế là tôi đành quay vào. Nhà tôi quy củ, phải đánh răng rửa mặt, ăn sáng đầy đủ mới được bước ra khỏi cửa. Nhưng con bé Trúc bạn tôi thì không, nó có thể long nhong khắp xóm ngay từ sớm, bữa sáng thường lưu động trên tay nó, rơi vãi lung tung trên đường đi. Nhà tôi và nhà Trúc cách nhau con kênh nhỏ, muốn qua lại phải đi trên cây cầu dừa. Cây cầu dừa thật sự không giống như trong mấy bài hát, nó chỉ là thân cây bắc ngang, thiếu tay vịn. Đi cầu, à không, đi cầu dừa, khó hơn người ta thường nghĩ rất nhiều. Phải tính đến việc đi lúc nào, bình thường hay gấp gáp, đi vào mùa nào, khô ráo hay trơn trợt, tâm trạng vui hay buồn, quá trình ăn ở... Tất cả những thứ đó sẽ quyết định mình có qua được bên kia hay không và xác suất rơi ùm xuống nước sẽ là một trên hai trăm bảy mươi sáu phần trăm. Con số này là một thống kê khoa học mà tôi tự mình tính được. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào độ tuổi nữa. Tuổi như tôi và con Trúc rơi thường xuyên, chỉ so đứa nào rơi nhiều hơn mà thôi. Nhưng cộng cả hai bên bờ kênh lại, người rơi xuống nước nhiều nhất chính là ông Hai Long, ba con Trúc. Từ lúc nhà tôi dọn về ở đây cho đến lúc đi, tôi không thể nào đếm được ông Hai đã hụp lặn dưới dòng kênh này bao nhiều lần.

Hai bên bờ kênh chia làm hai phần cuộc sống khác nhau, phía nhà tôi mọi người khá giả, hàng quán đông đúc vui nhộn, bờ bên kia là một xóm nghèo đìu hiu. Nhà ông Hai Long lại nghèo nhất trong xóm nghèo. Ông Hai đạp xích lô nuôi mấy người con và bà Hai, người phụ nữ có cái chân trái bằng gỗ từ đầu gối trở xuống, có thể tháo ra và lắp vào được. Ông Hai Long say xỉn hay đánh bà Hai. Trong một lần quật khởi, bà đã tháo chân ném thẳng vào người nhưng ông Hai né được. Cái chân gỗ vẽ một vòng tuyệt đẹp trên không trung, rơi tỏm xuống kênh, trôi lững lờ theo dòng nước. Ông Hai chửi bà thậm tệ, ông hỏi bà trong lịch sử có thấy người vợ nào lấy chân chọi chồng chưa nhưng bà không trả lời ông, bà chỉ gào lên: “Mau lên nó trôi mất!” Chị em con Trúc chạy dọc bờ kênh một đoạn thì lội bì bõm xuống vớt chân lên cho bà Hai.

Hai bờ thở phào nhẹ nhõm.

Bình thường, ông Hai hiền lành, nói năng chậm rãi nhỏ nhẹ, nhưng khi say lại ồn ào ngang bướng cả xóm phải sợ. Lâu lâu, những đêm say khướt, ông lảo đảo đi về phía nhà tôi, dừng trước cây cầu dừa ngắm nghía, tính toán đủ đường rồi mới bước lên, nếu may mắn, ông sẽ sang bờ bên kia, an toàn về nhà. Những ngày đen đủi, ông rơi ùm xuống, nước lên đến bụng, ông Hai lầu bầu chửi rủa rồi lội ngược trở lại, quyết tâm lên cầu lần nữa. Lần này khó hơn vì chân ông đã lấm bùn trơn trợt nên chỉ sau vài bước ông Hai lại rơi tỏm xuống và cứ thế. Cả xóm quây lại khuyên can dìu ông về nhưng ông Hai cương quyết phải tự mình đi qua cho bằng được, mọi người chán nản cứ để mặc ông muốn làm gì thì làm. Ông Hai bì bõm cho đến lúc tỉnh rượu rồi về. Vì cây cầu dừa sát bên cửa sổ chỗ tôi hay nằm ngủ nên tôi đã nhẩm đếm, sau hai trăm bảy mươi sáu lần ngã ngựa thì ông Hai đến được nhà.

Phải kể thêm ông Hai là bạn ba tôi, những buổi tối tỉnh táo, ông sang trò chuyện với ba tôi trong ánh đèn tù mù cùng những câu chuyện đầy bùa ngải ma quái. Đó có thể là về vùng đất hoang sơ nơi con người vừa đặt chân đến hoặc những linh hồn có khả năng kết nối với dương gian bằng một cách nào đó, dẫn lối đưa người ta đến thành tựu rực rỡ hoặc kết cục đầy bi thảm. Tôi tròn mắt tò mò ngồi nghe. Bên cạnh, con Lu nằm dưới chân ông Hai, lâu lâu lại phe phẩy cái đuôi dài óng mượt. Con Lu chỉ là một con chó cỏ màu đen bình thường, nhưng trí thông minh vượt trội, đến mức tôi nghĩ rằng nó có thể hiểu được tiếng người, điều thiếu sót duy nhất là con Lu không biết nói mà thôi. Bù lại, sự khéo léo của nó không thể chê vào đâu được, nó chính là nhân vật duy nhất ở hai bên bờ kênh chưa rơi xuống nước lần nào. Tướng nó đi trên cầu dừa đẹp hơn cả người, uyển chuyển và thanh thoát, hai mông đánh đều sang hai bên, đầu ngẩng cao trong một thần thái kiêu sa hiếm thấy. Lúc ông Hai đi vắng, con Lu quanh quẩn bên bà Hai, còn khi ông về nhà không say xỉn, nó líu ríu sang nhà tôi chơi, nằm ngoan ngoãn dưới chân chủ hóng chuyện. Cũng có những ngày con Lu mò sang một mình, có thể vì nó đói và tôi thường cho nó ăn bất cứ thứ gì có trong tay. Con Lu không chê bao giờ, nó có thể ăn thịt, cá, cơm, chè thậm chí trái cây. Nó là con chó hiền lành và kì lạ nhất tôi từng biết.

Nhà ông Hai Long có nhiều người con, nhưng chỉ có anh Hoàng là con trai. Từ ngày gia đình tôi dọn về ở bên con kênh này, tôi chưa bao giờ thấy anh Hoàng, chỉ biết anh đi buôn bên Campuchia.

Minh họa: Công Quốc Hà

Mấy tháng nay bão liên miên cho đến gần cuối năm mới được đôi tuần nắng đẹp. Nhà tôi và nhà con Trúc rủ nhau gói bánh, chỉ còn vài ngày nữa là giao thừa. Người lớn bận rộn, bọn tôi chạy qua chạy lại bờ kênh, lúc thì mang mấy cái rổ, lúc ít lá chuối, đậu xanh... Con Lu quấn quít dưới chân. Cả nhà bừa bộn không còn chỗ bước. Hai gia đình gộp lại nên gói nhiều loại bánh, việc này chủ yếu do bà Hai đảm nhiệm, sáng nay cả đội hình mới dìu được bà sang đây. Tay bà Hai thoăn thoắt, chồng bánh cứ nhiều lên nhiều lên, chất đầy hai cái nồi. Ông Hai cùng ba tôi xếp đống củi chuẩn bị cho buổi tối. Hai người đàn ông trụ cột dự tính sẽ đàm đạo suốt đêm.

Trong lúc bận rộn tíu tít, phía bên nhà ông Hai xôn xao ầm ĩ. Chị lớn con Trúc gào lên gọi ba gọi má ỏm tỏi, ông Hai hoảng hốt phóng về còn bà Hai cũng tập tễnh chạy ra phía cây cầu dừa. Những người sáng nay dìu bà Hai từng bước sang đây nay bỏ mặc bà lại bên bờ kênh, đứng như trời trồng. Anh Hoàng đi mấy năm chưa về, nay có người quen đến báo anh chết đuối trên đường vượt biên sang Thái Lan, chưa tìm được xác. Lúc tôi chạy ra, bà Hai đang phủ phục bên bờ, cạnh cây cầu dừa, hai bàn tay nắm chặt, tóc tai rũ rượi gào khóc, con Lu đứng bên cạnh thỉnh thoảng lại tru lên một hồi... Rồi bà Hai tự mình ôm cây cầu, bước lần xuống nước trong tiếng gào khàn đặc không dứt, mò mẫm tự mình vượt qua bên kia, lê chân thấp chân cao vô đến giữa nhà, ngã xuống đất ướt đẫm...

Đêm đó, mọi người dồn hết sang nhà ông Hai Long, mình tôi và con Trúc ngồi im bên nồi lửa phập phùng, trong màn đêm tĩnh lặng. Tôi nghe tiếng củi nổ lách tách xen lẫn tiếng khóc não nề từng hồi của bà Hai kéo dài đến sáng. Con Trúc cũng khóc, hai giọt nước mắt lăn dài trên má nó, trong ánh lửa hồng hồng. Đám tang anh Hoàng được tổ chức hôm sau đó, không quan tài, chỉ có bức ảnh đặt trên bàn chính giữa nhà. Mặt anh Hoàng giống ông Hai như đúc nhưng cân đối hơn, cương nghị và phảng phất một nỗi buồn. Con Lu cũng được đeo một mảnh tang trắng ở cổ, chạy lăng xăng thận trọng ngửi hết tất cả khách khứa đến viếng. Bà Hai vẫn vật vã trên giường. Cây cầu dừa nặng trĩu những bàn chân hai bên bờ qua lại thăm viếng. Mùa này nước lên gần nửa thân cây, mỗi nhịp bước lại tạo nên những vòng sóng run rẩy loang ra...

Rồi cuối cùng, những ngày Tết ngắn ngủi cũng trôi qua kì lạ và chậm rãi, không ai động đến những cái bánh mà tôi với con Trúc thức canh suốt đêm, chúng vẫn chất chồng trong nhà. Cho dù cái Tết đã qua thì nỗi buồn của gia đình ông Hai Long vẫn còn. Ngôi nhà nhỏ vắng lặng trống trải. Cái bàn thờ ngay giữa lúc nào cũng âm ỉ khói, bức ảnh anh Hoàng ở đó, trên cao nhìn xuống mọi người lơ đãng.

Nhiều đêm ông Hai ngồi thừ với ba tôi không nói câu nào. Hoặc buổi chiều đi học về tôi lại thấy ông đang hì hục qua cầu, rơi xuống nước rồi quay lại bờ, lầm bầm chửi rủa. Cây cầu dừa giờ là của mình ông. Người xung quanh đây ngán ngẩm đã vòng ra đường lớn để sang bên kia, khỏi phải chờ đợi và nhìn thấy cảnh tượng kì dị này. Leo lên leo xuống chán chường, ông Hai ngồi bên bờ kênh, đưa hai bàn tay gân guốc lên ôm đầu, ôm nỗi mệt mỏi của tuổi già vừa ập đến, ôm cơn tuyệt vọng gầm rú bên trong và cả một cuộc đời lê thê trước mắt. Ba tôi ra dìu ông về, nhưng ông Hai không muốn, ông nói ngồi chờ anh Hoàng. Trong thời gian chờ đợi, những cơn gió đìu hiu lành lạnh của buổi chiều thổi qua làm người đàn ông đau khổ già đi từng ngày, mất hẳn kết nối với phần còn lại của cuộc sống, khiến cho số ngày con Trúc mang rổ qua nhà tôi xin gạo cứ nhiều lên, chồng chất. Còn con Lu thì gầy xọp đi, nằm bên cạnh ông Hai, cái đuôi thỉnh thoảng cong lên, phất phơ trong gió.

*

*        *

Ngày tháng trôi qua chậm rãi, rời rạc…

Mùa mưa đến sớm làm cây cỏ hai bên bờ kênh xanh tươi rộn rã, nhưng cuộc sống con người thì ảm đạm. Ông Hai ở nhà nhiều hơn. Nước cuốn phăng cây cầu cũ và người ta vừa kịp làm một cây cầu mới với hai thân dừa nằm cạnh nhau cho dễ đi lại, ông Hai không còn phải hụp lặn dưới kênh mỗi lần say rượu nữa. Dạo này ông hay câu cá. Buổi trưa ông Hai đội cái nón lá lụp xụp cầm cần câu ra khúc kênh rộng nhất ngồi, con Lu lẽo đẽo theo sau. Những ngày mưa dai dẳng ông vẫn ngồi, trầm ngâm dưới những giọt bay lất phất theo gió và một khoảng mênh mông xanh rì cây cỏ. Con Lu lông bết lại, thỉnh thoảng đứng dậy rùng mình mạnh mấy cái liền, nước văng tung tóe.

Ông Hai ngồi lâu nhưng thực ra không được bao nhiêu cá, chỉ vừa đủ cho gia đình ông. Con Lu cũng được ké phần vào, dạo này trông nó tròn trịa hẳn ra, có da có thịt hơn, bộ lông óng mượt trở lại. Ông Hai không phải là tay sát cá. Sát cá là phải biết mình đang câu loại cá gì, sống ở tầng nước nào, ăn loại mồi gì và sau khi am tường tất cả những chuyện đó, người đi câu phải có kĩ thuật trình bày mồi sao cho thật đẹp mắt, ngon lành, hấp dẫn đến nỗi những con cá khôn ngoan nhất cũng không thể cưỡng nổi. Kĩ thuật này quá khó đối với ông Hai, nhưng ông bù đắp lại tất cả khiếm khuyết đó bằng thời gian cùng sự nhẫn nại hiếm thấy. Ở nhà, bà Hai lê cái chân gỗ hết đi ra rồi lại đi vào, tựa cửa nhìn ra đầu con hẻm sâu hun hút, thở những hơi dài thườn thượt. Bà vẫn chưa tin rằng anh Hoàng đã chết trong lúc các chân nhang cắm trên bàn thờ mỗi lúc một nhiều hơn, xòe đều xung quanh như một đóa hoa đỏ rực, các cánh hoa sắc nhọn tua tủa đâm vào tim bà mỗi buổi chiều tối lại cứ nhói lên...

Đến giữa mùa mưa của một năm sau đó thì mọi thứ dường như đi vào một quỹ đạo mới. Ông Hai lại đạp xe vào buổi sáng, đến trưa ôm cần câu ra ngồi giữa quãng kênh rộng, con Lu phe phẩy đuôi bên cạnh. Buổi tối ông qua nhà tôi đều đặn, mùi rượu đã bớt phảng phất trong hơi thở của ông. Bà Hai cũng ít tựa vào cửa hơn trước, bà dần làm quen với cái bàn thờ trước nhà và bó chân nhang đã được đốt đi cho đỡ vướng.

Nhớ hôm đó ăn cơm xong, tôi qua nhà ông Hai cho con Trúc chén chè do mẹ tôi tự tay chuẩn bị, mẹ tôi nấu nướng dở tệ nhưng mỗi lần làm thì lại rất nhiều, phải hai gia đình ăn mới hết. Ông Hai và bà Hai đang cãi nhau ầm ĩ. Ông nói một câu thì bà sẽ trả lời lại một câu, ông Hai dường như đã đập vài món đồ ít ỏi trong nhà. Tôi nghĩ nếu bà Hai chịu khó nhường nhịn một lần thì mọi thứ sẽ êm xuôi. Nhưng không, mỗi lần ông Hai mở miệng lại truyền cho bà một cảm hứng, một nguồn năng lượng mới mẻ khiến bà càng cương quyết hơn, dữ dội hơn. Mấy người con lặng im không nói tiếng nào. Có lúc tưởng chừng như trận chiến đã kết thúc thì một trong hai con người rệu rã này lại cất tiếng, và cơn cuồng nộ lại bắt đầu lại từ đầu. Bà Hai vừa chửi rủa vừa tháo cái chân gỗ ra leo lên giường. Chị em con Trúc cẩn thận nhìn ra dòng kênh tối thui đen ngòm thủ thế. Ông Hai xấn lại, giơ tay lên đằng đằng sát khí nhưng bà Hai tỉnh queo, bà hất mặt lên:

“Ông giết luôn đi!”

Vừa đúng lúc đó, trong ánh đèn vàng đìu hiu và tiếng côn trùng rền rĩ của buổi tối buồn ẩm ướt, một người thanh niên tả tơi xuất hiện. Tôi vừa nhìn thấy anh đã giật thót tim, đó là người thanh niên trên bàn thờ. Anh Hoàng trở về như một hồn ma đúng lúc không ai tin anh còn sống nữa. Bà Hai im lặng mất mấy giây rồi gào lên đến lạc giọng. Bà phóng đến ôm chặt lấy anh Hoàng, quỵ xuống. Sau đó là những giây phút hỗn loạn ầm ĩ cả xóm nghèo. Con Trúc hất chén chè đổ lênh láng ra đất còn ông Hai lặng đi, gương mặt đen đúa rưng rưng co rúm lại không nói được lời nào. Bao nhiêu nước mắt họ dùng để khóc trong ngày anh chết đi thì cũng bấy nhiêu nước mắt được khóc mừng ngày anh trở về. Nhà ông Hai hỗn loạn như cái chợ, mọi người tranh nhau nói và trên thực tế anh Hoàng đã không kịp trả lời câu nào.

Con Lu thấy vậy cũng vui mừng nhảy nhót xung quanh, vẫy tít cái đuôi dài óng mượt. Chỉ trong chốc lát, đèn được khơi sáng, sức sống quay trở lại với ngôi nhà từ lâu nguội lạnh, sau khi cái bàn thờ anh Hoàng được dẹp đi gọn ghẽ trong đêm.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm nhưng không vội ra khỏi giường, tôi ngồi nhìn con kênh uốn khúc chảy qua phía sau nhà, nhìn nắng và màu xanh non phủ khắp nơi trên mặt đất. Ba mẹ tôi đi vắng nên chị em tôi cứ nằm ườn cho đến gần trưa. Gia đình tôi không định ở đây lâu, vì vậy mỗi ngày tôi nhìn ra dòng nước trong trẻo loang loáng phía đằng xa kia đều như một ngày cộng thêm vào. Đó là một khung cảnh tuyệt đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Khi mặt trời lên cao hơn và những tia nắng bắt đầu gắt gỏng khó chịu, ông Hai Long sang nhà tôi. Bình thường ông chỉ ngồi ở phòng khách bên ngoài nhưng hôm nay thì khác. Ngay giây phút ông Hai bước vào căn phòng nơi chị em tôi vẫn còn đang nằm, tôi đã nhìn kĩ gương mặt xa lạ của ông. Da ông đen đúa bóng láng, râu lún phún vài sợi bạc lan gần đến hai bên má hóp lại, xương gò má nhô cao, đôi mắt trũng sâu và ánh mắt thấp thoáng vẻ tàn bạo. Ông Hai không nhìn bọn tôi, cũng không nói tiếng nào, chỉ cúi xuống gầm giường búng tay vài cái, ông gọi khẽ: Lu, Lu...

Con Lu rên lên một tiếng, nó nằm quá sâu bên trong và tôi phải ngồi thụp xuống nhìn vào. Tôi cũng không biết con Lu sang đây lúc nào, nó chui vào bên dưới bọn tôi từ bao giờ. Ông Hai tiếp tục gọi thêm vài tiếng nữa, con Lu trườn về phía ông vài bước ngập ngừng rồi nằm bẹp luôn xuống đất. Toàn thân nó run lên bần bật, hai chân trước duỗi thẳng, miệng vẫn không ngừng rên rỉ. Ông Hai cứ nhẹ nhàng: Ra đây, ra đây Lu... rồi vừa đủ tầm với, ông chụp lấy chân con Lu kéo mạnh nó về phía mình. Con Lu cố trì người lại, kêu ăng ẳng vài tiếng, sau đó tè ra sàn nhà tôi một bãi nhỏ. Ông Hai khoẻ hơn lôi tuột nó ra, bế thốc lên vai vác đi trong tiếng ấm ứ liên tục của con vật. Con Lu quay lại phía sau nhìn tôi, mắt ứa ra một giọt buồn bã khẩn cầu. Đến lúc này, tôi cũng vừa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi hiểu vì sao con Lu sang đây. Mọi thứ đã quá trễ, nhà tôi không phải là một nơi để có thể nương náu.

Tôi bước ra sau nhà, ngồi xuống nhìn thẳng vào bức tường phía trước. Sau bức tường này là dòng nước, rồi nhà ông Hai. Tôi không biết phải làm gì. Phía bên kia con kênh nhỏ chỉ bằng một thân cây dừa, tôi có thể nghe tiếng con Lu van xin nài nỉ, tiếng ồn ào, rồi lại tiếng con Lu tru lên nho nhỏ tuyệt vọng, tiếp theo là một tiếng động lớn khô khốc và im bặt. Khoảng lặng im dài đằng đẵng... Tôi không bao giờ còn có thể nhìn thấy con Lu nữa. Cho đến tận những năm tháng sau này khi đã lớn lên, tôi vẫn không thể nào quên được những âm thanh của ngày hôm đó. Tôi tự hỏi còn những người phía bên kia bờ kênh thì sao, những người đã nghe như tôi và nhìn thấy...

Ba tôi không đến bữa tiệc mừng anh Hoàng trở về của ông Hai. Đó là một ngày nhà ông bận bịu ồn ào cho đến tối. Dường như đây cũng chỉ là buổi tiệc của riêng gia đình ông Hai, bạn bè anh Hoàng, họ hàng thân thiết. Rượu được rót ra rất nhiều. Sự chuẩn bị bắt đầu từ sáng sớm cho cuộc vui kéo dài đến tối khuya, một niềm vui cũ quay về, để quên hết tất cả muộn phiền chất chứa bấy lâu.

Vài ngày sau nữa, ba tôi quay lại Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc sống của gia đình sau này. Nhưng mẹ và chị em tôi còn ở cạnh con kênh nhỏ thêm nhiều tháng nữa. Trong thời gian đó, ông Hai không sang nhà tôi. Dường như hai gia đình đã cắt đứt sự liên lạc cần thiết khi ba tôi đi mất. Anh Hoàng về được mấy tháng, sau đó không ai thấy anh đâu nữa. Có những thứ cuối cùng cũng lặp lại. Ông Hai vẫn đi câu. Nhưng trong buổi chiều mưa lạnh lẽo, tôi ngồi co ro trên giường nhìn ra bên ngoài cửa sổ, một mình ông buông cần ở đoạn kênh rộng thênh thang, không có con Lu vẫy đuôi bên cạnh. Những ngày này trời không có nắng. Mây mờ trên cao và gió thổi từng cơn hoang vu lạnh lẽo. Đó là khung cảnh đìu hiu quạnh quẽ đã báo hiệu cho một cơn cô đơn tàn nhẫn kéo dài nhiều năm sau này mà trong buổi chiều hôm đó, ông Hai chưa hề biết đến...

Nhà tôi dọn đi vào một buổi sáng gấp gáp, không có một lời chào từ biệt với gia đình ông Hai phía sau, kể cả con Trúc. Ba tôi vắng nhà từ dạo đó và mẹ tôi quá bận rộn. Dù sao ông Hai trên danh nghĩa cũng chỉ là bạn của ba tôi thôi. Từ dạo anh Hoàng bất ngờ trở về và những chuyện xảy ra sau đó, con Trúc không qua nhà tôi nữa. Con Lu tầm thường nhưng cuối cùng lại quan trọng hơn mọi người vẫn nghĩ, hoặc đó là những câu chuyện kì lạ ập đến liên tiếp mà không ai kịp suy xét, không kịp đắn đo. Nhưng tôi có thể chắc rằng, nếu con Lu còn sống, nó sẽ vẫy đuôi chào tôi lúc xe rời đi, khi tôi ngoái lại phía sau nhìn mọi thứ mình yêu dấu trôi dần. Giống như khi tôi nhìn nó trên vai ông Hai với một giọt tuyệt vọng ứa ra từ khoé mắt. Cho đến giây phút cuối cùng trong đời, nó vẫn làm cho tôi ngạc nhiên không thể nào tưởng tượng nổi, con Lu biết khóc.

Khoảng thời gian sau tôi tiếp tục lớn lên ở nơi khác, trong một cư xá nhỏ yên bình. Có nhiều lần tôi nhớ về nơi chốn thời thơ ấu, cái cửa sổ nhỏ nhìn ra một khoảng mênh mông xanh rì biêng biếc. Ba mẹ tôi chưa bao giờ quay lại nơi đó. Còn tôi, đôi lúc tôi tự hỏi mình có muốn nhìn thấy lại dòng kênh kia không. Những suy nghĩ thật lạ kì, nếu tôi chỉ nghĩ bình thường thôi, tôi muốn. Nhưng khi chìm sâu vào những vẩn vơ của chính mình, sâu hơn nữa trong những mất mát bình thường của năm tháng chất chồng đằng đẵng, tôi lại thấy mọi thứ là quá đủ, tôi không muốn nhìn thấy gì nữa hết.

*

*       *

Nhưng cuối cùng sau mười ba năm, tôi vẫn quay lại xóm nhỏ, khi trời còn tối. Tôi phải chờ đến sáng để tìm nhà người quen nên ngồi tạm ngoài đầu hẻm. Có lúc tôi cố đi sâu vào trong một đoạn tìm ngôi nhà cũ của mình nhưng không thể, trời quá tối và mọi thứ thay đổi quá nhiều. Nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy con kênh đã bị lấp mất, giờ nó chỉ còn là một rãnh nhỏ thoát nước. Phía bên này là nhà tôi, phía bên kia là nhà ông Hai Long. Trong những miên man xưa cũ, tôi nhớ về cái ngày ông Hai sang lôi con Lu ra, đó là một ngày vui trọng đại hiếm có trong đời, đã đặt ông trước sự lựa chọn ít ỏi…

Sáng hẳn, tôi đi lang thang khắp xóm, tìm kiếm những gì còn sót lại của mười ba năm trước. Nhà cửa san sát khang trang đông đúc như một thành phố hiện đại, khó mà nhận ra ngày xưa từng có một cây cầu dừa. Không còn khoảng xanh rì nào nữa. Nhà cũ của tôi bị ngăn làm đôi bán cho hai người xa lạ. Cái cửa sổ nhỏ nơi tôi ngồi nhìn ra dòng kênh nay bị bít lại, chắn bởi những bức vách bê tông. Phía sau, nhà ông Hai Long cũng không còn. Tôi muốn tìm nhưng những người quen không biết ông ở đâu. Khi gia đình tôi chuyển đi, vài năm sau đó anh Hoàng cũng chết, trong một tai nạn khác, lần này thì anh chết thật. Con Trúc và những người chị lấy chồng, mang bà Hai với cái chân tập tễnh đi mất vào một buổi sáng sớm, khi ông Hai vẫn còn chìm trong hơi men của ngày hôm trước. Mấy năm sau, ông Hai bán căn nhà rách nát. Một mình dọn ra sống trong túp lều nhỏ phía sau đoạn kênh rộng nhất, chỗ ông thường ngồi câu cá, trong những cơn mưa và cơn say lẫn lộn, cho đến khi người ta lấp dần mọi thứ thì biến mất.

Lúc này, ngoài trời bắt đầu một cơn mưa kì lạ. Các hạt nhỏ xíu rơi nghiêng từ trên cao xuống trong tĩnh lặng, tạo ra rất nhiều vòng tròn tan nhanh trên mặt rãnh, nhưng không có bất cứ âm thanh nào. Cơn mưa trắng xoá dai dẳng mỗi lúc một lớn hơn. Phía xa tầm mắt của tôi hình bóng ông Hai đột ngột hiện lên rồi mờ dần đi… Có hề gì đâu, dù sao ông cũng đã bị lãng quên từ ngày tôi nhìn ra cửa sổ, khi ông buông cần câu mà không có con Lu bên cạnh. Khi tôi thấy ông một mình giữa bờ kênh, trong đám cỏ xanh rì, dáng lom khom như cố tránh cơn gió hoang vu lạnh lẽo của buổi chiều thật muộn...

H.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)