. PHAN ĐĂNG
Minh họa: Đặng Tiến
Phải đến khi cái tàn thuốc dài ngoẵng rơi xuống đùi, nàng mới buông mắt khỏi bức tường dài treo đầy tranh. Bà chủ quán bảo, cách đây ít hôm, một bức đột nhiên rơi xuống đất. Là do đinh treo lâu ngày hoen gỉ, vì thế bữa nay phải tổng rà soát. Bà chủ ở dưới, ông chủ phía trên thang, cẩn thận hạ từng bức xuống kiểm tra đinh móc, và cũng để xem có bức nào bị mối mọt tấn công, phải đem đi sửa chữa hay không. Chăm chú nhìn những bức tranh di chuyển theo tay ông chủ, nàng cảm giác phố cổ, núi đồi, dòng sông... ở đó đang chuyển động. Những nhân vật trong tranh dường đang cựa quậy, cố thoát khỏi chiếc khung tù bức. Nhấp ngụm cà phê - thứ nước luôn khiến nàng lâng lâng, thậm chí bủn rủn chân tay rồi châm điếu thuốc mới, khi ngẩng lên, cũng là lúc ông chủ chạm vào bức tranh ấy, nàng bỗng thấy ngực mình nghẹn lại. Cái khung tranh màu nâu thẫm bị vỡ một góc, trông giống như cơ thể bị khoét đi mảng thịt. Khi được chuyển xuống, chỗ đó như bị nứt ra, rỉ máu.
*
* *
Sáu tuổi, nàng lần đầu ngồi cùng mẹ trong quán cà phê toàn tranh, nơi thu hút phần lớn dân hoạ sĩ trong thành phố. Nghe đâu vài chục năm trước, họ đến đây uống cà phê, không có tiền trả, lâu lâu lại gán tranh của mình để trừ nợ. Thời gian qua đi, quán cà phê đặc kín tranh, nhiều bức sau này tác giả trở thành danh họa, và đương nhiên, giá trị của nó cũng được tăng theo. Từng có một đối tác nước ngoài sẵn sàng mua lại quán với giá hai triệu USD để dựng thành triển lãm nghệ thuật quy mô, nhưng ông bà chủ nhất định không chịu bán. Họ vẫn lọc cọc hàng ngày mở quán, bán những cốc cà phê mười lăm ngàn đồng cho ai vừa nghiện cà phê vừa nghiền nghệ thuật. Với ông bà và những vị khách ruột, quán cà phê bình dân cùng nhiều bức tranh đượm màu thời gian là một tài sản vô giá. Không thể hiểu những điều mà bạn bè của mẹ đã nói về những bức tranh đó, nhưng cô bé sáu tuổi ngày ấy là nàng cũng lờ mờ cảm nhận được sự khác lạ của chúng. Đơn giản là lạ. Thế thôi. Nó lạ hơn nhiều phòng tranh của mẹ. Nếu ở đây, mọi bức đều được treo ngay ngắn, có chủ đề, ý tưởng thì phòng tranh của mẹ là sự trái ngược. Rất nhiều những lộn xộn. Tranh để ngay dưới chân tường, chồng chéo lên nhau. Tranh cũ hay mới đều lẫn như thế. Duy một bức được treo lên - bức vẽ cô gái đang quỳ sụp trước ban thờ thánh mẫu. Bên dưới tranh vài chục phân là cái lò sưởi, thứ mà bất luận mùa đông rét cắt da thịt tới đâu cũng không bao giờ được đốt. Chưa bao giờ nàng thấy mẹ sử dụng nó ngoại trừ một việc duy nhất: Trên nóc lò sưởi đặt một cốc thủy tinh đầy gạo, mỗi khi chuẩn bị đặt bút vẽ bức mới, bà lại cắm vào đó một nén hương vừa thắp. Rất nhiều lần nàng lặng lẽ quan sát và cảm nhận rõ, những lúc ấy, sự bí ẩn như đông đặc lại. Từ que hương đến những sợi khói mỏng mảnh thong thả bay lên nhập vào tranh hết sợi này đến sợi khác. Ánh nhìn trân trân của mẹ nàng cũng chìm trong những sợi khói đó để rồi nhập vào cô gái phía trên. Trong khoảnh khắc khó lí giải ấy, cô gái trong tranh dường như cựa quậy.
Sao mẹ lễ cô ấy?
Thay cho lời đáp là ánh mắt nhập thần của mẹ. Vài lần như thế, cho đến khi nàng thấy mọi thứ quen thuộc đến mức chẳng còn nhu cầu tìm hiểu nữa. Mà mẹ cũng chẳng bao giờ kể cho nàng câu chuyện của những bức tranh. Càng không bao giờ dạy nàng vẽ, dù đôi lần nàng ướm hỏi. Mẹ đã xác định rõ ràng: Tất cả những gì liên quan đến tranh là thế giới của mẹ, còn những gì nằm ngoài tranh là thế giới của nàng. Kể ra thì cũng có một ngoại lệ duy nhất. Đúng một lần duy nhất. Đó là hôm hai mẹ con ngồi trong quán cà phê, mẹ chỉ lên bức vẽ cô gái quỳ trước đền thờ buột miệng. “Cô đơn con nhỉ.” Ngay sau câu nói ấy, như cảm thấy lỡ lời, mẹ chợt im lặng dù nàng dong mắt nhìn chờ đợi một câu nói hoặc câu chuyện tiếp theo.
Mày có sợ không?
Đứa bạn hiếm hoi chơi với nàng, biết đến nghi lễ của mẹ, từng hỏi. Nàng lắc đầu. Từ rất lâu rồi, hai mẹ con sống trong một căn nhà, một phòng tranh, có gì mà sợ. Vậy mà, riêng cái hôm định mệnh ấy, nàng sợ. Sợ thật sự. Và cả kinh hoàng nữa. Nàng giấu mẹ những thông tin mà bác sĩ nói với nàng, rằng căn bệnh ung thư của mẹ đã di căn. Giấu tiệt. Nhưng bà thì tự biết tình trạng của mình. Một tay bà cầm tay nàng, một tay chỉ về phòng tranh run run bảo dẫn mình vào đó.
Nàng hiểu, bà muốn xem những bức tranh lần cuối. Những bức tranh bà cặm cụi vẽ cả đời và tuyệt nhiên không bán cho ai cả. Thi thoảng bà có tặng người này người kia, nhưng bán thì tuyệt không. Bà tiến về phía lò sưởi, không phải để châm một nén hương như nghi lễ vốn có của mình, mà là châm lửa đốt lò. Lần đầu tiên trong cuộc đời, nàng thấy nó được đốt lên. Rồi bà vừa ho sù sụ, vừa chỉ ra đống tranh, bảo nàng giúp mình mang chúng đến đây. Nàng kinh ngạc khi thấy bà đưa bức đầu tiên vào lò với một gương mặt bình thản, không tiếc nuối.
Tại sao vậy mẹ?
Cũng như về nghi lễ, ý nghĩa các bức tranh mà nàng hỏi trước đây, đáp lại vẫn chỉ là sự im lặng. Nàng nhìn ánh mắt bà chăm chú quan sát ngọn lửa sém dần vào tranh, không thể đoán nổi tâm trạng cũng như ý nghĩ của mẹ mình lúc đó là gì.
Chỉ có tiếng nổ tí tách trong lò, những nhân vật trong tranh từ từ chết là rõ nhất.
Sao thế mẹ?
Vẫn là một sự im lặng, ngoại trừ một vài tiếng ho. Phải đến khi nàng quyết định giật lại một bức thì bà mới ngước lên nhìn nàng với ánh mắt cầu khẩn rồi hổn hển nhưng cương quyết.
Đưa đây!
Nàng quá hiểu, với mẹ mỗi bức tranh là một đời sống, một số phận, một tâm tư. Mẹ tạo ra nó, đau đớn và hạnh phúc. Vậy thì tại sao lại đốt. Tại sao lại hoá kiếp cho nó?
Tại sao hả mẹ?
Mẹ không muốn bất cứ thứ gì đau khổ vận vào con. Bà nặng nhọc nói, gần như với chính mình chứ không phải nàng.
Nàng oà khóc, ôm lấy mẹ, và chấp nhận nhìn những bức tranh bị từ từ hoá kiếp. Những bức tranh - thứ cứu cánh của đời mẹ, mà nếu không có nó, bà đã không thể sống được trong hàng chục năm qua. Những bức tranh mà trong cảm nhận, nàng biết, mẹ yêu và tin nhân vật của mình hơn cả những người ngoài đời thực. Nhìn ánh mắt mẹ quyết liệt, bình thản chứng kiến lửa chạm vào từng không gian, từng con người trong tranh, nàng thương mẹ ghê gớm. Và khi những bức trên sàn được hoá xong, mẹ ngước lên phía trên lò sưởi. Hiểu ý, nàng hạ bức cuối cùng ấy xuống. Mẹ nàng không ném nó vào lò ngay như đã làm với những bức tranh trước mà đặt nó lên đùi mình, cố dang hai cánh tay, cầm vào hai cạnh khung, trân trân nhìn cô gái đang cúi lưng quỳ sụp trước sập công đồng. Tóc cô xõa phủ. Ở phía trên, tam toà thánh mẫu như đang nhìn mớ tóc ấy. Suốt nhiều năm, dù cố vắt óc lí giải thì nàng cũng không hiểu được nó là ánh mắt tha thứ hay oán giận. Rồi ánh mắt của mẹ nàng cũng chạm vào ánh mắt ấy. Cô gái trên sập công đồng phút chốc giống như một người thừa trong cuộc đối diện đàm tâm giữa người hoạ sĩ ngoài đời với tam toà thánh mẫu ở trong tranh.
Đốt cho mẹ một nén hương. Bà nói khi vẫn nguyên trạng thái như cũ.
Cột khói thứ nhất bay lên, những ánh mắt vẫn chiếu vào nhau khó hiểu. Cột khói thứ hai, thứ ba...
Nhưng rồi mắt mẹ sụp xuống. Bà khóc. Rưng rức như một đứa trẻ tội nghiệp. Những giọt nước mắt lăn qua má, rơi vào bức tranh. Bà cố lấy tay che miệng, ngăn cơn ho kinh niên của một người đang giành giật sự sống trước thần chết. Đôi bàn tay nhăn nhúm, gầy guộc không ngăn nổi những cơn ho. Máu từ miệng văng qua kẽ tay, bắn vào bức tranh. Lởm chởm trên tóc người con gái trong tranh.
Chứng kiến cảnh đó, nước mắt đầm đìa gương mặt nàng. Gắng chút sức lực còn lại, bà giơ bức tranh về phía nàng rồi vừa ho vừa thều thào nhát gừng: “Hoá... đi.” Nàng nhận lấy bức tranh, và cảm nhận có một thứ gì đó chuyền sang cơ thể mình. Không hẳn là nóng, lạnh hay nhói, tê, buồn... Chỉ biết nó là cảm giác, thế thôi.
Và trong một khắc, nàng thấy mình bị chìm nghỉm, trong thứ gì đó sánh đặc.
Hoá... đi!
Nàng giật mình đưa bức tranh vào lò như một cái máy khi câu nói có phần cương quyết của mẹ vang lên. Tự nhiên nàng thấy đau dữ dội. Giống như chính xương thịt nàng đang cháy. Người con gái trong tranh đang được hỏa táng hay chính nàng đang giãy giụa trên giàn hỏa thiêu? Nước mắt chảy tràn gương mặt dường như vô tác dụng. Nước mắt không những không giúp nhẹ nhõm mà càng khiến nàng thấy mặt nóng giãy. Nó thấm qua da buốt tận xương, cảm giác gương mặt mình đang biến dạng. Hãy đến thật nhanh, và mọi thứ sẽ kết thúc. Nàng tự nhủ và ấn bức tranh sâu hơn vào đống lửa. Nhưng chính lúc đó, nàng không còn cảm thấy gì nữa. Có lẽ, khi con người đã sẵn sàng chờ đón một kết cục thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng. Nàng giật mình khi thấy mái tóc xõa về phía trước của người đàn bà bệnh tật gầy yếu đang bình thản gục mặt cạnh lò như cũng đang bén lửa. Giật nhanh bức tranh khỏi lò, nàng cuống cuồng dập, nhưng ngọn lửa đã thiêu hủy mất khoảng một phần ba. Ngôi đền cháy rụi. Tam toà thánh mẫu cháy rụi. Một phần đầu của cô gái trong tranh cháy rụi, phần còn lại nham nhở khói. Trên phần tóc, những giọt máu đỏ lấm thấm lúc trước giờ đã thẫm đen như tiết luộc.
Chính vào lúc đó, mẹ nàng đã ra đi vĩnh viễn.
Nhiều năm sau này nghĩ lại, nàng vẫn bủn rủn không hiểu điều gì đã xảy ra. Rồi nàng tự nhủ, đó chẳng qua chỉ là cảm giác khi chứng kiến một sản phẩm in cả máu và nước mắt của mẹ đang bị hủy diệt bởi chính bàn tay mình.
Năm ấy nàng tròn 16 tuổi.
Minh họa: Đặng Tiến
Nàng vẫn nhớ hôm đưa anh đến quán cà phê tranh quen thuộc của mình. Đấy là lần đầu tiên trong đời, nàng ngồi cà phê tranh với một người khác, ngoài mẹ. Kể từ ngày mẹ mất, nàng chỉ ngồi ở đây một mình. Nhưng hôm ấy, một hôm rất đặc biệt, nàng chính thức trở thành đàn bà nên muốn chia sẻ với anh thế giới và những bí mật của riêng mình. Vừa nhấp những ngụm đen nóng không đường, nàng vừa chỉ vào một tranh trong chi chít những bức treo cạnh nhau cho anh thấy. Không nói, nhưng anh gật gù im lặng nghe nàng kể về những buổi cà phê của hai mẹ con ngày xưa.
Ghế anh ngồi ngày xưa mẹ em hay ngồi đấy.
Nàng dịu dàng kéo ghế xích lại sát bên, rồi lại cùng anh nhìn sâu vào bức tranh mà trước đây hai mẹ con đã quan sát không biết bao nhiêu lần.
Gam màu trầm. Ngôi đền đẹp. Nhưng cô gái trông buồn quá. Bỗng dưng anh bình luận.
Cô đơn, anh nhỉ. Nhiều lúc em nghĩ, nếu cánh cửa mở ra, cô gái vào đền, quỳ trên sập công đồng, đối diện với các vị thánh thì sao. Mà theo anh, vì sao người ta lại vẽ cảnh cô gái ở ngoài cửa đền, chứ không phải ở bên trong?
Vì ông hoạ sĩ hiểu rằng, thần thánh cũng chẳng cứu được cô ấy. Anh trả lời sau một chốc nghĩ ngợi.
Nàng gật gù, nghiêng đầu tựa vào vai anh và càng thấy yêu anh nhiều hơn. Cuộc đời này, giờ đây, nàng chỉ có duy nhất mỗi anh.
Ấy thế mà mọi thứ, kể cả cái cảm giác yêu thương da diết đã là chuyện của vài năm về trước. Bây giờ thì nàng ngồi đây, và hiểu rằng cảm xúc yêu đương chỉ là một ảo giác nhất thời. Nàng không thể xóa khỏi đầu hình ảnh khúm núm của anh khi hai người ăn cơm với vợ chồng sếp anh. Ông sếp nói chuyện chán ngắt. Mỗi lần nói những câu chọc cười thì nhạt toẹt. Ấy vậy mà ông ấy nói xong là anh hể hả, cười như thể đang ngồi đối diện với một danh hài. Khoảng cách giữa hai người dần bị đẩy ra xa. Và giọt nước tràn li diễn ra vào cái hôm anh chở vợ chồng sếp từ quán ăn về nhà. Xe dừng, anh đon đả xuống mở cửa, rước vợ sếp ra ngoài. Sau đó, khi chở nàng về thì anh lại ngồi ỳ sau vô lăng, để nàng tự mở cửa xuống xe. Nàng đã cố gắng, nhưng không thể chịu đựng nổi. Một sự đổ vỡ không ồn ào mà âm sâu. Cho đến một ngày, trên xe của anh bước xuống không phải là nàng mà là một cô gái khác, người mà anh có thể dựa vào đó để tiến thân.
Hôm chia tay, dĩ nhiên nàng không buồn, nhưng có khoảng hoang lạnh lớn trong lòng. Tiếc anh ư? Không phải. Mà là một cái gì đó lớn lao, còn trên cả đức tin. Quãng thời gian hơn một năm dành cho anh, nàng giống như một con chiên ngoan đạo. Không, có lẽ còn hơn thế...
Nàng lại trở về thói quen xưa: một mình nhấp đen nóng trong quán cà phê tranh và chìm vào hình ảnh cô gái trước cửa đền. Đúng là cô gái trông rất cô đơn, nhưng không hiểu sao cứ nhìn vào đấy, nàng lại thấy lòng mình được an ủi rất nhiều.
*
* *
Đã ba ngày trôi qua kể từ khi những bức tranh được ông chủ quán cà phê gỡ xuống, nàng quay lại với hi vọng bức cô gái trước cửa đền đã được sửa xong, và sẽ về lại chỗ của mình suốt bao năm qua, đúng tầm mắt mà nàng có thể vừa uống cà phê, nhả khói thuốc vừa ngưỡng vọng. Quả đúng là những bức tranh đã được sửa chữa xong, và treo về chỗ cũ, nhưng riêng chỗ cô gái ấy thì không. Một ô trống trên tường giữa chi chít những bức tranh dễ làm thị giác khách uống cà phê khó chịu. Hiểu ý, bà chủ quán giải thích, cái khung cũ lâu ngày hỏng phải thay khung mới, nhưng khung mới không hợp nên bắt làm lại.
Bao giờ làm xong hả cô?
Họ hẹn ngày mai.
Để cẩn thận, hai hôm sau nàng mới quay lại. Nhưng chỗ trống mà bức tranh để lại vẫn y nguyên.
Nàng thấy ngực mình nghèn nghẹn khi nhìn vào đó. Không biết cà phê đặc và thuốc lá có khiến nàng rơi vào ảo giác hay không, nhưng đúng là nàng bỗng thấy cô gái xuất hiện, đi về phía trước và vào trong ngôi đền. Rồi cô lên sập công đồng, quỳ xuống vái lạy tam tòa thánh mẫu. Cả một thế giới chuyển động rõ rệt trước mắt nàng. Những đôi mắt thánh mẫu nhìn cô gái rồi lại quay sang nhìn nàng. Nàng rít một hơi thuốc rồi nhả những vòng tròn nhấp nhô nối tiếp. Trong mờ ảo khói, nàng thấy cô gái đi ra khỏi ngôi đền và theo vòng khói tiến về phía nàng. Tim nàng thót lại cảm giác quen thuộc. Có phải là cô ấy không? Đúng rồi. Có phải là mẹ không? Đúng rồi. Có thật không?... Hàng loạt câu hỏi quay lộn trong đầu. Cho đến khi cô gái tới gần sát, nàng chợt nhận ra, cô gái bị khuyết một phần đầu. Trên mái tóc đang xòa về phía trước cố che phần đầu khuyết, lởm chởm những giọt máu tươi. Thậm chí, nàng còn ngửi thấy mùi tanh tao của nó. Cảm giác ngột ngạt, sợ hãi khiến nàng đưa hai cánh tay về phía trước ôm lấy mặt. Chợt nàng cảm thấy tóc mình ươn ướt dính. Đưa tay lên đầu vuốt vuốt, khi xòe ra trước mặt, nàng thấy bàn tay mình nhớp nháp đỏ máu.
Không. Mẹ ơi, cứu con. Nàng thất thanh.
Cháu ơi. Cháu ơi. Sao thế. Bà chủ quán phải lay mạnh mấy lần lên vai, nàng mới tỉnh lại. Lập tức nàng đưa hai bàn tay chà lên tóc rồi mở ra xem. Tuyệt nhiên không có gì. Nhìn vào khoảng trống giữa chi chít những bức tranh, giọng nàng thất thần.
Nó đâu rồi cô?
Bà chủ quán nhìn nàng vẻ lạ lẫm rồi nhắc lại điều đã nói khi trước.
Nàng trở về nhà. Lần đầu tiên nàng đủ can đảm mở cửa phòng tranh kể từ ngày mẹ nàng vĩnh viễn ra đi. Một hỗn hợp mùi ẩm mốc, hôi thối của rác rưởi, mạng nhện, phân chuột, xác gián, xác thạch sùng… khiến nàng buồn nôn. Nàng cố nín thở, tiến về phía lò sưởi. Ở trên nóc, giữa đống rác rưởi có xác vài con chuột chết, vẫn còn khoảng một nửa bức tranh nhàu nhĩ, ủ dột và mục nát. Thật ra ngày mẹ nàng qua đời, những nghệ sĩ thân thiết của bà đã khuyên hãy để một phần bức tranh còn lại ấy vào trong quan tài, rồi hoá đi tất cả. Họ bảo, đấy là điều mẹ nàng mong muốn. Nàng đồng tình. Nhưng không hiểu sao phút cuối nàng đổi ý. Nàng quyết định cứ để nó lại ở chỗ mà nó được sinh ra. Rồi nàng sẽ khoá chặt cánh cửa ấy, thế giới ấy, cõi sống ấy. Khoá chặt lại. Vĩnh viễn.
Phải đến hôm nay, cái khoá hoen gỉ tưởng chừng sẽ chôn vùi mãi mãi một thế giới, mới đột nhiên được mở ra. Bụi bặm, ẩm mốc, khiến cô gái già thêm hàng chục tuổi. Cô không những mất phần đầu, mà giờ còn mất luôn một phần thân xác. Không biết do thời gian làm mục ruỗng hay lũ chuột khốn kiếp đã gặm nhấm thân cô đến nông nỗi này. Nàng dựng nửa bức tranh mục nát và nham nhở ấy lên, cố hình dung lại cái ngày cô gái còn nguyên vẹn.
Giống như mẹ ngày xưa, nàng thắp một nén hương trên nóc lò sưởi và đứng ngắm những sợi khói bay qua một phần thân xác tàn tạ của cô gái. Mùi hương trầm ít nhiều xua mùi tanh tao, ẩm mốc. Khói hương ám vào bức tranh, như làm mọc trở lại phần tóc đã mất của cô. Khói ám vào tóc. Tóc nhập vào khói. Một suối tóc hay một suối khói đang hiển hiện? Nàng thấy một thực thể đã chết như đang từ từ trở dậy. Mùi khói, mùi tóc thơm dìu dịu. Nàng nhắm mắt lại, tận hưởng cảm giác khoan khoái lâu lắm rồi mới trở lại và cảm nhận rất rõ những sợi tóc nàng cũng đang bay lên. Nó hoà vào những sợi khói - tóc, tạo thành một dòng xoáy trập trùng. Dòng xoáy mỗi lúc một lên cao. Càng lên, dòng xoáy càng mảnh. Càng lên, càng ngào ngạt hương thơm. Những vòng xoáy nhấc cơ thể nàng bay lên lúc nào không hay. Nàng thấy nhẹ nhõm như đang từ từ đi lẫn vào mây. Chập chờn tam toà thánh mẫu đang cúi xuống nhìn mình. Vẫn là ánh mắt mà nàng không hiểu nổi là đang thương xót, tha thứ hay oán giận.
Nàng rùng mình khi nhận ra những chấm đỏ lổ đổ, lởm chởm xuất hiện trong dòng xoáy ấy. Cố nhìn kĩ lại. Đúng là những chấm đỏ lởm chởm, nhưng chúng không có mùi máu. Chắc chắn không có. Nhưng đúng là nó, những giọt máu đã quá quen thuộc với nàng.
Không. Không. Không thể nào!
Nàng hét lên.
*
* *
Hai hôm sau, từ nhà tang lễ của một bệnh viện trong thành phố, một chiếc xe tang mang theo chiếc quan tài trắng và những vòng hoa trắng từ từ tiến ra. Những người đi đường chẳng có lí do gì để phải chú ý đến nó. Một vài người ngồi trong xe tang, không ai bảo ai, đều cúi mặt vào điện thoại.
Có lẽ, họ không biết rằng trong lòng tay của cô gái nằm trong quan tài, có một nốt ruồi thông linh màu đỏ.
P.Đ
VNQD