. NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
Một ngày cuối thu, theo hẹn, tôi ra Hà Nội gặp Lê Thanh Trung, Đại đội trưởng cũ của tôi để cùng lên thị xã Phú Thọ thăm đồng đội. Trước khi nghỉ hưu, anh là Trưởng phòng Trinh sát Quân đoàn 3. Do công việc bận rộn, đến nay chúng tôi mới có điều kiện thực hiện ý định đã ấp ủ từ lâu.
Anh em Phú Thọ nghe tin đã có mặt từ sớm. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau như người thân lâu ngày trở về. Những dòng nước mắt lăn dài trên má. Bên ấm trà xanh thoảng hương nhài, những người lính Đại đội 20 trinh sát Sư đoàn 320 Quân đoàn 3 nhớ lại kỉ niệm một thuở trẻ trai trên chiến trường nước bạn Campuchia. Câu chuyện về chuyến luồn sâu, móc nối lính Khmer Đỏ phản chiến giờ đây mới được những người trong cuộc chắp nối trọn vẹn từ “vai chính” là Lê Thanh Trung (nhân vật tôi ở phần dưới).
Và tôi - tác giả, chỉ là người chép lại câu chuyện này.
*
* *
Tháng tám năm 1978, thời tiết đã sang thu nhưng miền Đông Nam bộ đang mùa mưa. Lúc này Sư đoàn 320 đã chuyển hẳn sang bên kia biên giới Campuchia. Pol Pot đang bị động và không còn hung hăng như hồi đánh sang ta. Ngoài bộ đội Việt Nam, chúng phải dàn lực lượng đối phó với lực lượng nổi dậy. Những đơn vị phản chiến này đang tìm cách liên lạc với bộ đội Việt Nam. Nhiều lãnh đạo chân chính của cách mạng Campuchia hiện đang sống trong vùng Pol Pot kiểm soát cần đưa ra vùng giải phóng để kịp thành lập chính phủ cách mạng lâm thời. Chúng tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa Phó Tư lệnh Sư đoàn Hà Xuân Bính (chỉ huy sư đoàn hồi đó được gọi là tư lệnh) vào vùng Dambae, Kampong Cham làm việc với lực lượng nổi dậy.
Đêm. Từ điểm xuất phát, chúng tôi dùng địa bàn cắt góc phương vị chọn đường đi. Trinh sát sư đoàn rồi đến trinh sát quân đoàn đi trước. Phó Tư lệnh Hà Xuân Bính và tổ đài 15W đi cùng bộ phận hỏa lực bộ binh của Tiểu đoàn 3. Phân đội bộ binh tăng cường này gồm mười lăm tay súng thiện chiến được lựa chọn trong tiểu đoàn, do Tiểu đoàn phó Lê Văn Lan chỉ huy. Đội hình một hàng dọc như con trăn gió luồn lách nhẹ nhàng xuyên qua tuyến phòng thủ của địch. Trưởng ban Trinh sát Sư đoàn Đàm Nhân Sa vốn là người nghiêm khắc. Anh nguyên là Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn thời đầu chống Mĩ. Dù là Trưởng ban nhưng anh luôn đi trong đội hình trinh sát để cùng tôi xử lí tình huống. Những giờ đầu, vì địch bố phòng dày đặc nên chúng tôi phải quan sát mọi động tĩnh rồi mới hành tiến, bên cạnh đó, các con suối cạn đều có nước chảy nên tốc độ hành quân bị chậm. Trời tối, rừng đen đặc. Mùa mưa nên lá cây mục ẩm ướt, chúng tôi phải căng tai nghe tiếng bước chân rất nhỏ của nhau để bám đội hình. Thi thoảng, ánh sáng lân tinh mờ nhạt từ địa bàn phía trước được giơ cao để người sau xác định hướng chập chờn như ma trơi. Góc phương vị cũng phải thay đổi liên tục theo đường dích dắc để qua các cao điểm nơi có địch chốt giữ. Tổ của Trung đội trưởng Trần Nguyên Thắng được chọn đi trước cắt đường. Thắng người phường Phong Châu thị xã Phú Thọ. Anh là một cán bộ trinh sát thông minh, gan dạ đã qua kháng chiến chống Mĩ nên có nhiều kinh nghiệm.
Trời về khuya, tiếng côn trùng rền rĩ và gió rừng xào xạc. Thỉnh thoảng tiếng va chạm kim loại phát ra do ai đó mang vác nặng không may trượt chân ngã khiến tim chúng tôi thót lại. Khoảng nửa đêm, Trưởng ban Sa vượt lên nói với tôi: “Sắp đến bản Phum Lou. Cần giảm tốc độ, tăng cường quan sát.” Phum Lou là căn cứ hậu cần Sư đoàn 405 Quân khu Đông Bắc của địch. Chúng tôi biết thông qua khai thác tù binh khi ta đánh chiếm cao điểm 200. Tôi lệnh thay đổi góc phương vị để vòng tránh. Đi một đoạn nữa, chúng tôi gặp nương rẫy. Chuối và đu đủ rất nhiều chứng tỏ chỗ này rất gần bản. Quá nửa đêm, trăng hạ tuần lên cao chiếu ánh sáng lờ mờ giúp mọi người dễ đi hơn. Tôi soi đồng hồ qua ánh sáng dạ quang của chiếc địa bàn Mĩ thấy đã hai giờ sáng. Bằng bất cứ giá nào đêm nay phải vượt xa tuyến phòng thủ của Khmer Đỏ để sáng sớm phải vào sâu được nội địa. Tốc độ hành quân cần được đẩy cao hơn. Do tính chất nhiệm vụ buộc chúng tôi phải hành quân cả ban ngày nên càng xa chiến tuyến càng an toàn.
Tôi lệnh đổi tổ cắt đường. Không nên để một cá nhân nào phải đi đầu quá lâu bởi xương máu là bình đẳng. Tổ Quý vượt lên trước. Trinh sát viên đi đầu lúc này là Đỗ Xuân Cài, người Hà Bắc nhập ngũ 1975. Cài to khoẻ, da đen nhẻm, tính tình vui nhộn và rất lì khi xung trận. Tôi chọn Cài đi trong chuyến này vì Cài đã được thử thách qua hai chuyến luồn sâu trước đó. Đi chưa được bao lâu bỗng Cài ngồi thụp xuống. Theo phản xạ chiến trường, chúng tôi dừng lại, nhanh chóng tản ra. Từng giây phút nặng nề trôi. Tôi đập nhẹ vào vai Trung đội trưởng Thắng ra tín hiệu cùng lên. Có tiếng động nghe như đào công sự. Quái lạ, ai làm gì trong rừng vào giờ này? Tôi thầm nghĩ. Thắng, Viết và tôi bò lên căng mắt quan sát. Hóa ra mấy con trâu lạc đang đằm nước, tiếng ì oạp lẫn vào gió ngàn. Mọi người thở phào nhẽ nhõm tiếp tục hành trình.
Gần sáng, thông tin vượt lên truyền lệnh: Thủ trưởng bảo chọn nơi ngụy trang tốt cho bộ đội nghỉ một chút. Tôi hiểu anh em đã rất mệt vì mang vác nặng, nhất là bộ binh. Mọi người tranh thủ thả lỏng bởi thời gian nghỉ không dài. Mấy cán bộ trinh sát chụm đầu quanh bản đồ bàn bạc, xác định vị trí đứng. Ánh sáng dạ quang của mấy chiếc địa bàn được phát huy. Đêm tối không thấy được địa hình và vật chuẩn để giao hội, chỉ căn cứ vào góc phương vị, tốc độ hành quân để xác định tọa độ, vì vậy, độ chính xác chỉ tương đối. Tôi đi ngược lại cuối đội hình gặp Tư lệnh phó xem có ý kiến gì không thì bắt gặp anh em bộ binh mệt quá, mang cả trang bị trên vai nằm lăn trên mặt đất. Gùi đạn, ba lô nghiễm nhiên thành điểm tựa cho cái lưng mỏi nhừ. Tới nơi, ông bắt tay tôi khen trinh sát luồn lách, tránh địch rất tốt rồi bảo hãy động viên bộ đội cố gắng, sáu giờ cho anh em nghỉ để thông tin lên máy liên lạc phiên đầu.
Chúng tôi giải lao lúc mặt trời hắt tia nắng đầu tiên. Lương khô, nước của ai người đó dùng. Nhiều người tranh thủ ngả lưng chợp mắt ngay bởi khi hành quân đã ngậm hết tiêu chuẩn lương khô.
Thông tin lên máy, theo quy ước, giờ chẵn máy canh chờ. Đêm qua gần địch nên không liên lạc. Thủ trưởng Bính kí điện báo cáo tình hình về sư đoàn. Ai cũng hiểu, cả người ở nhà cũng không ngủ vì lo lắng cho cuộc vượt tuyến phòng thủ địch.
Lại bắt đầu lên đường. Tôi nói với Trung đội trưởng Quý kiểm tra, xoá dấu vết. Chỉ sơ suất nhỏ của ai đó bỏ vỏ lương khô hay mẩu thuốc sót lại sẽ là dấu vết để địch mò theo. Trưởng ban Sa nói với tôi: “Phải đi liên tục đến Tây Ponhea Kraek mới được nghỉ tiếp. Quyết tâm đến tọa độ bắt liên lạc trước lúc trời tối.” Vậy là sáng và trưa chúng tôi phải hành quân cắt đường dài khoảng 20km. Qua thực địa trên bản đồ, chúng tôi biết phải nhiều lần qua lộ. Mỗi lần như thế rất mất thời gian, bởi phải tổ chức cảnh giới rồi chọn thời cơ mới dám vượt qua.
Đêm trước anh em C20 thay nhau đi phương vị thấm mệt nên tổ trinh sát quân đoàn đảm nhiệm. Người cắt đường đi đầu nghiệp vụ phải tinh thông. Vừa quan sát địch, vừa phải nhìn địa bàn, vật chuẩn để chọn lối, vì thế, rất căng thẳng. Sai phải đổi bằng tính mạng bao người nên chúng tôi thường xuyên theo sát kiểm tra, động viên nhắc nhở anh em bình tĩnh.
Gần trưa, rừng thưa dần, xuất hiện nhiều nương rẫy dấu vết canh tác còn mới, chứng tỏ vùng này có dân ở. Không biết họ có cảm tình với Việt Nam hay không nhưng dù đối tượng nào chúng tôi cũng phải tránh. Để đến Sê rê Kấc, phân đội phải vượt qua một con lộ địch thường vận tải hàng. Tôi báo cáo xin tổ chức vượt đường. Trung đội trưởng Quý dẫn tổ lên phía trước cảnh giới. Tôi gọi chiến sĩ Vũ Bá Khôi cùng mình vòng phía dưới để quan sát. Khôi trắng trẻo thư sinh, quê thị xã Bắc Ninh, người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn và thông minh. Khi Khôi đã cầm địa bàn cắt đường thì mọi người hoàn toàn an tâm. Đến đoạn đường vòng, bỗng nghe tiếng động cơ ầm ì từ xa. Phó tư lệnh Bính trực tiếp chỉ huy bộ đội tản ra sẵn sàng chiến đấu. Không ai được tự động nổ súng khi chưa có lệnh. Tổ cảnh giới vừa lùi vào trong thì chiếc ô tô đầu tiên xuất hiện, chạy về hướng Sê Rê Kấc. Đoàn xe tải chở quân có bốn chiếc chắc bổ sung cho tuyến trước, bởi tuần qua, hướng Trung đoàn 64 đánh mạnh nhằm nghi binh thu hút đối phương. Bọn địch trên xe đầu quấn khăn rằn thằng đứng, thằng ngồi, thằng nằm, có thằng vắt cả chân ra ngoài thành xe. Địch vừa khuất, lợi dụng khói bụi chưa tan chúng tôi khẩn trương vượt đường. Khi người bộ binh cuối cùng vượt qua thì tổ xoá dấu vết đi lùi quét dấu chân nhanh chóng rời hiện trường.
Ponhea Kraek không phải là thị tứ nhưng là vùng đông dân cư. Chúng tôi được biết, đây là hậu cứ của Sư đoàn 450 thuộc quân khu Đông Bắc của địch. Vượt qua Ponhea Kraek khoảng một ki lô mét, góc phương vị thay đổi, chúng tôi đi gần như chính Tây bởi đây là vùng thường đụng độ giữa lực lượng phản chiến với Khmer Đỏ. Trách nhiệm trinh sát phải phát hiện đối phương là lực lượng nào, nhận nhầm sẽ phải đổi bằng thất bại và tính mạng đồng đội. Mặt trời đứng bóng nhưng chưa thể nghỉ ngơi bởi đường còn dài, trong khi quyết tâm phải liên lạc được với bạn trước lúc trời tối. Mọi người vừa đi vừa nhai lương khô cho đỡ đói. Mồ hôi ướt đẫm quần áo. Cũng may đang mùa mưa nên khi vượt suối, anh em đã bổ sung nước vào bi đông. Đường vào Dambae không còn khó đi bởi đây đã là vùng trung du. Theo dự kiến tình huống, nếu bị dân phát hiện thì buộc lòng phải khống chế đưa đi theo cho đến lúc gặp lực lượng phản chiến mới trả tự do. Vì vây, mỗi lần vượt qua nương rẫy, cả phân đội phải vòng tránh, tốn nhiều thời gian. Khoảng năm giờ chiều, phân đội đến Dambae. Bộ phận cắt đường phát hiện trong rừng lúp xúp có con đường mòn nhỏ mới mở. Tôi cho đội hình lùi lại rồi cùng chiến sĩ Viết (quê Nghệ An) lên quan sát thì phát hiện một tốp người đằng xa tiến lại. Qua ống nhòm, thấy họ đeo súng, nòng hướng lên trên với cột vải trắng như ám hiệu quy ước. Chưa thể xuất hiện vì chưa đủ độ tin cậy, chúng tôi cởi áo và mũ có quân hiệu để bên vệ đường chỗ dễ thấy rồi cả hai nhanh chóng lùi về sau. Tôi rê nòng súng theo cho đến khi họ dừng lại nhặt áo lên. Đúng như dự kiến, họ xúm lại trao đổi gì đó rồi có người hô to: “Con tóp Việt Nam xa ma khi (đoàn kết với bộ đội Việt Nam).
Tôi nằm ẩn mình trong lùm cây, đáp bằng tiếng Việt:
- Bộ đội Việt Nam.
Tất cả họ đều giơ súng lên trời vẫy ra hiệu đã nhận biết, không ai cầm súng ở tư thế chiến đấu. Không thể liều lĩnh ra mặt khi không có lực lượng hỗ trợ, tôi ngóng về phía sau thì cũng vừa hay, anh em đã vận động lên. Năm phát súng tín hiệu được bắn. Họ đáp trả ba viên. Đúng tín hiệu quy ước. Thủ trưởng Bính lệnh mấy chiến sĩ trinh sát đứng dậy ra bắt liên lạc. Những người còn lại bình tĩnh rê nòng súng theo dõi từng cử chỉ đề phòng.
Sau những cái bắt tay, tất cả chúng tôi ùa ra. Niềm vui vô bờ. Một trong số họ nói bằng tiếng Việt khá sõi: “Chúng tôi chờ bộ đội Việt Nam lâu rồi.”
Con đường mòn ngoằn ngoèo đi về căn cứ của họ ẩn trong lau sậy. Cứ một đoạn lại thấy những chiếc đầu thò lên khỏi công sự được ngụy trang kín đáo. Có lẽ họ đã hoàn thành nhiệm vụ nên không cần giữ bí mật nữa. Tôi liếc thấy trên ngọn cây thốt nốt cao có hai người đang khoác súng tụt xuống. Hóa ra họ lập đài quan sát trên cây, tôi ghi nhớ để làm bài học cho các lần sau.
Hai bên đường vào căn cứ, thấp thoáng những ngôi nhà tạm có dân ở. Thấy ánh mắt tò mò của chúng tôi, người lính Khmer nói tiếng Việt sõi giới thiệu đây là nhà ở của những người dân theo kháng chiến. Họ đang cùng lực lượng di chuyển dần ra vùng tự do mong được Việt Nam giúp đỡ.
Vào đến căn cứ, Phó tư lệnh Bính lên máy làm việc. Tiếng tích tè được phát từ ma níp qua bàn tay chiến sĩ báo vụ truyền đi như bản nhạc giao hưởng chiến thắng. Ai cũng hồ hởi bởi đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến vận mệnh của nước bạn. Vui hơn nữa, chúng tôi đã vượt qua tuyến phòng thủ dày đặc của Khmer Đỏ mà không xảy ra bất trắc gì.
Phía bạn ra tiếp đón chúng tôi đều là sĩ quan. Họ vận đồ màu đen, đeo súng K59 vỏ hộp còn mới nguyên. Người sĩ quan trẻ nói tiếng Việt rất sõi kể rằng, mình đã từng đến Thủ đô Hà Nội. Trong số chúng tôi, không có ai biết tiếng Campuchia, nên anh nghiễm nhiên trở thành phiên dịch. Tư lệnh Bính đề nghị phía bạn cho gặp người lãnh đạo cao nhất. Lát sau, một người cao lớn cởi trần, bụng quấn xà rông tay cầm dao quắm bước vào. Các sĩ quan kháng chiến đứng dậy chào. Chúng tôi hiểu, đây là “Lục Thum” của họ. Ông nói được tiếng Việt nhưng còn bập bõm, tự giới thiệu mình là dân biểu quốc hội dưới thời Pol Pot nhưng không tán thành quan điểm chống người Việt Nam cũng như đường lối xây dựng xã hội của Đảng cầm quyền. Ông cho biết, dân vùng này khoảng hai vạn. Tất cả đều rất muốn ra vùng giải phóng hay sang sinh sống ở Việt Nam. Yêu cầu giúp đỡ lớn nhất hiện nay không phải là vũ khí đạn dược mà là thực phẩm và thuốc men. Quân và dân vùng này đang bị đói, đau ốm không có thuốc chữa bệnh.
Phó tư lệnh trả lời phải chờ xin ý kiến của cấp trên. Mọi người trong chúng tôi ai cũng thầm nghĩ, không thể đưa một lực lựợng lớn như vậy ra vùng giải phóng. Câu trả lời đã được đưa ra sau khi nhận được chỉ đạo của Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến: Chỉ đưa người lãnh đạo cao nhất về Việt Nam để kịp thành lập chính phủ lâm thời cùng một số lính phản chiến theo ra Memot để tải hàng viện trợ vào lại.
Chúng tôi trả lời như vậy nhưng vị đại diện li khai xin được đưa thêm một số gia đình vợ con của sĩ quan về Việt Nam để động viên họ an tâm chiến đấu. Lí do quá thuyết phục, chúng tôi xin ý kiến và được Tư lệnh chấp thuận. Chúng tôi bàn bạc rồi thống nhất, vì số lượng đông nên chỉ cho khối dân và lính phản chiến ra, số lượng ba lăm người, đúng bằng lực lượng của ta để dễ kiểm soát và sẽ trở về ngay sáng ngày mai vì ở lâu không có lợi. Việc nắm bắt tình hình lực lượng kháng chiến về sư đoàn khai thác sau.
Tối đó, chúng tôi ngủ riêng ở một khu vực trong căn cứ của lực lượng Khmer Đỏ phản chiến. Đêm mênh mông, gió ngàn man mác. Dưới cánh võng đung đưa, nhìn chòm sao Bắc Đẩu như ánh mắt người thương, tôi bỗng nhớ đến Lan. Giờ này chắc cô ấy còn thức để học. Chúng tôi vô tình gặp nhau trong lần thực tập nghiệp vụ ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vậy là xa nhau đã trọn hai năm, dẫu giàu sức tưởng tượng đến mấy, cô ấy cũng không thể hình dung tôi đang ở một nơi đặc biệt, với một tâm trạng thế này. Tôi thiếp đi lúc nào không biết và tỉnh dậy khi nghe tiếng chim hót bên ngoài. Nhìn đồng hồ đã năm giờ sáng, tôi vùng dậy. Mọi người cũng đang lục tục gấp tăng võng. Có lẽ đêm qua giấc ngủ không trọn vẹn.
Chúng tôi nấu cơm ăn. Chả là tối qua mời mấy người lính của bạn ăn lương khô, họ khen ngon, vậy là đổi một ít để lấy mấy bơ gạo. Tuy vùng kháng chiến nhưng rau xanh vẫn trồng rất nhiều, hẳn đây là chủ trương “thực túc binh cường” của bạn để nuôi quân trường kì kháng chiến. Chúng tôi ăn sáng thay bữa trưa để hành quân. Lâu ngày được bữa rau xanh “ngập chân răng” thật ngon miệng.
Người sĩ quan nói được tiếng Việt đến thông báo đi cùng đoàn có bảy gia đình, còn lại là lính ra để tải hàng viện trợ. Lo nhất là các gia đình có cháu nhỏ bồng bế theo, khi vào vùng địch kiểm soát lỡ các cháu khóc thì khó lường hậu quả.
Phương án đi đường được hai bên bàn kĩ. Người chỉ huy phía bạn nói lính của mình chủ yếu là dân địa phương, ra Memot bằng lối mòn tắt rừng chỉ họ mới biết. Đường đi sẽ được rút ngắn và khả năng an toàn cao hơn bởi bạn đã tổ chức trinh sát nhiều lần. Chúng tôi nhất trí và chia thành hai bộ phận. Trinh sát và lính của bạn đi trước dẫn đường. Bộ binh và chỉ huy đi cùng khối dân để bảo vệ, đồng thời quản lí cán bộ của họ nếu như ai đó muốn thay đổi ý định. Trước khi hành quân, Phó tư lệnh Bính quán triệt, bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ an toàn thủ lĩnh Khmer Đỏ kháng chiến đưa ra vùng giải phóng. Chúng tôi hiểu, đây là nhân vật quan trọng.
Đoàn người hướng về phía mặt trời mọc lầm lũi bước. Những người lính tình nguyện hiểu hướng đông là Tổ quốc mình. Nơi ấy, có bao người mẹ đang mong chờ đứa con xa trở về. Còn với những người dân Campuchia, hướng ấy là của tự do. Trẻ nhỏ được các chị em địu sau lưng trong khi tay xách tư trang cá nhân nên tốc độ đi không thể nhanh. Các sĩ quan của bạn phải đi trong tốp dẫn đường nên không thể giúp đỡ khi cần. Chúng tôi đi trên những lối mòn nhỏ. Đường này phía bạn đã đi nhiều lần nên họ có phần chủ quan. Trời nắng nóng, đường khó đi. Thi thoảng có tiếng khóc trẻ nhỏ thét lên. Mỗi lúc như vậy, tim chúng tôi thót lại, nhìn họ ái ngại nhưng không thể trách cứ.
Trời về chiều. Thủ trưởng Bính cho đoàn nghỉ giải lao dưỡng sức và để lên máy liên lạc. Từ căn cứ, Tư lệnh Khuất Duy Tiến thông báo, đã cử một tiểu đoàn bí mật đến gần bản Phum Lu để đón. Tôi nói chiến sĩ Viết trèo lên cây dùng ống nhòm quan sát hướng đông và được thông báo, đã nhìn thấy rừng cao su Memot mờ mờ phía xa.
Chúng tôi vượt qua rừng le và bắt đầu cắt đường bằng góc phương vị để đi. Rừng ở đây gần như nguyên sinh. Phong lan mọc bám trên cành cây cổ thụ sà những chuỗi hoa xuống, chỉ cần với tay là đã hái được. Đang đi, Trưởng ban Sa cho liên lạc chạy lên báo: “Khối dân cuối đội hình có một phụ nữ bồng con nhỏ kiệt sức. Cử người giúp đỡ để bảo đảm tốc độ hành quân.”
Tôi liền bảo người sĩ quan phiên dịch theo tôi lùi lại nắm tình hình. Có một phụ nữ đang địu đứa con nhỏ, hai tay xách hai gói đồ ì ạch bước một cách mệt nhọc, chiếc khăn Ka ma che kín khuôn mặt chỉ để lộ hai con mắt. Tôi đến gần, định bụng sau khi hỏi thăm sẽ cho người chồng lùi lại để giúp vợ, nên hỏi:
- Chồng chị là ai trong đoàn?
- Chồng em không đi cùng đoàn, anh ấy ở lại chỉ huy kháng chiến.
- Chị người vùng này?
- Không ạ. Em người tỉnh Prây Viêng. Anh ấy đã về đưa mẹ con vào vùng kháng chiến Dambae. Chồng em là tiểu đoàn trưởng.
Tôi hiểu đây là một sự hi sinh tình riêng vì tương lai của cả một dân tộc. Đất nước họ đang quằn quại trong đau thương của chế độ diệt chủng. Họ phải gửi vợ con sang Việt Nam để an tâm chiến đấu, quyết tâm lật đổ chế độ độc tài. Là lính chiến, có ai hẹn ngày về. Tôi thầm phục ý chí, niềm tin và sự hi sinh của viên sĩ quan chưa biết mặt này.
- Chị đưa thằng bé đây tôi bế giúp.
- Cảm ơn anh. Nhỡ cháu khóc thì bộ đội khó dỗ. Nhờ anh mang giúp đồ đạc là em cảm ơn lắm rồi ạ.
Người sĩ quan của bạn đi cùng cũng đồng tình:
- Hợp lí đó anh. Nhỡ cháu khóc thì khó dỗ.
Tôi cầm tất cả gói đồ bỏ vào gùi khoác lên vai rồi bước đi. Người sĩ quan bạn đứng lại nói gì đó với người phụ nữ rồi trở về đội hình.
Tiếng súng ì ùng nghe đã rất gần, cũng có nghĩa sắp đến chiến tuyến. Mặt trời đã lặn, hoàng hôn nhạt dần. Vẫn biết chị em phụ nữ và các cháu nhỏ rất mệt nhưng không thể nghỉ bởi đây là chiến trường. Tôi phân công tổ anh Quý đi sau đề phòng đêm tối, dân đi chậm sẽ bị lạc. Nhiều chiến sĩ của ta cũng tự giác mang đồ đạc giúp để đẩy nhanh tốc độ hành quân.
Khoảng 10 giờ đêm chúng tôi quyết định không tiếp tục hành quân vì sợ khi vào khu vực ta quản lí, bộ đội không nhận ra bắn nhầm. Trời tối nên không nhìn thấy vật chuẩn để xác định tọa độ nơi trú quân nên tôi đề xuất với trưởng ban xin cấp trên cho pháo bắn hai viên vào tọa độ yêu cầu để xác định vị trí đứng. Ông đồng ý. Chỉ mấy phút sau, hai viên đạn pháo 105 được bắn vào tọa độ theo yêu cầu. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Phải ghi nhận con đường tắt về Memot dễ đi và an toàn nên đã rút ngắn được thời gian.
Mọi người tìm nơi nghỉ. Đây là rừng lau sậy giáp ranh với đồn điền cao su Memot nên không có cây to để mắc võng. Mọi người lấy võng trải để nằm. Thủ trưởng Bính cho lực lượng li khai về lại với khối dân vì trong đó có cả vợ con họ.
Sau một ngày bị tách khỏi gia đình, khi được gặp, họ nói chuyện nhiều quá. Tiếng rì rầm trong đêm khuya vọng xa. Tôi đề nghị họ phải giữ bí mật bởi đây vẫn là vùng da báo, địch ta lẫn lộn. Song chỉ được một lúc, tiếng nói cười lại nghe rõ. Họ thật chủ quan. Khôi là người nóng tính. Anh đến, tay cầm khẩu AK kéo quy lát roạt một tiếng. Lúc ấy, họ mới hiểu và chấp hành mệnh lệnh giữ bí mật.
Đêm về khuya. Đói. Khát. Nước đã dùng hết trong quá trình hành quân, miệng khô đắng ngắt, dù còn lương khô cũng đành để bụng rỗng. Tôi kiểm tra gác xong rồi chìm vào giấc ngủ.
Ngày mới lại bắt đầu. Chặng đường hành quân vẫn còn dài nhưng chúng tôi rất phấn khởi vì đã về gần khu vực ta quản lí. Niềm vui vỡ òa khi anh em bộ binh Trung đoàn 48 đã chủ động đến bắt liên lạc. Họ nói rằng đêm qua đã phát hiện ra chúng tôi nhưng phải im lặng vì sự an toàn cho cả hai bên. Thì ra, nơi chúng tôi nghỉ chỉ cách chốt của anh em ra đón khoảng vài trăm mét. Tiếng nói chuyện của những người Campuchia đêm qua đã không lọt qua đôi tai của những người lính cảnh giới và họ đã báo cho chỉ huy biết.
Lúc này tôi mới dám xin nước uống. Anh em bộ binh cho cả vịt nước. Nước ngấm từng giọt vào mạch máu cơ thể đến ngọt ngào. Tôi không quên chia nước cho khối dân vì biết họ cũng khát như mình. Mọi người bấy giờ mới ngấu nghiến nhai lương khô. Đêm qua bụng đói nhưng miệng khát khô đắng nên không thể nuốt nổi.
Cả đoàn tiếp tục hành trình. Giờ thì chúng tôi đã an tâm không còn lo địch nữa. Với một tiểu đoàn bộ binh bảo vệ đường thì quá an tâm. Một số chiến sĩ chốt hai bên đường đứng hẳn dậy nhìn chúng tôi với con mắt lạ lẫm xen lẫn cảm phục bởi thấy chúng tôi đi trong vùng địch ra, lại có cả dân nữa. Khoảng hai giờ sau, đoàn về đến Sở chỉ huy Trung đoàn 48. Ở đây xe vận tải đã chờ sẵn để chở tất cả về sư đoàn.
Xe chạy vào rừng tếnh, dừng lại trước Sở chỉ huy. Trong số cán bộ sư đoàn ra đón có nhiều người lạ mặc áo dân sự. Tư lệnh Khuất Duy Tiến phấn khởi bắt tay từng chiến sĩ, tôi thấy nhóm người lạ mặc áo dân sự nói chuyện bằng tiếng Khmer rất thân mật với vị lãnh đạo kháng chiến, chắc họ đã quen nhau từ trước. Chúng tôi tạm chia tay những người lính phản chiến Campuchia để về đơn vị. Người sĩ quan trẻ giỏi tiếng Việt đến bắt tay chúng tôi rất chặt. Anh nói, hẹn gặp lại ở Phnom Penh vào ngày chiến thắng. Tôi vui vẻ bảo, chưa chia tay đâu. Giờ chúng tôi về tắm rửa vì đã bốn ngày không tắm giặt rồi. Chiều nay, sư đoàn sẽ mở tiệc liên hoan chào đón các bạn và chúng tôi cũng có mặt.
Người thiếu phụ trẻ đi về phía chúng tôi trên tay vẫn bồng đứa nhỏ. Chắc chị thấy người lính Campuchia đang nói chuyện với chúng tôi nên mạnh dạn đến gần. Lúc này, chị đã tháo khăn ka ma trùm mặt khi đi đường. Một phụ nữ thật xinh đẹp duyên dáng. Sống trong vùng kháng chiến gian khổ mà nước da trắng hồng. Chị bẽn lẽn nói bằng tiếng Campuchia:
- Cảm ơn bộ đội Việt Nam đã giúp đỡ mẹ con em lúc khó khăn.
Buổi chiều đó thật vui. Đời binh nghiệp của tôi không thể quên bữa cơm đoàn kết trong rừng vùng biên nước bạn. Trước lúc từ biệt, chúng tôi đến bắt tay tạm biệt từng người lính phản chiến và hẹn gặp lại. Người sĩ quan giỏi tiếng Việt cứ cười nói liên tục: “Sa ma ki con tóp Việt Nam - Đoàn kết với bộ đội Việt Nam.”
Sau chuyến khai thông này, trinh sát Đại đội 20 tiếp tục có nhiều chuyến vào lại để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Campuchia. Chuyến cuối cùng vào ngày 21/12/1978, toán trinh sát do Trung đội trưởng Trần Nguyên Thắng chỉ huy trên đường ra đã giẫm phải mìn địch gài. Đồng chí Nẳn người dân tộc thiểu số quê Hòa Bình hi sinh tại chỗ. Thắng bị thương nặng ở ngực, máu chảy đầm đìa. Người bạn thân cùng quê là Vũ Hồng Liên đã băng bó cõng anh về trạm xá sư đoàn sau đó được máy bay trực thăng chở về Bệnh viện 175 ở Sài Gòn cấp cứu và may mắn qua khỏi.
Tháng 7/1979 đơn vị chúng tôi hành quân ra Bắc chuẩn bị mặt trận mới. Đại đội 20 trinh sát được Nhà nước, Quân đội ghi nhận chiến công và trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
N.Đ.
VNQD