. LÊ HỒNG LAM
1.
Lang thang dọc ngang khắp dải đất hình chữ S, tôi vẫn mong một lần đến Phan Rang, Ninh Thuận. Nhân chuyến công tác Sài Gòn, từ ga Hòa Hưng, tôi xuôi Ninh Thuận trên chuyến tàu đêm, chợp chờn giấc ngủ lúc lắc đưa tôi ra miền Nam Trung Bộ. Gần vào ga Tháp Chàm, trời còn khá sớm, tôi cố chợp mắt thêm chút nữa mà không được. Đành mở mắt ra ngắm những hàng bóng điện lập loè thẳng tắp dưới những chân ruộng thanh long.
Phan Rang - Tháp Chàm buổi sáng sớm cũng lạnh không kém Hà Nội hôm trở gió. Ngồi góc quán cafe đợi xe bus đi Vĩnh Hy, ngó lại mình giống hệt dân dạt nhà chân chính. Buồn ngủ, đói, mệt, thôi đành châm tạm điếu thuốc nhấp ngụm cafe mà nghe bụng sôi lên òng ọc, đồng ca cùng giọng Chế Linh não nùng dội đủ hai tai. Chợt nhớ, mình đang về vùng đất có Chế Linh cùng quê cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu...
Trời bịt bùng mãi rồi bình minh cũng ló rạng. Lẩn thẩn nhớ một câu của Jackson Brown: Mỗi năm hãy ngắm bình minh lên ít nhất một lần. Đã xong một mục tiêu của năm, giờ thì đi nhé.
2.
Gió, dường như gió là đặc sản của xứ này. Gió vun chồng những đống đá khổng lồ lại thành núi, gió bào mòn xoa nhẵn làm rong rêu không thể phủ bám thiên kỷ thời gian. Gió như gỡ cặp kính ra khỏi mặt tôi khi thò đầu qua cửa kính xe bus chụp hình những đồng muối Ninh Hòa nhấp nhô như nón úp, gió tung những quầng nước tròn như tấm vó chụp lên từ mặt biển, khi chúng tôi ngồi trên tàu đáy kính ra vịnh ngắm san hô...
Chẳng biết tôi ưa xê dịch từ cái thuở nào. Chắc từ trước khi định đi Phú Quốc nhưng đặt vé nhầm ra... Côn Đảo. Và đến giờ tôi chẳng thể nhầm Phan Rang với Phan Rí, Phan Thiết. Dù nơi nào thì những lùm hoa giấy tôi đi qua cũng rực lên một màu đỏ như máu hồng, vì nơi đây luôn chan hòa là nắng.
3.
Có điều khá lạ lùng là: mảnh đất quanh năm gió vun vút và nắng xối lửa này lại có những sản vật rất trong lành ngọt mát và mọng nước bậc nhất: nho, táo... Trên đường xuống biển Ninh Chữ, bắt gặp những cánh đồng nha đam căng mọng lại càng khiến tôi ngạc nhiên. Tỏi Ninh Thuận củ to, nhiều nhánh, người dân ở đây nói ngon không kém tỏi Lý Sơn nhưng họ chưa xây dựng được thương hiệu.
Không biết nơi “nắng như rang” này tại sao lại nuôi được cừu mà không phải những nơi “rét chết cò” vùng cao Tây Bắc Đông Bắc? Họ nuôi cừu lấy thịt hay dệt len và lũ gia súc nổi tiếng bậc nhất về độ nhu nhược này tồn tại và được chăm sóc ra sao dưới cái vùng đất nắng gió mà mới đầu tháng 3, hoa bằng lăng đã nở bung tím ngắt đường đi.
Nắng Phan Rang tháng Ba thì chưa bằng một phần Bagan (Myanmar) tháng Sáu. Nhưng gió thì công nhận, đã từng đi biển mùa biển động nhưng chưa nơi nào gió kỳ lạ như ở xứ này. Nó cứ chờn vờn rồi thình lình quẩn cuộn rít xoáy từng cơn như thằng bé cứng đầu cứ rình rình véo trộm lũ bạn đồng trang lứa. Lúc ăn trưa ở rìa vịnh Vĩnh Hy, cả buổi yên lành bình lặng, khi đứng dậy ra về, bỗng đâu gió thổi thốc chiếc ghế tôi vừa ngồi, xô ràn rạt rồi mắc lại ở mé hồ bơi.
Thuê chiếc xe máy chạy xuống Bàu Trúc rồi về Ninh Chữ, dọc đường nắng tô màu những vạt ruộng vườn nho ánh lên rạng rỡ, nhưng gió thổi ngạt thở, ngồi trên xe máy mà rung rinh như trên thuyền.
4.
Những thành phố trên đất Việt này nơi tôi đã đi qua, hiếm thành phố nào như Phan Rang - Tháp Chàm, nơi những khúc sông chảy qua còn nguyên vẻ hiền hoà trong mát, vào sâu nội thành mới thấy vài đoạn được kè đá lát gạch, phía bên ngoài đôi bờ chắc vẫn lở bồi, phủ đầy cỏ nước xanh rì chưa bị nước thải công nghiệp tàn phá, biến nơi khởi thuỷ của những nền văn minh này thành nơi con người chẳng thể đến gần được nữa.
Người Ninh Thuận hiền lành thật thà, vóc dáng không cao lớn nhưng đen giòn một màu da khoẻ mạnh, do khí hậu hay do di truyền của Vương quốc Chăm-pa xưa? Đi dọc miền duyên hải Nam Trung bộ, mỗi lần đến thăm những ngọn tháp Chàm ở Bình Định, Phan Thiết hay Thánh địa Mỹ Sơn tôi lại luống chút ngậm ngùi. Chăm-pa xưa đã từng có chữ viết riêng (hơn hẳn người Việt khi đó còn dùng chữ Hán), những ngọn tháp này, nếu bây giờ chúng không còn tồn tại thì chúng ta còn lại gì để gọi là di sản?
Một điều gây lạ cho tôi nữa là người ở đây rất hay uống nước ngọt có gas. Những đồ uống đó được bán tràn lan đến nỗi hỏi mua nước người ta không đưa ngay nước suối. Có phải vì Phan Rang nóng quá hay do tập quán, chỉ biết rằng điều này không tốt cho sức khỏe.
Và rác và rác và rác, tôi như kẻ dở hơi đi chơi mà thi thoảng lại thở dài than thở. Khắp mọi nơi tôi đến trên những cảnh đẹp của Đất nước này, rác vung vãi, tung toé khắp nơi. Nhớ hôm ở Vĩnh Hy, thấy tôi cố tìm thùng rác để bỏ cái chai nhựa rỗng, chị chủ quán hàng xui tôi cứ thảy nó xuống biển cho nhanh. Đất nước này đẹp vô cùng nhưng rác sẽ huỷ nó đi, nếu cứ thế này, sẽ chẳng còn bao lâu nữa, những Vĩnh Hy, Mũi Điện, Lý Sơn, Nam Du, Côn Đảo... sẽ chẳng còn gì ngoài rác ở khắp nơi. Tôi mạo muội nghĩ rằng, việc xúc tiến quảng bá đầu tư kinh doanh du lịch cũng cần song song với việc giáo dục ý thức bỏ rác đúng nơi qui định.
5.
Sau một vòng từ Phan Rang chạy qua Bàu Trúc xuống Ninh Chữ qua vườn nho Ba Mọi rồi đến Tháp Chàm, dấu ấn sâu đậm nhất là hai cánh tay đỏ tấy vì mặc áo cộc chạy xe dưới cái nắng như rang mới bắt đầu vào vụ. Đến giờ phải đi, cứ thấy vấn vương vì chưa kịp ngủ ở Phan Rang đêm nào thì chắc chưa thành bạn, như các cụ nói: là vợ chồng thì phải “ăn nằm” với nhau, nay chúng tôi đây mới “ăn” vài cữ mà chưa kịp “nằm”, vậy nên hãy còn hững hờ xa cách lắm. Nhưng dù gì cũng phải đi thôi, vì chẳng nhẽ tôi mặc mãi tấm áo chật quá khứ. Phải đến lúc cởi bỏ nó ra thôi chứ nhỉ.
Tạm biệt Ninh Thuận, tạm biệt Vĩnh Hy lộng lẫy mà hiền hoà, Tháp Chàm u trầm trong một trưa cháy nắng, tạm biệt biển Bình Tiên hun hút một chiều hoàng hôn độc hành dang dở, hẹn một ngày gặp lại, hoặc có thể cũng sẽ chẳng bao giờ, vì cuộc đời luôn luôn biến chuyển, để “em khác xưa rồi, khúc hát cũng khác xưa”...
L.H.L
VNQD