Nhan sắc rừng xưa

Chủ Nhật, 04/04/2021 08:39

. HỮU PHƯƠNG

 

Này con nặc nô kia, mi ở đơn vị nào, chiến trường mô, mà dám tí toe tí tởn uốn éo hát hỏng trước mặt bà? Bà nói cho mà biết, sân khấu là của bà. Rõ chửa. Bà nói cho mà biết, bảy năm chiến trường, hát ở hàng trăm cung đường, múa ở hàng ngàn điểm chốt cho hàng vạn chiến sĩ, xoa dịu cơn đau những chiến thương nơi trạm phẫu, rạo rực, giục giã những người ôm súng lao lên giờ cửa mở..., tên tuổi của bà vang trong hàng vạn trái tim người lính. Chẳng qua vì một lần bom giật, chứ không giờ thì...

Minh họa: Phạm Hà Hải

Ở hàng ghế khán giả cuối cùng, sâu trong góc hội trường nhỏ đơn sơ, bà Mận sún rên rẩm một mình. Đúng hơn là tỉ tắc trong tâm can. Mỗi năm chỉ vài lần, ngày thống nhất đất nước và thành lập quân đội, cái nhóm phụ nữ luống tuổi tiểu khu vùng đồi này lại rửng mỡ diễn văn nghệ. Và không thể khác, kí ức nóng bỏng, cơn gào thét không âm thanh dội lên ở cuối thì nhan sắc của bà. Đôi khi, bà nhìn thôi miên sân khấu, nuốt từng âm thanh, giai điệu, cả nét lượn mềm của điệu múa. Nước mắt bà ứa ra, rơi lã chã tự lúc nào...

Mười sáu tuổi, Thúy Mận đã là diễn viên nổi tiếng của đoàn văn công tỉnh. Mười bảy tuổi, Mận được vào chiến trường, dưới dạng tăng cường có thời hạn, cho đoàn Văn công quân Giải phóng miền. Hết thời hạn, Mận quyết ở lại không ra Bắc. Đã vào chiến trường, sao lại quay lui. Và còn một lí do sâu kín nữa, đó là trái tim cuồng si của Mận đã phải lòng vị trung đoàn trưởng pháo binh trẻ tuổi, đóng quân bên kia núi. Anh tuổi gần gấp đôi Mận, bôn ba hết chiến trường Lào về Việt với các trận đánh khốc liệt cùng núi rừng bạt ngàn. Vì chưa có may mắn ở lâu với cánh phụ nữ yêu kiều và hấp dẫn, nên vẫn phòng không.

Một lần trời xui, đoàn văn công đi lấy gạo giải lao giữa rừng. Trung đoàn pháo binh cũng trên đường hành quân nghỉ chân. Rừng già tán phủ, khi tiếng hát Thúy Mận vừa cất lên, những người lính giống như những mạt sắt gặp nam châm, vòng trong vòng ngoài, ai nấy chết lịm, say lử lả. Vòng người dịch dần lại, cuối cùng, Mận chỉ còn một khoảng trống như chiếc nong lớn để hát. Sau đó là múa. Dưới nhạc mồm từ các chiến sĩ, Mận có một xuất diễn để đời. Buổi văn nghệ ngẫu hứng giữa rừng sâu đã trói tim Mận với người chỉ huy cầm nhánh hoa rừng, lóng ngóng bước đến giúi vào tay cô. Tay anh ta run hơn cả tay Mận. Bãi khách dội lên tiếng vỗ tay như sấm mùa hạ. Cánh lính trẻ hò reo cổ vũ dậy rừng. “Hoan hô trung đoàn trưởng.” “Tuyệt quá. Quá tuyệt vời!” “Hai người thắm thiết nhau đi, hôn đi hôn đi.”

Trước hàng quân reo hò như vỡ trận, trung đoàn trưởng chân tay thừa thãi, đỏ mặt, tía tai, cười ngượng nghịu. Còn Mận thì khác, tranh thủ ngay dịp may hiếm có, thấy bàn tay nhỏ bé của mình nóng ấm trong tay anh ta, cô quàng cánh tay còn lại qua eo viên sĩ quan, tin cậy nép mình vào vồng ngực anh. Có thể lúc đó đồng nghiệp nghĩ rằng cô đang diễn, nhưng quả thật, cô đang thả rông trái tim mình cuốn theo trái tim người đàn ông bôn ba trận mạc. Đồng thời cũng muốn xác lập sự ràng buộc này giữa ba quân. Tiếng vỗ tay đang rền rã, lạ thay, lập tức lặng im. Gió rừng cũng thôi xào xạc. Lịm phắc trong cõi địa đàng dịu êm.

Nếu có một tình yêu sét đánh, chắc là giây phút này chăng?

Không biết nữa. Từ hôm đó, Mận thấy mình chững chạc hẳn. Lớn dậy hẳn. Bắp tay, bắp chân tròn căng, thon mẩy trong lần vải quân phục. Đôi mắt đen lướt láy, thẳm sâu ngời ngợi trong veo. Và giọng hát cũng mượt mà, ngọt lừ vòm cao vòm thấp, réo rắt các cung bậc thanh âm luyến láy. Quan trọng hơn, tận đâu đó sâu thẳm tâm hồn, cô thấy mình như đã có một nơi, một người, để thương để nhớ, để trao cậy trọn đời.

Nhưng Mận đã không biết, hay nói đúng hơn là cố lờ đi, rằng mình là người đến muộn. Người chạm ngõ trái tim trung đoàn trưởng Bằng trước cô, là Tuệ Hiển, một diễn viên múa ba lê nổi tiếng. Hiển học trường múa từ khi chín tuổi, sau bảy năm, cô đi thẳng ra chiến trường, trong đội hình Đoàn văn công Quân giải phóng miền. Khi Mận được tăng cường cho đoàn, đã có mặt Tuệ Hiển ở đấy. Lên sân khấu, thân thể ngời sáng cả góc rừng nhưng Tuệ Hiển không có giọng hát, nên ngoài các vở múa ít ỏi, cô chỉ may mắn được xếp hát đồng ca. Nhất là các buổi diễn cơ động, ngẫu hứng giữa bãi khách, hay dọc đường hành quân, Hiển không có chỗ chen chân.

Không biết bằng cách gì, theo lối nào, Hiển và trung đoàn trưởng đã để mắt đến nhau. Khi có mặt ở đoàn, Mận có nghe loáng thoáng chuyện đó. Nhưng cô nào đã biết mặt vị trung đoàn trưởng ngang dọc ra sao, và tình cảm họ đến đâu. Thậm chí, sau lần thắm thiết ở bãi khách, trưởng đoàn văn công của Mận còn nói vui, lọt sàng xuống nia, mất đâu mà sợ. Nhưng với trái tim đàn bà trong Mận, giờ Tuệ Hiển thành hòn đá giữa lối đi, thậm chí cái gai trong mắt.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Đơn vị văn công đóng ở một thung lũng nhỏ, có dòng suối đá nước chảy trong veo. Các cô gái quen với lịch luyện tập và biểu diễn thất thường. Có khi tập ngày, diễn đêm. Nhưng phần lớn tập đêm, diễn ngày. Ở chiến trường, mỗi đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong có một điều kiện, một hoàn cảnh chiến đấu riêng, chỉ duy nhất khoảng cuối chiều là nghỉ ngơi tắm giặt. Sau các liếp đá lớn ven suối dựng chắn che, hay các lùm cây ken dày, vây kín đáo, nước luồn qua khe róc rách. Sau mưa nước trong veo, mơn man da thịt, các cô văn công thoải mái vẫy vùng.

Sau mưa, măng rừng lên tở mở. Cánh văn công rủ nhau đi kiếm rau, hái nấm, bẻ măng. Càng xa lên thượng nguồn con suối, càng nhiều măng. Mỗi ngày lên xa một ít… Một lần như thế, Mận và Hiển bắt gặp những cánh hoa vàng dài và mảnh, chẳng thấy nhụy đâu mà mùi hương hoa quấn quít ngọt ngào. Đó là hoa dẻ đồi. Vậy là mải mê, chẳng biết gì nữa. Bỗng “Đứng yên!” Hai người lính tay lăm lăm AK báng gấp từ đâu xuất hiện, chặn ngay trước mặt. Mật khẩu! Chúng em là văn công. Đó không phải là mật khẩu. Các cô đã bị bắt. Ở chiến trường miền rừng núi, địch thường rải thám báo, biệt kích, nhiều nơi địch, ta đan cài, cải trang lẩn vào nhau. Họ là quân giải phóng, hay biệt kích địch giả trang? Chân yếu tay mềm, không một tấc vũ khí, xử lí sao đây? Rẽ lối này. Một trong hai hất hàm chỉ lối mòn rất nhạt trên lá rụng, giọng khô như tiếng sỏi dưới chân. Hai cô gái trẻ run như chim giẻ cùi, cúi đầu lầm lũi bước. Con đường dần đổ dốc thoai thoải. Càng đi càng dốc hơn, bắp chân đầu gối đau nhức. Trên đầu tán cây đan dày, không ánh mặt trời.

Đột ngột hiện ra khoảng trời cao vọi, bên dưới là một thung lũng với những cây cao cổ thụ lấp ló những mái lán thu mình dưới tán cây, xen lẫn khoảnh hoa màu. Cả bốn người dừng lại trước một nhà hầm nửa nổi nửa chìm. Một trong hai người lính khẽ đưa mắt. Người kia bước nhanh vào. Chúng tôi bắt gặp hai... Thám báo, hay biệt kích? Dạ... văn công. Hả? Văn công? Hà hà hà. Mời họ vào đây. Tiếng cười giòn giã, có thể tưởng tượng anh ta vui biết chừng nào.

Vừa bước qua cửa hầm, không kịp nói lời chào hỏi, không kịp giữ ý tứ, Mận đã nhảy vút lên, ôm lấy cổ người đàn ông trước mặt, nép sát vào ngực anh ta khóc ề ề như trẻ con bị đòn. Tức tưởi. Chan hòa. Nước mắt của tình trong giây lát mà thành thiên thu bao ngày mong mỏi, bỗng gặp lại người nơi bất ngờ nhất, hay nước mắt của thân gái dặm rừng, đang cùng cực tuyệt vọng khi nghĩ đến bị địch bắt, bị tra tấn hãm hiếp, bỗng được giải thoát một cách bất ngờ, ngoài mong tưởng. Và có thể, cả nước mắt khẳng định chiếm hữu để mặc tình địch thầm lặng đứng chết trơ.

Trong khi Mận khóc đẫy, trung đoàn trưởng vuốt nhẹ lên mái tóc cài bông hoa dẻ, rồi vỗ vỗ vào bờ vai thon đang rung lên vì thổn thức. Hai anh lính tủm tỉm cười bấm nháy nhau. Hình như họ biết tất cả và dựng lên chuyện này trong một dịp may hiếm có. Căn nhà hầm nửa nổi nửa chìm ở đại bản doanh trung đoàn pháo binh, râm ran tiếng nói tiếng cười. Mận thẹn chín mặt, khi nhận ra cậu liên lạc tên Đức, người đã giúi vào tay trung đoàn trưởng nhánh hoa rừng để tặng cho cô nơi bãi khách binh trạm hôm nào. Hôm lễ kết nghĩa giữa hai đơn vị sau đó, tổ chức tại lán chỉ huy đoàn văn công, Đức đã nửa đùa nửa thật đặt vấn đề mối quan hệ của thủ trưởng mình và Mận như là nhánh nè đặt thửa trước ngõ nhà gái, cấm có ai được léng phéng, trong tiếng vỗ tay như sấm, rung cả vách nhà hầm.

Cuộc “đánh chiếm” vị trung đoàn trưởng của Thúy Mận trước Tuệ Hiển, diễn ra mau lẹ và dịu êm như thế. Cũng có thể tình cảm của hai người ấy mới nhen, hoặc do thảng hoặc mới gặp, lại lúc chập choạng, tranh tối tranh sáng đường rừng, anh ta đã nhầm Mận với Hiển… Tất cả điều đó, Mận không quan tâm, không cần biết. Nhưng có điều này thì Mận rõ. Mỗi lần thoáng bóng vị trung đoàn trưởng từ xa, đang vui nhộn giữa mọi người, Hiển giật mình thảng thốt, rồi tìm cách rút lui, nhẹ êm. Hoặc những lúc Mận âu yếm, tỏ rõ sự sở hữu, trong đáy mắt Tuệ Hiển là một vực sâu hun hút.

Bà Mận sún lại khóc thút thít. Nước mắt ứa ra, lăn xuống hai gò má rám nắng, chảy xuống bờ môi, lặn vào miệng mặn chát, qua hai răng cửa đã mất. Đêm cuối cùng hai người có nhau, loạt bom tọa độ vu vơ đã giội trúng hầm. Bằng hi sinh khi dùng người che cho Mận. Vết thương ở cổ vì mảnh pháo và thanh gỗ đập trúng hàm khiến hai chiếc răng cửa trống hoác như khoảng trống trung đoàn trưởng Bằng để lại trong tâm hồn Mận. Đó chẳng phải là sự trừng phạt của Thượng đế, dành cho kẻ lòng dạ tối tăm này.

Cuối mùa nhan sắc, Mận càng hay cật vấn mình. Đúng hơn là sỉ vả không thương tiếc. Chiều đó, thoáng thấy đầu chiếc đinh vít khẽ nhớm trên mặt ván sân khấu, Mận suýt reo lên thành tiếng. Mận đã cố ý rời khỏi sân khấu sau cùng, trong buổi tổng duyệt chạy thử chương trình trước khi công diễn cho bộ đội cuối chiều. Cô cố ý đứng phía trên nói chuyện với ai đó phía dưới, trong khi bộ phận dựng sân khấu rà lại mặt ván lần cuối. Họ đã kẻ búa người xà beng, rảo qua một lượt sau lưng Mận. Họ không hay, dưới đôi dép rọ nâu ôm đôi chân thon hồng của Mận, đầu nhọn chiếc đinh vít trồi lên. Nó là cạm bẫy đón đợi con thiên nga Tuệ Hiển.

Và y chóc, Tuệ Hiển đã vĩnh viễn rời sân khấu, ngay giữa buổi công diễn. Còn Mận, cuối buổi nán lại để gặp trung đoàn trưởng bởi mấy tiếng đồng hồ nữa đơn vị sẽ hành quân trong tiếng cười rúc rích cùng những lời trêu chọc của đám con gái văn công: Đêm nay chắc công đồn. Trung đoàn trưởng to con thế nớ, phải biết.

Không ngờ, đó lại là đêm cuối cùng của hai người…

Sân khấu tiếp diễn các tiết mục. Mấy bóng quân phục xanh mũ tai bèo, xen lẫn bóng mấy thiếu nữ dân tộc, bờ vai cánh tay bắp chân trần lả lướt. Uyển chuyển và sinh động trong một điệu vừa múa vừa hát. Mận sún chợt lắc đầu, bực mình vô cớ. Rền rẫm trong cổ họng. Nời, cái giọng chua như nước đái mèo thế nớ, hát răng được Xuân chiến khu với cả Nhạc rừng? Phải luyến láy ngọt lừ. Tiếng nước róc rách. Tiếng suối rì rào. Tiếng rừng lao xao. Tiếng chim gù huyễn hoặc. Tiếng ve dằng dặc mùa khô rừng dầu Nam Trung Bộ. Khi cao vút, chót vót mây xanh, nhưng lại uốn vòm uốn tán, tựa vòm trời mùa thu. Âm thanh om giữ không tan. Lan tỏa như sóng không trung, cuộn vang như sấm đầu hạ. Rồi khi xuống thấp, phải ép ngực thót bụng, âm vực trầm ấm, rền rung lòng đất...

Ối trời đất ơi! Cái chi rứa kìa! Nhảy cà rởng và hát léo nhéo, như mèo rở đực, ngán nguốc chưa kìa! Bà Mận bức bối, bất lực. Như ngày ấy bất lực rời chiến trường. Ông Đức biết tâm trạng vợ, lặng lẽ rời hàng ghế đầu, tìm đến ngồi sát bên Mận ở cuối góc. Bàn tay bà lọt thỏm trong lòng tay to lớn, ấm áp của ông. Nếu ông trời không ban tiếp người đàn ông này, không biết Mận sẽ sống ra sao.

Đức được phân công cùng một người nữa cáng Mận về bệnh viện tuyến sau. Bằng đã mất. Lại bị thương, Mận thấy cuộc đời sụp đổ. May mà, Bằng hình như đã lặn vào một phần trong Đức, khiến Mận dần dễ chịu trở lại, không nghĩ đến cái chết nữa. Sao anh không theo đường ô tô, đi đường rừng thế này dễ lạc. Là Mận nghĩ đến một loạt bom nào đó rơi xuống đầu. Anh Bằng đã dặn, đường ô tô nhiều ngã ba ngã bảy, nhiều ngầm sâu, trọng điểm địch đánh phá. Đức giải thích. Mình ra đó, đón một ô tô, đi có nhanh hơn không? Không được, anh Bằng dặn, không được ngồi ô tô, em bị xóc nảy. Chiếc cáng lỏi giữa rừng già, theo con đường giao liên ngược ra. Ba lô của Đức trĩu nặng chuyến đường xa, bên hông còn khẩu AK. Đêm nghỉ ngày đi. Đức như lão nô bộc, nghỉ chân là lao xuống suối, lặn tìm con ốc con cua. Chạy hớt hơ dọc triền khe vắng, kiếm cho được nắm rau rừng.

Trái tim người đâu phải gỗ đá? Phía sau sự tận tụy đến say mê của Đức, là cái gì, nếu không phải nặng trĩu chữ tình…

Coi kìa. Ngứa mắt chưa tề. Múa với máy. Giã gạo mà lưng thẳng đuỗn như chó leo cột rứa nạ. Cổ tay phải dẻo, đầu gối phải mềm. Bước chân phải uyển chuyển, lả lướt, bập bùng theo ngọn lửa, theo nhịp trống, theo nhịp trăng tuôn...

Cái vùng đồi ngoại ô thị xã, ngẫu nhiên hội tụ những nhan sắc cuối mùa, trở về từ các chiến trường. Ngày ấy thị xã bị bom hoang tàn, dân dạt tứ tán. Chủ yếu chạy lên đồi, nơi vùng đất sỏi cơm không bị ngập mưa, hầm hào tránh bom chắc chắn. Quay lại chiến trường một thời gian, Đức bị thương trong một trận đánh phải đưa về tuyến sau. Ra viện, không thể tiếp tục chiến đấu, Đức ra quân về tìm Mận. Cưới xong, hai người đưa nhau lên đây, chọn doi đất cuối cùng, như chiếc lưỡi lè ra phía cánh đồng, đất thoai thoải đổ về phía ruộng nước được ken dày ba phía bởi hàng rào cây hóp. Ở đây, thuận tất cả cho cuộc sống thời chiến, tự cung tự cấp. Phần đất cao toàn sỏi cơm, dựng nhà, đào hầm, trồng cây lưu niên. Phần thấp hơn chút nữa trồng khoai sắn, đậu mè, chuối và chuồng trại chăn nuôi gà lợn. Phần đất thấp cuối cùng, là các loại rau, mùa nào thức ấy rồi đào cái ao thả cá. Thế là hoàn hảo cho mảnh vườn mơ ước thời xa xưa của người nông quê, không lo đói khát...

Sự lựa chọn đắc địa thời ấy, thành trở ngại ngày nay, khi thị xã lên thành phố, và mở rộng cả vùng đồi. Các đại lộ chạy qua các sống đồi, phố xá ken dày trong thoáng chốc. Nơi ngày xưa không ai chọn ở, vì đồi cao mùa hạ khô cháy, không đào được giếng, giờ là đất vàng. Nhà cao tầng san sát, cửa hàng cửa hiệu bán mua rộn ràng. Chẳng bao lâu, khu vườn của vợ chồng Mận bị khuất lấp, lọt thỏm sau cùng. Lối vào nhà ngoằn ngoèo gấp khúc, chỉ lọt một chiếc xe ba gác, không mấy ai đi lại. Ngôi nhà mái ngói, tường gạch khang trang vào hàng có máu mặt ở vùng đồi thuở ấy, nhanh chóng bị lạc hậu. Hai cậu con trai, biết phận nhà nghèo, lập thân nơi thành phố xa nhiều công ăn việc làm. Chúng nằng nặc đòi đưa cha mẹ theo cùng, nhưng hai người nhất quyết ở lại, neo giữ mảnh đất chôn nhau cắt rốn bọn trẻ. Đó là quê hương khi chúng nhớ về...

Hai người sống trong không gian riêng, cổ xưa và hiện tại, với những gì mình có. Ngôi nhà, mảnh vườn, ao chuôm thầm lặng. Người đàn bà một thời nhan sắc bị mất hai răng cửa, giọng hơi méo nên cũng ít giao du. Rời chiến trường khi còn quá trẻ, rồi sinh con đẻ cái, Mận gần như mất thăng bằng, thậm chí đôi khi rơi vào cơn hoảng loạn. Đấy là nỗi mất mát, nỗi đau đớn lớn nhất của Mận.

Nỗi đau ấy truyền qua mỗi tế bào thần kinh nhạy cảm của ông Đức. Ông buốt thấu từng ý nghĩ của vợ khi bắt gặp những nét buồn xa vắng diệu vợi trong đôi mắt đẹp của Mận. Nhưng ông bất lực, vô phương trong việc giúp bà... Mận sún vẫn ngồi xó ró như chó chết con ở xó góc. Gương mặt bất động mang vẻ đẹp một nỗi buồn đã cũ. Cả tiếng thở dài, sự nuối tiếc không mờ phai, cả vết thương sâu không gọi thành tên. Tất thảy, đều xưa cũ, nhưng ngời tươi như mới hôm qua. Sân khấu rừng xanh chợt sáng rạng khi con thiên nga Tuệ Hiển lướt ra. Đôi chân thon dẻo. Đôi tay ngọc ngà thành đôi cánh mượt. Đang lượn những vòng lướt lát... Con thiên nga bất ngờ gãy cánh đổ sầm xuống mặt sân khấu không biết giờ này trôi dạt phương nao. Tuệ Hiển, mình xin lỗi! Mình xấu xa...

Hình như Mận không hay biết hội trường nhỏ trống trơ từ lâu. Bà cũng không biết có năm, bảy nữ cựu quân nhân vây quanh bà, cũng như không hay ông Đức đứng mãi sau lưng. Bà chỉ sực tỉnh, khi nữ quân nhân trẻ nhất trong nhóm, ước tuổi năm mươi, ôm lấy bà. Em là Đót, ca sĩ Bông Lau. Em xin lỗi, chị Thúy Mận. Nãy giờ, chúng em đã múa rìu qua mắt thợ...

Bà Mận như tỉnh giấc chiêm bao, chợt cười sượng sùng. Nụ cười nửa vành, cố không để lộ hai răng cửa đã mất, tay nhẹ vuốt mái tóc sương nắng tết thành hai bím của nữ đồng đội. Em ở chiến trường nào. Mận hỏi, nhưng tâm bà thừa biết, chiến trường nào cũng bom đạn khốc liệt, cũng thiếu thốn trăm bề, con gái sống được chỉ nhờ vào tình yêu. Dạ, B2 chị ạ. Đường 9 - Nam Lào. Em vào chiến trường cũng vì nghe chị hát, xem chị múa, trên các thước phim từ chiến trường gửi ra... Hai má Thúy Mận chợt đỏ ửng. Bỗng nhiên, như phải bỏng, những nhan sắc cuối mùa đổ ụp vào nhau.

Cả nhóm ríu rít dìu Thúy Mận đi. Đúng hơn là họ đi theo chân Thúy Mận. Sau những khúc đường dích dắc giữa các dãy nhà cao tầng, như đi dưới chiến hào, các cựu nữ quân nhân bước vào khu vườn nhà quê của Mận như thể đã về nhà, họ nhanh chóng trút bỏ quân phục, tẩy trang, thay lại bộ đồ trước lúc lên sân khấu. Hẳn là họ tế nhị trước Mận. Và khi đi qua phòng khách, đám phụ nữ giật mình, ứa nước mắt, bắt gặp bộ quân phục nữ phẳng nếp, vắt ở thành ghế. Có lẽ chủ nhân nó đã chuẩn bị từ hôm qua và hồi hộp suốt đêm không ngủ, chờ sáng ra mặc đi lễ. Nhưng khi đứng trước gương, nhoẻn cười, lại thấy bất ổn, lại thấy buồn thương, nên để nó lại ở đây.

Dưới mái hiên lợp tôn che nắng, ông Đức dọn ra trên mặt bàn hai dãy tô lớn. Trong mỗi tô, nhiều rau thái nhỏ, sườn lợn hầm rim vàng se, tôm đất thái đốt om chí. Bông Lau bê cả soong cháo bốc hơi hôi hổi ra đặt lên mặt bàn. Rồi múc đầy các tô. Khói và mùi thơm cháo bánh canh bay ngào ngạt. Bà Mận tươi tỉnh trở lại. Hôm qua, hai vợ chồng hì hụi nhồi bột chuẩn bị món để đón bạn bè đồng đội theo lời ông Đức. Tưởng là để đón tướng tá bạn cũ của ông từ xa về chơi, ai ngờ lại là những nữ diễn viên cuối mùa nhan sắc này. Sự lộng lẫy, trẻ trung trên sân khấu lúc nãy, đã nhường chỗ cho đời thường nhẹ nhàng - những người đàn bà luống tuổi, ăn vận nền nã. Thời gian không nương nhẹ, phũ phàng ki vạch những nét chân chim lên khóe mắt, bờ môi mỗi người.

Ôi, ngon quá chị ơi. Bông Lau nói, nháy mắt với Thúy Mận, ngày xưa diễn ở rừng, được bộ đội đãi những tràng vỗ tay như sấm, đủ no. Hôm ni diễn ở tiểu khu, được chị Mận đãi cháo bánh canh ngon tuyệt hảo.

Cuộc nhộn vui rức rổm của các nhan sắc cuối mùa bị cắt ngang giây lát, khi một nhân viên bưu cục đưa đến bức thư chuyển phát nhanh. Ông Đức nghĩ anh ta nhầm nhà, nhưng người gửi là con trai đầu. Bà Mận trố mắt, há hốc miệng sợ thằng Hưng có chuyện chi gấp. Ông Đức run tay mở phong bì. Bên trong là một bì thư khác, để ngỏ có đôi vé máy bay và một lá thư ngắn. Ông xướng tên người gửi. Bà Mận hai tay bưng mặt, nước mắt bỏng rát trào ra, ướt đẫm khuôn mặt còn nét trái xoan. Ôi, con thiên nga đau thương ngày ấy...

Nép sau cánh gà, Thúy Mận soi mắt qua khe hở. Hồi hộp theo dõi. Con thiên nga Tuệ Hiển hồn nhiên lướt lượn những vòng mềm như ngọn sóng. Bộ đồ múa bó sát, trắng mỏng như voan, con thiên nga di chuyển trên mặt ván sân khấu, bằng mười đầu ngón chân thiện nghệ. Đôi chân dẻo như đôi tay. Đôi tay biến thành đôi cánh. Đã mấy lần, đôi chân thiên nga lướt qua nơi chiếc đinh vít hé mắt chờ. Đôi giày múa đã hỏng nát từ tháng trước, con thiên nga chỉ còn múa với đôi tất trắng bó sát bàn chân thon.

Rủi ro thường kết bè kéo cánh. Đúng lúc con thiên nga chỉ đứng một chân, thực hiện động tác tạo hình khó nhất, đẹp nhất vở múa, là xoay vòng tại chỗ. Cái đầu búi cao ngẩng vươn trên cái cổ thon dài, đôi cánh vỗ không trung. Một chân làm trụ xoay tròn, chân kia đang co chợt duỗi thẳng ra sau.... thì bỗng nhiên, con thiên nga chới với. Một giây khựng lại. Cái chân trụ như bị bắt vít.

Một cú ngã đánh sầm sấp người xuống mặt ván sân khấu.

Mận thét lên. Lạc cả giọng. Âm thanh thốt tháy ai oán, nửa hốt hoảng sợ hãi, nửa rắc rủm vui thầm. Con thiên nga đã gãy cánh. Đối thủ sân khấu, tình địch tình trường, bị loại bỏ. Cái đầu chiếc đinh vít tòi lên mặt ván đã làm điều Mận mong muốn. Sau mấy vòng xoay, nó siết chặt bàn chân trụ, kéo con thiên nga ngã nhào.

Thúy Mận lao lên. Nhưng trưởng đoàn nhanh hơn, bế thốc con thiên nga chạy ra khỏi cánh gà. Phút sau, đầu gối chân phải Tuệ Hiển sưng vù, cứng đơ, không cử động được nữa. Đêm, con thiên nga được đưa lên xe tải, rời chiến trường. Về sau tin vào nghe nói Tuệ Hiển bị vỡ nát xương bánh chè...

Tế nhị, nhóm nữ cựu quân nhân ra hiệu xin phép rút lui lặng im. Chờ một lúc, bà Mận nhỏm người dậy, ông Đức khẽ đọc. Chào Thúy Mận, con sơn ca núi rừng Trung Trung Bộ. Mình là Tuệ Hiển, con thiên nga gãy cánh, à gãy chân đây! Hì hì... Cảm ơn Mận, giờ mình vẫn còn nhớ tiếng thét ai oán xót thương của Mận, khi mình gặp nạn. Người bác sĩ trẻ phẫu thuật thay xương bánh chè nhân tạo cho mình năm ấy, là đức lang quân của mình ngày nay. Nhờ anh ấy, mình học xong đại học y khoa, chuyên răng hàm mặt. Giờ vợ chồng mình mở trung tâm trồng răng giả công nghệ cao. Khách đông hết nỗi.

Đúng là trái đất này quá nhỏ bé. Hôm qua cháu Hưng dẫn người yêu đến hàn răng, tình cờ hỏi chuyện mình mới biết đó là con trai Thúy Mận. Mừng quá đi mất. Mình sẽ đón vợ chồng Mận ở sân bay. Đừng lo chuyện ăn ở trong này và sẽ tặng Thúy Mận hai răng cửa mới, bằng chất liệu sứ trên nền implant, bền đẹp suốt đời.

Ố... ôi! Tuệ Hiển! Bà Mận sún vồ lấy bức thư trên tay chồng, áp lên ngực, ngốt ngát thở. Lần nữa, nước mắt bà lại trào ra...

H.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)