. PHẠM HỌC
Có một điều rất trùng hợp là những nơi trồng nhiều dong riềng làm miến nhất Quảng Ninh lại là xã có đông đồng bào Sán Chỉ nhất. Xã Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu) về địa giới hành chính tuy khác huyện nhưng liền kề nhau, gần nhau ở nếp ăn, nếp ở, phương thức sản xuất và cả những câu hát soóng cọ gọi bạn tình sóng sánh…
Trai gái Sán Chỉ hát soóng cọ trên đồi. Ảnh: TL
Dong riềng và soóng cọ
Lần nào cũng vậy, dù đi công tác hay du lịch ra miền Đông, thế nào tôi cũng phải dừng chân ở Tiên Yên, hoặc Bình Liêu. Đôi khi dừng lại chỉ là để ăn một bát phở gà, một bát miến dong nóng hổi ngày rét mướt hay để gặp một vài người quen thân. Tôi thích thứ miến của miền Đông Bắc bởi nó mềm mà không nát, dai mà không cứng, thơm thảo như chính lòng người. Bởi thế dừng lại một chút cũng đáng lắm. Chốc lát vậy thôi nhưng cũng đủ ấm lòng bởi trong tôi đã sẵn có một Tiên Yên ấm áp nghĩa tình.
Người ta gọi miền đất ấy là đất dong riềng, nhưng tôi thích gọi là “miền soóng cọ” hơn bởi đây chính là “bảo vật tinh thần” nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Sán Chỉ. Đi tìm những câu hát soóng cọ mượt mà, chúng tôi đặt chân đến xã Đại Dực, huyện Tiên Yên.
Ông Nình Văn Cao, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) bảo: “Muốn nghe soóng cọ ở Đại Dực thì khó gì. Bà con rất nhiều người biết hát.” Ngay cả bản thân ông thời trai trẻ cũng đi hát để tìm vợ. Trước kia, vợ ông là bà Trần Thị Phúc cùng với cô bạn Hoàng Thị Đạo lúc nông nhàn thường rủ nhau đi sang xã bên để hát. Những chàng trai cô gái Sán Chỉ ở Đại Dực hừng hực sức xuân như ông bà thời trai trẻ từng băng rừng vượt suối men theo những lối mòn sang Đại Thành và Húc Động (Bình Liêu). Họ túm tụm nhau lại để hát, hát thâu đêm suốt sáng.
Những con đường mòn xưa kia bà con Sán Chỉ băng rừng tìm tình nhân để hát trong ngày hội tháng ba giờ vẫn còn gồ ghề lắm. Vì vậy, người dân tự đóng góp tiền và công lao động để mở hai cây số sang Húc Động và đặt tên là đường Tài Toòng Thin. Đường Tài Toòng Thin cũng là con đường giao lưu văn hóa của xã, giúp cho bàn chân người Húc Động và Đại Dực đỡ mỏi hơn khi tìm đến với nhau trong hội tháng ba (16/3 âm lịch).
Trên đường vào Đại Dực, chúng tôi bắt gặp dưới những căn nhà mái ngói âm dương thấp thoáng vành khăn xanh quấn trên tóc của những chị những cô người Sán Chỉ. Ai đó bảo đấy là “vành khăn soóng cọ” bởi các cô vấn đẹp nghĩa là sắp đến hội hát. Việc vấn khăn xanh không hề đơn giản. Phải có mái tóc dài thì quấn khăn mới đẹp. Tóc được bện chặt, quấn tròn quanh đầu rồi dùng chiếc cặp lá kẹp chặt. Chiếc khăn với nhiều hoạ tiết hoa văn được đội lên đầu để trang trí.
Cứ qua tết xong, mỗi khi vuốt mớ tóc dài trên mái đầu là lòng các cô gái lại xốn xang mong ngày hội tháng ba. Họ chuẩn bị tập vấn khăn đầu sao cho khéo, lựa chọn bộ trang phục đẹp nhất, chải chuốt lại khăn áo cho phẳng nếp. Hàng ngày, họ phải gội đầu bằng các loại lá cây rừng cho thật thơm và óng mượt chờ đến ngày hội. Đàn ông Sán Chỉ cũng xốn xang chẳng kém. Họ chuẩn bị cho mình những câu hát thật mê đắm, lo nấu những mẻ rượu ngon, vót cật giang làm khuôn mũ, bọc vải chàm.
Từ Đại Dực, chúng tôi đi theo đường qua Phong Dụ để đến Đại Thành (huyện Tiên Yên). Con đường gần hai chục cây số được đặt tên là Đại Phong. Riêng tôi, tôi còn thích gọi đây là con đường “vành khăn soóng cọ” bởi nó vừa là con đường của sự giao lưu kết nối lại vừa mềm mại quanh co. Con đường này đã đưa bước chân những người như chị Sằn Thị Yến từ Đại Dực sang Đại Thành lấy chồng, làm cô giáo cắm bản. Chồng chị là anh Voòng A Toàn là cán bộ xã. Cả hai đều là người Sán Chỉ và đều say mê soóng cọ. Riêng chị Yến còn tham gia xây dựng và truyền dạy soóng cọ cho chính học sinh của mình. Chị Yến và một số giáo viên và cán bộ xã đã mời nghệ nhân trong vùng về tham gia câu lạc bộ để dạy học sinh của mình biết hát.
Theo như chị Yến chia sẻ thì bây giờ lớp trẻ mới cần phải dạy hát, chứ những người thuộc lứa tuổi anh Toàn chị Yến về trước, từ khi còn nhỏ cứ nghe người lớn hát và tập theo. Nghe hát nhiều thì nó tự ngấm vào người. Họ cất tiếng hát tự nhiên như tiếng suối róc rách dưới thung lũng, như tiếng cây rừng xào xạc trên đỉnh Thông Châu kia.
Thông Châu là nóc nhà của vùng đất này, nó lưu giữ biết bao huyền thoại về những bản làng dân tộc Sán Chỉ, về lịch sử vùng đất Tiên Yên. Ngược dòng lịch sử, có một Tiên Yên rất xưa. Vào thời Hùng Vương, đất này thuộc bộ Ninh Hải. Từ thời Tiền Lê đến đời Trần thuộc huyện Tân An. “Tân” là mới còn “an” là bình yên, là yên ổn. Như thế rõ ràng tiền nhân đã gửi gắm bao nhiêu tâm tình hi vọng vào cái tên cho một vùng đất. Đó là khát vọng về một miền đất mới yên bình. Đến đời Vua Lê Thánh Tông đổi thành châu Tân An. Đời Vua Lê Trung Hưng kị chữ Tân của Vua Kính Tông Lê Duy Tân nên Tân An đổi thành Tiên An. Đến thời Chúa Trịnh Cương vì kị tước An Đô Vương nên “an” đọc là “yên”, “Tiên An” đọc là “Tiên Yên” từ đó.
Tiên Yên là mảnh đất đầy mới mẻ, mới từ địa hình địa mạo. Tiên Yên có cả các dạng địa hình miền núi trung du và đồng bằng ven biển. Phía Tây Bắc có dãy núi Cái Kì với đỉnh cao nhất là Ngà Là chảy dài ra cửa sông Ba Chẽ theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Dưới chân núi là đồng bằng ven biển Hà Dong trù phú, thuộc xã Hải Lạng. Phía Bắc là vùng đồi núi trùng điệp tiếp giáp với huyện Bình Liêu và huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Phía Đông Tiên Yên là dãy Thông Châu và Pạc Sủi ngàn năm róc rách tiếng suối reo. Núi chạy ra biển thấp dần xuống, hạ độ cao để tạo nên vùng đồng bằng duyên hải Đông Ngũ và Đông Hải, vựa lúa của Tiên Yên tự bao đời. Vựa lúa Tiên Yên đã nuôi sống biết bao người dân vùng Đông Bắc. Dưới chân Pạc Sủi còn là rừng quế thơm ngát, là hồ Khe Táu trữ tình là thung lũng Đại Dực với những bản làng người Sán Chỉ sống men theo những thửa ruộng bậc thang.
Núi rừng cũng đã tạo ra hai chi lưu của con sông Tiên Yên. Một dòng từ Cao Ba Lanh huyện Bình Liêu chảy xuống, dòng kia thì từ núi rừng Đình Lập chảy về sông Phố Cũ nay gọi là sông Khe Tiên. Hai dòng này hợp lại hòa vào nhau thành sông Tiên Yên chảy vào vụng Vạn Hoa. Thị trấn Tiên Yên nằm trọn trong vùng hợp lưu của hai nhánh sông này. Đối diện với thị trấn, là cánh đồng Đồng Châu chạy dài hơn sáu cây số ra biển. Như vậy, Tiên Yên núi tạo ra sông suối. Sông sinh ra làng mạc, đồng ruộng và sông còn sinh ra phố. Phố cũ của người Tiên Yên.
Cũng chính vì địa hình chia cắt như thế nên xa xưa giao thông chủ yếu ở Tiên Yên là đường thủy. Sự ngặt nghèo về giao thông đã khiến mảnh đất này trở nên hoang vu, hiểm trở, xa xôi, được sử cũ gọi là đất “ô châu ác địa” nơi lưu đày những người có tội, những quan lại bị thất sủng, biếm trích. Nhưng từ đầu thế kỉ hai mươi trở đi, khi hệ thống giao thông được nối liền, Tiên Yên đã dần chiếm lĩnh vị trị đặc biệt là cửa ngõ miền Đông, giao điểm giữa các quốc lộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Tiên Yên là một trong những cứ điểm tiền tiêu bảo vệ vùng biển trời Đông Bắc. Nhận thức được vị trí chiến lược của Tiên Yên nên ngay khi đặt ách cai trị, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, nhà tù ở gần sông Phố Cũ, hệ thống quân cảng ở Mũi Chùa.
Tuy nhiên, thực dân Pháp không dễ dàng gì khi chiếm được đất Tiên Yên, đặc biệt khó mà khuất phục được người Tiên Yên. Những ngày đầu đặt chân lên Tiên Yên, thực dân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây…
Vượt qua rào cản
Thử thách địa lí mà dãy Thông Châu kia tạo ra tuy khó khăn hiểm trở nhưng vẫn còn dễ vượt qua. Cái thử thách về tinh thần, về lề thói hủ tục mới là thách thức với người Sán Chỉ. Vậy nhưng họ vẫn xé rào để tự tìm cho mình những đêm hội hát tự do.
Tộc người Sán Chỉ và tộc người Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay, nhưng khác biệt ngôn ngữ. Nhóm nói tiếng Cao Lan gần gũi với tiếng Tày, Nùng và nhóm nói tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán. Trước đây, do tập quán làm nương rẫy nên sau lễ cầu mùa là mọi người lại lên nương tra hạt. Công cụ sản xuất lúc đó là cây chọc lỗ (gọi là “bu chồng”) được đồng bào Sán Chỉ thiết kế khéo léo, có thêm rọ tre đựng sỏi để mỗi khi chọc mạnh lại phát ra tiếng nhạc vui tai, hoà quyện với các làn điệu soóng cọ vang xa trên các nương rẫy.
Người Sán Chỉ huyện Tiên Yên sống tập trung ở xã Đại Dực, rải rác ở một số nơi khác trong huyện. Họ rất say mê ca hát và không ít người hát được soóng cọ của dân tộc mình. Soóng cọ là phát âm theo tiếng của người Sán Chỉ, có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ.
Nghệ nhân Ưu tú Sằn A Sẹc, thôn Kéo Cai, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết: Tục hát soóng cọ diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với nhiều dạng thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Đó là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Đây cũng là dịp để các đôi nam thanh, nữ tú kết bạn và tỏ tình cùng nhau, gửi gắm những tâm sự. Bên cạnh đó, họ còn truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống.
Hát soóng cọ là một hình thức diễn xướng dân gian. Phần ca từ bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm bốn câu, mỗi câu bảy tiếng), giống như hát sli, lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua lối hát soóng cọ, người hát có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; thể hiện tình cảm tâm tư của mình đến với người mình yêu, răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế…
Nhiều đôi trai gái yêu nhau bắt cặp với nhau ở mỗi hội hát nhưng không lấy được nhau để đến nỗi cả đời vấn vương câu soóng cọ gọi bạn tình. Có những cặp đôi may mắn lấy được nhau. Thế nhưng, dù có hát hay đến mấy khi những cặp đôi đã yêu nhau rồi trở thành vợ chồng lại không bắt cặp với nhau đi hát hội tháng ba nữa. Ông Nình A Voòng ở thôn Khe Lặc, xã Đại Thành giải thích lí do với tôi rằng hội hát ấy dành cho đôi lứa đang tìm hiểu nhau và những cặp tình nhân lỡ duyên giờ đã đi lập gia đình với người khác.
Bởi vậy, khi đã có vợ, có chồng rồi người ta vẫn đi hát soóng cọ, chỉ có điều hai vợ chồng chẳng bao giờ hát chung. Họ thỏa sức đi hát với người yêu cũ mà không bị cấm đoán. Hội hát soóng cọ hay ngày hiến tế cho tình yêu được người Sán Chỉ gọi là slặm nhịt hụi là “thế giới cổ tích” của những người luống tuổi, là ngày hiến tế tình yêu đôi lứa, nơi giải tỏa những ẩn ức, những khát khao yêu thương của người Sán Chỉ được thể hiện qua câu soóng cọ. Soóng cọ đã trở thành một phương tiện hữu ích để người Sán Chỉ tìm được người tâm đầu ý hợp rồi kết thành tình nhân.
Họ hát cho quên mệt nhọc lao động, quên u sầu hát cho bõ nhớ thương. Giã bạn rồi lại chờ năm sau, họ hẹn nhau trong ngày hội và lại thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không sợ bị ai chê cười. Xong cuộc hát đôi nào son trẻ lấy được nhau thì lấy. Những người có gia đình thì về lại nhà mình trồng cây lúa củ khoai. Dù rất “thoáng” như vậy nhưng hội hát tháng ba tuyệt đối cấm cửa trẻ con và cấm người cùng họ hát với nhau.
Hội hát tháng ba dù có cởi mở đến mấy cũng chưa làm gia đình nào tan cửa nát nhà. Ở vùng dân tộc Sán Chỉ này chuyện đưa nhau ra tòa li hôn là việc động trời. Cả những bà vợ và ông chồng đều hiểu rằng ai cũng có một thời trẻ trai, ai cũng có “phút ngoài chồng ngoài vợ.” Và nó chỉ thoáng qua thôi chỉ một ngày trong ba trăm sáu lăm ngày cắm mặt xuống nương, phơi lưng lên trời. Gặp nhau không làm gì khác chỉ có hát. Hát cho hết nhọc nhằn mưu sinh, hát để sống lại cái thời dệt mộng dệt mơ. Đó là sự xé rào rất văn minh của người Sán Chỉ.
Giữ lấy “bảo vật tinh thần”
Từ Đại Thành (huyện Tiên Yên), tôi qua Húc Động (huyện Bình Liêu). Con đường bê tông khang trang mở lối sang Húc Động phần nào đã làm cho cuộc sống của bà con Sán Chỉ giờ khấm khá hơn.
Đường dễ đi hơn nhưng người hát soóng cọ lại ngày một ít dần. Lớp cao niên lo lắng một ngày kia những điệu hát dặt dìu, tình tứ sẽ mai một. Và họ đã động viên cháu con quyết giữ lấy “bảo vật tinh thần” của dân tộc mình. Ông Trạc A Cấy ở thôn Lục Ngù là một người như thế. Ông vừa ngâm nga một câu soóng cọ vừa bảo rằng ông nhớ lắm cái thời đi hát. Nhớ nhưng ông không thể nhảy vào cuộc hát của bọn thanh niên bởi sợ bị chê cười. Lớp người như ông Cấy đã già phải nhường “sân khấu” lại cho giới trẻ.
Giới trẻ chọn cho mình một lối ứng xử khác đối với soóng cọ. Thanh niên người Sán Chỉ ngày nay còn “chế tác” đặt lời thêm nhiều bài hát mới trên nền giai điệu xưa. Tết đến, thanh niên muốn nói gì với nhau toàn hát bằng lời soóng cọ. Người ta dùng lời hát tự sáng tác để mời nhau, mời trà, mời rượu, chúc nhau. Họ còn hát tùy cơ ứng biến thậm chí hát cả trong những buổi giao lưu, kỉ niệm.
Chẳng nói đâu xa, ngay con trai ông Cấy là anh Trạc A Thìn cũng không hay hát những bài mà cha mẹ anh khi xưa vẫn hát nữa. Anh và câu lạc bộ của mình hát những bài tự sáng tác, dựa trên những giai điệu đã có sẵn, bà con thêm lời vào. Trước đây, đa phần bài hát có nội dung nói về mùa màng, lao động sản xuất. Giờ đây, đề tài mở rộng, họ có nhiều bài hát mới ca ngợi xã đổi mới, có đường mới, nhiều nhà mới chẳng hạn.
Anh Thìn đem ra cho chúng tôi một cuốn sổ tay ghi rất nhiều bài hát soóng cọ. Anh cẩn thận chép lại bằng phiên âm và dịch ra tiếng Việt. Nhìn vào cuốn sổ tôi thử ngâm ngợi vài câu mà nghe chẳng đâu vào đâu cả. Thế mới biết mỗi ca từ đều được người Sán Chỉ kí thác tâm tư của mình. Họ hát bằng máu thịt, bằng tâm hồn của con người miền sơn cước. Người ngoài dù hát đúng cũng chỉ là một cái vỏ không hồn...
Soóng cọ hiện đại đến mức có người còn đưa vào để vận động xây dựng nông thôn mới như ở Đại Thành. Lại nhớ có lần, ông Sằn A Sẹc ở thôn Nà Cam hát cho tôi nghe mấy bài ông tự soạn. Ông Sẹc kể để vận động dân bản, ông cặm cụi soạn những lời sóng cọ rồi kéo bọn trai bản, gái bản vẫn thường rủ nhau lên đỉnh Thông Châu hát hò tán tỉnh nhau xuống đường mà hát. Tôi còn nhớ một bài hát của ông có đại ý là Trai bản, gái bản hãy xuống đường cùng hát khúc hát mở đường/Mở đường cho muôn đời con cháu sau này đi lại/ Để con cháu sau này nhớ rằng/ Nếu không có ngày hôm nay sẽ không có con đường xe pháo ra vào.
Cũng như anh Thìn, ông Sẹc chép lại những bài hát đó để dạy cho lớp trẻ các câu lạc bộ trong xã. Không chỉ ở Đại Dực, Đại Thành mà cả ở Húc Động, mỗi bản làng Sán Chỉ có ít nhất một đội, thường xuyên luyện tập và hát giao lưu với nhau. Húc Động có dân số 2.767 người thì riêng người Sán Chỉ chiếm đến 82,4% dân số toàn xã. Cả chín thôn của xã đều có các câu lạc bộ hát soóng cọ của người Sán Chỉ. Đấy là chưa kể đến các câu lạc bộ của trường phổ thông trên địa bàn.
Thác sinh ra suối ra sông. Sông hợp lưu bồi đắp thành làng mạc. Tiếng hát của thác, suối sinh ra thanh âm của núi rừng. Còn tiếng hát của người Sán Chỉ thì thúc giục người ta mở đường, làm ăn phát triển kinh tế, giao thương buôn bán. Tiếng hát kéo người Sán Chỉ lại gần nhau hơn.
Cũng chính nhờ vị trí giao thoa, hợp lưu của sông nước như thế nên từ rất sớm Tiên Yên đã trở thành một điểm thương mại quan trọng. Đây là nơi mà các sản vật núi rừng Đông Bắc được tập kết, chuyển tới thương cảng Vân Đồn để giao lưu với thương nhân trong và ngoài nước. Ngược lại, Tiên Yên cũng là nơi chuyển giao thủy hải sản giàu có của vùng biển Đông Bắc cho các tỉnh núi rừng Cao-Bắc- Lạng. Phố cũ vừa là trụ sở của châu Tiên Yên xưa lại vừa là điểm buôn bán sầm uất của cả vùng Đông Bắc lúc bấy giờ.
Tiên Yên vẫn được coi là một điểm đến đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh. Nằm cạnh hai trục Quốc lộ 18 và quốc lộ 4B, từ rất nhiều năm, vùng đất này đã là nơi hội tụ nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ. Thị trấn Tiên Yên hiện nay là một đô thị hình thành sớm và phát triển mạnh vào giai đoạn 1910-1954 với những kiến trúc của người hoa xen lẫn kiến trúc của người Pháp. Và theo thời gian, với sự giao thoa đan xen văn hóa ấy, bản sắc riêng của Tiên Yên, vùng đất nơi ngã ba sông, ngã ba đường vùng Đông Bắc, đã được tạo lập. Năm 1963, khi khu Hồng Quảng sáp nhập với tỉnh Hải Ninh để trở thành tỉnh Quảng Ninh, Tiên Yên không những vẫn giữ nguyên được các nét đẹp văn hóa này mà còn trở thành cửa ngõ ra miền Đông của tỉnh.
Ở Tiên Yên có hai người mà mỗi khi nhỡ độ đường tôi thường tá túc trong nhà họ. Đó là ông Đinh Viễn và ông Cấn Đình Loan. Ông Đinh Viễn là cựu giáo chức, từng dạy sử của Trường THPT Tiên Yên. Nếu muốn hiểu rõ lịch sử mảnh đất này thì nhất định phải đến gặp ông Đinh Viễn. Không chỉ vì ông gắn bó cả đời với mảnh đất này mà còn vì ông là người viết sử của các làng xã. Lịch sử các xã trong huyện rồi đến lịch sử Đảng bộ huyện đều có sự tham gia của ông. Thu nhập từ việc viết sử chẳng thấm tháp là bao so với mồ hôi và trí tuệ mà ông và cộng sự đã bỏ ra nhưng ông vẫn hăng say làm. Ông làm vì yêu Tiên Yên vì muốn trả mối nợ với mảnh đất này.
Còn ông Cấn Đình Loan là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên không chỉ lưu giữ Tiên Yên trong tâm trí mà còn lưu giữ mảnh đất này trong những khuôn hình. Ông mải mê chụp Tiên Yên, gần như cả đời. Thậm chí có cái đập tràn và con sông Phố Cũ trước nhà thôi ông chụp ti tỉ lần rồi vẫn còn muốn chụp. Những giải thưởng nhiếp ảnh ông có được cũng từ Tiên Yên mà ra. Và mặc cho mọi người gọi thế nào ông Cấn Đình Loan vẫn thích gọi trấn lị Tiên Yên là Phố Cũ. Thời thế đổi thay nếp xưa ngày càng bị mai một. Ông Loan tiếc lắm. Bởi thế ông như một con người hoài cổ, đang ở Tiên Yên mà luôn nhớ Tiên Yên. Ông nhớ một trấn lị Tiên Yên xưa với sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Ông nhớ từng ngôi nhà ống chỉ 2 tầng, mái ngói thâm nâu, từng bàn chân người Sán Chỉ dạo phố, từng góc phố mái ngà, ngói đất nung lợp âm dương đã ngả màu thời gian, tường vôi gạch có chỗ đã tróc lở ra rồi. Nhà ở phố luôn có giếng trời để đón gió và điều hòa ánh sáng. Nhà nào cũng có phù điêu nhiều hoa văn trang trí mang dấu ấn gothic, phố không có vỉa hè, theo ô bàn cờ gọn ghẽ. Ông Loan đã lưu giữ từng khoảnh khắc, từng góc phố, từng nhà, từng ngõ, từng con người đi qua. Có quy luật phát triển, nhưng sự phát triển ấy cũng không thể lấn át hết cái cũ. Tiên Yên vẫn là Tiên Yên. Cái hồn cốt của nó vẫn còn. Vẫn là hồn xưa nét cũ. Điều đó làm ông Loan yêu Tiên Yên hơn, tự hào về Tiên Yên hơn.
Tôi có một anh bạn làm bảo tàng, mỗi lần tôi ra Tiên Yên đều nhắn nhủ xem nhà cổ có cái nào bị mất đi không. Và chụp ảnh lại cho nhanh kẻo mai này thời gian làm băng hoại tất cả. Nhưng tôi đã trấn an anh rằng, điều ấy không lo vì hơn ai hết người Tiên Yên yêu mảnh đất của họ, yêu không gian sống của họ. Họ mới là chủ thể giữ gìn văn hóa một cách bền vững nhất. Và mỗi một người Sán Chỉ dưới đỉnh Thông Châu kia cũng không xa lạ với phố huyện dịp cuối tuần. Đôi chân leo ruộng bậc thang giờ đã quen đi trên hè phố.
Người ở phố Tiên Yên có tính cách rất riêng dường như không bị ảnh hưởng của cái nhịp sống ồn tạp đô thị. Nhà họ cửa mở thoải mái cả ngày mà không sợ trộm. Cả thị trấn quen biết nhau, ra đường là gặp ai cũng hỏi gặp ai cũng chào. Đấy mới là Tiên Yên của riêng ông Loan, ông Viễn. Chỉ cần xa Tiên Yên một ngày thôi ông đã thao thiết nhớ lắm rồi.
Theo lời ông Cấn Đình Loan, chính vì yêu mảnh đất này nên người Tiên Yên vẫn luôn ý thức giữ gìn hồn phố cũ. Quả đúng như lời ông Loan nói, tôi đã đi nhiều phố đi bộ rồi nhưng thật hiếm có nơi nào lại có sức sống như ở Tiên Yên. Phố đi bộ là ngày hội của họ. Người dân coi đây là một góc tâm hồn xưa cũ. Phố đi bộ là phố hoài niệm là nhịp sống của riêng Tiên Yên. Không có người dân nơi đây, không có đồng bào Sán Chỉ, không có những tâm hồn yêu mến xưa cũ thì không có sự thành công của phố đi bộ Tiên Yên.
Từ phố Tiên Yên tôi ngược lên Đông Ngũ, Phong Dụ, Đại Thành, Hà Lâu để dạo bước trên những thửa ruộng bậc thang, bên suối thác mát lành, để nghe câu soóng cọ của người Sán Chỉ. Tôi chưa hiểu được ca từ vì không biết tiếng của bà con dân tộc nhưng sao vẫn thấy những giai điệu kia say đắm đến nhường vậy. Có lẽ họ cất lên tiếng hát từ tình yêu mảnh đất này - mảnh đất Tiên Yên ngã ba vùng Đông Bắc. Tiếng hát cất lên từ tình yêu ấy dễ tìm đến và bắt nhịp được với cõi lòng của những ai yêu mến Tiên Yên.
Tạm xa miền soóng cọ để ra về tôi nhớ mãi cái bắt tay thật chặt và lời nhắn nhủ của ông Trạc A Cấy: “Đến hội tháng ba, cái cán bộ nhớ quay lại nhé!” Tôi hứa sẽ quay lại thăm bản làng. Bên tai tôi đã vang lên một bài hát nghe ở vùng này, tạm dịch đại ý là: Xuân mới đến, Xuân thêm thắm tươi/ Chim vang hót trời cho lòng rạo rực/ Đầu xuân náo nức công việc mới/ Cùng làm, cùng chơi để giữ hồn xuân…
P.H
VNQD