Ngày ấy Pailin

Thứ Sáu, 14/05/2021 15:58

. NGUYỄN VŨ ĐIỀN

 

Những ngày này, phố phường rạo rực. Chợ hoa đã mở, cả một dãy phố cơ man là hoa. Những cây đào rừng e ấp suốt mùa đông lạnh giá, giờ chúm chím nụ xuân chờ giao thừa. Những giò lan, chậu tulip, những khóm hồng đủ sắc màu... được chủ nhân chăm sóc, che chở suốt những ngày lạnh giá, bày thành dãy dài trên hè phố, đua nhau khoe sắc. Cờ xí, phố phường nhộn nhịp, náo nức.

Tết đã sắm hòm hòm. Đào một cành, quất một cây, bàn thờ đã dọn dẹp sạch sẽ, con cháu đi làm ăn xa bắt đầu rục rịch về, những công việc thường nhật tạm gác lại sau lưng. Đêm, bên ấm trà Tà Xùa đặc sánh, kí ức về cái tết Kỉ Mùi 1979 ùa về, một cái tết mà bất kì người lính Trung đoàn 174 nào đã trải qua ngày đó cũng không thể quên được.

Sau khi lật cánh, cùng với các sư đoàn, quân đoàn bạn đánh đuổi địch khỏi các tỉnh Kampong Cham, Kampong Thom, Siem Reap, đơn vị tôi được lệnh hành quân đánh chiếm Pailin, một thị trấn thuộc tỉnh Battambang (nay được tách ra thành tỉnh Pailin), giáp biên giới Campuchia - Thái Lan.

Pailin, trung tâm chỉ huy và hậu cần của địch được mệnh danh là “thành phố của kim cương và sốt rét”. Sau ngày 7/1/1979, nó trở thành túi đựng tàn quân Pol Pot từ các nơi đổ về. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Pailin có thêm một biệt danh nữa - “thành phố máu”. Đã có không biết bao nhiêu máu xương của bộ đội Việt Nam, của lính Pol Pot, của những người dân Campuchia vô tội rơi xuống đất này.

Sáng 29 Tết Mậu Ngọ (là ngày cuối cùng của năm âm lịch, tức ngày 27/1/1979), đơn vị tôi nhận lệnh hành quân đánh chiếm Pailin. Là lính thông tin nên đêm trước, khi ban chỉ huy tiểu đoàn hạ đạt mệnh lệnh hành quân, tôi ghé trộm bản đồ tác chiến, thấy đường hành quân xuyên qua những cánh rừng tô màu đậm dài khoảng hơn 30km. Cắt ngang là vài ba dòng suối cạn được vẽ bởi những nét đứt không liền mạch. Trinh sát tiểu đoàn xác định, đó là những con suối chỉ có nước chảy trong mùa mưa, giờ đang giữa mùa khô nên nước không nhiều, chỉ còn lại những vũng nhỏ nhưng vẫn có thể đảm bảo nước uống cho bộ đội trong quá trình hành quân.

Biết thế, mặc dù đường dài, trời nắng, nhưng hầu hết bộ đội chỉ mang mỗi người một bình tông nước, bởi việc mang vác trong hành quân xa rất mệt mỏi và bởi hi vọng sẽ được bổ sung nước dọc đường.

Tôi đi số một, khoác máy kèm thêm bao tượng gạo. Cương số hai, mang súng AK phía sau. Chúng tôi trong đội hình hành quân của trung đoàn với hàng ngàn người, súng đạn, ba lô… lỉnh kỉnh, xuyên qua những tán rừng khộp bị địch đốt cháy nham nhở, hướng về phía tây trong cái nắng gay gắt của miền nhiệt đới. Cả đoàn quân mặt mũi lấm lem tro bụi, lầm lũi bước, đất cát dưới chân quấn lên theo gió bay mù mịt.

Càng gần trưa, nắng càng gay gắt. Mỗi lần dừng nghỉ, thay vì chỉ uống một nắp bình tông như mọi lần, những người lính xa nhà lê đít quần xuống mặt cát, dựa lưng vào ba lô, ngồi túm tụm nói chuyện tết nhà mình, quê mình, và tự nhiên, họ hào phóng mời nhau uống nước, tự thưởng cho mình vài ba nắp bình tông mà không cần biết hậu quả thế nào.

Khoảng một giờ chiều, đoàn quân cắt ngang qua con suối cạn trên bản đồ. Những tưởng sẽ có nước như nhận định của trinh sát, nhưng khi đến, chúng tôi nhào xuống, sục sạo dọc lòng suối hàng ki lô mét mà chẳng thấy vũng nào. Chỉ có bùn khô khốc, hằn rõ những vết chân trâu bò và muông thú còn sót lại.

Đó cũng là lúc những chiếc bình tông cạn nước. Cơn khát kéo đến làm cho chúng tôi lo lắng.

Hai bên bờ suối là những lùm cây um tùm, chằng chịt dây leo. Một số người lấy dao găm phạt chéo những sợi dây rừng, hứng ca chờ từng giọt nước ít ỏi rồi dốc ngược vào miệng mà không cần biết chúng có uống được không. Một số anh em dùng xẻng đào xuống lòng suối hàng mét, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy giọt nước nào.

Nỗi sợ chết khát bắt đầu len lỏi trong ý nghĩ của từng người.

Khoảng 3 giờ chiều, trời bỗng nổi giông. Mây đen kéo đen kịt bầu trời, gió nổi ào ào. Rồi mưa, những hạt to tướng từ trên trời đan chéo. Cát bỏng như rang nên chúng vừa chạm đất đã biến mất. Chúng tôi khí thế hẳn. Một số ngửa cổ đón trực tiếp, một số nhanh nhảu cởi ba lô, lôi ra những tấm tăng to tướng, mỗi thằng túm một góc để hứng. Nhưng trời như trêu ngươi. Mới vài giọt lộp độp rơi xuống tăng, mưa đột ngột biến mất giống khi kéo đến. Trời lại trong xanh và nắng lại chói chang.

Ngay cạnh tôi, mấy người lính liếm lên mặt tấm tăng để kiếm những giọt nước chưa kịp khô, một cậu lè lưỡi hứng một giọt nước đang đọng trên đầu lá cỏ chưa kịp rơi xuống mặt đất.

Hình ảnh ấy lưu lại trong trí nhớ tôi dai dẳng để giờ đây, tôi vẫn cảm thấy như cổ họng mình khô khốc, và những ánh mắt tuyệt vọng của đồng đội vẫn hiện lên rõ mồn một…

Sau giây phút ấy, cái nóng càng trở nên gay gắt, dữ dội hơn. Đội hình hành quân trở nên lộn xộn và mất kiểm soát. Thay vì giữ đội hình theo từng phân đội, từng đơn vị để có thể triển khai chiến đấu được ngay, lúc ấy ai mạnh người nấy bước, còn sức thì cố đi lên phía trước, những người yếu, mệt tụt lại phía sau, nhiều người không thể bước được nữa bỏ đội hình, nằm ngay xuống mặt đất, đầu gối lên ba lô khoác nguyên trên vai, mắt nhắm nghiền, đôi môi bỏng rộp.

Tôi trộm nghĩ, nếu địch đánh vào đội hình lúc này thì chắc chết, bởi những hỏa lực lớn không thể lắp ráp được, mỗi bộ phận một nơi hoặc nếu có lắp ráp xong cũng chẳng có đạn mà bắn.

Vì chứng kiến những hình ảnh đó ngay trước mắt mình nên tôi cố nhịn khát. Trong bình tông còn khoảng một chén nước nhưng tôi không dám uống. Mỗi bước đi, tiếng nước va vào thành bình tông lại kêu lóc xóc bên hông, nghe thật khó chịu.

Lúc bình thường có bao giờ tôi nghe thấy tiếng lóc xóc đó đâu, vậy mà khi ấy, tiếng kêu của những giọt nước cuối cùng trong cái bình tông bên sườn sao mà nghe rõ thế. Nó khiến cơn khát càng trở nên dữ dội.

Tôi bước đi như mộng du, đầu óc mụ mị, nặng trĩu, mắt mờ đi. Tôi vừa chao đảo bước, vừa mơ được về nhà ăn tết, nhưng không phải là mơ thấy giò, chả, bánh chưng mà thấy mẹ và các em ào ra đón. Cũng không phải tôi lao vào ôm mẹ, các em sau bao ngày xa cách, mà lao đến, vục đầu xuống cái hồ cạnh nhà, cái hồ mà hàng ngày cả làng vẫn ra đó tắm giặt và gánh nước tưới rau. Cả người tôi chìm trong nước, miệng tu ừng ực từng ngụm lớn, uống đến no nê... mà miệng vẫn đắng ngắt.

Đang chập chờn, bỗng nghe tiếng thằng Cương hỏi nhỏ:

- Anh Điền ơi, còn nước không cho em một ngụm?

Nhìn mặt nó nhem nhuốc, nhọ đen nhọ thỉu, méo xệch vì mệt, thương lắm nhưng vẫn phải động viên:

- Tao còn tí xíu thôi, nhưng cũng không uống, cố chịu. Khi nào sắp chết, tao với mày sẽ uống. Cố lên đi, có chết cũng chết trên đầu hàng quân Cương ạ.

Nó cố nài nỉ, tôi vẫn kiên quyết không cho, cố giữ lấy những giọt nước cuối cùng, phòng khi không còn cơ hội sống.

Nài không được, nó lại bỏ tôi, lùi lại phía sau. Khi đó, tôi đã lờ mờ nghĩ đến cái chết, nghĩ rằng sẽ chết khát giữa cánh rừng khộp đang cháy nham nhở ở phía tây đất nước này.

Khoảng hơn sáu giờ chiều, trời tối dần. Từ đầu hàng quân truyền xuống: “Phía trước có nước”.

Chỉ câu nói ấy thôi mà làm cho tất cả bộ đội bừng tỉnh, hi vọng sống trở nên mãnh liệt, bước chân dường như mạnh mẽ hơn. Những người lính nằm dọc đường cũng lồm cồm bò dậy, ôm súng, lảo đảo bước theo đoàn quân.

Lúc ấy, thằng Cương từ phía sau lại chạy đến nài nỉ, tôi với nó chia nhau những giọt nước quý giá cuối cùng dưới đáy bình tông. Những giọt nước ngọt lịm chưa kịp vào đến miệng đã trôi ngay xuống cổ họng khô khốc, cơn khát cũng dịu bớt một phần. Tôi chợt nghĩ đến cuộc hành quân của Tào Tháo. Khi binh lính chìm trong cơn khát, chỉ một câu “phía trước có rừng mơ”, khiến binh sĩ đầy động lực. Còn lúc này, hi vọng có nước làm cho chúng tôi như bừng tỉnh.

Đoàn quân tiếp tục đi, bước lầm lũi trong đêm tối, người nọ nhìn lưng người kia mà bước, vậy mà mãi chẳng thấy nước đâu. Tôi chợt nghĩ, họ nói vậy để động viên bộ đội chứ chắc gì đã có nước, trong lòng lại có cảm giác bất an.

Hơn mười giờ đêm, khẩu lệnh truyền xuống:

- Dừng lại, bố trí đội hình phòng ngự và cho bộ đội nghỉ. Mỗi phân đội cử hai người đi lấy nước.

Vậy là có nước thật rồi, sống rồi... Trung đội cử thằng Công điếc, người Sài Gòn với thằng Cánh, quê Hải Dương đi lấy nước do trinh sát dẫn.

Mắc chiếc võng vào hai gốc cây khộp già, tôi thiếp vào giấc ngủ, một giấc ngủ say như chưa bao giờ được ngủ, miệng vẫn đắng ngắt vì khát.

Khi tỉnh dậy, thằng Công và thằng Cánh đã lấy nước về rồi. Chúng đổ ra nồi quân dụng một thứ nước đục ngầu, đen xì và sực mùi bùn. Bất kể là nước gì, có nước là sống, bọn tôi vục bát vào uống, uống kì no, kì chán cho bõ cơn khát suốt một ngày dưới cái nắng khủng khiếp của “xứ sở kim cương”.

Khoảng hơn mười một giờ đêm, cơm chín. Cả trung đội xúm quanh nồi với bát bột canh ăn xì xụp. Nồi không rửa, gạo không vo, và nước thì đầy bùn nên bát cơm đầy sạn. Ăn không dám nhai mạnh vì sợ gẫy răng, đành nhếu nháo rồi nuốt chửng.

Gần giao thừa, cũng là lúc ăn xong, thằng Công bê lên nồi nước đun sôi, anh Lưu vục bát vào múc lên định uống, nhưng màu nước đen xì, lại mùi tanh tanh nữa, nên anh đổ trả lại rồi gọi thằng Cánh:

- Cánh, mày ra ba lô của tao, lấy trong túi cóc hộp sữa sang đây.

Đây là hộp sữa tiêu chuẩn tháng tết mà bọn tôi đã khui hết lâu rồi, còn anh, vẫn để dành đến tận hôm nay mới mở.

Thằng Cánh sang, anh đục hộp sữa, đổ cả vào nồi, cầm vỏ hộp tráng một lần nữa rồi lấy đôi đũa khoắng lên. Từ màu đen của bùn, nồi nước biến thành mầu trắng nhờ nhờ như cà phê sữa. Anh bảo:

- Chúng mày uống đi, uống mừng giao thừa. Chẳng ngọt đâu, nhưng nhìn thế này đỡ sợ.

Chúng tôi uống nước bùn - thứ “cà phê sữa đặc biệt của lính Pailin”, hút thuốc rê, chúc mừng nhau nhân dịp năm mới rồi lên võng nghe Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc lời chúc tết.

Không còn khát, không còn đói nữa, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ tết quê hương lại cồn lên trong tâm thức.

Cả nhà ơi. Chúng con vừa trải qua một trận khát kinh khủng nhất trong đời giữa chiều ba mươi tết ở một vùng nổi tiếng nhiều kim cương của Campuchia đấy.

Rồi giấc ngủ kéo đến thật nhanh, ngủ để lấy sức mai còn chiến đấu.

Năm giờ sáng 28/1/1979 (tức mùng một Tết Mậu Ngọ), cuộc tấn công Pailin bắt đầu. Pháo 105 của trung đoàn bắt đầu bắn chuẩn bị. Những quả đạn pháo từ phía sau, rít u ú ngay trên đầu chúng tôi rồi nổ “oành oành” cách đó khoảng một ki lô mét theo hướng tây bắc. Tiếp đó là tiếng của các loại cối, DKZ và hỏa lực bộ binh nổ liên hồi kì trận. Địch cũng bắt đầu bắn trả. Không gian rền tiếng súng, không thể phân biệt được tiếng của loại súng nào nữa. Khói mù mịt. Tai tôi ù đặc. Chợt nghĩ, giá tết ở quê mà nghe thấy những tiếng nổ này thì còn thích hơn tất cả các loại pháo cối Bình Đà.

Tôi và Cương được điều ngay xuống K10. Bộ đội lợi dụng lòng suối bắn nhau với địch, đẩy chúng khỏi những vị trí phòng ngự. Đạn chiu chíu xung quanh, rơi xuống nước xèo xèo. Lòng suối ngập nước ngang ống chân, có chỗ sâu ngang bụng. Chúng tôi lội bì bõm giữa dòng nước trong vắt quần nhau với địch, quần áo, giầy tất sũng nước, chợt nghĩ, đời thật trớ trêu, hôm qua cả ngày khát cháy họng, chỉ mong kiếm được vài ngụm nước để uống mà hôm nay khổ vì nước thế này đây. Lại nghĩ, tại sao nước trong thế này mà đêm qua chúng nó múc về toàn bùn đất? Mãi sau mới biết, khi đó địch án ngữ dọc dòng suối này, nên để có nước, trinh sát phải bí mật đột nhập, chốt chặt hai bên suối, cho từng người lội xuống lấy. Cả trung đoàn chỉ lấy nước ở một đoạn suối, nên những người lấy trước múc được nước trong, những người lấy sau múc nước đục, càng sau, nước càng đục là thế.

Khoảng bốn mươi phút sau khi nổ súng, chúng tôi gặp đường nhựa. Địch đã bỏ chạy, trước khi chạy chúng vẫn kịp đốt những rừng le bên kia đường. Lửa cháy rừng rực, khói bay mù mịt, không khí như đặc quánh lại, thật khó chịu.

Đơn vị tập kết trên mặt đường rồi lên xe sư đoàn, hành quân theo yêu cầu chiến đấu. Đứng trên thùng xe tải cùng đơn vị mà tôi choáng váng và ngất xỉu trong tay đồng đội.

Cái tết xa nhà đầu tiên của tôi là như thế đó, giờ kể lại để nhớ một thời gian khổ.

N.V.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)