Hoàng hoa tiên tử

Thứ Sáu, 30/04/2021 00:56

. PHẠM HỮU HOÀNG

 

Năm Mậu Tuất, khi đã làm chủ dải đất từ Quảng Nam đến Hà Tiên, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế. Nhà vua ban thưởng rất hậu cho các văn thần võ tướng phò tá từ buổi đầu dựng nghiệp. Riêng Trương Văn Đa, con thầy giáo Trương Văn Hiến, nhà vua băn khoăn, không biết phong tặng chức tước nào cho tương xứng. Trương Văn Đa tham gia từ buổi đầu khởi nghĩa. Ở Tây Sơn Thượng Đạo, Trương Văn Đa huấn luyện binh sĩ đội ngũ chỉnh tề, hiệu lệnh răm rắp, cung kiếm thành thạo. Khi xung trận thì dũng mãnh dẫn đầu nghĩa quân tả xung hữu đột, lập nhiều công lớn. Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ rất nể phục, thường tìm tới bàn bạc việc quân. Nguyễn Huệ nói riêng với Nguyễn Nhạc:

- Trương Văn Đa là một tuấn kiệt đa mưu túc trí. Đại huynh phải trọng dụng, đối đãi thật tốt đấy.

Nguyễn Nhạc đồng tình:

- Huynh cũng nghĩ như vậy.

Minh họa: Lê Anh Vân

Chiều hôm ấy, tiết xuân se lạnh, nhà vua ra hòn giả sơn thưởng trà. Chợt thấy công chúa Nguyệt Hương dắt thái tử Nguyễn Bảo đi dạo trên lối nhỏ giữa những khóm hoàng hoa tiên tử trong vườn ngự uyển. Đây là loài hoa trên dãy núi phía Tây, được Nguyễn Nhạc đem về trồng hồi còn ở ấp Tây Sơn. Hoa nở vào mùa xuân, rộ nhất lúc Nguyên Tiêu, sắc vàng óng ả, mùi thơm quyến rũ. Nguyệt Hương rất yêu loài hoa này. Nàng thường ra vườn quấn quýt bên hoa, nâng niu, ve vuốt những đóa mơn mởn. Mười sáu năm trước, đúng vào đêm Nguyên Tiêu, Nguyễn Nhạc và vợ là Trần Thị Huệ ra hoa viên ngắm những khóm hoàng hoa tiên tử lung linh ảo diệu dưới trăng. Lúc này, Trần Thị Huệ đang có mang, sắp tới ngày khai hoa nở nhụy. Tại đây, bất ngờ Trần Thị Huệ chuyển dạ sinh Nguyệt Hương. Đến tuổi cập kê, dung nhan Nguyệt Hương kiều diễm mặn mà, tính khiêm nhường hiếu thuận. Điều lạ là người nàng luôn phảng phất mùi hương y như hương hoàng hoa tiên tử. Nguyễn Nhạc ngạc nhiên nhủ thầm: “Phải chăng con gái ta là hiện thân của loài kì hoa đó”. Hằng năm, cứ đến Nguyên Tiêu, Nguyễn Nhạc tổ chức tiệc lớn mừng ngày Nguyệt Hương chào đời.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Nguyễn Nhạc: “Hay là kén Trương Văn Đa làm phò mã? Viên tướng họ Trương trở thành con rể, sẽ hết mực trung thành. Con gái ta sẽ có nơi nương tựa xứng đáng. Thật là nhất cử lưỡng tiện”. Hôm sau, vua liền truyền gọi Trương Văn Đa vào ngự thư phòng truyền ý chỉ. Trương Văn Đa vô cùng cảm kích, vì từ lâu đã trộm nhớ thầm thương Nguyệt Hương nhưng không dám mở lời. Nhà vua chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ.

*

*           *

Đầu năm Quý Mão, có tin cấp báo từ phương Nam. Gia Định rơi vào tay Nguyễn Ánh. Tình hình nước sôi lửa bỏng. Nguyễn Nhạc thiết triều khẩn cấp bàn việc đánh dẹp. Vua giao cho Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ lĩnh ấn thống lĩnh ba quân. Nguyễn Huệ nhận nhiệm vụ song lại thưa:

- Tâu bệ hạ, lần này xin cho phò mã Trương Văn Đa xuất chinh.

Nguyễn Nhạc không bằng lòng:

- Các tướng của ta không thiếu người giỏi. Hoàng đệ chọn bất kì ai cũng được. Sao lại chọn phò mã?

Nguyễn Huệ biện giải:

- Quân ta vào Nam ba lần, giặc đều đại bại. Nhưng khi ta rút về, giặc trỗi dậy, Gia Định lại thất thủ. Bởi chúng ta không có người trí dũng song toàn trấn thủ ở đấy. Theo ý thần, chỉ có phò mã Trương Văn Đa mới đảm nhận được trọng trách đó.

Cuộc bàn luận kéo dài đến giờ Ngọ vẫn chưa ngã ngũ. Hầu hết quần thần đều tán thành ý của Long Nhương tướng quân. Nhưng nhà vua vẫn đắn đo chưa quyết. Thật tình Nguyễn Nhạc không muốn Trương Văn Đa rời thành Hoàng Đế. Chỉ vì việc hệ trọng của hoàng gia. Từ lúc Trương Văn Đa được phong chức thái tử thái bảo dạy thái tử, việc học của Nguyễn Bảo ngày càng tấn tới. Nhà vua hết sức hài lòng. Hơn nữa, gần đây, Nguyễn Nhạc đã nhận ra, Nguyễn Huệ có ý không thần phục vương quyền. Cho Trương Văn Đa theo Nguyễn Huệ chinh Nam lần này, e rằng giao tình hai người càng thêm thân thiết. Một khi chim bằng được chắp thêm cánh, di họa về sau thật khó lường.

Nguyễn Nhạc trù trừ chưa quyết, Trương Văn Đa bước ra thưa:

- Tâu bệ hạ, thần xin được chinh Nam cùng Long Nhương tướng quân.

Nguyễn Nhạc ngạc nhiên gặng hỏi:

- Ồ! Sao khanh lại muốn đi?

Trương Văn Đa đáp:

- Giặc Nguyễn là mối nguy hại lớn cho xã tắc. Phải diệt trừ tận gốc. Thần quyết dốc sức một phen. Đây là cơ hội báo đáp ân sâu của bệ hạ.

Nguyễn Huệ vui mừng:

- Kính mong bệ hạ ưng chuẩn.

Quần thần nhất dạ nói theo. Nguyễn Nhạc miễn cưỡng:

- Các khanh sớm ca khúc khải hoàn thỏa lòng trẫm mong đợi.

Trương Văn Đa về tới dinh. Trông thấy sắc mặt khác lạ của chồng, Nguyệt Hương đoán có chuyện bất thường. Nàng ân cần hỏi han:

- Chuyện gì vậy phu quân?

Trương Văn Đa ngồi xuống tràng kỉ, chậm rãi kể cho nàng nghe việc ở triều. Tưởng chừng Nguyệt Hương sẽ mặt ủ mày ê. Nhưng nàng nói rành rọt:

- Thiếp biết tình hình phương Nam làm phụ hoàng lo lắng ăn ngủ không yên. Thiếp rất vui vì chàng gỡ mối lo cho người. Đừng lo cho thiếp.

Nguyệt Hương nép đầu vào vai chồng. Chung sống bao nhiêu năm, Nguyệt Hương luôn dịu dàng, đằm thắm, nhưng lần đầu tiên nàng lại mạnh mẽ, nghĩa khí đến vậy. Thì ra dòng máu kiêu hùng của hoàng đế Thái Đức vẫn âm thầm chảy trong huyết quản nàng. Nguyệt Hương chuẩn bị hành trang cho chồng. Đến giờ xuất phát, Trương Văn Đa ngậm ngùi nhìn vợ lần cuối rồi nhảy lên mình ngựa. Nguyệt Hương cố nén giọt lệ chực trào trên bờ mắt, bồi hồi thổn thức trông theo bóng phu quân cho tới khi khuất hẳn.

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Quân Tây Sơn lần thứ tư vào Nam đánh Gia Định. Phò mã Trương Văn Đa được Long Nhương tướng quân giao chỉ huy đội quân tiên phong. Dưới sự chỉ huy của Trương Văn Đa, quân Tây Sơn xung trận thắng như chẻ tre, đánh tan tuyến phòng thủ của đại tướng Châu Văn Tiếp ở hạ lưu sông Gia Định, bắt sống tướng chỉ huy đồn Ngư Giác Dương Công Trừng, chém chết tại trận tướng Nguyễn Văn Quý trấn giữ đồn Đồng Tuyên, phủ Kiến An, trấn Định Tường... Trương Văn Đa tham gia góp công lớn vào chiến dịch đánh thắng hai vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh rước vào tại Rạch Gầm - Xoài Mút… Cả dải đất phương Nam đã bình định xong, Trương Văn Đa được cử giữ chức Trấn thủ Gia Định. Đêm trước khi về Quy Nhơn, Nguyễn Huệ cùng Trương Văn Đa ngồi đối ẩm trong trại quân. Nguyễn Huệ nói:

- Ở đây chỉ có ta và điệt tế, là người trong nhà, không câu nệ lễ nghi. Điệt tế có kế sách nào giữ yên được Gia Định?

Trương Văn Đa thưa:

- Giặc thua nhưng chưa tan nên phải phòng bị cẩn mật, tuyển mộ binh lính, thao luyện tinh nhuệ, sẵn sàng ứng chiến. Nhưng việc quan trọng hơn là phải chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, khai khẩn trồng trọt, làm cho nơi nơi trù phú. Có vậy mới vỗ yên bá tánh, thu phục nhân tâm. Lòng dân quy về ta, giặc chẳng chóng thì chầy cũng bị tiêu diệt.

Nguyễn Huệ cười ha hả:

- Quả không phụ sự tin cậy của ta. Giờ ta yên tâm mà lo chuyện phương Bắc. Nào! Mời điệt tế uống với ta chung rượu này.

Rồi lại cười bảo:

- Còn cháu gái của ta, điệt tế tính như thế nào? Vợ chồng son mà mỗi người một phương coi sao được. Ta về thưa với hoàng huynh cho điệt nữ hành phương Nam đặng phu thê sum họp nhé.

Trương Văn Đa xúc động:

- Xin bái tạ hoàng thúc.

*

*           *

Tháng Giêng năm Bính Ngọ, thuyền chở công chúa Nguyệt Hương cập bến Gia Định. Tổng trấn Trương Văn Đa cùng các tùy tùng xuống tận bến sông nghênh rước. Nguyệt Hương tưởng chừng như giấc mộng. Mấy năm li biệt. Bao đêm nàng âu sầu, thao thức trong khuê phòng lạnh lẽo, nỗi nhớ thương trào dâng tê tái cả lòng. Nàng nhớ tiếc không nguôi những ngày tháng hương lửa mặn nồng. Và nỗi lo lắng cho sự an nguy của chồng nơi tên đạn hiểm nguy… Giờ gặp lại chồng, nàng vui mừng khôn xiết. Về tới tư thất, bước qua cổng, Nguyệt Hương sững sờ. Những khóm hoàng hoa tiên tử ngập một sắc vàng trong hoa viên trước tiền đường. Nàng lặng người trong niềm xúc động bồi hồi. Trương Văn Đa nói:

- Khi dẹp yên được giặc, ta liền sai người về quê mang vào trồng. Hoa chịu cái nắng chói chang phương Nam nên nhanh tươi tốt. Ngắm hoa, ta như được nhìn thấy nàng.

Niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng Nguyệt Hương. Mắt nàng rớm lệ. Phu quân dù bộn bề việc quân, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nàng. Trái tim chàng chỉ ấp ủ một hình bóng nàng. Nguyệt Hương trao cho chồng một cái hộp khảm xà cừ óng ánh. Nàng nói: “Của Nguyễn Bảo gửi phu quân”. Trương Văn Đa mở ra xem. Những bài thơ của đứa học trò nhỏ. Đọc xong, Trương Văn Đa gật gù: “Thật không uổng công ta dạy dỗ bấy lâu nay.” Nguyệt Hương kể:

- Nguyễn Bảo nằng nặc đòi theo thiếp vào Nam gặp phu quân nhưng phụ hoàng không cho. Thái tử luôn mong ngóng chàng.

Trương Văn Đa ngậm ngùi:

- Ta cũng nhớ thái tử lắm, trông đến ngày ấy.

Với vẻ tiếc nuối, Trương Văn Đa kể cho nàng nghe việc để xổng Nguyễn Ánh tại đảo Cổ Long:

- Thủy quân ta đã dàn trận vây kín, tưởng chừng hắn đã ở trong tay. Ai ngờ sóng to nổi dậy, thuyền chòng chành muốn đắm. Binh lính mãi lo tập trung chống đỡ, nhân đó hắn trốn thoát. Giá mà bắt được hắn thì mối lo phương Nam vĩnh viễn không còn. Ta đã hồi hương đoàn tụ.

Nguyệt Hương an ủi:

- Đó không phải lỗi ở chàng, can gì phải buồn.

- Ta biết vậy, nhưng nhớ lại chuyện ấy, vẫn cứ thấy tưng tức.

Lúc rỗi rảnh, Trương Văn Đa đưa nàng đi thăm thú đó đây. Khi thì xuôi theo các sông ngòi kênh rạch mênh mang mùa nước nổi, đến những vườn trái cây thưởng thức các loại quả chín vàng ngọt lịm; khi thì đến viếng các đền chùa miếu mạo sắc màu cổ kính trang nghiêm, quan lãm những thắng cảnh kì thú lạ lùng. Cả phần đời vừa qua sống quẩn quanh nơi cung vàng điện ngọc, giờ trước mắt nàng mở ra bao nhiêu điều mới lạ hấp dẫn. Niềm vui nối tiếp tưởng chừng như bất tận trong những ngày ở bên chồng trên vùng đất phương Nam ấm êm, phồn thịnh.

*

*          *

Chiếu hoàng đế Thái Đức từ Quy Nhơn gửi vào khiến quan Trấn thủ Trương Văn Đa sững sờ. Ông phải bàn giao chức tổng trấn Gia Định cho Đông Định vương Nguyễn Lữ, trở về thành Hoàng Đế tiếp tục dạy thái tử học. Trương Văn Đa hết sức lo lắng. Sao nhà vua lại triệu hồi ông về lúc này? Lẽ nào nhà vua không biết Nguyễn Ánh được sự trợ giúp của bọn Phú Lang Sa, đang chuẩn bị lực lượng tiến đánh Gia Định. Ông đang rèn giũa quân sĩ, bài binh bố trận, quyết một trận sinh tử... Còn Đông Định vương Nguyễn Lữ. Hơn ai hết, ông thừa biết Đông Định vương chưa từng trải nhiều trận mạc, tính ôn hòa, thiếu quyết đoán, liệu có đủ bản lĩnh đối địch với một kẻ lão luyện, có tài thao lược như Nguyễn Ánh không? Trương Văn Đa kể cho Nguyệt Hương sự việc rồi nói:

- Rời Gia Định lúc này, lòng ta cảm thấy bất an.

Nguyệt Hương ngậm ngùi an ủi:

- Chắc phụ hoàng có nỗi khổ riêng mình. Thôi, phu quân đừng quá lo nghĩ, chỉ thêm phiền muộn.

Về tới thành Hoàng Đế, Trương Văn Đa mới hiểu tường tận đầu đuôi cơ sự. Nội bộ lục đục bất hòa. Hoàng đế Thái Đức cắt đất từ Quảng Nam trở ra giao cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ làm chủ. Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định vương trấn giữ Gia Định. Vua Thái Đức triệu hồi ông về để củng cố phần còn lại của vương triều. Trương Văn Đa buồn lắm. Bề ngoài ông chuyên tâm chăm lo việc dạy thái tử nhưng bên trong, vẫn dõi theo tình hình chiến sự phương Nam. Điều ông lo sợ đã thành sự thật. Quân Nguyễn kéo đến, Nguyễn Lữ giao thành cho các tướng rồi bỏ về Quy Nhơn. Gia Định một lần nữa rơi vào tay giặc…

*

*           *

Thế lực quân Nguyễn ngày càng lớn mạnh. Liệu chống không lại, nghe lời tấu của Trương Văn Đa, Nguyễn Nhạc từ bỏ đế hiệu, giao việc nước cho Nguyễn Huệ, nhún mình tự xưng là Tây Sơn vương. Vua Quang Trung đột ngột băng hà. Quân Nguyễn thừa cơ kéo ra, hai mặt thủy bộ vây thành Hoàng Đế. Trương Văn Đa chỉ huy quân giữ thành chống cự quyết liệt nhưng lực yếu, thế cô, không thể giữ nổi. Tây Sơn vương bất đắc dĩ phải cầu cứu Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh sai các tướng đem quân giải cứu rồi chiếm luôn thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc uất hận thổ huyết. Bệnh không qua khỏi. Trước khi mất, gọi gia quyến tới bên giường. Vương căn dặn Nguyễn Bảo:

- Đang lúc vận hạn, cơ nghiệp nhà ta còn hay mất chỉ còn trông cậy phò mã. Lúc này, con phải nhất nhất nghe lời chỉ bảo của anh rể. Có vậy ta mới yên lòng nhắm mắt.

Nguyễn Bảo hứa vâng lời. Tây Sơn vương mất, vua Cảnh Thịnh phong cho Nguyễn Bảo giữ chức Hiếu công, ăn lộc một huyện Phù Ly. Tham tán Từ Văn Tú, một bề tôi của Hiếu công bí mật hàng quân Nguyễn. Nguyễn Ánh bảo Từ Văn Tú chiêu dụ Nguyễn Bảo quy thuận, đem quân bản bộ đánh úp thành Hoàng Đế. Còn mình, sẽ sai tướng đem binh trợ chiến. Nếu thành công sẽ cho Nguyễn Bảo trấn giữ thành Hoàng Đế. Một thuộc tướng thân cận Nguyễn Ánh hỏi:

- Ngài thu dụng Nguyễn Bảo thật à?

Nguyễn Ánh nhìn viên tướng vừa hỏi bằng ánh mắt giễu cợt, cười khẩy nói:

- Dùng hay không là việc của ta. Đừng có thắc mắc lắm lời.

Nguyễn Bảo nghe lời to nhỏ rủ rỉ của Từ Văn Tú dần xiêu lòng. Bởi căm thù Cảnh Thịnh đã bức hại phụ thân, chiếm đoạt cơ nghiệp. Hôm đó, Nguyễn Bảo họp kín các tướng bàn tính việc đầu hàng. Trương Văn Đa thất kinh ra sức can ngăn:

- Xin chúa công suy xét tường tận. Quân Nguyễn mới là kẻ thù bất cộng đới thiên. Cơ nghiệp tiên đế dày công xây dựng không thể tự nhiên đem dâng cho giặc. Với lại, Nguyễn Ánh là kẻ giảo quyệt, lòng dạ khó lường, không thể tin được.

Từ Văn Tú xen vào:

- Phò mã nói sai rồi. Nguyễn vương là người đức độ, khoan dung. Các tướng Tây Sơn ta về hàng đều được trọng dụng, hiện quyền cao chức trọng đó sao.

Trương Văn Đa rút phắt kiếm ra mắng:

- Đồ phản phúc. Tây Sơn vương đối đãi với mày không bạc, mà mày lại bán chúa cầu vinh. Tao quyết phanh thây mày mới hả giận.

Nguyễn Bảo đứng phắt dậy, trợn mắt thét:

- Định làm loạn hay sao? Bây đâu! Bắt Trương Văn Đa cho ta!

Tốp lính hầu ập tới tước gươm, trói lại. Trương Văn Đa uất nghẹn không nói thành lời, mặt đỏ phừng phừng. Từ Văn Tú kề tai Nguyễn Bảo nói nhỏ. Nguyễn Bảo liền hạ lệnh:

- Giam ông ta vào ngục, chờ lệnh ta.

Trương Văn Đa ngồi bó gối giữa bốn bức tường chật chội. Đầu bời bời bao ý nghĩ. Ông lo lắng cho Nguyễn Bảo. Hận thù riêng che mờ lí trí đã biến Nguyễn Bảo thành kẻ cạn hẹp, mù quáng, bất chấp đạo lí. Hành động nông nổi nghe lời Tú sẽ dẫn tới họa diệt vong. Nhưng làm sao ngăn chặn việc ấy đây? Hai tay ông đang bị xiết chặt trong gông cùm. Trương Văn Đa thở dài. Ông có lỗi với Tây Sơn vương, chưa thực hiện được lời kí thác của vương lúc lâm chung. Rồi lo lắng cho Nguyệt Hương: “Nàng như một đóa hoàng hoa tiên tử mỏng manh. Ta có mệnh hệ gì, ai sẽ chăm lo, bảo bọc nàng...”

Bất chợt, dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đuốc treo trên vách ngục, người lính già quản ngục bước vào cùng với Nguyệt Hương. Trương Văn Đa ngạc nhiên: “Sao Nguyệt Hương biết mà đến đây?” Người lính giữ ngục tháo xiềng, mở cùm. Trương Văn Đa đứng dậy. Nguyệt Hương ôm chầm lấy chồng, nước mắt rơi lã chã. Giọng nghẹn ngào:

- Người quản ngục khi trước là người nhà của thiếp. Ông ấy đã kể rõ mọi chuyện. Chúng sẽ hại tướng công. Chàng phải đi mau.

- Không được! Nàng sẽ gặp nguy hiểm!

- Nguyễn Bảo chắc không nỡ ra tay với thiếp đâu.

Người quản ngục xen vào:

- Chúng đã sai tôi đóng cũi dìm ngài xuống sông. Đêm nay chúng sẽ ra tay. Chậm trễ e không kịp đó. Công chúa với tôi sẽ tùy nghi ứng phó.

Trương Văn Đa dùng dằng không chịu đi. Nguyệt Hương thúc giục mãi. Nghĩ kĩ, lời Nguyệt Hương ngẫm ra cũng có lí. Lẽ nào Nguyễn Bảo lại hại hiền tỉ hết lòng yêu thương, chăm sóc gắn bó từ lúc ấu thơ. Trương Văn Đa gạt lệ nhỏ nhẹ:

- Bảo trọng nhé. Thời cơ thuận lợi, ta sẽ quay lại đón nàng.

*

*         *

Ở Thuận Hóa bỗng xuất hiện ấp Bái Đáp. Ấp nằm kín đáo trong rừng sâu, lưng dựa vào núi, phía trước là sông, tách biệt với cư dân quanh vùng. Lập ấp là một người đàn ông trung niên dáng vẻ phong trần. Lúc ông đến đây, vùng đất này còn hoang sơ, cây cỏ, bụi rậm um tùm. Ông dựng nhà cửa, vỡ đất khai hoang, xua đuổi thú dữ, vượt qua mọi cam go thử thách. Ông sống một mình trong ngôi nhà khang trang, mặt tiền hướng vào Nam. Phía trước là khoảng sân rộng, bên phải có cái miếu thờ không bài vị, quanh năm hương khói. Bên trái là một hoa viên chỉ trồng duy nhất một loài hoa, đến mùa xuân, hoa chỉ nở một sắc vàng. Ông sống thanh đạm, giản dị, thú vui duy nhất của ông là vun trồng, tưới tiêu chăm sóc hoa. Người tứ phương tìm tới lập nghiệp ngày càng đông. Đến triều vua Gia Long, cuộc sống ở đây đã phồn thịnh. Các quan hệ xã hội được thiết lập… Tri huyện sở tại là một vị quan thanh liêm hiền đức, khi vào Bái Đáp thị sát, tiếp xúc với ông, nể phục đức độ, văn chương thi phú, liền kết giao, xem như tri kỉ, rỗi rảnh thường lui tới đàm đạo.

Tuy đã bình định xong nhà Tây Sơn, nhưng vua Gia Long vẫn canh cánh một mối lo. Tàn dư giặc còn manh mún khắp nơi. Một số tướng lĩnh Tây Sơn mất tung tích, trong đó có phò mã Trương Văn Đa. Nhà vua đã ra lệnh truy lùng khắp mọi nơi, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhà vua nói với các bề tôi:

- Trương Văn Đa là kẻ rất lợi hại. Ngày nào chưa bắt được hắn, ta ngủ chưa yên giấc. Năm xưa, nếu trời không phù hộ, ta đã mất mạng dưới tay hắn tại đảo Cổ Long rồi.

Triều thần ra sức dò la tung tích Trương Văn Đa. Chúng ghi rõ lai lịch, đặc biệt là sở thích về hoàng hoa tiên tử và tả tỉ mỉ loài hoa đó… Rồi gửi trát về các phủ huyện. Các quan lại địa phương khắp cả nước dựa vào đó mà tra xét. Chiều ngày rằm tháng Giêng, quan tri huyện sở tại tới nhà ông. Ngồi đối ẩm, gương mặt quan thật khác lạ, mắt nhìn chăm chắm những khóm hoa vàng trong hoa viên, đột ngột trỏ vào hoa cất giọng hỏi:

- Dám hỏi huynh, đó có phải là hoàng hoa tiên tử không?

Ông giật mình… Nhưng liền trấn tĩnh lại ngay, bình thản gật đầu.

Quan tri huyện lặp bặp:

- Huynh… chính là… Trương Văn Đa?

Im lặng…

Quan đứng phắt dậy, bước ra khỏi ghế:

- Tôi phải bắt huynh.

- Xin đợi đến sáng mai được không? Đêm nay, tôi còn một tâm nguyện phải thực hiện.

Quan tri huyện chần chừ một lúc. Nghĩ tới giao tình sâu đậm bấy lâu nay, trước lời thỉnh cầu đó, cũng không nỡ chối từ.

- Được rồi, đầu giờ Mão, tôi phải áp giải huynh về kinh.

Ra khỏi cổng, quan bảo viên chánh suất đội điều binh lính bủa vây kín mít, canh phòng cẩn mật, vũ khí sẵn sàng. Trương Văn Đa mặc cho tất cả. Đêm đó, ông bày cuộc rượu ở hoa viên. Trước mặt là khóm hoàng hoa tiên tử vừa nở rộ. Ông uống rượu. Đêm càng sâu, trăng càng tròn vạnh, không gian hư ảo, men nồng chuếnh choáng… Bỗng những cánh hoa lấp lánh sắc vàng óng ả, khẽ đung đưa như cánh tay nuột nà của những tiên nữ trong vũ khúc lạ lùng. Rồi từ hoa hiện ra một bóng người. Trương Văn Đa ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình: “Nguyệt Hương! Đúng là nàng rồi!” Lòng xao xuyến bồi hồi, ông muốn bước đến bên nàng nhưng chân không không nhúc nhích được; muốn nói một điều gì đó nhưng miệng cứ ấp úng không thành lời. Giọng Nguyệt Hương thật buồn: “Thiếp lạnh lắm, cô đơn lắm chàng ơi!” Gương mặt nàng ảo não! Mắt ngấn lệ, xiết bao yêu thương… Bóng nàng chập chờn ẩn hiện một lúc rồi mờ dần… Một làn gió lạnh thoáng qua làm Trương Văn Đa rùng mình. Cảnh vật u tịch dưới ánh trăng nhợt nhạt. Bốn bề trống vắng cô liêu. Lòng Trương Văn Đa quặn thắt. Ông nghẹn ngào: “Không ngờ đứa học trò ta kì vọng, tin yêu lại trở thành tàn độc, táng tận lương tâm đoạn tình cốt nhục. Nguyệt Hương ơi! Nàng biết không? Cái đêm mù mịt mưa gió dập vùi, đứng trên bờ sông, ta đau đớn tột cùng, biết nàng ở đâu dưới dòng nước lạnh phũ phàng. Nàng đi vào cõi thiên thu, còn ta phải kéo lê kiếp sống tàn nơi góc núi đìu hiu cô quạnh. Trải hết một kiếp người vinh nhục, ta mới hiểu ra, chỉ có nàng là một báu vật mà ta may mắn có được trong đời…”

Trương Văn Đa uống tràn. Hết chung này đến chung khác. Lệ ướt cả râu, rơi thấm vạt áo. Uống tới khi trời đất tối sầm lại... Sáng sớm hôm sau, quan tri huyện cùng những người tùy tùng bước vào. Trương Văn Đa đã nhắm mắt xuôi tay từ lúc nào. Ông nằm bên khóm hoàng hoa tiên tử. Phía trên, những bông hoa đang độ xuân thì, óng ánh sắc vàng, rực rỡ, tinh khôi…

Phường Bình Định, 06/ 01/2021
P.H.H

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)