Húi hề

Thứ Hai, 26/04/2021 00:35

. TRIỀU LA VỸ
 

1.

Đậu dằn chén cơm độn khoai đang ăn dở xuống mâm, gằn từng tiếng:

- Mẹ nó, hết chịu nẩu rầu! Mai tao cắt cục ngu đi làm loạn.

Vợ Đậu dừng đũa nhìn sững mặt chồng. Miếng cơm mới và chưa kịp nuốt ứ nghẹn trong họng thị. Mắt thị ầng ậc nước. Đứa con gái mới tuổi rưỡi giật mình khóc ré. Thị lật đật nhào đến chõng tre ôm con vào lòng, miệng hít hà nựng con ơi con à, tay trật nút đút vú vô miệng con bé. Nó nín khóc liền. Đậu đứng dậy đi một hơi ra sân.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Đêm tối mò. Ngửa hai bàn tay không thấy ngón. Trời nóng hầm hập. Ngột ngạt. Tiếng chim bắt cô trói cột chốc chốc lại vang lên từng hồi thật thảm não. Mẹ kiếp, bọn mắt xanh mũi lõ! Bao nhiêu thuế chúng đổ lên đầu dân. Hết tăng thuế thân, thuế điền thổ, lại tăng thuế rượu, thuế muối. Chúng còn tăng cả thuế chợ khiến các bà các cô cứ nhấp nhỏm đứng ngồi không yên. Sưu tăng cao đến mười ngày một tháng. Mậu Thân, 1908 năm ấy, khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng ca thán, oán hờn. Dân làng rỉ tai nhau mai kéo lên phủ thành thưa quan. Đậu sẽ đi biểu tình cùng đồng bào.

Nghĩ đến ngày mai mình đi Đậu bỗng thấy thương vợ quá chừng. Từ ngày ưng Đậu sinh con tới giờ thị chưa có ngày nào ăn được một bữa cơm no. Gái lớn sinh ra còi cọc, đau ốm mãi, mấy năm rồi mất. Trầy trật lắm sinh được đứa nhỏ. Nhưng nó giật mình khóc quấy hoài nên thị chưa đêm nào ngủ được một bữa đẫy giấc.

Đậu bước trở vô nhà. Con gái đã ngủ vùi. Vợ Đậu đang lúi húi vét gạo nấu cơm nắm cho chồng. Một bầu vú căng cứng của thị đè vào như muốn vỡ cả thành thạp. Cái mông tròn lẳn của thị hây hẩy trước mặt khiến Đậu thấy người nóng hực. Đậu mon men đến gần, vọc nhẹ tay vào áo vợ, giọng ngọt xớt:

-Tội nghiệp dợ quá. Tại tui bất tài dô dụng làm khổ lây em.

Thị vùng vằng:

- Hứ, biết thương dợ thương con hầu nào dẫy?

Đậu giả lả:

- Từ hầu tui quen dợ chớ hầu nào nữa.

Thị được nước làm tới:

- Hầu đó anh Lân thích tui, nếu ưa ảnh giờ đã là Tiệp dư.

Đậu gầm lên:

- A ha, mày ngon hử.

Đậu phát vào mông vợ, hầm hầm bước ra đầu hè ngồi hút thuốc. Vợ Đậu xinh gái nhất làng Kim Châu đấy. Nhỏ Định con ông Phương thợ rèn xóm Kim Nam cùng lứa với thị vừa vào cung là được vua tuyên phong Cửu giai ngay nhưng tài sắc còn lâu mới bằng thị nhé. Chẳng trách thị hay so bì. Đậu biết thị nói lẫy với chồng thế thôi chớ thị ngoan lắm. Nhưng Đậu không dằn lòng được. Thương vợ. Giận mình. Lại nhớ thằng Lân. Mới đó mà đã mười năm hơn.

Lúc đó, Đậu làm chú tiểu ở chùa Châu Long, tóc còn để chỏm. Năm đó Lân ở Huế vào chữa bệnh ấm đầu, thêm thằng Dự đến chùa học chữ mấy tháng trước thành ba thằng quỷ sứ với bao chuyện vui buồn cùng nhau. Áy náy nhất là chuyện thằng Lân khoe sách quý. Sách có nhiều tranh đẹp vẽ chi tiết các kiểu súng Tây, súng Tàu. Hôm đó, nó chỉ từng hình vẽ say sưa nói về kiểu dáng, về tầm bắn và về cách chế tạo của từng loại súng cho Đậu và Dự nghe. Đậu xem xong một đỗi bĩu môi: “Nồi gạo lo chưa xong, súng ống làm gì chớ?” Lân hồn nhiên: “Tau muốn có nhiều súng để giết kẻ cướp.” Đậu cười nhạo: “Chùa này có mỗi cái chuông, ma cũng không thèm. Nhà mày chắc giàu nhỉ?” Thằng Dự nghe, nói: “Em sợ máu lắm.” Lân nhăn mặt khó chịu, giọng trọ trẹ nhát gừng: “Bọn mi biết chi mô.” Nó gập sách lại, khẽ thở dài. Từ đó không cho hai đứa xem nữa. Sau này biết Lân nuôi chí đánh Tây, Đậu phục lắm.

Chuyện hồi đó Lân thích vợ Đậu ngẫm lại thật nực cười. Trước rằm tháng Hai vài hôm làng Kim Châu tổ chức cúng đình hát án. Sau hát án thì diễn tuồng Phụng Nghi Đình. Lân thích lắm đòi đi bằng được. Dự về quê nên chỉ có Lân và Đậu xin thầy đi coi. Đêm đó gánh bầu Lang hát hay quá. Kép Tư Phượng đóng giả đào thiệt đã. Đôi má hồng phấn, môi mọng, cặp mắt sắc như dao cau của Điêu Thuyền cứ một chặp lại lúng liếng đưa tình khiến cha con Đổng Trác, Lữ Bố chết mê mệt. Đậu cũng mê quá, vỗ tay hoài. Đến lúc gần vãn tuồng quay sang cạnh không thấy thằng Lân đâu mới tá hỏa đi tìm. Té ra cu cậu đang tán hươu tán vượn tại hàng nước bà Bốn Lùn ở một góc bãi hát. Bà Bốn có cô cháu gái tên Phụng xinh đẹp, giỏi giang, lại ăn nói có duyên lắm. Thằng Lân ngồi trọ trẹ kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho nhỏ Phụng nghe. Vừa kể vừa hấp háy cặp mắt ướt trăng. Nhỏ Phụng ngồi nghe cứ tủm tỉm cười. Nụ cười sáng lấp ló cái răng khểnh sao duyên thế, thằng Đậu nhìn trộm mà cũng ngẩn ngơ. Lân cứ chàng ràng với nhỏ Phụng hoài vậy nên khuya lơ khuya lắc hai đứa mới về tới chùa.

Mươi hôm sau, nhỏ Phụng cắp một rổ bánh ít lá gai lên chùa thăm Lân. Nhưng Lân đã về Huế nên Đậu phải nhận hết tấm lòng thơm thảo của cô hàng nước…

Đậu rít hơi thuốc cuối, ném tàn ra xa. Tàn lửa lóe lên rồi tắt ngủm trong đêm đen. Đậu nghĩ dại, mai đi biểu tình lỡ nó bắn chết thì vợ con thế nào nhỉ. Chợt Đậu thấy âm ấm ở gáy. Mùi bồ kết thơm lựng. Vợ Đậu ấp bầu ngực nóng hực vào lưng Đậu. Thị dụi dụi cái cằm thon thon lên vai chồng nũng nịu. Toàn thân Đậu nóng ran. Căng cứng. Đậu quay phắt người lại lùa hai tay vào mái tóc bồng bềnh của vợ. Đậu cọ cái mũi hếch vào sống mũi dọc dừa của vợ, rồi cọ dần cọ dần xuống cằm, xuống cổ, xuống ngực thị. Thị cười ré lên. Rồi khúc khích, khúc khích. Tiếng cười nhỏ dần nhỏ dần rồi chợt vỡ ra thành những tiếng thở hổn hển lăn hối hả sấp ngửa trên thềm đất.

Minh họa: Phạm Minh Hải

2.

Mới mờ sáng dân chúng đã tập họp ở đình làng khá đông. Nón cời. Áo vá. Vẻ mặt đầy phấn khích. Hừng hực như lũ cuốn. Tiếng trống thúc muốn vỡ cả ngực. Tiếng hò reo dậy một góc làng. Đậu nhanh chân nhập vào đoàn người đang ùn ùn kéo đi. Ra khỏi làng thì dồn cục, nhốn nháo. Chen lấn xô đẩy nhau. Đậu va vào gót chân ai đó ngã dúi dụi. Có tiếng nhao nhao:

- Đi đâu đây, ông Hương?

Hương mục Lựu chỉ tay về phía hàng tre đực có lá và ngọn vàng khè, giọng chắc nịch:

- Lên tổng đi. Ở trển mọi thứ có người lo hết.

Người là mấy cụ cử, cụ tú và các hương lí của tổng Nhơn Nghĩa Hạ thuận tình theo dân. Mọi người tùy khả năng của mình được xếp vào các tổ đội khác nhau. Đậu được phân làm đội trưởng đội cắt tóc. Đậu buồn xo. Đi biểu tình chống đi phu, đòi giảm sưu thuế phải xông xáo lên hàng đầu chớ, sao lại làm cái việc cỏn con thế. Nhưng sau được các cụ giảng cho nghe đó là nhiệm vụ quan trọng nhất thì Đậu hiểu ra. Bởi ai nhập đoàn biểu tình cũng phải cắt tóc ngắn để thể hiện sự tiến bộ.

Tiếng kéo cắt xoèn xoẹt. Tiếng chuyện trò rôm rả. Mấy anh thợ cắt tóc vừa làm vừa nhịp chân hát:

Tay trái cầm lược

Tay phải cầm kéo

Húi hề! Húi hề!

Thủng thẳng cho khéo

Bỏ cái ngu mầy

Bỏ cái dại mầy

Cho khôn cho mạnh

Cúp hè! Cúp hè!

Mọi người đồng thanh hát theo. Không khí thật rộn ràng. Ai cắt xong cũng lấy tay xoa xoa đầu mình như tần ngần tiếc rẻ cái cục ngu bao đời của cha ông. Mấy bác nông dân già tranh nhau đứng ngắm hoài trước gương, rồi ngó nhau cười tủm tỉm. Mặt mày ai cũng rạng rỡ hẳn, thật khác với vẻ ủ dột khắc khổ hàng ngày.

Đến tối mịt Đậu và anh em mới được nghỉ tay. Đậu đang lúi húi cất đồ nghề vào hòm thì thằng Dự hớt hải tìm đến. Mặt nó hốc hác, thất thần. Dân làng thằng Dự dữ quá. Lão lí trưởng mới mở miệng lí sự vài câu đã ăn liền mấy cán cuốc nằm liệt giường. Mấy nhà giàu trong làng đều bị dân đập phá cả. Nhà Dự có của chìm của nổi. Mới sáng sớm đã có mấy người cầm đòn gánh, cào cỏ đến nhà nó hỏi thăm. Cha nó xung phong ngay vào đoàn biểu tình, tình nguyện lo cơm nắm, lương khô cho đồng bào. Riêng thằng Dự hãi quá, trốn biệt từ sáng tới giờ.

Thằng Dự đan hai tay trước bụng, đầu cúi thấp, miệng lắp bắp không tròn câu trông thật tội nghiệp:

- Anh Đậu cắt giùm cục ngu cho em... Hầu nhỏ, em lỡ dại…

Đậu đốt đuốc lên, vừa cắt tóc cho thằng Dự vừa nghĩ vẩn vơ. Đậu thấy khó chịu quá. Cái thằng Dự chết bằm chết trôi! Cái thằng nhỏ mọn! Hồi cha nó gửi lên chùa Châu Long theo học thầy Từ Mẫn lúc nào nó cũng lẽo đẽo theo Đậu. Một tiếng anh Đậu, hai tiếng cũng anh Đậu. Nhờ anh Đậu giảng chữ này, nhờ anh Đậu giải nghĩa câu kia. Quấn quýt lắm. Rồi Lân đến, ba đứa chơi đùa với nhau thật vui. Lân ở kinh đô nên có nhiều chuyện để kể. Trưa nào rảnh rỗi ba đứa cũng ra vườn mít sau chùa hóng mát nghe Lân kể chuyện kinh kì. Chuyện không đầu không đuôi, nhưng chuyện nào cũng kì lạ hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn nhất là chuyện văn minh, tiến bộ của xứ người ta. Đấy, như cái xe không cần người ngựa kéo vẫn chạy vù vù. Hay độc đáo hơn là cái đèn chúc ngược, không cần đổ dầu vào mà vẫn chiếu sáng cả ngày lẫn đêm… Đậu và Dự ngồi nghe như nuốt từng lời của Lân. Mỗi lần kể xong thế nào Lân cũng buồn bực khó chịu. Lân bảo, ước gì nước mình theo kịp gót chân người ta. Sao quan lại nước Việt mình đã ấu trĩ lại hèn thế, Tây nói gì cũng răm rắp nghe theo. Tụi nó đè đầu cưỡi cổ dân mình mà mình không dám làm chi hết. Thật là tủi nhục quá thể…

Một hôm, sư thầy đi giảng pháp ở chùa Thập Tháp từ lúc trời còn tối. Ăn sáng xong thì thằng Lân đòi vào thành chơi. Hôm đó đúng phiên chợ Gò Chàm. Đậu trêu: “Con gái Bình Định dữ lắm, mày xớ rớ coi chừng ăn đòn đấy.” Lân làm bộ ngơ ngác, hỏi: “Dẫy na? Gái ngoan ai lại đánh chồng hè.” Dự giả giọng Huế trọ trẹ: “Em là gái Bình Định nì, em hiền dễ sợ, hổng răng mô.” Ba thằng cười ngặt nghẽo. Đậu bỗng ngứt cười, giọng lo lắng: “Ba thằng đi hết, bỏ chùa ai coi?” Lân cười khẩy: “Chùa có mỗi cái chuông, hay mi vác theo.” Đôi co một đỗi, Đậu phải ở nhà giữ chùa. Đậu ngoài mặt tỉnh bơ nhưng lòng lo lắm. Lân bốc đồng còn Dự ham chơi, lỡ có chuyện gì ăn nói sao với sư thầy. Đậu cứ đi ra đi vào, đợi mãi đến trưa trật hai đứa mới mò về. Mặt mày bơ phờ. Tay Lân trầy xước, rướm máu. Một bên má thằng Dự bầm tím. Thì ra hai cu cậu lên chợ vào hàng lụa gặp cô bán hàng bảnh quá, mua có một sấp lụa mà đứng cù cưa chọc ghẹo hoài. Bọn thanh niên ngứa mắt chận đàng đánh hội đồng. Không có cô con gái bán lụa kia cứu cho chắc hết đường về.

Đậu hối hai thằng đi tắm rửa. Tắm xong, Đậu bưng chén thuốc mới sắc biểu thằng Lân uống. Giọng Lân cà rỡn: “Con gái Bình Định giỏi võ hè. Tau ước chi đi mô cũng có một đội nữ binh như rứa theo hầu.” Thằng Dự hùa theo: “Em tình nguyện luyện các nữ binh múa lụa như múa kiếm cho anh nhé.” Lân cười ha hả: “Ngô Vương làm được, răng tau không làm được hè. Cho mi làm Tôn tướng quân.” Đậu nói trỏng: “Khùng hết trơn trọi rầu!” Lân nghe thế ngó Đậu trừng trừng. Tròng ngươi đầy lửa. Chén thuốc nó đang cầm trên tay vỡ đôi. Máu nhểu giọt xuống nền nhà…

Tối đó sư thầy về thấy má Dự bầm tím, tay Lân bị thương liền gặng hỏi. Lân im lặng không nói gì. Thằng Dự cúi đầu bảo tại đùa nhau sơ ý vậy thôi. Đậu áy náy quá, từ nhỏ theo thầy tới giờ đã gần mười năm chưa bao giờ Đậu dám dối lần nào. Ấp úng một hồi, lại thấy ánh mắt đầy lo lắng của sư thầy, Đậu khai thiệt. Sư thầy giận quá quẩy quở rất dữ. Riêng thằng Dự bị đòn thêm mấy roi. Và ba hôm sau thì Lân về lại Huế. Chừng non tháng sau thằng Dự cũng bỏ chùa về nhà. Trước khi xuống núi thằng Dự lén cắt đôi cái bồ đoàn của Đậu khiến Đậu ấm ức mãi. Đậu thề nguội trong lòng khi nào gặp thằng Dự sẽ đẩn một trận nên thân...

Đậu thở dài. Rồi đời sẽ dạy cho mày biết tử tế, Dự à. Tao sẽ cắt cục ngu cho mày, sẽ tỉa cho mày một mái tóc thật khéo, để mày tự tin đi cùng tao trên đường ngay lối thẳng, nghen Dự!

 

3.

Thằng Dự đi rồi Đậu mới thấy lòng hẫng hụt. Có cái gì xon xót ở đuôi mắt. Dù học ngu thằng Dự cũng ông nọ ông kia với thiên hạ, còn Đậu chỉ có cái danh hão. Nhớ lại chừng mươi năm trước, cha Đậu mất. Nhà Đậu nghèo, em đông nên Đậu xin sư thầy hoàn tục. Đậu lấy vợ, sinh con. Rồi bút nghiên mộng công danh. Kì thi Hương năm Bính Ngọ, Đậu thi rớt. Ai cũng buồn tiếc. Bởi Đậu học thông hiểu rộng, không cử nhân thì chí ít cũng đỗ tú tài. Ai dè trớt quớt vậy. Mẹ Đậu rầu lòng quá đâm bệnh nặng, mấy tháng sau thì mất.

Xong tang mẹ, Đậu lên chùa mong tâm mình nhẹ nhõm với lời kệ tiếng chuông. Nhưng vừa đến cổng chùa lòng lại xốn xang khi nhớ đến ba thẻ xăm hường ông Trạng năm xưa.

Ở chùa Châu Long ngày đầu xuân năm nào cũng vậy, học trò các nơi đến lễ Phật tụng kinh rất đông, lễ xong thì được sư trụ trì bói xăm hường cầu danh, đoán hậu vận cát hung. Thẻ xăm hường vót bằng tre đực già, trên khắc chữ Nho, thẻ xăm càng to thì danh phận càng lớn. Học trò bói xăm cầu danh phải tắm rửa ăn chay ba hôm trước. Đến lượt mình thì hai tay cầm bộ xí ngầu có sáu hạt xúc xắc bên trong, vừa xóc vừa lầm rầm cầu khấn rồi đổ xúc xắc ra bát sành. Những hạt xúc xắc lăn lanh canh trên thành bát trong bao lo âu, hồi hộp lẫn háo hức của người gieo và kẻ đứng xem. Mỗi lần gieo thì được một thẻ xăm. Sau ba lần gieo như thế thì được một bộ xăm hường. Tùy các quẻ xăm mà sư thầy phán danh phận và cát hung cho các học trò.

Hôm đó đúng tết Nguyên Tiêu, sư trụ trì đem bộ xăm hường ra bói cho ba đứa. Thằng Dự háo hức tợn. Nó giành bói trước. Hai lần gieo đầu, mỗi lần nó được một mặt hồng tức một mặt tứ được Nhất hường ăn thẻ Tú tài. Lần thứ ba được hai mặt tứ ăn Nhị hường giựt thẻ Cử nhân. Thầy bảo thằng Dự tiền hậu đều tiểu cát, nếu biết tích nhơn phùng thiện sẽ được tiếng thơm về sau.

Đậu gieo ba lần đều được bốn mặt tứ cả, nhận được ba thẻ Trạng. Hai thẻ Bảng nhãn, Thám hoa gọi là Trạng em và một thẻ Trạng nguyên gọi là Trạng anh. Sư thầy vui lắm bảo rằng công danh sự nghiệp của Đậu sau này thế nào cũng hanh thông, rạng rỡ. Nhưng sư thầy cũng dặn dương cực thì sinh âm, phúc họa khó lường, thiên cơ đầy ẩn mật, vận nước nghiệp nhà tuy hai mà một phải biết chu toàn cho vẹn đạo. Danh và lợi có đấy rồi không đấy như vạn pháp phù du. Đậu nghe như nuốt từng lời của sư thầy, lòng đầy cảm khái.

Lân không hào hứng lắm. Nó hờ hững cầm bộ xí ngầu xóc đại mấy cái rồi gieo vào lòng bát. Mấy con xúc xắc không hiểu sao cứ lăn qua lăn lại hoài không chịu dừng. Lân gieo ba lần không được mặt hồng nào, tức danh phận tú tài còn không được nói gì đến cử nhân, trạng nguyên. Đậu nhìn Lân ngẩn ngơ, thấy thương và lo cho nó quá. Vậy mà nó chỉ cười mỉm không nói chi, còn sư thầy thì cười to bảo rằng Lân không được gì nên ắt được tất đấy. Có hay không, sang hèn hay cao quý Lân là người tự quyết cả…

Đậu vào chùa gặp sư thầy ngay cửa chánh điện. Hai thầy trò tâm sự rất lâu. Chừng thấy Đậu đã nguôi ngoai việc nhà, sư thầy liền cầm tay Đậu dắt đến lầu chuông, giọng đầy hào sảng:

“Con còn nhớ bài minh khắc trên chiếc đại hồng chung này không?”

Chiếc đại hồng chung này được treo vào ngày chùa Châu Long được vua Thành Thái, tức Lân, đổi tên thành Tịnh Lâm chừng mươi năm trước. Đó là quà của Thái hậu đấy. Đậu có đến xem chuông mấy lần thấy nó rất vững chãi bề thế. Âm chuông trầm, tiếng ngân rất lâu và xa. Đúng là chuông quý. Bài minh khắc trên chuông Đậu đọc bao lần nhưng không hiểu mấy. Giờ đọc lại mới thấy khẩu khí lạ thường. Người viết bàn về đạo pháp mà như bày gan ruột với nước non. Đậu lẩm nhẩm đọc:

Đất nước vững bền

Đạo thấm phương xa...

Cây khô nảy đọt

Cây úa lại xanh

Mầm non lá mới

Thơm ngát hương lòng…

Sư thầy âu yếm bảo Lân của con làm đấy. Đậu trố mắt nhìn sư thầy. Ôi Lân của Đậu. Thông minh. Đĩnh đạc. Đầy nhiệt huyết với hưng vong xã tắc. Nhưng tính khí khảng khái bất cần. Lân của Đậu là vua nước Nam này.

Đậu xuống núi. Lòng không biết buồn hay vui. Trống rỗng. Đêm đó Đậu ngồi ngắm trăng lẻ, uống rượu suông, làm thơ một mình. Lạ chưa, càng uống càng tỉnh…

Kì thi Hương năm đó, nhờ sư thầy chùa Tịnh Lâm gửi gắm, Đậu đến ở nhờ nhà cụ Nguyễn Quý Anh trong thành Bình Định. Vườn nhà cụ Nguyễn rộng rãi trồng nhiều cây ăn trái, ở góc vườn có một lều cỏ nhìn ra sông Trường Thi mênh mang sóng nước. Đậu thường ra đấy hóng mát, ôn kinh sử. Một đêm nọ, người bần thần không ngủ được Đậu bèn ra ngồi dưới lều cỏ ngắm trăng khuya. Sương mù lãng đãng. Trăng treo trên đỉnh đầu, sáng rờn rợn trên mặt sông một màu huyền hoặc. Đậu ném một hòn sỏi xuống nước. Ánh trăng vỡ ra lấp lánh. Sóng gợn lăn tăn. Lòng Đậu đầy cảm khái, liền cao giọng ca một câu hát Nam thật mùi:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Đậu vừa dứt lời ca thì nghe tiếng ai đó lanh lảnh vọng lên từ phía sông:

“U mê quá! U mê quá! Giang sơn đã mất từ lâu, hỏi ai còn nước mắt khóc anh hùng nữa chứ?”

Đậu giật mình nhìn sững chiếc sõng tre lù lù trước mặt, như vừa từ dưới đáy sông trồi lên. Ngồi trên sõng, một người trung niên mặc áo trắng cộc tay, tóc cắt ngắn đang cười rất tươi. Người ấy có đôi mắt sáng, hàng ria rậm tỉa rất khéo, cử chỉ đĩnh đạc khoan thai. Đậu lật đật đứng dậy chắp tay chào: “Học trò chí kém học cạn, xin tiên sinh vui lòng chỉ bảo cho.” Người áo trắng đặt mái chèo vào lòng sõng, vuốt hàng ria con kiến cười bảo: “Học trò chí lớn thế sao không ra cứu nước giúp dân, lại buồn vay khóc mướn cho cái danh hão chứ?” Đậu nhếch mép, cười nhạt: “Không mong cầu danh phận, sao gọi là học trò.” Người áo trắng bật cười ha hả: “Nói hay lắm. Nay nước nhà đang cần người tài ra giúp sức đấy, học trò luận thế nào?” “Lấy câu cầu lương ngọc ắt danh sơn luận lòng thiên tử được chăng?” Người áo trắng thở dài than: “Vua lú, tôi hèn, kẻ sĩ ngủ mê cả. Bàn đến ngọc sáng núi cả phỏng có ích gì chứ.”

Nói xong, nhịp tay vào thành sõng mà hát rằng:

Này gà lợn, cu quay, xôi vò, đậu hũ

Vui cùng nhau ăn cơm mới nói chuyện xưa

Cười ai bụng rỗng hay thơ

U mê Khổng Mạnh, khù khờ văn minh. Ha ha ha...

Hát xong, người áo trắng vung nhẹ mái chèo. Chiếc sõng tre lướt vun vút lên thượng nguồn, sóng vẽ trên mặt sông một vệt trăng mờ ảo liêu trai. Đậu ngồi bần thần trong lều cỏ hồi lâu, lòng ngẩn ngơ không biết đang mơ hay thực.

Hai hôm sau Đậu vào thi, đề phú là “Lương Ngọc Danh Sơn”, còn đề thơ là “Chí Thành Thông Thánh”. Mới đọc đề bài Đậu đã giật mình. Tiên sinh áo trắng kia là thần tiên báo mộng chăng? Đậu mài mực hí hoáy làm bài. Lạ quá, cứ đặt bút lại thấy cái bóng trắng ngạo nghễ của tiên sinh nọ hiện về. Rồi khuôn mặt đĩnh đạc khôi ngô nhưng đầy suy tư của Lân lại thấp thoáng đâu đó cạnh lều tranh. Xưa và nay, cũ và mới cứ đá nhau chan chát trong suy nghĩ của Đậu. Ôi nước mất nhà tan ngọc tốt hay núi cao còn có ích gì không? Vạn dân đang chịu cảnh nô lệ lầm than lẽ nào sĩ tử còn u mê nơi cửa Khổng sân Trình, mặt dày mày dạn vùi đầu vào con chữ mộng công danh? Càng nghĩ lòng Đậu càng sáng tỏ, càng hân hoan sảng khoái. Đậu vung bút viết liền một mạch. Thơ đôi bài. Phú mươi đoạn. Câu chữ tuôn ra đẹp như phượng múa rồng bay, ý tứ mạch lạc hào sảng như lũ trào thác cuốn.

Năm đó trường thi Bình Định náo loạn vì có một bài thi hô hào lòng yêu nước thương nòi, kêu gọi mọi người bỏ lạc hậu u mê hướng đến văn minh tiến bộ. Bài thi ấy của sĩ tử họ Đào tên Mộng Giác. Bài thi gây chấn động sĩ phu cả nước và làm bọn cầm quyền run sợ. Chúng ra sức lùng sục tra hỏi khắp nơi nhưng không tìm ra tác giả. Đậu bị quan trên đòi lên kêu xuống vô cùng khổ sở, nhưng Đậu không biết giải thích thế nào khi quyển thi của Đậu lạ quá, chỉ có một chữ “Tân” nguệch ngoạc…

 

4.

Dị! Cũng không phải dị!

Chướng! Cũng không phải chướng!

Bởi vì anh muốn sướng

Cho nên anh mới cúp cái đầu

Tay trái cầm lược

Tay phải cầm kéo

Húi hề! Húi hề!...

Đậu vừa ê a hát vừa nhanh tay soạn bộ đồ nghề cắt tóc ra. Gió nhẹ. Nắng sớm vàng rượm như hoa ngâu bay bay trước cổng đình Nhơn Nghĩa Hạ. Mùi tóc lẫn mùi mồ hôi trên thân lược, thân kéo làm Đậu nao nao. Đậu vui và háo hức lắm. Được làm đội trưởng đội nắm đầu thiên hạ, cắt bỏ cục ngu cho dân hóa ra cũng đầy niềm sảng khoái.

Đậu chưa kịp ăn sáng đã thấy tú Dự lật đật tìm đến. Hôm nay trông nó oai hẳn. Tóc ngắn. Một mái lệch rất điệu. Áo bà ba. Guốc mộc. Tay Dự cầm một cây roi mây trông ra dáng một người văn minh lắm. Nhìn nó sớm nay không ai biết hôm rồi nó rụt rè hèn nhát thế nào khi tham gia đoàn biểu tình. Dự tới nơi đưa cặp mắt hí nhìn Đậu và mọi người một lượt, giọng nghiêm trang:

- Anh Đậu soạn đồ nghề lên Hòa Cư gấp nhé. Sáng nay phải cắt tóc cho một ngừ đặc biệt đấy.

Người đó là tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, tri huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa. Ông đang về cư tang mẹ ở Hòa Cư. Hôm qua rất đông dân chúng kéo đến nhà khẩn khoản mời ông tham gia biểu tình. Sau một đêm thức trắng bên bàn vong trong tiếng đồng bào gọi nhau í ới, trong tiếng trống làng hối thúc giục giã, thỉnh thoảng rộn lên tiếng la hét đâu đó quanh làng, ông tiến sĩ đã tình nguyện đi. Ông chỉ yêu cầu một việc…

Đậu cắt ngang lời Dự:

- Hiếu đễ với mẹ cha là lễ trọng. Ổng đang đại tang, mình ép thế có quá đáng không?

Tú Dự vung cây roi mây lên quá đầu, tiếng roi rít vun vút, giọng ngạo nghễ:

- Diệc nhà sao bằng diệc nước diệc dân chớ. Anh Đậu không nghe chiện lí trưởng làng tui bị đồng bào cho ăn cán cuốc u đầu sao?

Đậu khẽ rùng mình, thở hắt ra:

- Bất nhẫn đến thế là cùng, Dự ơi. Dân chúng quá khích dẫy khác gì nẩu loạn.

Dự đánh cặp mắt lươn về phía Đậu, giọng kẻ cả:

- Anh Đậu giữ mồm miệng kẻo không còn cái răng ăn cháo đấy.

Đậu im lặng, nuốt cục nghẹn vào ngực, lúp xúp chạy theo Dự.

Dự đang chạy bỗng huơ roi một vòng trong không khí, giọng bâng quơ:

- Ổng tiến sĩ này lạ thiệt, một hai cứ đòi một anh thợ cắt tóc khéo tay…

Đậu mỉm cười. Ông quan lớn này cũng ngựa nhỉ. A ha, thằng Đậu húi hề này có giá đấy chứ.

Vườn nhà ông tiến sĩ chật ních người. Nhưng ai cũng ngồi ngay hàng thẳng lối. Hồ tiến sĩ đang đứng say sưa nói gì đó với đồng bào. Ai cũng chăm chú nghe. Chốc chốc lại rào rào tiếng vỗ tay. Thấy Đậu và Dự đến, họ quay đầu lại nhìn. Mấy anh nông dân đen nhẻm ngồi cuối hàng nhanh nhẹn đứng dậy chạy ra đón. Tiếng ồn ào rộ lên:

- Thằng Đậu húi hề đến rầu kìa!

- Gứm! Đợi anh Đậu đỏ cả mắt!

Đậu ưỡn ngực đi giữa đám đông đang reo hò huyên náo. Mắt anh long lanh nắng. Có tiếng ai đó vang to sau lưng Đậu:

- Khéo khéo tay cho quan lớn nhờ, anh Đậu nhé.

Ba ngày nay Đậu cắt tóc không biết bao nhiêu người. Ai cũng làm Đậu lâng lâng sảng khoái. Nhưng lần này sao Đậu thấy hồi hộp quá. Người anh sắp cắt bỏ cục ngu sẽ là người chỉ huy cao nhất của đoàn biểu tình này đấy…

 

Kết

Ông thợ cắt tóc dạo giọng khàn khẳn ngồi ở cổng đình Nhơn Nghĩa Hạ kể:

Húi hề! Húi hề! Mậu Thân 1908 năm ấy, dân chúng đi xin xâu, giảm sưu mà cứ oang oang hát bài ca cắt tóc mới lạ chớ! Áo rách. Nón cời. Tóc cắt ngắn. Họ xuống đường đông lắm. Quan lại, hào lí cũng tham gia. Có cả người lương và người theo đạo. Đàn bà cũng đi theo để yêu cầu bỏ thuế chợ. Đoàn người tay không, đi thành hàng tề chỉnh tiến về phủ thành Bình Định, vừa đi vừa ca:

Húi hề! Húi hề!

Bỏ cái ngu mầy

Bỏ cái dại mầy

Ăn ngay nói thẳng

Học mới từ đây...

Năm đó dân mình dữ lắm. Bọn Tây trông thấy sợ đến mất vía. Sau mấy tháng điều đình không thành, chúng sai lính khố đỏ đến, bắn xối xả vào đoàn người tay không tấc sắt. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương. Thê thảm lắm. Người cầm đầu là cụ tiến sĩ bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân. Bao nhiêu người bị giam cầm, bị đày đi Côn Đảo…

Thằng Linh lém xen vào:

- Ông Dự chắc theo bọn mũi lõ lập công đầu hả ông?

Ông thợ già cười ha hả:

- Không phải vậy đâu cháu. Sự đời có nhiều điều kì lạ. Thầy Dự ban đầu sợ chết, nhưng sau là người hăng hái nhất đấy. Bọn quan lại tham tiền tính giảm án cho thầy Dự kiếm chút của nhưng thầy một mực chối từ nên bị kết án chín năm, đày biệt xứ…

- Vậy ông Đậu húi hề có sao không ông?

- Ổng bị đánh năm mươi roi, cho về quản thúc ở quê nhà. Cuối năm đó, ông Đậu trốn vào Nam, nghe đâu được mấy cụ nhà Nho tiến bộ đưa qua xứ Phù Tang học cách cắt bỏ cục ngu trong não cho người An Nam mình. Lại kể, ông Đậu đi chừng mươi ngày thì bọn mật thám mò tới. Chúng tra hỏi hành hạ bà Đậu quá trời nhưng không tìm ra manh mối gì. Sau sự biến kinh đô năm Bính Thìn, bà Đậu cùng hai con bỏ xứ vào Nam...

Một tiếng sấm rền cắt ngang lời ông thợ già. Trời oi quá. Mây đen ùn lên khắp nơi. Sắp mưa giông đấy. Ông thợ cắt tóc già vội cột đồ nghề lên yên xe, hối hả đạp đi. Tôi nhìn cái bóng gầy nhỏ của ông khuất dần sau lũy tre làng lòng ngẩn ngơ xao xuyến. Sao ông rành chuyện làng tôi ngày xưa thế? Sao bà Đậu có những hai con? Vậy đêm đó…? Hay ông là cháu chắt của ông Đậu húi hề?

T.L.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)