Lỗ thủng

Thứ Hai, 24/05/2021 00:17

. VĂN XƯƠNG
 

Ráng chiều vàng nhạt vắt những dải lụa óng ả lên dãy núi điệp trùng. Con đèo ngoằn ngoèo, đầy đá tai mèo đưa Tâm đến ngôi nhà tranh cũ nép mình dưới những tán lá cà phê sum suê.

Bần thần. Tâm đứng lặng nhìn những chiếc lá vàng rụng xào xạc trước sân nhà.

- Chào anh - Một người phụ nữ độ tuổi trung niên, dáng hao gầy đi từ vườn cà phê vào, mắt thoáng vẻ ngỡ ngàng.

- Chị cho tôi hỏi Út Cưng. À… cô Nga ạ.

- Dạ. Anh tìm Nga?

- Vâng. Tôi là Tâm, ở dưới Sài Gòn, trước với Út cưng trong…

- Đội biệt động thành? - Không để anh nói hết, người phụ nữ tiếp luôn, như một câu hỏi.

- Vâng, đội biệt động thành.

- Hôm nay Nga đi vắng, chưa biết khi nào mới về anh ạ.

Tâm khẽ buông tiếng thở dài, nhìn ra phía cánh rừng vời vợi, xanh thẳm.

Người phụ nữ bấm máy điện thoại nói chuyện với ai đó một hồi rồi quay lại nhìn Tâm có vẻ ái ngại, ngập ngừng:

- Giờ tôi lại có chút việc... Không biết anh có đợi được không?

Minh họa: Tào Linh

Không chờ câu trả lời, chị ta tất tả bước đi. Câu nói khiến Tâm không rõ, chị ta bảo mình đợi ai: đợi Nga đến khi về, hay đợi chị ta đi có chút việc rồi quay lại. Có gì đó trong thái độ của chị ta khiến Tâm chợt nghi ngại. Chẳng nhẽ Nga không muốn tiếp mình? Anh biết Nga ở đây lâu lắm rồi, nhưng vì công việc lu bu kéo tuột đi, rồi gia đình này nọ… Bao năm, thi thoảng hình ảnh Nga cũng vẫn xuất hiện. Nhưng chỉ là những nháng lên khi có cớ gợi lại như gặp đồng đội cũ của cả hai. Và lần này, nếu không vì việc của con, chắc chắn Tâm cũng chẳng lặn lội vào đây. Còn lại một mình, Tâm lơ đãng quan sát khung cảnh xung quanh. Ngôi nhà, những cây cà phê, bụi rậm, những tảng đá, vài khóm hoa rừng bắt đầu nở bên dòng suối nhỏ róc rách…, nhìn qua có vẻ bình thường, thậm chí còn mang nét tĩnh mịch nên thơ. Nhưng không hiểu sao, Tâm có cảm giác, nó vẫn phả ra sự u uẩn. Gương mặt người phụ nữ loáng qua. Có vẻ chị ta giống người trở về sau chiến tranh. Nga giờ thế nào nhỉ. Tâm cố hình dung ra Nga từ gương mặt người phụ nữ mà mình vừa gặp nhưng không thể. Trong sâu thẳm lòng mình, Nga vẫn là Út cưng thuở nào. “Mình có nên chờ gặp lại Út cưng? Sao chị ta có vẻ bối rối thế nhỉ? Hình như có điều gì đó gượng gạo, không thật. Thôi thì… mình đã đến đây rồi. Với lại…” Miên man suy nghĩ, bước chân đưa Tâm vượt qua khúc quẹo của con suối. Bên dưới tán cây cổ thụ là ngôi nhà nhỏ mái tranh đã cũ nép cạnh tảng đá với rất nhiều những khóm hoa rừng xung quanh và một lối sỏi thoai thoải xuống đến mép suối sát tảng đá to khá bằng phẳng hình chữ L trông như một chiếc ghế tựa. Tâm bước lại gần. Cánh cửa đóng kín bưng. Đưa mắt nhìn qua lỗ thủng nhỏ trên tấm phên đất, Tâm chợt giật mình bàng hoàng. Một người phụ nữ gầy guộc đang nằm lắc lư trên chiếc giường tre. Hai tay quắt queo huơ huơ, cái đầu trọc lốc và to khác thường. Dưới chân giường, chăn, gối và mớ quần áo bị xé rách vứt ngổn ngang.

Tâm ớn lạnh người rồi buồn lặng.

Có tiếng hắng giọng. Người phụ nữ khi nãy tay xách con gà mái và mấy bó rau rừng đã đứng sau lưng Tâm từ lúc nào.

*

*       *

Màn đêm buông xuống, bầu trời bàng bạc ánh trăng, những dãy núi êm đềm gối đầu nhau giăng màn sương trắng mỏng chờn vờn. Cánh rừng cà phê thẫm lại, chập chùng. Ủ cốc chè xanh trong lòng tay, ánh mắt của người phụ nữ nhìn xa xăm như cũng giăng một màn sương:

- Quả thực, khi biết anh là Tâm, tôi không muốn anh nhìn thấy Nga trong hoàn cảnh thế này. Anh biết tính Nga rồi. Nó luôn kiêu hãnh, luôn muốn là một người phụ nữ đẹp trong mắt người khác. Nhất người ấy lại là anh. Với lại, bao năm hai người không gặp nhau…

Mặt Tâm chợt nóng bừng khi người phụ nữ nói mấy câu cuối. Như để chữa thẹn cho Tâm, người phụ nữ chỉ dừng lại một chút để nhấp ngụm nước rồi tiếp.

- Tôi và Nga cùng ở một đại đội Thanh niên xung phong tại Tây Trường Sơn. Sau chiến tranh, đơn vị chuyển sang làm kinh tế và cùng với một số đơn vị khác lập thành Nông trường cà phê Trường Sơn. Mấy năm sau xuất ngũ, tôi và bạn bè đều lập gia đình, còn Nga thì chẳng thấy động tĩnh gì. Có người bảo hình như Nga chờ ai đó. Mãi sau này, nó mới nhận lời lấy một anh bộ đội phục viên chuyển ngành về nông trường. Lấy chồng cả chục năm trời mà chẳng có con cái gì, một thời gian sau thì nó bắt đầu xuất hiện những cơn đau. Đầu tiên chỉ lặt vặt, khi chỗ nọ, lúc chỗ kia. Thì cũng cứ nghĩ là trái nắng trở trời rồi làm lụng, bị như thế cũng bình thường. Nhưng rồi, những chỗ đau ấy không những không khỏi mà bắt đầu lan ra và nhức buốt hơn. Năm lần bảy lượt đi viện, chụp chiếu đủ kiểu cũng không phát hiện được bệnh gì, lại phải về. Hừ… Ông giời ơi, sao lại bắt tội Nga như thế chứ - Người đàn bà bất chợt rên lên. - Sau đó Nga nằm bẹp một chỗ, tay chân cứ teo dần. Tóc rụng hết, đầu to lên... chẳng ai còn nhận ra nữa. Chúng tôi đưa Nga đi chữa trị khắp trong Nam ngoài Bắc, đông, tây y đủ cả nhưng đều bất lực. Tội nghiệp. Có lẽ Nga bị di chứng do những trận đòn ác hiểm hồi ở trong tù, cộng với sau này tiếp tục ở nơi rừng thiêng nước độc, ảnh hưởng các loại chất độc rải thảm của Mĩ. Rồi chồng Nga mất đột ngột vì sốt rét. Người thân chẳng còn ai. Bây giờ chỉ còn chị em đùm bọc lấy nhau thôi.

Tâm không biết phải nói gì, một nỗi xót xa trĩu nặng.

Người phụ nữ lặng đi một hồi rồi rơm rớm nước mắt nói tiếp:

- Cuộc đời thật oan nghiệt. Khổ thân cho nó, chẳng có lấy một ngày sung sướng, hạnh phúc. Mới mấy tuổi đầu đã không còn ba, lớn lên đi theo cách mạng rồi vào tù chịu bao đòn roi, cực hình của kẻ thù vẫn không khuất phục. Nơi rừng sâu, nước độc, bom vùi, đạn rít, ở đâu khó khăn, gian khổ là có mặt nó. Hồi cùng ở đơn vị, Nga tích cực, năng nổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng chẳng bao giờ được cấp trên quan tâm, xem xét cất nhắc bởi liên quan đến thời gian làm biệt động thành. Về chuyện này, anh Tâm chắc rành?

Tâm cúi xuống im lặng. Người phụ nữ hắng giọng rồi tiếp:

- Ấy là tôi lỡ miệng vậy. Anh thông cảm nhé.

- Dạ! Không có gì đâu chị ạ.

Ánh trăng đã chênh chếch quá đỉnh đầu. Trời cuối thu se sắt lạnh, gió xao xác thổi những chiếc lá vàng rụng đầy trước sân nhà, nhập nhoà trong ánh trăng khuya.

- Chị à, ngày ấy, chuyện của Nga, cũng nhiều phần là lỗi của tôi…

*

*        *

Ngày ấy Nga mười bảy tuổi, được bổ sung vào đội biệt động của Tâm. Gặp Nga, Tâm rất e ngại. Cô nữ sinh trường Nguyễn Hoàng mơn mởn, tươi xinh như một búp hồng trắng này sẽ làm được gì đây? Vậy mà chỉ một thời gian ngắn Nga đã chiếm được lòng tin và sự mến phục của toàn đội. Nga được cả đội đặt cho biệt danh rất dễ thương là Út cưng.

Mấy tháng sau, đội của Tâm được cấp trên giao nhiệm vụ diệt trừ một tên trung úy ác ôn. Hắn chính là ba dượng của Nga. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ, Tâm quyết định giao cho Nga trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Tất nhiên, hoàn thành nhiệm vụ này với Nga chắc chắn không khó. Cái khó nằm ở chỗ, liệu Nga có thể thắng được tình cảm riêng tư của chính mình không. Đã nhiều lần Tâm đả thông tư tưởng, rằng con người ta, nhất là những người ác thường che dấu dưới một bộ dạng hiền từ, kiểu miệng nam mô, bụng bồ dao găm, rồi chiến tranh là nơi không được phép do dự. Nếu hôm nay ta không diệt chúng thì ngày mai, chúng sẽ giết chính mình, đồng đội mình... Dù Tâm đã dùng đủ mọi lí lẽ nhưng cảm giác, trong con người của Nga vẫn còn phân vân ghê lắm.

Thế rồi, sự lo lắng của Tâm quả không sai. Sự phân vân ấy khiến cuộc ám sát ba dượng của Nga đổ bể.

Sau này, khi gặp nhau, Tâm được nghe kể lại, hôm đó, biết ba dượng ngoài mặt trận về nên Nga quyết định hành động. Theo thói quen, như mọi lần, ba dượng sau khi vào nhà sẽ lên ngay phòng mình ở đầu cùng tầng hai để tắm rửa thay đồ dân sự sau đó mới quay xuống bởi ông không muốn hơi chết chóc của chiến tranh ám vào vợ con mình. Vì thế, khi ông về, Nga sẽ lẻn sang đặt quả mìn hẹn giờ dưới nệm giường rồi sau đó xuống rủ mẹ và bé Nguyệt ào ra phố “mua cái gì đó” cho ba tẩm bổ bù đắp những ngày ác liệt sa trường.

Hôm đó, thấy vẻ vồn vã khác thường lúc đi học về của Nga, mạ âu yếm cười: “Chắc lại có anh chàng mô dấu thư vào vở con gái yêu của mạ rồi đây. Tí ba về để ba tư vấn. Mấy vụ này ba kinh nghiệm nghen.” “Em mách ba, em mách ba”. Bé Nguyệt hùa vào. Cử chỉ của mạ và bé Nguyệt khi nhắc đến ba khiến Nga chợt rúng động, đứng ngẩn ra trong giây lát. Nga đi vội về phòng mình. Vừa lôi trái mìn trong cặp sách ra kiểm tra thì có tiếng mạ gọi: “Nga ơi! Nga ơi!”. Hoảng hồn, giấu vội trái mìn vào cặp, Nga lật đật chạy xuống. “Có chuyện chi rứa mạ?” “À… Mạ mua cho chị em bây hai bộ đồ mới, chút nữa ba về, chưa chừng lại chả nhận ra”. Đỡ lấy bộ đồ từ tay mạ, ngắm nghía một hồi, Nga bảo: “Đẹp quá mạ hè.” Mạ cười: “Con mặc thử coi”.

Có tiếng xe Jeep phía ngoài cổng, Nga vội vã bước lên cầu thang. Bên dưới, bé Nguyệt ào ra: “Ba về…ba về”.

Bước chân Nga như dính chặt xuống, đầu óc căng lên rần rật như muốn vỡ bung ra. Hai tay run run, trống ngực đổ thình thịch, hơi thở dồn dập, Nga lôi trái mìn ra. Trái mìn tựa hồ nặng ngàn cân. Có điều gì đó đang lèn chặt, trì níu trong Nga. Trước mắt Nga là ngôi nhà, căn phòng, mảnh vườn… là tất cả những gì yêu thương, chất chứa bao kỉ niệm đẹp đẽ của cuộc đời Nga. Mạ, ba dượng, bé Nguyệt và Nga đã cùng sẻ chia, buồn vui trong căn nhà bé nhỏ này. Ba dượng dẫu không là người sinh thành, nhưng quan tâm, chăm sóc Nga như con đẻ. Trong đầu Nga chợt vang lên tiếng Tâm: “Tổ chức tin tưởng giao cho Nga nhiệm vụ này.” Nga run run bước vào phòng nhìn chằm chằm vào tấm nệm. Cảm giác, bóng hình ba dượng đang chờn vờn trên đó. Ở phía dưới, tiếng cười vui của mạ và bé Nguyệt vọng lên khiến Nga lặng người. Chỉ ít phút nữa… Nga không dám nghĩ tiếp. Thấp thoáng trong đầu Nga là hình ảnh mạ và Nguyệt đang rũ xuống với vành khăn trắng thít trên đầu… Vành khăn trắng ấy cũng đang thít một nút trong tim Nga khiến Nga bàng hoàng, ngẹt thở. Mồ hôi tứa chảy xuống mắt cay xè khiến Nga không sao đặt trái mìn xuống được. Ngay lúc đó, trong đầu Nga tiếng hối thúc, giục giã lại vang lên: “Đồng chí là biệt động thành… Nếu không trừ khử hắn thì sẽ còn nhiều đồng chí, đồng bào ta phải hi sinh”…

Nga lật tấm nệm.

Căn phòng bỗng chập chờn tối sáng.

Trái mìn đen sì, lạnh lẽo như thách đố Nga.

Nga nhắm nghiền mắt, hít từng hơi thật sâu rồi nín thở đặt trái mìn đã hẹn giờ xuống dưới tấm nệm rồi vội vã ra. Tới bậc cuối cầu thang cũng vừa hay dượng bế bé Nguyệt bước vào cửa. “Cô con gái rượu của ba hôm nay xinh như nàng tiên ấy, cả chị Nga nữa kìa, cũng xinh quá. Thôi, để ba lên phòng tắm xíu tẩy uế tạp đã rồi xuống chở cả nhà ta đi chơi nha.”

Tai Nga như ù. Mắt nhòe đi khi thấy bé Nguyệt nũng nịu níu tay dượng cùng đi về phía cầu thang nơi Nga đang đứng. “Không được!” Vô thức, Nga đứng chắn ngay trước mặt dượng. “Sao vậy Nga, có chuyện gì vậy?” Dượng ngơ ngác. Mạ cũng vội vã tiến đến “Có chuyện gì thế Nga?” “Không được! Không được!” Nga gào lên giang rộng hết tay dùng cả đầu húc mọi người đẩy ra ngoài.

“Ầm!” Căn nhà rung lên, khói, bụi mù mịt, đất đá bay rào rào. Một góc nhà phía phòng của ba dượng đổ sập xuống. Tiếng nổ dội lên như tiếng sấm rùng rùng trong lồng ngực Nga. Tất cả tối sầm lại. Bé Nguyệt khiếp sợ khóc thét. Mạ mặt tái xanh, tái xám, cắt không còn giọt máu, hoảng loạn rồi chạy bổ tới ôm lấy bé Nguyệt. Dượng bàng hoàng, mắt nhìn trân trân, tay lăm lăm khẩu súng côn chĩa thẳng vào Nga rồi từ từ hạ xuống. Choáng váng như người không còn trọng lượng, Nga lảo đảo gục xuống ôm lấy mặt. Tiếng mìn nổ, tiếng rú của mạ, tiếng khóc thét của bé Nguyệt… Rồi tiếng rít của xe, tiếng bước chân người huỳnh huỵch, huyên náo, tiếng va chạm sắc lạnh của khí giới bao phủ lấy ngôi nhà.

Nga bị cảnh sát bắt. Cả trường Nguyễn Hoàng kinh động, không ai ngờ một nữ sinh tươi xinh, có đôi mắt tròn xoe ngây thơ ấy là đội viên biệt động thành. Tâm và các đội viên khác không bị địch tình nghi, nhưng sau đó một tháng Tâm bị địch phục kích bắt khi đang chuyển tài liệu tại một hòm thư bí mật.

Bị giam cùng nhà lao Quảng Trị nhưng mãi hơn một năm Tâm mới gặp Nga. Đó là lần đầu tiên chúng đưa Tâm và một số tù nhân đi lao động khổ sai. Gặp nhau lòng xiết bao yêu thương nhưng phải cố kìm nén để che mắt địch. Nga gầy tong và tiều tuỵ đi rất nhiều nhưng chững chạc hơn. Hồi ấy Nga là nữ tù nhân ít tuổi nhất của nhà lao. Lau vội nước mắt, Nga nhỏ nhẹ nói với Tâm: “Chúng tra tấn anh dã man lắm phải không? Em cũng chết đi sống lại mấy lần nhưng trước sau một mực không nhận mình là đội viên biệt động thành. Anh đừng lo cho em, không khai thác được chi nhất định chúng phải trả tự do…” Tâm thương Nga đến thắt lòng, nhưng lúc ấy chỉ biết động viên và cầu mong cho Nga sớm thoát khỏi nhà tù…

Một hôm đang nằm ở bệnh xá của nhà lao do cơn sốt li bì, và những vết thương của bọn cai ngục hành hạ, Tâm thảng nghe có tiếng ai gọi mình. “Anh Tâm, anh Tâm!” Tiếng gọi vọng ra từ một lỗ thủng nhỏ bằng ngón tay ở bức phên đất. Mừng quýnh, Tâm bật dậy, bước tới: “ Nga… Nga! Sao em tới được đây?” Nga thì thầm trong hơi thở gấp gáp: “Anh… Anh đã đỡ bịnh chưa? Em sắp được trả tự do…” Thì ra, trong phiên xử, Nga đã được luật sư bảo vệ thành công với lí do bị hiểu nhầm được cha dượng xác nhận nên được tuyên vô tội. Nhưng vì những chấn thương do tra tấn, luật sư đòi Nga phải được chữa trị nên Nga mới vào đây. Hôm trước quan sát, thoáng thấy bóng Tâm nên biết Tâm cũng đang ở trong này. Lợi dụng sự sơ hở của tụi lính gác, và sự giúp đỡ của một người quen làm ở đây nên Nga mới có giây phút này. Tâm mừng quá. Chưa kịp nói gì, từ lỗ thủng của cửa sổ được khoét trộm từ lúc nào, một ngón tay của Nga đưa vào vẫy vẫy. Tâm vội vàng giữ chặt lấy. Hơi ấm từ ngón tay Nga toả lan sang Tâm bồi hồi, lâng lâng một niềm xúc cảm khôn cùng. Hồi còn nhỏ, mỗi lần hứa hẹn với nhau điều chi hệ trọng, tụi trẻ thường ngoéo chặt hai ngón tay trỏ vào nhau, rồi giao kèo “Nhớ nhé! Nhớ nhé!” - Lời hứa của trẻ thơ mong manh nhưng như một lời thề tâm nguyện. Tâm hiểu Nga muốn nói gì và Tâm cũng vậy. Tâm cứ muốn giữ mãi nhưng Nga rút tay ra. “Anh chìa tay ra…” Tiếng Nga lào thào qua lỗ thủng. Tâm ngớ người trong giây lát và làm theo. Ngón tay Nga ngoéo lấy ngón tay Tâm. Đôi môi dịu mềm của Nga khẽ ấp lên, những giọt nước ấm nồng nhỏ xuống lăn trên ngón tay Tâm mơn man, giọng nghẹn ngào, gấp gáp: “Em phải đi đây… mình chờ nhau anh nhé!”

“Vậy là đã hơn bốn mươi năm với bao thăng trầm, buồn vui, mất mát của một đời người mình mới tìm về. Ở trên thế gian này có người con gái nào như Nga không? Sao ngày ấy mình lại giao nhiệm vụ đó cho Nga? Chao ôi! Chỉ bên bức tường kia thôi, Út cưng - người con gái biết bao yêu thương, dũng cảm cùng lời thề tâm nguyện ngày nào, giờ đây...”. Nước mắt Tâm lặng lẽ ứa ra ướt nhòe đôi gò má.

*

*       *

Đau buốt nửa đầu, Tâm xin phép người đàn bà đi ngủ sớm. Chập chờn nửa tỉnh, nửa mê, tiếng của vợ Tâm thầm thì đâu đó nghe rất dịu dàng: “Thằng cu mình gần cả năm nay có thầy dạy kèm nên cũng khá lên nhiều anh ạ!” “ Ừ thì có thầy, nó cũng phải tiến bộ lên chứ, nhưng liệu năm nay… Cô cứ chiều nó cho lắm” - Tâm nhấm nhẳng. Vợ Tâm buông một tiếng thở dài rồi khẽ khàng: “Thầy daỵ kèm bảo khả năng thằng cu mình năm nay cố gắng lắm cũng vẫn thiếu từ một đến một điểm rưỡi nữa theo điểm chuẩn để vào trường đại học mà nó đăng kí.” “Khả năng có vậy, nếu không đậu thì cho nó học trung cấp, cao đẳng gì cũng được.” - Tâm nói với vợ. Vợ Tâm giãy nảy lên: “Anh nói thế mà nghe được. Có mỗi đứa con mà anh chẳng lo gì cho nó.” “Thế người ta học trung cấp, cao đẳng thì chết đói cả hay sao?.”- Tâm cắt ngang lời vợ. “Tôi không nói chuyện chết đói, chết sống mà tôi đang giữ thể diện cho anh. Dù sao thì cũng là người có chức sắc.” - Giọng của vợ Tâm đanh lại. Tâm dịu giọng: “Vậy em bảo anh phải làm thế nào?” “Còn thế nào nữa, cái việc mà lâu nay anh bảo không cần thiết ấy.” - Vợ Tâm lấp lửng. “Cô bảo tôi đi hối lộ… đi gửi hội đồng chấm thi ư? Tôi nói với cô là tôi không thể làm được cái việc đó.” Vợ Tâm ngắt lời: “Ối giời! Người ta làm khối ra đó mà có chết ai đâu. Nhưng em không bảo anh việc đó mà là việc khác.” “Việc gì?” - Tâm ngạc nhiên hỏi. “Thì cái việc anh làm chế độ thương binh, em đã chả bảo với anh bao nhiêu lần rồi sao!” Tâm đằng hắng: “À à… thì cũng để từ từ, nhưng có liên quan gì?” “Trời ơi! Sao lại không liên quan. Cái ông này chẳng còn biết gì trên đời này nữa. Vừa rồi Tòa án thành phố chả xử vụ phạm nhân giết người tội tử hình nhưng sau đó được giảm án xuống tù chung thân do có người thân là liệt sĩ đó sao. Mà thôi chả nói đến những chuyện động trời ấy nhưng anh không biết con thương binh, liệt sĩ thi đại học được ưu tiên thêm điểm à?” Rồi giọng vợ Tâm dịu dàng hẳn lại: “Em biết anh bận nhiều công chuyện nên đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ rồi. Chả là có cô bạn ở Sở Lao động - Thương binh & xã hội hướng dẫn. Anh đã từng tham gia chiến đấu, rồi vào tù ra tội bị địch tra khảo thừa chết thiếu sống, bây giờ chỉ cần có chữ kí xác nhận của những người cùng chiến đấu, rồi đi giám định thương tật là được anh ạ! Em nhớ có anh gì trong đội biệt động của anh ngày xưa, năm ngoái ra công tác đến thăm vợ chồng mình và cô gì mà anh kể mới mười bảy tuổi cùng ở nhà tù Quảng Trị với anh í…” Tâm lặng đi không nói gì. Tiếng vợ Tâm lại thủ thỉ: “Thôi anh chịu khó, tất cả là vì con. Anh sắp xếp đi sớm kẻo lại không kịp.” Tâm nghĩ: Ừ thì mình cũng đã từng tham gia cách mạng… Nhưng còn mặt mũi nào về gặp lại Nga đây. Tiếng của vợ Tâm vẫn lúc trầm, lúc bổng bám riết lấy Tâm, khiến anh mệt lả thiếp đi. Rồi cơn mơ bất chợt ập đến. Tâm thấy cả ngôi nhà rung lên, chao đảo bởi những tiếng nổ, tia chớp khủng khiếp cùng những tiếng rú, tiếng khóc thét... Một người thiếu nữ có đôi mắt tròn xoe, trong veo như quen như lạ từ trong khói, bụi mịt mùng hiện ra rồi tan biến. Cả không gian bỗng nín bặt, âm âm, u u, rùng rợn. Rồi lại chờn vờn một bóng đen như thật như hư, lúc ẩn lúc hiện. Tâm rùng mình, toàn thân lạnh toát, không biết bóng đen kia sẽ làm gì mình. Tâm trố mắt nhìn. Bóng đen chui ra từ cái lỗ thủng của căn phòng ngủ. Tâm định thần, là người thiếu nữ mình vừa nhìn thấy lúc trước nhưng bây giờ trong bộ dạng thân thể quắt queo, chân tay teo tóp, mái tóc rụng xuống từng mảng dưới chân, rồi cái đầu trọc lốc cứ thế to dần, to dần tiến tới Tâm nhìn Tâm trân trân…

Tâm giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra ướt đầm, nhịp tim đổ liên hồi như trống trận, thở không ra hơi, mặt tái xanh, tái xám. Vớ lấy chiếc va li, Tâm ào ra khỏi nhà. Trời chuyển mùa, sấm chớp đùng đùng, gió ào ào rít. Lác đác vài giọt mưa to bắt đầu rơi xuống. Chiếc va li của Tâm va vào một thân cây cao su bật nắp, đồ đạc tóe ra. Chẳng còn tâm trí nào, cứ thế Tâm cầm chiếc va li không lảo đảo lao đi…

Mười lăm ngày sau Tâm nhận được một bưu phẩm. Tâm không thể tin vào mắt mình: Trong đó là quần áo, tư trang, tập hồ sơ thương binh của Tâm bị nước mưa ố vàng cùng một bản xác nhận có chữ kí của Út cưng và chứng thực của Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh.

V.X

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)