Đỉnh Giăng Màn mây phủ

Thứ Sáu, 04/06/2021 14:56

. TRẦN QUỲNH NGA
 

Khi đang đứng trên đập chính của công trình phóng tầm mắt về phía tây, Hoài lại muốn về lòng hồ.

Trời xanh, non xanh, nước biếc.

Vùng đất này đối với anh lạ lắm, kể từ khi mới đặt chân tới cho đến khi chuẩn bị rời xa vẫn một cảm giác bung biêng khó tả.

- Anh về không? - Tiếng Nhạn chấp chới gọi - Nhà hôm nay có giỗ. Bố bảo ra gọi anh.

- Chờ anh - Anh nói rồi khoác ba lô chạy tràn xuống triền dốc.

Làm sao mà không về được, khi xóm nổi đã gắn bó với anh hơn tám năm nay như một mái nhà thân thương. Anh xốc ba lô trên vai nhảy xuống thuyền. Tiếng Nhạn réo rắt như hát:

- Chi mà vội rứa!

- Vội chớ - Anh nhái lại bằng giọng Nghệ líu lo - Có ăn mà nỏ về răng được!

Lòng hồ mênh mông bát ngát. Thuyền trôi như bay. Hoài ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn dòng nước trong vắt. Lòng hồ này anh đã đi thuyền cả trăm lần, thuộc đến từng khúc quanh, từng con đường của những làng những xã đã chìm sâu trong nước nhưng lần nào anh cũng nhận ra sự hiểu biết của mình về nơi này vẫn còn chưa đủ. Như một bức mành nào đó còn buông rủ che mờ tâm trí mỗi khi anh nghĩ về nó.

Hoài là một nhà khảo cổ. Trước khi nhận nhiệm vụ về khảo sát địa hình cùng nhóm nghiên cứu địa chất chuẩn bị cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi, anh đã từng đến đây rất nhiều lần để tiếp nhận những hiện vật được cho là của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Những hiện vật ấy, khi là một lưỡi dao, khi là một chiếc tù và, lúc lại là một cây súng kíp nằm rải rác khắp cánh rừng trong lúc khai hoang người dân đã tìm thấy... Tất cả đã kích thích anh, thôi thúc anh nghiên cứu và tìm hiểu về chúng một cách hứng khởi. Càng nghiên cứu, anh càng nhận ra những hiện vật nằm im trong phòng bảo tàng như có linh hồn. Sức hút của chúng như cuốn lấy anh, dẫn dắt anh trở về bằng chính những giấc mơ anh thường thấy như những cuốn phim quay chậm...

 

Minh họa: Lê Huy Quang

Hoài nhớ lần anh cùng đoàn đi trực thăng khảo sát ở khu vực này. Nhìn trên cao xuống, sông Ngàn Trươi như một con rắn khổng lồ trườn giữa núi non trùng điệp hiểm trở. Người đưa đường chỉ cho anh những địa danh vừa nghe tên đã thấy giật mình:

- Đây là khe Thuồng Luồng, đấy là vực Thành, kia là thác Than Đày, vực Cơn Da, thác Cơn Ổi…

- Những cái tên nghe thấy kinh sợ rồi - Hoài nhún vai rùng mình.

- Anh không biết đấy thôi, những thác ghềnh này dân sông nước chúng tôi gọi là “cửa tử” thử thách ý chí, bản lĩnh, tay lái của những người đi thuyền bè.

- Hùng vĩ quá! - Hoài thốt lên - Những nơi hùng vĩ thường lại rất nguy hiểm.

- Cũng thường thôi anh - Người đàn ông cười hiền - Sở dĩ người dân quê tôi gọi nó là ác giang cũng là vì khí lam chướng rất nặng nhưng không vì thế mà chúng tôi chùng lòng. Nơi đây có những sản vật quý hiếm mà dân chúng tôi bao đời vẫn nhờ vào đó mà sống.

- Bao giờ dự án thủy điện này xong, những tên núi tên sông sẽ chỉ còn là huyền tích. Chúng ta sẽ chế ngự và bắt nó phải quy phục, sinh lời cho bà con mới được bác nhỉ? - Hoài nói.

- Cũng vì lợi ích chung của đất nước mà thuận lòng… nhưng… - người đàn ông tên Trường chợt ngập ngừng - còn những di vật ghi dấu một thời của nghĩa quân chưa gom được hết. Nhưng thôi, cũng đành… có thành công nào mà không phải đánh đổi…

*

*       *

Vừa xong một nếp nghĩ, thuyền đã cập ngay xóm bến. Xóm bến chỉ là những cái nhà bè nổi trên lòng hồ của những người dân còn ở lại. Hay nói đúng hơn, sau khi đến nơi ở mới, những người đàn ông quanh năm đánh cá trên sông không biết làm nghề gì để sống nên đành theo cách “ba chốn bốn nơi”. Họ để vợ con ở lại khu tái định cư để bọn trẻ được đi học còn đám đàn ông cùng nhau về lại nơi cũ xin làm bảo vệ lòng hồ vừa đóng bè nuôi cá.

Người đứng đầu xóm bè đó là bố Nhạn, tên Trường, người đã cùng anh đi hết dặm đường ác giang này đang ngồi quỳ trước chậu hương được đốt sáng rực. Hoài bước lên, nhẹ nhàng ngồi xuống phía sau lặng lẽ. Hoài biết, ngay dưới tầng nước sâu này trước đây là một ngôi miếu. Trước ngôi miếu cây cối rậm rịt, có tượng đôi voi chầu. Vào tháng chạp hàng năm, dân làng thường đến tế lễ rất tôn nghiêm. Người ta cho rằng nơi đây xưa kia chính là bãi tập của nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Bố Nhạn đang lầm rầm khấn vái. Rồi như một dàn đồng thanh lời rì rầm mỗi lúc một to. Hoài nghe rõ đoạn văn tế mà đám người đang xướng lên như nhập đồng.

Hào kiệt ấy tài

Kinh luân là chí

Vén mây nửa gánh giang san

Vỗ cánh bốn phương hồ thỉ…

Khi những người già đọc đoạn văn tế ấy, họ đều khóc rưng rức. Những bát rượu được hất xuống dòng sông xanh thẫm lững lờ. Họ đang tái diễn một hoạt cảnh nào đó như nghi lễ tưởng nhớ những người đã khuất. Hoài thấy bố Nhạn đang ghé tai xuống sàn như nghe ngóng một điều gì đó. Rồi bất chợt ông lao người nhảy ùm xuống nước bơi từng sải tay dài. Trên bờ, Nhạn thả xuống một bè chuối nhỏ thắp đầy nến đỏ và đồ tế lễ theo hướng bố vừa nhảy. Đến lượt đám thanh niên trong làng cũng nhảy theo, họ bơi sải như một đàn cá lớn.

Đêm đó, rượu thịt nóng hổi đã bày ra trên lá chuối rừng mới cắt. Người ta thức trọn cùng nhau cho đến sáng.

 

Minh họa: Lê Huy Quang

Hoài vừa chợp mắt đã nghe có tiếng người lay gọi:

- Dậy đi. Nào, qua sông thôi…

Vừa mở mắt Hoài đã thấy anh ngồi ra đầu mũi thuyền. Con thuyền đang trôi ra giữa dòng sông đầy sương nặng như mưa móc. Sương lan lên từ đỉnh Giăng Màn rồi chạy ào ào xuống rừng trúc. Gió vi vút thổi đẩy theo mù cuồn cuộn từ vực Cơn Da thốc lên chỗ hai bên vách đá dựng đứng sừng sững rồi thắt lại rất hẹp. Người đàn ông đội nón lá đứng ngay mũi thuyền chống sào hét lớn:

- Cẩn thận nhé!

Tiếng hét lọt thỏm vào trong nước. Hoài rùng mình nhắm mắt. Hai tay níu chặt lấy mạn thuyền. Nước dội lên thẳng đứng như tường thành, ầm ầm trùm kín cả con thuyền đang chúi mũi lao đầu vào thác nước mịt mù. Tiếng ầm ầm gầm lên như sấm động. Giống như đang bị hút vào một cái hố sâu hun hút. Hoài thấy tai mình như ù đi bùng bùng như trống đánh. Cảm giác đột ngột đó khiến Hoài chưa kịp định thần thì đã tản ra, tan nhanh như vừa qua một trận mưa rào. Khi Hoài mở mắt đã thấy mình băng qua được thác nước. Trước mặt anh giờ là một dòng sông yên ắng hiền hòa.

- Về nhà rồi.

Người đàn ông thở phào nhẹ nhõm quay ngang thuyền tấp vào một bến nhỏ. Hoài ngạc nhiên. Anh nghe có tiếng búa đập vào đe chan chát. Tiếng kéo bễ và lò rèn đỏ rực. Tiếng thép được tôi réo lên xèo xèo trong thùng nước khiến anh vừa lạ vừa quen. Hoài dụi mắt. Cố thoát ra khỏi ý nghĩ mình đang bị lạc trong một giấc mơ nào đấy mà anh không thể nhớ ra. Anh đã rất nhiều lần đi sâu thám hiểm căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng bên trong khu rừng nhưng chưa bao giờ anh bị cảm giác đột ngột như thế này. Hoài nhìn ra xung quanh, cảnh tượng khiến anh bàng hoàng: Đây là bãi Cà Tỏ! Nghĩa là anh đã lọt vào giữa gọng kìm của hai bức tường thành nằm ở hai phía tả ngạn sông Rò Vền. Bãi này xưa kia là chỗ nghĩa quân ngày ngày luyện võ.

Và Hoài đã nhìn thấy họ. Họ cũng đã nhìn thấy anh. Bao nhiêu trăn trở tìm kiếm của anh bấy lâu nay về nghĩa quân cụ Phan đang như mây mù tự nhiên hôm nay sáng rõ mồn một. Hoài có thể nhìn thấy những hình ảnh sống động mà trước đây khi nhìn từ những di vật còn lại anh không thể hình dung hết.

- Chuyến sang Xiêm lần này của huynh thu được nhiều thành quả. Vừa học được bí kíp làm súng vừa mua được bột nổ. Loại bột này trộn với diêm tiêu sức công phá sẽ lớn hơn trước gấp nhiều lần.

- Nhất định rồi - Tiếng ai đó phát ra nghe loáng thoáng. Rồi như một cái máy, Hoài cầm một khẩu súng tháo ra thành từng bộ phận, xem xét kích thước, công dụng, rồi quay lên nói với đám thợ rèn đang đứng rất đông xung quanh - Cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng thì rèn lại… cho đến kì được mới thôi.

Hoài đã suy nghĩ mãi về sự việc đang xảy ra với mình, cố cắt nghĩa nhưng anh hoàn toàn không có lời giải thích nào thỏa đáng cho việc tại sao anh lại có thể nhìn thấy mọi chuyện. Câu chuyện có vẻ như hoang đường đang hiển hiện trước mặt anh. Nó sống động đến nỗi anh nhận ra đến cả bộ quần áo trên người mình cũng giống đám thợ rèn ngoài kia, nâu sồng và lấm lem bùn đất.

Hoài nhớ lại lần trước, trong một lần băng rừng có một người bản địa dẫn đoàn luồn dưới những tán lá rừng, men theo vách đá để chạm được vào cổng chính của thành là hai tảng đá lớn đối xứng nhau nằm ở tả ngạn sông Rò Vền thì trời tối. Người đàn ông dẫn đường ra hiệu cho cả đoàn cắm trại nghỉ chân. Một đống lửa nhanh chóng được đốt lên để xua đi cái giá lạnh từ vực sâu đang tràn lên ngùn ngụt. Đêm đó, Hoài ngồi gần đống lửa, anh cầm khẩu súng vừa tìm được lên lau. Bóng anh đổ dài ra đất, tĩnh lặng. Người dẫn đường nhìn bóng anh một phút rồi sững người, ông ta đặt bàn tay rắn chắc lên vai anh hỏi dồn:

- Anh có phải là người ở đây không?

- Dạ không! Cháu người ngoài phố - Hoài nói một cách thật thà - Giờ cháu đang làm ở trung tâm bảo tàng những di tích văn hóa của tỉnh.

Người đàn ông à lên một tiếng như nhận ra một nét tương đồng nào đó nơi anh:

- Đúng là nghề chọn người. Đó là nhân duyên có từ kiếp trước.

- Là sao ạ?

Người đàn ông không trả lời anh. Ông ngồi lặng như một bức tượng đang chăm chú nhìn lên đỉnh Giăng Màn giờ chìm khuất trong bóng đêm đen như mực. Đột nhiên ông đưa tay chỉ. Hoài giật mình nhìn theo. Giữa lưng chừng núi, một bóng sáng lấp lánh như ngôi sao di động một lúc rồi biến mất.

- Nguộc ăn đêm đấy! - Người đàn ông bỏ thêm củi vào đống lửa. Ngọn lửa bùng lên nổ tí tách - Người xưa nói núi không cần cao, núi có tiên ở sẽ trở thành danh tiếng. Ánh sáng cậu vừa thấy là ánh sáng của ngọc. Cả nghìn năm ngọn núi mới luyện được ánh sáng của ngọc. Ánh sáng đó cũng phải chờ thời cơ mới được bộc lộ.

- Nghĩa là…

- Chắc có thể linh hồn cụ Phan hiển hiện giúp nước nhà. Giặc ngoại xâm hết rồi giờ đến giặc đói, giặc nghèo...

Câu nói của người đàn ông dẫn đường đầy uyên thâm khiến Hoài tâm đắc. Anh rót thêm một chén rượu, xé thêm một miếng thịt khô đưa cho ông rồi nâng chén rượu của mình bằng hai tay cung kính cụng với ông già. Cả hai uống cạn. Núi đã lẫn vào đêm. Sương sa lành lạnh. Đống lửa đột nhiên sáng rực. Hoài thấy rõ bóng hai người ngồi bên nhau và câu chuyện của hai cái bóng bung biêng như một cơn nhập đồng:

- Huynh xem - Người thợ rèn cầm khẩu súng bước lại trao cho người đàn ông, giọng điệu rất hồ hởi - Cách làm nòng súng rất đặc biệt, không ai bắt chước được đâu...

Người đàn ông kia cầm khẩu súng, khuôn mặt rắn rỏi nở nụ cười. Ông nheo mắt, ngắm vào hình bù nhìn phía rừng trúc. Đoàng đoàng đoàng… Những phát đạn xé gió cắm phầm phập vào thân rơm.

*

*        *

“Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nước sinh hoạt, điều tiết tưới tiêu nông nghiệp, sản xuất điện và làm giảm lũ cho vùng hạ du... Công trình đã phục vụ và tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh”.

Tại lễ chặn dòng thủy lợi lãnh đạo tỉnh đã phát biểu như vậy. Sau bữa đó, Hoài về lại cơ quan. Anh đưa những suy nghĩ của người dân về nguyện vọng muốn tiếp tục tìm kiếm những hiện vật trước khi tất cả đều nằm sâu trong nước nhưng không được chấp nhận. Cấp trên gọi anh về. Họ nói mọi việc của anh ở đây cơ bản đã hoàn thành. Những báo cáo của anh gửi lên đều đã được phê duyệt. Người ta khuyên anh nên dừng lại. Di sản là vấn đề của trăm năm, của muôn đời chứ không phải ngày một ngày hai là giải quyết ngay được. Vậy mà, không hiểu sao trong lòng anh vẫn không thôi day dứt. Anh nhớ lại câu nói đầy nuối tiếc của bố Nhạn ngày trước: “Nhưng thôi, cũng đành…”

Nhưng lòng anh không đành. Có gì đó thôi thúc anh mãnh liệt. Anh muốn tìm kiếm những di vật xưa, muốn lưu giữ những hình ảnh chân thực của lịch sử trước tàn phá của thời gian. Đêm đó, anh viết đơn xin nghỉ phép rồi trở lại lòng hồ.

Những ngày mưa dầm. Những ngày gió bấc. Những cơn sốt run người... Tất cả những thứ đó không làm anh nản chí. Những người trong nhóm vẫn luôn sát cánh bên anh. Cùng miệt mài với anh băng qua những cánh rừng. Nhưng những kiếm tìm chỉ đem lại rất ít kết quả. Giống như ai đã đến trước, đã dịch chuyển những di vật đến một nơi khác.

Cho đến một ngày anh sốt. Cơn sốt rét của anh buộc đoàn phải nằm lại chờ đợi trước kế hoạch tiến sâu vào đỉnh Giăng Màn sừng sững. Bên thác nước đêm, anh nhìn thấy bóng nguộc chạy trên lưng chừng đỉnh thác. Ánh sáng đó xuyên qua màn nước trắng xóa lừng lững như một bức tường thành rồi phản quang xuống bờ vực. Anh à lên một tiếng rồi lịm đi.

Hình như Hoài đã được dìu đi, hoặc tự bay đi, anh không rõ nữa. Chỉ biết anh không còn ở trong lòng hồ. Những bước chân của anh đang chạm trên mặt đất. Rất rõ. Nhưng không phải là anh bước đi.

Trong một khoảng tối lạnh ngắt, tiếng gió quẩn u u luồn từ cửa dội vào hang khiến Hoài dần tỉnh. Mọi người đã tập trung đông đủ. Tất cả đều rất trang nghiêm.

Nhạn đứng sát bên anh thì thầm:

- Bố vừa tìm thấy đấy! Anh nhìn xem.

Hoài nhìn theo tay Nhạn chỉ. Giữa lòng hang rộng, một đống lửa to cháy đùng đùng. Mọi người đang ngồi lau lại những khẩu súng vừa vớt được từ lòng sông.

Những khẩu súng trường Gras model 1874 trong huyền thoại đã dần dần được phát hiện.

- Tìm thấy ở đâu? - Hoài sững sờ.

- Trong hang đá bên vực Cây Da. Hồi trước nó nằm trên núi cao. Nhưng khi dự án cho đóng cống, nước dâng lên, nên hang đá đã chìm trong nước.

Hoài tỉnh hẳn. Bao nhiêu năm cùng anh em băng qua vực Cây Da rất nhiều lần, đã luồn sâu vào dãy Thiên Nhẫn và Giăng Màn để vào vùng chiến địa của nghĩa quân cụ Phan xưa nhưng chưa lần nào anh thu được nhiều hiện vật đến như vậy. Anh tiến lại cầm một khẩu súng. Kì lạ thay, khẩu súng bị ngâm trong nước lâu đến vậy mà vẫn gần như nguyên vẹn.

Phát hiện đó đã gây tiếng vang trong giới khảo cổ. Ngành văn hóa tỉnh tổ chức những cuộc hội thảo nêu ra những vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản. Cũng trong đợt đó hàng trăm hiện vật quý trong triển lãm “Phan Đình Phùng và phong trào Cần Vương” đã được trưng bày.

Tất nhiên, buổi triển lãm đó có Hoài và những người dân xóm nổi.

*

*       *

- Về thôi, muộn rồi - Bố Nhạn vừa nói vừa vỗ vỗ lên vai Hoài - Cái thằng, lần nào về cũng say như thế này thì làm sao dứt ra mà đi được chứ?

- Con không đi đâu - Hoài nhìn Nhạn vừa cười vừa đứng dậy thoăn thoắt bước lên thuyền - Con còn quá nhiều việc để ở lại.

Con thuyền chòng chành một lúc rồi vững vàng lao ra giữa dòng nước trắng. Nhạn ngồi đầu thuyền nhìn ra phía những đàn cò trắng muốt đậu kín cả rặng cây nổi giữa lòng hồ:

- Yên bình quá!

- Chim về là báo hiệu đất lành con ạ. Nếu không có công trình thủy điện này thì các xã vùng biên viễn này sẽ mãi không thoát khỏi những cảnh mưa lũ - Bố Nhạn nhìn ra xa nhẹ nhõm thở dài.

Nhạn vừa chèo thuyền vừa hồ hởi:

- Anh Hoài, anh biết dưới chỗ mình đi xưa kia là gì không?

- Cái đó là nhiệm vụ dành cho em - Hoài nói rồi cười - Sau này khi những đoàn khách đến tham quan, em sẽ là người kể lại những câu chuyện xa xưa đã thành huyền thoại.

Ba người thôi không nói chuyện nữa. Thuyền chầm chậm trôi. Hoài biết, dưới tầng nước sâu này trước đây là một ngôi miếu cổ. Trước ngôi miếu cây cối rậm rịt, có tượng đôi voi chầu. Nơi đó vào tháng Chạp hàng năm, dân làng vẫn thường đến tế lễ…

T.Q.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)