. ĐINH PHƯƠNG
“Dự báo miền Bắc sắp vào trận rét đậm, rét hại đấy”.
Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn nơi đầu xào hắt xuống, Trung tá chuyên nghiệp Nguyễn Đức Thắng, Nhân viên phiên dịch Đồn Biên phòng Lũng Cú, người được tăng cường lên Chốt kiểm dịch số 3 từ đầu năm 2020 bật bếp ga nấu mì tôm cho anh em chiến sĩ ăn đi tuần quay ra nói. Ở các chốt kiểm dịch thời điểm canh gác cam go, vất vả nhất là quãng bảy giờ tối đến mờ sáng hôm sau. Cao điểm cận tết này người dân thường lợi dụng đường tắt đường mòn lối mở trốn tránh lực lượng chức năng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cán bộ chiến sĩ Biên phòng Hà Giang tuần tra khu vực biên giới. Ảnh: PV
Ở mỗi tổ chốt thường có từ ba đến năm người gồm biên phòng, cán bộ xã, công an viên. Quả thật với số lượng người - trên tỉ lệ đường sá, đồi núi giáp biên phải đảm nhận, áp lực không hề nhỏ. Chưa kể điều kiện vật chất ở các chốt tuy được quan tâm đầu tư song còn rất khó khăn. Như ở chốt đây dù sát đường, cách đồn chính chưa đến chục cây số, nhưng gần đây anh em mới được bổ sung nhà bạt cơ động, giường chiếu. Trước đây, nhà quây tạm bằng bạt dân dụng, giường là mấy tấm ván kê trên gạch, và nhà cũng chính là bếp nấu. Mùa đông lạnh thấu tận xương còn nắng tháng sáu tháng bảy thì chỉ muốn cởi cả da người bỏ đi.
“Mỗi đêm đi tuần vài vòng, không phải bằng xe máy đâu mà đi bộ, vắt từ nương ngô này sang nương ngô khác, men theo rìa đá mà đi”. Anh Thắng tắt bếp nấu nồi mì thơm lựng tỏa khói nghi ngút rồi chia ra bát cho mọi người. Lọ ớt ngâm be bé giấu kĩ dưới gầm giường mang ra cấu mỗi người nửa quả, giống to dưới xuôi chứ không phải ớt gió quả nhỏ, đặc sản Hà Giang. Nó là của vợ anh, chị Bùi Thị An ở Sơn Lôi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc làm cho chồng khi về phép.
Nhắc chuyện ớt, anh Thắng nhớ năm 2008 lúc trên Đồn Xín Cái nhiệt độ xuống âm, tuyết bám vào dây điện to bằng bắp tay, cây sa mộc và tống quá sủ tuyết đọng tán thành lớp dày cứ thi thoảng lại xé đổ roạt, bể nước ăn đóng băng hai mươi phân phải đập ra lấy nước, cơm nấu phải phủ chăn xung quanh ấn đi ấn lại vài lần mà vẫn sượng. Lọ ớt ngâm của anh cùng chung số phận với bể nước, đông đặc, cứ như vừa lấy trong ngăn đá tủ lạnh ra, muốn ăn phải hơ lửa lúc lâu. Cũng mùa đông năm ấy, cận tết, nghe kẻng báo thức, theo thói quen anh chạy ra sân tập thể dục, chẳng để ý dưới chân là băng chứ không phải đất, trơn ngã đập mặt về trước mất hai răng cửa, “vườn không, nhà trống”, gió lùa hơn tháng sau về phép mới trồng được.
Đi lính hơn ba mươi năm, trải qua các đồn Bản Máy, Xín Cái (2 lần), Bạch Đích, Lũng Cú, kỉ niệm đời lính nhiều vô kể, nhưng cái lạnh ở Xín Cái là ám ảnh nhất. Chả thế mà cứ nghe tin rét đậm, rét hại, rét tăng cường là anh lại nôn nao nhớ hơi thở người lính biên phòng in trắng các con đường, ngọn núi, làng bản. Cũng tại Đồn Xín Cái, năm 2015 anh trong lực lượng biên phòng Việt Nam phối hợp với nước bạn xây kè mốc 429 thuộc xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, giáp huyện Phù Ninh, Trung Quốc thì bị thương gẫy khuỷu tay phải, nứt hai xương bánh chè. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện huyện Đồng Văn, anh được chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị. Nhìn anh giờ ít ai biết khuỷu tay kia là “đồ nhựa” và người đang đứng trước mặt mình là thương binh hạng 3/4, tỉ lệ thương tật 48%.
Gần Chốt kiểm dịch số 3 là Trạm kiểm soát biên phòng Ma Lé, đây chính là địa điểm vào hồi 23 giờ ngày 31 tháng 8 năm 2020 đội tuần tra Đồn Biên phòng Lũng Cú phát hiện hai xe ô tô chở mười bảy người Trung Quốc đang trên đường di chuyển đến khu vực giáp biên. Nhớ lại, Thiếu tá chuyên nghiệp Văn Tiến Thắng, Nhân viên Trạm cho biết, đêm ấy anh em gần như thức trắng. Lúc mở cửa chiếc xe bảy chỗ và bốn chỗ ra thấy lố nhố người ngồi so le nhau, xì xồ tiếng Trung anh em thoáng lo ngại. Lập tức phương án tác chiến được đưa ra, trấn an người bên trong, từ từ từng người ra một, nói họ hiểu tất cả đây vì sự an toàn chung của chính họ và dân cư hai nước.
Qua đấu tranh phân loại, xác minh rõ bốn đối tượng người Việt Nam tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép là Vũ Xuân Trường, Giàng Mí Dia, Mua Chứ Mua trú tại Hà Giang; Bùi Văn Niên trú tại Tuyên Quang. Các đối tượng này khai nhận đã cấu kết để tổ chức đưa mười bảy công dân Trung Quốc từ Hà Nội lên Đồng Văn, sau đó đi qua đường mòn khu vực mốc 419 để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với giá ba mươi triệu đồng. Đồn Biên phòng Lũng Cú đã hoàn chỉnh các thủ tục, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, bàn giao các đối tượng cho Công an tỉnh xử lí theo quy định pháp luật. Còn mười bảy công dân Trung Quốc khai nhận trú tại tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, Đồn báo cho phía bạn và tiến hành trao trả.
Qua trò chuyện tôi còn biết thêm, con trai anh là Văn Khắc Mạnh, sau khi học xong cao đẳng dược được bố mẹ động viên đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ vào biên phòng đợt này. Anh say sưa kể về những tính xấu của con trước đây như phòng ốc bày bừa, lười làm việc nhà, sáng bảnh chưa dậy, ham chơi… nhưng từ khi khám sức khỏe về, biết mình đáp ứng đầy đủ các điều kiện lên đường, Mạnh thay đổi hẳn. Đặc biệt, Mạnh hay hỏi bố về lần bị thương vào giữa năm 2016.
Năm ấy, anh Thắng đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, chừng một giờ sáng, đang trong ca gác thấy một nhóm thanh niên lạ mặt say rượu, mang vũ khí vào gây gổ với đội công nhân giải phóng mặt bằng. Lập tức anh báo cáo chỉ huy, đồng thời chạy sang hòa giải, giải tán đám đông. Nhưng chưa kịp nói hết câu, anh đã bị một tên dùng cuốc bổ thẳng vào đầu. Theo phản xạ, anh ngửa người tránh nên chiếc cuốc vạt vào trán, máu túa đỏ đất. Cùng lúc ấy anh em trong Đồn chạy sang. Đám côn đồ tháo chạy bỏ lại hiện trường cuốc, gậy, dao, mã tấu… Hôm ấy, anh không xuất hiện thì với ngần ấy vũ khí trong tay đám người say rượu, chẳng biết chuyện gì xảy ra với đội công nhân.
*
* *
Một điểm khác, “lãng mạn” hơn Chốt kiểm dịch số 3 của Đồn Lũng Cú là Chốt kiểm dịch của Đồn Biên phòng Đồng Văn nằm cạnh sông Nho Quế xanh mướt, dịu dàng len lỏi giữa những dãy núi đá cao ngút. Từ trung tâm thị trấn Đồng Văn xuống điểm chốt chỉ hơn năm cây số mà đi mất gần tiếng đồng hồ. Cũng may, hôm tôi đi trời khô lạnh không mưa, xe máy cài số một ọc ạch văng qua những con đường uốn lượn gồ ghề đá, có những đoạn chỉ rộng hơn bánh xe một chút với một bên là vực một bên cây cối rậm rạp. Cũng con đường này cách đây hơn tháng có chiếc xe du lịch chở khách mất lái văng xuống vực làm ba người tử vong. Vào ngày mưa, đường lầy, muốn xuống chốt xe máy phải quấn xích vào bánh hoặc đi bộ… nhanh hơn xe.
Chở tôi là Đại úy chuyên nghiệp Mua Mí Tro, người dân tộc Mông, Nhân viên Đội trinh sát Đồn Biên phòng Đồng Văn. Anh cho biết, từ mùng bảy tết năm ngoái đến giờ công việc chính của mình là nằm chốt tại điểm xã Lũng Táo và cạnh bờ sông Nho Quế. Anh bảo, đợt này cán bộ chiến sĩ từ các điểm chốt về còn được gặp người trong Đồn, nói dăm ba câu chuyện, uống chén nước chè chứ lúc dịch bùng phát trong nội địa hồi đầu và giữa năm, tranh thủ về Đồn tắm rửa giặt giũ, nghỉ ngơi, lấy thực phẩm cũng ở khu riêng cả, anh em chỉ nhìn từ xa gật đầu. Vợ con ở ngay trong thị trấn chẳng dám gặp, mình tiếp xúc nhiều người, nhỡ ra…
Trực ở điểm chốt là Thiếu úy Lầu Mí Phứ, cũng người dân tộc Mông, Đội trưởng trinh sát Đồn Biên phòng Đồng Văn. Phứ mới ở Học viện Biên phòng ra hồi đầu tháng chín, về bám chốt đã được hai tháng, nhà ở xã Sính Lủng. Nghe tin Phứ về nhận công tác ở huyện nhà mà bố mẹ vẫn chưa có điều kiện đi thăm, Phứ cũng chưa tranh thủ ghé qua nhà lần nào. Chỉ mấy lần về Đồn có mạng wifi gọi được zalo, nhìn bố mẹ vẫn khỏe thì mừng. Phứ chia sẻ thêm, nhà có ba anh chị em, Phứ là út nên mọi thứ gia đình đều dồn cho mình, cũng chỉ Phứ được học đại học.
Điểm Phứ đang trực là một trong rất nhiều những chốt ba không của các chiến sĩ biên phòng Hà Giang: không internet, không điện, không đường nhựa. Mạng điện thoại phập phù, internet dù chờ đến nửa đêm bật 3G lên cũng chỉ có chữ E trêu ngươi. Điện thoại hết pin phải nhờ người dân đánh cá trên sông đem về bản sạc rồi đem xuống. Tấm pin năng lượng mặt trời được trang bị chỉ dành riêng cho việc thắp sáng thường đến nửa đêm là lịm. Lán trại quây bằng bạt hướng ra sông, gió lùa lồng lộng. Một ngày của Phứ nơi điểm chốt khác xa với chế độ đã trải qua mấy năm trong trường, không kẻng báo thức, tập thể dục, báo cơm, nghe thời sự, điểm danh...
Một ngày nơi điểm chốt chẳng thể chia rõ ràng giờ nào làm việc gì, vì chẳng biết người dân vượt biên sang lúc nào. Có hôm đang ăn cơm tối, nghe thấy chó trên bản sủa váng lên là lại chia nhau xách đèn dọc sông đi kiểm tra. Hôm khác giữa trưa có mấy người ở huyện Yên Minh đi làm bên Trung Quốc về, vội vàng lập danh sách, báo vào Trạm y tế thị trấn Đồng Văn đưa người xuống đón vào khu cách li. Hỏi ăn gì chưa, họ lắc đầu. Thế là trong lúc đợi người xuống Phứ đặt nước luộc rau, đồng chí công an xã vo gạo cắm cơm, thức ăn mặn là cá kho để dành bữa tối. Hỏi Phứ còn nhớ tên, tuổi nhóm người ấy không Phứ chỉ nhớ láng máng cặp vợ chồng trong nhóm tên Cáy, Mỷ gì đó... vì nhiều quá. Chỉ tính riêng số lượng người hiện đang cách li tại trạm y tế từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 6 tháng 12 đã gần ba mươi trường hợp.
Từ điểm Chốt kiểm dịch ven sông về, tôi vào Trạm y tế thị trấn Đồng Văn. Nơi đây, hiện đang cách li gần ba mươi công dân nhập cảnh trái phép, đều thường trú ở mấy huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Người nhiều nhất đã ở hơn chục ngày, người ít mới vào hôm kia. Không gian khu cách li sạch sẽ, thoáng mát, tất cả người vào ra đều được đo nhiệt độ, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang. Trao đổi với tôi, chị Trương Thị Yêu, người dân tộc Tày, Nhân viên Trạm y tế cho biết, người dân cách li đợt này chủ yếu người đồng bào Mông, Tày, Dao, Nùng… đa số họ đều vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, nay gần tết tìm về. Cái khó khăn nhất là họ không nói được tiếng phổ thông.
Mỗi khi tiếp nhận người bên Trạm y tế đều phải nhờ cán bộ đồn biên phòng xuống dặn dò quy định khu cách li: đi lại, vệ sinh, ăn uống…, một số trường hợp khó thì phiên dịch, giáo dục giúp vì đồng bào chỉ tin bộ đội. Ở đợt tiếp nhận này còn có một nạn nhân của nạn buôn người là Sùng Thị Thò, trú tại xã Lũng Hồ, Yên Minh. Thò bị bắt cóc bán sang bên kia biên giới từ nhỏ, mới trốn được về không nói được tiếng Mông, chỉ bập bẹ tiếng Hoa. Thò mặc quần bò xanh, đầu quấn khăn ngồi ngây ngô trước cửa phòng, ai nói cũng cười chẳng rõ hiểu không. Với những trường hợp này đồn biên phòng phối hợp cùng trạm y tế có biện pháp chăm sóc đặc biệt như cử người cùng cách li chăm lo, có gì bất thường báo ngay. Hết đợt cách li sẽ đưa người nhà lên tận nơi đón về.
Ở khu cách li còn có cặp vợ chồng Vừ Mí Cáy và Giàng Thị Mỷ sang huyện Phù Ninh, Trung Quốc làm ăn. Chồng làm thợ xây, vợ nấu cơm cho toán thợ. Hai tháng đi lao động chui, hai vợ chồng để ra được số tiền gần mười triệu đồng. Mười triệu đổi lấy rủi ro nếu chẳng may bị công an nước bạn bắt sẽ bị tịch thu toàn bộ tiền, giam giữ vài ba tháng đến cả năm, lao động công ích… Chưa kể đến trường hợp bị lừa bán sâu hơn vào nội địa chẳng biết ngày về. Hôm bị bắt, khi được dẫn vào chốt kiểm dịch, cả hai vợ chồng định trốn nữa.
Nhưng khi thấy bộ đội nấu cơm luộc rau, lấy cá kho cho ăn, chẳng hỏi gì đến tiền nong thì bấm nhau ở lại, vì “chỉ anh em trong nhà mới lo nhau đói cái bụng”. Cuộc sống trong khu cách li của hai vợ chồng khá thoải mái, cũng chẳng sợ sệt gì vì có nhiều người cùng cách li như mình. Buổi sáng mì tôm, bát đũa nước sôi trạm chuẩn bị, trưa và tối cơm đóng hộp gọi ngoài chở đến tận cổng chỉ việc lấy lên ăn. Con gái được bà ngoại ở Mèo Vạc đưa lên, không được vào, bà bế bé đứng ngoài cổng nhìn, bi bô nói chuyện với bố mẹ.
*
* *
Bên cạnh việc tuần tra ngăn chặn, tuyên truyền ở các điểm chốt chống dịch và khu cách li thì việc làm thường xuyên, liên tục của các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang là đi sâu vào các làng bản, giúp bà con hiểu thế nào là dịch bệnh Covid-19. “Lúc này không gì hiệu quả bằng loa phát thanh”, Trung tá Lục Văn Nhẫn, Phó bí thư biên phòng tăng cường xã Phú Lũng, huyện Yên Minh của Đồn Biên phòng Bạch Đích chia sẻ. Loa phát thanh được phát bằng hai thứ tiếng là Kinh và Mông.
Đầu năm, khi dịch bệnh mới bùng phát, cấm chợ, tụ tập đông người thì chính những phó bí thư tăng cường mặc quần áo bảo hộ, buộc loa vào đuôi xe máy đến những điểm sâu xa, khó khăn nhất tuyên truyền, phát tờ rơi, khẩu trang, dạy bà con cách rửa tay, giải đáp thắc mắc virus corona là con gì, lây nhiễm, triệu chứng, biến chứng bệnh ra sao… Phối hợp cùng các tổ đội công tác trên đồn xuống treo băng rôn khẩu hiệu tại các trục đường chính ra vào xã, khu dân cư tập trung, khu vực nhiều người qua lại.
Anh Nhẫn kể ngay như chị Hầu Thị Pà, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phú Lũng cũng từng hỏi anh, giờ bà con muốn đám cưới, lên nhà mới, liên hoan mua ô tô được không. Anh bảo được, nhưng không có làng xóm, họ hàng anh em đến dự đâu, mà thế buồn lắm, tốt nhất chấp hành nghiêm quy định nhà nước, chờ đến khi dịch êm vui cũng chưa muộn.
Song song với việc tuyên truyền các đồn biên phòng cho kí cam kết xuống từng thôn, đứng đầu trưởng thôn về việc không để người dân vượt biên, tiếp tay cho các đối tượng đưa người vượt biên trái phép. Với trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử ra sao, tùy mức độ phạt tiền hoặc tù thế nào. Nhân khẩu từng thôn lúc này được kê khai, nắm lại lần nữa: nhà có bao người - ở nhà bao nhiêu, vắng bao nhiêu, ai đi làm bên Trung Quốc chưa về… Nhà nào có người trốn về cán bộ thôn phải nắm được, báo cho cán bộ biên phòng ngay.
Khi bà con bên kia biên giới đổ về nhiều, chính chiến sĩ biên phòng giúp phát triển kinh tế để bà con yên tâm không trốn đi lao động chui nữa. Như nhà vợ chồng anh Sùng Mí Dế và chị Vạc Thị Mị, ở thôn Má Lủng, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn được Thiếu tá Văn Tiến Thắng giúp ngô giống vụ mới, cho tiền mua ống kéo nước sạch từ trạm sang dùng. Lúc dịch tả lợn Châu Phi bùng phát anh hướng dẫn bà con cách phòng chống, vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, chôn lợn chết. Nhờ thế tết này nhà anh Dế có được chú lợn hơn tạ, thịt ra vừa ăn vừa bán cũng sắm được cho vợ con vài bộ quần áo mới. Còn phải kể thêm nhà anh Dế có hai con nhỏ một trai một gái, cứ ốm là chạy sang Trạm “biên phòng Thắng” nhờ chữa, cảm sốt xoàng cho thuốc, nặng anh Thắng đưa đi viện… Anh Dế bảo: “Sợ con vi rút rồi, chẳng sang Trung Quốc xây nhà nữa đâu mà”.
Với những gia đình nghèo khó, neo đơn, cán bộ chiến sĩ biên phòng không chỉ giúp về giống, vốn, phương thức làm ăn mà còn hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố. Như chương trình xóa nhà tạm ở Đồn Tùng Vài, chỉ trong hai năm 2019 và 2020 đã xây, đưa vào sử dụng được gần tám mươi nhà trên địa bàn ba xã: Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ.
Đưa tôi xuống nhà cụ Lò Thị Sùng neo đơn hơn bảy mươi tuổi, Thượng tá Trần Mạnh Quân, Phó bí thư biên phòng tăng cường xã Tả Ván cho biết, không chỉ tham gia giúp ngày công, lắp đặt điện nước, anh em Đồn Tùng Vài còn quyên góp hỗ trợ mười cân gạo cho cụ hàng tháng, đến hết đời. Mỗi khi tuần tra địa bàn đều ghé qua, lúc mua cho cụ chục trứng, thùng mì tôm, khi cân thịt lợn, chai nước mắm, lít rượu ngô như người thân trong nhà. Sắp tới Đồn Biên phòng và xã sẽ phối hợp làm cho cụ con đường từ ngoài đường to vào nhà, chứ giờ đi tắt qua ruộng bất tiện lại nguy hiểm.
Cụ Lò Thị Sùng thấy bộ đội đến bỏ thêm củi vào bếp, với tay lấy chai rượu ngô rót ra ba chén đầy. Cụ không nói được tiếng phổ thông, nên chú Lò Dũng Phù, Bí thư đảng ủy xã Tả Ván phải làm phiên dịch. “Bộ đội làm nhà cho cụ vui không?” “Vui nhiều chứ. Cái chân đau rồi, già rồi ở thế này sướng lắm à”. Chú Phù dịch, xong, cụ cười cầm chén rượu lên mời đoàn nhà báo uống. Cụ hết trước, đợi mọi người xong rót ngay chén mới. Thấy tôi ngần ngừ chú Phù hẩy, uống đi, đến với đồng bào Mông uống rượu phải uống hai chân, ít cũng hai chén đầy mới nghỉ.
Khi hỏi xã chuẩn bị ăn tết cho cụ Sùng thế nào, chú Phù trả lời, tất cả các trường hợp người già neo đơn, tàn tật khó khăn trên địa bàn đều được hỗ trợ ba trăm nghìn mua thực phẩm như gà, thịt lợn, bánh kẹo… Riêng với cụ Sùng đi lại khó khăn đoàn thanh niên cử người lấy củi mang đến. Còn bánh chưng thì không phải mua, vì năm nào gần tết Đồn Biên phòng cũng phối hợp với xã tổ chức thi gói, số lượng bánh nhiều có năm lên đến cả nghìn cái, chia cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn. Ngoài gói bánh chưng còn tổ chức giao lưu múa khèn, hát đối, tung còn, đánh quay… giữa bộ đội và dân bản vui lắm.
Chú Phù cho biết thêm, sang năm 2021 xã và Đồn Biên phòng sẽ phối hợp thực hiện bước tiếp của chương trình xóa nhà tạm, đó là hỗ trợ bà con tôn tạo nhà ở ba cứng: cứng móng, cứng nền, cứng mái. Đồng thời, chương trình cải tạo vườn tạp được triển khai, cán bộ xã cùng chiến sĩ biên phòng hướng dẫn các gia đình chưa biết làm ăn cải tạo chính vườn đất nhà mình. Chuyển đổi các loại cây kém năng suất như ngô sang trồng chè, cây dược liệu bảy lá một hoa…
Bên cạnh đó, xã và biên phòng nắm chắc các hộ tự quản đường biên, cột mốc biên giới, hàng tháng tiến hành phát cỏ đường tuần tra. Kiên quyết đấu tranh phá bỏ các hủ tục như treo xác, bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Khôi phục lại các nét đẹp văn hóa như hát đối giao duyên trong những ngày lễ tết, hát “jax yôngz” trong đám cưới chúc phúc cho chàng rể và nàng dâu hạnh phúc bền lâu. Mở các lớp dạy múa khèn, thổi sáo, kèn lá, nhị và đàn môi…
Chia tay, chú Lò Dũng Phù hát cho đoàn nghe bài hát nhận tiền của nhà trai mang sang nhà gái trong đám cưới người Mông. Giọng chú mượt mà, đằm thắm thổi hồn trong câu hát nói về việc bố mẹ chàng trai bao năm làm ăn vất vả mới kiếm được tiền cưới vợ cho con, nay người mối cầm tiền sang nhà gái mong tiền ấy không rơi trên đường. Chợt nghĩ, chàng rể, nàng dâu nào được chú Phù hát trong đám cưới chắc hạnh phúc lắm.
*
* *
Để những người lính biên phòng yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch, một phần công rất lớn thuộc về hậu phương gia đình. Thượng úy Nguyễn Việt Đức, Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết, tám tháng cao điểm dịch (từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2020) anh không về nhà. Tháng 4 vợ đẻ anh vẫn đang trong tổ công tác xuống bản tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho bà con. “Lòng nóng như lửa đốt, biết người chửa cửa mả… mà cũng chịu chẳng về được”.
Vợ lên bàn đỡ xong xuôi, ra mẹ tròn con vuông mới gọi điện lên: “Anh ơi đặt tên con trai là gì?” Đức không trả lời ngay, bảo vợ mở loa ngoài để nghe tiếng con khóc, nghe mãi, cuối cùng bật ra: Nguyễn Đức Anh Khôi, mong con sau này lớn trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. “Đến khi về gặp vợ có trách không?” Đức suy nghĩ rất lâu, bảo không, lấy chồng lính biên phòng là xác định thiệt thòi. Cô ấy là giáo viên dạy hóa nên hay trêu: chất lính gặp chất giáo viên thì mới kết tủa.
Cùng chung công thức: chồng bộ đội - vợ giáo viên là Đại úy chuyên nghiệp Tống Nguyên Ngân, Đội phó vũ trang Đồn Biên phòng Tùng Vài và cô giáo Nguyễn Thị Thắm, dạy trường mầm non xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ. Thắm quê Xuân Thành, Xuân Trường, Nam Định. Ngân quê Nam Thắng, Tiền Hải, Thái Bình. Hoàn cảnh cặp đôi khá đặc biệt, cả hai đều làm việc ở Tùng Vài nhưng con cái lại gửi ở quê nội. “Năm thường em cắt phép về thăm con được một lần vào dịp hè. Vợ về với các con hai lần vào dịp hè và tết. Năm Covid này em vẫn chưa về…”
Hai con của Ngân, cháu đầu Tống Nguyên Đức học lớp tám, cháu gái thứ hai Tống Minh Anh học lớp bảy. Ngân mở điện thoại cho tôi xem ảnh hai con đang vui đùa, bảo may mắn hai cháu đều ngoan, học giỏi, nghe lời ông bà. Bố Ngân, ông Tống Ngọc Châu từng là lính biên giới Tây Nam vẫn điện động viên con trai yên tâm công tác, làm tròn nhiệm vụ người lính nơi biên cương…
Với Binh nhất Phùng Ngọc Quang ở Đồn Biên phòng Bạch Đích có niềm vui nào lớn hơn trong đời lính khi ngày kết nạp Đảng 14 tháng 12 có bố và anh trai cùng đến dự. Bố Quang, chú Phùng Văn Phương từng là lính biên phòng đóng quân tại Đồn Tùng Vài. Chú vẫn nhớ như in ngày mình vào Đoàn là 26 tháng 3 năm 1993, kết nạp tại Đồn. Đến 24 tháng 6 năm 2000 mới được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh trai Quang, Phùng Ngọc Vinh cũng được kết nạp trong thời gian tại ngũ ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Ông nội Quang, cụ Phùng Xào Chúng cũng từng có sáu năm là lính tại Đồn Nghĩa Thuận, từ 1966 đến 1971. “Lúc đọc tuyên thệ em run lắm. Xin thề ba lần đi xuống vẫn chưa hết run”. “Run gì. Đời người đàn ông chỉ có hai lần vui. Một kết nạp Đảng. Hai lấy vợ”. Chú Phương hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ nghe con nói chuyện với tôi, mắng yêu thế.
Chú kể lần Vinh, con cả, kết nạp Đảng dưới thành phố Hà Giang chú không xuống được, lần này Quang kết nạp chú chuẩn bị cả tuần, nấu mẻ rượu mới chở đi để anh em trong Đồn cùng vui với em. Còn việc ruộng nương, bốn con trâu, hai con bò, mười một con lợn thau tháu bốn năm chục cân để vợ cùng con dâu tạm đảm nhiệm. Khi hỏi chú mong muốn gì ở Quang trong năm mới Tân Sửu này, chẳng nghĩ ngợi nhiều, chú trả lời ngay chỉ mong con trai chuyển được chuyên nghiệp, là người lính mang quân hàm xanh mãi mãi…
Còn với Thiếu úy Lầu Mí Phứ cuối năm dù nhiệm vụ bận rộn anh vẫn tranh thủ phát cỏ, cuốc tơi miếng đất nhỏ bằng phẳng cạnh lán trại trồng cải mèo và hoa hồng. Người yêu Phứ tên Hồng Anh vừa học Đại học Thương mại ra cũng thích hoa hồng, cô ấy vừa lấy chồng, mời nhưng Phứ trên chốt chống dịch không về được. Phứ kể với tôi, cả hai yêu nhau hơn ba năm nhưng gia đình bên gái cản, bảo lấy chồng biên phòng vất vả, xa nhà quanh năm lấy ai chăm lo. Phứ cũng sợ thay người yêu... “Thôi, chuyện buồn không nhắc nữa, anh hút thuốc lào không”.
Phứ khoe mới làm được ống điếu từ chai nước ngọt hút êm lắm. Tôi lắc đầu, Phứ nhồi thuốc, châm lửa, rít, ngửa cổ, cằm bạnh ra, mắt lim dim nhìn giời phả khói… có vẻ đầy tâm đắc với bí kíp tìm vợ của bộ đội mà nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng, Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi cùng vừa chia sẻ: “Đạo đức là cơ bản. Nghề nghiệp là trung tâm. Ưu tiên sắc đẹp một cách hợp lí”.
*
* *
“Anh em trên chốt về đồn sau khi báo cáo công việc bao giờ cũng sang hỏi các con ăn mấy bát cơm, được mấy hoa điểm mười. Đợt dịch bùng phát cách li thì nhờ người gọi các con đứng xa, đeo khẩu trang nói chuyện…”. Thượng úy Nguyễn Việt Đức hồ hởi kể với tôi về ba con nuôi của đồn đồng thời cũng là ba chị em: Thò Thị Dính (sinh 2005), Thò Mí Và (sinh 2008), Thò Thị Xúa (sinh 2012). Ba chị em Dính, Và, Xúa nhà ở thôn Mã Lủng A, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố chết, mẹ lấy chồng Trung Quốc bặt vô âm tín.
Cả ba ở với bà nội già yếu gần bảy mươi tuổi không còn khả năng lao động. Thời gian đầu khi mới về chưa quen còn hay khóc, các “bố” phải dỗ dành nhiều, giờ ngoan, sáng dậy theo kẻng ra sân tập thể dục, vệ sinh nội vụ gọn gàng, đến bữa xuống bếp ăn cơm, tối tự giác học. Đức bảo nhớ nhất kỉ niệm với cháu Và, khi biết cháu bị sỏi thận chính anh vào bản gặp bà Vừ Thị Xia là bà nội, Thào Dũng Pó là bác ruột các cháu thuyết phục đưa cháu xuống bệnh viện huyện Đồng Văn khám, chữa trị.
Khi tôi đến gặp cháu Xúa đang đứng tha thẩn ngoài cổng đồn. “Cháu đang đợi ai à?”. “Nay thứ bảy chợ phiên… cháu đợi bà nội đến… ba chị em cùng đi chợ với bà”. Cháu còn kể chơi thân với bạn Dó ngồi bàn trên vì bạn cũng thích đọc truyện cổ tích.
Cùng chung niềm sở thích đọc truyện cổ tích như cháu Và là cháu Dinh Mí Sò, con nuôi Đồn Biên phòng Đồng Văn. Sò chỉ thích đọc truyện cổ tích về sự ra đời của con người hay các loài cây, loài vật. Trước khi về đồn cháu ở với ông nội Dinh Súa Mua, xóm Lũng Táo, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Cháu kể bố mất trong một lần mang thóc giống đến nhà người ta. Mẹ lấy chồng Quảng Ninh, năm về thăm cháu được một hai lần. Mẹ lấy chồng cũng khổ, lần nào về cũng ôm cháu khóc. Giờ cháu chỉ muốn lớn thật nhanh thành chú bộ đội biên phòng như bố Thanh làm chỗ dựa cho ông, cho mẹ.
Bố Thanh đây là Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh, Nhân viên Đội vận động quần chúng của đồn, người được phân công phụ trách việc học tập của cháu. Anh Thanh chia sẻ với tôi, năm 2019 cháu Sò thi học sinh giỏi lớp bảy, môn địa của huyện được giải khuyến khích. Sang lớp tám cháu bảo chỉ thích học toán, thế là tập trung học toán, đứng thứ hai lớp. Đợt rồi có Thiếu úy Lầu Mí Phứ về đồn, cháu bám lắm, bảo bố Phứ dạy cháu giải những bài toán nâng cao khó ơi là khó. Rồi Phứ xuống chốt kiểm dịch ven sông Nho Quế, cháu cứ đòi các bố trên này xuống thay cho bố Phứ về dạy toán…
Hai cháu Thào Văn Dương và Vai Văn Ly ở Đồn Tùng Vài lại là hai mảnh ghép khác nhau. Đại úy Tống Nguyên Ngân, tên thân mật “bố Ngân hay cười” kể cháu Dương năng động, hướng ngoại thích Cristiano Ronaldo và Quang Hải, ước mong lớn lên thành cầu thủ bóng đá. Hoàn cảnh của cháu Dương rất khó khăn: bố chết, mẹ lấy chồng mới ở xã Thái An, huyện Quản Bạ. Trên Dương còn người anh trai Thào Văn Hồng (sinh 2013), chị gái Thào Thị Hoa (sinh 2005) hiện đều phải nghỉ học giúp đỡ gia đình.
Còn về cháu Ly thì Ly sống nội tâm, tình cảm, thích đọc truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh và Thần đồng Đất Việt. Khi sinh cháu thì bố đẻ Mai Seo Giang và mẹ Sùng Thị Sinh chưa đăng kí kết hôn. Ở với nhau một thời gian chia tay, cả hai đi lấy người khác, cháu Ly ở với cậu mợ ở thôn Pao Mã Pìn, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ. Đồn đón các cháu về từ cuối năm 2019, tuy tính cách khác nhau nhưng hai cháu lại rất thân thiết, gắn bó. Chế độ trong ngày của các bố thế nào các cháu theo thế cả, thậm chí chào cờ duyệt đội ngũ đầu tuần nếu không đi học các cháu cũng thích thú tham gia.
Còn cháu Mua Văn Minh ở Trạm kiểm soát biên phòng Bạch Đích chiều tôi đến đang mặc quần soóc, áo phông đỏ thái cỏ bò cùng Thượng úy Nguyễn Bình Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn. Bố Minh uống rượu ốm chết, mẹ Phàn Thị Lìu một mình nuôi Minh và em gái còn nhỏ. Nhà Minh cách đồn gần mười cây số, ở xã Thắng Mố, huyện Yên Minh, mỗi năm Minh về nhà vào hai dịp tết và hè.
Minh kể mỗi lần về đều mang quà của các chú trên đồn gửi cho mẹ và em. Tranh thủ những ngày ở nhà giúp mẹ nấu cơm, bẻ ngô, lấy củi, cho lợn ăn. Đến bữa Minh ăn hai bát cơm rau chấm mắm nhường thịt cho em gái. Minh giờ đang học lớp sáu, trên lớp thường chỉ bài môn toán cho các bạn. Những lúc rảnh rỗi thường làm kiếm, rô-bốt cho em Chảo Thanh Thiên, học lớp năm, cũng là con nuôi ở đồn như mình. Minh ước lớn thật nhanh làm bộ đội như các bố.
Về vấn đề con nuôi, Trung tá Lê Việt Phương, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, đây là mô hình “con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện từ năm 2019. Các đồn sẽ căn cứ vào tình hình địa bàn mình phụ trách chọn ra các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa nhận về nuôi tại đồn.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đồn sẽ đóng góp để lo toàn bộ chi phí ăn học, quần áo, sách vở cho đến khi các cháu học xong phổ thông trung học. Quá trình kèm cặp, nếu cháu nào có khả năng, sẽ tạo điều kiện cho thi và học đại học hoặc thi vào Học viện Biên phòng để sau này quay trở lại làm một người lính bảo vệ đường biên, mốc giới nơi biên cương phía Bắc này của Tổ quốc.
*
* *
Chia tay những người lính biên phòng, trời đã chuyển rét đậm rét hại. Ngồi trong xe về Hà Nội, tôi chỉ ước sao cho cái lạnh qua mau để những chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch bớt gian khổ. Để hậu phương gia đình vơi lo lắng khi những cánh hoa đào đang dần bung nở, báo hiệu mùa xuân mới đang về.
Đ.P
VNQD