Ngón hoa

Thứ Bảy, 26/06/2021 06:46

. PHẠM VÂN ANH
 

Minh họa: Công Quốc Hà

1.

- Lương ơi, đến lượt cháu rồi này.

Tiếng bác Cảnh thường trực gọi vóng lên từ dưới nhà. Đang chải tóc, cô vội quấn thành búi sau gáy rồi nêm thêm sợi dây buộc xanh đỏ. Trời chuyển chiều, cả ngày cô cùng cái Ngà ngồi giết thời gian bằng cách đọc cho nhau nghe những bài thơ được viết bằng chữ Braille. Nay lạnh chỉ vài ba khách đi tẩm quất, hai chị em biết ý nhường lượt mấy anh cùng trung tâm. Họ còn phải giúp vợ nuôi con. “Giàu hai con mắt…”, dù vô dụng bất tài thì cũng mang tiếng là anh đàn ông trong nhà chả nhẽ ngày không kiếm nổi mươi nghìn về đưa vợ.

Đã có ý vậy nên cô cố chùng chình, tính để nhường người khác. Với lại chiều hôm nay lạ quá, cô cảm nhận rất rõ quanh mình từng dải sương trắng mờ. Không gian tức tưởi như muốn khóc làm mi mắt trĩu xuống, bải hoải buồn. Ngẫm thật lạ, cô tất lẽ vẫn là cô, đã tự tách mình khỏi nhịp sống đời thường như con trùng ngủ đông từ lâu lắm. Từ đợt anh Hùng cưới vợ cơ. Hôm nay nghe Ngà kể chuyện của nó, thương con bé quá. Mấy anh ở đây đều đã có vợ, dù các chị ấy có hơi xấu, hơi quá lứa một chút nhưng bù lại họ có ánh sáng. Vợ Hùng cũng thế. Cô không trách vì biết anh không có cơ hội chọn lựa và thầm cảm ơn người phụ nữ kia bởi chị đã và sẽ còn hi sinh cho anh nhiều lắm. Tìm được người cùng cảnh ngộ yêu thương mình đã khó, huống chi là người sáng. Cô chợt thấy lo cho Ngà. Liệu người ta có thực bụng không hay chỉ buông tuồng qua đường. Mà có thực bụng chăng nữa thì bố mẹ người ta phản đối dữ thế, chắc gì đã vượt qua được mà đến với nhau. Con gái ngoài kia chả có ối đấy thôi?! Làm cùng nhau hơn một năm này, tuy không nhìn rõ mặt mà chỉ nghe giọng nói, cô đoán chắc con bé rất dễ thương. Tấm tức vừa kể vừa khóc một lúc vì tủi thân rồi nhoáng cái đã lăn ra ngủ.

Cầu mong cho số phận nó không giống mình!

Bác Cảnh lại gọi, giọng đã có vẻ gay gắt. Chắc dưới nhà có thêm nhiều khách. Lương vội lần theo tay vịn cầu thang, cẩn trọng đặt từng bước. Từ dưới nhà lên tầng ba có cả thảy bốn sáu bậc, Lương thuộc rất rõ. Duy chỉ có sự ngược đời là nếu muốn đi nhanh, cô phải nhắm chặt mắt lại. Có thế, linh giác của bóng tối sẽ giúp cô đi đúng hướng mà không va quệt hay bước hụt.

Trời nhập nhoạng tối, nhắm mắt đi liền một mạch hết bốn sáu bậc thang xuống đến nơi. Bác Cảnh đón cô ngay chỗ chân cầu thang. Cô ngửi rất rõ mùi mồ hôi đằm đằm của bác. Chắc tại mấy hôm lạnh quá bác không tiện tắm gội. Bác thật khổ. Cả trung tâm ai nấy đều có nhà để về, riêng bác lủi thủi xin ở lại bảo vệ ban đêm. Trước bác cũng có nhà như người ta, nhưng rồi đứa con trai nghe lời vợ đẩy bố ra khỏi nhà. Bác lang thang sống vật vờ có đến gần năm rồi mới được nhận về trung tâm. Mọi người hỏi thăm nhà bác ở đâu, bác nói thác không nhớ địa chỉ, chỉ nhớ phải đi qua một cái cầu…

- Giường số mười ba, đàn ông đấy con ạ. Con làm cho chu đáo nhé. Nghe giọng nói bác ngờ rằng ông ấy khó tính và dữ dằn đấy.

Cô lẳng lặng vào phòng. Giường số mười ba đặt mãi cuối dãy. Hơi thở nặng nhọc phả ra, có lẽ ông ấy mệt mỏi lắm, nếu không đã chẳng vào đây giờ cơm thế này. Đặt khẽ tay vào lưng, ông khách rên khẽ. Sao lại thế chứ, mình đã làm gì đâu? Hay ông ấy bị đau? Đã rắc một lượt phấn rôm rồi, cô lần tay dọc theo từng bó cơ trên lưng. Vẫn rên. Tiếng rên lần này khẽ và dài hơn. Từng múi thịt gồ ghề không đều, những chủy xương nhô cao. Chỉ tổn thương phần mềm nhưng chắc cũng đủ làm cơ lưng và vai ông khách sưng tấy, tím bầm.

Cô không dám mạnh tay. Ông khách ghì gối chặt, thở qua đằng miệng. Từng luồng hơi đi qua chân răng nghiến chặt. Những luồng hơi mang theo sự căm hận, chua chát và nhẫn nhục. Cô biết cuộc sống ngoài kia nhiều hiểm trở bất trắc, nhưng cô chưa từng chạm vào ai đau đớn nhường này. Các vị khách vào đây phần lớn là công chức đơn thuần và mấy chị tiểu thương buôn hàng may mặc ngoài chợ có cuộc sống khá khẩm luôn biết cách chăm sóc bản thân. Tẩm quất ở đây đạt tiêu chuẩn lành mạnh, phục vụ tạm ổn và giá cả dễ chấp nhận. Khách khá đông, họ mang theo đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, chuyện nhà chuyện người, chuyện giai gái. Họ thản nhiên tâm sự, hỏi han vì họ biết phục vụ họ là những người vô hại. Cả ngày đứng bên giường tẩm quất, đôi bàn tay vần vuốt, xoa bóp biết bao thân thể cả nam cả nữ, người béo người gầy, các anh em ở đây cũng như cô, hầu như không hề biết mặt khách mà chỉ nhớ giọng nói, dẻ xương sườn, bả vai và đôi khi là những cái tên như trăm ngàn cái tên đang đi lại, cười nói ngoài kia.

Cả ngàn ngày không ngày nào khác ngày nào. Cũng chẳng ngày nào giống ngày nào. Lương đã biến mình thành cái thùng co giãn chứa đựng mọi thứ chuyện hay dở để rồi lúc ngồi một mình lặng lẽ phân nhặt từng thứ mà ngâm ngợi.

Người đàn ông hôm nay là khách lạ, chỉ nằm im chứ không hỏi gì. Cô thấy vui vì không phải trả lời những câu hỏi tò mò muốn biết cuộc sống riêng tư của người mù. Ông ta khác với những vị khách no đủ, nhạt nhẽo hàng ngày. Ông ta đau. Ông ta vào đây không hẳn để thư giãn gân cốt sau một ngày lao động nặng nhọc mà để gặm nhấm thêm những vết bầm trên thân thể. Lương mơn nhẹ từng ngón tay trên lồng ngực gầy, hõm sâu, nhờ vào trực giác mơ hồ qua mỗi đầu ngón tay, cố không chạm vào các vết thương.

Nhiều vết sẹo dọc ngang…, cô thấy ái ngại pha chút sợ hãi.

 

2.

Gã sinh ra vốn không phải để trở thành người lương thiện dù mẹ gã đã đặt cho gã cái tên thô mộc: Lúa. Lăn lộn trong đám quân ô hợp ngoài bến cảng từ khi còn là đứa trẻ mổ hàng cáy, gương mặt nham nhở khiến đám con buôn hãi phải để mặc gã với lũ đàn em tung hoành. Gã không khát máu, không cướp hàng đốt kho, sống đơn giản và thô tục. Gã cùng hơn chục đứa tồn tại trên bến cảng chục năm trời cho tới khi thay đổi cơ chế bị đánh bật ra ngoài. Gã trở thành bảo kê cho vũ trường Xanh, tháng một lần lên sàn đấm đá mua vui cho bọn trẻ ranh con nhà trọc phú vốn ham vui và khát máu.

Do có động, trận đấu tối chuyển sang chiều. Tay quản lí vũ trường chỉ định phải thua. Mỗi tháng vũ trường chỉ tổ chức một trận thay thế vào chương trình ca nhạc. Lịch đấu không cố định mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách và thời điểm thích hợp. Quản lí vũ trường thừa ranh ma sắp xếp lịch đấu linh hoạt để tránh sự theo dõi của công an.

Gã đấu không đến nỗi tồi. Bọn đấu sĩ trẻ hùng hục sức lực và hiếu thắng. Cái chúng thiếu thì gã có: dẻo dai, gân guốc và hơn hết giỏi chịu đòn. Bản lĩnh ấy được tôi luyện qua hàng trăm trận đòn hội chợ ngoài bến cảng. Gã còn đủ lực để “chịu” hàng chục trận đấu kiểu ấy. Vậy mà trận tối qua phải “khê” trước một thằng nhãi con hăng máu gà chọi chỉ vì nó muốn lấy le với bạn gái, một con bé Việt kiều tóc bảy màu, ốm nhách, già đanh vì đàn ông và rượu tây. Thằng oắt ấy ra tay quá nặng. Ngấm đòn. Gã choáng váng, đầu óc u mê hỗn độn hết cả. Đây đâu phải lần đầu tiên gã phải đòn. Thằng nhóc chỉ đáng tuổi con cháu, miệng nghều ngào nhai cỏ, chốc chốc lại phun phì phì như rắn hổ mang. Gã gồng người để nó đánh, chỉ tránh đòn hiểm. Vậy mà vẫn thấy đau. Đau không phải vì đòn. Đau vì ê chề. Tóc bạc quá nửa, không người thân, không vợ con. Một mái nhà che mưa nắng cũng không nốt. Chịu đòn quá nửa đời người, đánh người không ít… Nhưng trận đòn này mình tự nguyện và người khác đã sắp xếp mọi thứ cơ mà. Thua thắng cũng vì tiền, số tiền ấy đủ rải kín người nhân viên chăm sóc khách hàng Xuân. Gọi thế cho lịch sự và đúng danh xưng quy định của vũ trường chứ kì thực Xuân làm vũ nữ. Thường đánh đấm xong gã lên taxi về nhà Xuân, rúc đầu vào ngực cô ta mà ngủ. Ngủ lấy hơi cho đỡ thèm đàn bà, và sáng hôm sau ngồi khật khừ châm thuốc nhìn Xuân tất tả nấu mì, pha trà để cảm nhận chút lo toan tầm thường...

Nay đánh sớm, sau trận đấu cơ thể ươn mòi, rệu rã, gã uể oải ra theo lối cửa sau vũ trường bỏ mặc Xuân đứng đón ngay sát khu phụ. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, gã phẩy tay gọi xe ôm đến trung tâm tẩm quất cổ truyền của Hội người mù. Gần hai năm nay, tháng nào gã cũng đến đây nằm thư giãn trước khi vào trận. Lần đầu tiên gã gặp cô. Những lần trước đều do cậu Phượng hoặc cậu Thanh tẩm quất. Có lẽ do gã đến vào giờ cơm, mọi người đi ăn cả chỉ còn cô ta ở lại. Gã không mấy thích đàn bà động vào người, nhất là khi gã nồng nỗng nằm trên giường.

Bàn tay các cô gái ở đây khá giống nhau, ngón tay ngắn, lòng bàn tay dày, đầy đặn. Móng tay cắt ngắn khiến ngón tay càng thô ngắn, ù lì. Dù họ có cố hết sức thì lực xoa bóp chả là bao.

Vậy nên khi thấy cô chầm chậm đi xuống, gã đã định gắt bảo cô ra khỏi phòng. Nghĩ thế nào lại thôi. Đàn bà hay đàn ông gì thì cũng phải nhờ vào đôi bàn tay mà kiếm sống. Gã chê đôi tay họ ù lì, xấu xí thì đôi tay gân guốc đầy bạo lực của gã có đẹp nỗi gì. Nằm sấp trên nệm, úp mặt vào lần gối mỏng ám chạt mùi mồ hôi, gã cay đắng nhận ra rằng đôi tay đang nhẹ nhàng vuốt dọc sống lưng gã là đôi tay xoa dịu nỗi đau cho người khác.

Bất giác gã nắm chặt thành giường…

Minh họa: Công Quốc Hà

3.

Cô đã hai chín tuổi. Điều đó chẳng nói lên điều gì đáng kể. Ở thành hội người mù và các quận, huyện hội cấp cơ sở có hàng trăm người con gái như cô. Họ sống mờ nhạt, lẻ loi trong bóng tối. Bóng tối đóng vai trò là người chứng kiến, người đưa tiễn và là nấm mồ chôn cất tuổi thanh xuân với bao khát khao của họ. Cô tự biết mình không ngoại lệ.

Cái Ngà rủ cô đi ăn trưa. Mọi người trong trung tâm vẫn thường đi ăn tại quán cơm bình dân gần đó. Bà chủ quán quen khách ý tứ xếp cho họ một bàn dài ở phòng trong. Lúc đầu, cô ngại ra nơi quán xá chạ người, sau rồi quen. Ngồi ăn phía trong, tai cô để ở phòng ngoài, thích thú làm quen với đủ thứ thanh âm búa xua của chén bát va vào nhau, tiếng người nói lao xao chào mời, trò chuyện.

Cứ thế, cô bắt tiếng rất rõ hầu hết khách ăn của quán. Mấy chị chè chai lông vịt bộc tuệch bộc toạc oang oang gọi năm trăm cơm, năm trăm canh, năm trăm đậu, năm trăm cá ruội… thứ gì cũng không mua quá năm trăm, giọng thổ âm vùng Hoàng Mai, Xích Thổ. Ăn ào ào rồi ào ào kéo nhau đi. Cánh đàn ông phụ hồ khề khà hơn bên chén rượu ngang, giọng nói ề à, giãi dài như bàn chuyện đại sự quốc gia. Có khách vào quán chỉ gọi thức ăn rồi trầm tư một mình, có ai hỏi chỉ trả lời lấy lệ… Cô lẳng lặng gom nhặt những câu chuyện không đầu không cuối của họ làm tài sản riêng cho mình. Khi buồn, cô lôi mớ lằng nhằng, tạp nham ấy ra mà phân tích, lí luận, kiến giải. Đó chính là lối mòn do cô tự khai phá để từng bước hiểu rõ hơn về cộng đồng ngoài kia, một thế giới đầy biến động với biết bao lo toan, khắc nghiệt, biết bao niềm vui, nỗi buồn mà gần ba mươi năm qua cô chỉ là cái bóng bên lề của nó.

Người đàn ông bị thương hôm trước quay lại sau một tuần. Ông ấy là khách quen của anh Phương vì thường đến đúng ca anh trực. Cô va phải ông ta ngay hành lang. Nhỡ đà, cô túm lấy cổ tay ông, thoáng rùng mình nhận ra vết sẹo dài dọc trơn nhợt nổi hằn trên cườm tay nhăn nhúm. Mùi mồ hôi dầu khen khét phả ra từ người ông trong cái nóng ba sáu độ. Ông ta không nói một câu, lẳng lặng giữ cho cô đứng vững. Buông tay khỏi vết sẹo dài, cô khẽ khàng xin lỗi rồi lần tường đi ra phòng ngoài, tim đập mạnh. Không phải cô sợ nhưng trong lòng không khỏi thắc thỏm muốn biết ông ta là ai. Người tử tế thì sao lại lắm sẹo và bị đòn nặng thế. Hẳn rồi, ông ta không phải người tốt. Người tốt phải thế nào cơ, chứ nhất định không im thin thít như thóc trong bồ và dữ tợn như thế. Người tốt chắc cũng giống như các anh chị em ở đây, biết yêu thương, nhường nhịn nhau. Nhưng đều là người mù cả. Người tốt sáng mắt ngoài kia có như thế không? Cô băn khoăn lắm. Người tốt phải thế nào cơ?

 

4.

Sau lần thua trên võ đài, gã lầm lũi không mấy khi rời khỏi căn phòng dưới tầng hầm trừ khi vào ca trực. Tay quản lí ái ngại vì chẳng gì gã cũng được xếp vào hàng trưởng bối ở vũ trường này. Đám bảo kê đều do gã tuyển về đào tạo. Trong mắt tay quản lí, gã là một con sói già, mà vật hay người gì khi già đều trở tính và khó quản.

Gã thực đã già. Một con chó già chỉ còn chút oai dũng cuối cùng trong đời. Rồi sẽ có lúc nó lú lẫn, gấm gẳng khó dạy và lủi thủi sống bẹp trong cũi. Chó già còn có tuổi, còn gã đã quên mình là ai, bao nhiêu tuổi từ lâu lắm. Bao năm nay, ngày ngủ, đêm thức trong tiếng nhạc cuồng quay, tháng tháng một lần lên sàn đấu rồi vùi mình trong mùi đàn bà nồng nồng, oai oải nước hoa. Nhiều lúc gã thấy thèm cuộc sống đơn điệu và chút hạnh phúc bé mọn như của những người đàn ông mù hàng tháng gã vẫn gặp trước trận đấu. Nhiều lần gã đùa bọn họ, hỏi làm ăn thế nào? Gã thấy họ cười. Lạ lắm, nụ cười có ánh sáng. Họ hồ hởi nói chuyện vợ con, lời lẽ mộc mạc, chân thành. Lần nào đến cũng vẫn chỉ nói những chuyện ấy, chẳng có gì mới vậy mà gã vẫn muốn nghe. Nghe để hiểu thêm về hạnh phúc, dù hạnh phúc của những người mù chưa hẳn đã trọn vẹn mọi bề.

Trung tâm này chỉ có ba cô gái. Hình như Phương nói thế và gã không mấy quan tâm. Mấy lần chạm mặt, gã thấy ba cô gái khá giống nhau. Tóc dài cặp gọn gàng phía sau. Lông mày rậm rì không tỉa sửa khiến cho đôi mắt càng thêm tối. Sự giản dị và thuần chất của họ không khiến gã mảy may ấn tượng.

Cô gái tẩm quất cho gã hôm thua trận cũng vậy. Tóc bện thẳng, áo sơ mi trắng, khuôn mặt gầy, da xanh vì ít ra nắng và đôi tay nhỏ, ngón ngắn tròn trịa. Vừa bước vào phòng, cô gái khẽ nghiêng tai để định vị rồi hướng về phía gã, nói như người có lỗi:

- Xin lỗi chú. Mấy anh hôm nay về nghỉ sớm nên chỉ còn cháu ở trung tâm. Tay cháu nhỏ, lực yếu nên không nắm hết được cơ. Nếu có đau chú nhắc chừng cho cháu biết chú nhé.

Gã ậm ừ trong cổ họng xoay mặt vào tường. Gã đang muốn đau đây. Vết thương nhức nhối, gã thấy mình giống như con ngươi bị lông quặm, đỏ ngàu, buốt xót. Gần bốn mươi năm lăn lộn giang hồ hôm nay gã mới thực ngấm đòn kim tiền. Thằng nhóc con chỉ phải bỏ ra mười triệu là có thể trở thành người hùng mới của võ đài. Gã thừa biết đó chỉ là cơn cuồng sĩ ham danh hão của cu cậu. Gã nhận giá, khoan khoái tự cho mình khôn ngoan. Nhưng khi trọng tài là tên quản lí chó chết cao giọng tuyên bố tên người thắng trận, gã cay đắng nhận ra mình đã nhận mười triệu để đóng vai một anh hề.

Rủi ro luôn thuộc về phía người mua. Gã là người bán. Nhưng bán hớ.

Cô gái ấy hình như biết gã đau, chỉ dùng mười đầu ngón tay vuốt nhẹ làm các vết thương đỡ căng tức. Cô làm việc ấy một cách cẩn trọng và kiên nhẫn. Nhiều lần định bảo cô làm mạnh tay lên, có thế mới thấy hả, gã muốn cái đau ngoài thân thể át đi cái đau thất bại mà gã tự chuốc lấy, nghĩ nào lại thôi.

Cô vẫn dè dặt tìm từng huyệt đạo trên người hắn, ngón cái cong cong dồn lực xuống chính huyệt, giữ chặt một lúc rồi buông ra. Gã thấy điểm thân thể ấy võng xuống, căng cứng và rất tức, sau đó đột ngột mở ra, khoan khoái… Cô đã cố gắng không làm cho gã đau thêm. Gã chợt thấy cảm kích. Đối với cô, gã là khách lạ. Hai mươi ngàn một tiếng đồng hồ đánh vật với chân tay, đầu cổ… sức lực cô phải bỏ ra đâu có ít. Hàng đêm, các cô gái ở vũ trường chỉ uống cốc bia với khách đã có ngon ơ tờ polime xanh một trăm đút ngực.

Món tiền mười triệu lúc ấy đã nằm im trong túi quần gã treo ở cuối giường. Gã gồng mình nhận trận đòn sát thương để đổi lấy nó. Còn cô gái đang đứng suốt một tiếng đồng hồ cạnh giường đang cố làm dịu đi những vết thương ấy với số tiền công bằng một phần nghìn. Gương mặt cô thanh thản!

5.

Trời lạnh và ẩm ướt. Mùa đông trung tâm vắng khách hẳn. Mọi người đến làm việc ngồi chuyện phiếm là thường, hết giờ lại về, thu nhập trong ngày đủ trả hai cuốc xe ôm.

Người đàn ông bị thương vẫn thường đến vào chiều thứ sáu. Lương nghe bác Cảnh nói thế. Có lần ông đi qua, cô đoán biết vì nhác thấy mùi mồ hôi quen quen, khác hẳn mùi của các chú, các anh trong trung tâm. Lần nào anh Phương cũng theo ra, nói cảm ơn anh, lần sau anh đừng cho nhiều thế, em không dám… Cô nghe giọng đàn ông sang sảng, bỗ bã, chú cầm lấy về đưa cho cô thêm tiền mua sữa cho cháu, chú làm được mấy tiền đâu, người lớn ăn kém một chút thì được chứ đừng để trẻ con thiếu sữa, thiếu chất… Cô lờ mờ đoán ông ấy cho tiền anh Phương. Vậy ông ấy thật tốt. Nhưng sao ông ấy lại đánh nhau, lại bị thương nặng thế? Tự nhiên cô rất muốn biết mặt ông. Mẹ bảo trông mặt mà bắt hình dong. Chán thật, làm sao cô trông được, cô chỉ thấy mờ mờ một bóng người gầy mảnh, khuôn mặt khô, mái tóc cắt ngắn… cái gì cũng mờ hết. Sau rốt, cô quyết định sẽ ra bàn tiếp khách ngồi chơi với bác Cảnh vào chiều thứ sáu…

Tối thứ bảy, Ngà xin phép nghỉ làm rồi vội vàng lên tầng trên tắm gội. Loay hoay gần một tiếng, nó chui ra từ nhà tắm trong bộ đồ nghe nói là màu hồng phấn. Thì ra con bé mang sẵn theo từ sáng. Nó ríu rít khoe người yêu mua cho, hẹn hôm nay đến đón đi chơi rồi sẽ đưa nó về nhà. Rủ chị xuống nhà với em nhé, em sẽ giới thiệu chị với anh ấy, chị sẽ quý bạn em ngay, hôm nay sẽ là một ngày đặc biệt của bọn em. Cô rụt rè hỏi chuyện gia đình cậu bạn. Ngà không trả lời, lẳng lặng ngồi tết tóc thành hai bím lớn. Cô cũng im lặng, theo đuổi ý nghĩ riêng mình.

Đến lúc đồng hồ đánh tám tiếng lảnh lót, Ngà bật dậy, bảo chị em mình xuống dưới đi, có khi bạn em đến rồi. Xuống tới phòng khách thì cậu bạn ấy đến thật. Cô cố căng hai đồng tử để nhìn. Ngà kể cậu ấy hai bảy tuổi, mới học hết lớp chín, giờ làm chủ lò bánh mì. Người con trai dựng xe đạp rồi chậm chạp đi vào, bước chân vẻ vướng víu. Vì cố nhìn lâu, Lương thấy đầu căng tức, hai thái dương đập mạnh. Cô vội nhắm mắt lại, thầm nghĩ chân cậu ấy bị tật, vậy là mừng cho cái Ngà, may ra còn giữ được. Chứ đàn ông lành lặn tử tế chả ai thèm lấy con gái mù làm gì cho thêm nợ.

Cậu bạn Ngà lễ phép xin bác Cảnh cho đón Ngà đi chơi và hứa sẽ đưa nó về nhà an toàn. Ngà chào bác, chào chị giọng hân hoan lắm, cô đoán nó đang cười rất hạnh phúc. Có tiếng gạt chân chống xe, tiếng xích líp quay rổn rảng. Chiếc xe đạp võng xuống vì sức nặng của hai người, loạng choạng một lúc rồi mất hút vào đường phố.

Tối hôm ấy, Lương cứ băn khoăn mãi về điều đặc biệt mà Ngà nói. Cô thốt nhiên có chút ghen tị pha lẫn tò mò trước hạnh phúc của Ngà. Cô nhờ mẹ ấn số điện thoại gọi đến nhà con bé. Đầu dây bên kia, mẹ Ngà bảo hôm nay nó xin phép ở lại trung tâm với cháu để ngày mai có việc từ sớm kia mà. Cô vội ấp úng rằng Ngà đang tắm, nhờ cháu gọi điện về hỏi bác có thấy đôi khuyên tai bạc nó để quên ở đầu giường không… Lạch cạch hồi lâu, điện thoại lại được nhấc lên, bảo không thấy, nhắc Ngà tìm trong túi áo xem vì con bé có thói quen tháo khuyên tai cất vào túi áo trước khi đi ngủ. Cô vâng vâng, dạ dạ rồi bỏ máy.

Cả đêm, cô lòng dạ rối bời, vậy là Ngà không về nhà, con bé định tính liều việc gì đây, nó mới hai ba tuổi sao đã đủ hiểu đời. Cậu con trai kia liệu có phải là người thực lòng không, nhỡ ra nó là đứa đểu cáng làm hại đời con bé. Cô thấy mình thật đáng trách, cô vốn coi Ngà như em gái, vậy mà chuyện nó kể cô nghe để biết vậy, an ủi vài câu chứ đâu có nói hết lòng với nó. Cô thấy Ngà bảo cậu con trai kia cũng yêu nó lắm, hay hai đứa định gây áp lực với gia đình. Làm thế cũng dở, ai lại mang tương lai, hạnh phúc của mình ra đặt hết vào canh bạc như vậy chứ? Nghĩ đến đây Lương bất chợt thở dài, cô thấy giận mình và càng thương Ngà hơn. Nó cũng như cô, làm gì có tương lai. Hạnh phúc chỉ là một khái niệm mơ hồ. Bao năm nay mong muốn được sống có ích, vui vẻ đã khó rồi. Nó đang làm mọi cách để giữ được tình yêu cho mình chứ không buông xuôi phó mặc như cô. Phải đấy Ngà ạ, em hãy sống hết mình cho tình yêu trong đêm nay và nhiều đêm khác nữa. Cho dù hạnh phúc không mỉm cười với em thì em cũng đã yêu và được yêu một lần trong cuộc đời thật dài và tẻ nhạt này.

 

6.

Mấy tháng gần đây gã thấy mỏi mệt nhiều hơn. Gã chính thức đề nghị với giám đốc vũ trường xin nghỉ đấu võ đài hàng tháng. Tay quản lí đón ý biết gã bắt đầu có dấu hiệu xuống sức nên sắp xếp cho gã đứng quản lí chung tại phòng bảo vệ. Gã ngồi vô cảm trong căn phòng chật hẹp ấy suốt đêm, gà gật nhìn vào màn hình nhung nhúc những hình người đủ loại lắc giật, ngọ nguậy như ổ sâu Đông Tây Nam Bắc.

Lâu nay, gã không về qua đêm ở nhà Xuân. Nhiều lần đón gã ở lối vào nhà vệ sinh, Xuân khẽ bảo em chờ anh, em không cần tiền đâu. Gã hiểu Xuân nói thật nhưng không nỡ. Xuân kiếm tiền bằng thân xác chẳng nhàn hạ gì vả lại gã không phải là thằng thích chơi quỵt.

Trên màn hình chính, Xuân và hai cô gái nữa mặc bikini hai mảnh uốn éo nhảy. Đôi mắt đờ đẫn vô hồn và thân thể lắc lư theo quán tính. Gã thấy các cô sao mà giống rô-bốt, được lập trình sẵn để nhảy rồi dần dần thoát y cho cả trăm con mắt đĩ thõa thủ dâm trên từng phần cơ thể...

Bỗng dưng gã nhớ đến Phương, tuy không phải anh em ruột thịt gì nhưng gã vẫn thường cho thêm anh ta chút tiền sau khi tẩm quất. Số tiền không nhiều nhưng đủ làm cho người đàn ông mù cảm kích. Lần nào gã đến cũng vội thông báo tình hình thằng con trai với vẻ hàm ơn và kính trọng. Những lúc ấy, gã thường im lặng hình dung thằng bé con qua lời bố nó. Gã chăm chú nhìn những người đàn ông trong trung tâm, nhận ra rằng mình hèn kém. Dù tật nguyền nhưng họ vẫn vươn lên làm chủ và gánh vác một gia đình trong khi gã huỷ hoại đời mình trong rượu và những trận đấu mua vui.

Còn cô gái ấy thường ngồi ngoài phòng khách khi gã đến, dáng vẻ chờ đợi ai đó. Cô không đẹp, nét mặt dìu dịu và còn khá trẻ. Nhiều lần gã định hỏi Phương về cô rồi lại thấy kì kì nên thôi. Người mù thiệt thòi mười thì phụ nữ mù thiệt thòi gấp đôi.

Chắc cô ấy chờ người yêu.

Bất giác, gã thầm mong cô hạnh phúc.

 

7.

Ngà xin mẹ ở lại trung tâm qua đêm nhiều hơn. Những hôm như thế Lương cũng xin ở lại trung tâm cùng con bé. Có hôm nó đi tới sáng mới về, giọng nói, tiếng cười cũng khác. Cả trung tâm biết con bé đang yêu, thi thoảng lại trêu vài câu làm nó xấu hổ ngồi nín thở. Ngà hồn nhiên kể, buồn cười lắm cơ chị, cả em và bạn em chả ai biết làm chuyện ấy, anh ấy bảo sẽ dạy em rồi lúng túng như gà mắc tóc, may sao em tự nhiên nhớ lời chị Nhiên dạy nên nói cho anh ấy làm theo. Xong chuyện rồi em mới xấu hổ, ai lại con gái con đứa đi chỉ cho đàn ông cách yêu.

Lương cười, con bé tồ quá, chuyện thế cũng kể. Còn chị Nhiên thì cô biết, là một phụ nữ trung tuổi chuyên đánh hàng Móng Cái. Chị ấy táo tợn lắm, nằm trong phòng tẩm quất cứ oang oang toàn chuyện kín làm cô và mấy đứa xấu hổ chết đi được. Vậy mà vẫn dỏng tai nghe. Có lần chị ấy quờ tay ra sau sờ vào ngực cô rồi cười ha hả, bảo, ngực em bánh dày thế này chiều chồng phải biết, hay về làm hai cho anh nhà chị. Bất ngờ, cô không dám nói lại câu nào nhưng sự đụng chạm đùa vui làm người cô rạo rực mãi.

Ngà xoay người lại, hạ giọng, mẹ em mà biết thì chết, mẹ thường bảo em cứt nát chớ đòi có chóp, cố vui vẻ mà sống với bố mẹ, bố mẹ chết thì về ở với anh chị và các cháu. Em chả muốn thế tẹo nào, chả lẽ cả đời sống gửi, không thể có một gia đình của riêng mình hay sao hả chị? Cô không trả lời được. Cơ hội tạo dựng gia đình của riêng cô với Hùng, cô bỏ lỡ. Còn giờ đây có thể lắm chứ, Ngà sẽ có một gia đình của riêng nó, dù cậu con trai kia không vượt qua nổi rào cản gia đình đi chăng nữa thì Ngà vẫn có thể có đứa con cho riêng mình. Lúc ấy, cô sẽ giúp Ngà, anh chị em trong trung tâm sẽ giúp Ngà. Và biết đâu ông ấy cũng sẽ giúp, như vẫn giúp anh Phương nuôi bé Choắt đấy thôi...

Rồi Ngà có thai thật. Cậu bạn trai đấu tranh quyết liệt để bố mẹ đi hỏi vợ cho mình. Đám cưới đơn giản, khách đến mừng toàn anh chị em trong Hội và người thân. Ngà mặc áo dài hồng, líu ríu theo chú rể đi chào mọi người. Mẹ Ngà xăng xái chào mời khách, gặp ai cũng nói một câu, phúc nhà em còn lớn các bác ạ, cứt nát mà có chóp thật đấy.

Cưới xong, Ngà nghỉ việc ở trung tâm về nhà giúp chồng trông coi lò bánh mì và dưỡng thai. Chiếc xe đạp giờ phải chịu tải những ba người, nó có vẻ vui, cứ cót ca cót két mãi theo từng vòng bánh xe quay.

 

8.

Công việc thường ngày vẫn vậy. Trời dần ấm hơn. Gã đến khi cả trung tâm rủ nhau ra phố mua hàng chỉ còn ông già trực cửa và cô gái mù. Ông già lập bập hỏi xem gã có thể chờ một lúc được không vì Phương đi vắng. Cô ngồi quay mặt ra đường, nét mặt bình thản. Nhiều khi gã ước mình có được sự thanh thản và cuộc sống giản dị như cô gái đang ngồi kia, không bon chen vật vờ như loài bướm đêm đến một ngày sã cánh chết gục.

Gã nói với ông già không chờ được, liệu cô gái kia có thể làm vào lúc này được không. Gã hướng về phía cô, chờ đợi…

Bác Cảnh hình như cũng nhìn cô. Ông ấy muốn cô tẩm quất sao? Hay ông ấy lại bị thương. Cô thấy lo cho ông, những vết thương lần trước đã làm ông đau đớn nhiều, nếu bị thêm nữa sao chịu nổi. Tại sao ông lại bị thương chứ? Cô miên man nghĩ, quên cả hai người đàn ông đang chờ cô trả lời.

Bác Cảnh hỏi lại lần nữa. Lương không trả lời mà vội vàng đứng dậy, lần tay đi vào phòng dành cho khách nam. Phía sau cô, bác Cảnh thu tiền của ông khách rồi tiếng bước chân đĩnh đạc, thong thả vang ngoài hành lang. Căn phòng nhỏ chợt lễnh loãng mùi mồ hôi, rồi cô nghe tiếng thang giường khẽ cót két. Vậy là ông ấy đã nằm trên giường. Cô nín thở xoa phấn vào lòng bàn tay, chầm chậm miết khẽ trên tấm lưng trần. Lần thứ hai cô tẩm quất cho người đàn ông này, những vết thương đã thành sẹo có cũ có mới nổi đanh dưới tay cô. Ông ấy không bị thương như lần trước – cảm giác an lành tỏa lan gương mặt cô, đôi tay mạnh dạn trườn dọc cườm tay, cườm chân ông. Những bó cơ săn chắc của người đàn ông trung niên mềm dần, thư thái buông lỏng.

Người khách thật ít nói, hai lần gặp cô mỗi lần cả tiếng đồng hồ mà ông ta không hề hỏi han chút nào khiến cô vừa cảm kích vừa ấm ức. Không hiểu ông ta tế nhị không muốn làm cô buồn nên tránh hỏi về cuộc sống của người mù hay coi thường cô?

Vị khách xoay người, từ tốn yêu cầu được mát xa đầu và cổ. Cô khẽ dạ rồi làm theo. Bộ tóc cứng gọn gàng ốp sau gáy, da đầu lồi lõm chứng tỏ có nhiều sẹo, cô cảm nhận điều đó rất rõ khi lùa hai bàn tay ôm khít lấy đầu đặt tay vào huyệt thái dương. Sự tò mò trỗi dậy trong tâm trí cô. Đã mấy lần cô đưa tay xuống dưới cằm ông rồi lại vội rút lên, tim đập thình thịch như vừa làm điều gì mờ ám.

Còn gã, nhìn đồng hồ định nhỏm dậy vì cần phải về. Gã cảm thấy hình như cô gái vừa tẩm quất vừa nhìn gã, nhưng cô ấy mù kia mà, gã lắc đầu tự cho mình lẩm cẩm. Cô gái vẫn cần mẫn lần tay tìm từng huyệt đạo trên đầu. Gã muốn quên đi trận đấu, quên đi khói vũ trường mù mịt để nằm lại đây thêm một lúc, chỉ một lúc thôi.

Đúng lúc ấy chuông hết giờ vang lên, gương mặt cô gái thảng thốt, vội dừng tay. Rồi như còn lấn bấn gì đó, hai bàn tay cô cứ vầy nhau hậm hụi:

- Ông… ông có muốn tôi mát xa vùng mặt không?

Đang lúi húi xỏ chân vào dép, gã giật mình vì tiếng nói của cô. Gã quay lại, đăm đăm nhìn rồi nhún vai:

- Cảm ơn cô…! Nhưng hết giờ rồi. Chắc cô cũng đã mệt.

- Tôi có thể làm thêm cho ông mà không tính công. Thật đấy.

Cô gái vội vàng nói như sợ gã sẽ đi ra ngoài mất khiến gã buồn cười. Đời đã dạy gã rằng chẳng ai cho không ai quả ớt, nhưng ở đây gã biết cô nói thật lòng. Giọng nói nửa như đề nghị, nửa giống thỉnh cầu. Không nỡ từ chối, gã chặc lưỡi nằm xuống nhắm mắt lại, trong đầu bộn những dấu hỏi.

Còn cô biết người khách đã nằm xuống, đầu hướng về phía mình. Bắt đầu từ đỉnh đầu, cô lân tay nhẹ xuống trán, qua ấn đường, lướt trên hai hàng lông mày rậm, hai hốc mắt đầy, sống mũi dài, cánh mũi dày hơi bạnh, gò má xương xương, chiếc cằm vuông… Gương mặt không có sẹo, nhiều nếp nhăn, da dày và hơi thô chứ không bóng nhẵn, tròn bạnh no nê như những gương mặt khác. Chủ nhân của gương mặt đột ngột đưa tay bắt lấy cổ tay cô:

- Cô gái, cô nói thật đi. Cô muốn sờ mặt tôi làm gì?

Tiếng nói đanh và gằn làm cô rụng rời, lắp bắp nói không ra hơi:

- Thưa ông, tôi…tôi… chỉ muốn mát xa mặt… để ông dễ chịu chứ không hề có ý gì.

Cô nói một hơi như sợ ai cướp mất lời.

- Không đúng!

- Thật là tôi không có ý xấu. Mong ông tin tôi…

- Tin cô… Hừ, cô mau nói lí do đi, nếu không tôi sẽ mời người có trách nhiệm ở đây ra nói chuyện phải quấy.

Cô hoảng thực sự, sự việc chẳng có gì nhưng cô không muốn rầy rà. Cổ tay vẫn bị kẹp cứng đau tê dại.

- Thực ra…

- Cô nói đi!

- Thực ra… tôi chỉ… thực ra tôi chỉ muốn biết trông ông như thế nào thôi.

- Vì sao? – Vẫn gằn từng chữ.

- Chả vì sao cả. Tôi không nhìn được nên đành phải cảm nhận và luận vẻ mặt con người thông qua đôi tay.

- Đơn giản thế thôi à. Vậy trông tôi thế nào?

Tay cô đau nhói. Máu dồn ứ lại trên bắp tay.

- Ông không đẹp, mặt vuông gầy, trán và má nhiều nếp nhăn. Mắt đầy, mũi nở, nhân trung dài và sâu…

- Tại sao cô muốn biết về khuôn mặt tôi? Cô muốn khoe tài sờ mặt người khác của người mù các cô sao? – Vẻ chế giễu ẩn trong câu nói.

- Ông…!

- …

- Ông đừng nói thế…

- …

- Tôi chỉ muốn cảm nhận gương mặt của con người. Sống trong bóng tối, tất thảy chỉ lờ mờ ảo giác. Tôi hi vọng nhận biết được người tốt kẻ xấu qua gương mặt họ dù tôi không nhìn thấy.

- Cô thấy tôi thế nào?

- Với đôi tay tôi, ông là người tốt.

Im lặng, cánh tay cô thoát khỏi lực bóp rơi tự do lên mặt đệm. Mùi mồ hôi dần dần tở ra khỏi phòng. Lương đưa tay lên mặt mình, tỉ mẩn theo từng đường nét. Chưa bao giờ cô muốn được nhìn thấy chính mình như lúc này.

Phía ngoài vẳng tiếng bác Cảnh chào tiễn khách.

9.

Trời đổi gió, sắp chuyển mùa nên không khí có phần ẩm ướt. Hai tháng nay cô không còn gặp lại người khách dù vẫn có ý chờ. Anh Phương cũng bảo lâu rồi ông không đến, anh muốn khoe thằng cò nhà anh đã biết gọi bố mẹ và biết gọi cả bác Lúa rồi. Thì ra ông ấy tên là Lúa. Anh còn bảo khổ thân bác Lúa, làm bảo vệ ở vũ trường hay bị đòn lắm mà chẳng có người chăm sóc. Hay là ông ấy ốm, cô vu vơ nghĩ. Cô nghĩ cả đến Ngà vừa sinh con trai đang về nhà mẹ đẻ ở cữ. Thấy trời còn sáng, cô xin phép bác Cảnh về sớm đi thăm. Bác Cảnh gửi cô hai chục ngàn, bảo mua gì thăm Ngà giúp bác, nói bác mừng cho nó có mái ấm gia đình rồi vội quay vào trong. Lòng cô chợt xót xa theo từng vệt dép lê loẹt quẹt.

Lương còn đứng mãi tới khi bác quay ra. Ông già quờ tay chạm vai cô, nhắc nhở:

- Đi đi cháu, kẻo muộn đấy.

- Vâng, con đang chờ anh Mão về.

- Hôm nay nó không chạy xe đâu, cháu chịu khó ra đầu ngõ chợ, thế nào cũng bắt được xe.

Lương chào ông rồi cẩn thận dò từng bước trên hè phố. Ông già lần ra cửa, hướng theo tiếng chân cô rồi lẩm bẩm nói một mình: “Cả con nữa, con gái ạ. Nhất định rồi con cũng tìm thấy mái ấm cho mình.”

Người xe ôm đón khách ở đầu ngõ chợ cô không quen nên cẩn thận mặc cả. Kiệm lời, anh ta bảo cô trả thế nào cũng được, ai lại đi bắt chẹt các cô. Giọng nói đanh đanh khiến cô ngờ ngờ. Xe đi được một đoạn dài, đến khúc quặt, phanh gấp làm cô đổ sấp mặt vào lưng người lái. Mùi mồ hôi khét nồng khiến cô buột miệng hỏi:

- Có phải ông Lúa không?

Người ngồi trước thoáng giật mình, cắm cúi lao xe đi trong mưa bụi. Lương đắn đo một lúc rồi để tin chắc vào giác quan của mình, cô mạnh dạn đưa tay ra trước khẽ chạm vào cườm tay trái đang cầm lái. Phản xạ tự nhiên, cánh tay rụt lại. Trượt trên năm đầu ngón tay cô là vết sẹo lồi dài trơn…

Trên quãng đường còn lại người đàn ông im lặng, cô cũng lặng im giữa phố đông người hối hả. Ngồi sau xe, cô muốn hỏi ông thật nhiều điều rồi lại thôi. Thực ra ông là ai, từng làm gì, tại sao lại bị thương… đối với cô lúc này đâu còn quan trọng. Những ngón tay đã mách bảo cô rằng ông là người tốt và sẽ luôn là người tốt.

Cô tin thế.

P.V.A

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)