. NGUYỄN HÙNG SƠN
Những ngày hè oi ả của năm Mậu Thân 1968, người dân xã Đại Thịnh huyện Đại Sơn thường thấy cô Trương Thị Vinh, xã đội trưởng đi đâu cũng có chú chó đen mượt như con gấu choai bám theo. Vì có đốm trắng trên hai tai nên người ta gọi nó là Đốm. Đó là con chó săn nổi tiếng mà Đoàn, em trai chồng để lại cho cho chị dâu trước ngày lên đường nhập ngũ. Chẳng biết lai lịch nó có đúng là chó săn lai như Đoàn nói không, nhưng cả huyện Đại Sơn, nơi có nhiều phường săn nhất tỉnh cũng không tìm được con thứ hai. Tuy không cao to như những con béc-giê của đồn biên phòng nhưng nó vượt trội hơn các con chó săn thông thường. Con Đốm có tốc độ như tên bắn. Khi gặp mang, chồn, cheo…, nó phóng vút tới rồi nhảy lên lưng dùng chân kẹp chặt con mồi, cắn đứt gân, đứt mạch máu cổ. Gặp nai, lợn rừng, bò tót to lớn, nó chạy quẩn phía trước chặn để thợ săn nã đạn.
Minh họa: Hải Kiên
Nhưng rồi một biến cố khiến con Đốm không còn được tung hoành theo cánh thợ săn. Một trận bom B52 trút xuống ngôi làng trung tâm xã Đại Thịnh làm hai mốt người chết, trong đó có cha mẹ Vinh, Đoàn. Đau đớn nhất là những người khác đều còn thân xác, dẫu có bị tướp táp nát bươm, còn hai cụ thì tan biến theo hơi bom, khói đạn.
Giữa lúc chị em Vinh như người mất hết hồn vía, không biết xác cha mẹ đâu thì bỗng thấy con Đốm cứ hướng về phía ngọn bụi tre gần đó mà tru. Tiếng tru nghe thảm thiết, đau đớn như sói con mất mẹ. Đôi mắt nó đỏ hoe, ầng ậc nước. Nghe tiếng tru của Đốm, chị em Vinh và một số người chạy lại, cũng là lúc hàng chục con quạ kéo đến chao liệng cùng những tiếng kêu rợn người. Mọi người nhìn lên. Trên ngọn tre lẵng thẵng những đoạn ruột ngắn. Người ta dùng sào khua, lấy đá ném, dùng súng bắn lũ quạ rồi chặt tre, tỉ mẩn gỡ ở từng cái gai, chiếc lá, lấy từng mẩu ruột của hai ông bà cho vào một tiểu sành. Ngôi mộ chung của ông bà được đặt ở cạnh hòn đá đen to như ngôi nhà năm gian - tảng đá to nhất của đồi đá đen với hàng trăm hòn rải rác nhìn xa như đàn trâu đang gặm cỏ.
Sau trận bom ấy, đang học dở lớp 10, sắp thi tốt nghiệp nhưng Đoàn không còn hứng thú học hành nữa. Cậu một mực đòi đi bộ đội. Nhà neo đơn nhưng Vinh không nỡ ngăn em.
Đoàn đi, căn nhà trở nên trống trải đáng sợ. Nhiều đêm Vinh ngơ ngác tự hỏi sao mình lại để em đi. Nỗi lo lắng cho chồng đang ngày càng đầy, giờ lại thêm em đi vào vùng lửa đạn khiến Vinh thon thót đêm ngày. Con Đốm như hiểu nỗi niềm. Nhiều bữa bần thần bên ngọn đèn dầu leo lét hàng giờ, chợt thấy bóng mình, bóng chó cùng in lên vách nứa chập chờn, Vinh chợt hiểu con Đốm đã ngồi bất động cạnh mình suốt buổi. Nước mắt Vinh trào ra. Chắc Đốm cũng nhớ Đoàn lắm. Ngày xưa, Đoàn quý Đốm như vàng mười, ngày nào cũng đưa ra sông Ngàn Phố tắm. Có lần lên nhận bằng khen của tỉnh đội về, Đoàn dí nó vào sát mắt Đốm nói, của mày đấy. Họ đề tên tao nhưng công lao của mày. Như biết chủ nhân nói gì, cái đuôi nó ngoáy tít, mông vẹo sang hai bên trông rất buồn cười, miệng ư ử rên sung sướng.
Chuyện về cái bằng khen này khá li kì. Lợi dụng đêm tối, giá rét mịt mù, địch thả một toán biệt kích xuống cánh rừng gần biên giới Việt - Lào. Sau ba ngày truy lùng, bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Đại Sơn bắt được năm tên. Bọn chúng khai toán trưởng và tên phụ trách điện đài vẫn còn lẩn trốn. Các ngả đường sang Lào được chặn, biên phòng cùng chó béc-giê và dân quân rà đi rà lại, sục hết các ngóc ngách nhưng cả tuần vẫn bặt tăm. Xã đội trưởng Vinh huy động các phường săn vào cuộc. Đoàn đưa con Đốm tham gia. Sau một hồi đánh hơi, nó dừng lại ở một hẻm nhỏ bên trong có vách đá sâu tít nơi núi Giăng Màn. Cái hẻm ấy quá nhỏ, chó béc-giê không cách nào lách vào được nên chẳng ai nghĩ hai tên biệt kích trốn trong đó. Nhưng con Đốm đã ệp bụng xuống, lết bằng hai chân trước tiến vào. Mất hút khoảng nửa tiếng, nó hiện ra ở rìa vách cheo leo phía trong, hai chân trước bám vào tảng đá, ngửa cổ lên một thân cây có tán rậm mọc chìa ra che khuất ở lưng chừng vách đá, sủa dữ dội. Hóa ra, hai tên biệt kích đã dùng dây leo núi đặc chủng vượt qua hẻm đá rồi quăng tiếp lên đó ẩn nấp. Khi bị bắt, chúng khai đã liên lạc được với chỉ huy ở Sài Gòn và gián điệp nội địa. Tương kế tựu kế, ta giăng lưới bắt gọn toán biệt kích tiếp theo và bọn nội gián. Hôm đó, khi về đến nhà, con Đốm bị khá nhiều vết gai, đá, cào xước. Có lẽ nó đã phải chui rúc rất vất vả mới đánh hơi được hai tên biệt kích kia.
Lần khác, trung đội dân quân trực chiến do Trương Thị Vinh chỉ huy bắn rơi một máy bay Thần Sấm. Tên giặc lái nhảy ra gặp lúc gió nồm thổi mạnh nên dù bay lên rừng. Đã thành quy ước, hễ máy bay địch bị bắn hạ, tất cả dân làng đều tham gia vây bắt giặc lái. Nhưng hôm ấy, khi đến nơi mọi người chỉ thấy xác dù. Xác định tên giặc lái chỉ trốn ở bán kính 700 mét, nhưng tìm mãi vẫn không ra. Một lần nữa con Đốm lại lập công. Lần này, tên giặc lái ở trên cây. Thì ra, đây là một là một biện pháp mà bọn chúng đã được huấn luyện. Trốn trên cây vừa bất ngờ, lại tránh được sự phát hiện của chó. Nhiều người cho rằng hai vết trắng trên tai con Đốm giúp nó nghe được những tiếng động lạ rất nhỏ, kết hợp cái mũi thính đánh hơi nên mới phát hiện được tên giặc lái trốn rất kĩ ở trong cái hốc ruỗng trên chạc ba của một cây um tùm - điều mà các con chó khác không làm được.
Sau hai lần bắt tù binh, tiếng tăm con Đốm nổi như cồn. Nhiều người hỏi mua với bất cứ giá nào nhưng Vinh không bán. Cô không muốn mất đi “người thân” cuối cùng của mình. Cô chăm Đốm như chăm con. Tắm cho Đốm xong, cô mới tắm cho mình. Chải lông Đốm xong cô mới chải tóc. Không biết tự bao giờ, Vinh coi Đốm không còn là chó nữa. Cô thích ôm, thích hôn lên thảm lông mượt mà như nhung của nó.
Minh họa: Hải Kiên
Vinh không có vẻ đẹp “duyên bong ra ngoài” nhưng cái duyên trong thầm lặng mà mặn mòi, hấp dẫn của cô thì hiếm ai sánh kịp. Đã thế, cô còn hơn người ở tấm thân cân đối khỏe mạnh rất “thể thao”. Gương mặt trái xoan, da trắng, sáng. Đôi mắt đen mở to tươi tắn khiến ai đã nhìn một lần là muốn nhìn thêm lần nữa. Trong lần dự tập huấn thể thao quốc phòng ở huyện, anh phó phòng văn hóa thể thao, kiêm huấn luyện viên mê cô như điếu đổ. Mấy tháng sau, nhân có đợt nằm vùng chỉ đạo phong trào, anh cùng một trợ lí đi cùng về xã Vinh. Anh đã mê đồi đá đen, càng khoái khúc sông có vực sâu, thác nước dào dạt tạo nên hồ bơi tự nhiên không cần nhiều công phu, tiền của. Lại có cả một khe nước nóng, chỉ cần mấy chục công lao động là có luôn bể nước nóng để tắm mùa đông. Đấy là chưa nói tới bãi cỏ xanh mướt giữa các hòn đá có thể dạo chơi và nằm ngắm trời xanh, mây trắng. Dự án báo cáo khả thi và anh phó phòng trực tiếp chỉ đạo kết hợp cùng sự giúp sức của Vinh.
Vinh cũng không ngờ xã mình lại có được một bể bơi tự nhiên tuyệt vời đến thế. Cô thầm cảm phục thầy có đầu óc và sự nhiệt tình với địa phương. Sự ngưỡng mộ ấy được cô thể hiện qua sự chăm sóc từ miếng cơm, ngụm nước đến giặt giũ giúp quần áo. Sự xích lại giữa hai người diễn ra hết sức tự nhiên. Cho đến hôm khi dự án còn ít ngày nữa là kết thúc, sau bữa cơm chiều, vì anh trợ lí về huyện nên chỉ có hai người, Vinh bóc quả cam bù chín đỏ thơm phức mời và cảm ơn thầy đã nhiệt tình vì địa phương. Anh cán bộ thể thao gật đầu nhìn Vinh đắm đuối rồi khẽ chạm tay lên mái tóc Vinh, bảo chỉ cần nhìn thấy em, nhảy vào lửa anh cũng làm chứ nói gì đến việc này. Vinh chợt thấy mình run rẩy. Lâu lắm rồi, cô không được nghe những lời âu yếm ngọt ngào, không được nhận ánh mắt yêu thương đến thế từ một người đàn ông. Sợ không kìm được mình, cô vội đứng lên nhưng đã bị bàn tay ấm nóng của anh chàng nắm lấy kéo ngồi xuống và bảo có điều muốn nói rồi thú nhận rằng khi thấy cô bận bộ đồ thể thao là anh quên hết mọi sự. Biết là sai nhưng Vinh giống ngọn lửa âm ỉ ở đám trấu giấm, hễ có ngọn gió là lại bùng lên. Giống như cây táo chặt bỏ cành cũ bật lên những mầm mập mạp…
“Thiếu gì các em trẻ đẹp chưa chồng mà anh cứ làm khó em? Trong đội mẫu của huyện có em Hòa, em Liên mê anh như điếu đổ đó thôi…”
Vinh định rút tay nhưng anh cán bộ thể thao không những không buông mà vuốt dần lên vai, lên má cô. Bàn tay ấm nóng và cứng cáp đầy mê dụ. Cô thấy nghèn nghẹt ở cổ. Vừa muốn giãy ra chạy đi thật xa, nhưng lại vừa muốn dụi đầu vào lồng ngực vạm vỡ kia. Trong đầu cô, những lời du dương “Em như ngọn gió thổi đốm lửa giấm trong đống trấu…” khiến cô mụ mị. Cảm nhận được sự lưỡng lự trong cô, vòng tay anh ta quàng lấy và siết chặt.
Gừ…gừ…gâu! Con Đốm thình lình sủa một tiếng như nhắc Vinh. Nó tiến thêm mấy bước, mắt nhìn Vinh nhưng bà chủ vẫn đứng lặng. Không biết nên làm gì, con Đốm cắn vào gấu quần anh cán bộ thể thao giật giật. Bị phá bĩnh bất ngờ, vòng tay anh ta hơi lỏng, mắt liếc con Đốm một cách sợ sệt. Vinh khẽ rùng mình. Mắt con Đốm khi ấy sao giống ánh mắt Đoàn thế. Vừa đắng đót, vừa van nài… Vinh biết, chỉ cần mình quát nhẹ, con Đốm sẽ lặng lẽ bỏ đi. Nhưng cô không thể cất lời. Khẽ thở ra một tiếng, cô nhẹ gỡ vòng tay nóng bỏng của người đàn ông rồi lặng lẽ cúi xuống khẽ vỗ vỗ lên đầu con Đốm.
*
* *
Trưa một ngày sau hòa bình lập lại. Đường làng nắng như đổ lửa, bóng một người mặc quần áo bộ đội, khoác ba lô đi như lao về phía nhà Vinh. Những bước chân cuối cùng chợt ngập ngừng khi gần tới cổng. Có vẻ như anh đắn đo một điều gì đó. Phải chăng anh đang nghĩ đến những sự trớ trêu trong ngôi nhà kia? Chín năm… đủ để vật đổi sao dời. Rồi cái bước chân ấy lại hăm hở. Hăm hở giống kẻ đang nghĩ đến cảm giác đê mê với người vợ trẻ hôm nao giờ sắp gặp lại. Vẫn bước chân ấy, lại ngập ngừng. Giống như anh đang tự đặt cho mình các tình huống rồi băn khoăn sẽ ứng xử thế nào. Người đàn ông ấy là Hoàng, chồng Vinh, trở về từ chiến trường. Rất may hôm đó Vinh ở nhà. Ngày nào nếu ở nhà, mắt cô chả ngóng ra ngoài cổng thấp thỏm đợi chờ. Vinh ào ra. Ập vào vòng tay chồng. Sau giây phút ấy, bao nhiêu kìm nén, cả yêu thương, giận hờn, thấp thỏm những biến cố không biết chia sẻ với ai tức tưởi trào ra. Cô òa lên, nước mắt đẫm đìa, người lả đi.
Giữa lúc đó thì con Đốm xuất hiện. Một sự xuất hiện không đúng lúc tí nào. Trong kí ức nó, không có người đàn ông mặc quân phục lạ hoắc kia. Và cũng chưa bao giờ, nó thấy cô chủ mình lại vật vã, khóc lóc thảm thương trong khi bị “kẻ thù lạ mặt” ghì chặt như thế. Trong đầu nó lóe lên những lần đi săn gặp gấu, hổ đang ghì con mồi, rồi những lần cô chủ mình bị bọn đàn ông lạ sàm sỡ. Cô chủ nguy rồi! Nó ân hận tự trách mình đã quá mải mê đuổi theo một “bóng vàng” dọc bờ sông. May mà nó đã về kịp. Nó tru lên một tiếng rồi phốc tới, bay lên bập hàm răng nhọn vào bả vai kẻ lạ...
Vì con Đốm nên hai vợ chồng Vinh có cuộc gặp lại không trọn vẹn. Hoàng phải khâu nhiều mũi, mấy tháng sau mới tháo được chỉ, nhưng vẫn để lại vết sẹo lớn. Hoàng chua chát nghĩ, chín năm dằng dặc chiến trường, bao lần bị trực thăng địch rượt; rất nhiều lần xuất trận, bao họng súng địch nhằm vào anh. Nhưng như có sự phù hộ độ trì, bom đạn đều tránh, anh không mảy may dính một vết thương. Vậy mà…
Vết thương con Đốm để lại ấy, lại càng tấy hơn khi trong thời gian anh nằm ở trạm xá xã, có vài lời to nhỏ của một hai người đến thăm, rằng vợ anh thân mật với con Đốm quá mức bình thường. Hoàng về căn vặn vợ. Dù được Vinh giải thích, con Đốm là cục cưng của Đoàn, trước lúc nhập ngũ, chú dặn phải chăm sóc con Đốm chu đáo; viết thư về Đoàn còn nhắc chị tắm cho Đốm bằng xà phòng thơm mới không lo bị ve, rận đốt... Với lại, nhờ con Đốm mà cô đỡ buồn, lại không lo bọn trộm cắp, bọn đàn ông gạ gẫm. Nhưng Hoàng vẫn bán tín bán nghi. Không dưng người ta lại đặt điều. Và cái ác cảm với con Đốm từ lần gặp đầu tiên khiến anh không thể nào đối xử với nó bình thường được. Anh quát đuổi con Đốm ra khỏi nhà. Vinh cho chó ăn ở góc nhà, anh lẳng âu cơm ra sân. Vinh hỏi sao anh nỡ đối xử với nó thế. Hoàng mặn nhạt bảo, cô yêu nó hơn yêu tôi nhỉ. Chó ăn cơm ở sân thì có gì là tệ bạc. Loài chó, cứt ở chuồng phân nó còn ăn ngon lành nữa là. Anh bắt ne bắt nét Đốm từng tí. Bất cứ khi nào, Hoàng cũng có cớ để đánh mắng nó.
Mỗi lần như thế lòng Vinh nhoi nhói nhưng không dám bênh vực con Đốm. Con Đốm buồn rã rượi, nằm như dán ở góc sân, không dám vào nhà.
Sau hơn nửa năm chồng về, Vinh vẫn chưa có bầu bí gì. Ban đầu cô nghĩ do bực bội vì chuyện con Đốm “phản chủ” nên anh không mặn nồng chăn gối. Chợt nhớ có lần anh hăm hở lắm nhưng “trên bảo dưới không nghe”, cô hiểu sức khỏe anh có vấn đề. Cô mua chim câu hầm hạt sen, gà ác tần ngải cứu, rồi thì trứng vịt lộn tẩm bổ..., nhưng sức khỏe anh vẫn không khá hơn. Cô bàn anh đi bệnh viện tỉnh khám, điều trị một đợt, nếu tây y không cải thiện được tình hình thì chuyển sang đông y. Anh nhất trí ngay.
Đưa chồng đi bệnh viện, Vinh muốn tách anh xa con Đốm. Sau hai tuần ở bệnh viện đa khoa tỉnh, sức khỏe Hoàng cũng được cải thiện, tăng hơn một cân, da dẻ bớt xanh xao nhưng vẫn còn gầy yếu. Anh không có bệnh gì nghiêm trọng nhưng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do di chứng sốt rét. Được người mách, Vinh mua cặp nhung hươu cho Hoàng. Cô cho nửa thìa cà phê bột nhung vào bát cháo cho chồng ăn. Khi anh chán thì bỏ vào rượu uống. Có lúc cho vào mật ong cùng lưng chén nước sôi… Một thời gian sau, thể trạng Hoàng khá lên nhiều. Da dẻ nhuận sắc trở lại. Còn con Đốm, thời gian này cũng tươi tắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, suốt ngày líu ríu quấn lấy chân Vinh nhưng ánh mắt thi thoảng lại nhớn nhác hướng ra cổng. Vinh nhìn thấy thế thương lắm, nhưng cũng không biết làm thế nào cải thiện được tình cảm của Hoàng dành cho nó.
Cũng trong dịp đó, một cán bộ đơn vị của Đoàn tìm về. Tin đồn Đoàn đã hi sinh trước ngày toàn thắng đã bay về làng từ lâu, nhưng gia đình chưa tin, vẫn hi vọng chờ. Giờ thì mọi sự đã rõ ràng. Khi chuyển di vật của Đoàn cho gia đình, người cán bộ cho biết thêm mộ Đoàn hiện ở Trảng Bom, gần Xuân Lộc, nơi bọn địch tử thủ ngăn chặn quân ta tấn công vào Sài Gòn. Đơn vị sẽ tạo điều kiện để gia đình làm thủ tục đón Đoàn về.
*
* *
Ngày đưa hài cốt liệt sĩ Đoàn về mai táng tại đồi đá đen, khi vừa nhìn thấy di ảnh Đoàn lồng khung kính, con Đốm mừng rỡ đuôi ngoáy tít lao đến. Vinh hạ khung ảnh xuống, Đốm dùng hai chân giữ lấy và liếm khắp “mặt” Đoàn. Đến khi thấy người ta khiêng tiểu sành đến huyệt đã đào sẵn thì nó chợt hiểu. Người mà nó mong chờ đã chết. Ngày táng các cụ thân sinh Đoàn nó đã thấy, đã biết. Nó xông lại, định nhảy xuống huyệt nhưng bị chặn lại. Không được, nó ngồi xuống trước di ảnh tru lên thống thiết, đôi mắt giàn giụa nước.
Cử chỉ của con Đốm khiến dân làng rất xúc động. Nhiều người đã khóc. Hoàng cũng trào nước mắt. Anh chợt hiểu vì sao mà vợ mình lại yêu quý con Đốm đến vậy. Từ bữa ấy anh không còn khắt khe với Đốm nữa. Nhưng con Đốm thì khác. Hễ thấy bóng Hoàng là ánh mắt nó đầy cảnh giác. Nó lảng đi chỗ khác để khỏi giáp mặt Hoàng.
Sau khi làm lễ 100 ngày và xây mộ cho em, Vinh về thị xã dự lớp bồi dưỡng cán bộ ba tháng ở trường Đảng tỉnh. Cô đi học trong tâm trạng phấn chấn vì những bế tắc đã được giải tỏa. Sức khỏe của chồng được cải thiện, tình cảm vợ chồng lại gắn bó mặn nồng. Cô đã có thai được ba tháng và quan trọng nhất, chồng cô đã không còn ghét con Đốm. Vinh muốn nhân thời gian mình không có nhà, Hoàng sẽ làm lành với Đốm. Cô nhờ người chị họ đi chợ mua thực phẩm và nấu nướng giúp vì muốn Hoàng được nghỉ ngơi.
Một lần, Hoàng đang ăn ở trong nhà, nghe chó sủa giật, chạy ra thấy mặt chị họ tái mét. Nhìn mảnh âu vỡ cùng thức ăn của chó vung vãi đầy góc hiên nhà, không hiểu sao, những dồn nén trước bỗng bùng lên. Thái dương Hoàng rần rật, anh vớ luôn cái đòn gánh gần đó nện vào lưng Đốm một phát. Bị đánh bất ngờ, Đốm không tránh kịp, kêu lên một tiếng thảng thốt rồi ngã ệp xuống. Mãi nó mới run run đứng dậy được.
Hoàng đứng như trời trồng.
Từ hai hốc mắt, hai giọt nước lăn xuống, con Đốm dẹo dọ đi ra phía bờ ao.
Hoàng bỗng thấy ân hận, anh hỏi cơn cớ làm sao mà con Đốm sủa giật thế. Người chị họ bấy giờ mới kể, thấy con Đốm ăn xốc mạnh quá, sợ thức ăn rơi ra bẩn, chị cầm âu cơm định đưa ra góc sân, con Đốm ngẩng lên sủa, chị giật mình làm rơi âu xuống nền gạch. Giời ạ. Em cứ tưởng nó cắn chị, lại thấy nhà cửa tanh bành… Chứ nó ăn ở đó suốt, có sao đâu. Chị muốn bê cái âu ra sân thì nói với nó một câu, đời nào nó sủa.
Con Đốm lặng lẽ nằm hai ngày một đêm ở góc bờ ao, không chịu ăn uống gì dù Hoàng lân la làm lành, xin lỗi. Sau đêm thứ hai, Hoàng ngủ dậy đi ra thì không thấy nó đâu nữa. Gọi rồi tìm quanh cũng không thấy. Biết con Đốm còn đau không thể đi xa, vậy mà tìm khắp cái vườn rộng nửa mẫu không có. Ra cả bờ sông vẫn biệt tăm.
Mãi đến chập tối, anh mới nghĩ ra.
Hoàng vội vàng chạy ra nghĩa trang.
Trên mộ Đoàn, con Đốm duỗi dài mõm ghếch lên tấm bia. Hoàng đặt tay lên mũi nó. Không còn hơi thở. Người nó vẫn còn mềm mại ấm nóng.
Hoàng ôm mặt, nước mắt giàn giụa. Chân khuỵu xuống. Một nỗi đau trào lên không kém gì lúc ở chiến trường trước những cái chết của đồng đội.
Triều Khúc, xuân Tân Sửu
N.H.S
VNQD