Phù thủy thứ thiệt

Thứ Tư, 18/08/2021 00:55

NGUYỄN THỊ KIM HÒA

 

Minh họa: Nguyễn Anh Vũ

1.

- Em muốn ăn nho!

Tí Xíu nói.

Từ bệnh viện về, tôi chạy giáp vòng chòm rẫy, gặp giàn nào nho đang chín bói cũng ghé vô. Rốt cuộc, cũng “tuyển” được một chùm ưng ý vô cùng. Đó là một chùm nho nhỏ xíu, y chang tên em. Nhỏ mà trái nào trái nấy mình tròn căng, da mọng đỏ, tôi cắn thử ngọt mê răng.

Tí Xíu cười híp mắt khi thấy món quà tôi đem cho em.

Xán lại bên tôi, mắt em hao háo ngó chùm nho đỏ. Vẻ linh lợi trên gương mặt em trở lại. Cái miệng nhỏ chắp chắp liên tục. Tôi như nghe cả tiếng em nuốt nước bọt đánh ực. Cơn thèm ăn làm em giống hệt con cừu Ú Nu háo đói luôn be be om sòm đòi cỏ. Giống cả tên mèo Giày Trắng hễ nghe mùi cá kho là lính quýnh chạy tới chạy lui, reo meo meo.

Không nỡ để em chờ lâu, tôi bứt ngay một trái nho, hí hoáy lột vỏ.

- Em ăn đi. Nho ngọt...

Chát!

Câu nói tôi đứt phựt nửa chừng. Bởi một cú đánh giáng xuống.

Bàn tay tôi điếng lên. Trái nho chưa kịp chạm tay Tí Xíu đã văng ra đất.

- Con đi ra ngoài cho mẹ!

Tôi líu ríu bước ra. Ánh mắt giận dữ của mẹ. Trái nho tội nghiệp lấm đất, bẹp dí trong góc phòng. Nhát mẹ đánh vẫn còn đau rần trên tay. Nhưng tôi đâu dám khóc. Bởi Tí Xíu, em gái tôi, đang đập tay, giậm chân thình thình xuống nệm giường, khóc toáng:

- Con muốn ăn nho! Cho con ăn nho!

Bịt tai, cắm đầu cắm cổ, tôi chạy trốn tiếng khóc đòi ăn của em. Sao Tí Xíu bắt chước chi tật xấu mê ăn của đám Ú Nu, Giày Trắng? Sao tôi không thể cho em tôi món ăn em thích, dù chỉ một trái nho nhỏ xíu xiu thôi?

 

2.

- Công chúa Bạch Tuyết vừa cắn một miếng táo đã ngã lăn ra đất, không bao giờ tỉnh dậy được...

- Nhưng trái nho đâu có tẩm thuốc độc đâu, Hai. Nho khác táo chớ bộ!

Tí Xíu vẫn xụ mặt. Em ngồi trên giường. Đầu gối gác hai cánh tay khoanh. Hai cánh tay gác thêm gương mặt giận hờn. Phải công nhận em gái tôi là người thông minh nhất quả đất. Nếu tấm gương thần trong truyện Bạch Tuyết có thật, thử đứng trước gương và hỏi “Thế gian này ai thông minh nhất?” xem, chắc cú bạn sẽ nghe tấm gương đọc vanh vách tên em. Không thông minh, sao em đoán ra tôi kể chuyện Bạch Tuyết để khuyên em đừng tiếc mấy trái nho.

“Kali em đang cao(1). Ăn trái cây vô, sẽ hại tim. Lỡ em khó thở, ngất xỉu như bữa trước sao con!”

Làm sao tôi lặp nguyên si lời ba nói cho em được?

Mới đau đầu, nhức răng, té trầy chân sơ sơ, với tôi, đã là những kỉ niệm thật buồn. Huống hồ, Tí Xíu còn không thở được, ngất xỉu. Buồn ắt hẳn ghê gớm đến mức nào. Nhắc lại một nỗi buồn, chẳng có gì hay. Không như nụ hoa, càng bung cánh càng tỏa ngát hương thơm, nỗi buồn cần được gói lại, đóng hộp, dán thêm mấy lớp băng keo.

- Nho cũng bị xịt đầy thuốc rầy đó nha! – Tôi tiếp tục làm người kể chuyện.

Ý đồ khuyên nàng “Bạch Tuyết” Tí Xíu tránh xa các quả nho đã bại lộ. Tôi đành tự sáng tác một câu chuyện khác. Nghe ghê hơn.

- Hồi trưa, lúc hái nho đó, Hai thấy thuốc bám đầy mấy chùm nho, trắng bóc hết luôn à. Gớm lắm!

Người nghe kể chuyện có vẻ đã bớt xụ mặt. Đôi chân mày nhỏ thôi chau lại. Cái cằm gác trên cánh tay có nhúc nhích, như muốn nhấc lên.

-Vậy sao Hai còn đem cho em ăn?

Không hổ danh người nghe kể chuyện siêu thông minh! Hỏi câu nào, tức thì làm người ta rối trí ngay. Đến “chuyên gia làm văn” của lớp, người từng đọc hết năm quyển cổ tích dày cui như tôi, trước em, cũng phải lắp bắp.

- Thì.... thì.... ai kêu em cứ đòi. Hai ăn có một trái thôi nè, mà sớm giờ ê hết bụng.

Tôi giả bộ xoa xoa thêm cái bụng, nhăn mặt.

Tí Xíu nhỏm dậy ngay tức khắc. Lục trong túi áo, em lấy ra một chai dầu nhỏ, có dán hình ông Phật.

- Hai xức dầu này nè, Hai. Dầu bà già Ghế Đá mới cho em. Hay lắm!

Cực chẳng đã, tôi đành vén áo, chìa bụng. Tí Xíu hăng hái chấm nước dầu cho tôi, còn vẽ xung quanh rún tôi hẳn một vòng tròn. Người nghe kể chuyện, nàng Bạch Tuyết đang hờn của tôi, giờ thành bác sĩ.

- Yên tâm. Hai hết đau liền à!

Bác sĩ dầu chắc nịch giọng, cam kết với tôi. Còn gục gặc đầu, hài lòng. Từ ngoài cửa, đầu ba cũng khẽ gật. Bật ngón cái, ba tặng thêm tôi một like và một nụ cười hết cỡ. Tí Xíu đã hết ngồi ủ rũ, hờn giận. Nhiệm vụ ba giao, tôi rốt cuộc cũng hoàn thành. Thật là một nhiệm vụ quá khó khăn. Vì tôi ghét mùi dầu. Da bụng tôi giờ lại đang nóng quá đi mất. Đã vậy, bác sĩ dầu còn vừa phát hiện ra vết đỏ trên chân tôi, reo lên:

- A. Muỗi cắn nè. Để em xức dầu cho. Hết đỏ liền!

Minh họa: Nguyễn Anh Vũ

3.

Tôi vẫn chưa dám nói chuyện với mẹ, từ bữa mẹ nổi giận trong bệnh viện. Còn chỗ tay bị mẹ đánh chỉ đau tí tẹo rồi hết. Chùm nho - thủ phạm khiến tôi bị ăn đòn - ức quá, tôi đã “thủ tiêu” sạch vô bụng. Vụ đòi ăn nho cũng không còn nghe Tí Xíu nhắc. Vương quốc nhà tôi trở lại thanh bình. Chỉ bà hoàng hậu, tức mẹ tôi, vẫn không chịu cười. Cả tuần rồi, tôi chỉ thấy mẹ cáu kỉnh, bực mình. Mẹ la Giày Trắng um sùm khi nó cứ quấn lấy chân mẹ trong bếp. Mẹ quất Ú Nu mấy roi rõ đau lúc nó ăn hỗn đám rau trong vườn. Ba mở tivi hơi to tiếng, mẹ cũng rầy tuốt. Cả thằng Tin hàng xóm cũng nhận ra mẹ khác. Lúc tôi đang hái mấy bông đậu biếc bên bờ rào cho mẹ nấu nước, nó thò đầu qua.

- Ê. Mẹ mày đi chợ chưa?

- Rồi. Chi vậy?

- Nói nghe nè. Mẹ mày coi chừng là... mẹ giả đó!

Nó nói. Mặt dáo dác nhìn ra cửa ngõ.

- Là sao?

Nhìn điệu bộ nó, tôi tự nhiên cũng hồi hộp theo.

- Là mẹ thiệt mày bị bắt cóc rồi. Chớ sao! Mẹ thiệt mày đâu hung dữ vậy! Trưa tao mới kêu mày to chút tí, mẹ mày đã chửi quá trời...

Tào lao! Tôi ném nó bằng một bông hoa khô. Cái thằng truyện cổ tích không chịu đọc, suốt ngày đi coi hoạt hình thám tử Conan. Mở miệng ra toàn chuyện bắt cóc với vụ án. Dám chê mẹ tôi hung dữ! Thật uổng công đứng nghe nó nãy giờ. Bực quá, tôi xách rổ, trở vô nhà.

- Ê. Ê. Đi đâu vậy? Không hỏi tao kiếm mày chi hả?

Tôi quay ra lại. Giọng nó nghe hốt hoảng. Thấy cũng tội tội.

- Kiếm tao chi?

- Tao có cái này...

Nó đưa một hộp vuông trong suốt qua bờ rào. Cái hộp to phải gấp ba bàn tay tôi, bụng bảnh tọe thắt nơ đỏ.

- Mày đem cho Tí Xíu nha. Hạt điều rang muối đó. Ngon lắm. Tao để dành từ Tết tới giờ...

Cùng với Tin, đám hạt điều đang xếp hàng trong hộp ngó tôi. Toàn những hạt mập tròn, da nâu lấm tấm muối. Đứa nào đứa nấy ra sức khoe vẻ chắc nịch, béo giòn. Tôi đành làm cả bọn thất vọng.

- Tí Xíu không ăn cái này được đâu! Bác sĩ kêu phải cữ hạt khô nè, muối nè, nước dừa nè, chuối nè, cam ép nè...

Thằng Tin có vẻ bị tràng nè nè của tôi làm hoa mắt. Mặt nó ngơ ra, nhìn vừa tội vừa thắt cười. Phải bảng giấy đỏ bác sĩ đưa cho ba mẹ cũng dễ thuộc như bảng cửu chương, tôi đã kể thêm vài món Tí Xíu không được ăn nữa. Cho nó chóng mặt chơi.

- Vậy... giờ hộp hạt điều này tính sao?

Đứa chưa hết ngơ hỏi qua bờ rào.

- Ai biết! Đồ của mày mà. Sao hỏi tao!

Mấy bông đậu biếc rung rung cười. Bên kia, giàn lá xanh im ru…

Lát sau, trên bờ rào, cái hộp thắt nơ đỏ bỗng xuất hiện trở lại.

- Tao nghĩ ra rồi. Tí Xíu không ăn được. Thì mày giữ ăn đi. Ăn thấy sao, mày vô kể cho nó nghe. Hồi tao bịnh, không ăn được cơm gà, tao cũng kêu anh tao ăn, rồi kể mùi cơm gà cho tao nghe. Cũng đỡ thèm lắm...

Nhìn mặt Tin, chắc là nó nói thật. Sao tôi không nghĩ ra chuyện kể Tí Xíu nghe về các món ăn? Khi người bạn nào tạm biệt bạn hơi lâu ngày, nhớ họ, bạn có thể gọi điện thoại. Các món ăn với Tí Xíu cũng vậy. Không được gặp vài “người bạn món ăn” nữa. Mỗi khi em nhớ chúng, tôi sẽ làm “chiếc điện thoại”. Điện thoại này không chỉ biết truyền tin cho em, mà còn có thể kể chuyện. Kể về món ăn chắc khó hơn chuyện cổ tích nhiều. Nhưng không sao. Miễn Tí Xíu vui, tôi làm được hết! Càng nghĩ càng khoái chí, tôi nhảy chân sáo vô nhà. Quên béng cảm ơn người đưa ra sáng kiến. Quên luôn cái hộp trong suốt vẫn còn lơ lửng giữa bờ rào.

- Ê. Nu! Còn hộp hạt điều nữa nè. Bắt tao cầm hoài vậy? Mỏi tay quá!

Sau lưng tôi, thằng Tin ré lên, hệt một cái còi.

 

4.

Tí Xíu có vẻ khoái vụ kể chuyện món ăn. Vừa được cô y tá gỡ hai cây kim to tướng trên tay xong, em đã tót ra, bám đuôi tôi.

- Nay kể món chè chuối nướng đi Hai! Em nhớ nó ghê.

Chỗ hai chiếc kim to - “hai con muỗi khổng lồ xấu xí” vừa cắn em đã được đắp hai miếng gạc trắng. Tôi gọi chúng là hai đám mây bông gòn. Mây này không biết gây mưa. Nhưng biết ủ cho vết cắn của hai con muỗi kim tiêm bớt sưng lên. Tí Xíu có chai dầu thần kì giúp tôi trị vết cắn của bầy muỗi đáng ghét. Tôi lại chẳng có gì để chữa dấu cắn bọn kim tiêm cho em. May mà các cô y tá tặng em mây bông gòn.

- Kể đi Hai! Kể nhanh nhanh, cho em đi kể lại chú Thần Cây nghe coi!

Tí Xíu lắc tôi hối. Hai đám mây trên tay cũng lắc lư theo.

- Chú Thần Cây muốn nghe gì?

Tôi thắc mắc.

- Thì nghe chuyện về chè chuối nướng đó. Bữa qua, chú nói thích ăn chè chuối nướng nhất. Em đã hứa kể cho chú nghe rồi. Nên Hai kể em nghe trước đi. Xong cho em ăn cắp bi!(2)

Tí Xíu chớp chớp mắt. Chưa có kẻ đòi cóp bi bài nào dễ thương vậy. Cũng chưa ai đòi tôi cho cóp bi một câu chuyện bao giờ! Tôi bỗng có một ý tưởng:

- Kể qua kể lại chi mất công. Giờ hai đứa mình đi tìm chú Thần Cây. Hai sẽ kể cho em với chú cùng nghe luôn.

Tí Xíu vỗ tay bồm bộp.

- Hai thiệt thông minh! Chị Hai em là siêu thông minh!

Lo nịnh nọt, Tí Xíu vỗ cánh tay đang gắn hai đám mây bông gòn có hơi mạnh. Dấu cắn của bọn kim tiêm chắc bị đụng, đau trở lại, nên em thoáng nhăn mặt. Được Tí Xíu, người thông minh nhất quả đất, khen “siêu thông minh” thì sướng mê rồi. Nhưng tôi vẫn thích em đừng đau thêm chút nào nữa hết.

Nhưng góc vườn chỗ chị em tôi hay ra chơi vắng teo. Bà già Ghế Đá lẫn chú Thần Cây đều không thấy. Chú Thần Cây là con trai bà già Ghế Đá. Cũng như Tí Xíu, chú có hai ngôi nhà: nhà mình và nhà bệnh viện. Ở phòng lọc máu, giường chú và giường Tí Xíu hay được nằm sát nhau.Từ ngoài cửa kính nhìn vô, tôi hay thấy chú mời Tí Xíu ăn kẹo. Kẹo thì bác sĩ không cấm. Nên thỉnh thoảng, Tí Xíu từ phòng lọc về lại lanh lảnh gọi tôi, giọng y chang mẹ hay gọi mẹ thằng Tin qua bờ rào:

- Cô Hai ơi. Tui đi chợ về, mua đồ cho cô nè!

Và tôi liền lật đật chạy ra:

- Trời ơi. Cảm ơn cô Ba nhen. Con cá bữa nay bự quá. Chắc nó ngọt lắm!

- Cá sao ngọt được Hai? Đường mới ngọt!

- Ờ héng. Vậy để Hai sửa lại. Cục đường bữa nay bự quá! Nó to bằng tui luôn!

Với viên kẹo của chú Thần Cây, chị em tôi hay được trận cười bể bụng kiểu vậy.

Những ngày phải ở lại bệnh viện, chúng tôi hay chạy đi tìm chú chơi. Chú còn giỏi hơn ba tôi. Không cây nào, hoa nào chú không biết. Chú có thể gọi tên tất cả đám cây ở góc vườn, trong sân bệnh viện, rồi cây trồng theo các hành lang. Tay chú còn có mấy cục u nổi lên, như thân cây cổ thụ mọc ra u cục vì tuổi tác. Tôi đoán, nhờ vậy chú hiểu hết ngôn ngữ thế giới cây. Thần Cây! Chúng tôi thống nhất tặng chú cái tên này. Bà già Ghế Đá thì lại biết nghe tiếng cá. Góc vườn có một hồ cá nhỏ, xây dưới hòn non bộ. Tôi hay thấy bà ngồi trên chiếc ghế đá gần hồ nhất, xếp bằng, mắt nhắm. Ba nói tôi biết: bà đang nghe đám cá trong hồ nói chuyện. Ao cá nhà bà đã bán, lấy tiền đưa chú Thần Cây đi bệnh viện. Bà nhớ tụi cá nên ra nghe bầy cá bệnh viện nói chuyện cho đỡ buồn.

Chiều hôm ấy, chị em tôi chờ bà và chú Thần Cây lâu thật lâu.

Sáng hôm sau, chúng tôi nghe tin hai mẹ con đã về nhà. Chú Thần Cây sẽ không cần vào bệnh viện nữa. Chú cũng sẽ không còn bị hai cây kim khổng lồ đâm tay, không còn đau...

Chỉ tôi và Tí Xíu buồn vì chưa kịp chia tay một người bạn. Bầy cá dưới hồ non bộ chắc cũng buồn, vì vắng một người già biết nghe tiếng chúng. Tí Xíu và tôi ra thăm, thấy cả đám buồn thiu không muốn bơi, im re kệ lá rụng đầy mặt nước hồ. Ba tôi nói những người ta mến sẽ chẳng bao giờ đi mất. Họ ở mãi trong trí nhớ những ai yêu quý họ. Tí Xíu lại chắc chắn chú Thần Cây đã hóa thành một mầm cây mới mọc cạnh hồ cá. Mầm cây nhỏ xíu, ốm nhom mà xanh đến lạ kì. Đặc biệt hơn, trên thân xanh còn nổi mấy cục u tròn vo, nhìn rất quen. Chúng tôi đặt nó cái tên từng tặng chú: Thần Cây! Rồi chiều mát, chị em tôi lại rủ nhau ra góc vườn. Tôi kể chuyện món ăn cho Tí Xíu và mầm Thần Cây nghe. Chuyện ưa được yêu cầu nhất là món chè chuối nướng. Mở đầu buổi kể, Tí Xíu bao giờ cũng ủng hộ tôi bằng một tràng pháo tay to. Còn mầm Thần Cây tặng tôi mấy cái lá non vẫy vẫy.

Sẽ thế nào nếu bạn có hai người nghe kể chuyện tâm lí vậy?

Còn tôi, tôi quyết định sẽ trở thành Người kể chuyện món ăn suốt đời!

 

5.

Tôi đã có thể thanh minh với thằng Tin: Mẹ tôi không hề là mẹ giả. Mẹ là mẹ thật trăm phần trăm. Tối qua, tôi đã biết lí do tại sao gần đây mẹ hay bực mình, dễ giận. Tưởng tôi ngủ mê, ba mẹ nói chuyện đã không đóng cửa phòng.

- Em buồn bực làm gì. Chuyện đâu còn có đó. Họ đã nói mình chờ...

- Chờ là chờ đến chừng nào? Con mình ngày càng yếu. Anh nghĩ con nhỏ sẽ chờ được?

Tiếng mẹ tôi gắt gỏng.

- Bệnh nhân nhiều mà em. Với bác sĩ cũng nói rồi, kết quả thận em cũng không phải tốt hoàn toàn. Còn phải chờ thêm vài xét nghiệm nữa...

- Em khỏe mạnh, có bị gì đâu. Anh không thấy tuần nào con cũng phải vô phòng lọc máu ba lần. Tuần nào cũng ba lần bị mấy cây kim khủng khiếp đó chọc vô tay. Rồi máu chảy ra. Tuần nào cũng nhìn con vậy, em không thở được. Sao em không bệnh thay con được, hở anh?

Mẹ tôi òa lên, nức nở. Nước mắt nước mũi cũng tèm lem hết mặt, nhưng tôi không dám đưa tay lau, cũng không dám khụt khịt. Trong tấm áo choàng tối hù, lặng phắt của thần Màn Đêm, chỉ có tiếng nấc của mẹ tôi vang khắp gian nhà. Ba từng nói khóc cũng đẹp như sóng biển. Khi khóc vỡ ra, nỗi buồn cũng sẽ vỡ theo, hóa thành từng bọt nước rồi tan biến. Chắc buồn trong mẹ tôi cũng vậy. Nên lát sau, tôi nghe mẹ nói với ba, giọng trở lại là người mẹ tôi quen. Bình tĩnh và dịu dàng:

- Em không sao. Ở hiền rồi sẽ gặp lành. Em tin thận em sẽ hợp. Giờ em vô bệnh viện với con. Mai anh chở Nu đi học, nhớ nhắc con đem nón. Trời vô mùa nắng nóng rồi.

Nước mắt tôi ùa ra thêm lần nữa. Hóa ra, lâu nay dù bận bịu lo cho Tí Xíu, mẹ vẫn không quên tôi. Mẹ ở bệnh viện suốt ngày với em, mà vẫn biết mấy bữa nay tôi đi học toàn quên nón ở nhà.

Tôi không kể hết với thằng Tin mọi chuyện mình nghe. Chỉ bảo đảm với nó mẹ tôi đã hết khó tính. Đợt mẹ la nó, là vì mẹ đang buồn. Mẹ lo không tặng thận cho Tí Xíu được.

- Sao mẹ mày không tặng được? Tí Xíu dở ghê. Gặp tao, ai tặng quà gì. Tao lấy hết!

Vậy mà suốt ngày khoe thi khoa học được mười điểm. Cái thằng tham lam, ham được tặng quà này! Tặng một bộ phận cơ thể con người mà nó làm như tặng xe điều khiển hay búp bê! Bó tay với nó, tôi đành bắt chước cô giáo, giảng nó nghe bài học về trái thận. Bài này, thật ra tôi cũng được biết từ ba. Nhưng tôi sẽ không bao giờ tiết lộ. Ở lớp tôi, Tin học giỏi nhất. Được nó phục lăn, không phải sẽ rất oách sao!

- E hèm... Nghe nè!

Cũng như lúc làm Người kể chuyện món ăn, tôi hắng giọng. Người nghe chú ý ngay lập tức.

- Mỗi người sinh ra đều có hai quả thận trong bụng. Thận giúp bài tiết nước tiểu nè, lọc máu nè, lọc chất thải nè. Thận chỉ nhỏ xíu như hạt đậu thôi, nhưng có sức mạnh vô địch. Thận Tí Xíu không may mắn bị bệnh. Tụi nó không có sức lực làm gì hết. Nên Tí Xíu cũng bệnh theo...

- Khúc này tao biết rồi. Hồi học về cơ quan bài tiết, cô giáo giảng rồi.

Tin chỉ giỏi xạo. Tôi học chung lớp nó chớ đâu. Cô giảng sao tôi không nhớ? Cũng có khi tôi quên thật. Tôi chỉ thích học môn Tiếng Việt. Trong các giờ học khác, đầu óc tôi hơi lơ mơ. Tự ái, tôi vắt óc, quyết kiếm ra điều chắc chắn Tin không biết. Và có ngay!

- Bác sĩ nói có một cách để Tí Xíu hết bệnh. Nếu nhà tao có ai chia bớt cho Tí Xíu một quả thận, em sẽ khỏe lại. Lúc đầu, ba tao xung phong. Nhưng mẹ tao không chịu. Mẹ nói ba còn phải làm lo kiếm tiền nuôi cả nhà. Nên mẹ tao thế ba...

Định khoe Tin tôi biết nhiều. Vậy mà, nói chưa hết ý với nó, nhớ lại chuyện nghe được lúc tối, mắt tôi tự nhiên cay cay, muốn khóc. Tôi không kể tiếp được. Tin cũng biết ý, ngồi im. Phải một lúc lâu lâu, tôi mới nghe tiếng nó, giọng rất dõng dạc:

- Mày đừng lo. Sau này lớn, tao sẽ làm nhà phát minh. Tao sẽ làm cho Tí Xíu một trái thận rô bốt. Hễ hết pin, nó tự cắm sạc. Xong, chạy lại ngon lành. Ngon gấp mấy lần trái thận thiệt luôn.

Tin đúng thật chuyên gia sáng kiến! Tôi mới ao ước gặp được chú Cuội để hỏi xin cách làm một trái thận bằng đất sét hồi đây. (Chẳng phải chú từng làm một bộ ruột gan mới để cứu vợ chú, cứu chú chó tình nghĩa trong truyệncổ tích Chú Cuội cung trăng sao?). Tin đã nghĩ ra hẳn một trái thận rô bốt biết tự sạc pin. Nể Tin kinh khủng, tôi tự nhủ sẽ kể lại ý tưởng của nó với mẹ. Nhất định, mẹ sẽ thấy có lỗi vì bữa lỡ rầy nó ồn ào. Gặp nó, có khi mẹ còn ôm chầm lấy vì cảm động.

 

6.

Tôi đang làm mụ phù thủy dụ khị công chúa Bạch Tuyết ăn quả táo độc thì thằng Tin hớt hải chạy vào:

- Nu ơi, Nu! Về nhanh! Nhà mày có chuyện!

Nó hét.

Đám bạn đang tập kịch cùng dạt ra hai bên. Bởi “mụ phù thủy” tôi đội nguyên cái khăn quàng đỏ giả khăn trùm đầu phóng ra cửa lớp.

- Nhà tao sao?

- Tao nghe bệnh viện cho chở Tí Xíu về. Mày về nhanh!

Tay chân tôi cuống hết lên. Lếch thếch, hụt hơi, tôi chạy theo thằng Tin. Bệnh viện cho chở Tí Xíu về! Nghĩa là... Tôi không dám nghĩ tiếp. Nhưng một giọng nói đáng sợ cứ vang lên trong đầu: “Nghĩa là em mày cũng như chú Thần Cây. Em mày chết rồi. Tí Xíu, nó chết rồi!” “Không!” Tôi hét với tiếng vang ác độc. Nước mắt ộc ra. Mới chiều qua, Tí Xíu còn rủ tôi ra góc vườn ghế đá xem cây Thần Cây vừa nhú một nụ hoa. Nụ hoa tròn vo, lấm tấm trắng đen như trái trứng cút. Cả hai còn hùa nhau bắt tôi kể món cút lộn xào me đến mỏi miệng. Rồi tối qua, em mới làm mặt giận đòi nghỉ chơi tôi. Em muốn nghe thêm món sinh tố đu đủ. Mà tôi còn cả đống bài tập cô giao về nhà, thêm vở kịch sắp tham gia thi văn nghệ cho lớp vẫn chưa đâu vô đâu. Tôi đã hẹn trưa nay sẽ kể bù cho em. Tôi đã soạn sẵn không chỉ sinh tố đu đủ, còn gà rán, kem sô cô la, bánh tráng nướng mỡ hành... Toàn những món hồi chưa bệnh em thích mê. Vậy mà em không thèm nghe nữa. Em bỏ đi. Em không thích làm em gái tôi nữa sao?

Ngày mẹ sinh em, tôi vẫn còn là em bé. Tôi không nhớ được em đã chào thế giới này thế nào. Liệu có ba bà tiên đỡ đầu canh giấc bên nôi em? Nếu có, tôi sẽ đi tìm các bà, hỏi xem sao bỏ rơi em tôi? Em không được đi học, không được ăn món em thích, em tuần nào cũng bị hai cây kim khổng lồ cắn đau. Nhiêu đó đủ đáng thương rồi. Sao các bà còn để lão Thần Chết độc ác bắt em đi? Không có em, nước mắt mẹ tôi sẽ thành suối, chảy miết mỗi đêm. Ba tôi sẽ không còn thấy mỉm cười. Không có em, mấy cô búp bê trên đầu giường sẽ hỏi tôi: Tí Xíu đâu? Tí Xíu hay đi bệnh viện. Nhưng về nhà là ôm lấy tụi tui ngay. Giờ sao không thấy? Ngoài bờ rào, dây đậu biếc cũng hỏi: Em cô đâu? Em cô nói khi nào tui lớn sẽ xin vài cái bông chơi đồ hàng mà! Rồi mèo Giày Trắng, cừu Ú Nu, đứa trong bếp, đứa ngoài sân sẽ xúm nhau khóc òa lên: Sao cô Tí Xíu không về nữa? Sao cô Tí Xíu bỏ tụi mình?

Tôi biết trả lời. Biết an ủi tất cả sao bây giờ?

Giàn nho đầu chòm rẫy vừa hiện ra, tôi đã thấy trước cửa nhà mình quá chừng người. Bác Năm, cô Bảy, chú Tám... toàn những người hàng xóm thân thiết với nhà tôi. “Họ đến tiễn em mày đó. Em mày chết rồi. Tao nói đúng. Thấy chưa?” Giọng nói ác độc trở lại, đắc thắng cười.

- Không!

Tôi hét thành tiếng, lao vào giữa đám đông. Tí Xíu nằm kia, trên bộ ván chị em tôi hay ra ngủ trưa. Con thỏ bông trắng, cái gối ôm vẫn theo em đi bệnh viện giờ trở về, xếp vòng dưới chân em. Quyển truyện cổ tích tôi đem cho em đọc cũng cùng về, nằm ngay ngắn kế bên.

- Tí Xíu ơi!

Tôi kêu tên em trong nước mắt.

Tí Xíu bỗng... đưa tay dụi dụi, rồi mở mắt ra.

- Hai về rồi hả?

Tôi nhảy tưng đến, ôm chặt lấy em. Bạch Tuyết Tí Xíu sống lại rồi! Công chúa ngủ trong rừng Tí Xíu tỉnh giấc rồi! Hoàng tử, bảy chú lùn, cư dân vương quốc được xóa lời nguyền... cộng hết vui lại cũng không bằng tôi!

- Con làm gì vậy? Em mới về mệt. Để em nghỉ!

Có tiếng mẹ tôi nhắc.

Ra mẹ đang ngồi cuối ván, nói chuyện với mẹ thằng Tin.

- Mặt mũi con sao vậy? Sao con khóc, Nu?

Ba tôi hỏi. Ba cũng đứng gần mẹ, không biết tự lúc nào.

- Tin. Mày lại chọc gì bạn đúng không?

Thêm giọng ba thằng Tin vang lên bên ngoài thềm. Chắc có phép màu, nên xung quanh chị em tôi, hết người này đến người khác xuất hiện. Nhìn Tí Xíu, nhìn những gương mặt người lớn vui vẻ quanh mình, tôi chắc các bà tiên đỡ đầu đang ở cùng chúng tôi. Lời tôi trách móc ban nãy chắc các bà nghe được rồi.

- Con có làm gì đâu. Con nghe bệnh viện cho Tí Xíu về. Con chạy lên trường kêu nó về dùm thôi mà!

Có tiếng thằng Tin leo lẻo thanh minh. Cái thằng truyện cổ tích không chịu đọc, báo tin đứt đầu đứt đuôi! Vậy cũng đòi làm học sinh giỏi! Tại nó, tôi khóc xém nữa hết nước mắt. Nếu như mọi khi, tôi đã giận nó đúng một trăm triệu ngày. Nhưng vì có các bà tiên quanh đây và Tí Xíu vẫn ở lại với chúng tôi, tôi sẽ giận thằng Tin năm giây thôi. Ở giây thứ sáu, phép màu lại lên tiếng.

- Lúc bác sĩ điện báo thận mẹ tốt rồi. Chuẩn bị ghép cho bé được rồi. Tui cứ tưởng mình nghe nhầm, chị ơi!

Phép màu nói bằng giọng của mẹ tôi.

Sẽ thế nào nếu trong vài tích tắc thôi, bao phép màu dồn dập đến với bạn? Còn tôi, tôi chỉ biết ôm em gái tôi thêm cái nữa. Vừa khóc vừa cười. Tí Xíu lạ ghê, lần này không đẩy tôi ra.

- Ôm xong, Hai cho em trái táo đang cầm nha. Em thích ăn táo lắm á!

Giọng con nhóc vang lên, nghe dụ khị hơn cả một mụ phù thủy thứ thiệt. Hóa ra, tôi đem luôn trái táo từ vở kịch ở lớp về nhà...

N.T.K.H
Phan Rang, 5/4/2021

-------

1. Tăng kali máu là một trong những biến chứng có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (thận đã hoàn toàn mất chức năng). Kali có nhiều trong thức ăn, nhất là các loại trái cây.

2. Ăn cắp bi: cóp bi (copy) (từ địa phương).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)