Cửa hàng người nhai trầu

Thứ Tư, 28/07/2021 00:18

. ĐOÀN NGỌC HÀ

 

“Chỉ lắm chuyện!” Bà Tiếc bảo thế khi con cái cứ um lên bàn việc đặt tên cho cửa hàng. Nào Siêu ốc Việt, Siêu ốc sao, Đặc ốc sản, Nhồi ốc tám món… “Ừ, đặt tên cho rõ lạ, rõ hay thì được cái quái gì, hay chỉ mỗi cái sáo mép. Tao í à, tao chỉ đặt tên là Cửa hàng ốc nhồi. Được chưa?” Con cái tóa lên cười ằng ặc. Chúng ôm nhau ngửa mặt nhe răng, ngoác miệng. Cậu cả Kiểu nhấc cái bụng to hìn hĩn bảo: “Mẹ mà đặt tên như thế thì sập tiệm. Giời ơi, hàng hóa bây giờ cần nhất cái quảng cáo, không thì vứt.” Cô Hải Âu, vợ anh con trai thứ hai bấm vai chồng, ý giục nói đi vì cô này từng ton tón nói xấu chuyện mẹ chồng khó tính. Phải đến ba lần bị bấm, anh này mới bùng lên: “Thôi thôi, bàn làm gì với mẹ cơ chứ, quê lắm, kệch lắm, cứ để tôi lên phố huyện đặt cái pa-nô mạ vàng với hai chữ Siêu ốc. Xong!” Ném phắt miếng trầu ra cửa, bà Tiếc gắt: “Tao không thấy ở đâu như cái nhà này. Toàn một lũ vẹt. Tao đã làm cái gì là phải thật cái ấy. Thôi, không bàn nữa. Đây, cái biển cửa hàng tao đã làm xong. Mai cho treo lên!” Bà rút đánh phạch từ kẽ tủ ra mảnh các-tông có dòng chữ nắn nót do chính tay bà viết bằng than củi: “Cửa hàng ốc nhồi”. Tất cả ngơ ngác. Im lặng. Vừa lúc chị Thêm, chân “túc hạ” kiêm xào nấu của bà chạy lên hổn hển: “Bà ơi. Tây. Có cả ta. Đông lắm. Tây mũi lõ. Tây cà lồ.” Bà Tiếc thủng thẳng: “Tây à. Sợ cóc gì. Để tao ra. Tây nó về đến đít kia kìa, chúng mày cứ ngồi đấy mà lí sự đuôi bò.”

Minh họa: Thành Chương

Đấy, cái lí của bà Tiếc là làm thật, nói thật. Thẳng băng. Không phải thẳng như cái liềm mà thẳng băng. Từ mấy năm nay, món ốc đặc sản bậc nhất của bà đã mềm môi thiên hạ. Họ ăn xong chíp chíp miệng, ngon quá đi mất, lại chíp chíp, kêu ối giời ơi, ngon hơn cao lương mĩ vị. Gấp vạn lần giò tai lợn sần sật. Người đến ngày một nhiều. Quen mồm rồi. Mà cái giống quen mồm càng ăn tợn, lăn xả vào mà ăn, chết cũng ăn, rủ rê bằng được người chưa thưởng thức đến để khoe. Ấy, chết gì mà chết, ăn hàng bà Tiếc rẻ lắm, xơi no bụng, ngon nghẻ, cũng chỉ tốn vài “xèng”. Ừ có vài “xèng”, ngon đến chết lưỡi. Mà cửa hàng người ta không hề có biển, không tiếp thị, chỉ mỗi chữ “Ốc” viết lên tường cổng nhọ nhĩnh thôi. A ha, hay nhỉ. Hay quá đi mất. Thiên hạ kháo nhau đồn tít lên mãi. Đám con bà Tiếc nghe thấy càng bực cho mẹ mình. Cơ hội hốt bạc mà bỏ phí. Cả Kiểu làm ở hãng ô-tô “Con Nai” về điên lên bảo, để con quản lí cho, bà chửi như tát nước vào mặt. Thằng Hai Tú chỗ công ty dệt “Con Dím” tự tay phun sơn làm biển đề oách lắm mang ra bị bà vứt phăng đi. Một lũ ăn hại, đái nát! Con với chả cái, hư quá. Ông mất sớm, bà ở vậy nuôi sáu đứa đều nên tấm, nên đẫn cả. Chúng cứ bảo bà nghỉ đi, để cho chúng nuôi. Tao thèm vào. Tao còn đủ sức nuôi cả chúng mày, nuôi cả con cái chúng mày ấy chứ lị. Cần gì. Ừ thì bà cần gì, bà làm tí “kinh doanh” cho đỡ buồn đời chứ thèm vào đi ăn đẽo chúng nó. Ấy cái sự con cái cũng om tỏi lắm. Bà vẫn bảo thế và té tát chửi chúng, làm gì thì làm cũng phải tử tế, kiếm được đồng tiền cho nó sạch sẽ. May mà chúng còn biết sợ bà kia đấy. Mà biết sợ là phải quá, xưa nay nền nếp gia phong nó phải thế chứ. Như hôm nay, hàng ít mà khách nhiều, tính sao đây. Bận quá!

Bà chạy xuống nhà dưới bảo chị Thêm cứ nổi lửa làm cho chục nồi rồi ra sao thì ra. “Mời các chư vị vào!” Rõ một đoàn xe đen nhẫy cánh cà niễng mở cửa đùm đụp. Toàn những người thơm lựng, thơm lừng, lồ lồ, xục xịch, cả ta lẫn Tây, cả râu xồm lẫn râu vãi mạ, cả váy đầm xòe lẫn váy con công, cả kính cúp, ô che, lọng đậy nhoang nhoáng, giày ném vào sân độp độp. “Mời các chư vị vào!” Bà nhắc lại lần nữa. Họ đưa tay ra. Những cái tay ồm ộp, to tát lại còn trắng nõn, hồng hồng như quả trứng luộc cứ đòi bắt tay bà cho bằng được. Khổ quá đi mất, các chư vị cứ vào, lại còn vẽ chuyện bắt tay, bắt chân làm gì cho rách việc, bà muốn gắt lắm nhưng cũng phải nể người ta. “Cho chục nồi nhá!” Bà gọi với xuống nhà dưới rồi phăn phắt vắt rèm cửa.

Cả khu nhà ồn lên tiếng người, xi la xi lô, ộp à ộp ẹt như tiếng ếch nhốt trong chum. Có Tây vui ra phết. Ngó ngó nghiêng nghiêng, quen các khách sạn có phòng VIP, thiếu nữ váy đỏ, chân dài, nay là một bà nhà quê xêm xểm tuổi 60, quần thâm, nhai trầu nên lạ. Họ quay lại hỏi gì nhau rồi rộ lên cười hổ hổ. Bà lẩm bẩm, cười cái qué gì. Món này, bà nghĩ, các cậu chưa chắc đã biết ăn. Thì để xem, khách của bà cơ man là thợ thuyền, công nhân, công ti, thương lái, lẻ tẻ mới có vài cậu Tây, hôm nay đông nhất, lại kèm cả đầm xòe, đầm xoẹt. “Mau đi. Mau đi. Mười nồi. Mười nồi!” Cô con dâu thứ, vợ anh ở siêu thị Con Dím lúc nãy lón tón chạy ra, váy hoa cà cộc tũn đón khách. Bà Tiếc lừ mắt định nói gì nhưng vội quá vì chị Thêm vừa giục có người đến giao hàng nên thôi.

“Cha các chú, muộn thế, nóng cả ruột.” “Bà ơi, nóng ruột thì lấy đá mà chờm, hàng xịn xò thì phải mất thời chứ.” Bà Tiếc the thé: “Giỏi cãi. Giỏi cãi.” “Thôi nào, cô Thêm đâu, nhận hàng.” Những bao ốc rơi đánh uỵch từ xe máy xuống. Bà Tiếc gắt: “Sư các chú, con ốc, con của, nhẹ tay tí nào.” Đám đàn ông, đầu tóc tốt ú hụ, mặt mũi phộc phạc mồ hôi, quần áo lấm láp như ma chôn ma vùi. Rõ những tay thợ săn ốc sống với đầm với đìa, vớt được con ốc công phu lắm. Toàn ốc Me, ốc Muổi cả đấy. Chúng ở những đầm rộng ngút ngát, rêu đen cuộn gồ lên như những đống vải chăn. Cái nút bao oặc ra ngần ngật những con bụ thun lút, tròn thây lẩy bằng nắm tay trẻ con, màu đồng hun trơn bóng, đẹp mỡ màng như một chế phẩm thiên nhiên. Bây giờ mới thấy một đám năm bảy chị xêm xêm tuổi bốn mươi làm công cho bà Tiếc lù lù ở đâu ra, chị nào cũng thăn lẳn, lấm ở hai gồ mông, tay chân vồng vộc màu gạch sống. “Sao lẫn cả ốc biêu vàng thế này hở mấy ông giời?” Một chị dùng cả tiếng Anh: “Ốc lẫn thế này là not cân đâu”. Mấy anh kia thừ ra như gỗ rồi vội vã cúi xuống suỵt. suỵt: “Chị em ơi, khẽ mồm cho các anh nhờ, bà nghe thấy, hắt đi bọn anh chết đói.” Cánh thợ săn ốc này rất sợ bà Tiếc, bà này thép, đến cậu cả Kiểu cũng đôi lần bị bà vả vênh mặt vì cái tội khoác lác. Vậy nhưng tính bà thảo lảo, thương người, tiền nong sòng phẳng.

“Mẹ ơi, có ông Tây cần gặp mẹ.” Cô con dâu gọi. “Tây nào, tao đang bận, hiếu sự nó vừa chứ.” “Mẹ ơi, dưng mà ông Tây bảo cần lắm, ông ấy cứ ruề miệng ra, đưa cằm nhai nhai, phiên dịch bảo ông ta cần gặp “bà nhai trầu”. “Được rồi. Nghe thủng rồi. Khổ lắm nữa. Trên ấy đủ nồi bày ra chưa?” “Rồi ạ.” “Mười nồi. Mười nồi! Tây mới chả Tàu.” Bà cười một mình.

Bà cùng cô con dâu lên nhà trên.

Nó võng mông đi trước, bà thập thững đi sau. Rõ cái của nợ chưa kìa. Đẹp thì có đẹp thật nhưng người ngợm thế kia, còn giời đất nào nữa kia chứ. Chết toi rồi. Con này không dạy được. Cũng tại con bà chiều nó lắm. Cái thằng ngu. Bắt được nó cặp bồ mà ngậm miệng, lại còn hoe hỏe nói với mẹ rằng nó mà về giúp mẹ thì ăn khách phải biết. Được đằng chân nó lân đằng đầu, con ơi là con, có ngày nó ngủ với giai ngay trên giường của mày thì mới trắng mắt ra, nghe chửa! Đã bực lắm rồi, bà vẫn phải cắn răng cố nén bảo nó: “Âu, xuống bếp giục họ làm mau lên!”

Nhất loạt người ở nhà hàng đứng lên.

Đám Tây cúi rạp chào khi bà Tiếc bước vào. “Chào tất tần tật các ông, các bà, các Tây, các ta. Xin mời chư vị dùng món cho nóng!” Bà Tiếc đi phăn phắt, vừa đi vừa chào. Giữa đám du khách ngần ngật, người nào cũng đỏ rực như quả cà rốt, bà Tiếc lọt thỏm, nhưng bước đi ráo rẻ, rắn chắc, cặp môi nhai trầu đỏ lựng hiên ngang. “Các vị ngồi xuống đi, đừng đứng làm gì cho mỏi chân”. Hay nhỉ, bà thoáng nghĩ, con ốc thế mà bò ra thiên hạ được rồi. Câu được thiên hạ về, thế thì cái việc quê kệch của mình nó cũng sang ra phết nhỉ. Hi hi.

Gian hàng thơm nức mùi ngon lạ, thứ mùi ngầy ngậy quyến rũ. Khói bốc từ các nồi ốc lan phập phồng như sương phủ trên các bàn ăn. Mờ ảo, chỉ thấy những mái đầu nhấp nhô, những gương mặt nghiêng đi chao lại cùng tiếng chào mời râm ran. Vui nhỉ, Tây ta vui quá. Việt mà có tí Tây vào thì nó dậy mùi ngay. Những người Tây kia ở phương trời nảo nào, ở đâu thì cũng quả địa cầu tròn. Nhưng tội thân, nhìn kìa, cứ ngẩn ngơ bên nồi ốc, chỉ biết lọng ngọng, xoa suýt. Ốc nóng mà hắn ăn, dốc tọt vào miệng thế kia à. Rõ chán chết, miếng ăn đến mồm mà cũng còn không biết ăn. Khổ thân. “Đây này...” Dịu dàng, bà Tiếc ngồi xuống bên mâm những người Tây. “Đây này, trông đây này”, bà nhắc lại và cầm lấy một con gõ nhẹ. Ruột ốc bung ra, tuột xuống bát. Rõ cái ruột tròn nịnh đến mơ màng, muôn muốt một màu đen bóng rờn, cạnh những vệt vàng ngấn màu hoàng hôn huyền hoặc. Một mùi thơm, thế nào nhỉ, chỉ biết nó lang mang thấm vào não bộ, điều khiển tuyến nước bọt ào ạt tứa ra. Hớp vào mũi, đưa lên miệng. Môi và lưỡi réo lên đón lấy. Một thứ sần sật vừa đủ độ, không dai mà cũng không nhão nhũn. Giòn mềm, còn cọt cọ vào chân răng. Cả vòm miệng cuống quýt đón nhận, náo nức, ào ạt.

Từng ruột ốc đánh nhịp xuống bát, gẩy đàn vào miệng. Lục bục, lục bục, miếng mọc của thiên nhiên mấy vạn năm mới có. Lục bục, lục bục mềm, thơm, càng ăn càng thú, xong còn ngân nga mãi.

Được bà Tiếc thị phạm, Tây bắt đầu ăn náo nhiệt, ăn tăm tắp. Ăn bằng đũa Việt - “hai que đàn miệng”. Họ thả cả khuôn mặt lớn xuống bát ốc. Họ lim dim, lắc lư, rên rẩm. Họ thở phì phò, nuốt ừng ực rồi kêu lên: “Thank you! Wonderful! Wonderful!”

Bà Tiếc bắt đầu nói qua người phiên dịch rằng đừng kêu lên như thế làm gì cho nó hết hơi. Ở nước tôi, món thế này nhiều vô kể, tủ thức ăn của Thượng đế không có đâu. Đây là món ốc nhồi nấu Bà Mụ. Món ốc nhồi nấu Bà Mụ nhá. Nhớ chưa. Các cụ tôi đặt tên ra thế là vì nó ngon đến nỗi như Bà Mụ trên trời nấu, chứ không phải người hạ giới nấu. Tôi nấu còn vụng về so với bà tôi, mẹ tôi ngày trước. Bà tôi ngày trước nấu như thần. May mà tôi còn giữ được cái nghệ hẩm hiu, khổ sở này cho các người ăn đấy. Thế này, cấu thành trọn gói gồm mẻ ngấu… Ấy chết chữ “ngấu” - người phiên dịch lúng túng, họ không hiểu đâu. Phải, chữ “ngấu” của các cụ tài lắm, cứ bảo họ là mẻ ủ kĩ, ngon, thèm. Đến độ ngon thèm! Nó là thứ cơm ủ vừa độ, chế với tủy xương, óc vật, thứ đến là lá lốt đầu vị, mộc nhĩ, ấy cả tai gỗ, tai lợn, nấm hương. Con ốc ghè cái phần hậu vứt đi, ghè cũng phải biết cách, vừa gọn ghẽ vừa hứng được cái nước cốt thượng phẩm của nó. Ghè xong ướp vào nồi gia vị, rồi cứ thế mà cho sôi lục bục, nhớ đừng tốc hỏa mà hư mất vị, đừng để phí cái hơi nóng đấy nhá, vì hơi nóng ấy là cái hương của con ốc, lúc ăn phải hớp cả hơi nóng nó mới ngon. Thế mới đúng kiểu các cụ sành ăn ngày trước. Các cụ tôi gọi là ăn “ốc gõ”, chỉ vài con mà ngon đến cong cả râu. Lục bục. Lục bục. Chín tới thì bắc ra. Đừng như ninh. Cũng không như luộc. Ấy cái sự ăn nó khó ra trò đấy nhá. Biết ăn thì ngỏn ngòn ngon. Như cậu với mợ!

Sau một hồi chuyện trò nở như ngô rang, bà Tiếc ngả ra cười và guộn môi nhai trầu. Có người ghé tai bà: “Thôi chết, bà ơi, không khéo Tây nó nẫng mất bản quyền thì bỏ mẹ, bà không thấy chiến tranh thương mại à?” “Cái gì? - Bà Tiếc nghiêm mặt - Đừng dạy khôn bà nhá. Bà chả biết tỏng. Buôn bán, lãi lời đã đành, nhưng cuối cùng phải nắm đằng chuôi chứ. Dưng đây không phải giữ gìn gì cả. Cái nghệ nó là như thế nhưng bảo cho mà biết cái nghệ này có tài giời mà học được. Nó là cái thần, cái ma của bàn tay người làm. Bữa nào sắp xong mọi thứ, cô Thêm cũng phải thỉnh tôi cho gia vị, dùng cái bàn tay này xáo ốc lên để thần khí nhập vào nồi ốc. Bữa nào tôi đi vắng, ốc tự nhiên mất toi vị ngon. Đấy. Công việc có thế thôi mà.”

Người Tây nghe được hết. Những lá tai đỏ ráu như mào gà rung rinh thích chí. Họ yêu cầu được xem bàn tay Nữ thần Ốc, Nữ hoàng Ốc. Bà Tiếc khềnh khệch cười và xòe tay. “Wonderful. Wonderful!” Họ hú lên. Bàn tay đàn bà Việt, cái nào cũng tròn trĩnh nở xôi, như một bông hoa, bàn tay mở, chào đón, có năm ngón tất cả, ngón nào cũng mềm lụa, bàn tay của những Hóa Công.

Thấy họ hết lượt ngây ra như phỗng, bà Tiếc lại nghĩ, họ ở đâu đến đây, tội thân, vượt mây gió để thưởng món ốc nhà nghèo. Bà Tiếc bảo chị Thêm đùm biếu họ mấy nồi.

Chị Thêm gật đầu rồi chạy buột đi, ra đến cửa gặp cô Hải Âu, chị thò môi vào lỗ tai cô ả thì thào truyền lệnh: “Bà bảo cô kíp thay cái váy dài vào, mau lên!”

Nhà rộn lên công việc. Điện réo. Ô-tô gọi. Chị Thêm cuống quýt. Mùi Tây gây gây. Đoàn khách này vừa ra lại có đoàn khách khác đến. Bàn ăn chưa kịp dọn, bề bộn. Kệ. Hải Âu trở vào buồng mình buông phịch người xuống bực tức. Nhìn ra ngoài, Âu thấy cánh nhà bếp chạy như quân trận, bà Tiếc xắn quần vác củi, tiếng sai khiến roe róe. Hứ. Mụ gớm. Sao mụ ấy lại có thể bắt ne bắt nép mình như thế được chứ. Âu đã tìm được cái váy dài màu huyết dụ, nhưng nghĩ sao cô nàng lại vo viên ném xuống giường. Kệ xừ bà ấy, sợ gì. Tiếng cửa kẹt rít lên, chị Thêm bước vào: “Bà bảo cô lên gặp bà ngay!”

Ra cửa, Hải Âu vẫn ăn vận như lúc tiếp khách. Ừ thì lên, xem bà ấy chửi đến mức nào. Khi Hải Âu bước vào phòng, bà Tiếc đóng sầm cửa:

- Chị ngồi đấy cho tôi hỏi.

- Thưa mẹ...

- Tôi bảo chị mấy lần rồi.

- Thưa... Con nghĩ chỉ có việc mặc cái váy tiếp khách mà mẹ cũng nỡ cấm hãm con.

- Tôi không cấm hãm. Chị đừng lí sự với tôi.

- Con đâu dám ạ.

- Ừ thì chị giỏi, chị tài, chị nghe chồng chị rằng là chị về để mở mang cho cái cửa hàng giẻ rách này chứ gì. Thôi nhá. Từ mai, chị về trên công ti, nhà này không có cái cách tiếp khách như thế, đất lề quê thói chứ!

- Thưa mẹ...

- Thôi. Tôi nói rồi. Tôi đang bận.

Tiếng chị Thêm gọi dồn ở bên ngoài. Bà Tiếc ra mở cửa. “Bà ơi, người ta hãm xe, người ta cứ ì ra không vào.” Bà Tiếc gắt hỏi: “Làm sao?” Chị Thêm phân trần: “Họ cứ đòi bà ra ngoài ngõ xem có đúng là bà chủ cửa hàng nhai trầu không.” “Cha giống nỡm! Bà ra đây. Bà nhai trầu thì chết thiên hạ à mà cứ phải đòi hỏi!” “Là vì, bà ơi, họ đi tìm cửa hàng nhà mình chán ra, ở trên ngã ba Thượng Phùng cũng có mấy biển đề Ốc bà Tiếc.” Bà Tiếc bật cười: “Tiếc đây. Tiếc nhai trầu đây. Tiếc trầu têm cánh phượng đây. Tiếc ốc nhồi đây!”

Trên con đường lớn trườn ra một bãi biển sầm uất, chỉ còn dăm bảy cây số nữa nhưng những đoàn khách du lịch như mây cứ ùn lên quanh co, uốn éo rồi dừng lại ở cửa hàng bà Tiếc trong một cái ngõ hẹp.

Đ.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)