Tiếng gà

Chủ Nhật, 15/08/2021 00:44

. KIỀU MAILY

 

Năm giờ sáng, vẫn còn thèm ngủ, dù có cái gì trong tôi cứ thúc phải thức dậy. Ngó qua lỗ thủng nhỏ của tấm màn xanh, cửa vẫn cài then. Tôi nghe tiếng gọi rất lạ, bật dậy, chân xếp bằng như mỗi sáng quen thuộc, nhắm mắt lại định thần để nghe.

Tiếng gà.

Tôi như bị hút bởi tiếng gáy lạ, thứ tiếng tôi chưa bao giờ nghe trong đời.

Bước ra khỏi vùng chăn chiếu, tôi đi thẳng ra lan can phía trước ngôi nhà sàn gỗ, nhìn về hướng cột cờ biên giới vùng đất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Màn sương dày phủ mờ không gian, tôi không thể nhận rõ cảnh vật xung quanh. Chỉ có tiếng gà gáy. Nó vang đứt quãng nghe rất lạ xuyên sương mù đến ngôi nhà sàn nơi tôi đang đứng. Tiếng gáy đặc sệt, quánh lại như thể bị vướng bởi hơi sương, hàng cây, dãy núi.

Những miền đất tôi từng đi qua, tiếng gà luôn là điều tạo ấn tượng mạnh. Khác hẳn vùng duyên hải, khác cả đồng bằng miền Trung. Khác vùng Tây Nguyên tiếng gà vang thanh và trong. Ở đây tiếng gáy như nhịp ru không đều, đứt quãng, nhịp ru bay đi, ngưng lại rồi tiếp tục lơ lửng qua ngọn núi, băng qua đồng lúa bậc thang kéo dài xuống tận chân đồi…

Buổi sáng hôm ấy, mặt trời vươn lên khỏi đỉnh Lũng Cú, trời mờ mờ, từng lớp sương bay là là ngang đầu, tiếng gà đi theo tôi đến tận khu làng người Lô Lô. Đám bạn đi trước bỏ tôi vài chục bước. Tôi rảo bước thật chậm ra lối nhỏ, tiếng gà vẫn còn vang vọng. Nhìn quanh, vài cánh cửa nhỏ làng Lô Lô bắt đầu mở đón nắng ban mai. Hai ba cụ già ló đầu ra ngoài cửa phả khói thuốc lào rồi bước ra ngoài cửa chính treo hàng trái bắp ngũ sắc đã khô trên nóc ngoài ngôi nhà. Lũ trẻ đã thức, theo bén gót người mẹ nói cười đùa nghịch ngoài sân đất. Bất chợt mọi ánh mắt dồn về phía tôi, người khách với lối ăn vận khác lạ. Vài chị em gùi rau vừa mới hái trong vườn nhà đem xuống để kịp buổi chợ trong bản. Các cô như quá quen với tiếng gà gáy nên không chú ý. Ừ, thì gà gáy thôi mà, vùng nào mà chẳng giống nhau.

Tôi vẫn giữ khoảng cách với đám bạn, bước đi một mình giữa đường làng bé như sợi chỉ mảnh dính đầy bùn đất. Vẫn tiếng gà ấy đi theo phía sau lưng. Hình như tiếng gáy từ phía sau các ngọn đồi băng qua rồi tràn xuống làng. Tôi hỏi anh chủ homestay:

- Anh có nghe thấy gì không?

Anh chủ lắng một hồi lâu, rồi nói:

- Không nghe gì cả.

Không hỏi gì thêm. Dường như anh ấy vẫn chưa cảm nhận được sự lạ thường mà tôi nhận được từ tiếng gà.

Tôi quay sang hỏi các bạn đi cùng nhóm.

- Các bạn có nghe thấy gì không? Có nhận thấy cái gì khác lạ không?

Người nói khí trời, kẻ thì cảnh quang, người nữa là con người ở xứ này. Chúng tôi tiếp tục bước đi, lặng lẽ. Tiếng gà ấy vẫn gáy từ phía sau lưng. Không hiểu sao, tôi đột ngột “gáy” lên, kéo dài đúng điệu:

- Ò…ớ ơ.. ơ.. ơ.. ơ…

Mọi người quay lại, nhìn tôi ngơ ngác rồi vỡ cười:

- À, ra thế. - Chị L. la lên - Bắt chước hay thế! Y chang luôn đó.

Trong khi các bạn lo bữa ăn sáng, chuẩn bị vận vào bộ y phục nhiều màu sắc của người Lô Lô cho cuộc trải nghiệm sắp tới, tôi tiếp tục lang thang qua các lối nhỏ để thu vào tầm mắt hình ảnh một bản làng mini.

*

*       *

Ò…ớ ơ.. ơ.. ơ.. ơ…

Tôi đi, mặc cho hồi tưởng bay xa, tiếng gà quê còn in đậm trong kí ức, khác hẳn so với tiếng gáy lạ của gà xứ núi miền Bắc này…

Lại nhớ, với Ki-tô hữu, tiếng gà gáy không thể không gợi cho họ kí ức buồn về Chúa Jésus sắp bị tên đồ đệ là Judas phản bội: “Này Ta bảo con: Chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần.” Qua sự chối bỏ đó, Chúa đã bị đóng đinh.

Truyền thống Chăm thì khác. Người Chăm nuôi gà, chứ ít khi nuôi vịt nhất là vịt đàn. Gà gắn liền với đời sống dân quê không thể tách rời. Trong đời sống hàng ngày, người Chăm còn nghe tiếng gáy của gà để đoán biết thời gian, giờ lên rẫy hay ra đồng, để bước vào một ngày mới tươi vui. Tuk mưnuk trun di ro: Lúc gà xuống chuồng, khoảng bốn giờ sáng.

Ở chiều sâu và xa hơn, Chăm có thần thoại về sự hình thành vũ trụ. Sự tích con gà gáy sáng kể rằng, Pô Kuk Parahimuk là Đấng sáng tạo ra vũ trụ và mọi vật trong trời đất. Một ngày kia, Pô Kuk phái Thánh Iparahamuk cùng các vị thánh khác xuống trần gian để cai quản thế giới. Không ngờ, các vị thánh này bê tha rượu chè, ngủ say sưa để chỉ trong một đêm, quỷ Xibac Kayông đến lén lấy cây cung và mũi tên vàng của Pô Kuk bắn tan nát hết mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú. Trời đất trở nên tối tăm, mù mịt. Muôn loài lại chìm trong hỗn loạn. Vùng thức giấc, Pô Kuk biết nỏ thần bị đánh cắp, Ngài cũng chẳng thấy cây cột thánh đường đâu cả. Ngay tức thì, Pô Kuk triệu tập những đại biểu ưu tú nhất của muôn loài cùng Ngài đi tìm mặt trời, mặt trăng để thắp sáng vũ trụ trở lại. Pô Kuk vượt đại dương cùng với đôi bạn gà vịt tự nguyện (gà gáy báo sáng và vịt chở họ đi) và tìm được mặt trời, mặt trăng đang lẩn trốn trong con ngươi của thần Inưrathôl Akmưlia-êl. Vũ trụ được thắp sáng trở lại, trật tự được tái tạo, và xã hội loài người ổn định từ đó(1).

Sự tích con gà gáy sáng nói lên công trạng của loài gà, nhất là tiếng gáy của gà trống trong công cuộc tìm thấy ánh sáng cho con người và vũ trụ. Thế nhưng, làm sao kẻ có công lớn thế mà lại luôn bị làm vật hiến tế trong mọi lễ cũng của người Chăm, là điều tôi không hiểu được. Như cúng thần Yang mâm lễ lớn phải là Mưnuk tano tapai jro: Gà chuẩn trống, thỏ lứa tơ. Còn nếu có đi lỡ đường thì lễ vật tối thiểu trong mâm lễ, thiếu gì cũng được còn thì phải có đủ Alak bbak boh mưnuk: Rượu ngon với trứng gà.

Tôi yêu gà, yêu nhất tiếng gáy của mấy gà trống con mới tập sự. Sáng thức giấc, chưa vội rời khỏi giường, tôi chực nghe gáy, như trẻ tập nói vậy, hai hay ba tiếng rồi thôi, hết hơi. Sáng hôm sau lượng tiếng gáy tăng dần, cũng tăng dần âm sắc cao hay độ kéo dài. Nhưng chưa vang to oai khí như đám gà cồ thế hệ cha ông nó được. Luận về tiếng gáy thì tiếng gáy có thể là gáy hù dọa đối thủ, gáy để “ve gái” dụ dỗ con mái, hay hứng lên gáy chơi chơi cũng có. Mỗi thứ mỗi mục đích là tiếng gáy mỗi khác nhau. Chỉ có kẻ thật sự yêu gà mới nhận ra sự khác biệt thú vị ấy.

Tiếng gáy dễ mến vậy nên thuở ấu thơ, mỗi khi đi học về nghe em gái bảo mẹ vừa bắt gà cúng, tôi chỉ muốn khóc. Tôi hỏi ba tại sao gà có công lớn vậy mà cứ bắt làm vật hiến tế là sao? Ba bảo:

“Hiến tế là hành vi hi sinh mình cho sinh linh khác được sống. Đó là một hành vi cao cả của loài gà trống con à!”

Khi đã hiểu ra, dù vẫn thương tiếc chúng, tôi cũng bớt mủi lòng phần nào. Và dù đi những đâu xa, nhiều kỉ niệm có phôi pha, riêng tiếng gà quê hương thì tôi không thể quên. Nhớ nhất là tiếng gà lúc bốn giờ rưỡi sáng. Chúng thi, tranh gáy đánh thức cả làng dậy. Các cô chú trong toán cắt lúa gọi nhau ra đồng. Trăng đã chếch về núi vẫn tỏa sáng vằng vặc, tiếng gà càng lúc càng nhộn hơn. Đến năm giờ quá, khi các em nhỏ cắp thúng ra đồng mót lúa mới thưa dần. Đây đó chỉ còn lơ thơ vài tiếng gáy lác đác, có lẽ đám cồ này đêm qua ngủ muộn…

Hôm nay, ở tận miền biên viễn cực Bắc đất nước, lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng gáy lạ. Lạ hơn cả tiếng gáy của loài gà rừng hồi bé tôi theo ba lên rừng đốn củi. Chúng tụ tập thành đàn, bay như loài chim, có khi băng qua quãng dài đến ba, bốn chục bước. Và chúng gáy, vang một góc rừng. Những tiếng gáy khác lạ so với tiếng gáy của loài gà nhà, luôn đúng giờ giấc và quen thuộc. Thi thoảng người làng vẫn nghe được tiếng gáy lạ. Đó là tiếng gáy lúc bảy, tám giờ tối. Mỗi lần nghe loại tiếng gáy này, bà nội quay ra nói với dì tôi:

“Có đứa trong liên gia này chửa hoang rồi.”

Dì tôi cứ như là ngơ ngác, không hiểu. Đến mấy hôm sau đi chợ, nghe người ta đồn chuyện dì T. đi xa về mang bầu, dì mới kêu lên Chăm mình linh thiệt! Tôi tò mò hỏi sao lại có chuyện kì quặc này, tiếng gà gáy thôi mà, có gì mà gọi là điềm báo? Nội mới bảo đó là do kinh nghiệm lâu đời ông bà để lại thôi cháu à. Thêm chuyện nữa, hồi đó lúc mẹ chuẩn bị đi nhá cá, ông cậu chuẩn bị đi lưới, thì tiếng ông nội trong phòng nói vọng ra:

“Gà gáy rồi, nước đang lên đó con, để chiều đi.”

Cậu tôi đã quá biết kinh nghiệm người xưa. Còn mẹ thu dọn lại nhá đem cất, chờ khi chiều gà gáy thì lại đi. Ông nội nói thêm cho tôi hiểu, cũng tùy tháng, tùy ngày nhờ gà gáy mà biết được thủy triều lên xuống. Đây là một kinh nghiệm xem thời tiết tổ tiên để lại. Tới bây giờ mỗi khi nghe gà gáy vào giờ đó mẹ tôi vẫn hay nhắc lại, đời này sang đời khác, palei này sang palei khác. Với Chăm, tiếng gà gáy trở thành một biểu tượng tâm linh lẫn sinh hoạt đời thường. Còn gà được xem là sinh linh trời ban xuống giúp người Chăm vậy.

*

*         *

Từ Lũng Cú tôi trở lại Cù Lao Chàm, chuyển dịch từ núi cao đến biển sâu. Cù Lao Chàm thân thiết xiết bao, thân thiết như miền cố quận tôi bỏ đi lang bạt từ lâu lắm, nay trở về. Tiếng gà vẫn mơ hồ ẩn hiện. Nhớ lần sang Nhật, sáng mở mắt sau giấc ngủ dài, giữa tiếng động cơ và tiếng thành phố thức giấc để chuẩn bị tất bật đi vào một ngày mới, âm thanh đầu tiên tôi nghe được vẫn là tiếng gà, tiếng gà lác đác lạc long giữa bề bộn nhịp sống con người. Hay khi lên Tây Nguyên, tôi xuống xe trời vẫn chưa sáng, sương mù còn phủ quanh đồi. Tôi đón xe đi tiếp lên vùng núi thăm một gia đình quen. Đi được đoạn dài thì trời bắt đầu sáng. Hàng cây keo phả hơi lạnh ngắt. Con đường vào thôn không bóng người, bên kia là đồi cà phê đang chuẩn bị đón nắng non. Xuống xe cuốc bộ hơn mươi bước, tôi dừng lại, đảo mắt nhìn quanh. Vài mái nhà dân sống dưới chân núi. Và lại là tiếng gà vọng xuống, bất ngờ quá. Như thể gặp được người quen. Tôi lập tức bị vây bọc bởi âm thanh rừng núi, trong đó tiếng gà là giọng cao, cất vút lên, kiêu hãnh…

Còn ở Cù Lao Chàm này tôi có được trải nghiệm khó quên vào đêm trăng muộn. Lúc ánh đèn pha trên xuồng câu mực của ngư dân nhấp nhô chuyển động. Trước mặt là dãy núi nhỏ nhô lên giữa lòng biển, ánh trăng rọi phản chiếu thành bóng tháp. Không khí đêm thoáng đãng, mát mẻ, khác hẳn cái nắng khô ráp quyện với hơi nước mặn của gió biển như ướp thẳng vào người ban ngày.

Ngắm biển đêm hồi lâu tôi quay lại lều, vẽ hình ảnh toàn cảnh đảo trong đầu và dần chìm vào giấc ngủ. Khi chập chờn thiếp đi tôi nghe tiếng gà gáy vọng về từ phía sau bóng tháp. Tôi vội vã lao ra khỏi lều, lắng nghe kĩ mới biết tiếng gà gáy từ phía đảo chính, nơi cư dân sinh sống nhiều nhất vọng sang. Tiếng gà gáy sâu và xa, như vang đến từ lòng biển thẳm. Có được điều này nhờ dân đảo trồng nhiều cây xanh, vài khoảng rau tự cung tự cấp, lũ gà vịt được ăn theo. Từ đó mỗi sáng trên đảo lác đác tiếng gà cất tiếng gọi nắng sớm, nếu không thì quạnh hiu biết bao.

Nghe tiếng gà gáy hôm nay lòng tôi lại nhớ Pô Kuk với truyền thuyết “gà gáy sáng” quê hương cháy bỏng. Như tiếng vọng thẳm sâu từ kí ức mơ hồ quá khứ xa xăm. Khi đoàn quân chiến thắng trở về, đoàn vũ nữ thức giấc với tiếng gà để lập dàn múa chào đón trong không khí hân hoan đến tột cùng...

K.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)