. NGUYỄN XUÂN VINH
Minh họa: Phạm Minh Hải
Những tia nắng cuối ngày sắp lặn xuống chân trời. Vậy mà trong nghĩa trang liệt sĩ giữa rừng keo và bạch đàn đang tím dần theo hoàng hôn vẫn còn người đàn ông và người đàn bà đã luống tuổi, đứng lặng trước ngôi mộ liệt sĩ có tên Đinh Văn Đức. Trời tối dần, đốm đỏ từ những nén hương được hai người thắp lên trên hàng trăm ngôi mộ nhấp nháy như một rừng sao. Người đàn ông bồi hồi:
- Đức ơi! Mai là ngày 12/3, ngày hi sinh của Đức, vợ chồng mình đến thắp hương tưởng nhớ Đức, tưởng nhớ các anh, các chị đang yên nghỉ ở đây, có thể không chung một chiến hào nhưng đều là đồng đội. Mong mọi người khi sống đã lao vào đạn lửa, bây giờ nằm trong lòng đất mẹ có linh thiêng hãy phù hộ cho đất nước này, cho mọi người, mọi nhà đều ấm no hạnh phúc!
*
* *
Nguyễn Văn Mạnh quê Mỹ Đức, Hà Tây. Con sông Đáy xanh trong, hiền hòa bao lấy phần lớn làng quê anh, khiến những bãi mía, bãi ngô, ruộng lúa, nương dâu… quanh năm xanh mướt, trĩu hạt, nuôi sống dân làng qua bao đời. Những con trâu, sau một ngày làm lụng mệt nhọc, chúng được Mạnh cùng bạn bè lùa xuống sông kì cọ sạch bong, rồi cho chúng nhập đàn, tự do ngụp lặn. Con nào cũng phì phì thở, nhe hàm răng ra chiều đắc ý. Mạnh cùng chúng bạn thỏa sức ngụp lặn, tối mịt mới cưỡi lên mình trâu, ung dung ra về. Mạnh là con thứ tư, nhưng là con trai duy nhất trong gia đình có năm chị em. Cậu lớn lên khỏe khoắn, đúng như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho.
Đế quốc Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng đánh vào Hà Nội, kho xăng Đức Giang cháy ngùn ngụt. Lớp lớp trai tráng Hà Tây cùng thanh niên mọi miền đất nước hát vang bài Chiếc gậy Trường Sơn, khoác ba lô lên đường đánh giặc. Đang học lớp mười, Mạnh tình nguyện nhập vào đoàn quân xung trận. Mạnh được biên chế vào đơn vị bộ binh, sau ba tháng huấn luyện tại nông trường An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây đơn vị được lệnh tiến vào phía Nam.
Vừa huấn luyện tiếp vừa hành quân, cũng phải đến hơn bốn tháng mới vào đến huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi tập kết của các đoàn quân sẵn sàng vượt Trường Sơn vào mặt trận. Tại đây, đơn vị Mạnh được bổ sung quân, họ là những người lính từ đất mỏ Quảng Ninh. Giống như Mạnh, Đức học dở lớp mười, tình nguyện nhập ngũ. Đinh Văn Đức được biên chế vào tiểu đội của Mạnh, do Nguyễn Quang Trường quê Đồng Tân, Thái Nguyên, hơn Mạnh và Đức một tuổi, làm Tiểu đội trưởng. Theo điều lệnh, họ thành một tổ tam tam. Hợp tính nhau, ba người thân thiết như anh em một nhà. Trường là con của một ông Bí thư huyện ủy, tốt nghiệp phổ thông rồi nhập ngũ, sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu, thời ấy gọi là “dự khóa bay”, nhưng không đảm bảo sức khỏe, anh về nhập vào đơn vị bộ binh.
Trời Quảng Bình nắng nóng như đổ lửa. Đã vậy, máy bay Mĩ cứ ngày đêm quần thảo, đánh bom nơi này, nơi khác. Nhà cháy, người chết, đồng ruộng tan hoang. Nhưng cái tốt là đến đâu, nhân dân vẫn tìm mọi cách dành hầm, dành nhà cho bộ đội. Rồi lúc bắt đầu cuộc hành quân “xẻ dọc Trường Sơn” cũng là lúc những cơn mưa rừng trút xuống. Chiếc mũ cối đội đầu, ba lô, súng đạn rồi lương thực và cả thân người, chỉ được phủ lên bằng một tấm ni lông gọi là “tăng”, một chiếc gậy cầm tay, cứ thế xuyên rừng mà tiến, tránh sao khỏi ướt. Có đoạn dốc đứng cheo leo, đá tai mèo lởm chởm, đầu người đi sau chạm chân người đi trước, trượt chân là lăn xuống vực thẳm. Vừa hành quân, vừa sẵn sàng chiến đấu với bọn biệt kích, thám báo chứ chưa nói gì đến thú rừng luôn rình rập. Riêng vắt nhiều vô kể, chẳng tha một ai. Đặc biệt là vắt xanh, chúng cứ đứng trên tầu lá, ngoe nguẩy cái thân, thấy người đi qua là tách một cái đã bật sang, rồi tìm chỗ kín mà hút máu. Những lúc nghỉ chân, các chiến sĩ mới có thời gian, lần tay vào chỗ kín lôi ra những con vắt no mọng cùng bàn tay đầy máu.
Hành quân đã năm sáu ngày mà vẫn chưa vượt qua Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559. Những cơn sốt rét rừng bắt đầu hành hạ, đang hành quân Trường lên cơn sốt. Rất may, ngay cạnh đường, trên đỉnh cao gần một ngàn mét lại có đơn vị kĩ thuật của Phòng không - Không quân, họ là đơn vị phục vụ Đoàn 559, bảo vệ tuyến đường mà trực tiếp là ngầm Cà Roòng thuộc km 54 đường 20 Quyết Thắng. Trường được đưa vào đấy chăm sóc. Nhưng qua hai ngày, không thuyên giảm. Người rét run, co quắp. Mạnh phải nằm ôm lấy Trường. Đức mượn chăn của bộ đội đơn vị bạn chất lên mà Trường vẫn run cầm cập. Sang ngày thứ ba, Trường đỡ run, nhưng yếu, không thể hành quân ngay được. Mạnh và Đức đành gửi Trường lại cho đơn vị Phòng không nhờ họ chăm sóc. Đó cũng là ngày Đức và Mạnh vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người bạn, người đồng đội, người Tiểu đội trưởng luôn gương mẫu trong mọi công việc. Vì những cơn sốt của Trường không giảm, anh được đưa về quân y của Binh trạm rồi được chuyển nhanh ra Quân Y viện 103 Hà Đông. Nhưng chỉ một ngày sau, Trường trút hơi thở cuối cùng trong tiếc nuối của các y, bác sĩ, không một người thân nào bên cạnh. Thật buồn, kết thúc chiến tranh, lúc đó bố Trường đã nghỉ công tác, mẹ Trường phát điên vì Trường bị loại ra khỏi danh sách liệt sĩ của địa phương với lí do anh không chết tại chiến trường mà chết tại Hà Nội. Đồng đội của anh đã mất mấy năm trời, lận đận đi xác minh đủ giấy tờ để trả lại danh hiệu liệt sĩ cho anh.
Trở lại câu chuyện năm xưa, nhờ đơn vị bạn chăm sóc Trường, Mạnh và Đức rượt đuổi, mất hai ngày mới kịp đơn vị, lúc đó đang dừng chân ở một khu rừng có những cây săng lẻ cao vút, một người ôm không hết. Đơn vị ở đấy ít ngày để lấy lại sức, hai người bạn lại có thời gian tiếp tục hàn huyên. Mạnh không bỏ sót một câu chuyện nào của Đức.
“Tao sẽ cho mày xem bức thư của Huệ khi đơn vị hành quân vào đến Ninh Bình.”
Bức thư ngắn ngủi: “Đức thân yêu! À quên, phải là anh Đức chứ nhỉ! Em đang ở bên kia bán cầu, nhưng luôn nghĩ về quê hương, nghĩ về anh. Anh có khỏe không? Hành quân đến đâu rồi? Em sang bên này đã nửa năm, học nghề làm đường, hi vọng rồi đây sẽ góp phần làm những con đường thật đẹp cho quê hương, đất nước. Em biết cuộc chiến còn rất gay go, nhưng một lòng hẹn anh chiến thắng trở về! Yêu anh! Vợ chưa cưới của anh. Hoàng Thị Huệ.”
Minh họa: Phạm Minh Hải
Đức và Huệ cùng được sinh ra ở Quảng Yên, Quảng Ninh, một miền quê lẫy lừng danh tiếng bởi những chiến công từ hàng ngàn năm trước của quân dân đất Việt diệt xâm lăng từ phương Bắc tràn xuống. Họ cùng lớn lên trong thiếu thốn, đói nghèo, cùng chung thầy, chung bạn từ những ngày đầu cắp sách đến trường. Năm 1964, máy bay Mĩ đánh phá suốt từ Hòn Gai sang Hải Phòng, rồi Vàng Danh - Uông Bí. Để đảm bảo an toàn sinh mạng thày trò, Trường Cấp II - III Quảng Yên đã cho học sinh sơ tán về xã Tiền An. Đó cũng là những ngày bạn cùng lứa với Đức ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” bước vào năm học lớp tám.
Huệ càng lớn, càng xinh. Thân hình săn chắc, mái tóc đen, dài. Cặp mắt to, đen lánh, ẩn chứa sự thông minh, lanh lợi. Đôi môi lúc nào cũng mọng đỏ. Huệ hay cười, để lộ hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Nhiều người cứ bảo Huệ giống Trà Giang, diễn viên điện ảnh nổi tiếng thời ấy. Khối người nhăm nhe tán Huệ. Nhưng Huệ chỉ để ý đến Đức, người bạn đã chung bàn, chung ghế từ những năm mới bi bô học đánh vần. Một hôm thằng Thu, thằng Dũng, thằng Hòa, tìm bằng được Đức:
“Mày yêu cái Huệ phải không?” - Thằng Thu hỏi.
Thằng Dũng nói:
“Lớp mình, chỉ có cái Huệ là xinh xắn hơn cả. Mấy ông lớp trên cũng nhăm nhe nó đấy! Nghe đâu có cả thầy giáo cũng đang muốn tán nó. Nếu mày thực sự yêu nó thì chúng tao chỉ mong mày hãy giữ lấy, đừng để cho bất kì ai chiếm đoạt!”
Thằng Hòa chêm vào:
“Tao thấy hai đứa mày cũng xứng đôi! Phải giữ cho được!”
Bất ngờ trước lòng tốt của mấy thằng bạn chí cốt, Đức gật đầu lia lịa. Nhưng lũ bạn nhất quỷ nhì ma chưa dừng lại. Để giữ lời hứa bảo đảm bằng được tình yêu trọn vẹn với Huệ, Đức phải ăn mười quả ớt đỏ dài như ngón tay trước mặt đám bạn.
“Ăn làm sao được! Tao đã ăn ớt bao giờ đâu?” - Đức lắc đầu quầy quậy!
Thằng Hòa: “Vậy là mày không dám hứa!”
Cả ba thằng vây lấy Đức thúc giục. Đến nước này, Đức đành gật đầu đồng ý. Cậu ta đưa lên miệng từng quả, vừa nhai vừa xuýt xoa, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Đức nhai, rồi nuốt hết quả thứ năm, cả bọn cười vang. Thu tiến lại giằng lấy mấy quả còn lại:
“Thôi! Thôi! Chúng tao tin mày!”
Nói xong, Thu rót cho Đức cốc nước thật đầy. Đức vội vàng ngậm nước vào miệng vừa uống, vừa nhổ phì phì. Hôm sau, cả trường biết chuyện, họ thán phục trước ý chí và tình yêu của Đức. Riêng chỉ có Huệ là ngậm ngùi xót xa cho Đức và bực vì cái trò nghịch dại của lũ bạn:
“Sao Đức phải làm vậy? Mình yêu nhau là được mà! Ai có thể thay được Đức chứ!”
“Bọn chúng quý chúng mình, làm vậy để như một cái lưới bảo vệ cho chúng mình thôi! Đức không sao, Huệ đừng lo!”
“Biết là không sao nhưng Huệ thương Đức!”
Sơ tán ở Tiền An chỉ cách Quảng Yên không đầy 3km đường chim bay, một đơn vị tên lửa lại về đóng quân ở đấy. Để an toàn, nhà trường cho học sinh sang xã đảo Hoàng Tân. Nhân dân Hoàng Tân nghèo lắm, lúa gạo ít, sống bằng khoai sắn là chủ yếu. Ở đây chỉ có những ngôi nhà tranh đơn sơ, thấp nhỏ, nhưng bù lại tấm lòng thật rộng mở. Thầy, trò, mấy trăm con người chia nhau ở trong những ngôi nhà ấy. Dù nhỏ, lớp học vẫn được tổ chức đều đặn. Cũng có hôm thầy trò kéo nhau lên đồi thông học.
Ở giữa mùa xuân, triền đồi nở đầy hoa sim, hoa mua. Giờ giải lao, các cô cậu học trò hái những chùm hoa tím, tặng trêu nhau. Lần ấy, Đức chỉ hái một bông, rồi kéo Huệ ra sau một gốc thông to, trao cho Huệ. Huệ đưa cả hai bàn tay đón nhận. Đức từ từ đặt bông hoa vào tay Huệ, rồi từ từ ấp cả hai bàn tay Huệ trong lòng tay mình. Huệ cứ để nguyên như thế trong lòng tay ấm áp của Đức. Người ta bảo những người có bàn tay ấm áp là những người sống rất thủy chung! Rồi bất ngờ Đức ôm lấy Huệ, Huệ cũng quàng tay ra sau lưng Đức, áp ngực mình vào bộ ngực nở nang của chàng thanh niên mười tám. Họ trao nhau cái hôn đầu đời, nóng bỏng giữa rừng hoa tím biếc. Đó là những ngày tháng cuối cùng Đức sum họp cùng lớp, có những giây phút hạnh phúc bên Huệ.
Hôm Đức lên đường, từ tinh mơ, bến đò đã đông nghịt thầy, trò. Có cả bà con Hoàng Tân ra tiễn hơn chục chàng trai về Quảng Yên nhập ngũ. Các bạn gái sụt sùi khóc. Huệ, đỏ hoe đôi mắt, đến bên Đức đưa cho Đức chiếc khăn mùi xoa trắng muốt, ở đấy có chữ Đ và H thêu lồng nhau và đôi chim câu đang tự tình.
Đò từ từ rời bến, những cánh tay giơ lên vẫy vẫy, những tiếng gọi tha thiết, chào tạm biệt, hẹn chiến thắng trở về, âm vang mặt sông…
“Cũng hay nhỉ! Tao tưởng mày chưa có người yêu, tao gả em gái tao cho. Nó cũng xinh ra phết!” - Mạnh chợt ngắt dòng hồi ức của Đức.
“Hết lớp mười Huệ sang Cu Ba học, thi thoảng tao mới nhận được thư của nàng. Bây giờ đang hành quân đánh giặc, chắc sẽ rất khó nhận được thư nữa!”
*
* *
Đến mùa xuân năm 1975, đơn vị của Mạnh có nhiệm vụ tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột. Trong một cuộc bị địch phản kích bất ngờ, ta có nhiều thương vong, đơn vị buộc phải rút về phía sau. Đức và Mạnh bị truy kích, cứ bám theo bìa rừng chống trả. Súng các loại của địch bắn theo như vãi đạn. Đức bị thương vào chân khá nặng. Băng cho Đức xong, Mạnh dìu Đức rút, cả hai khom người nhích từng bước. Địch vẫn hô hoán rượt theo, đạn các loại vẫn chiu chíu vây quanh. Nếu cứ di chuyển từng bước như vậy chắc chắn cả hai thằng sẽ hi sinh. Đức đẩy Mạnh ra, lấy hết sức, vừa chạy ngược lại phía địch vừa liên tiếp nổ súng. Một loạt AR15 nổ, Đức khựng lại rồi lảo đảo ngã xuống bất động. Mạnh biết Đức đã hi sinh nhưng không thể quay lại vì địch quá đông, một mình tìm về đơn vị, lòng nặng trĩu đau thương. Đó là ngày 12/3/1975. Hôm sau im tiếng súng, đơn vị đi tìm Đức. Địa phương đã chôn cất anh cạnh con suối ven rừng...
Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước xong, xuất ngũ, Mạnh về Quảng Yên, tìm vào nhà Đức, trao lại cho mẹ Đức chiếc ba lô, trong đó có bộ quần áo, mấy thứ đồ dùng sinh hoạt và bức thư của Huệ gửi cho Đức mà Mạnh đã được đọc. Mẹ ôm lấy chiếc ba lô gục xuống, buồn thương. Chị gái, anh rể cùng bà con xóm phố ùa đến, thăm hỏi chia buồn…
Sau đó Mạnh vùi đầu ôn luyện, thi đỗ vào học Trung cấp Cầu đường. Học xong, anh về làm ở Công ti Cầu đường Thăng Long. Những cây số đầu tiên anh tham gia thi công là làm con đường từ Xuân Mai đi Hòa Bình. Đó là công trình làm đường đầu tiên mà Cu Ba sang giúp nước ta. Ở đấy anh gặp một nữ kĩ sư cầu đường chỉ đạo thi công cùng các chuyên gia Cu Ba. Mang máng, nghe đâu tên Huệ.
Một lần, Huệ đang nhẹ nhàng chỉ cho tổ của Mạnh kĩ thuật trải nhựa mặt đường. Mạnh đến bên Huệ:
“Chị tên Huệ, quê Quảng Yên phải không? Tôi là bạn chiến đấu của Đức quê Quảng Yên cùng chị!”
“Trời! Vậy anh là Mạnh! Trong thư viết cho em, anh Đức có nhắc đến anh.”
Nói được đến vậy, Huệ không sao cầm được nước mắt, vội chạy vào lán công nhân nức nở. Mặc cho trước đông người, Mạnh vẫn vào lán an ủi Huệ:
“Thôi Huệ ạ! Em thương xót Đức là phải! Nhưng chuyện của Đức đã qua lâu rồi! Chiến tranh cũng qua lâu rồi, chúng ta phải sống cho xứng với người đã khuất mà em!”
Đó là ngày đầu tiên hai người chuyện trò cùng nhau, nó là kỉ niệm theo họ đến những năm tháng cuối đời. Huệ suy nghĩ rất nhiều. Huệ yêu Đức bắt đầu từ yêu quê hương, yêu cái thuở học trò. Huệ muốn tình yêu ấy là đầu và cũng là cuối. Được tin Đức hi sinh, Huệ đứt từng khúc ruột. Thời gian cứ vậy lặng trôi. Bây giờ gặp Mạnh, người bạn, người đồng đội chí cốt của Đức, nghe những câu chuyện của họ trong trận mạc, Huệ không cầm nổi nước mắt vì sự gian khổ hi sinh…
Thời gian sau, Mạnh và Huệ về quê, đến thắp hương trước ban thờ Đinh Văn Đức. Đức ngồi đó, trong khuôn hình anh bộ đội, có đôi mắt trong sáng nhìn hai người. Mạnh thì thầm:
“Đức ơi! Mày hi sinh để tao còn sống đến ngày hôm nay, xin cảm ơn mày! Đứng trước mày có cả Huệ đây, người con gái, người bạn học năm xưa mày đã yêu. Hôm nay trước vong linh mày tao xin mày cho tao được lấy Huệ làm vợ. Tao sẽ yêu quý, chăm sóc Huệ như mày mong muốn, đã tâm sự cùng tao. Mày có linh thiêng, hãy phù hộ chúng tao!”
Huệ đứng cạnh ứa nước mắt.
Nhưng đã hai lần Huệ mang thai mà không thành. Di chứng chiến tranh đã ở ngay trong cơ thể Mạnh, nó đã cướp đi của họ cả người thân và cả quyền được làm cha, làm mẹ. Họ chỉ còn biết lấy những ki lô mét đường và những cây cầu mới xây làm niềm vui. Và nhiều lần, Mạnh và Huệ vào Buôn Ma Thuột, tìm hài cốt của Đức. Nhưng địa hình bây giờ đã thay đổi qúa nhiều, không sao tìm được. Chiến địa xưa, giờ là những nương cà phê, hồ tiêu xanh mướt, một sự no đủ của thời đổi mới. Hỏi địa phương chẳng ai biết đoạn suối xưa chỗ nào...
Bỗng giữa bữa cơm chiều một ngày hè, truyền hình thông báo trong chương trình nhắn tìm đồng đội, đọc đầy đủ cả tên tuổi, quê quán của Đức. Mừng vui khôn xiết, hai vợ chồng Mạnh về ngay Quảng Yên, đón vợ chồng chị gái Đức vào Buôn Ma Thuột đưa hài cốt về. Chính quyền địa phương trong đây đã làm mọi thủ tục để đưa Đức về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Họ kể tìm thấy anh trong vườn của một gia đình khi chủ nhà chăm bón vườn cây. Xác định chính xác nhờ có chiếc lọ penicillin, là vật bất li thân của bộ đội ở chiến trường, trong đó ghi đầy đủ thông tin chiến sĩ.
Hài cốt của Đức được đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà trong nghi lễ tổ chức trang trọng của chính quyền địa phương và sự đón rước, chứng kiến của đông đảo cựu chiến binh, bà con xóm phố cùng một số bạn học xưa. Chỉ tiếc mẹ Đức không còn để lần cuối ôm đứa con mà bà đứt ruột đẻ ra trước khi nó nằm sâu vào lòng đất…
Đã hơn chục năm nay, từ khi tìm thấy hài cốt Đức và đưa được về quê hương, cứ chiều ngày 11/3, trước ngày hi sinh của Đức, hai vợ chồng Mạnh lại từ Hà Nội về thắp hương cho anh…
N.X.V
VNQD