. NGUYỄN ĐÌNH ÁNH
Tôi đã cố tìm ở rất nhiều nơi nhưng vẫn chưa thể mua lại được chiếc đài cũ hãng National của Nhật, kỉ vật gắn với nhiều kỉ niệm của gia đình tôi.
Cha tôi kể lại, sau khi đơn vị tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, non sông thu về một mối, những chiến sĩ có thành tích xuất sắc đều được tặng một món quà. Cha tôi lúc ấy là trung đội trưởng và được nhận chiếc đài cũ hiệu National, sau này trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, cha đã tặng ông nội tôi món quà ấy. Ông tôi quý chiếc đài như một người bạn tri âm, tri kỉ. Hồi nhỏ, lần nào tôi lên chơi đều chứng kiến hình ảnh ông mang chiếc đài bên mình để nghe các chương trình yêu thích, kể cả khi đang làm một việc gì đấy. Cái vỏ làm bằng da của chiếc đài có nhiều chỗ bị bong ra, mỗi lần như thế ông lại ngồi tỉ mẩn quấn từng sợi dây thun. Theo thời gian, chiếc đài cũ kĩ cứ thêm chằng chịt dây thun…
Minh họa: Nguyễn Anh Minh
Nhà ông nội tôi có lũy tre mỡ xum xuê xanh mướt ngay ở cổng, những ngày hè, mấy đứa cháu chúng tôi thường lên ông ngồi võng hóng mát. Riêng tôi còn có lí do nữa là để được nghe đài. Tôi thích các chương trình dân ca, đặc biệt là những làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Nghệ. Lâu dần, tôi còn mê thêm các chuyên mục văn nghệ khác như Câu chuyện cảnh giác, Chuyện kể ở đại đội, Sân khấu truyền thanh…, nhất là những câu chuyện được kể bằng chất giọng đầy dí dỏm trong chuyên mục Chuyện kể ở đại đội. Dường như những chương trình văn nghệ phát trên chiếc đài cũ kĩ đã nuôi niềm đam mê văn chương trong tôi ngay từ thời ấu thơ ấy… Biết tôi yêu thích chương trình này, đặc biệt là muốn được nghe lại những kí ức về thời chiến tranh nên ông tôi đã nhiều lần kể thêm cho tôi nghe về những câu chuyện thật từ cuộc đời binh nghiệp của chính mình. Tôi nhớ nhất là câu chuyện đầy ám ảnh sau...
Đợt ấy, vì ban ngày giặc rải bom dữ dội quá nên trung đội trưởng quyết định ngày nghỉ đêm hành quân. Đêm đó đơn vị đang phải vượt lên một con dốc thì bỗng nhiên có tiếng bom B-52 nổ ầm ầm bên kia sườn dốc. Như một phản xạ đã thành có điều kiện, cả trung đội ba sáu người cùng với mười đồng chí vừa tăng cường vào ngày hôm trước đều tản nhanh ra nằm rạp người xuống để tránh bị mảnh bom sát thương. Bom mỗi lúc một dồn dập hơn. Ông nội tôi đang nằm nín lặng, chờ đợi khẩu lệnh của trung đội trưởng thì đã trông thấy ánh lửa bùng lên ở phía đỉnh dốc. Cảm giác những đợt bom như trận mưa đá đang xối xả tiến gần đến phía trung đội bộ binh của mình. Cả trung đội lúc ấy phản xạ một cách tự nhiên là đứng dậy, quay lại, rút nhanh xuống cuối con dốc. Nhưng đang chạy thì ở dưới chân dốc một loạt mưa bom nữa lại vang lên. Cả trung đội khựng lại. Chưa ai kịp kêu lên thì một đợt B-52 rải cắt ngang đội hình. Ông tôi bị tung lên cành cây, rồi lộn nhào xuống đất. Ông thấy cơ thể đau buốt, khó thở nhưng vẫn cố nhổm dậy, bò đi. Mặt có cảm giác ướt đẫm. Hai tay vuốt lên mặt liên tục. Máu chảy ra từ mũi, từ miệng mà ông ngỡ tưởng mồ hôi. Ông vẫn cố hết sức bò đi trong đêm, nhưng rồi ngất đi khi nào không biết. Sáng tỉnh dậy mới biết mình vẫn còn sống. Nhưng… cả trung đội bốn mươi sáu người đã hi sinh gần hết. Bấy giờ, những người còn sống sót tập trung lại...
Đôi mắt ông đỏ hoe. Ông nhìn vào xa xăm như đang chuyện trò với từng đồng đội. Thằng Nam nó bảo băng qua con dốc này, sáng mai nó sẽ viết thư về cho mẹ. Thằng Dũng đen lại tâm sự trước đêm định mệnh vừa nhận được thư người yêu, nó đã viết thư hồi âm nhưng chưa kịp gửi. Rồi thằng Hậu lùn quê Thanh Hóa bảo đang thèm một bữa canh chua cua đồng mẹ nấu. Và, mấy đồng chí mới tăng cường đến, chưa kịp biết tên, biết tuổi… Họ đã vĩnh viễn không còn. Những người lính may mắn còn sống đớn đau đi nhặt từng mảnh xác của đồng đội. Nhìn lên cành cây là ruột. Hai bên sườn dốc là chân, là tay… Cảnh tượng thật xót xa. Nó ám ảnh ông tôi cho đến tận bây giờ. Tôi hỏi ông về bức thư của chú Hậu. Ông kể tiếp, khi đi tìm xác Hậu, tìm mãi vẫn thiếu mất một cánh tay nhưng may mắn tìm được chiếc ba lô. Ngay lập tức, ông lục tìm lấy bức thư và sau này khi về thị trấn ông đã kịp gửi bức thư đó giúp Hậu…
Ngày tiễn đưa ông nội tôi về cõi vĩnh hằng, tôi mới chợt nhận ra chiếc đài cũ kĩ đã không còn. Tôi lấy làm thắc mắc, vì sao một kỉ vật mà ông từng xem như người bạn tri kỉ giờ đây đã biến mất. Thì ra, ông đã đem bán cho một gia đình khá giả trong làng, vào khoảng thời gian tôi đi học xa nhà. Tôi biết, cũng chỉ vì lúc già cả thiếu thốn, cùng lắm ông mới bán. Có thể số tiền ít ỏi dành dụm được là để cho con cháu đi học hành hay đi làm ăn xa về như tôi. Thời đi bộ đội nghĩa vụ, rồi đi học đại học, nhiều bận tôi ghé về quê thăm ông nhưng chẳng bao giờ tôi để tâm đến chiếc đài cũ kĩ. Bởi tôi đã quen với những thanh âm mới hiện đại hơn, nên đã không biết chiếc đài kỉ vật ông đã đem bán từ lâu…
Sáng nay, ngồi xe anh bạn lên cơ quan tình cờ nghe một câu chuyện kể trên sóng radio, tôi bỗng thấy kí ức tuổi thơ những ngày hè ùa về, đâu đó thấy dáng ông nội tôi đang tỉ mẩn quấn từng sợi dây chun quanh chiếc đài cũ kĩ…
N.Đ.A
VNQD