Mùa xuân của người lính

Thứ Sáu, 15/10/2021 11:47

. NGUYỄN SƠN
 

Mùa xuân, núi đồi khoác lên mình tấm áo xanh mơ màng. Mảnh đất Sơn Tây vốn đã xanh bởi màu áo lính giờ lại trở nên thơ mộng trữ tình hơn. Sau một mùa đông dài cỏ cây rạc mình vì sương giá, khí xuân ấm về mang theo lộc biếc chồi non, mang theo những xôn xao của cây lá và những nao nức trong lòng người.

Trên lối đi nhỏ được lát đá vòng quanh doanh trại, những bông hoa li ti ngời lên rực rỡ, mặc những cơn mưa phùn buông xuống chút gì bảng lảng diệu vợi. Những bông hoa không ai biết tên, và khó mà diễn tả rõ được dáng dấp, sắc màu, cứ độ xuân và đúng tiết mưa phùn là trổ mình vào không gian mênh mông xanh thẳm của Sơn Tây. Những bông hoa không tên ấy cũng đủ gợi lên bao nhiêu cảm xúc. Có chàng tân binh vừa nhập ngũ, vẫn còn nguyên dáng vẻ học trò, gặp sắc hoa phơn phớt tim tím lại bâng khuâng nhớ đến cô bạn cùng lớp và sắc màu của tuổi chớm yêu. Sau mỗi buổi huấn luyện trở về, sắc hoa ấy cứ nôn nao gợi nhắc để những mệt nhọc rã rời buổi đầu tan đi trong một thoáng ý nghĩ xa xôi.

Minh họa: Đỗ Dũng

Trở lại Sơn Tây lần này trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc của những tháng ngày đã sống ở đây, những ngày được khoác trên mình màu áo lính. Những thửa ruộng, những rừng cây, những gò đồi tôi đã từng gắn bó và thân thuộc đến mức có thể cảm nhận được mùi vị của đất đá, sương nắng nơi này. Trên mỗi địa hình tôi đều đã áp ngực xuống trong những giờ huấn luyện để nghe tiếng thở của đất, để thấy mình lẫn vào màu xanh của cỏ cây xứ sở. Những con đường Sơn Tây dẫn tôi đi giữa lưng chừng cái lạnh còn rơi rớt lại của mùa đông và cái ấm áp của mùa xuân vừa đến. Không đủ hùng tráng kiêu bạc như trong câu hát “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi” nhưng chúng tôi khi ấy cảm nhận được rất rõ mình đang tiếp nối dòng chảy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” ấy. Bộ quân phục còn nguyên nếp tinh tươm rồi đây sẽ bạc sờn vì thao trường sương gió, dáng vẻ thư sinh rồi đây sẽ rắn rỏi hơn vì trải qua huấn luyện…

Giữa núi đồi thâm u tịch lặng những khẩu lệnh dõng dạc, dứt khoát vang lên, người chỉ huy say mê hướng dẫn những chàng tân binh từng cử chỉ, từng thao tác sao cho chuẩn chỉ, nghiêm ngắn. Mỗi mùa huấn luyện anh lại thấy mình như trẻ hơn, dù cho mái tóc đã điểm bạc cùng năm tháng. Mùa xuân mây trắng chưa bay về nhưng khung trời của người lính thì luôn bồng bềnh những áng mây của sự khát khao, niềm tin tưởng và cả chút gì mơ mộng. Cứ nhìn vào cách người lính luyện tập trên thao trường sẽ hiểu được vì sao họ lại đầy tin yêu và mộng mơ đến thế. Mỗi thao tác được thực hiện là lại thêm một cách thức để họ chinh phục khát khao, chinh phục tuổi trẻ. Mỗi cánh tay vung lên như thể họ đang tạc khắc vào đất trời dáng vóc của ước mơ.

Giờ giải lao, những người lính trẻ trở lại sự hồn nhiên vô tư của tuổi mười tám đôi mươi. Tôi hỏi một chàng trai về những ngày đầu trở thành người lính, em cười bẽn lẽn bảo, đó là những ngày đủ để em chọn lựa lại cho tương lai của mình. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, em nói rõ hơn: Em từng nghĩ mình sẽ đi lính nghĩa vụ rồi về đi học công nghệ thông tin, nhưng có lẽ em sẽ chọn lại, em muốn phấn đấu để ở lại trong quân đội. Em nói mà mắt thì nhìn mãi vào người chỉ huy đang say sưa nhắc bài cho một nhóm chiến sĩ trẻ tự tập luyện các động tác khó.

Mùa xuân đang trổ hết mình trên vai những người lính trẻ. Sơn Tây trầm tĩnh và vời vợi trong bảng lảng tháng ba.

N.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)