. HƯƠNG VĂN
1.
Chiều nghiêng hẳn về làng. Một khoảng nắng héo vàng phớt qua rặng tre già rồi loang xuống bờ chuối mọc hoang gầy guộc. Gió từ ngoài ruộng hắt lên mùi ngai ngái của rạ rơm khô. Bầy vịt xám đang đứng rỉa lông rỉa cánh trên đường, thấy người đi qua vội dạt ra kêu quàng quạc ầm ĩ làm xao xác cái không gian vốn yên tĩnh của một buổi chiều quê. Chẳng màng đến xung quanh, chiếc Cub của Cường vẫn lao vun vút trên con đường đất nhỏ. Bụi đỏ tung lên cùng với tiếng pô xe rồ rồ. Loan ngồi đằng sau, vội quá chẳng kịp chải lại tóc, vạt áo cứ lật phật bay. Cô như đứa trẻ bị bắt đi, giọng vùng vằng: Anh chở em qua đấy làm gì?
Minh họa: Phạm Hà Hải
Hơi thở đàn bà con gái ấm hơn nhiệt nắng dập dồn sau lưng, khắp người Cường ran ran nhưng vẫn cố im lặng và bình tĩnh cầm lái. Để làm gì thì Cường chưa thể trả lời ngay được. Hoàng vừa về và gọi gấp lắm. Ông ngoại gã đang trong cơn nguy kịch.
Bệnh nằm một chỗ khá lâu, ông cụ không thể qua khỏi những ngày cuối hạ. Đám tang đưa đi vào buổi hoàng hôn ảm đạm. Đến giữa cánh đồng, trời đã chập choạng tối. Những đống nhấm cỏ trong ruộng còn ngùn ngụt khói, thi thoảng phụt lên mấy đốm lửa chớp lòe, mùi khen khét hòa vào những cơn gió gọi đêm. Tiếng kèn trống ò e càng tăng thêm vẻ thê lương. Theo sau chiếc áo quan, đoàn người đang bước nhanh cho kịp giờ chôn ông cụ. Bóng người nhòa nhoạng nhập tách. Hoàng ôm di ảnh ông đi trước. Mẹ và em Hoàng ôm quan tài khóc rên thống thiết. Sao cha nỡ bỏ con đi… ông bỏ con đi... nghe rất thảm. Đám đàn bà đi sau luôn mồm xầm xì, có lúc rộ lên át cả tiếng kèn, tiếng khóc và như gõ đục vào tai Cường. Tội nghiệp thằng Hoàng, chưa kịp lấy vợ thì ông đã mất. Một người đàn bà ngắn ngủn vung vẩy hai tay, cặp môi dày dẩu ra đang đi lướt qua Cường và nói đổng cố ý cho Cường nghe thấy. Dào ôi, chẳng biết là cái loại gì mà người ta vừa đi vắng đã vội hớt tay trên.
Tiếng kèn trống và tiếng người vẫn xôn xao không ngớt. Cường lảng nhìn nhưng bắt gặp ngay đôi mắt ươn ướt như sắp khóc của Loan. Mắt đàn bà khi buồn sao đẹp lạ lùng. Cường vốn say đôi mắt ấy từ lâu, lúc nào cũng muốn ngụp mãi trong hai khoanh tròn lung linh ấy. Nó trong lành và dịu mát biết nhường nào. Lòng Cường bỗng dấy lên niềm thương khó tả. Đáng lẽ không nên chở Loan sang nhà Hoàng và hai đứa cũng chẳng cần câu nệ cùng đi đưa đám ông cụ. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, hàng xóm láng giềng có đàm tiếu, nhiếc móc thì cũng đành phải chịu.
2.
Lễ cúng tam nhật ông cụ diễn ra vào buổi trưa. Trời tuy nắng nóng nhưng cần cúng đúng giờ. Thầy đã dặn kĩ thế. Cường đem giỏ trái cây sang nhưng hơi muộn. Trên bàn thờ, khói nhang nghi ngút tỏa. Vái ông ba lạy xong, Cường lẹ làng đi xuống nhà dưới. Mấy người phụ nữ trong nhà đang lặng lẽ làm bếp, mắt ai cũng đỏ hoe. Bếp núc, củi lửa nóng bừng bừng. Cường tìm ra chỗ Hoàng đang ngồi làm thịt gà. Mùi tanh tanh nồng nồng bốc lên từ xoong nước nhúng lông gà khiến Cường khẽ nhăn mũi. Móng tay của Hoàng bén như nhíp và nhanh hơn chim mổ thóc, còn mấy sợi lông tơ, gã miết đi miết lại thật kĩ rồi cầm chiếc dao nhọn hoắt khoét ruột gà rất khéo… Loáng cái mấy con gà, cả cồ lẫn mái đã sạch tưng. Rửa thêm hai nước nữa cho thật kĩ, gã bưng rổ gà vàng ươm, bóng lẫy vào. Tiếng dao thớt kịch kịch chặt chặt, băm băm. Thịt gà được phân thành bốn phần để vào bốn góc rổ khác nhau. Mồ hôi Hoàng đã túa ra và chảy ròng ròng trên tấm lưng trần trắng bóc. Cường muốn phụ làm một việc gì đó nhưng liền bị gã đẩy lên nhà trên tiếp khách. Một lát sau, mâm cúng được bày xong.
Bà con họ hàng đã tề tựu đông đủ nhưng phải chờ Hoàng vào mới làm lễ được. Gã cần tắm rửa sạch sẽ rồi mới chịu mặc đồ tang. Gã vốn là người kĩ tính đến lập dị. Từ chuyện cúng kiếng, bếp núc, nhà cửa, bộ quần áo gã mặc trên người đến đôi dép lê để trong xó, mọi thứ đều phải đâu vào đó, tinh tươm, sạch sẽ. Mái tóc lúc nào cũng vuốt thành nếp như sóng gợn. Gã có thể đánh trần nhưng lại mặc chiếc quần dài lụa lưng cao quá rốn. Bản tính ấy cùng giọng nói thỏ thẻ và dáng đi hơi khép nép, ẻo lả càng khiến gã có chút gì đó xa lạ với đám thanh niên đồng trang lứa trong làng.
Đã quá giờ ngọ, khách khứa cũng về hết, mẹ và em Hoàng đang loay hoay dọn dẹp bát đũa ngoài giếng. Hoàng pha thêm bình trà để cố níu Cường ngồi lại. Nhà người ta đang lúc tang gia buồn bã, thật khó đem chuyện tình cảm riêng tư ra để nói. Nhưng Cường rất nóng lòng muốn biết gã nghĩ gì khi mình sắp cưới Loan. Từng quý nhau như máu mủ ruột rà, không tác hợp cho gã thì thôi, còn ngang nhiên giành lấy trái tim Loan khi gã đi vắng, Cường có phải là thằng khốn nạn quá không. Thiên hạ đang đồn ầm lên kia kìa. Tình cảm anh em từ đây sẽ thế nào, chắc gì gã chấp nhận là người ra đi. Mà cũng tại gã. Bỏ đi biệt xứ không một lời nhắn nhủ với Loan, cứ tưởng sẽ chẳng quay lại nơi này. Ai ngờ… Cũng còn may, gạo vẫn chưa thành cơm, đằng nào mọi thứ cũng phải đúng sai ngã ngũ.
Nắng chiều đã hắt ngược vào nhà, hơi nóng càng làm tăng thêm sự bức bối trong lòng. Bình trà đặc đã cạn khô cạn quéo, Hoàng cứ luyên thuyên đủ thứ, từ tiền phúng điếu đến việc xây mồ mả cho ông cụ, chuyện trên phố tới chuyện ở làng. Ngồi xếp bằng trên chiếc phản gỗ cả tiếng đồng hồ, người đã mỏi nhừ, Cường vẫn không thể khơi mào được câu nào, đành cáo mệt và vỗ vào vai gã một cái thật mạnh để ra về.
Minh họa: Phạm Hà Hải
3.
Sau những ngày nắng đến cháy da, chảy mỡ, làng quê lại rợp bóng mưa. Chớp rạch ngang trời thành vệt dài ngoằng lóe đỏ. Sấm đùng đùng. Lũy tre làng như bức vách kiên cố bị gió quật ngả nghiêng, ngọn vút vào không khí những lằn cong viu víu. Rồi mưa. Rào rạt, xối xả. Từng chuỗi hạt to tròn và trĩu nặng nối nhau rơi. Đáy ao nứt toác được vá liền bởi phễu nước mênh mông của trời trút xuống.
Cơn mưa như dội ngược về quá khứ những chuỗi ngày thật đẹp. Thời còn bé, Cường rất thích tắm mưa. Mưa đến với làng thường bất chợt và mát rượi. Nắng đang chát chúa làm giòn quắt cả những vũng nước ngoài ao, ngoài suối thì mưa kịp dội tới. Mưa một ngày, hai ngày, có khi kéo dài cả tháng. Cánh đồng trơ gốc rạ trắng phau màu nước. Bãi bờ ngập tum. Tiếng ếch nhái kêu uôm uôm khắp đồng, cá cũng từ đâu kéo về đàn đàn ngoi lên ngụp xuống trong làn nước đùng đục đớp những con côn trùng trên mặt nước. Ngôi làng già nua bỗng rộn lên bởi đám trẻ. Giữa cơn mưa, bọn Cường kéo nhau ra đồng tồng ngồng tắm mưa phá nước. Lúc về còn xách được cả xâu cá diếc, rô, chuối, chạch…
Mùa mưa năm ấy, gia đình Hoàng mới dọn về làng ở. Hoàng vốn nhút nhát vì mỗi lần chạy nhảy vui đùa, một bên bẹn lại sưng to lên. Gã cứ đau lại khỏi nhưng chẳng mấy ai để ý. Một lần Cường cũng dụ được gã đi tắm mưa bắt cá cùng bọn trẻ. Thấy gã cứ đứng tẩn ngẩn tần ngần bên mép ruộng, thằng Hải to con nhất đám xông đến lôi gã sền sệt trong bùn nước. Cái quần đùi lỏng dây thun trên lưng liền tuột luốt. “Bảo bối” của gã bị lộ ra nhưng lại nghiêng lệch về một bên, tấy đỏ. Thấy lạ, mắt thằng Hải ngầu lên. Hai đồng tử giãn to như nhìn thấy một sinh vật lạ. Nó hét lên một tiếng rồi vật ngửa Hoàng ra, hai tay cứ thế búng rảy vào chỗ ấy. “Ha ha! Hòn núi một. Hoàng hòn núi một!”. Hoàng thét lên được vài tiếng thì bùn đã ngập đến miệng, gã cố giãy đạp mà chẳng ăn thua gì. Ban đầu, Cường vô cùng hoảng sợ và lúng túng, nhưng thấy mấy thằng khác cũng hùa vào, không kịp nghĩ, Cường dồn hết sức bình sinh lao đến và dùng đầu ủn ngã từng đứa một. Lũ trẻ bất ngờ bị ngã ngửa ra, đứa lõm bõm trên mặt nước, đứa chúi nhủi như con vịt đang vểnh phao câu. Thằng Hải cao to nhưng vì cú thúc của Cường nhằm vào hạ bộ, đau quá cứ nhảy choi choi, nói không ra tiếng nên cũng không làm gì được. Nhân cơ hội ấy, Cường vội cúi xuống xốc Hoàng lên lưng lụp thụp chạy dưới mưa. Tóc tai, mặt mũi hai thằng bết dính đất, sũng sĩnh nước.
Sau trận ẩu đả với bọn Hải, Cường thách đứa nào dám đụng đến lông tơ kẽ tóc của Hoàng. Kể từ đó, gã dính với Cường như sam. Dù bằng tuổi nhưng cứ một anh Cường, hai anh Cường, có gì ngon cũng để dành riêng anh Cường. Cường hiển nhiên thành người cận vệ không công cho gã. Nhọc nhằn nhất là những ngày Hoàng ở viện. Gã đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật vô cùng đau đớn và tốn kém. Gã hành Cường đứ đừ, hết xấu hổ dị dợm lại rên rỉ cả đêm, không cho ai ngủ. Nhưng Cường thấy mừng hơn là mệt. Dù không thể cứu vãn một nửa “bảo bối” còn lại vì bệnh thoát vị bẹn đã để quá lâu, Hoàng vẫn có khả năng sinh con, vẫn được phép ngạo nghễ bước ra đời với tư cách một thằng đàn ông đích thực.
Chẳng hiểu ý trời run rủi thế nào, cả đám con gái trong làng, gã chỉ để ý đến Loan - người con gái Cường thầm yêu trộm nhớ. Gã thính lắm. Cường đi một bước, gã dõi theo hai bước. Lúc có ba người, gã còn liều lĩnh ôm Loan thật chặt, khiến mắt Cường rát rạt như bọ xít đái vào. Nhưng mấy năm yêu nhau, chưa bao giờ gã chở Loan ra khỏi lũy tre, bờ chuối, chưa bao giờ người trong làng thấy gã sang nhà Loan phụ giúp việc gì. Gã cứ nhá xèng với Loan được dăm bảy bữa lại im hơi lặng tiếng. Loan như con mồi đã sẵn trong bẫy nhưng lão thợ săn lại giấu mặt, Cường như một kẻ đói khát đi lạc trong rừng, thấy đường mà không ra nổi, loanh quanh lại về chỗ cũ đến phát khùng. Lúc nào cũng say đôi má phúng phính và hai núm cau trên ngực nở xòa ra trắng ngần đầy đặn, phập phồng sau làn áo mỏng của Loan mà không dám làm gì. Một dạo, nhịn mãi không chịu nổi, Cường chộp được cơ hội dẫn Loan đi xem múa ở thôn bên. Hoàng biết ngay. Gã đùng đùng nổi giận chặn hai người giữa đường cái, sau đó còn làm một cuộc chiến tranh lạnh cả tháng trời…
Một cơn mưa nữa lại ập tới. Sấm chớp đùng đùng. Gió quật rin rít trên cành cây, mái nhà. Mưa ào ào như trút. Ngôi nhà thấp bé chìm hẳn vào mưa. Mưa như hắt mạnh vào lòng Cường những rối bời. Cả tuần nay không gặp, nhớ Loan lắm nhưng Cường chưa dò được ý của Hoàng. Dù gì thì Hoàng cũng chưa nói lời chia tay với Loan và gã vẫn còn ở quê sờ sờ ra đấy. Cường tự an ủi, sau khi Hoàng xây mộ cho ông xong, chắc sẽ lại ra đi… Nhưng thi thoảng, Cường để ý, vẫn thấy gã léng phéng đi ngang nhà Loan. Có khi nào Loan bị lung lay mà quay lại với gã? Đàn bà con gái rất hay mềm lòng. Tình đầu đâu dễ phai phôi. Cường từng nghe Loan tâm sự, tình cảm cô dành cho Hoàng vừa là sự ái mộ thần tượng vừa là tình yêu trai gái nên thật khó quên. Phải làm gì để Loan đặt hết niềm tin về phía Cường? Cả năm nay, cái nắm tay hay những nụ hôn ngọt nhẹ dành cho cô, Cường cũng phải từ tốn, lưỡng lự, rụt rè. Mỗi khi gần Loan, bóng dáng của Hoàng lại chập chờn trước mặt, cảm xúc của thứ tình yêu tội lỗi luôn bị chi phối bởi những cắn rứt, giày vò. Nó giam nhốt Cường, không cho phép đi quá trớn. Giá như Hoàng về chậm thêm một tháng. Chỉ cần một tháng nữa thôi. Còn giờ đây, Cường khác gì kẻ đánh cắp đã đến lúc phải trả lại người ta. Không. Khốn nạn hay tệ mạt thì cũng mang tiếng rồi. Thiên hạ có trăm miệng ngàn tai cũng không cản được tình cảm của Cường. Hạnh phúc đang trong tầm với, dễ gì Cường buông ra.
4.
Chiều hôm nay không còn mưa và có thể mưa đã dứt hẳn. Mây phía biển không còn đùn lên nữa. Nước trong mấy đám ruộng đang rút dần để cày ải chờ vào vụ mới. Việc đồng áng đang thảnh thơi. Cường cũng chưa biết phải làm gì. Tối qua, lúc đi ngang bờ ao cạnh nhà Loan, Cường thấy thấp thoáng phía bên kia có bóng ai đó nhập nhòa. Định dừng lại quan sát nhưng vì mấy người làng mang đèn đi soi cá nên Cường đành phải bỏ về. Chờ đến lúc họ đi khuất, quay lại thì không còn thấy ai nữa. Bóng người nhập nhòa ấy, hình như một mà cũng lại như hai. Hình như mập mà cũng ẻo lả giống Hoàng. Hay là… Đêm tối như đồng lõa với những nghi kị, tưởng tượng dậy lên trong lòng Cường. Họ là ai, làm gì mà lại phải nương vào bóng tối? Trong đầu Cường, chập chờn hình ảnh Loan ngoan ngoãn trong vòng tay Hoàng, nhỏ những giọt nước mắt ấm nóng vào ngực Hoàng. Mái tóc dài suôn mềm bung xõa tỏa hương thơm dìu dịu vào đêm, len lỏi vào từng đường gân thớ thịt Hoàng. Đầu ngón tay Hoàng chạm vào bầu ngực căng tròn khiến cả hai tan loãng. Sau nụ hôn dài sâu đến ngộp thở, Loan hiền lành xoãi người ra run rẩy theo thứ ngôn ngữ đợi chờ của cơ thể… Đầu Cường muốn nổ tung bởi những tưởng tượng ấy. Giá như có thể bổ được, lôi những hình dung ấy vứt đi, Cường cũng sẵn sàng.
Loan vẫn còn tình cảm với Hoàng thật ư? So với Cường, gã đẹp trai và nổi hơn nhiều. Nói về tài vẽ tranh, nhất là tranh chân dung, mấy cha luôn tỏ vẻ nghệ sĩ ta đây phải gọi gã bằng cụ tổ. Khi giấy mực đã bày sẵn ra, gã pha màu nhanh hơn diễn xiếc. Tay cầm bút dẻo như múa. Gã ngồi hơi khom, nửa thân dưới như bất động, mắt đảo ngược liếc xuôi, nheo lại rồi mở ra. Đầu nghiêng qua ngả lại như quả lắc đen, vẻ chăm chú mà lại như lơ đãng đầy nghệ sĩ. Bất ngờ, gã mở miệng, giọng dẻo không kém gì những bà buôn chuyên nghiệp. Mắt cô nên nhìn đăm chiêu vào, em hãy thả tóc ra, tay buông xuống, ưỡn ngực lên, lưng thẳng… Thế, thế. Chẳng mấy chốc, người trong tranh hiện ra như vừa ở ngoài bước vào. Nhận tranh, ai cũng hài lòng. Biếu bao nhiêu gã cũng nhận. Từ vài triệu đến mấy chục trứng hoặc mớ rau vườn. Và bao giờ cũng luôn là cái miệng nhăn ra cười hì hì dễ thương và đầy lãng tử.
Bức chân dung của Loan, một thời làm mưa làm gió khắp làng. Loan mặc áo dài trắng, dáng ngồi nghiêng thắt đáy lưng ong, miệng cười mím chi, đôi mắt bồ câu như biết nói. Từng nét vẽ cứ phô ra những đường cong gợi cảm của đứa con gái dậy thì. Ai gạ mua, Hoàng cũng không chịu bán, Cường nài nỉ xin, gã cũng không cho. Đàn bà con gái lũ lượt rủ nhau đến nhà Hoàng xin vẽ. Mấy cô miệng vẩu, răng hô, ba vòng nhập một, gã vẫn có thể vẽ mà không khiến họ phật ý. Gã không điếm xảo khi vẽ, nhưng biết nhìn ở những góc rất bất ngờ để tôn cái đẹp của họ và che đi những khiếm khuyết. Đùng một cái, đúng như tính cách thất thường sớm nắng chiều giông của mình, không một câu, gã bỏ đi biệt tích mấy năm trời mà không ai, kể cả Loan, biết lí do.
Cứ cái đà này, làm sao mà kéo Loan lại được. Dính lại với Hoàng, chắc chắn đời Loan sẽ khổ. Phận đàn bà mười hai bến nước, Loan vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Cường tuy nghèo nhưng khỏe mạnh, hiền lành và quan trọng nhất, yêu thương Loan hết mực. Mấy vụ rồi, từ cày bừa đến gặt hái, Cường qua lại đỡ đần bên ấy. Trai tráng ở quê được mấy người chân chất như thế. Mẹ Loan luôn tạo điều kiện để hai đứa được gặp gỡ chuyện trò. Mưa dầm thấm lâu, Cường mừng như mở cờ trong bụng. Hai bên đã qua lại một vài lần. Thế mà, đùng một cái...
Cường khẽ vuột tiếng thở dài nặng hơn đá tảng.
5.
Đêm đã buông xuống tự khi nào không rõ. Trời không trăng và cũng chưa một ánh sao. Cường định ăn tối xong sẽ ghé sang nhà Loan xem xét tình hình. Cùng lắm thì sẽ nhờ người lớn can thiệp vào. Chưa kịp mặc xong áo đã nghe Hoàng gọi, bảo lâu rồi chẳng được nhậu nhẹt tán gẫu với nhau, gã đang nướng cá để làm mồi. Chần chừ mãi, Cường cũng miễn cưỡng sang. Định bụng ghé một lát rồi sẽ về ngay.
Mới mấy ngày không gặp mà Cường thấy gã xuống nhanh quá. Khuôn mặt hốc hác, hai bọng mắt thâm quầng. Gã vẫn đánh trần và mặc quần dài lụa. Hai bên sườn thấp thoáng những lằn xương cong đều. Gã ngẩng cái cổ thon dài và đỏ gay như gà đá lên, cố nuốt thật gọn thứ nước cất đùng đục cay nồng. Khuôn mặt nhăn lại như ai vừa chạm vào nỗi đau. Giọng gã gần như lầm thầm nhưng lại khá nặng nề. Gã bảo, mẹ gã thì không nhắc đến làm gì. Bà đã không đẹp lại còn đi tục tạc với ông này ông kia. Cô em gái thuộc kiểu người vô tư lự, làm được đồng nào cũng quần áo son phấn hết. Gã chỉ thương ông ngoại. Cả đời ông vun vén cho gã, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa tròn tâm nguyện. Giá như sớm cưới vợ có con để cụ cháu thấy mặt, gã sẽ đỡ ân hận phần nào. Ở thành phố, đường làm ăn khá thuận lợi nhưng gã luôn thấy lạc lõng. Trên ấy khác hẳn dưới quê, phần ai nấy sống, lúc ốm đau bệnh hoạn không biết nương cậy vào ai. Giờ ông đã mất, quả thật, gã cảm thấy mình vô cùng bơ vơ, mất phương hướng.
Rỉ rả một lúc, gã cất giọng cười khùng khục. Tiếng cười như khép lại màn bi kịch trong cuộc đời. Gã chộp lấy li rượu và uống cái ực như để tự phạt mình. Cường cũng tự uống nhưng thấy tợp nhầm phải thứ mật quá đắng. Đột nhiên, gã chuyển chủ đề, giải thích lí do mình bỏ đi. Gã bảo, ở quê, nghề vẽ tranh chỉ cốt mua vui, gã không thể lên tay được và thu nhập cũng chẳng được mấy. Không chết vì đau bệnh cũng chết vì đói khổ. Vì thế, gã mới quyết tâm lên thành phố lập nghiệp… Vẻ ngoài như đang chú ý nghe gã tâm sự nhưng trong lòng Cường thì lại thấp thỏm chờ lời hạ của gã về Loan. Mọi chuyện đâu cũng sắp vào đấy cả rồi, gã muốn gì ở mình đây. Cường chờ đợi và sắp xếp cách xử lí trong đầu mình các tình huống, kể cả xấu nhất có thể xảy ra.
Sương lộp độp rơi ngoài hiên, hơi lạnh đêm đã thấm cả vào cái vỏ chai nằm chỏng chơ trên nền gạch. Cụng nhau thêm vài li nữa, nhưng cũng chẳng thấy gã đả động gì thêm, Cường dợm đứng dậy. Cứ giữ nguyên tình trạng thế này có lẽ tốt hơn. Hai mặt một nhời làm gì cho thêm rối, mất nghĩa mất tình. Với lại, Cường hi vọng, với tính khí thất thường của Hoàng, biết đâu, ngay ngày mai gã lại bỏ đi biệt tích. Vừa mở lời để về thì gã đã kéo tay Cường, ấn ngồi xuống. Đêm nay phải uống cho cạn hết mới được về. Chín chày còn chịu được, cố một chày nữa cũng chết ai. Cường ngồi xuống cầm chai rượu. Cứ xem đây là một bữa tiệc tạ lỗi với Hoàng đi. Vỏ chai ngả ra cạn bao nhiêu, chất men ngấm vào máu, xoắn lên não bấy nhiêu. Trụ thêm được một lúc nữa, Cường gục xuống ngay chỗ nhậu. Chập chờn, Cường thấy Loan đang âu yếm lấy khăn lau mặt cho mình rồi đặt đầu Cường lên đùi. Cường nhắm mắt, tê dại đi khi bàn tay ấy dịu dàng mở cúc áo và xoa nhẹ lên vồng ngực vâm váp của mình rồi lần dần xuống bụng, xuống sâu nữa. Bất ngờ, Loan đổ ập lên người Cường. Chiếc lưỡi điên dại nghiến ngấu môi, lưỡi, cổ, rồi vào sâu dần. Cơ thể Cường căng cứng. Sau mấy cú giật đến rủn người, những luồng nóng rãy từ trong người phóng mạnh phía bụng dưới.
6.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu mà Cường vẫn không ngóc đầu lên nổi. Người như gãy ra từng khúc. Sáng nay, cố mãi, Cường mới về nổi. Trên đường mấy lần xe ngã đổ kềnh. Cường không ngờ, sau một thời gian bỏ đi, Hoàng uống khiếp thế. Cảm giác không biết say là gì. Chợt phát hiện cánh tay mình có mấy vết bầm tím như bị ai đánh, Cường nghĩ, chắc tại mấy cú đổ xe khi sáng. Cường nhìn xuống cơ thể mình. Những gì diễn ra đêm qua, lúc Cường say gục xuống là mơ mà cũng lại giống thật bởi cảm giác dấu vết như vẫn còn nguyên trên cơ thể. Hay là hôm qua Hoàng đã gọi Loan đến với mình và tất cả là do Hoàng sắp đặt?
Có lẽ đến chiều tỉnh hẳn, Cường sẽ qua nhà Hoàng rồi vòng sang nhà Loan.
Ý nghĩ ấy khiến Cường nhắm mắt trong cảm giác thật nhẹ nhõm.
Nằm nghĩ lan man chẳng ngủ tiếp được, Cường bật dậy, vệ sinh qua loa rồi dắt xe ra ngoài. Cửa ngõ nhà Hoàng vắng im ỉm. Có khi nào, dàn dựng kịch bản tối qua xong, Hoàng đi luôn không nhỉ? Cảm giác tẻ lạnh khi bước vào nhà khiến Cường thấy gai gai. Bàn thờ nhang khói lạnh tanh. Mặt đất, tường nhà và cả mái ngói trên cao cũng vậy. Một luồng âm khí lạnh lẽo quấn lấy người Cường. Dọc sống lưng lạnh toát. Các ngón chân bấu mạnh xuống nền nhà chướm lạnh. Chiếc giá vẽ dựng bên hông phòng khách và giấy mực để bừa bãi, tứ tung. Những bản vẽ, cả cũ cả mới nằm la liệt trên bàn, dưới đất lạnh lùng. Một tấm tranh đã sờn màu sơn, nét vẽ hơi vụng nhưng vẫn rõ hình ảnh hai đứa trẻ trai thung thăng dắt nhau đi giữa cánh đồng trong một đêm trăng sáng vàng óng; ngôi nhà lụp xụp nằm lấp ló dưới rặng tre cũng hiện ra giống y như thật. Một bức khác, gã đã lén vẽ chân dung của Cường tự khi nào không ai hay biết. Tóc Cường cắt húi cua, mắt sáng quắc, da bóng như đồng, cơ bắp nổi cuồn cuộn, chẳng khác gì một lực sĩ lừng danh. Độc lạ và đậm nét hơn cả là bức tranh có đôi nam giới nằm lõa thể và đang quấn lấy nhau không rời. Màu mực còn rất mới. Những sắc màu thực ảo, tư thế nghiêng ngửa của hai nhân vật khiến Cường liên tưởng đến giấc mơ của mình với Loan đêm qua. Gai ốc nổi dày trên da. Cường rùng mình hốt hoảng. Lẽ nào Hoàng không thể trở thành đàn ông đúng nghĩa? Bấy lâu nay, gã cứ ám vào Cường để thỏa mãn cơn khát thèm đàn ông đấy ư? Không thể như thế được.
Cường chưa kịp định thần với dòng liên tưởng đang dập dồn kéo tới đã phải chết lặng vì cảnh tượng hãi hùng phía phòng ngủ. Hoàng nằm sõng soài trên giường, vẫn ở trần và mặc quần dài lụa nhưng đầu tóc bù xù. Chân tay buông thõng thượt. Hai bờ mi đã khép nhưng vết nước mắt chảy ra hai bên thái dương vẫn còn. Một ít nước bọt ở miệng nhớt lùa. Chỉ còn tiếng “hậc hậc” rất nhẹ trên vùng ngực âm ấm. Chắc Hoàng đã phải trải qua một cơn vật vã, đớn đau. Vương vãi quanh là những viên thuốc màu trắng nhỏ.
Chân Cường chợt khuỵu xuống. Một cái gì đó nhói lên trong lồng ngực, Cường thấy Hoàng mờ dần và tan ra tựa bóng mưa.
H.V
VNQD