Sài Gòn thương từ trong ruột thương ra

Thứ Hai, 25/10/2021 00:42

. TỐNG PHƯỚC BẢO

 

Sài Gòn thành tâm dịch, đỉnh diểm có ngày gần 6000 ca nhiễm. Thành phố gồng mình chống chọi với nhịp độ lan nhanh và sâu rộng. Khắp mọi hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn chi chít dây giăng. Sài Gòn thiếu khó, Sài Gòn hối hả, Sài Gòn đắt đỏ, Sài Gòn đau lòng quá… Nhưng từ trong những ngày này, Sài Gòn ngoan cường lắm!
 

Sài Gòn giãn cách…

Lệnh giãn cách được ban hành từ 28/5, Sài Gòn hối hả và cuống cuồng. Quả thật, tâm lí người dân cũng đã chuẩn bị vì những ca lây nhiễm ngày càng lan rộng ra khắp các quận huyện thành phố. Đợt dịch này nguy hiểm và khó lường nhất. Những ca nhiễm len lỏi mọi ngóc ngách thành phố, từ khu bình dân cho đến chung cư cao cấp, từ người bán bánh mì rong hè phố cho đến các nhân viên trong bệnh viện. Mỗi ngày với ba đợt công bố ca nhiễm, là mỗi lần người dân lại lo âu. Chẳng biết khu phố mình lúc nào bị giăng dây? Những tin nhắn trong các nhóm chat bạn bè luôn cập nhật tình hình nóng hổi nhất của thành phố. Đôi khi tin từ các nhóm chat còn nhanh hơn báo chính thống. Tin luôn kèm hình. Bắt đầu những tiếng kêu từ phía bên trong khu giăng dây, những tiếng còi hụ râm ran khắp thành phố, cũng làm dân thành phố thêm lo lắng. Cơn dịch ăn sâu thành nỗi ám ảnh ưu tiên của người dân thành phố mỗi ngày.

Sài Gòn vắng vẻ khi Covid-19 bùng phát. Ảnh: Trần Thế Phong

Sài Gòn, đầu tàu kinh tế, nhưng những ngày này, Sài Gòn co mình lại, các hoạt động kinh doanh và sản xuất hầu như ngưng đọng, ngoại trừ các ngành thiết yếu. Lượng công nhân, người lao động, hoặc dân mưu sinh tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nghỉ làm một ngày là một ngày đối diện với chuyện tiêu những đồng tiền tiết kiệm. Sau chừng một tuần lễ, sẽ bắt đầu vơi dần nguồn tiền ấy. Nói gì thì nói dân thị thành đâu phải ai cũng khá giả, nhiều lắm những phận đời bám víu thành phố này với cái cảnh làm bữa nào xào bữa đó, tháng lương vừa lãnh, sang tay cái là trống trơn. Cơm áo gạo tiền xoay vần dân thị thành lắm nỗi nhiêu khê.

Cô bạn thân nhà văn của tôi, dù đôi khi bệnh thở hổng nổi, vẫn hàng ngày vòng vòng kiếm người lang thang ngoài phố cho gạo, cho mì, cho nhu yếu phẩm. Đâu chỉ có người dân không đâu, mấy doanh nghiệp cũng lao vào cuộc sẻ chia đùm bọc bằng nguồn hàng viện trợ cho cả 14 block chung cư đang phong tỏa. Công ti sản xuất gì thì đem cho đó. Chuyện bánh bao từ doanh nhân Kao Siêu Lực ngay trong đêm miệt mài vào tâm dịch chuyền tay từ tuyến đầu cho đến người dân. Bánh ra lò 1000 cái là lên đường ruổi rong mọi khu xét nghiệm, mọi nơi phong tỏa.

Mùa này, nhiều tấm lòng cùng hướng về tâm dịch. Sài Gòn được thương nhiều lắm đó! Hải Phòng gởi tấm lòng tận 10 tỉ để chung sức cùng thành phố phương Nam này đi qua khó khăn. Cần biết rằng, Hải Phòng vẫn đang trong cuộc đua chống dịch, dẫu có thể nhẹ hơn Sài Gòn. Nhưng con số tiền tỉ ấy không phải để chúng ta nói về độ chất chơi của Hải Phòng, mà nói về tính hiệp nghĩa của người Hải Phòng. Hay từ Đắk Nông, cô em bảo tỉnh vừa quyết đồng tâm hợp lực gởi về Sài Gòn 1 tỉ, cùng nhiều nông sản để bà con thành phố chống dịch. Cảm xúc của tôi vào lúc đó là muốn khóc. Đắk Nông còn nhiều khó khăn, một tỉnh miền núi với nhiều sự thiếu thốn, vậy mà...

Thành phố giờ đây đi gần nửa quãng thời gian của lệnh giãn cách. Tâm thế lần này hầu như an tĩnh, dẫu con số hằng ngày vẫn chưa trả về 0. Các ca nhiễm vẫn lan đều. Người dân bắt đầu biết điều chỉnh các sinh hoạt lệ thường phù hợp vời thời kì mới này. Tiết chế ra đường, chợ búa cũng đảm bảo chừng mực nhanh gọn rồi về nhà. Người dân ý thức rất cao cho việc 5K phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành lấy mẫu. Vài người bạn khu Gò Vấp bảo cứ xếp hàng xuyên đêm mà đợi, trong trạng thái sẵn sàng nếu có nhiễm sẽ lên đường. Những người bạn bắt đầu chuyển dần công việc về nhà làm. Tất cả đều được kết nối qua hệ thống online như Facebook, Zalo, Viber, Line và cả Trello. Thời đại 4.0, thuận tiện để dễ dàng phối hợp dẫu người Gò Vấp, kẻ Thủ Đức, người Bình Chánh, kẻ Hóc Môn. Chẳng có gì là to tát. Người Sài Gòn vốn luôn sáng tạo để thích ứng tốt với khó khăn. Mỗi người đều tự giữ vững tâm thế ở yên khi thành phố cần. Sự dịch chuyển đôi khi là nguy hại cho mình, cho gia đình, cho người thân bạn bè, và cho cộng đồng.
 

Trước giờ phong thành

Một buổi chiều lạ lùng trôi qua trong tâm trạng thấp thỏm của người dân. Sài Gòn đã chuyển nặng rồi sao? Chúng tôi hỏi nhau mà sống mũi cay xè. Các phương tiện truyền thông kêu gọi đừng gom hàng, đừng tích trữ, Sài Gòn chẳng bao giờ để ai đói. Nhưng âu cũng là tâm lí chung của con người trong tâm dịch. Đâu có ai biết trước, trong tích tắc khu phố mình bị giăng dây. Cũng đâu có ai dám chắc mình không bị bệnh, không là F1, F2. Sài Gòn bôn ba mưu sinh mọi xóm nhỏ hẻm cùng. Thành phố này vốn lộng lẫy, giờ dịch bệnh lan, người nơi đây cũng vẫn phải sống, phải làm, phải gồng mình cho mục tiêu kép. Sài Gòn bao bận chỉ lo nỗi chung. Nay thấm đòn sau bao kì giãn cách, đến lúc phong thành, sợ đói và sợ thiếu thốn ngay chính trong gia đình mình, thiệt ra đó là niềm riêng.

Mạng xã hội dậy sóng với những hình ảnh chen chúc nơi siêu thị, chợ búa, những kệ hàng trống trơn dẫu đã gần sát giờ bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa. Nhiều lắm những mỉa mai, những chê trách, nhưng đừng vội ghét khi chưa kịp thương dân xứ này. Đừng chỉ đọc trên mạng những thông tin bêu riếu người Sài Gòn là họ vô tri, là mất ý thức, hay là dân sợ chết đói..., mà hãy đọc nhiều, rất nhiều thông tin để thấy hầu hết người Sài Gòn sẵn lòng chia nhau từng bao gạo 10kg, mớ cá khô, mớ rau củ... Phía sau sợi dây giăng là nụ cười và nước mắt của sự sẻ chia. Phía sau sợi dây giăng chắc chắn chẳng ai đói.

Bạn bè tới tấp nhắn tin cho tôi. Chị Đinh Phương Thảo cập nhật, hàng hóa Phan Thiết sáng nay tấp nập gởi vào cho con em, bạn bè, người thân đang bám trụ Sài Gòn trong lúc phong thành. Từ cô bạn Phương Huyền, cô gái Hải Phòng sinh sống và làm việc mấy chục năm trời ở Sài Gòn, gạo từ Đà Nẵng, cá khô Ninh Thuận nhanh và gọn được xếp lên bàn, vào bao sạch sẽ, gởi đến khu cách li ở Tân Phú. Một cuộc hợp lực từ những người bạn. Một cuộc chung tay liên tỉnh thành. Từ đâu? Từ chữ thương Sài Gòn, thương những phận đời cố gắng ở lại cùng Sài Gòn thời khắc này.

Sài Gòn lao đao trong dịch, ẩn họa khôn lường nhưng hầu hết người dân vẫn ở lại thành phố. Họ ở lại là lòng họ vẫn giữ một niềm tin với đất lành này. Họ từng rời bỏ làng quê, bản xứ để đến thị thành tìm cho mình một cuộc sống, có lẽ một lần gá phận như thế, đã khiến họ thương Sài Gòn mà chẳng nỡ rời bỏ. Họ muốn ở lại, chọn ở lại vì họ biết Sài Gòn còn đó rất nhiều sự thảo thơm…

Đêm đầu tiên của lệnh phong thành, người Sài Gòn vẫn thức. Thức để nhắn với nhau những điều tử tế, để thương mong cùng an lành đi qua những ngày phong tỏa. Ngoài đường vẫn có những chuyến ruổi rong phát bánh mì, xôi, nước, khẩu trang... cho nhiều mảnh đời cơ nhỡ, bụi bờ. Sài Gòn chẳng ngủ bao giờ, lúc khỏe re xanh đỏ đèn màu, hay hôm ươn yếu thì vẫn cứ ăm ắp tình người ngời sáng.

Thành phố đang trong những ngày cực kì khó khăn. Hàng quán cấm tiệt, chợ búa cũng thưa thớt, phiếu đi chợ bắt đầu được phát, siêu thị không còn cảnh chen lấn mà phải xếp hàng theo khoảng cách. Tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả leo thang luôn là điều rất khó kiểm soát trong mùa dịch. Thật, chỉ cần ra siêu thị trễ sau 10h sáng có thể chẳng còn gì để mua. Cậu em nhà ở Bình Thạnh, lót tót ra siêu thị tầm trưa thì đúng là chỉ rinh về nhà được củ khoai tây. Anh bạn đồng nghiệp khu nhà trọ Tân Phú, chạy ba cái minimark Bách Hóa Xanh đều ko còn hàng. Tất cả đều hẹn lại sáng sớm mai. Tình trạng hàng hóa theo xe tải bị ùn ứ ở các chành xe cũng không có gì lạ, bởi nếu các chành nằm trong khu giăng dây hay khu có nguy cơ cao thì coi như công đoạn lấy hàng nhiêu khê phải biết.

Nhưng cũng từ trong gian khó đó, nhiều chuyến xe tiếp tế rau củ, thịt, gạo từ nhiều địa phương vẫn ngày đêm nối đuôi nhau xuôi về Sài Gòn. Từ Bình Thuận chuyến hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, gồm: 4 tấn cá bóp tươi; 4 tấn cá khô; 7.200 lít nước mắm; 500 kg thanh long sấy... với tổng trị giá 2 tỉ đồng và 10 tấn thanh long tươi do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đóng góp. Đắk Lắk huy động được hơn 23 tấn rau, củ quả gồm bí xanh, bí đỏ, cải thảo, khổ qua, củ đậu, hành tây, thanh long, bơ… và một số nhu yếu phẩm như ca cao, cà phê để hỗ trợ kịp thời cho thành phố. Hay chỉ sau 2 ngày phát động, tỉnh Lâm Đồng đã vận động được 55 tấn nông sản, trái cây các loại; 19 tấn gạo; 500 thùng mì ăn liền; 70,6 triệu tiền mặt, cùng các loại nhu yếu phẩm cần thiết khác để chất đầy “Chuyến xe yêu thương” gởi về Sài Gòn những ân tình.

Ngay trong đêm 5/7 đoàn y bác sĩ tình nguyện Bệnh viện 199 (thuộc Bộ Công an, đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã lên đường tham gia công tác phòng chống dịch tại TP HCM và Bình Dương. 90 y bác sĩ, điều dưỡng vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang lại chung lòng hướng về miền đất phương Nam này. Không chỉ gởi đến Sài Gòn các mặt hàng nhu yếu phẩm, Bình Thuận hôm nay cũng chi viện đoàn công tác gồm 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng thuộc chuyên khoa Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu và Thận nhân tạo thuộc Bệnh viện đa khoa An Phước (tỉnh Bình Thuận) vào Sài Gòn. Đoàn y - bác sĩ của Bình Thuận dự kiến sẽ được Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM đưa đến hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị y tế thuộc quận 8. Không dưng thấy giữa những ngày trời mây u xám, Sài Gòn được thương quá đỗi.
 

Từ trong giới nghiêm Sài Gòn vẫn hát

Thành phố ru đêm bằng sự im lặng đến buốt lòng. Cái tĩnh mịch thâm u này, nó lạ quá chừng so với một người sinh ra và lớn lên ở nơi thị thành phồn hoa. Hơn ba mươi năm với liến xáo, náo động bất kể đêm ngày, giờ thấy Sài Gòn nằm ngoan trong cơn thấm mệt. Thương đến độ nỗi đau ngấm sâu vào dạ, chẳng ai dày vò mà bời bời con tim.

Đừng hỏi vì sao chúng tôi thương Sài Gòn đến vậy. Tôi tin, bất kì một ai đã từng đặt chân đến đây, dẫu chỉ là quãng ngắn ghé lại, hay đoạn dài của cuộc đời, hoặc đã một thời lưu dấu tích với mảnh đất này, chí ít đều có sự mến thương, kỉ niệm và tình cảm với xứ này, với người Sài Gòn.

Mảnh đất này, dân bốn phương tụ về mưu sinh, định danh, lập thân. Đến và đi. Cứ vậy mà hơn 300 năm lịch sử hình thành, Sài Gòn là một bức tranh do nhiều mảnh ghép hợp thành. Mỗi mảnh ghép là một số phận, mỗi số phận là một câu chuyện, mà tự thân mỗi câu chuyện mang trong mình một sứ mệnh. Sứ mệnh làm nên một Sài Gòn trong mắt đồng bào, trong mắt du khách quốc tế.

Giới nghiêm từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng hôm sau. Lệnh ban ra khiến những người còn đang sống ở Sài Gòn giữa cơn đại dịch này bỗng thắt nghẹn con tim. Bữa chiều hôm ấy, từ cổng nhà nhìn ra phố xá im lìm, Sài Gòn dần chìm vào đêm, chưa bao giờ từ trong bình yên ấy, người Sài Gòn lại thấp thỏm cùng cực. Những người trẻ như chúng tôi dáo dác tìm nhau trên mạng giữa những hỗn độn âu lo. Chúng tôi nói với nhau về điều mà lần đầu tiên sau những ngày tháng hòa bình, thành phố này mới hoang vắng đến sợ. Một nỗi sợ thành ám ảnh khi rất nhiều người dân Sài Gòn không còn dám coi con số ca bệnh từng ngày của thành phố. Chúng tôi bắt đầu biết thời khắc này, cần một cuộc góp sức chung lòng trên bình diện rộng hơn, một sự dấn thân để mưu cầu một ngày vui trên mảnh đất này.

Sài Gòn thời điểm đi vào lệnh giới nghiêm là một Sài Gòn chung lòng thương, cứ thương mà sống, tinh thần ấy hiện lên rạng rỡ giữa những ngày buồn này. Cậu cháu của tôi năm nay 23 tuổi lập tức điền tên mình vào danh sách tình nguyện. Cháu chuẩn bị ba lô quần áo và vật dụng cá nhân, tự di chuyển đến điểm tập kết và được biên chế vào đội phun khử khuẩn, đi làm nhiệm vụ bất kể đâu trong thành phố. Rồi khu phố tôi có ca nhiễm. Đứa cháu chính tay phun khử khuẩn cho khu phố của mình. Đến nhà, cháu đứng ngoài cửa gọi ba mẹ. Chúng tôi bên trong nhìn ra. Nước mắt cứ vậy mà rơi. Cháu bảo xong dịch sẽ về. Vậy là cháu đi. Hết nhiệm vụ phun khử, thì các tình nguyện viên lại được điều đi trực chốt phong tỏa. Trực cả ngày đêm, bất kể mưa gió.

Cô chị họ của tôi làm giáo viên cũng gói ghém việc gia đình giao vào tay hai đứa con, đứa lớn mười sáu, đứa nhỏ mười bốn, rồi chị tham gia đội tình nguyện của “Hội Quán Các Bà Mẹ TP.HCM”, trực tiếp nấu các phần ăn rồi tự cầm lái những chiếc bán tải đưa cơm đến các khu cách li, khu điều trị, khu phong tỏa khắp Sài Gòn; tự phân công nhau khuân vác các thùng hàng chẳng nề hà chuyện nặng nhọc. Một người không nổi thì hai người, hai người không nổi thì bốn năm người xúm lại. Chị gọi cho tôi, cười mà nước mắt rưng rức. Chị kể các chị chẳng dám về nhà, thoảng khi nhớ con quá thì gọi điện thoại nhìn con qua màn hình.

Giới nghiêm nhưng chẳng thể giới hạn được sự yêu thương chia sẻ trên mảnh đất này. “Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, đặc biệt thương nhau”, đó là một chiến dịch phủ nóng đêm tối của nhóm bạn trẻ Sài Gòn khởi phát và dần lan tỏa mạnh mẽ. Bánh mì 0 đồng len sâu tận các ngõ tối, gầm cầu, chân cầu thang các chung cư cũ kĩ, các mái hiên. Những mảnh đời cơ hàn còn nương náu Sài Gòn thời khắc này cũng được ấm lòng giữa những đêm sâu quạnh vắng. Những cơn mưa đêm chẳng thể níu bước chân của nhóm “Bánh mì 0 đồng”, họ vẫn miệt mài trùm áo mưa, che đậy các thùng bánh mì thật kĩ bởi một lí do đơn giản, mưa này người ta càng co ro lạnh lẽo mình càng phải tìm đến. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã góp gió thành bão. Từ 1000 ổ ban đầu, bánh mì 0 đồng hiện giờ đã là 3000 ổ, nhiều “chi nhánh” thương nhau như vậy mọc lên khắp các quận huyện từ nội ô đến ngoại thành.

Trong những ngày này, những tưởng sẽ là một Sài Gòn im ắng khắc khoải, nhưng không, Sài Gòn vẫn hát. Từ trong tâm dịch, Sài Gòn luôn biết cách động viên và chung lòng cùng nhau lan tỏa một thông điệp vững tâm. Thành phố vẫn hát Dòng máu nối con tim đồng loại…dựng tình người trong ngày mới... Tiếng hát vọng vang khí thế ấy bắt nguồn từ các bệnh viện thu dung điều trị cho các bệnh nhân dương tính covid-19. Có thể họ là chánh dân của thị thành này, cũng có thể họ là người bôn ba tìm về mảnh đất này mưu sinh, nhưng bây giờ họ chung một chiến trận, họ từng ngày phải chống chọi với căn bệnh. Ngay thời khắc nguy biến của đời mình, họ đã hành động như thế, mạnh mẽ và kiên cường hơn bao giờ hết. Từ 19h đến 21h mỗi đêm các bệnh nhân của Bệnh viện dã chiến thu dung 6 đều đổ ra ban công hô vang “cám ơn bác sĩ, tình nguyện viên cố lên”. Họ vỗ tay vang rền từng hồi. Cả không gian chừng như vỡ òa bởi mấy ngàn con người đều dùng ánh đèn flash của điện thoại hướng về tòa nhà trung tâm của đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên. Đêm trong khu điều trị chẳng cần sao, bởi nó lấp lánh thứ ánh sáng của lòng tri ân. Ngàn tiếng reo hò cổ vũ động viên nhau như truyền đi một tinh thần vốn dĩ đã là truyền thống của giống nòi Tiên Rồng, đó chính là sự ngoan cường kiên gan giữa nguy nan vẫn đồng tâm hiệp sức. Nơi tuyến đầu, đội ngũ y bác sĩ như cảm nhận được tấm chân tình của người bệnh, mỗi đêm họ lại tiến ra sân trung tâm giữa hơn chục dãy dùng loa để hát đáp lời. Tình người ngay trong điểm nóng của tâm dịch thiết tha hơn bao giờ hết. Có những đêm các nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp trong đội tình nguyện xung kích của Thành đoàn TP.HCM đến tiếp lửa cho các khu điều trị. Những ca khúc Nối vòng tay lớn, Niềm tin chiến thắng, Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh... luôn được cất lên. Tiếng ca tiếp nối tiếng ca, tình người lay động tình người.

Sài Gòn là thế. Chắc chắn một điều khi dịch dã qua đi, nhắc đến một thời nguy biến, chúng ta vẫn sẽ cay mắt bởi những câu chuyện giản đơn tử tế mà đậm đà nghĩa nhân trên thành phố này. Vẫn sẽ thấy một Sài Gòn của người muôn phương nhưng thương nhau vô kể. Thương từ trong ruột thương ra, thương từ ngã bảy ngã ba thương về!

T.P.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)