Chống dịch nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ Năm, 28/10/2021 11:04

. NGUYỄN LUÂN
 

Trời đã vào đầu thu, trên những con đường đi qua thị trấn Hữu Lũng, Lạng Sơn thấp thoáng từng vạt lúa đã bắt đầu bật lên sắc xanh của lá non. Phía sườn đồi, từng chùm quả núc nác buông thõng đung đưa trong nắng sớm. Mọi thứ dường như vẫn bình yên như bao ngày qua vẫn thế. Vậy mà trong tâm trí những người dân nơi đây đã và đang không thể quên về những ngày hè nóng bỏng khi dịch Covid-19 càn quét qua vùng đất này.

Khi Covid mang khuôn mặt kẻ thù

Chiều ngày 8/5/2021, Lạng Sơn phát đi thông báo về những ca nhiễm Covid đầu tiên trong một gia đình tại xóm Chim, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng. Ngay lập tức ban chỉ đạo phòng, chống dịch đã tổ chức lập chốt phong tỏa nơi ở và các khu vực liên quan. Những ngày sau, các đối tượng F1, F2 được truy vết một cách thần tốc. Chốt kiểm soát dịch được dựng lên tại các cửa ngõ, đường mòn ra vào. Không khí nặng trĩu như đám mây đen bao trùm từ khu đông dân cư đến làng bản hẻo lánh tận chân núi đá xa xôi.

Cho đến 0 giờ ngày 29/5/2021 huyện Hữu Lũng giãn cách trên toàn địa bàn. Những ca mắc tiếp tục tăng lên, một số ca chưa rõ nguồn lây, Hữu Lũng trở thành tâm dịch của Lạng Sơn vào giữa ngày nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè. Trên những con đường quốc lộ lớn vốn tấp nập xe cộ, giờ đây thi thoảng mới có một chiếc xe tải gắn biển hỗ trợ tiêu thụ nông sản ậm ì chạy qua. Mọi thứ yên ắng như buổi sớm ngày mùng 1 tết. Vậy nhưng lòng người không thể yên dù tất cả đang đóng cửa ở trong chính ngôi nhà của mình. Yên lòng làm sao được khi trên những vạt đồi, khoảng vườn trù phú của Hòa Thắng, Hòa Sơn, Tân Thành vải thiều đã bắt đầu vào vụ. Trên cánh đồng đất Minh Hòa, Nhật Tiến, từng giàn bí xanh đã trổ quả, dập dờn ong bướm báo mùa thu hái. Những vườn dứa da đã chín vàng chờ bàn tay người cắt tỉa, những nương ngô hạt cũng đã căng tròn... Người nông dân nhìn thấy thành quả từ mồ hôi nước mắt của mình nằm phơi ngoài đồng mà lòng đầy lo âu, thấp thỏm.

Trên bậc cửa ngôi nhà dọc hai bên đường vào Làng Trang, xã Yên Bình, tôi gặp mế Hoàng Thị Khăm ngồi cắt chiếc khăn chàm lớn của mình thành từng mảnh nhỏ rồi khâu lại. Khi được hỏi, mế bảo: “Để may khẩu trang cho mấy đứa nhỏ, trên ti vi bảo con cô cô la không chui qua khẩu trang để vào mũi, vào mồm mình được!” Tôi trộm cười vì lời nói của Mế. Chợt hiểu, trong lúc dịch, người người, nhà nhà đổ xô nhau đi mua khẩu trang về tích trữ nên có những nơi giá khẩu trang bị đẩy lên cao hàng chục lần.

Những tình nguyện viên tại bếp ăn 0 đồng

Sóng dịch đã nổi lên, nước mắt người ở lại

“Vợ chồng em và bố mẹ chăm sóc cháu giúp chị!”

Sẽ ít người cầm được nước mắt khi đến thôn Pồ Nhim, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Để nghe câu chuyện vẫn được mọi người chia sẻ cho nhau về dòng tin nhắn cuối cùng mà chị Đào Thị M gửi cho người em dâu, thay một lời trăn trối trước khi rời bỏ cuộc đời vì Covid. Chị M là người đàn bà mang một cuộc đời đầy bất hạnh từ khi sinh ra đến khi nằm xuống. Bà Lý Thị Thơ mẹ của chị vẫn thường nói với người khác khi nhắc về con gái mình như thế.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có ba chị em, chị M là con cả nên học hết cấp 2 đã phải nghỉ nhường việc học lại cho hai em. Đến khi lấy chồng, mang bầu được 2 tháng thì hai vợ chồng chị li hôn. Chị một mình chăm sóc đứa bé từ trong bụng kể từ ngày đó. Khi đứa bé được 2 tuổi chị dằn lòng gửi con cho ông bà ngoại rồi lặn lội xuống Bắc Giang xin làm công nhân. Hằng tháng chị cố gắng dành dụm số tiền lương ít ỏi để gửi về phụ giúp bố mẹ. Cứ nghĩ cuộc đời dù có vất vả nhưng sẽ bình yên trôi qua như thế. Nhưng không ngờ dịch Covid-19 đã tấn công vào khu công nghiệp. Đặc biệt công ti Hosiden mà chị đang làm việc là một điểm nóng trong đợt dịch lần này.

Cho đến bây giờ bà Thơ không thể quên cuộc điện thoại cuối cùng của mình với con gái. Qua điện thoại, chị M khoe sức khỏe vẫn bình thường, vừa mới ăn xong suất cơm. Bà nhắn với con khi nào hết bệnh trở về sẽ thịt con vịt cho con gái ăn bù những ngày nằm viện. Vậy mà mọi thứ kéo đến quá nhanh, chỉ vài ngày sau bệnh của chị M đã chuyển biến nặng. Các bác sĩ đã quyết định chuyển chị lên tuyến trên. Ngay đêm ấy, dường như chị đã linh cảm được số phận của mình nên đã gọi điện cho mẹ. Nhưng cũng đêm hôm ấy người mẹ đau khổ của chị đã tắt chuông điện thoại nên không thể nghe được những lời nói cuối cùng của con gái mình. Chị đã mất ngay trên đường chuyển tuyến và chỉ kịp nhắn dòng tin cuối cùng cho người em dâu.

Những ngày dịch dã ở Lạng Sơn đã có nhiều câu chuyện buồn.

Em Nguyễn Anh T sinh năm 2004 ở Đồng Tiến, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Đi làm thuê ở Bắc Ninh, đến khi phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối thì em có nguyện vọng về quê để được ra đi trong vòng tay mẹ. Nhưng lúc em hấp hối, mẹ của em là chị Phạm Thị Nhung đang phải cách li tại địa điểm cách nhà vài cây số không thể về nhìn con lần cuối.

Giữa tháng 6/2021, khi đỉnh dịch tại các khu công nghiệp đang bước vào giai đoạn nóng nhất, cộng đồng mạng Lạng Sơn đã chia sẻ và kêu gọi sự giúp đỡ trường hợp của em Lương Ngọc Hiến, 17 tuổi, nhà ở thôn Tiên Phong, xã Thành Hoà, huyện Văn Lãng. Gia đình nghèo, mẹ đã bỏ đi nên em phải xuống khu công nghiệp Vân Trung ở trọ và kiếm việc làm thời vụ do chưa đủ tuổi làm công nhân. Chẳng may trong khu trọ có F0 nên toàn bộ khu vực bị phong tỏa. Đi làm chưa có lương nên Hiến chỉ mượn được ba trăm ngàn đồng, mua một thùng mì tôm ăn dè được 19 ngày. Đến khi hết mì thì em uống nước lọc cầm hơi. Mặc dù lâm vào hoàn cảnh khó khăn đói khát vậy nhưng khi bố gọi điện hỏi thăm có thiếu thốn gì không, em lại trả lời rằng mình vẫn có đầy đủ, vì sợ bố và em ở nhà lo lắng. Đến ngày thứ 21, khu vực được gỡ phong tỏa, em ra ngoài cắm điện thoại để lấy tiền mua thùng mì thứ hai, nhưng nhiều người nghĩ em trốn chạy nên giữ lại. Thấy chân tay em run lẩy bẩy như muốn gục ngã, gặng hỏi em mới nói đã ba ngày nay em chưa được ăn gì.

Thời dịch bệnh, cuộc sống của người dân bên ngoài đã khổ, nhưng trong khu cách li còn căng thẳng hơn nhiều. Chị Phạm Thu Hương là một trường hợp F1 cách li tại Trường Cao đẳng nghề Nông Lâm Đông Bắc chia sẻ với tôi khi mới hoàn thành cách li trở về nhà. Rằng mọi điều kiện sinh hoạt luôn được đảm bảo, nhưng tâm lí thì căng thẳng lắm. Ngồi trong phòng mỗi người một giường cách xa nhau. Khẩu trang là thứ đeo liền trên mặt suốt thời gian dài khiến vành tai đau rát. Vào trong đó toàn người có nguy cơ trở thành F0, lượng người cách li ngày một đông nên không ai dám nói chuyện, không dám ra ngoài. Dù quạt có bật suốt ngày đêm nhưng trong phòng vẫn nóng ngùn ngụt. Người lớn còn có thể chịu đựng phần nào, nhưng khổ nhất là các cháu bé. Có cháu chưa tròn một tuổi theo bố mẹ vào khu cách li rất cực khổ. Sợ nhất là đêm đêm tiếng còi xe cấp cứu hụ vang dưới sân vọng lên hòa cùng tiếng trẻ khóc ré vì giật mình thức giấc khi có có ca F0 nào đó vừa được khẳng định. Những lo lắng đến mất ăn mất ngủ sau mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, rồi đợi chờ kết quả. Chỉ lo nhỡ mình dương tính thì thời gian sẽ kéo dài thêm bao lâu, còn bao người thân xung quanh mình sẽ liên quan, chịu đựng hoàn cảnh như bây giờ... Chị bảo, sẽ chẳng có gì hơn bằng ở nhà mình. Được bình yên sống những ngày không có dịch bệnh. Dù có nghèo đi mấy phần đi nữa thì người ta vẫn thấy cuộc đời mình hạnh phúc và an nhàn hơn bao giờ hết.

Các chiến sĩ trực chốt giữ lều tạm trong cơn giông

Gạt những lo âu, chung tay chống dịch

Ngồi với tôi dưới mái che tạm trong chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại Km 94 thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là Thượng úy chuyên nghiệp Lưu Huy Hải. Trong tay vẫn cầm cây gậy điều tiết giao thông, anh vừa lau mồ hôi trán vừa nói với tôi: “Tình hình dịch còn căng, chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh như thế này còn phải giữ vững lâu dài đấy”. Tôi nhìn khuôn mặt ám khói bụi từ gầm những chiếc container phả ra của anh mà thấy chạnh lòng. Ngoài trời nắng vẫn như chảo lửa khổng lồ. Từng chiếc xe lớn nhỏ nối đuôi nhau nhích từng vòng bánh để chờ tới lượt khai báo y tế qua chốt kiểm soát. Trên những vạt rừng xanh mờ phía xa, không một ngọn gió lướt qua. Dường như hơi nóng đã đóng thành từng khối lớn ken chặt nhau đè nén xuống con đường lọt thỏm giữa những dãy đồi chạy lúp xúp hai bên.

Anh Hải tâm sự, tính đến bây giờ anh đã nằm chốt được gần ba tháng. Thời gian ấy luôn phải trực chiến 24/24 dù có trong ca hay thời gian nghỉ ngơi. Gia đình của anh ở khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng chỉ cách nơi công tác hơn ba cây số, vậy mà đường về nhà trong tình hình này thấy còn xa lắm! Anh cười, rồi chia sẻ thêm, vợ anh là giáo viên, cháu lớn vừa học xong cấp ba, đứa thứ hai cũng vừa lên lớp bảy. Nhiều khi cũng nhớ vợ con, nhưng đã là một người lính thì việc hoàn thành nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong lán chỉ huy, tôi nghe rõ tiếng loa cầm tay vang lên: “Xe tải đường dài biển số..., xe công biển...” liên tục không ngớt. Nhìn kĩ sau đoàn người đang xếp hàng khai báo y tế đó là Đại úy cảnh sát giao thông Nguyễn Ngọc Quỳnh đang liên tục nhắc nhở các lái xe đỗ đúng nơi quy định và thực hiện khai báo theo quy trình.

“Chú ý! Lái xe container màu đỏ không chịu test covid, cố ý lấn làn bỏ chạy!”

Âm thanh từ trong bộ đàm trên bàn Đại úy Quỳnh vang lên. Tôi nhìn ra phía ngoài những dãy xe đang nằm dài thành hàng. Chợt có tiếng động cơ gầm lên, rồi một chiếc container lách đầu khỏi hàng vọt lên phía trước. Đại úy Quỳnh ra lệnh truy đuổi theo chiếc xe bỏ chạy. Ngay tức thì, một bóng người mang quân phục công an đã ngồi lên xe chuyên dụng hú còi đuổi theo chiếc xe đang tăng tốc như một con quái thú lao mình trên đường.

Cuối cùng thì chiếc container cũng được áp tải quay đầu lại. Lái xe là một thanh niên dáng vẻ vâm váp bụi bặm cùng một phụ xe mồ hôi nhễ nhại bước xuống làm việc với lực lượng chức năng. Sau khi kiểm tra thì phát hiện giấy test covid của lái xe đã hết hạn. Lái xe phân trần rằng nghe các xe khác thông báo là được đi thẳng nên mình cũng tiến xe đi. Sau khi được giải thích và thuyết phục thì mọi người đều tự giác chấp hành nguyên tắc chống dịch khi vào địa bàn theo đúng quy định.

Đại úy Quỳnh quay về phía chúng tôi nói việc xử lí những trường hợp như thế này thường xuyên xảy ra ở các chốt kiểm soát. Nhiều khi anh em cũng bảo nhau, vừa mềm mỏng, vừa nguyên tắc để thuyết phục các lái xe tuân thủ chấp hành. Giữ là giữ cái chung cho tất cả mọi người, nếu có dịch thì mọi thứ đóng băng tất cả đều khổ chứ không phải riêng ai.

Tôi nhìn về phía những cán bộ y tế, bác sĩ đang làm việc dưới lán tạm, những bóng áo trắng lẫn vào đám đông người và phương tiện, những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi vì sức ép của cộng việc và thời tiết, bỗng thấy biết ơn những con người như thế này biết đến nhường nào. Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, công tác tại Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng, được tăng cường xuống chốt thì mặc quần áo bảo hộ trong những ngày nắng nóng trên bốn mươi độ như thế này mồ hôi ra không thoát được, mụn nhọt nổi lên hết đám này đến đám khác trên cả thân người.

Chị Hoàng Thị Hà, nhân viên y tế Trường mầm non Liên Cơ, thị trấn Hữu Lũng cũng là người được tăng cường xuống khi tỉnh ra chỉ đạo tăng cường kiểm soát dịch nói với tôi rằng: “Mới nhận công tác ai cũng lo lắng. Nhưng làm mãi, làm riết rồi cũng quen. Giờ chỉ mong làm sao hết dịch, mọi người sẽ được bình yên, thì y bác sĩ mới nhẹ gánh phần nào...”

Ở chốt kiểm soát ngăn dịch còn có sự góp mặt của lực lượng dân quân tự vệ. Tôi đã xúc động mạnh về một bức ảnh mà anh Đỗ Văn Điệp, dân quân khu An Thịnh cho tôi xem trên điện thoại vào một buổi chiều đi trực chốt trở về. Anh và một đồng chí dân quân nữa gối vào chân nhau ngủ gục trên tấm phản kê tạm dưới mái che ở chốt kiểm soát khu Cầu Mười. Anh Điệp cười giải thích: “Anh em hôm qua thức canh gác cả đêm. Vừa muỗi rừng, vừa nóng nên đến sáng hết ca mới ngồi thiếp đi vì mệt. Bức ảnh được đồng đội chụp. Giữ lại sau này làm kỉ niệm, chả dám đưa lên mạng. Sợ người ta bảo anh em dân quân lôi thôi quá!”

Trong những video phản ảnh hoạt động của lực lượng phòng chống dịch có một clip quay cảnh một dân quân rán trứng giữa ngã tư Sơn Hà khi trực chốt. Quả trứng từ tay người dân quân rơi xuống mặt chảo lập tức phồng rộp, lăn tăn sôi. Trứng sôi trên bếp lửa là chuyện bình thường. Điều bất thường là chiếc chảo ấy đang đặt trên... mặt đường nhựa, dưới ánh nắng như thiêu đốt. Tác giả của clip này là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Quốc Toản, một dân quân.

Cuộc sống hôn nhân của anh Toản không được êm thấm. Hai vợ chồng anh đã li hôn cách đây gần sáu năm. Hai đứa con đều được anh nhận chăm sóc và dạy dạy dỗ. Những ngày trực chốt chống dịch, anh gửi hai đứa con cho ông bà để toàn tâm thực hiện nhiệm vụ. Anh tâm sự rằng, những ngày đứng trực chốt anh có những tâm trạng rất lạ. Mỗi khi giải quyết cho một người qua chốt để đi xét nghiệm Covid, mình ở lại bỗng mong ngóng người đó quay lại. Mong và lo lắng. Lo người ta dương tính thì cả đơn vị đứng trước nguy cơ lây nhiễm dù đã áp dụng hết các biện pháp bảo hộ. Rồi những đêm hết ca trực trở về, muốn được vào nhà ngủ nhưng lại lo cho các con nên đành ngủ ngoài sân, trời chưa sáng lại rời đi để các con đỡ bận lòng khi trông thấy mình.

Cũng theo lời anh Toản kể, có lần một bệnh nhân xin được qua chốt để lên bệnh viện tỉnh khám chữa bệnh, vì khi ấy Trung tâm Y tế huyện đã thông báo dừng tiếp nhận bệnh nhân vì số lượng F0 đang điều trị tăng lên, nguy cơ dịch xâm nhập vào hệ thống bệnh viện tuyến huyện đã rất cao. Trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy nếu cho bệnh nhân đi thì không đúng với tinh thần giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng. Nhưng nhìn khuôn mặt vàng vọt của bệnh nhân, anh em vô cùng áy náy. Ngộ nhỡ người ta đang lâm trọng bệnh cần cứu chữa gấp mình không linh hoạt thì có thể phải trả giá bằng tính mạng con người. Vì thế anh đã điện xin ý kiến của lãnh đạo và người bệnh ấy đã được đồng ý chuyển lên tuyến trên theo yêu cầu.

Anh Toản bảo, những ngày chống dịch, dẫu có nhiều khó khăn gian khổ nhưng anh em luôn vui vẻ vì cảm thấy mình sống có ý nghĩa. Anh em cũng cảm thấy hạnh phúc vì nhận được sự động viên tinh thần từ phía bà con nhân dân rất nhiều. Anh nhớ có hôm trời nắng rất to, bữa cơm trưa dưới lều bạt không một ai ăn được hết suất vì nóng và mệt, thì có người phụ nữ đã mang đến cho anh em trực chốt bát canh cua thơm ngọt. Bữa cơm hôm ấy anh thấy ngon và dễ ăn đến lạ. Những ngày sau đó người phụ nữ còn nấu cho anh em thêm nhiều lần nữa. Mỗi lẫn ra chốt chị đều đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang kín nên chẳng rõ mặt. Anh em hỏi tên thì chỉ nghe tiếng cười rất vui tươi…

Nhắc đến chuyện ăn uống trong mùa dịch trên mảnh đất này không thể không nhắc đến “Bếp ăn 0 đồng” của Đoàn thanh niên huyện Hữu Lũng. Tôi gặp chị Nguyễn Tố Nga, Bí thư huyện đoàn ngay trong căn bếp mà các chị đang làm nhiệm vụ nấu ăn phục vụ miễn phí cho các cán bộ, chiến sĩ, bệnh nhân đang điều trị và cả những người ở các khu cách li trong toàn huyện. Vừa nói chuyện, chị vừa giúp chị em sơ chế thực phẩm để chuẩn bị bữa tối. Theo lời chị Nga, bếp ăn có tất cả 25 người, ngày thường mỗi người làm một nghề, giáo viên, đầu bếp, buôn bán, lái xe..., nhưng tất cả tình nguyện vào đây, mỗi ngày nấu vài trăm suất ăn, mang đến tận nơi phục vụ mọi người. Nhìn cảnh làm việc, tôi cảm nhận rất rõ sự chỉn chu, tận tình của các cô các chị. Những món ăn đã lần lượt được bày lên khay rất gọn gàng, ngon mắt. Chị Nga bảo trong mỗi suất cơm luôn có bốn món chính và thêm món phụ. Như ngày hôm nay có thêm chè đỗ đen. Khi những suất cơm đã được xếp ngay ngắn lên xe để chuyển đến các đơn vị, lúc này các cô các chị mới có dịp nghỉ tay. Trên khuôn mặt mỗi người đều ướt đẫm mồ hôi nhưng luôn lấp lánh nụ cười rạng rỡ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, tình cảm và trách nhiệm của mỗi con người được thể hiện rõ nhất. Ai cũng muốn đóng góp sức mình vào nhiệm vụ chung. Tôi đã được chứng kiến cảnh bà cụ lưng còng rạp chống gậy đến ủng hộ gạo, mì tôm cho bếp ăn; những cháu bé tình nguyện đóng góp những phần quà ít ỏi của mình cho hội thiện nguyện để tiếp tế cho lực lượng chống dịch...

Những ngày đi thực tế, tôi rất ấn tượng về hình ảnh hai hai người đàn ông khệ nệ bê những hộp cơm nóng hổi tới những chốt, những bệnh viện, khu cách li... Đó là cha con chú Công Xuân Hùng. Chú bảo thời trai trẻ chú là lính biên phòng, đã đặt chân đến hầu hết những đồn biên phòng của tỉnh Lạng Sơn. Khi trở về quê hương, chú mở cửa hàng làm bánh kẹo ở khu Na Đâu. Khi nghe lời kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay duy trì bếp ăn cho các bệnh nhân và đơn vị chống dịch, chú liền nhận công việc nấu cơm tại nhà mà không lấy bất cứ khỏan chi phí nào. Chú bảo nhà chú có phương tiện thích hợp để nấu cơm với số lượng lớn, có thời điểm nấu 60 đến 70 cân gạo một ngày. Chú lại cho xe vận chuyển tới các đơn vị, sẵn sàng tài trợ xe, xăng và công sức của mình..

Tôi đã đi xe máy theo sau chiếc xe chở cơm của cha con người cựu chiến binh trên con đường xuyên qua những bóng cây lặng gió. Nắng sắp tắt, bầu trời xanh lồng lộng trên cao. Trong tiếng ve ngân, lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Tôi chợt thấy yêu thương mảnh đất này biết mấy. Dù sóng dịch đang dữ dằn, nhưng tôi có một niềm tin chắc chắn rằng bình yên sẽ về lại mau thôi.

N.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)