Có một Việt Nam ở bên kia bán cầu

Thứ Năm, 09/12/2021 09:08

. NGUYỄN XUÂN THỦY

(Tiếp theo kì trước)

Những ngày ít ỏi ở Cuba, chúng tôi đến thăm ngôi trường mang tên Võ Thị Thắng, nữ anh hùng với nụ cười bất tử, thăm ngôi trường Việt Nam có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà cách mạng Cuba José Marti, những địa danh mang tên Việt Nam trong đó có ngôi làng mang tên Bến Tre, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh kỉ niệm về Việt Nam như một bảo tàng nhỏ. Ở đâu chúng tôi cũng gặp sự nồng hậu của người dân Cuba. Đặc biệt, khi tiếp xúc với các cựu chiến binh Cuba từng có những năm tháng gắn bó với Việt Nam, tôi nhận ra, mỗi người đã mang Cuba đến Việt Nam và mang Việt Nam về Cuba theo cách của mình. Bởi thế, dù ở giữa La Habana, cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất tôi vẫn cảm thấy sự gần gũi, ấm áp như quê nhà.

Trung tướng José Antonio Carillo Gómez cùng tác giả, thành viên đoàn công tác và người phiên dịch. Ảnh: TL

Quá khứ trong hiện tại

Ngồi trước chúng tôi là Đại tá Eouardo Morejon Estevez, người cựu binh Cuba. Ông đến cùng một tập giấy in dày cả nghìn trang và say sưa nói về nó. Đó là bản thảo 3 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam được thực hiện công phu và đầy tính tác chiến. Cảm giác, người cựu quân nhân này vẫn luôn sẵn sàng ra trận, sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến nào đó, ở Cuba hay Việt Nam.

Eouardo Morejon Estevez đến Việt Nam năm 1966 làm Phó tùy viên quân sư, có nhiệm vụ đặt nền móng cho nhóm sĩ quan Cuba đến với các đơn vị bộ đội ta. Ông đã chứng kiến cuộc sống của bộ đội thời chiến khốc liệt như thế nào. “Tôi đã ghi lại những điều ấy như những kinh nghiệm để Cuba học hỏi. Sau này cơ quan tham mưu Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba giao cho tôi viết 3 cuốn sách về con đường mà Việt Nam đã đi qua những năm chiến tranh để xây dựng đất nước”, ông chỉ vào các tập bản thảo dày xếp ngay ngắn trước mặt nói trước khi giở chúng ra cho tôi xem. Nó được bắt đầu từ mười năm trước và 2 trong 3 cuốn đã hoàn thành. Cuốn thứ nhất có tên Chim ưng và Rồng, viết về cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ tại miền Bắc Việt Nam, những phương thức đánh Mĩ cũng như Việt Nam đã bắn rơi B52 như thế nào. Cuốn thứ hai có tên Sự gãy cánh của Chim ưng. Trong nhóm sang Việt Nam khi ấy có 5 sĩ quan Cuba được cử vào các đơn vị phía Nam, Eouardo Morejon Estevez đã gặp gỡ trao đổi và ghi lại những thu nhận của họ. “Tôi viết về những gì Mĩ đã tiến hành, những loại vũ khí họ sử dụng tại miền Nam Việt Nam và quân, dân miền Nam Việt Nam làm gì để chống lại”. Cuốn thứ ba ông đang viết có tên Con đường của Rồng, nói về đường Hồ Chí Minh và cuộc chiến bí mật diễn ra trên đất Lào, về quyết tâm giữ con đường huyết mạch này cũng như âm mưu phá hủy nó của Mĩ. “Vì sao tôi dùng hình ảnh Rồng? Là từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của Việt Nam”, ông nói.

“Điều tôi học được từ Việt Nam là tính tự chủ, mọi thứ đều tự giải quyết, rất nỗ lực trong chiến tranh cũng như xây dựng đất nước. Trước tiên là bằng nội lực. Việt Nam trải qua những năm chiến tranh, nỗi đau rất lớn nhưng cũng rất đáng tự hào”, ông cho biết.

Khác với Eouardo Morejon Estevez, Thiếu tướng Hatuey Ill Cuevas, Cục trưởng Cục Công binh, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba lại cho tôi cảm giác ông rất giống những người lính Việt Nam với những cư xử rất lính. Khi tôi nói với ông rằng, ngày hôm nay tôi đã trò chuyện, phỏng vấn bốn vị tướng Cuba và ông là người thứ năm, ông liền cười to hào sảng bảo rằng, “vậy thì chắc là chẳng còn câu hỏi nào dành cho tôi đâu nhỉ”. Và đó chính là sự mở đầu để phá băng cho cuộc trò chuyện thân tình cởi mở giữa tôi và ông.

Như những người lính Cuba đã đến với chúng ta, kí ức về Việt Nam của Thiếu tướng Hatuey Ill Cuevas luôn tràn đầy. “Khi còn đi học, chúng tôi có trò chơi xếp chữ, trẻ em các trường đứng xếp thành các câu khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam. Tôi nhớ thời đó, mỗi năm Cuba đều có một tên gắn với Việt Nam. 1975 được đặt là Năm Việt Nam anh hùng, và cũng là năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ông nói rằng, Cuba luôn nói cho thế giới biết chuyện gì đã xảy ra ở Việt Nam và Việt Nam đã trải qua những năm chiến tranh thế nào.

Khi tốt nghiệp trường Công binh Hatuey Ill Cuevas làm kĩ sư xây dựng. Có một nhóm những kĩ sư Cuba từng đến Việt Nam làm nhiệm vụ đã truyền đạt lại những kinh nghiệm thu hoạch được cho thế hệ sau. Và ông đã được nghe họ nói về Việt Nam. Bây giờ thì Hatuey Ill Cuevas đã ở cương vị Cục trưởng, đảm trách mảng công binh của Bộ, ông khái quát ngắn gọn quá trình những người lính Cuba đến Việt Nam ở lĩnh vực công binh: “Các sĩ quan công binh của chúng tôi đến Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Từ năm 1966 chúng tôi đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trong việc chống bom đạn Mĩ, xây dựng hầm hào công sự. Sau đó tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh từ năm 1973”.

Thiếu tướng Hatuey Ill Cuevas cũng đã nhiều lần đến Việt Nam. Ông đã vô cùng ngỡ ngàng trước địa đạo Củ Chi và các địa đạo khác nữa. “Các bạn có một hệ thống hầm hào rất đặc biệt và hiệu quả trong chiến đấu. Nó cho tôi ấn tượng tuyệt vời về năng lực của con người và những khó khăn gian khổ họ phải vượt qua”. Chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào chủ đề này. Tôi kể, có câu chuyện vui vẫn được truyền miệng trong nhân dân những năm chiến tranh ở miền Trung Việt Nam gắn với việc đào địa đạo, rằng, vì đào sâu quá, xuyên qua cả trái đất, đang đào nhìn thấy Fidel Castro hiện ra mới giật mình là đã thông sang tới tận Cuba. Không phải ngẫu nhiên mà một lãnh tụ nước ngoài lại đi vào đời sống của người dân Việt Nam, đi vào cả những câu chuyện tếu của tầng lớp cần lao đáng yêu như vậy. Không hiểu Hatuey Ill Cuevas đã nghe câu chuyện tôi kể bao giờ chưa nhưng sau khi cậu sinh viên phiên dịch dịch xong thì ông cười nghiêng ngả. Xong, ông bảo: “Được thăm hệ thống địa đạo Củ Chi, tôi nghĩ đó là một công trình tuyệt vời và tôi nghĩ một ngày nào đó trong các công trình vĩ đại của kiến trúc Việt Nam, sẽ phải đặt công trình các đường hầm này vào vị trí xứng đáng của nó không phải vì giá trị kiến trúc, mà vì giá trị về kĩ thuật, giá trị về lịch sử văn hóa và đại diện cho sự nghiệp đấu tranh kiên cường để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của người dân Việt Nam”.

Phần cuối câu chuyện, Thiếu tướng Hatuey Ill Cuevas chia sẻ, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong rà phá bom mìn, trong đó những người lính công binh vô cùng dũng cảm, làm những công việc không phải ai cũng sẵn sàng làm và không phải ai cũng làm được. Đó là điều khiến ông thấy cảm phục về bộ đội công binh Việt Nam: “Tôi muốn nói với các bạn rằng một trong những điều tuyệt vời nhất mà các kĩ sư Việt Nam đã làm là tiến hành cuộc chiến vô hiệu hóa những quả bom được ném xuống bởi quân đội Mĩ, nhiều quả hiện vẫn còn ở trên đất nước của các bạn. Tôi đã nhìn thấy chúng bị vô hiệu hóa như thế nào bởi trí tuệ và bàn tay khéo léo của các kĩ sư Việt Nam. Đó là công việc rất nguy hiểm vì những quả bom rất cũ, rất dễ bị kích hoạt; đáng khâm phục những người đã làm công việc này trước đây và những người đang tiếp tục”.

6 triệu đô la từ cuộc gặp 15 phút

Nhắc đến việc xây dựng đường Hồ Chí Minh chắc hẳn những ai am hiểu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba còn nhớ câu chuyện xúc động trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973 của Chủ tịch Fidel Castro. Ấy là việc Cuba đã tìm cách giúp Việt Nam mua máy móc cơ giới để phục vụ cho việc mở rộng một số đoạn đường Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu chi viện cho miền Nam trong công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước. Cuba khi ấy đã bằng danh nghĩa của mình mua chúng từ Nhật Bản theo đề xuất của Việt Nam vì thời điểm ấy Việt Nam không có tiền, và nếu có cũng chưa chắc mua được. Đó là kết quả từ cuộc gặp vỏn vẹn 15 phút giữa hai vị tướng huyền thoại trên thế giới, Chủ tịch, Tổng Tư lệnh Fidel Castro và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong chuyến thăm Việt Nam ấy, trong hội đàm chính thức, Fidel đã tuyên bố viện trợ cho Việt Nam 5 công trình hữu nghị gồm: Khách sạn Thắng Lợi, Nông trường gà Lương Mỹ, Nông trường bò sữa Mộc Châu, Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới, Quảng Bình và một con đường mang tên Cuba nối Sơn Tây với Xuân Mai nằm trên Quốc lộ 21. Còn sự việc đang nói đến này chỉ là tình huống phát sinh. Cuộc hội đàm chính thức với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam về các vấn đề trọng yếu của đất nước diễn ra vào buổi sáng khi Fidel đến Hà Nội, kết thúc, bỗng Fidel đưa ra yêu cầu gặp riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của ta. Cuộc gặp được sắp xếp vào buổi chiều. Trong quá trình gặp gỡ các nhân chứng để thực hiện công trình “Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba qua hồi kí của các nhân chứng lịch sử”, tại Việt Nam, tôi đã gặp Đại tá Bùi Trọng Nhự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, cũng chính là người phiên dịch khi Fidel thăm Việt Nam, hiện ông đang nghỉ hưu và sống tại Đà Nẵng. Cuộc gặp được ông ghi lại trong hồi kí của mình. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ động hỏi Chủ tịch Fidel Castro:

- Thưa đồng chí Tổng Tư lệnh, chúng ta vừa hội đàm sáng nay, bây giờ đồng chí muốn gặp riêng tôi, có lẽ đồng chí cần tìm hiểu thêm vấn đề gì ngoài nội dung hội đàm chăng?

- Đúng vậy, hai bên đã hội đàm và thông báo cho nhau nhiều vấn đề. Nhưng có một điều, khi đề cập đến triển vọng giải phóng hoàn toàn miền Nam thì tôi thấy đồng chí tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ. Không biết đồng chí có điều gì không tiện nói ra? - Fidel hỏi người đứng đầu Quân đội Việt Nam.

- Không giấu gì đồng chí, khi nói đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi nghĩ ngay đến các chiến dịch tiến công quân sự. Làm sao chi viện kịp thời cho các chiến trường, chuyển quân, vận chuyển vũ khí kĩ thuật, tiếp tế lương thực. Hiện thời “đường mòn” Hồ Chí Minh không đáp ứng nổi yêu cầu đó. Cần phải gấp rút mở rộng và nâng cấp tuyến đường này. Nhưng chúng tôi thiếu máy móc, phương tiện kĩ thuật làm đường, chủ yếu vẫn dựa vào sức người…

Như hiểu ra vấn đề, sau vài giây lặng yên, Fidel nói:

- Thế này nhé, tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị chúng tôi. Cuba sẽ tặng các đồng chí số máy móc làm đường trị giá sáu triệu đôla. Nó không nằm trong số trang bị kĩ thuật mà chúng tôi tặng các đồng chí để làm tuyến đường ở phía Bắc. Nhưng không phải chúng tôi giao tiền mặt cho các đồng chí, vì để giữ bí mật, các đồng chí không thể trực tiếp sang Nhật mua được. Chúng tôi sẽ cử người sang Nhật mua máy móc thiết bị, chuyển đến Hải Phòng và cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kĩ thuật cho các đồng chí. Chúng tôi muốn có ngay danh mục những thứ mà các đồng chí cần cho việc làm đường, chậm nhất là vào sáng mai.

Sau những lời cảm ơn chân tình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hứa sẽ báo cáo các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và sẽ trao cho đồng chí Tổng Tư lệnh Fidel Castro danh mục xe, máy cần thiết cho việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh. Hai vị tướng huyền thoại ôm hôn nhau và chia tay. Sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và phía ta đã lên ngay danh mục các máy móc cần mua trong đêm để ông Bùi Trọng Nhự cùng cộng sự thức suốt đêm dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Sáng hôm sau, danh sách được chuyển cho Fidel. Sau đó nữa thì các sĩ quan và chuyên gia công binh Cuba đã được phân công sang Nhật mua những máy móc này và thuê tàu chở thẳng về… cảng Hải Phòng của Việt Nam. Nhờ có máy móc và sự hỗ trợ của chuyên gia Cuba mà chúng ta đã thuận lợi hơn rất nhiều trong việc mở rộng đường Hồ Chí Minh, kịp thời tiếp viện cho miền Nam để nhanh chóng đi đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Sự hào hiệp của Fidel không chỉ ở những năm chiến tranh chống Mĩ, đúng như những gì ông từng nói, “Trong chiến tranh, vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, còn trong hòa bình, vì Việt Nam Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi”, sau khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả các nước đều dừng các khoản viện trợ không hoàn lại, chỉ duy nhất Cuba vẫn tiếp tục viện trợ cho Việt Nam kéo dài liên tục 10 năm sau đó.

Trong đội ngũ những người lính Cuba đến Việt Nam làm đường Hồ Chí Minh năm 1973 ấy có Trung úy Pérez. Anh đã hoàn thành sứ mệnh cao quý của người lính Cuba bằng sự hi sinh tính mạng của mình. Thiếu tướng Hatuey Ill Cuevas đã nhắc đến anh với niềm xúc động. Pérez Claro chỉ là một trong số những người lính Cuba hi sinh tại Việt Nam, đổ máu vì cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta. Cục trưởng Cục Công binh Hatuey Ill Cuevas cho biết, ông vẫn duy trì mối quan hệ với những người thân của Trung úy Pérez Claro hiện sống ở các tỉnh phía Đông Cuba. “Mỗi chúng ta đều biết rằng, mất người thân là rất đau khổ và không thể bù đắp được, nhưng vì Việt Nam là quốc gia mà nhiệm vụ hoàn thành cũng đại diện cho người Cuba, và đối với những gì Cuba dành cho Việt Nam là sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, đó là sự hài lòng với những người thân của Pérez Claro cũng như người thân của các chiến binh đã ngã xuống ở đất nước anh em Việt Nam”, ông nói.

Những trái tim cùng chung nhịp đập

Nói về các thế hệ cán bộ, sĩ quan, chuyên gia, các thế hệ học sinh, sinh viên Cuba tại Việt Nam, Việt Nam tại Cuba, người Việt tại Cuba, họ đã trở thành những đại sứ của tình bạn, tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc và hai quân đội. Khi trở về Tổ quốc, họ mang theo kiến thức, trải nghiệm, cống hiến và tình cảm về đất nước anh em thân thiện và những giai thoại mà bản thân họ, gia đình, con cái của họ, các đồng nghiệp của họ đã sống, làm việc. Câu chuyện của Đại tá Jose Ramón Balaguer Sánchez, nguyên Tùy viên quân sự Cuba tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2017 đã cho chúng tôi cảm nhận rõ về điều này.

Ông nói rằng, ông đã không may mắn khi đang thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam thì Tổng Tư lệnh Fidel Castro qua đời tại Cuba; tuy nhiên nhờ vậy mà ông cũng đã được chứng kiến những câu chuyện xúc động ở Việt Nam vào thời khắc đó khi nhìn thấy những biểu hiện tình cảm chia sẻ từ những người lính, người dân Việt Nam với Đại sứ quán Cuba trước sự ra đi của vị lãnh tụ kính yêu. Đó là câu chuyện về cô gái là một trong những nạn nhân trên một cung đường bị thương bởi bom Mĩ tại Vĩnh Linh, Quảng Trị mà Fidel gặp khi sang thăm Việt Nam tháng 9/1973. Fidel đã dừng xe xuống hỏi thăm và đề nghị phải cứu sống cô bằng mọi giá. Một chiếc xe trong đoàn đã đưa cô đến bệnh viện, khi bệnh viện tại Vĩnh Linh, Quảng Trị hết máu để tiếp cho cô, ông tiếp tục đề nghị một chiếc xe trong đoàn ra Đồng Hới, Quảng Bình lấy máu mang về cứu cô gái. Cũng vì nhận thấy sự cần thiết về y tế nơi tuyến lửa ấy mà Fidel đã đề xuất giúp Việt Nam xây dựng một bệnh viện ở khu vực này, sau đó Bệnh viện Việt Nam - Cuba nhanh chóng được triển khai xây dựng tại tỉnh Quảng Bình vào năm 1974 và hoàn thành năm 1981, là một trong năm công trình Cuba tặng Việt Nam trong chuyến đi của Fidel năm ấy. Về cô gái được Fidel cứu sống, suốt những năm tháng cuộc đời, cô gái có tên Nguyễn Thị Hương ở Quảng Trị ấy đã thầm mang ơn vị cứu tinh của mình, hơn hết là lòng tôn kính dành cho vị lãnh tụ Cuba, cô đã giữ liên lạc và thường xuyên theo dõi tin tức về ông qua báo, đài, tivi. Fidel cũng không quên cô. Sau này, qua Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, ông đã từng mời cô sang Cuba an dưỡng và chữa bệnh, nhưng khi ấy vì điều kiện khó khăn và mới sinh con nhỏ nên cô không thể thực hiện lời mời. 43 năm sau, khi nghe tin Fidel mất, người phụ nữ đó đã vượt qua quãng đường rất dài từ Quảng Trị quê hương cô đến Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để hỏi thăm ân nhân như một phong tục của người Việt, cô buồn bã như chính người thân của mình vừa ra đi. Jose Ramón Balaguer Sánchez đã chứng kiến điều này và như những người Cuba khác đang có mặt, ông rất xúc động. “Chúng tôi ngồi xuống với cô ấy và cô ấy đã vô cùng buồn thương về sự ra đi của Fidel. Cô ấy có mang theo những tờ báo thời đó viết về sự việc Fidel cứu cô ấy, chúng tôi đã nói về Fidel và những câu chuyện đã qua với tâm trạng xúc động, chia sẻ đau thương và sự biết ơn”, Jose Ramón Balaguer ngồi với tôi trong khuôn viên rợp màu xanh của Cục Đối ngoại, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba trong dòng hồi tưởng về những giây phút xúc động của 5 năm trước.

Có một bức ảnh nổi tiếng của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, khi ông trao lá cờ cho một người lính trong đội quân giải phóng miền Nam tại Quảng Trị. Bức ảnh có thể nói là nổi tiếng nhất của Fidel tại Việt Nam. Ngày ông mất, như cô gái Nguyễn Thị Hương năm xưa, người cựu chiến binh được Fidel trao cờ ấy cũng có mặt tại Đại sứ quán Cuba để nói lời vĩnh biệt với Fidel, người lính ấy cũng đã rất nhiều tuổi và sức khỏe không còn tốt nhưng ông đã vô cùng tự hào được có mặt trong bức ảnh lịch sử khi Tổng Tư lệnh Fidel đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Cũng trong dịp ấy, có một chuyến bay đặc biệt từ Việt Nam đi Cuba. Chuyến đầu tiên bay thẳng mà không trung chuyển qua một quốc gia nào chở đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang viếng lễ tang Chủ tịch Fidel Castro ngày 28/11/2016 do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu. Lần đầu tiên một chiếc máy bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, đã bay liên tục 17 giờ, không dừng tiếp nhiên liệu, qua không phận của 6 nước, vượt Thái Bình Dương đỗ xuống sân bay Thủ đô La Habana bằng nỗ lực lớn vì một nhiệm vụ đặc biệt. Lễ tang của Fidel cũng được tổ chức trang trọng ở Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội và Lãnh sự quán Cuba tại TP. Hồ Chí Minh trong ngày quốc tang với tấm lòng tưởng nhớ, tiếc thương chân thành của mỗi người dân nước Việt.

Jose Ramón Balaguer Sánchez không được có mặt ở đất nước mình ở thời khắc thiêng liêng trong mất mát của đất nước, nhưng ông đã được chứng kiến những tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ Cuba kính yêu. Thời gian ở Việt Nam ông cũng rất ngạc nhiên khi ở đây hầu như mọi người đều biết hát bài hát Cuba Guantanamera. Quê hương thân yêu ơi/ Gửi tới niềm tin khắp từ muôn nơi/ Lời ca vang đó đây/ Ý thơ chan hòa chung vui một ngày. Khi tất cả cùng cất lên Guantanamera, mọi khoảng cách dường như bị xóa nhòa trong tình anh em bạn hữu. “Không có hoạt động tập thể nào của chúng tôi về tình bạn mà cuối cùng chúng tôi và các bạn không hát Guantanamera. Chúng ta ở hai nửa của địa cầu, khi Cuba ngủ, Việt Nam thức và khi Việt Nam ngủ, Cuba thức. Tôi cũng nghĩ Việt Nam và Cuba là một, mỗi đất nước, mỗi dân tộc có một trái tim, nhưng nó có chung một nhịp đập”, ông nói.

Jose Ramón Balaguer khiến tôi nhớ đến Trung tướng José Antonio Carillo Gómez. Trong cuộc trò chuyện, ông cũng đã dẫn lời bài hát mang âm hưởng dân ca Cuba đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam và những nước khác này: Tôi là một người đàn ông chân thành, từ nơi cây cọ mọc lên, và trước khi chết tôi muốn đúc nên những câu thơ của mình trước khi vĩnh biệt hoàng hôn. Đây là bài hát rất quen thuộc của Cuba phổ biến từ những năm đầu thế kỉ XX đến nay đã biến thể qua nhiều cách phối và có hàng nghìn lời khác nhau tùy theo ứng biến của người hát, thường là chủ đề về tình yêu lứa đôi hoặc tình yêu quê hương đất nước. Bản mà Trung tướng José Antonio Carillo Gómez dẫn lời là bài ca mang âm hưởng cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước phỏng theo lời thơ từ bài thơ Versos Sencillos của nhà cách mạng Cuba José Marti. Dường như José Antonio Carillo muốn hát mà không hát được, hôm ấy ông đã nhìn tôi và nói: “Tôi không phải là ca sĩ hay vũ công, tôi không có khả năng để thể hiện bài hát đó, nhưng tinh thần của nó là đặc trưng cho ý chí và tâm hồn người Cuba”. Giọng người cựu binh già dường như trầm xuống một chút, tưởng như trong âm hưởng những lời gan ruột của người đàn ông luống tuổi có tiếng sóng biển Caribe trào dâng, có sự cồn cào bởi những giai điệu Mĩ Latinh cuồng nhiệt và mê đắm. Trung tướng José Antonio Carillo Gómez bảo tôi, ở Cuba, anh sẽ thấy có nhiều cây cọ hoàng gia, loài cây có ý nghĩa biểu tượng về phẩm giá và tính toàn vẹn của người dân, cũng là cây biểu tượng trên quốc hiệu. “Cây cọ hoàng gia là một loại cây cao, thẳng, mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Và cây tre ở Việt Nam cũng có những đặc điểm tương tự. Nó ở khắp mọi nơi. Nó đại diện cho số nhiều với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, sự mạnh mẽ, ngay thẳng và sức sống trường tồn. Chúng ta đã phát triển những điều tốt đẹp ở những nơi rất khác nhau và cách xa nhau về mặt địa lí”, ông so sánh. Vâng! Cọ hoàng gia Cuba và cây tre Việt Nam, đó là những loại cây không mang ý nghĩa vật chất như cây ngô nhưng lại là biểu tượng tinh thần lớn, như biểu tượng của chí khí, cốt cách và phẩm giá của hai dân tộc.

Dọc con đường chúng tôi đi từ khách sạn vào trung tâm Thủ đô La Habana, trên nóc một tòa nhà ven biển có dòng chữ “Viva Fidel” rất to, vững chãi và kiêu hãnh. Tôi hiểu, vị thế của Fidel trong những người dân Cuba hôm nay vẫn là những ảnh hưởng sâu rộng, mỗi người dân nơi đây vẫn dành một chỗ trang trọng cho ông trong trái tim mình. Khi chúng tôi dừng xe để chụp một bức hình lưu niệm ở vị trí đặc biệt ấy thì bất ngờ có những tiếng hô vang: “Viva Việt Nam!”, “Viva Hồ Chí Minh!”. Anh bạn trong đoàn làm ở Truyền hình Việt Nam, đã từng sang Cuba nhiều lần nói với tôi, đó là chuyện hết sức bình thường ở La Habana, trên đường phố Cuba hôm nay, mỗi khi người Việt Nam xuất hiện vẫn có những tiếng hô vang như thế. Việt Nam ở đất nước phía Tây bán cầu này vẫn là những hiện diện trân trọng và thương mến.

Ngày cuối lưu lại Cuba chúng tôi có bữa ăn tối ấm áp tại nhà Tùy viên quân sự Việt Nam ở La Habana, Đại tá Tạ Văn Phảng. Buổi tiệc có mặt các em sinh viên đã giúp chúng tôi phiên dịch trong quá trình gặp gỡ các nhân chứng, họ được Bộ Quốc phòng Việt Nam cử sang Cuba học tập theo chương trình hợp tác giữa quân đội hai nước. Một bữa ăn Việt Nam khiến mọi thành viên trong đoàn cảm thấy như đang ở nhà. Một căn phòng Việt Nam với những gương mặt Việt Nam ở một khoảng cách địa lí chia đôi địa cầu, nối với quê nhà bằng đường kính xuyên tâm trái đất và khoảng cách thực là một nửa chu vi từ Tây bán cầu đến Đông bán cầu. Nhưng ở hai phía xa xôi về địa lí ấy có một sợi dây gắn kết hữu hình mà các thế hệ người Việt Nam và người Cuba ở hai phía bán cầu, trong đó có những người lính đã dày công vun đắp. Ngoài kia, sóng biển Caribe vẫn vỗ ầm ào, và những cây cọ hoàng gia vẫn vươn mình kiêu hãnh. Tôi cảm nhận rõ có một Việt Nam hiện diện ở nơi đây, có một Việt Nam ở bên kia bán cầu, một Việt Nam ở Cuba, một Việt Nam trong trái tim những con người trượng nghĩa và quả cảm.

N.X.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)