. PHAN NGỌC CHÍNH
Minh họa: Lê Anh Vân
“Nào, uống đi ông.” Sơn nâng li hướng về phía Liu. Mùi rượu vải ngâm kĩ, ủ lâu bốc lên một vị thơm ngâu ngấu dìu dịu. Liu xoay xoay chiếc li thủy tinh, ngắm thứ nước màu vàng sánh, đoạn bật lên một âm gió tựa tiếng “hảo” nhè nhẹ rồi kề miệng dốc cạn. Cặp mắt một mí hấp háy. Khuôn mặt Liu đỏ lựng, hiền từ hơn thường ngày.
“Ông Liu này, như mọi năm, tôi sẽ đóng thùng gửi tặng ông một bình để mang về bên kia.” Sơn chỉ chiếc bình lớn men gốm Phù Lãng đã được đặt nghiêm ngắn trên giá.
Liu khật khừ gật đầu đắc chí rồi buột một câu tiếng Việt lơ lớ: “Đã mấy lần, tôi lựa chọn loại vải quả nguồn khác thử ngâm đúng như công thức ông cho nhưng vị rượu không đậm.” Âm vực của Liu rè rè, nằng nặng, mang nét đặc trưng đàn ông vùng Quảng Đông.
“Thì cũng dễ hiểu, như trời đã ban cây vải đặc sản cho vùng đồi nước tôi. Cam đoan với ông đem giống vải này đi trồng ở đâu cũng không có được cái vị ngọt, sự dày cùi, lớn quả như ở đất Ngũ Hà. Rượu vải cũng vậy.”
Liu nhoẻn cười. “Tôi đúng là nghiện món rượu vải Ngũ Hà của Việt Nam đấy”.
Nhưng rồi giây phút thoái mái, vui vẻ cùng ánh nhìn thẳng nơi Liu không diễn ra quá lâu. Ngay lập tức, Liu trở lại vẻ kín đáo thường thấy. Sự thay đổi trạng thái diễn ra rất nhanh. Khuôn mặt bí hiểm ngước ra ngoài khuôn cửa như đang suy nghĩ rất lung.
Vài lần ngúc ngắc, ngập ngừng như thể cố lấy sự can đảm, bất ngờ Liu vươn cái cổ ngắn, nần nẫn về phía gia chủ: “Ông Sơn này, hay mai ông cho tôi thay đổi lịch trình. Tôi và ông sẽ đến một nơi khác…”
Đã thành lệ từ mấy năm nay, sau mỗi vụ hợp tác suôn sẻ, Sơn và các chủ vườn đều thống nhất chọn một ngày đưa nhóm thương lái phương Bắc đi đổi gió đâu đó. Một ngày nhàn với cả hai phía sau những quy trình đánh giá sản phẩm, cân đong đóng hàng tất bật dễ đến non tháng giời. Ngoài truyền thống hiếu khách, đây cũng là cơ hội quảng bá các danh thắng nước Việt, dịp hai bên hiểu hơn về nhau, từ đó mở ra cơ hội hợp tác mới. Như năm kia, chuyến đi thăm khu du lịch Suối Mỡ, Khuôn Thần... đã giúp gia đình ông Khiên, hàng xóm nhà Sơn kí kết phát triển vườn dứa cao sản với đối tác mua vải.
“Vậy là ông không muốn đi Hạ Long?” Sơn nhìn Liu ngạc nhiên.
“Tôi muốn ông đưa tôi xuống chơi Hà Nội.” Liu như thì thầm. “Ngoài việc tham quan thủ đô nước Việt, tôi muốn được đến thắp hương...” Liu ngập ngừng, khuôn mặt nhăn nhó khổ sở: “Tôi muốn được đến thắp hương ông Ba”.
Thốt được ra câu nói đó, Liu so vai tựa hồ như trút được một gánh nặng. Nhịp thở hổn hển cho thấy vị khách đang thực sự xúc động. Tự nhiên, Liu cầm chai rượu rót vào hai cái li. “Cá nhân tôi thầm mang ơn ông Ba...”
Sơn thở nhẹ. Câu chuyện chợt rẽ sang một hướng rất khác…
*
* *
Ngay từ lần gặp đầu tiên, khi lãnh đạo xã đưa đến trang trại của gia đình Sơn nhóm thương lái ngoại quốc, anh đã bắt gặp cái nhìn rất khó diễn tả của người đàn ông này. Ấn tượng ban đầu về Liu là dáng người chắc đậm, cặp mắt híp, đôi môi dày và mái đầu lốm đốm bạc. Khóe miệng Liu chỉ hiền khi cười. Những khoảnh khắc đó khá hiếm. Bình thường, Liu tạo ra cho người đối diện cảm nhận về sự trầm lặng. Những câu tiếng Việt khi sõi, lúc bập bẹ cũng khiến Sơn ngạc nhiên. Khi đã quen, Liu kể anh ta học tiếng Việt hơn chục năm trước, thời đánh hàng quần áo, giày dép cho dân buôn vùng Đồng Đăng, Lạng Sơn. Dù vậy, có lúc Sơn phải nói chậm và diễn giải nhiều lần, Liu mới gật gật, tỏ vẻ đã hiểu.
“Họ là đối tác ngoại quốc. Chính quyền nhắc nhở các chủ hộ phải lưu tâm đầu tiên là yếu tố pháp lí. Khâu này cứ rõ ràng, minh bạch theo luật pháp quốc tế thì chẳng có gì đáng ngại.”
Có đúng bất cứ điều gì rõ ràng, rành mạch theo luật pháp quốc tế đều không đáng ngại thời nay? Năm thằng Hà thi đại học, có một sự kiện xảy ra khiến gia đình Sơn hỏng cả một kế hoạch lớn. Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan 981 vào hoạt động trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam. Sáng đó, sau khi xem truyền hình, chàng trai mười tám tuổi đến trước bố bức xúc: “Bố trả lời cho con, sao luật pháp quốc tế rành rành mà họ vẫn ngang ngược?” Sơn thừ người hồi lâu không biết trả lời con thế nào, vết sẹo lõm sát đuôi mắt trái tấy lên, rần rật.
Gần tháng trước ngày thi đại học, một buổi trưa muộn, thằng Hà đạp xe như bay từ trường về nhà reo to: “Con trúng tuyển rồi bố ơi!” “Bọn con đã thi đâu?” Sơn ngạc nhiên. “Con xin lỗi bố. Hôm rồi con giấu bố mẹ đăng kí khám tuyển sĩ quan hải quân. Nay có giấy báo...” Thằng Hà sung sướng thấy rõ. Nó không để ý đến vẻ mặt buồn lo của cha. Không buồn sao được khi mong ước cậu giai út của Sơn trở thành kĩ sư nông nghiệp về mở mang, nâng cấp trang trại và vùng đồi quê hương không thành. Không lo sao được khi tương lai của con sẽ là những chuyến đi dài đầy hiểm nguy trong lòng biển...
Năm đó, đám thương lái bên kia sang mua hàng dường như cũng hiểu chuyện. Ngoài lúc đi thăm vườn, họ thường giấu mình trong xe hoặc nằm lì ở khách sạn của thị trấn huyện. Gặp Sơn, Liu đã chủ động rào đón: “Chúng ta sẽ không đề cập tới những vấn đề ngoài chuyện làm ăn nhé. Như mọi năm, tôi muốn bao tiêu trọn nguồn vải quả của gia đình mình.” Chẳng biết để minh chứng quan điểm cá nhân trên hay thành thực muốn chia sẻ, Liu bỗng cởi mở hơn hẳn. Liu khoe vụ vải trước anh ta và nhóm thương lái thân thiết gặt hái lớn. Vải Ngũ Hà sau khi về bên kia, được bảo quản, đóng hộp rồi đưa đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hàng bán tốt, được giá. Khách du lịch các nước đến Trung Quốc đều dành nhiều lời ngợi khen. Sự hào hứng của Liu chỉ giảm đi, ánh mắt chuyển sang dè dặt khi nhận ra tấm ảnh thằng Hà cùng đồng đội kéo quốc kì Việt Nam trên chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636 đen trũi như một con cá voi lớn. Tấm ảnh được gia đình Sơn phóng to, lồng khung kính treo trang trọng ở chính giữa phòng khách.
Minh họa: Lê Anh Vân
“Tôi muốn được thắp hương ông Ba…”
Câu nói của Liu khiến Sơn nhớ về dịp đưa các đối tác đi thăm chùa Phật Tích năm rồi. Trên đường về, đoàn ghé vào núi Thiên Thai thăm đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Ngắm bức tượng trong màn khói hương ảo mờ, Liu hỏi Sơn người được dân lập đền thờ này là ai. “Đây là vị Thái sư của Lý triều, cách nay gần ngàn năm có công giúp nước Việt của tôi đòi được mấy châu miền Cao Bằng, bị nhà Tống chiếm giữ trái phép. Thái sư cũng là người thay mặt triều đình Đại Việt xác định ranh giới, cắm mốc chủ quyền rõ ràng cương thổ giữa hai nước. Công lao đó khiến mười làng vùng Kinh Bắc quanh đây tôn ông là Thành hoàng.”
Liu trầm tư nghe, suốt chặng đường về không hỏi thêm câu nào. Chỉ đến khi chia tay, bất ngờ Liu hướng ánh nhìn vào vết sẹo nơi đuôi mắt Sơn. “Xin lỗi, tôi hơi tò mò. Ngày trước ông có tham gia quân đội không?” “Có.” “Ông bị vết sẹo trên mặt, có phải trong chiến tranh?” “Dĩ nhiên.” “Tôi muốn hỏi sâu thêm, là ông bị ở đâu và trong trường hợp nào?” “Thì chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc tháng hai năm bảy chín.” Liu chớp chớp mắt, khuôn mặt ửng đỏ. “Vậy năm đó, ông chiến đấu ở đâu?” “Cao Bằng” “Tôi cũng có mặt ở Cao Bằng, khu vực Hòa An.” “Thì đấy là cao điểm đơn vị tôi trấn giữ.” Liu sững sờ. “Lẽ nào...”
*
* *
“Bố ạ - Thư thằng Hà viết - Chúng con vừa kết thúc chuyến tuần tra đầu tiên. Ngoài thường xuyên lặn sâu trên hai trăm năm mươi mét, anh em con đã làm chủ con tàu và thuần thục tất cả các tình huống. Chúng con luôn nhớ lời các cấp chỉ huy nhắc nhở, đơn vị hải quân tinh nhuệ và hiện đại nhất Việt Nam không bao giờ được phép để Tổ quốc bị bất ngờ...”.
Cuộc chiến năm đó, Tổ quốc có bất ngờ không?
Chàng trai mười bảy tuổi chỉ biết suốt một thời phổ thông, anh và bao bè bạn luôn nghe nói về họ với hai cụm từ “anh em”, “đồng chí”. Rồi biên giới phía Nam nóng bỏng. Giặc Pol Pot tràn vào sát hại dã man hàng ngàn đồng bào ta vùng Ba Chúc, An Giang. Gác lại sách bút và ước mơ vào một trường nông nghiệp, cậu trai miền trung du như bao bạn bè cùng lứa xung phong vào quân ngũ như một lẽ tự nhiên. Bỗng một sớm, đài loan tin quân xâm lược tràn sang xâm chiếm, bắn giết dọc sáu tỉnh biên giới phía bắc. Hàng ngàn làng mạc bị đốt phá, hàng vạn đồng bào vô tội bị kẻ địch tàn sát. Đau thương ngút trời. Chưa kịp qua hết khóa huấn luyện, thay vì đi biên giới Tây Nam, đơn vị Sơn cấp tốc lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc.
“Có đúng là năm ấy ông chiến đấu ở các cao điểm thuộc Hòa An?” Hôm trở lại Việt Nam vào đầu vụ vải năm sau, Liu hỏi Sơn.
“Đúng thế.”
“Vậy, ông có ở đó khi chúng tôi rút lui?”
“Tôi đã bám trụ mãi tới những năm sau này.”
Sơn bật lửa mồi điếu thuốc, mặt buồn thẳm nhìn ra xa. Anh nhớ tháng ba năm bảy chín. Đã mười mấy ngày, đơn vị Sơn phải đối mặt với chiến thuật biển người của địch. Sau màn trút đạn pháo sấm sét lên cao điểm là tiếng kèn, tiếng hò hét của những tên chỉ huy địch, thúc đám bộ binh tràn lên. Chúng lổm ngổm bò trườn, bu đen cả sườn núi. Khẩu 12 li 8 của tiểu đội Sơn đã bắn hết cơ số đạn. Xác địch ngổn ngang như vườn chuối gặp bão. Lại những cơn mưa lựu pháo, đạn cối địch chụp xuống vạt đồi đá sỏi chưa tới nửa cây số. Hầm hào chao đảo, sụt lở, ngập khói bụi. “Đạn còn mấy băng?” Anh Lương, C trưởng trờ tới. Anh thừ người. Năm ngày đại đội quần nhau với hai tiểu đoàn địch, quân số đơn vị chỉ còn chưa tới một phần ba. Thương binh, tử sĩ đầy các ngách hầm.
Từ cánh phía bên phải, giọng anh Mừng đại trưởng C2 gấp gáp: “Chúng tôi chỉ còn hơn mười tay súng. Đạn sắp cạn. Mong các đồng chí chi viện.”
Qua bộ đàm, anh Lương nghe rõ cả tiếng thở đứt quãng. Tiếng thở của người bị thương nặng. Bất chợt, giọng anh Mừng lịm đi.
Anh Lương cầm tổ hợp a lô mấy lần. Không hồi đáp. Tiếng súng phía đó tắt lịm. Dưới chân chốt, nơi đơn vị Sơn trấn giữ lại đã nhấp nhô hàng trăm tên địch bám theo mấy chiếc xe tăng đang gầm gừ chuẩn bị cho cuộc tấn công mới. “Mẹ kiếp, tao chỉ ước giờ này anh em mình có dăm cây B41 hay M79 và một trung đội mới thì sẽ ăn thua đủ với chúng nó.” Sơn hiểu nỗi lòng của người lính chống Mĩ như anh Lương. Ngay từ ngày chiến đấu đầu tiên, anh đã luôn kèm và nhắc nhở Sơn những kinh nghiệm xương máu. “Chúng mày phải biết bắn một cách bình tĩnh. Cứ điểm xạ hai phát một, nhằm những thằng thổi kèn, đeo điện đài, hung hăng nhất mà xử. Thấy chúng lên đông, không được cuống, xả cả băng, phí đạn.” Vậy nhưng khi địch lợi dụng sương mù tràn lên ào ạt, chính anh Lương đã nhảy đến nhấc khẩu trung liên của cậu Hiệp hi sinh nơi góc hào, đứng thẳng người, nghiến răng siết cò, xả trọn băng. Những thân lính đi đầu đổ rạp, có tên suýt chạm mũi súng của anh. Bọn còn lại bỏ chạy, có thằng sợ hãi lăn lông lốc từ đỉnh xuống chân đồi.
Giờ đây, người đại trưởng dày dạn lửa đạn bất lực nhìn đám giặc lố nhố. Anh cắn môi bật máu, mắt ngùn ngụt ánh lửa. Lúc lâu anh buồn bã nói. “Sơn ơi, mày còn trẻ, lại chưa vợ con. Mày và đám thằng Bình rút đi, để lại vũ khí cho tao và mấy đứa bị thương. Chết cả thế này mà chốt chẳng giữ được, xót lắm.” Anh Lương kiểm tra băng đạn cuối, giọng khẩn khoản. “Không. Bọn em sẽ ở lại cùng anh.” Màn đối thoại của họ bị ngắt quãng bởi tiếng nổ của pháo địch và bộ binh đã vào đến tầm bắn. “Noi gương các anh em C2, chúng ta quyết giữ chốt đến người cuối cùng.” Anh Lương truyền lệnh. Những người lính còn lại mặt sạm đen khói súng, quần áo tơi tả bình thản chuẩn bị cho thời khắc sinh tử. Hình ảnh người dân bản Chúp bị giặc thảm sát, xác phụ nữ, trẻ em chất đầy con giếng cạn khiến sự căm hờn nhân thêm lên sức mạnh. Những khẩu AK lưỡi lê tuốt trần, sáng lạnh ánh thép. Sơn kiểm tra lại súng. Ở vách hầm kế bên, thằng Vị, đầu quấn băng bết máu, nằm ngửa rên rỉ nhưng ngón tay đã lồng vào vòng tròn của quả lựu đạn duy nhất còn lại để trên bụng.
Bất chợt, những tiếng rít và tiếng nổ trùm khắp chốt. Pháo 105 li, cối 120 từ phía sau dội bão lửa chính xác. Đội hình địch hỗn loạn. Những tên giặc bị hất tung trong lửa khói. Tiếng kêu rống của những tên giặc bị thương. Anh Lương cầm ống nghe một hồi rồi quay qua reo to. “Quân chi viện đã lên!”
“Khi biết đụng độ với chủ lực của các ông vừa từ Campuchia về đơn vị tôi đã thực sự hoảng loạn.” Vẻ mặt Liu nhăn nhó, khổ sở: “Tiểu đoàn tôi rút lui hỗn loạn rồi bị dồn vón lại, co cụm ở một góc rừng hẹp. Chứng kiến chỉ huy và các chiến hữu lần lượt tử trận, tôi đã khóc gọi mẹ khi nghĩ mình chắc chắn phải chết trên đất Việt Nam. Khi chúng tôi chỉ còn là nhúm tàn quân nằm bẹp dí chờ chết thì tiếng súng phía bên các ông ngừng nổ...”
Liu dừng lại. Mắt ầng ậng nước: “Sau này khi rời quân ngũ, làm ăn buôn bán với người Việt, tôi thấy người Việt thật thân thiện, dễ mến. Năm hai nước vừa bình thường hóa quan hệ, tôi sang Lạng Sơn cất hàng, bất ngờ bị cảm hàn, di chứng của thời quân ngũ. Một cụ già người Tày ở gần chợ Đồng Bành đã kiên trì hái lá rừng đắp cho tôi cả tuần. Nhờ vậy, tôi khỏi bệnh. Ơn đức đó tôi luôn ghi nhớ cũng như mang ơn người đã không ra lệnh truy kích, tận diệt đơn vị tôi năm xưa.”
*
* *
“Tôi muốn xuống Hà Nội thắp hương cho ông Ba.”
Lời đề nghị của Liu khiến Sơn phải suy nghĩ rất nghiêm túc. Anh hiểu đó là cảm xúc chân thật nhất của người cựu binh đối phương. Chắc chắn cuộc chiến năm đó Liu đã phải đối diện những tình huống khủng khiếp nên mới ám ảnh dai dẳng như thế.
“Việc đi thăm Hà Nội và viếng ông Ba ta sẽ còn nhiều dịp. Tôi muốn ông đi đến đây với tôi.” Sau một hồi suy nghĩ, Sơn khoát tay.
Chiếc tắc xi chở hai người chạy qua qua bạt ngàn những đồi vải trĩu quả đang vào cữ thu hoạch, rồi sang đến những đồng dứa điệp trùng. Chừng hơn tiếng sau, khi chạm vào lúp xúp những quả đồi xanh sẫm tán cam thì Sơn bảo lái xe dừng lại. Anh mua đồ lễ, rồi kéo Liu đi bộ rẽ vào nghĩa trang ven đường. Họ dừng lại trước ngôi mộ được xây cất gọn ghẽ. Sơn sắp lễ, bật lửa châm hương. Liu nghiêng đầu lẩn mẩn nhẩm dòng chữ trắng trên tấm bia đá nhỏ.
“Ngày đó, khi có lệnh ngừng truy kích, để cho các ông rút quân, không phải tất cả anh em chúng tôi đều đồng thuận. Đơn vị vừa được tăng viện đầy đủ. Khát vọng trả thù đang cháy bỏng, sôi sục. Khi trinh sát về báo, trước mặt chỉ là nhóm tàn quân đa phần lính trẻ, phòng ngự sơ hở và rất thiếu kinh nghiệm, chúng tôi đề nghị với anh Lương, báo cáo cấp trên xin tiêu diệt nhóm địch. Anh Lương đăm chiêu một hồi rồi anh quả quyết, dừng lại!”
Sơn nhìn Liu, chưa bao giờ anh thấy mình nói khúc chiết, rành rẽ thế. “Anh Lương giải thích người Việt Nam chúng tôi từng phải đương đầu với rất nhiều kẻ thù hùng mạnh xâm lăng nên luôn khát khao và trân quý hòa bình. Bởi vậy xưa nay, với kẻ thù không bao giờ chúng tôi muốn đuổi cùng, giết tận. Hơn năm trăm năm trước, khi Minh triều bên ông sang xâm lăng Đại Việt, bị Lê Thái Tổ bên tôi đánh tan. Vì mong muốn hòa bình bền vững, Đại Việt bên tôi đã tha mạng cho đạo quan quân năm vạn người bị vây khốn sắp chết rục vì đói. Không chỉ vậy, nước tôi còn cấp ngựa và lương ăn cho quan quân Minh triều thất trận trở về cố hương.”
“Thì ra, người thừa hành lệnh của ông Ba tha mạng cho chúng tôi chính là anh Lương.” Liu quỳ trước ngôi mộ, chắp tay vái ba vái, nước mắt ngân ngấn.
“Tôi muốn hỏi ông về anh Lương sau ngày chiến tranh...” Liu tần ngần.
Sơn lặng lẽ châm lửa hóa bộ quân phục, đôi quân hàm đại úy, chiếc mũ màu xanh lá cây và đôi giày. Giọng anh trầm lại: “Năm 1984, khi đi trinh sát chuẩn bị cho chuỗi trận đánh chiếm lại những cao điểm bị các ông xâm chiếm gần cửa khẩu Thanh Thủy, một quả mìn lá do thám báo bên ông lẻn sang cài, phát nổ. Chân trái anh Lương dập nát. Mảnh mìn nhỏ để lại cho tôi vết sẹo này.” Sơn chỉ vào vết sẹo nơi đuôi mắt trái.
Ngày anh Lương còn sống, năm nào Sơn cũng đèo cu Hà sang thăm, ở lại chơi trọn một ngày. Anh em chuyện trò không dứt về những năm tháng chiến tranh, về đồi vải, đồi cam và bao ước mơ cho tương lai con trẻ. Chỉ vào cu Hà đang nô đùa với bé Na, cô con gái út của mình, anh Lương bảo, đời này chẳng mong gì hơn, chỉ mong thế hệ chúng nó có hòa bình bền lâu để dựng xây quê hương. Có hôm Sơn sang gặp đúng ngày anh Lương lên cơn đau. Mấy mảnh thép trong người cựa quậy, anh gầy rộc, nhưng vẫn gượng cười nhăn nhó khi gặp nhau. Cho đến lần vợ anh nghẹn ngào gọi điện báo tin dữ...
Vài năm sau, vợ anh Lương đưa bé Na rời làng vào sống với con trai lớn ở một tỉnh phía Nam...
*
* *
Lại một mùa vải chín sắp đến. Vải năm nay được mùa. Sơn nhận được thư của thằng Hà: “Bọn con hoàn thành xuất sắc bài tập bắn đạn thật. Phần thưởng với thủy thủ đoàn là một kì nghỉ phép nửa tháng. À, đợt này con sẽ đưa bạn gái về giới thiệu với bố mẹ.” Sơn gấp thư con, mỉm cười.
Buổi Hà về thăm nhà, hàng xóm nhiều người kéo đến uống nước, phần muốn xem chàng sĩ quan hải quân cứng cáp, vạm vỡ và chững chạc ra sao, phần tò mò muốn xem cô bạn gái của Hà thế nào.
Chiếc taxi dừng lại. Hà mở cửa xuống trước rồi đưa tay đỡ bạn gái. Cô gái xinh xắn khẽ cúi đầu trước Sơn, bẽn lẽn. “Con chào chú!” Sơn ngẩn người, có cảm giác nửa quen, nửa lạ.
“Kìa bố. Bố có nhận ra Na, con gái bác Lương đây không?” Cảm xúc vỡ òa trong Sơn. Anh ngỡ ngàng, mừng rỡ và xúc động thực sự. Thì ra, ngày xưa, khi đưa cu Hà qua thăm bác Lương, nó đã làm quen và quấn quýt bé Na. Khi Na theo mẹ vào miền Nam định cư, đôi trẻ vẫn duy trì thư từ qua lại.
“Bố ạ, Na đang học năm cuối đại học nông nghiệp. Đó cũng là nguyện vọng của bác Lương và bố khi xưa. Na còn giỏi ngoại ngữ và có kiến thức về thương mại quốc tế. Vừa qua, theo gợi ý của con, Na đã đăng kí thương hiệu vải thiều quê ta, đồng thời đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử.”
Đó là những ngày vui nhất của gia đình Sơn. Vợ chồng anh như trẻ lại. Na đi thăm vườn đồi, góp ý với các chủ vườn về quy trình chăm sóc để vải Ngũ Hà đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính. Có những điều Na nói khiến Sơn và các chủ vườn lần đầu vỡ ra. Hôm tiễn Hà và Na đi hàng xóm cứ tấm tắc khen hai đứa đẹp đôi, cô con dâu tương lai của vợ chồng Sơn đẹp người, đẹp nết lại có tri thức. Sơn như nở từng khúc ruột. Anh tự nhủ ở thế giới bên kia, chắc hẳn anh Lương cũng đang mừng vui như mình…
*
* *
Một năm không gặp trông Liu thêm phương phi, béo tốt hơn. “Mọi thứ vẫn như những năm trước nhé ông Sơn. Tôi xin bao tiêu toàn bộ.”
Bất ngờ, Sơn lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt Liu: “Năm nay, có những điều chúng ta phải xem xét lại một cách thực nghiêm túc.”
Liu nhướn mày, ngạc nhiên: “Sao vậy ông Sơn?”
“Thì chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng sự đàng hoàng, minh bạch. Vậy mà con dâu tương lai của tôi cho biết sản phẩm vải thiều Ngũ Hà vừa qua biên giới là nhiều lô bị các ông bỏ hết nhãn mác hàng Việt, gắn nhãn mác khác. Chúng tôi yêu cầu thương hiệu Việt phải trả lại hàng Việt. Điều đó có chính đáng không ông Liu?” Liu bối rối, mặt đỏ lựng, ngượng ngập. Nhưng rồi rất nhanh, Liu xoa hai tay trước ngực, vẻ thành thực biết lỗi: “Được mà, được mà. Đâu sẽ có đó. Tôi sẽ cam đoan…”
Vừa lúc đó, điện thoại của Sơn rung. Na điện về thông báo tin vui, vải thiều Ngũ Hà - Việt Nam đã có thêm nhiều khách hàng ở những thị trường mới.
Cuộc gọi kết thúc đã mấy phút mà cảm giác lâng lâng vẫn dâng ngập lòng Sơn. Anh dõi mắt ngắm những tia nắng mới nhảy nhót trên những chùm vải đỏ rực, quên cả vị khách đứng sau lưng với nét mặt thèn thẹn, ngại ngùng…
P.N.C
VNQD