Đường biên

Thứ Tư, 12/01/2022 11:39

. Quyên GAVOYE
 

Tôi rất sợ đi máy bay vì sợ độ cao, sự thay đổi áp suất đột ngột trên tầng khí quyển lại càng khó chịu. Những người sợ độ cao thì không nên đi máy bay.

Tôi sợ độ cao, sợ sự thay đổi áp suất, nên chưa từng đi máy bay. Một sự sợ hãi ngu xuẩn của đời tôi. Tôi sẽ phải làm thế nào? Đi ô tô, tôi buồn nôn. Đi tàu, tôi cũng nôn. Phương tiện di chuyển duy nhất của tôi là xe máy.

Nhưng làm thế nào để đi xe máy từ Hà Nội sang Paris?

Chỉ có những người phi thường mới làm những chuyện liều lĩnh như thế. Một vài người đã từng thử và thành công, nhưng họ không phải số đông. Họ là những người trẻ tuổi thích phiêu lưu và dư thời gian. Họ là những người phi thường. Tôi chỉ là người phụ nữ quen với cuộc sống nhỏ bé từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan ra chợ và từ chợ về nhà, dĩ nhiên là đi bằng chiếc xe máy.

Minh họa: Tào Linh

Từ Hà Nội qua Paris, tùy vào cung đường, nhanh nhất cũng hơn mười nghìn cây số với hằng hà sa số những đường biên. Một tấm hộ chiếu xanh sẽ không đủ phép màu để mở hết tất cả các đường biên. Đó là lí do những đường biên luôn gợi trong tôi sự tò mò, nó là biểu tượng của quyền lực trong một không gian khép kín. Nó là sự chia cắt giữa hai mảnh đất và muôn vàn những đòi hỏi thủ tục trước khi tiến vào lãnh thổ.

Trong từ điển, đường biên là từ dùng chỉ khái niệm đường phân định giới hạn lãnh thổ hay lãnh hải của một nước với nước nước tiếp giáp khác.

Đường biên có hình thù thế nào?

Là những hàng rào dây thép gai?

Là bức tường bê tông cao nghễu nghện?

Hay chỉ đơn giản là hàng rào phân định giới hạn giống như hàng rào ngăn cách giữa nhà tôi và nhà hàng xóm bên cạnh?

Phải nói đó là hàng rào hoa hồng leo mà con gái tôi gửi giống từ bên Pháp về cách đây vài năm. Ông nhà tôi rất thích, vừa thơm ngõ, vừa đẹp sặc sỡ quanh năm nở hoa. Người qua đường thường dừng lại ngó nghiêng, họ thì thầm đoán phía sau hàng rào đẹp vô thường ấy là căn biệt thự sang trọng hoặc ít ra là một ngôi nhà xinh xinh xứng tầm với hàng rào. Rồi họ cũng nhìn ra căn nhà hai tầng của chúng tôi. Một ngôi nhà bình thường giống như hàng trăm ngôi nhà khác của khu phố. Họ đứng tần ngần trước hàng rào một lúc trước khi lắc đầu bước đi. Mặc nhiên thể hiện nỗi thất vọng về một sự tò mò không thỏa đáng.

Thứ đường biên duy nhất tôi biết lúc này chính là giới hạn địa phận giữa hai tỉnh được đánh dấu bằng một cột mốc nằm chơi vơi bên đường quốc lộ. Phía bên này hay bên kia cột mốc, quang cảnh y hệt nhau, nhà cửa cũng vậy, chợ búa con người cũng tất bật như nhau. Vậy nên tôi nghĩ chắc mọi đường biên đều mờ nhạt như thế. Tôi chả cần gì phải đi đâu xa, cuộc sống hàng ngày xung quanh tôi cũng đủ thú vị.

Nhưng tôi đã nhầm khi hàng ngày nói chuyện với con gái ở Pháp, con bé đã từng đi qua nhiều nước, chứng kiến nhiều câu chuyện, nó kể cho tôi nghe vô số những điều hài hước và cả những câu chuyện ra nước mắt, tôi dần hiểu mình đã bỏ qua bao nhiêu câu chuyện hay ho xảy ra phía bên ngoài những giới hạn lãnh thổ.

Cho đến một ngày…

Con gái mời tôi sang Paris, vừa du lịch vừa thăm cháu ngoại mới chào đời. Một lí do chính đáng mà một người vừa lên chức bà sau bao nhiêu năm cầu trời khấn Phật không thể từ chối. Nhưng chỉ cần nghĩ đến máy bay, dạ dày tôi đã muốn trào ngược. Ông nhà tôi bảo đi một lần để biết thế giới và chiến thắng sự sợ hãi ngu ngốc tiện thể mang về cho ông ít giống hoa hồng khác. Tôi bảo ông ấy đi thay mà ông ấy bảo không biết chăm trẻ con. Thực ra ông ấy cũng sợ máy bay như tôi.

Bây giờ tôi ngồi đây, trong khoang hạng thương gia của hãng hàng không quốc gia Airfrance. Vì tôi sợ đi máy bay nên con gái tôi mua cho tôi ghế ngồi hạng thương gia. Nó không cho tôi biết giá cụ thể. Vợ chồng con gái tôi không giàu, công việc buôn bán nhỏ lẻ chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nó bảo ghế thương gia sẽ thoải mái, tôi có thể nằm và ngủ một giấc là máy bay sẽ hạ cánh, như thế thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Trước khi ra sân bay, ông nhà tôi nhắc mặc bồ đồ đẹp nhất cho xứng tầm với hành khách của khoang thương gia. Vậy là tôi mặc váy, chiếc váy may từ hồi đám cưới con gái.

Mười bốn giờ bay thật lâu. Chắc tại tôi chưa quen tiếng ồn động cơ và sự thay đổi áp suất. Vậy là tôi cố gắng tìm kiếm xung quanh những câu chuyện thú vị cho qua thời gian. Dưới đây là một vài chuyện vặt vãnh đã xảy ra ở khu vực không phận, bên trên mọi đường biên.

Chuyện thứ nhất

20h Việt Nam. Chuyến bay dần ổn định trước khi cất cánh. Chiếc ri đô màu nâu nhạt ngăn cách khoang thương gia và khoang bình dân khép lại. Nữ tiếp viên xinh đẹp đón tiếp tôi từ cổng ra vào máy bay hướng dẫn tôi ngồi vào ghế, đưa cho tôi chiếc khăn lau mặt mát lạnh kèm lời chào đón nhiệt thành. Cô bé nhanh nhẹn nhấc chiếc túi xách của tôi đưa lên giá để đồ. Tôi bảo có thể tự làm. Cô bé trả lời kèm nụ cười nhã nhặn đó là nhiệm vụ của cô, cô bé rất hân hạnh được phục vụ tôi. Tôi tròn mắt nhìn cô bé. Trời ạ, tôi mới sáu mươi, vẫn còn đủ sức khỏe để có thể tự làm. Cô bé nhất định từ chối.

Tôi nhìn theo hành động của cô bé, bất chợt thấy buồn cười. Trước khi tấm ri đô khép lại, nhìn sang khoang bình dân tôi thấy những người khách khác phải tự mình cất hành lí lên giá để đồ. Một người phụ nữ già hơn tôi hì hục vác chiếc va li xách tay to quá khổ cố sức ấn lên giá để hành lí phía trên chỗ ngồi, cậu tiếp viên hàng không bình thản đứng nhìn họ tự sắp xếp trong sự nhốn nháo tranh giành những phần trống hiếm hoi của giá để đồ.

Thì ra khoang thương gia và khoang bình dân là hai loại hành khách khác nhau. Tôi tự hỏi con gái tôi đã phải trả bao nhiêu tiền cho vé hạng thương gia để mua được sự phục vụ chu đáo và nhã nhặn của cô tiếp viên?

Chuyện thứ hai

3h sáng Pháp. Ba giờ trước khi máy bay hạ cánh xuống Charles de Gaulle, tôi tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ, Việt Nam đang là tám giờ sáng. Nghĩa là tôi đang ngủ nướng. Hàng ngày, tôi có thói quen dậy lúc năm giờ sáng lau chùi nhà cửa và chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Làm thế nào để tôi có thể ngủ quên giấc? Chắc tại sự thay đổi áp suất.

Tôi ngồi dậy vươn vai cho đỡ mỏi người, vừa lúc một người phụ nữ trong trang phục xộc xệch (có lẽ là do phải ngủ trong tư thế không thoải mái), chân đất, miệng ngáp to kéo tấm ri đô màu nâu nhạt bước vào. Chị ta đi về phía nhà vệ sinh.

Nữ tiếp viên xinh đẹp bước ra từ sau khoang phục vụ, nụ cười biến mất, khuôn mặt mệt mỏi, cô bé giải thích với người phụ nữ đây là khoang hạng thương gia, khoang bình dân ở phía đằng kia. Người phụ nữ ngáp một hơi dài trả lời chỉ muốn đi vệ sinh vì tất cả nhà vệ sinh ở khoang bình dân đều đã bật đèn đỏ và hàng người chờ trước cửa khá đông, trong khi nhà vệ sinh ở khoang thương gia vẫn bật đèn xanh. Nữ tiếp viên nhìn người phụ nữ đó một cách dửng dưng kiên quyết từ chối và mời chị ta về chỗ ngồi phía khoang bình dân. Người phụ nữ bực tức quay đầu bước về phía khoang bình dân.

Tôi lại nhớ, mười ngày trước khi cất cánh vì một vấn đề nhỏ mà suýt chút nữa là tôi không có được visa. Hôm đó tôi cùng ông nhà lên đại sứ quán Pháp ở Hà Nội để làm giấy tờ. Trước khi đi, con gái tôi đã rất cẩn thận lên mạng tra cứu tất cả những thủ tục cần thiết có kèm bản dịch công chứng. Mọi giấy tờ đã sẵn sàng. Buối sáng hôm chúng tôi lên đại sứ quán, do bất cẩn, ông nhà tôi để quên hai cuốn sổ tiết kiệm có giá trị mười ngàn euro dùng làm tài liệu chứng minh tài chính. Nhân viên của đại sứ quán dửng dưng trả lại hồ sơ và kết thúc cuộc hẹn khi chúng tôi chưa kịp ngồi vào ghế dù tôi đã hứa sẽ mang nốt hai cuốn sổ tiết kiệm đến vào sáng mai. Có lẽ họ sợ tôi sang Pháp để trốn ở lại chăng? Lẽ nào bên đó hấp dẫn đến thế?

Tôi mường tượng Paris phải rất lộng lẫy thì những điều kiện đòi hỏi để làm thị thực mới nhiều và khắt khe đến thế. Chứng minh tài chính phía con gái tôi chưa đủ. Ông nhà tôi hậm hực ra về. Trời Hà Nội nóng như đổ lửa. Khuôn mặt đỏ gắt, ông ấy quát om sòm ngoài phố, tiên sư bố quân thực dân (ông ấy vẫn có thói quen gọi nước Pháp như thế dù không có ý nghĩ xấu xa), có mỗi cái dấu bé tí mà bắt người ta mang cả gia tài ra làm chứng. Tôi chỉ thấy bực trước thái độ của ông ấy, lẽ ra ông ấy nên làm ầm lên ngay trong đại sứ quán thay vì làm ầm ở ngoài đường phố giữa những người xa lạ. Thực ra có cho tiền, ông ấy cũng không dám làm ầm ở đại sứ quán.

Trở lại với người phụ nữ đang buồn đi tiểu tiện. Câu chuyện của chị ta không liên quan gì đến câu chuyện suýt chút nữa là tôi không xin được visa nhưng sao tôi cứ thấy thương chị ta, lẽ ra chị ta nên hét vào mặt cô bé. Tất cả chúng ta đang ở chung một chuyến máy bay, một cú huých mạnh, tất cả chúng ta sẽ cùng chao đảo. Tôi thấy thương chị ta vì ở tuổi chúng tôi, sau nhiều cuộc sinh nở, người phụ nữ mất dần việc làm chủ hành động tiểu tiện. Nếu như chị ta không nín được để chờ cho đến lượt thì sao? Không lẽ chỉ vì tấm vé bình dân mà chị sẽ phải đái ra quần? Nghĩ thế nên tôi đứng dậy kéo tay chị ta, nhưng chị ta quay lại nhìn bộ váy của tôi một cách hậm hực trước khi kéo chiếc ri đô màu nâu nhạt.

Chuyện thứ ba

3h15. Chúng tôi bay qua vùng nhiễu động, máy bay rung lắc mạnh, mọi người bừng tỉnh, cơ trưởng yêu cầu mọi người bình tĩnh và thắt dây an toàn. Tôi co người, dạ dày trào ngược.

Ở phía sau tấm ri đô, tiếng rên rỉ bừng tỉnh, to dần và khẩn cấp.

Chưa đầy mười phút sau những tiếng rên rỉ đầu tiên, toàn bộ hành khách ở khoang thương gia được dồn về khoang bình dân dành chỗ cho một cuộc sinh nở.

Hành khách khoang thương gia đứng lổn nhổn dọc hành lang ở khoang bình dân. Những bộ quần áo sang trọng nhàu nhĩ không khác bộ quần áo ngủ của bất cứ ai trong khoang bình dân, những khuôn mặt còn ngái ngủ ngạc nhiên trước tình huống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng không của Pháp. Vô tình tôi đứng cạnh ghế của người phụ nữ buồn đi tiểu tiện lúc trước. Cậu thanh niên ngồi kế bên chị ta định đứng dậy nhường ghế cho tôi, ngay lập tức chị ta giật mạnh cậu thanh niên ngồi xuống.

- Họ là hành khách khoang thương gia đấy, cả đêm qua họ được nằm rồi, giờ phải đứng một lúc cũng không sao.

Tôi mỉm cười từ chối lòng tốt của cậu thanh niên. Cậu ta còn khá trẻ, chắc là du học sinh. Quần áo dị hợm, te tua những mảng rách thủng, mái tóc xanh đỏ đủ màu, khuyên tai, khuyên mũi đủ một bộ trên khuôn mặt. Nhưng khuôn mặt toát lên những nét hiền lành.

Lẽ ra tôi không nên từ chối lời đề nghị của cậu ấy. Cuộc sinh nở kéo dài hơn suy đoán của tôi. Chân tôi bắt đầu tê. Cuối cùng cậu thanh niên cũng đứng lên và nhất quyết mời tôi ngồi xuống. Chị phụ nữ buồn tiểu tiện lúc trước cũng bớt căng thẳng hơn. Chúng tôi nói chuyện. Chị ta hỏi tôi giá vé của hạng thương gia. Tôi thật thà trả lời rằng mình không biết, tất cả đều do con gái tôi mua vì lo cho sức khỏe của tôi chứ thực ra vợ chồng nó cũng không giàu có. Chị ta ái ngại, nói bâng quơ vài câu làm hòa “cháu nó làm thế là đúng đấy, chứ ngồi ghế bình dân như tôi đau hết cả người. Vừa nãy còn suýt nữa thì đái ra quần. Đấy, cái cô chửa đẻ kia kìa, làm gì đã đến ngày sinh, cái bụng vẫn còn lép kẹp. Lẽ ra cô ta nên mua vé thương gia cho an toàn.”

Tôi cười, chị ta cười, sự căng thẳng giữa chúng tôi được giải tỏa.

Chuyện cuối cùng

“Dạng to thêm chút nữa! Hít thở thật sâu… em sẽ đếm đến ba, chị sẽ rặn, phải rặn thật khỏe vào… Bắt đầu nào… Một… hai… ba…” Tiếng cô tiếp viên vọng sang căng thẳng và bất lực.

Tiếng hành khách nhốn nháo trong khoang bình dân. Tiếng động cơ rù rì. Máy bay đang đi vào vùng nhiễu động rung lắc như chiếc ô tô đang lăn bánh trên đường xóc đầy đá sỏi. Dạ dày trào ngược, tôi buồn nôn.

“Dạng to ra chị! Rặn khỏe hơn chút nữa!”

Căng thẳng.

Tiếng thở của thai phụ yếu dần. Bấu tay vào thành ghế, tôi lo sợ sự thay đổi áp suất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.

“Đừng rặn bừa thế, đuối sức thì không thể đẻ được. Chỉ rặn khi nào em bảo.” “Cô giỏi thì làm đi!” - lần này là tiếng của thai phụ. Tôi thở phào.

Tiếng người nhốn nháo. Máy bay tiếp tục chùng chình.

“Cố rặn thêm chút nữa! Đứa trẻ sắp ra rồi.” - Cô tiếp viên xẵng giọng. Không có tiếng trả lời của thai phụ.

Chị buồn tiểu tiện thở dài “tại sao lại chọn đẻ vào lúc này cơ chứ… Chả nhẽ cả máy bay to như thế này mà không có người làm trong ngành y. Cứ để đẻ thế này nguy hiểm lắm.” Chị ta tiếp tục thắc mắc “Cứ thế này chết cả mẹ lẫn con trước khi máy bay hạ cánh.” Cậu thanh niên đứng cạnh gạt tay “cô nói độc mồm quá!” Chị buồn tiểu tiện mắng vốn cậu thanh niên “Độc là độc thế nào? Cậu đã đẻ bao giờ chưa? Gái chửa cửa mả, không nghe các cụ nói à? Ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm.” Cậu thanh niên im lặng. Tôi hỏi “Chị đã từng đi máy bay chưa?” Chị ta gật đầu “Nhiều lần rồi bà ạ. Con gái tôi bán hàng ăn bên đó, vào mùa du lịch vợ chồng nó bận cả ngày, tôi sang trông cháu giúp chúng nó. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tình huống đặc biệt. Nghe nói người ta không cho phụ nữ chửa cuối kì đi máy bay là vì thế.” Tôi gật đầu tán thành ý kiến của chị ta.

Người phụ nữ buồn tiểu tiện nói xong tháo chiếc dây bảo hiểm đứng phắt dậy bảo “ai đó trong chúng ta đã qua chửa đẻ có thể vào giúp họ chứ tôi nghĩ cô tiếp viên kia chưa chửa đẻ bao giờ, làm gì có đủ kinh nghiệm đỡ đẻ.”

“Sao cô biết cô tiếp viên chưa có kinh nghiệm chửa đẻ?” - Cậu thanh niên hỏi.

“Nghe cách cô ta nói thì biết cần gì phải hỏi” - Chị buồn tiểu tiện trả lời.

Phía bên kia tấm ri đô.

“Cố lên! Rặn khỏe lên! Em bé sắp ra rồi.”

Im lặng.

Tiếng người nhốn nháo. Máy bay chao đảo. Chị buồn tiểu tiện nói to “Ai đó đã từng đỡ đẻ ở đây thì vào giúp họ?” Không có tiếng trả lời. Tiếng máy bay rù rì.

Chị ta nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Không ai đứng dậy.

Bỏ lại chiếc dây bảo hiểm xuống ghế, chị buồn tiểu tiện đứng lên đi sang khoang thương gia, tôi bước đi theo chị ta. Hai người có kinh nghiệm vẫn hơn.

Vén ri đô nhìn vào bên trong. Khuôn mặt của cô tiếp viên nhễ nhại mồ hôi bên cạnh người mẹ trẻ quằn quại, hơi thở khó nhọc. Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ sẽ mất người mẹ trẻ.

Chị buồn tiểu tiện thỏ thẻ nói với cô tiếp viên, khác hẳn vẻ bặm trợn khi nãy, “Chúng tôi thấy có vẻ như ca đẻ khó, chúng tôi không phải là bác sĩ nhưng đã từng chửa đẻ nên có thể giúp cô.” Cô tiếp viên ngước nhìn người phụ nữ như vị cứu tinh “Các cô giúp cháu với, cháu chưa từng đỡ đẻ bao giờ.” Tội nghiệp cô bé. Có phải ai cũng có thể trở thành bà đỡ được đâu.

Cô tiếp viên đứng dậy nhường chỗ cho chúng tôi.

Tôi ngồi trên mặt sàn máy bay, mặt cao ngang cửa mình của người mẹ trẻ. Đứa trẻ lấp ló ở lối ra nhưng người mẹ trẻ đã kiệt sức. Người phụ nữ buồn tiểu tiện ghé đầu vào sát vai người mẹ trẻ, vuốt ve khuôn mặt và thì thào “Cố lên! Cháu bé sắp ra rồi. Cháu rất xinh.” (chị ta nói dối vì chưa nhìn thấy khuôn mặt của thai nhi) “Hãy bình tĩnh, hít thở thật sâu và cố gắng một lần nữa nhé.”

Quả là lời nói nhẹ nhàng có sức nặng hơn ngàn lần những mệnh lệnh. Người phụ nữ hít sâu, gồng mình và rặn.

Tiếng đứa trẻ oa oa.

Tiếng thở hổn hển của cô tiếp viên đầy phấn khích “Chúc mừng chị! Một bé gái rất xinh” (Cô bé nói sự thật, đứa trẻ rất xinh dù sinh thiếu tháng).

Tiếng chiếc kéo cắt sợi dây rốn nhẹ bâng trong tiếng động cơ rù rì. Tôi thở phào. Cơn buồn nôn biến mất.

Máy bay đã qua vùng nhiễu và trở lại trạng thái bình thường. Tiếng vỗ tay rần rần. Từ chiếc loa trên máy bay, giọng hứng khởi của cơ trưởng vang lên “Chúc mừng cháu bé đến với thế giới xinh đẹp của chúng ta! Chúc mừng bà mẹ trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Cảm ơn tiếp viên trưởng và các nữ hành khách đã đảm nhận hoàn hảo nhiệm vụ phi thường. Cuối cùng, chúc mừng chuyến bay của chúng ta đã thêm thành viên mới.”

Tiếng vỗ tay rào rào.

Tiếng huýt sáo ầm ĩ.

Tiếng thở khó nhọc trở lại của người mẹ trẻ.

Tôi mỉm cười, hóa ra làm người phi thường không khó. Chúng tôi là một trong số họ.

Không khí trong máy bay ầm ù như bầy ong vỡ tổ. Những người khách nước ngoài xì xồ đầy thán phục. Tôi tự nhủ, thật may, chúng tôi đã vượt qua ranh giới cửa mả.

Nhân viên hàng không nhanh chóng dọn dẹp khoang thương gia để ổn định chỗ ngồi trước khi hạ cánh, chiếc ri đô màu nâu nhạt được kéo sang một bên. Tôi nhường lại ghế ngồi của mình cho mẹ con sản phụ và ngồi lại khoang bình dân.

Thực ra, ở khoang bình dân thật dễ chịu. Mọi người nói chuyện rôm rả. Ở khoang thương gia, tôi phải hành động hết sức nhẹ nhàng kể cả lúc cựa mình để không làm phiền những người ngồi cạnh. Không khí ở khoang bình dân thân thiện như ở khu phố của nhà tôi. Tôi tiếc đã không ngồi ở đây ngay từ đầu.

Cơ trưởng thông báo trong loa “Chúng ta vừa qua không phận nước Bỉ và hiện đang bay trên không phận của nước Pháp. Chúng ta sẽ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle trong vòng ba mươi phút nữa, nữ hành khách trẻ tuổi nhất sẽ được chăm sóc đặc biệt. Điều kiện thời tiết không quá khó khăn, cảm ơn mọi người đã ủng hộ chuyến bay đặc biệt này.”

Tiếng vỗ tay ầm ầm. Tiếng huýt sáo cổ vũ. Bắt đầu những lời bàn tán về đứa trẻ giữa những người khách. Người hành khách ngồi ghế phía trước thắc mắc.

Đứa trẻ sẽ được khai sinh như thế nào?

Người mẹ là công dân Việt Nam, đứa trẻ sẽ là công dân Việt Nam.

Không thể thế được. Đứa trẻ được sinh ra ở đâu sẽ khai sinh ở đó.

Nghĩa là đứa trẻ sẽ là người Bỉ?

Người Pháp chứ, đây là máy bay của hãng hàng không của Pháp.

Một người đàn ông đĩnh đạc, khuôn mặt dễ thương đứng dậy cất lời “theo tôi được biết đứa trẻ này sẽ không có quốc tịch.”

Chị buồn tiểu tiện há hốc miệng “không có quốc tịch thì làm giấy tờ hành chính như thế nào?” (Chị ta có vẻ rất thông thạo trong việc làm thủ tục hành chính)

Tiếng ồn ào bàn tán át tiếng động cơ. Cậu thanh niên te tua chưa từng biết đến việc chửa đẻ ngồi trầm ngâm nghe mọi người bàn tán quay sang bảo tôi “Tại sao phải phức tạp mọi vấn đề trong khi chúng ta có thể đơn giản hóa, đứa trẻ đó có thể là công dân thế giới.” Tôi nghệt mặt không hiểu. Cậu ta giải thích “Nghĩa là đứa trẻ sẽ là công dân toàn cầu.” “Vẫn phải có quốc tịch để làm hộ chiếu chứ”, tôi thắc mắc, thực ra là tôi đang nghĩ về tấm hộ chiếu suýt bị lỡ dấu thị thực vì thiếu chứng minh tài chính, một sự bất cẩn khiến tôi suýt phải trả giá bằng giá của chiếc vé hạng thương gia. Cậu thanh niên tiếp tục ghé tai tôi “Vậy thì lấy quốc tịch Bầu Trời.”

Chúng tôi cười khúc khích. Cậu ta tiếp tục nói “Thế giới đang toàn cầu hóa, chẳng bao lâu nữa các đường biên sẽ được xóa bỏ, cần gì phải có quốc tịch vừa rắc rối vừa tốn kém.” Tôi nhìn cậu thanh niên thán phục. Cậu ta còn trẻ mà suy nghĩ sâu sắc quá.

7h sáng giờ địa phương. Tôi luống cuống ở cửa hải quan. Thì ra đường biên chính là như thế này, những chiếc quầy thu ngân dựng san sát nhau, phân cách bằng những mảnh kính trong suốt.

Cậu nhân viên hải quan mặc đồng phục tuôn ra một tràng tiếng Pháp. Tôi ú ớ ra dấu không hiểu yêu cầu của cậu ta. Anh ta cau mày. Tôi thấy lo lắng. Vừa lúc cậu thanh niên te tua bước từ hàng chờ phía sau lên nói nhỏ vào tai tôi “họ bảo cô đưa hộ chiếu và thị thực.” Tôi gật đầu lôi ra chiếc hộ chiếu có dấu của đại sứ quán Pháp cấp phép cho tôi được nhập cảnh. Cậu nhân viên hải quan cho vào máy soi rồi đóng dấu trả lại hộ chiếu cho tôi. Tất cả vỏn vẹn chưa đầy mười lăm giây. Sau cái phẩy tay, tôi gấp lại hộ chiếu và bước về phía lãnh thổ nước Pháp ra chỗ để hành lí rồi tìm ra cửa nơi con gái tôi đang đứng chờ.

Ngồi trong xe theo hướng quốc lộ, căng mắt nhìn bốn phía tôi thấy Paris có nhiều nét giống Hà Nội, ồn ào và chen lấn. Con gái tôi hỏi “Chuyến bay thú vị không mẹ?” Tôi mỉm cười, thú vị.

Bây giờ những tò mò về đường biên của tôi đã có lời giải đáp. Đó không phải là một hàng rào dây thép gai, một bức tường bằng bê tông, đó cũng không phải là một hàng rào bằng hoa hồng. Một chút thất vọng. Có cái gì đó giống như tiếng thì thầm của những người qua đường dừng chân trước hành rào hoa hồng leo của nhà tôi. Không phải là ngôi biệt thự, chỉ đơn giản là căn nhà hai tầng bình thường như bao ngôi nhà khác và có thể có cả tiếng khóc của em bé vừa được sinh ra trên máy bay…

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)