Nhị hùng mùa xanh

Thứ Hai, 17/01/2022 08:36

. LÊ THỊ KIM TIẾT
 

1. Dãy Sơn Triều bàng bạc trăng khuya, trống điểm canh báo vào giờ Sửu. Người áo nâu vai mang cung nỏ, thân giắt đao dài, thả bước xuống núi. Dáng vẻ thợ săn, bước chân thoăn thoắt. Đêm giăng mờ mấy nóc sơn trang cuối con truông, nước non tĩnh mịch nhuốm màu buồn bã. Bất chợt cảm hoài cất tiếng:

Vận nước liêu xiêu người đâu tá?
Soi nguyệt dễ hồ bóng đồng tâm.

Câu hát lan trầm trên truông vắng, lay động tiếng gà khuya. Chợt dừng chân, rút đao. Đâu đây dường có tiếng cọp gầm. Một bóng trắng lướt đến, rơi xuống cách chừng vài mươi bước. Cọp và người nhìn nhau dò sức. Cọp trắng lừng lững, to như trâu mộng, hai mắt đỏ lừ, ngồi chồm hỗm trên vạt cỏ tranh. Người xuống tấn, dựng đao, thu thế thủ.

Cuối chân truông, khách thương hồ với sắc áo chàm, tay khoác nải dài đang giong ngựa đi lên, ghì cương nghe lời than thở, hồ nghi không biết chánh, tà. Thế nước phân chia, lòng người khó đoán, huống hồ cướp bóc nhiều nơi. Chốn quạnh vắng này, ai anh hùng, ai thảo khấu, đang muốn quay đầu ngựa, chợt nghe giọng nói sắc lạnh vang lên:

- Ta từng đánh cọp, chẳng những một mà hai. Thế tát, thế vồ của bọn ngươi ta đà quen nết, há gì sợ một con cọp trắng chặn đường.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Thương hồ mở tay nải, bên trong hé thanh trường kiếm lấp lánh nhưng mềm mại cuộn cong như thân rắn, nhẹ nhàng xuống ngựa, nghĩ có thể giúp được người chăng. Vả lại, âm thanh uy dũng làm tăng tính tò mò. Lặng lẽ dắt ngựa thêm mươi bước, dưới ánh trăng soi, thấy người áo nâu linh hoạt ngọn đao, uyển chuyển thế thủ, thế công, đâm dọc tạt ngang như người đánh hổ, nhưng lạ lùng thay, chỉ đánh khoảng không thì trong lòng vô cùng kinh ngạc. Người kia mê mải đường đao. Nhảy cao, hụp sâu, ngọn đao dũng mãnh như xé gió. Khách thương hồ sửng sốt nhìn. Bỗng nghe tiếng thét rền.

- Đả hổ như đánh núi!

Thu người rồi quăng tới, thế đao phát mạnh bạt người. Thương hồ tâm trí cuốn theo, dường như tiếng hổ trúng thương, có bóng trắng sượt qua mình mất dạng. Thán phục, không định nói mà buột miệng khen:

- Đao pháp tuyệt đẹp, mạnh tựa phá sơn!

Thợ săn thu đao, mồ hôi thấm áo, ngồi xuống cỏ chậm rãi nói:

- Biết người đứng nhìn từ lâu, nhưng hơi thở đều đặn, tâm ý không loạn, chẳng phải tầm thường, nên tôi chú tâm đánh cọp.

Thương hồ thả ngựa, cử chỉ cẩn trọng hỏi:

- Nhìn đường đao dũng mãnh như tráng sĩ, đâu phải thợ săn. Hay người chí lớn khoác áo sơn tràng?

- Nghề của cha ông để lại. Chẳng qua săn bắn thì phải thủ ít vốn phòng thân. Lỡ qua đường gặp cọp dữ như hôm nay còn có phương chống đỡ. Ngọn đao chỉ là chút gia truyền. Mấy đời đánh cọp gian nan, không đáng nhận khen. Khách đi đâu mà đang đêm một ngựa?

- Tôi người buôn bán trên sông, muốn lên miền ngược mua ít sản vật, cố đi kịp giờ. Phải chi cùng đường cho lòng bớt sợ?

- Kẻ lên, người xuống nên khó đồng hành. Nhưng có gan một mình qua truông dữ lúc nửa đêm, hẳn là người bản lĩnh không thường.

Thương hồ mở tay nải, tìm thuốc lá, lấy mấy lá vàng, ngồi xuống mời thợ săn.

- Không dám, chỉ là dân mọn cầu an. Do việc gấp phải liều mình, quá nửa truông sẽ có người đón.

Thợ săn nhận thuốc, thong thả nhìn thương hồ dò xét. Người kia đánh lửa mồi thuốc, rít hơi thở sâu, nằm dài trên cỏ.

- Chỉ thương dân chúng lầm than. Giao tranh dài lâu, xương người thành núi. Nguyễn Huệ anh hùng nhưng yểu mệnh, biết đâu do kẻ mưu đồ?

Kẻ này thả đao, cởi cung nỏ khỏi vai, vân vê lá thuốc, hít hà hương thơm, duỗi chân thoải mái:

- Nguyễn Ánh đang thuận lợi kéo quân ra Thuận Hoá. Người có muốn góp một chân?

Người kia nhổm dậy, không trả lời câu hỏi, nhìn thợ săn cảm khái.

- Gặp nhau giữa núi trong thời loạn lạc, cùng nhau một đoạn biết đâu lại là bạn tâm giao. Nếu có ngày gặp lại, phải gọi tên gì?

- Tôi họ Trần tên Được. Còn ông?

- Tôi là Võ Gia, mong kết bạn có được chăng?

Tiếng gà eo óc gáy. Trần Được cười xoà vo tròn lá thuốc, xin lửa. Người đánh lửa, kẻ châm thuốc choàng lấy nhau rồi kẻ xuống núi, người lên ngựa. Đi khoảng nửa dặm đường, Trần rút đao lau dấu máu lúc đâm cọp. Ngọn đao sáng loáng chỉ một vết mờ đầu lưỡi như chưa hề có cú đâm chí mạng.

 

2. Võ tướng quân đứng như tượng trên vọng gác thành Đông. Trống điểm canh ba. Dưới chân thành, toán lính canh âm thầm rảo, dáng vẻ gầy gò, co ro trong cái lạnh cuối đêm xuân. Hơn hai năm bị vây khốn, chờ đợi mỏi mòn lương cứu viện. Quân lính đói mờ mắt, chết nhiều. Lòng đau hơn cắt. Thiên nan, vạn nan. Lúa ngựa phải dùng cho quân ăn cũng đã hết sạch. Những quân ngựa từng vào sanh ra tử, cận kề với tướng lĩnh trong trận mạc nay đã già, phải thắt ruột giết thịt để cứu quân. Lệnh vua ban ơn cho trốn khỏi thành, nhưng làm tướng nguyện chết ở sa trường để không thẹn cùng nhật nguyệt. Một ngày nhận ân đức, tấc lòng khắc cốt đáp đền. Nước loạn thức tôi trung. Lẽ nào bỏ mặc quân lính trong chốn đao binh.

Trăng hạ tuần tiết xuân phân nhuốm đỏ màu máu. Đại tướng quân xuống thành, bước chậm về phía chuồng ngựa. Hai con Nhân mã và Dũng mã nhận ra dáng chủ hí vang. Lính canh kính cẩn vái chào, tướng quân ra dấu cho lui. Dắt ngựa ra khỏi chuồng, lòng dạ rối bời. Nước mắt rưng rưng, ôm cổ ngựa, giọng người uất nghẹn:

- Hai ngươi theo ta từ thuở ban sơ. Chủ tớ hiểu nhau, lúc chạy trốn, lúc xông pha chỉ cần ghì, lỏng dây cương đã rõ ý. Ước nguyện thế nước yên ổn, công hầu bỏ lại. Sáng sáng ta cùng hai ngươi thong thả ra đồng. Các ngươi tự do rong ruổi, ta ngồi câu cá đầm, ao. Trời không chiều lòng người. Nay thời vận khốn nguy, quân lính chết vì đói lạnh. Ai trong hai ngươi có thế thấu lòng ta, vì quân binh mà dám hi sinh?

Nói đoạn đứng đối diện đầu ngựa, nước mắt chảy dài. Linh mã hiểu tiếng người. Dũng mã bước đến hí vang. Nhân mã lấn trước rung bờm, hai chân khụyu xuống. Võ tướng quân rút gươm, hét lên một tiếng xé trời xanh. Gươm báu vung lên trước đầu Nhân mã.

Minh họa: Phạm Hà Hải

3. Túy Nguyệt lâu.

Trăng sáng bời bời, thương hồ một mình nâng chén. Dũng mã buồn rầu nhìn đống cỏ đặt gốc cây. Trống điểm canh hai, thành Bình Định im lìm dưới trăng. Gió cuối xuân khẽ động bức rèm. Thương hồ tần ngần thả mắt xuống con đường mờ ảo. Khách có đến chăng, rượu đã nửa bầu? Lễ bộ tham tri Ngô chắc giờ này đang mong ta trở lại. Rót thêm chén nữa, tay đưa lên lưng chừng chợt nghe tiếng nói sang sảng:

- Đợi người đã lâu chưa? Ta đến muộn.

Rèm trúc hé mở, hai người sửng sốt nhìn nhau. Thương hồ bật đứng, thợ săn chôn chân.

Giây phút ngỡ ngàng qua, thợ săn bước hẳn vào trong, đảo mắt nhìn xung quanh, từ tốn khuynh tay.

- Ồ! Đã lâu không gặp, thương hồ vẫn đi buôn?

- Ta đang làm chuyến buôn lớn nhất cuộc đời mình. Trời đất mênh mông, thợ săn còn đánh cọp?

Nhìn nhau cười ha hả. Thương nhân kéo ghế mời khách, mắt nhìn xuống chân lầu:

- Người anh em nào còn đứng dưới kia, xin mời lên uống chén rượu nóng.

Thợ săn khoát tay nói vọng:

- Ta cùng bạn cũ đối ẩm, không cần ai làm phiền. Ngươi có thể dắt ngựa cho uống nước.

Thương hồ rót rượu vào chén đã chờ sẵn, nâng cao hai tay. Thợ săn nhận rượu nhưng không vội uống, thủng thỉnh tháo bầu rượu nơi đai lưng đặt xuống bàn. Người kia hiểu ý, rót một nửa vào chén mình, hoà thêm rượu khách cho đầy rồi uống cạn. Khách tự rót rượu, chỉ nhấp môi. Ngoài trời trăng nấp vào mây, sao xa nhấp nháy, tiếng vạc kêu sương. Hai người lặng im nhấc chén, dò tâm trạng. Thương hồ thở trầm lên tiếng:

- Võ Gia tôi hôm nay một mình đến đây đã coi thường cái chết. Không ngờ gặp lại người quen. Chút duyên trước là hạnh ngộ. Nếu không khác chủ có thể thành tri kỉ. Đêm nay trăng đầy chén, ta không tấc sắt, lòng sáng như mặt nhật. Ngày mai muốn đối diện đã là chuyện khó cầu. Tôi và ngài không nói chuyện gươm đao, sợ làm hỏng màu rượu đẹp. Sao không say khướt, ngâm ca, uống với nhau như hai người vô tư trên núi?

Trên vách treo sẵn độc huyền cầm, Võ tướng so dây, cất giọng:

Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chính chiến kỉ nhân hồi.

Thợ săn phục khí phách, bớt dè dặt hồ nghi, uống cạn. Đêm đẩy gió khuya, rây hạt sương rơi nhẹ. Người hát, người gõ nhịp. Anh hùng kính cẩn dâng chén cho nhau, ngà ngà men cùng hát. Trăng chếch về Tây, trống chuyển sang canh lay động trên mặt rượu. Võ tướng quân rút phong thư dâng ngang mày:

- Dù ngài là ai, với tôi đã là bằng hữu gan dạ. Nhớ câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” lòng xiết bao cảm kích. Xin nhờ ngài dâng phong thơ này lên tướng quân Trần Quang Diệu, cho tôi tỏ chút lòng thành. Tôi nhận thua và xin giao toàn bộ sinh mạng quân lính vào tay ông ta, mong ông ta thương mở đức hiếu sinh mà không giết hại. Còn tôi nguyện đem mạng sống vùi trong lửa đỏ.

Thợ săn xúc động quỳ xuống nhận thư, kính thêm Võ tướng chén nữa:

- Quân lính mỗi bên sẽ được cứu sống nhờ lòng dũng cảm của ngài. Tôi hứa sẽ dốc hết sức vì nhân đức lớn.

Dưới lầu, tiếng ngựa hí vang. Thợ săn vái chào bước xuống, Võ tướng còn một mình rót chén mời trăng.

Thành Bình Định rực trời màu lửa đỏ. Thành Bình Định cháy rồi! Đại tướng quân Võ Tánh sừng sững trong bát giác đài sáng như tượng sống. Thành Bình Định mở toang, giăng cờ trắng. Quân cấp báo tâu Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc tự tử. Tướng Trần Quang Diệu đứng trước người dũng tướng của Gia Long nước mắt rưng rưng, cảm phục bồi hồi. Mới đêm qua còn nâng chén anh hùng, sao đêm nay đã thành người của trăm năm cũ. Khí tiết đáng trân trọng thay! Trần tướng quân xuống ngựa, đứng nghiêm trang trước nhân hình Võ tướng đã cháy thành than. Lịnh ban ra cho quân Tây Sơn không được giết hại người, chôn cất Võ tướng quân và tham tri Ngô Tùng Châu tử tế. Đêm nay có vì sao sáng vừa băng. Ngày mai kéo quân ra Thuận Hoá. Nếu ta thua cuộc, trước sóng Nại Hà có buông thù hận, có nhận ra nhau?

 

4. Sơn Triều trăng sáng núi. Người áo nâu một mình thúc ngựa phi nước đại đi lên. Trống vẫn báo canh tư, đường truông mờ mờ chìm trong giấc ngủ. Bãi cỏ tranh cọp trắng đã chờ. Tuấn mã khựng bước, sợ hãi lồng lên hí. Thợ săn xuống ngựa, ôm cổ vỗ về. Thong thả đứng như đang đợi ai, liếc nhìn cọp, chẳng thèm động tay đao. Cọp quất đuôi, gầm thị uy chuẩn bị vồ. Người ung dung cất tiếng:

- Nơi đây ta gặp người nghĩa khí. Đấng anh hào vì sinh mệnh muôn binh dám chọn cái chết sáng ngời. Ta ngưỡng mộ đức tài đến nơi sơ giao mời chén rượu. Nhân chí ngất trời đã buông dao yên nghỉ. Con ma cọp chuyên nhiễu nhương, hại dân lành còn mài nanh ôm hận đến bao giờ. Nếu có gan, ta đợi sẵn.

Cọp trắng nghe xong, gầm một tiếng như trúng trọng thương, rã thành khói.

Thợ săn ngồi xuống cỏ. Nơi thương hồ từng nằm gối đầu, nay mọc lên một chồi lim. Bày chén, quay mặt về phương Nam. Rót rượu. Mời trăng. Lòng thành tiễn đưa người thiên cổ. Rót rượu đổ nhẹ xuống đất. Mời Võ tướng. Chén này uống trung trinh. Gió khuya chạy qua, cỏ tranh rùng rùng gợn sóng. Rót rượu. Chén này uống dũng khí. Đất phương Nam sóng nước tạo anh hùng. Ta tự ngộ ra, vì sao Nguyễn Ánh không tiếc lời khen “Một vị tướng vĩ đại, sánh ngang các anh hùng huyền thoại. Đó là tài sản quý báu của quốc gia”. Nếu thế đất không phân chia, ta đã là tri kỉ, cùng nhau sát cánh, gươm báu chỉ chém hung tàn phương Bắc, không dính máu anh em. Rót rượu, chén này mừng gặp gỡ. Nhân gian rộng lớn mấy kẻ anh hào. Tuy hai chủ khác nhau, nhân cách ấy khiến lòng kính trọng. Đêm qua bát giác đài rực lửa, ngọn đỏ trời sẽ lưu lại sử xanh. Lòng ta, lòng người thương dân trời đất biết. Tiễn nhau một đoạn, sông núi trùng trùng. Trống sang canh lại điểm. Trần tướng quân gọi ngựa, lên yên xuống núi, khoát tay về phía sau như giã biệt. Dưới chân truông lác đác nhà đã nghe rộn tiếng gà. Một đứa trẻ trở mình thức khóc, người mẹ giọng còn ngái ngủ ru con.

Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên

Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm.

 

5. Gia Long thống nhất đất nước, thương tiếc khôn cùng phong Võ Tánh là Dực Vận Công Thần, Thái Uý Quốc Công, triều đình lo thờ cúng.

Ngày nay, dân gian đất An Nhơn, Bình Định vẫn truyền miệng một câu chuyện tâm linh, kì bí. Những đêm trăng mờ sao tỏ, thinh vắng tiếng gà hoặc đêm mưa gió não nề, người dân địa phương vẫn hay gặp một vị thần cả người đen như cháy giong ngựa ầm ầm. Lạ lùng thay, con ngựa cụt đầu

L.T.K.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)