. PHÁT DƯƠNG
Ông lão thả tảng đá xuống, hồng hộc thở. Trời chứa chan nắng, ngó bộ dạng ướt nhẹp mồ hôi dễ làm người ta liên tưởng một ông lão mê thể thao chọn không đúng thời điểm tập luyện. Đó là khi, người ta không biết ông vừa hoàn thành vòng chạy thứ mười sau những chuỗi bài tập nhảy cóc, hít đất vài trăm cái và khi người ta không đủ kiên nhẫn theo dõi cho hết những bài tập sau đó của ông.
Minh họa: Hải Kiên
Bà lão bước ra sân, đặt li cà phê đá xuống cái gốc cây chết khô bị chặt ngang làm bàn và ghé mông lên một gốc cây khác y hệt nhỏ hơn làm ghế. Bà len lén thở dài, sợ làm kinh động ông lão đang hùng hục với những động tác lên xuống kia. Đôi mày cau lại, mắt bà long lên rọi vào tảng đá ông đang bê cái nhìn thù địch. Tim bà nghẹn khi thấy ông có dấu hiệu thấm mệt trong khi vẫn kiên quyết đi đến tảng đá bự hơn kế bên để tiếp tục. Nó sẽ đè bẹp ông như bánh xe nghiến qua một con ếch vô tội.
- Thôi mà, ông. Dù sao cũng còn lâu mới tới đợt thi tiếp theo. – Bà nhổm dậy, định cản ông lại.
- Không kịp, không kịp, không kịp… - Ông lắc lắc đầu đều đặn theo nhịp nói, gồng hết lực cố làm tảng đá nhúc nhích.
Nó lì lợm y như ông, trơ ra. Bà lão đành chịu thua, te tái trở vô nhà, nước mắt bà rớt đúng bằng số mồ hôi ông đang tong tong nhểu.
Bà đóng cửa bệch xuống như chiếc lá rụng, nửa ngồi nửa nằm dựa vào cánh cửa. Tiếng thở của ông vẫn xuyên qua, dội vào lồng ngực bà từng nhịp búa. Bà biết làm gì đây ngoài lẳng lặng dõi theo. Chẳng thể ngăn cản ước mơ cháy bỏng đốt ruột gan thiêu rụi ông. Ước gì không có cuộc thi đó. Ước gì.
Nhưng như vậy, người ta sẽ chẳng còn gì hi vọng nữa. Họ không như bà, mắt họ nhìn về hướng khác, phía những tòa nhà chọc trời, sau bức tường chắn quây tròn ngật ngưỡng, nơi những tốp gác trạm xối ánh mắt xuống những người già mỗi ngày kiếm cớ rảo qua ngó cho đỡ thèm. Bà có còn thèm không? Một chút. Như kiểu bỗng dưng sáng sớm người ta thèm một gói xôi bắp nóng hổi thay vì ổ bánh mì thịt quen thuộc. Nhiêu đó đâu làm gì được bà. Còn với ông và với nhiều người nữa, nhân lên hàng trăm hàng vạn.
Bà lắng nghe tiếng cà phê chảy xuống cổ họng ông, tiếng khà sảng khoái, tiếng chân ông xiêu vẹo trở về nhà. Lắc lắc đôi vai gọi dậy tín hiệu của cơ thể, bà chậm chạp nhấc toàn thân mỏi mệt lên. Bắt đầu từ chân. Hơn cả mọi bài tập luyện khắc nghiệt, việc chứng kiến ông vắt sức mỗi ngày khiến bà thành thớ gỗ nằm dưới lưỡi bào, mòn dần, mòn dần. Bà lắc lắc đầu, mái tóc bạc mỏng tênh được búi gọn xổ tung ra, rũ rượi. Dưới ánh nắng xuyên qua chỗ hở mái nhà, nó óng lên bất lực, vô hình giữa nắng. Bà đi về phía bếp chuẩn bị bữa cho ông. Sau khi hồi sức, ông cần nhiều hơn mấy ổ bánh mì và món thịt kho lạt hâm đi hâm lại mấy bữa nay.
Cuộc thi đó rồi sẽ đến, bà buông hột nước mắt cuối cùng của ngày xuống cùng suy nghĩ. Tuổi già thật tệ, chúng tước đi cả quyền sướt mướt của con người bằng cách bóp nghẹn trái tim.
*
* *
Bà lão nhìn ngắm ông hăng hái ăn. Hôm nay ông ăn nhiều. Khỏe hơn. Ông đã hoàn thành được chuỗi bài tập tự chế trước cuộc thi cả tuần. Còn đủ thời gian để ông quen sức nặng. Rồi ông sẽ chiến thắng, sẽ đạt được ước mơ nung giấc ông đỏ ran mỗi đêm. Ông sẽ được vào thành phố.
- Tui sẽ được gặp tụi nó. Trời ơi, chắc thằng cu cao bằng tui rồi quá. Đợt trước nó đứng tới lỗ tai tui rồi. Con nít giờ lớn nhanh dữ thần. Con bé chắc giờ cũng đẹp gái lắm. – Ông lão mê mải nói, đồ ăn vung vãi tèm lem bộ râu.
Bà mỉm cười với niềm vui trần tục ngắm ông lão ăn ngon lành. Bà không thấy đói dù cả ngày chưa bỏ vô bụng thứ gì. Trong bà, ăm ắp nỗi buồn của loài cây nở bông mà chết rễ. Cuộc thi ngày một gần rồi.
- Một năm rồi. – Ông lão buông đũa xuống thở dài. – Lần này rớt, chắc hết cơ hội quá bà.
Bà lão điếng người. Trời ơi sao bà độc ác nỡ vui trước điều xui xẻo của ông. Bà dập tắt nó, vội vàng như đứa trẻ dập tắt que diêm sợ người lớn thấy, nhanh nhẹn lao xuống, vỗ vỗ vai ông lão an ủi.
- Khùng! Nói xui không à. Lần này ông mạnh cùi cụi, lo gì mà lo. Ông vượt luôn chục kì thi còn được.
Ông hề hề nhìn bà. Bà hề hề nhìn ông. Mắt người già đại dương đầy nước và sóng. Ông cảm ơn bà, bưng tô cơm lên, lùa mạnh tay. Bà buông rớt nụ cười trong khoảnh khắc mặt ông khuất đi để thừa nhận mình buồn tê tái. Và vui trở lại, bà đi bới cho ông tô cơm nữa.
Còn một tuần thôi à?
*
* *
Ông lão đi rồi. Sáng nay. Lần từ biệt cuối, cái nắm tay cuối. Bao lâu rồi họ mới nắm tay nhau? Những ngón già run rẩy, thô ráp, bện như rễ chùm cùng một thân cây. Rút ra, như bị bứng khỏi mặt đất.
Đồ đạc trong nhà ông lão đem cho hết. Chắc còn lâu nữa ông mới trở về. Ông không hề có suy nghĩ sẽ thất bại lần này. Có khi may mắn, ông còn được ở luôn trong đó. Bên cạnh những đứa con, cháu của ông.
Ông lão ưu ái cho bà lão chọn trước. Thích gì lấy đó, trong mớ đồ ông bỏ lại. Tất cả, ông bỏ lại hết, chỉ mang tấm thân già khổ luyện nổi đầy cơ đi. Bà ngắm từng kỉ niệm, chỉ xin cái cái hộp nhạc lên dây cót có con chim bói cá cùng những con cá bơi bằng gỗ.
Ông đi rồi. Bà lão chẳng dám ôm ông lần cuối. Hình như chưa bao giờ bà ôm ông. Có lẽ, nếu bà can đảm, từ cái thuở tóc dài đen nhánh, ông đã không lấy người khác làm vợ. Ôi cái tình ngầm, chỉ làm đau vỏ chứa. Bà như đựng trong người thứ axit độc hại, mỗi ngày một đầy hơn. Nước mắt cũng là axit, do quá đầy mà ứa ra, héo hon thêm mỗi lần khóc.
Ông lão đi rồi. Đi thật. Chỉ còn bà ngồi cùng hộp nhạc. Bên ngoài, tiếng máy bay trực thăng đi phát tờ rơi ầm ầm khiến ngôi nhà rung lắc. Như bà đang chao đảo. Loa phóng thanh vang vọng lời kêu gọi, ba tháng một lần, đến quen tai. Ước mơ của mỗi người, niềm đau của bà.
“Cuộc thi đã chính thức khai mạc. Mong các thí sinh nhanh chóng đến các trạm gần nhất đăng kí để sớm có cơ hội trở lại thành phố. Nhanh chân nhanh chân nào. Chỉ một ngày duy nhất. Một ngày duy nhất. Chậm trễ phải đợi ba tháng sau. Nhanh nhanh!”
Cuộc thi sống chết của con người được ai đó biên soạn rao như lời mời coi tạp kĩ, cứ ba tháng một lần.
Bà lão đứng dậy đóng chặt cửa sổ. Tiếng gỗ và kính vặn răng rắc như phản đối bởi nó biết, dù có gồng hết sức cũng không chặn nổi những thanh âm quyền lực kia. Bà kệ cái cửa rên rỉ thả mình xuống ghế, đưa tay vặn dây cót hộp nhạc. Con chim bói cá bắt đầu chuyển động. Tiếng nhạc vang lên. Một bài hát ru xưa. Bà lão lẩm nhẩm theo.“Con ơi/ Đi xa đến đâu đừng quên cha mẹ/ Muôn dặm không đâu bằng quê nhà/ Cánh chim trời cũng mỏi, cá đại dương cũng mòn vây/ Một ngày thất bại về đây/ Con còn cha còn mẹ/ Còn quê nhà chờ.”
Chim bói cá gỗ bắt đầu thoăn thoắt theo nhịp cúi xuống gắp lấy con cá gỗ bên dưới. Nhịp sau, nó thả ra rồi lại bắt con tiếp theo. Lại thả. Con nào cũng tinh xảo, như thể đã đứng trên những tàng cây, nằm dưới ao suốt triệu năm tới mức hóa gỗ, quên hết mục đích của mình, chỉ còn thói quen đều đặn lặp lại. Bắt và bị bắt.
Bà lão thả người xuống bàn mềm oặt như bãi ói. Rệu rạo. Bà không chảy nổi nước mắt nữa, chỉ con tim còn làm mình làm mẩy tấy lên.
“… Để sớm có cơ hội trở lại thành phố…”
Tiếng phóng thanh kiêu ngạo xuyên qua. Bà lão, bà có muốn trở lại thành phố không? Đi đi, gia đình bà ở đó mà. Ông lão ở đó mà. Đi đi. Đi ghi danh đi. Bà không khỏe nhưng tay bà khéo. Đi đi. Bà lão ơi, đi đi.
Trở lại thành phố quan trọng tới vậy sao?
Minh họa: Hải Kiên
Ông lão bước vô trạm gác số 102 nằm ở phía tây, bên ngoài tòa thành sừng sững vây lấy thành phố. Ông đã thắng vòng loại tiến vào những căn phòng rỗng đặt ngay trong chân tòa thành cũng là nơi diễn ra cuộc thi của cụm này. Chưa bao giờ ông gần ước mơ tới vậy. Như thể nhắm mắt lại, mở ra, ông đã thấy những gương mặt yêu thương.
Xung quanh ông, ai cũng háo hức. Họ chẳng ghét nhau. Họ đâu phải cạnh tranh với nhau. Không giới hạn số người. Miễn đạt đủ điều kiện và chiến thắng. Phần thưởng cho tất cả: Trở lại thành phố.
Tại phòng chờ, tấm bảng khổng lồ dát vàng bọc vải nhung tím sừng sững trên đầu. Muốn đọc, chỉ cần ngửa cổ lên. Cũng chẳng có gì, mấy điều ghi trên đó người ta đã thuộc làu. Bởi vì biết, người ta mới tới đây. Nhưng họ vẫn đọc, như một niềm vinh hạnh, như sự trả công xứng đáng cho những tháng ngày mồ hôi, cả máu, đã đổ ra, dù rằng, tiếp đó vẫn là mồ hôi và máu.
“Kể từ ngày Y tháng Z năm XXX, dân số bùng nổ. Sự phân bố dân cư lệch trầm trọng. Để đảm bảo sự phát triển của nhân loại, thống nhất phân bố lại dân cư. Chỉ dân số trẻ được ở trong thành phố. Khi tới N tuổi, công dân buộc phải rời ra ngoài sinh sống.
Để tạo cơ hội cho những công dân có mong muốn cống hiến và góp phần phát triển thành phố, cứ ba tháng sẽ có một cuộc thi tuyển cho dân cư ngoài thành phố. Những người đủ điều kiện sẽ được trở lại trong ba tháng. Sau ba tháng, những người này vẫn phải thi cuộc tiếp theo để đảm bảo công bằng cho mọi người.
Chỉ những người đủ điều kiện mới được sống trong thành phố.”
Ông lão là người đủ điều kiện. Sắp rồi. Ôi ông nhớ cháu quá. Ông muốn ôm lấy nó, cho nó chơi đu trên cánh tay ông. Dù phải làm việc cả ngày mỗi ngày, chỉ cần ở bên gia đình là được. Chỉ cần vậy.
- Mời số báo danh NNN.
Tới lượt ông lão rồi. Chỉ một giây thôi… ông bỗng thấy nhớ bà lão. Ông chưa kịp ước, giá như bà cũng chịu thi và vào thành phố sống với ông. Mỗi cuối tuần, họ có thể dẫn con cháu ra công viên, cùng nhau tận hưởng buổi chiều an lành ăm ắp tiếng cười. Tưởng tượng thôi đã thấy mọi thứ hồng rực như bình minh mới. Nhưng ông không có tới một giây để tưởng tượng.
*
* *
Dường như tất cả không khí bị rút sạch, tiếng động, hình ảnh. Trắng xóa. Ông lão chầm chậm cầm tờ kết quả. Sự thật cay đắng được in đậm, cỡ chữ lớn, sắc nét, ngạo nghễ. Rầm rì tiếng đám mọt ăn gỗ rồi lớn dần như lào xào gió và cuối cùng ầm ĩ như mưa rào. Ông lão không khóc nổi. Nước trong người biến hết thành mồ hôi sau những vòng thi. Cơ thể già nua khô ran còn muối kết tinh xào xạo. Ông chỉ cách thành công một sợi tơ mành. Những tiếng thất vọng đổ sụp. Ông bất giác nhìn quanh. Nhiều người không chấp nhận sự thật đổ gục xuống.
Ông lão chẩng hẩng thấy mình ở đó. Gương mặt con cháu ông xoáy tít trong đó đay nghiến. Chúng ở bên trong thành phố. Bọt bóng xà phòng mơ ước bể tan. Ước gì, ông như trái bóng bay, vút lên, từ trên cao nhìn xuống thành phố ngó mặt con cháu một lần. Chỉ một lần thôi, sau đó bùm vào hư vô cũng được.
Tiếng xương cốt già cỗi chạm sàn. Mọi ánh mắt hướng phía người vừa quỳ xuống. Ông lão biết, người đó tên M. Trước cuộc thi cũng khấp khởi đầy dự định. Còn giờ... Mọi người đồng loạt làm theo. Những người gác trạm ngơ ngác trước hành động của người đáng tuổi ông bà mình. Chần chừ một chút, ông lão cũng làm theo.
Một người vội vã rút điện thoại gọi cho chỉ huy. Chỉ huy khu 102 lại gọi cho chỉ huy cấp cao hơn. Thời gian chậm chạp bò qua những người già đang quỳ. Không ai có ý định đứng dậy. Mặt đất như tấm lưng hi vọng căng mọng để họ riết lấy.
- Do lượng nhân công năm nay thiếu, chúng tôi quyết định sẽ có ngoại lệ bằng cách tổ chức thêm cuộc thi phụ. Cuối cùng cũng có lệnh từ cấp cao nhất. Tạm thời mọi người cứ ở đây nghỉ ngơi chuẩn bị, lát nữa đồ dùng sẽ được cung cấp.
*
* *
- Vô thành phố rồi ông tính làm gì? – Trước ngày cuộc thi phụ diễn ra, bên cạnh luyện tập, mọi người truyền nhau câu hỏi đó. Như một câu thần chú, một lệnh cài đặt nhắc nhở, một thứ thuốc tăng lực.
- Tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền, mua một căn nhà to, đóng đủ mọi thứ thuế, tận hưởng tuổi già ở nơi náo nhiệt nhất thành phố. – Ông M đón lấy câu hỏi, vừa lau mồ hôi vừa hể hả cười. Chỉ cần đủ tiền, ông sẽ được ở lại thành phố.
- Ông không định tìm con cháu sao? – Ông lão hít một hơi thật sâu, chậm chạp hỏi. Ông không nghĩ ở tuổi này, người ta còn coi tiền bạc nặng hơn tình cảm.
- Ôi. Nếu tụi nó cần sẽ tự tìm tới, mắc gì mình phải đi tìm. Lúc đó, để coi tụi nó còn lí do bận bịu xa xôi gì không hay thực tế đã quên phắt ông già này. – Ông M vặn chai nước bằng răng, uống ừng ực. Có lẽ hơi hưng phấn, ông bóp chặt tới mức khiến nó dị dạng. Cả tiếng nói của ông cũng méo, xộc xệch và góc cạnh – Khuyên thật đó ông lão, nên kiếm tiền thủ thân. Chỉ có tiền bạc không bỏ mình thôi.
- Ông nói vậy chẳng qua vì con cháu không thèm đếm xỉa. - Ông T ngồi gần đó chen vô cười nửa miệng. – Chứ tôi hả, vô thành phố là tìm con liền. Nó không giàu chứ thương tôi lắm. Chẳng qua làm lụng cực khổ không có thời gian thôi. Tôi mà vô được, tụi nó chăm tận răng.
- Ông bớt ảo tưởng đi. – Ông M vò chai như vò tờ giấy nháp ép chặt khiến lòng bàn tay đỏ bầm lên – Chứ không phải chính tụi nó kí giấy cho ông ra ngoài thành phố sớm hơn để đỡ chi phí sao?
- Ông nói bậy - Ông T bật dậy, bay đến như mũi tên túm cổ áo ông M – Đừng có đồn bậy bạ, con tôi nó thương tôi lắm.
- Sự thật dù có đem giặt cho bạc màu, đem chôn cho khuất mắt, thì vẫn là sự thật thôi.
Bốp. Vừa dứt câu, ông T đã gắn cú đấm vào mặt ông M thay cho dấu chấm hết. Hai người giằng co dữ dội. Vừa chống trả, ông T vừa khóc. Kiểu đứa trẻ không có cha mẹ đến lớp ngày họp phụ huynh, ngày hội thao, hội trường. Nước mắt chảy tới đâu giọng ông khàn tới đó, thều thào. “Ông nói xạo, ông nói xạo”.
Chật vật lắm mọi người mới tách được. Mấy người bảo vệ khúc khích:
- Mấy ông già cũng đánh lộn hăng dữ he.
Ông M đứng lên lấy tay lau vết máu rỉ khỏi khóe môi đã tím thẫm, đi cà nhắc vào nhà vệ sinh lầu bầu. “Chân cẳng tao mà có gì, thi không được là mày biết tay tao”. Ông lão không kịp phản ứng, mọi thứ xảy ra nhanh quá, đầu ông vẫn còn tê dại bởi cảm xúc. Ông M nói không sai nhưng vậy thì tàn nhẫn quá. Ông T cũng không sai, ông ấy chỉ đã cố quên đi. Cố xóa trắng đoạn kí ức bội bạc để tham gia cuộc thi này, bấu víu hi vọng biết đâu con mình…
Mọi người quây lấy ông T an ủi. Ông lão thấy mình không cần thiết ở lại. Ông đi về phía nhà vệ sinh nhẹ như một con mèo. Từ ngoài nhìn vào, ông thấy ông M đang ngồi bất động, bóng khung cửa sổ đè lấy lưng găm cứng xuống nền nhà, đôi bàn tay to bè nâng niu tấm hình nhỏ xíu cũ kĩ và mòn rách. Ông M không khóc, chỉ ngồi bất động như một ngôi mộ mốc meo làm chỗ đậu cho bầy quạ và đám mèo hoang. Ông lão định bước tới bởi sợ ông M sẽ lún xuống nền và biến mất. U uất trùm lấy không gian nặng nề chảy chạm đến cả chân ông lão.
Ông lão quyết định thôi. Ông M cần được yên tĩnh lúc này. Mọi sự lựa chọn nên được tôn trọng, dù với hình thức nào, chối bỏ hay tự đánh lừa bản thân. Trong thành phố, hai tiếng gia đình nóng cháy sôi sục dù không biết đó là ngọn đèn gọi bầy thiêu thân hay ngọn hải đăng dẫn đường cho những con thuyền già nua mệt mỏi.
*
* *
Ông lão dụi mắt mình lần thứ mười, đầu óc đặc sệt. Có lẽ do ông tập luyện căng thẳng quá. Ông cứ như nhìn thấy bà lão lẫn trong đám đông. Không biết bây giờ bà ấy ra sao rồi.
Ông lão có chút hoảng sợ. Kí ức về bà lão mới ngày nào còn tươi xanh như bó rau non nhuốt, thế mà… Thời gian là lò lửa, ông lão nén tiếng thở ra. Càng tập trung vào việc vô thành phố, kí ức càng rời bỏ ông nhanh hơn. Trong lòng ông bỗng mọc lên cái nhọt. Nó tấy đau khi bâng quơ nghĩ rằng vào thành phố rồi ông không còn được gặp bà lão.
Trời chiều lòng ông lão. Tối đó, chỉ huy trạm 102 xuống gặp những người ngoại lệ thông báo về một ngoại lệ khác. Năm nay thật sự có quá nhiều ngoại lệ. Do bên cơ sở thủ công thiếu nhân lực đột xuất, họ muốn điều những người có khả năng qua thi tuyển bên đó. Hoặc ai có quen biết những người thợ khéo tay có thể giới thiệu, họ sẽ tự liên lạc phổ biến chuyện thi cử. Đột xuất như đi bộ trên lưỡi dao. Sự cần thiết và gấp gáp khiến nó trở thành cơ hội cho những người mong muốn nhưng khiến người ta có thể trở nên thừa thãi bất cứ lúc nào. Con cá kiệt sức chỉ còn biết cắn mồi câu cầm cự, biết sao được. Sức đâu nghĩ chuyện quá xa xôi.
Ông lão lập tức giới thiệu bà lão cho họ. Ông cung cấp địa chỉ để họ tìm. Ông tin với khả năng của mình, bà hoàn toàn có thể chiến thắng và trụ được. Như vậy, ông sẽ gặp lại bà. Hơn vậy, bà sẽ được ở cạnh gia đình mình. Có gì tròn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
*
* *
Ông lão nhìn từng người lần lượt ra đi. Họ không thể chờ nổi đến ngày thi. Hoặc kiệt sức, hoặc chỉ còn là nhang khói. Không gian rộng ra càng nặng nề.
Họ vẫn chưa liên lạc được với bà lão. Ông lão lo không biết bà có kịp thi không. Người săn tìm cơ hội chứ cơ hội không chờ ai cả.
Ông lão không biết bà lão đã đến chưa. Ông cùng mọi người đã được đưa vào phòng chờ. Cuộc thi sắp diễn ra. Dịp may cuối cùng. Tay chân ông tê như có điện vì hồi hộp và phấn khích. Hình ảnh bà lão hiện trong đầu, trấn tĩnh ông. Ông không được phép sai sót.
Người gác trạm đến gọi ông lão ra ngoài gặp người thân. Quái lạ, ai nhỉ? Khấp khởi, ông lão nghĩ, có khi con ông nhín chút thời gian ra động viên ba nó. Được vậy, ông thi đâu thắng đó, có hái sao trên trời cũng chẳng nhằm nhò.
Ông lão ngờ ngợ cô gái gầy gò đứng trước mặt. Cô có nét giống bà lão. À, mãi ông mới nhớ ra, đây là con gái riêng của bà. Lâu quá rồi mới gặp, ông quên cũng phải. Liệu cháu ông có quên ông như vậy? Ông lão khẽ thở dài. Lâu quá rồi…
Ông lão nhíu mày khó hiểu nhìn mớ hành lí lủ khủ của cô. Cô cười, trả lời nhẹ bâng:
- Con dọn ra ngoài sống cùng với mẹ con. Mọi chuyện gấp gáp quá, con nghe nói dượng đang thi ở đây nên qua báo tin về mẹ con. Tại con nghĩ khi dượng may mắn chiến thắng, chắc tin còn lâu mới tới được.
*
* *
Bà lão nhìn ông lão như không nhìn. Con gái bà lắc lắc đầu. Ông lão hiểu. Bà đã không nhận ra ông nữa.
Thứ bào mòn bà lão lần này không còn là ông mà là căn bệnh Alzheimer. Có lẽ vì kí ức trắng xóa, không còn gánh nặng, nên bà lão tươi tắn hơn.
Ông lão chống nạng cà nhắc tới bên. Nhờ cái chân què này, ông được trở về nhanh hơn. Dù rằng chính nó khiến ông vụt mất cơ hội vào thành phố. Ông nhìn trên bàn, cái máy phát nhạc đang ở đó. Nó hư rồi. Con chim bói cá không cử động nữa.
Bà lão sau vài giây bất động đưa tay xoa xoa đầu ông, gọi con trai. Miệng ông lão cứng đờ. Thứ hột gì đắng nghét vỡ trong ngực ông loang nhanh như vệt dầu. Ông rỉ hai dòng nước mắt.
- Tụi nó không về sao? – Ông lão hỏi.
Con gái bà lão lắc đầu. Không có quy định nào cấm người từ thành phố ra thăm người thân, chỉ có ngược lại. Tất cả nằm ở sự lựa chọn.
Ông gật nhẹ, nắm lấy tay bà lão, thử làm một việc mà bấy lâu ông chưa từng làm. Hơi ngượng ngùng và nghèn nghẹn, ông đẩy lưỡi cho từ bật ra:
- Mẹ ơi!
Bà lão cười hiền, mặt bừng sáng như chùm hồng trắng nở trong nắng mật. Đôi mắt hai giọt sương đọng, long lanh. Cái máy phát nhạc không vang nữa, con chim ngừng, con cá cũng ngừng, chỉ riêng bài hát vẫn vang lên đâu đây.
“...Một ngày thất bại về đây/ Con còn cha còn mẹ/ Còn quê nhà chờ”.
P.D
VNQD